Chiều
Một dòng sông quê,
tiếng ve râm ran buổi trưa hè, một đêm trăng rải vườn chè… Trong bao vẻ đẹp mà
thiên nhiên ban tặng đó, ta còn có vẻ đẹp của những chiều.
Mỗi mùa trong năm cho
chiều một vẻ đẹp riêng. Chiều Xuân thì êm đềm, tràn sắc hương; Hạ bầu trời cao,
nồm thổi ngọt; Thu nước trời ảo diệu (Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc – Thơ
cổ); Đông ảm đạm, giá rét…Thi nhân đã viết về chiều Xuân:“Chiều xuân sang
chuyến đò đông / Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi / Da sông mát rải da trời
/ Đây mùa xuân bén trên màu cỏ hoa / Hiu hiu… chiều ngả tà tà …/ Buồn lên xóm
vắng, cây nhòa khói xanh” (Chiều xuân Trung Kỳ - Hồ DZếnh). Buổi chiều về
thường đượm một vẻ buồn, người ta chẳng gọi “chiều buồn” đó sao?
Có người một bữa chợt kêu lên: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểi vì sao tôi buồn…”(Chiều – Xuân Diệu). Chiều làm cho người có cảnh ngộ éo le thêm nỗi tê tái lòng:“Chiều chiều mây kéo về kinh / Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta” (Ca dao).
Có người một bữa chợt kêu lên: “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểi vì sao tôi buồn…”(Chiều – Xuân Diệu). Chiều làm cho người có cảnh ngộ éo le thêm nỗi tê tái lòng:“Chiều chiều mây kéo về kinh / Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta” (Ca dao).
Vì buồn, cho nên chiều
gợi màu nhung nhớ, màu chiều cũng là màu nhung nhớ. Tuy âu duyên mới, bao cô
gái lấy chồng xa vẫn nhớ mẹ mỗi chiều: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về
quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Dù yêu phong cảnh đổi thay, những miền
quê xa đất lạ đến đâu, khách lữ thứ cũng chạnh nhớ nhà: “Tôi là người lữ khách
/ Màu chiều khó làm khuây / Ngỡ lòng mình là Rừng / Ngỡ hồn mình là Mây / Nhớ
nhà châm điếu thuốc / Khói huyền bay lên cây” (Chiều - Hồ DZếnh). Đến như bộ
đội bận với hành quân, với chiến dịch, anh cũng tranh thủ ngóng về quê hương:
“Cách biệt bao lần quê Bất Bạt / Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” (Quang
Dũng). Người chiến sĩ cách mạng gặp cảnh đẹp cũng để hồn mông lung với chiều:“Nhớ
gì như nhớ người yêu / Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” (Việt Bắc - Tố
Hữu).
Chiều là lúc trở về.
Anh là người đi xa lâu ngày, nay vừa bước chân tới đầu làng đã gặp lại cảnh
chiều xưa, khiến lòng anh bồi hồi cảm xúc: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
/ Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn / Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục
tử lại cô thôn…” (Bà Huyện Thanh Quan). Người xa xứ trở về làng, người đi làm
lụng kiếm sống trở về nhà mà người phong lưu đi “du xuân” cũng trở về nhà:“Tà
tà bóng ngả về tây / Chị em thơ thẩn dang tay ra về” (Kiều - Nguyễn Du). Mấy
người lỡ độ đường, dễ thường có anh học trò lều chõng ra kinh dự thi, vội vàng
hỏi thăm quán trọ để tìm chỗ ngủ đêm. Và rồi nơi chân mây kìa, cánh chim hải hồ
bay về tổ hình như cũng đã mỏi. Người xa xứ, người làm lụng trở về để rồi sẽ
được mẹ lam làm, vợ tần tảo thổi bùng bếp lửa chiều hôm (có người gọi đó là bếp
lửa ân tình), lo cho bữa cơm chiều sớm dọn lên. Đó là bữa cơm gia đình đoàn tụ,
bữa “cơm dưa muối khó khăn mới có” của nhà nông, của người quê. Nhưng còn những
người lỡ độ đường qua đêm trong quán trọ kia thì sao? Có kẻ may được “giấc kê
vàng”, không ít kẻ “túi rỗng không mà lòng cũng rỗng không” đành chịu cơn đói
run người, mong cho mau trời sáng, vì đường còn xa. Nhưng chiều rồi mà người
phương xa cứ lỗi hẹn chưa về, thì đó cũng là lúc người trong song cửa đợi
trông: “Mười ba năm trắc trở / Không hẹn về thăm nhau / Song chiều thơ thẩn đợi
/ Đêm xuống lạnh tàu cau” (Quách Tấn).
Nhưng ô kìa, chiều
cũng là lúc ra đi. Từ xóm chài đang nhộn nhịp cảnh chiều, bao chàng trai tráng
dong buồm ra biển khơi để kịp một đêm đuổi theo luồng nục, luồng thu mà có được
mẻ cá lớn. Trên sông quê vừa lúc con nước lên, mấy thuyền ngư phủ tiếp tục gõ
lưới, chờ màn đêm xuống mà thắp lên ánh lửa chài, cái ánh lửa chài đã làm nên
thơ xưa trác tuyệt: “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” (Phong Kiều dạ bạc –
Trương Kế. Mai Lăng dịch: Đèn chài cây bến đêm khơi giấc sầu). Buổi tịch liêu
trùm lên xóm vắng, có cô thôn nữ ra ngõ đứng nhìn trời, nhìn những ánh sao vừa
mới mọc, rồi bất giác khe khẽ ngâm câu ca diễm tình xưa: “Sao Hôm chờ đợi sao
Mai / Trách lòng sao Vượt nhớ ai băng ngàn / Trách lòng đò đã sang ngang / Xin
người giữ kỹ sợi tơ vàng hôm trao” (Ca dao). Một chiều kia, vì muốn xa thị
thành chật chội và bởi quen thói giang hồ vùng vẫy, có mấy chàng lãng tử say
men rượu và say vị đời đang sẵn sàng cho một cuộc khởi hành làm chuỗi ngày viễn
du: “Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt / Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan /
Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt / Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy cho ngoan
(Thơ say – Vũ Hoàng Chương). Chủ nhà không còn cầm chân được khách “viễn phương
lai” mà chỉ còn có cách lưu luyến tiễn biệt: “Đương lúc hoàng hôn xuống / Là
giờ viễn khách đi / Nước đượm màu ly biệt / Trời vương hương biệt ly” (Viễn
khách – Xuân Diệu). Thực là một cuộc chia tay đến mây nước ngậm ngùi.
Ai yêu chiều, thường
ít khi bỏ qua những dịp ngắm chiều về. Ai ngắm chiều về, sẽ được thấy chiều tô
điểm vẻ đẹp khắp muôn nơi. Nầy, một bức tranh thủy mặc hiếm có bày ra trên mặt
đất: “Đi rồi khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu / Trơ
vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người(Lửa thiêng
– Huy Cận); kìa một hội đất trời khác đang du hồn ta: “Lớp lớp mây cao đùn núi
bạc / Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa / Lòng quê dợn dợn vời con nước /
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Lửa thiêng – Huy Cận).
Trên kia, nói chiều
đẹp, chiều buồn, chiều nhung nhớ, “Chiều tương tư” (tên một bài thơ của
Xuân Diệu)… Mà cũng chính cái hồn chiều đó là chiều quê yên ả, thanh bình... Ta
có gặp chiều nữa với “gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi / Đồng quê vờn lượn chân
trời / Đường quê quanh quất bao người về thôn” (Bàng Bá Lân) với màu khói lam
tỏa lên từ mái tranh, ngọn khói đốt đồng trong gió, màu ráng chiều phía trời
tây cuốn hồn ta …cũng là để xác tín thêm điều đó thôi.
Dù không muốn, ta
không thể không nhắc tới cái trời chiều đen kịt của ngày thiên tai bão lũ, của
thời khói lửa chiến tranh khó mờ phai trong ký ức. Thiên tai bão lũ sẽ còn quay
trở lại, gây thảm họa cho con người, nhưng nguyện vọng hòa bình sẽ làm tiêu tan
những đám mây đen tích đầy âm khí chiến tranh.
Đời chiều, đời chạng
vạng có hẳn là đời buồn, đời vô ích? Chiều sẩm rồi, có chàng trai trẻ bách bộ
trên đường phố, hồn trí đang bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn
hương sực nức từ đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm tỏa. Thử hỏi, mấy ai chưa
một lần tìm đến gốc cây cổ thụ mà nương nhờ bóng mát?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét