Một chút tâm tình về nhà văn
Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"
“Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thảo khoa học quốc gia “HOÀI CỐ NHÂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH VÕ HỒNG” tại hội trường khu du lịch sinh thái của Sao Việt thành phố Tuy Hòa-Phú Yên, tôi và đoàn nhà văn thành phố HCM được mời dự hội thảo vì đang dự trại sáng tác ở đó.
Buổi hội thảo nầy đáng ra tổ chức từ năm 2021, sau nhiều lần
tạm hoãn do dịch cô vít đến hôm nay mới tiến hành được, hội thảo chỉ diễn ra
trong buổi chiều ngắn ngủi nhưng nó cũng cô đọng được nhiều vấn đề chính về sự
nghiệp văn chương của nhà văn Võ Hồng với rất nhiều bài tham luận đóng góp, qua
đó thể hiện tấm lòng của người dân Phú Yên đối với nhà văn Võ Hồng, người Phú
Yên có những đóng góp vào sự phăt triển văn học của nước nhà. Nhân buổi hội thảo
nầy tôi xin ghi lại một chút tâm tình, cảm xúc trân quí của mình đối với nhà
văn, nhà giáo Võ Hồng người mà thời tôi mới chập chững bước vào con đường dạy học
đã hết lòng ngưỡng mộ”.
Nhà văn Võ Hồng là tên thật, khi viết văn ông còn lấy
các bút danh khác: Ngân Sơn, Hồng Võ, Võ An Thạch. Sinh ngày 05 tháng chạp năm
Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923, mất ngày 31/2013 tại nhà riêng 51 Hồng Bàng-Nha
Trang để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Tôi còn nhớ cách đây hơn nửa thế kỷ, khi mới bước chân vào
Trường Đại Học Sư Phạm Cần Thơ ban Việt Hán, ngay trong buổi học đầu tiên giáo
sư hướng dẫn lớp chúng tôi sau vài câu chào hỏi làm quen, thầy dặn dò chúng
tôi nên đọc thêm một số tác phẩm của các nhà văn hiện đại có tiếng tăm
như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến…tôi còn nhớ thầy dặn đọc thêm Ngựa Chứng
Trong Sân Trường của Duyên Anh, Ngôi Trường Đi Xuống của Vũ Hạnh, Hoài Cố Nhân
của Võ Hồng… những tác giả có tác phẩm được đưa vào giảng dạy văn học ở miền
Nam lúc bấy giờ. Thời ấy hoàn cảnh tài chánh có khó khăn không cho phép tôi mua
nhiều sách đến thế nên tôi chỉ mua hay mượn đọc được một số tác phẩm tiêu biểu
trong đó Hoài Cố Nhân của Võ Hồng. Hoài Cố Nhân là tác phẩm đầu tiên nhà văn Võ
Hồng được nhà xuất bản Ban Mai in và phát hành năm 1959. Có thể nói tác phẩm
như một tờ giấy thông hành đưa ông vào con đường văn chương vì lúc đó tên tuổi
Võ Hồng còn rất mới mẻ, văn phong giản dị, ít trau chuốt có lẽ nhờ vậy đã
tạo cho người đọc sự gần gũi thân thiết chăng?
Tác phẩm viết về thời kỳ đất nước trải qua nhiều biến động của
thời cuộc, nói lên tâm trạng tầng lớp thanh niên trí thức bấy giờ khi đứng trước
ngã ba đường. Ước mơ, hoài bão của họ bị xáo trộn. Người dân ở nông thôn chịu ảnh
hưởng nhiều nhất nhưng họ lại rất mịt mờ về tình hình chung của đất nước, Hoàng
Gia Lý bị cuốn vào vòng xoáy thời cuộc đó. Hai nhân vật chính là Hoàng Gia Lý
và Xuân. Câu chuyện dẫn dắt bởi người xưng “tôi” là tác giả. Lý yêu Xuân từ năm
lớp nhất nhưng bị cấm đoán. Thời cuộc biến chuyển: Nhật đảo chánh Pháp rồi Nhật
lại thua Đồng Minh buộc rút khỏi Đông Dương. Lý muốn làm những việc hữu ích cho
đất nước xã hội, Anh tin tưởng hoàn toàn vào thuyết Đại Đông Á của người Nhật
nên xin thôi học vào làm ở tòa đại sứ rồi sở hiến binh Nhật, lúc nầy cónhững
câu chuyện thêu dệt về Lý làm cho người khác phải thán phục để rồi khi nhận ra
sự giả dối của người Nhật làm cho anh vỡ mộng, anh nhận ra mình đã sai lầm thất
bại. Tuy vậy sau đó Lý cũng tìm được một công việc có ích cứu giúp những người
nghèo khó ở Ty Cứu Tế Xã Hội sau tháng 8-1945. Cuộc tình của Hoàng Gia Lý và
Xuân tuy thành tựu nhưng sớm bị chia cắt bởi lẽ tử sinh. Lý trút hơi thở cuối
cùng sau cơn bệnh nặng trong một lần đi công tác để lại nỗi tiếc nuối buồn
thương của người vợ trẻ và đứa con thơ bé bỏng để rồi:
“…Cứ chiều chiều, hai mẹ con dẫn nhau ra sau vườn nhà,
nhìn ra cánh đồng xa. Hai mẹ con ở đó hàng giờ…
Chị thôi không nói nữa, mi mắt chớp mau. Chợt chị mỉm cười,
“à” lên một tiếng như chợt nhớ ra. Chị bế Thảo rồi cầm tay chỉ ra sân, chị nói:
– À, Thảo hát cái bài hát “Chiều chiều” cho bác nghe nào.
Nào:
– Cò ơi…
Bé Thảo bập bẹ:
– bay về…
– bay về…
– phương nao…
– phương nao…
Chị vỗ tay khen. Bé Thảo vỗ tay reo. Tôi cũng vỗ tay theo như
một cái máy.
Cò ơi, bay về phương nao…
Câu hát không lẽ dứt ở đó. Tôi chắc chị đã tiếp thêm bằng một
câu nữa, bằng vài câu nữa buồn hơn.”
Cánh cò bay về phương nao trong nỗi sầu “Hoài Cố Nhân”? Những
ai đọc truyện Võ Hồng đều có thể thấy rõ những ký thác hình ảnh, tâm hồn của
ông trong đó, từ Hoài Cô Nhân, Trầm Mặc Cây Rừng, Vết Hằn Năm Tháng đến Nhánh
Rong Phiêu Bạt, Như Cánh Chim Bay, Hoa Bươm Bướm… nên tôi thật sự không biết
trong tác phẩm Hoài Cố Nhân của ông có bao nhiêu phần trăm cái “tôi”trong đó,
còn trong thực tế ông là người đàn ông góa vợ sớm và sống lặng lẽ như thân cò
bươn trải nuôi ba đứa con trưởng thành cho đến lúc chúng đủ lông đủ cánh bay đi
xa để ông ở lại sống cô độc buồn bã trong những ngày tàn bóng xế. Ông sống
trong một nỗi buồn lặng lẽ với lòng “Hoài cố nhân” không nguôi. Nhả văn bác sĩ
Đỗ Hồng Ngọc có kể một câu chuyên nhỏ rất cảm động về ông trong một lần ghé
thăm Võ Hồng:
“…Trở lại chuyện thăm anh ở Nha Trang lần nầy, tôi thật
bất ngờ thấy anh không còn “cô đơn” nữa. Trong phòng anh treo tấm ảnh chân dung
khá lớn của cô đào hát bóng xinh đẹp Lý Linh, người đóng vai Tống Khánh Linh
trong phim nhiều tập chiếu trên truyền hình! Thì ra “ông lão” mê cô tài tử nầy
không biết từ bao giờ! Thấy tôi bỡ ngỡ, anh cười: “Đứa cháu mình ở ngoài
quê coi phim rồi nói với mình: Cậu ơi, sao mà cô đào đóng phum nầy giống hệt mợ…Mình
giật mình, “kiểm chứng” lại quả có nhiều nét giống y hệt vợ mình hồi đó, nên
mình treo ảnh nầy lên đây”. Anh lại có vẻ ngượng.
Nhớ tết nầy anh đã tám mươi, tôi thử bói cho anh một quẻ bằng
cách mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn Trầm Tư của anh mà tôi gọi là
“bói Võ Hồng”, tình cờ trúng câu 259, câu trao đổi của anh với một “cô nào đó”,
chắc là Lý Linh:
Em như đóa hồng dành cho vương tông quyền quy, còn anh…
Câu đó phải do em nói. Tâm hồn anh đẹp và mảnh như hoa. Nên
khó nuôi dưỡng, khó chăm sóc. Em đành phụ bạc anh…
Vậy là anh chàng “Tú Uyên” Võ Hồng với “tâm hồn đẹp và mảnh
như hoa” đó vẫn đợi chờ nàng Giáng Kiều từ trong tranh một hôm nào đó lại bước
ra…”
(Nhớ đến một người – Đỗ Hồng Ngọc, trang20)
Trong một buổi sáng đầu tháng tư 2013 khi đang ngồi uống cà
phê với bạn như mọi ngày, đọc tờ Tuổi Trẻ thấy bài báo “Thầy đã về đầu non” của
Trần Huiền Ân kể về sự ra đi của nhà văn Võ Hồng mà lòng cảm thấy buồn bã nặng
trĩu, thêm một cây đại thụ trong văn học miền Nam về cõi vĩnh hằng, tôi đã viết
bài thơ nầy như một nén tâm nhang đưa tiễn ông:
NGƯỜI VỀ ĐẦU NON
*Tưởng nhớ nhà văn Võ Hồng
Người đi “Như cánh chim bay”
“Hoa bươm bướm” nở nhớ “Hoài cố nhân”
Biết ai “Trầm mặc cây rừng”
“Vết hằn năm tháng” ở “Bên kia đường”?
Cạn nguồn “Con suối mùa xuân”
“Nhớ thầy cũ” “Một bông hồng cho cha”
“Nhánh rong phiêu bạt” giang hồ
“Tình yêu đất” lại “Trở về” trong tim
Một “Tia nắng rớt” bên thềm
“Nhẹ hơn gió thoảng” nỗi niềm “Quạnh hiu”
“Mùa hoa xoan” rụng hiên chiều
“Dấu chân sa mạc” còn nhiều “Di ngôn”
“Mái chùa xưa” phủ rêu phong
Đóa “Hoa chỉ nở một lần” mà thôi
Hương thơm “Hoa khế lưng đồi”
“Niềm tin chưa mất” “Vẫy tay ngậm ngùi”
Mịt mờ “Gió cuốn” bên trời
Còn đâu “Cánh bướm” lạc loài chiều quê
“Vùng trời thơ ấu” tái tê
Trăm năm xin tiễn “Người về đầu non”
Ngôi nhà ở đường Hồng Bàng – Nha Trang nơi lưu giữ dấu chân và gác sách của ông cũng không còn, tất cả cũng lui vào ký vãng nhưng chắc chắn những người học trò, những người yêu văn ông vẫn nhớ mãi một người thầy tận tâm với nghề, một nhà văn làm rạng danh vùng đất Tuy Hòa đày nắng gió nhưng rất hiền hòa hiếu khách.
Tham khảo:
Hoài Cố Nhân - cò ơi bay về phương nao? – Triều Hạnh
Võ Hồng vào tuổi 80 của Đỗ Hồng Ngọc.
Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, 13/5/2022
Lương Thiếu Văn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét