Cùng trong một tiếng tơ đồng
Thúy Kiều – nhân vật chính trong tác phẩm "Truyện
Kiều" của thi hào Nguyễn Du- là nhân
vật mà Nguyễn Du dành nhiều ưu ái nhất, gửi gắm nhiều tâm huyết nhất. Phải
chăng có sự tương cảm về cuộc đời truân chuyên, lận đận của Kiều mà Nguyễn Du
đã nhờ Kiều nói thay mình nhiều nhất về cuộc đời, về nhân sinh quan, thẩm mỹ
quan sáng tác ; như cảm nhận của nhà thơ Tố Hữu: "Tố Như ơi, lệ
chảy quanh thân Kiều".
Cuộc đời Kiều đo bằng mười lăm năm lưu lạc, đong
đếm bằng tâm trạng bi thương, bằng đầm đìa nước mắt và thổn thức trong tiếng
đàn "bạc mệnh" đọan trường!
Tiếng đàn của Kiều đã vang vọng suốt chiều dài
tác phẩm, vào đúng những thời điểm chuyển giao, đánh dấu những bước ngoặt của
số phận...
Có đến chín lần Kiều gảy đàn: (1)lúc tương ngộ,
trao duyên cùng Kim Trọng; (2)lúc Mã Giám Sinh thử tài sắc; (3)lúc ở lầu xanh;
(4)lúc sống với Thúc Sinh; (5)lúc Thúc ông tra vấn ép đánh đàn, làm thơ; (6)lúc
làm nô tỳ ở nhà Hoạn Thư; (7)lúc hầu tiệc vợ chồng Hoạn Thư; (8)trong tiệc mừng
công của Hồ Tôn Hiến và (9)lúc đoàn viên với Kim Trọng.
Tuy nhiên, cung đàn hay nhất, thổn thức nhất
được Nguyễn Du đặc tả ở bốn bước ngoặt trong cuộc đời Kiều.
1. Trao duyên cùng Kim Trọng:
* Kiều gảy đàn
"So vần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã- Phượng Cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạt bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa".
Thúy Kiều-KimTrọng, \
Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm
Đây là lần đầu tiên Kiều đánh đàn cho người khác
nghe.
Hẳn đây là nhạc phẩm "Bạc mệnh" do Thúy Kiều soạn lúc tuổi còn cập kê.
"Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân".
Bản đàn có bốn khúc thức:
- "Khúc đâu Hán Sở tranh hùng
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau".
Khúc đàn bi ai của hồn tử sĩ, của tiếng binh khí
va chạm, tiếng nhạc ngựa vang vang...cảnh của bãi chiến trường, cảnh con người
tương tàn, sát hại nhau, đau thương tràn ngập.
- "Khúc đâu Tư Mã- Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!"
Khúc đàn ai oán, chan chứa ẩn tình tha thiết
giữa Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân.
- "Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân".
Khúc đàn gợi lên nỗi lòng cảm khái nhớ đất Quảng
Lăng của nhà Ngụy mất vào tay nhà Tần; cũng là sự vô thường của sự đời, của phù
vân, như nước chảy mây bay.
- "Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia".
Khúc đàn nức nở của cảnh tử biệt sinh ly, của
cõi lòng tê tái; cảnh chia lìa của mối tình Hán Nguyên Đế và Vương Tường (Chiêu
Quân) khi Chiêu Quân qua cửa ải, trên đường triều cống Rợ Hồ.
Bản nhạc đàn dạt dào cảm xúc, nhiều cung bậc,
réo rắt thanh âm; tiếng đàn uyển chuyển như nước chảy, mây trôi; trong trẻo như
tiếng cánh hạc bay qua, ầm ào như thác đổ, như tiếng gió nhẹ, tiếng mưa ồ ạt
rơi, tiếng binh khí, tiếng nhạc ngựa...
Trao duyên bằng bản nhạc ai oán, nức nở, phải
chăng là điềm gỡ, là dấu hiệu của cuộc tình buồn, tan vỡ, chia ly?! Buồn đến
nỗi, Kim Trọng-người trong cuộc-nghe tiếng tơ đồng mà lòng dâng đầy cảm xúc:
"Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày".
Rằng: " hay thì thật là hay,
"Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!"
2. Hầu tiệc vợ chồng Thúc Sinh-Hoạn Thư
Sau buổi trao duyên đó, đời Kiều bước vào cơn
gió bụi.
Với thân phận vợ lẽ, Kiều bị mụ Hoạn Thư-con
quan Lại Bộ-vợ cả của Thúc Sinh bày mưu hành hạ, đọa đày để thỏa cơn ghen tức
lạ đời:
"Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đọa, cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay".
Kiều bị bắt cóc, bị đánh đập tàn nhẫn và...xung
vào đội nô tỳ của nhà họ Hoạn.
Thúc Sinh làm ăn xa, trở về nhà.
Buổi gặp lại, bữa hầu tiệc trớ trêu đã diễn ra.
"Tiểu thư cười nói tỉnh say,
Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi
Rằng: "Hoa nô đủ mọi tài,
Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe!"
* Kiều gảy đàn:
"Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm."
Nguyễn Du quả là tài tình khi miêu tả tâm lý và
đúc kết tâm trạng của Thúy Kiều, Thúc Sinh (người trong) và Hoạn Thư (người
ngoài) một cách tinh tế, cô đọng, đầy tình thương cảm với người trong cuộc.
Có cảnh nào trớ trêu hơn: vợ-chồng thành chủ-tớ,
thành người xa lạ, chẳng dám nhìn mặt nhau. Tiếng đàn của Kiều đã dấy lên điều
đó. Tiếng đàn như khóc như than...làm tan nát cõi lòng người trong cuộc.
Hãy dõi theo tâm trạng Thúc Sinh khi nghe đàn:
"Giọt châu lả chả khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương"
"Sinh càng thảm thiết bồi hồi
Vội vàng gượng nói gượng cuời cho qua."
"Sinh thì gan héo ruột đầy
Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng".
Mộng Liên Đường Chủ nhân (Văn sĩ, đỗ Tú tài năm
1820, thời Minh Mạng) nhận xét: "Ta nhân lúc đọc hết cả một
lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã
hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng
nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái cái bút lực ấy...".
3. Hầu tiệc mừng công thắng trận của Hồ Tôn Hiến
Cơn gió bụi trong cuộc đời Kiều một lần nữa dậy
lên.
Từ Hải nghe lời khuyên của Kiều về hàng quân
triều đình để có cuộc sống vinh hoa, an bình, theo lời hứa hẹn của Hồ Tôn Hiến,
mà bị phục binh, thất trận, tử vong giữa chốn trận tiền.
Chưa hết bàng hoàng, đau đớn thất thần giữa đám
hỗn quan, hỗn quân; trong bữa tiệc mừng công, Hồ Tôn Hiến:
"Bắt nàng thị yến dưới màn
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu".
* Kiều gảy đàn:
"Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vuợn hót nào tày."
Miêu tả tâm trạng như thế quả là tuyệt bút. Quả
là đầy tính nhân văn!
Chỉ vì thương xót thân phận chìm nỗi của Kiều,
muốn thôi dấy binh để có được cuộc sống yên bình hạnh phúc mà Từ Hải đã phí đi
một đời ngang dọc; trả giá cả sinh mệnh của mình. Có cay đắng nào hơn khi vợ,
vì nhẹ dạ, đã đẩy chồng vào chỗ chết! Bây giờ lại bắt phải gảy đàn mua vui cho
kẻ đã chủ mưu giết hại chồng mình! Trái tim rỉ máu vì nỗi thảm sầu, năm đầu
ngón tay đánh đàn nhỏ máu vì thân xác cũng đớn đau vô hạn!
Nguyên Lượng đánh giá: "Chỉ thử
nhất cú vô hạn thương cảm, tưởng đương nhật Thúy Kiều ngũ chỉ thượng huyết
thanh đô tùng tác giả nhất chỉ bút đầu tâm huyết trung xuất lai". Chỉ một câu đây mà lòng thương cảm vô hạn,
tưởng ngày ấy những tiếng đẫm máu trên năm đầu ngón tay của Thúy Kiều đều do từ
tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút.
Tiếng đàn quá não nùng ai oán khiến Hồ Tôn Hiến,
một võ tướng, đang hừng hực khí thế thắng trận, khi nghe đàn:
"Lọt tay Hồ cũng nhăn mày châu
rơi
Hỏi rằng: "này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!"
(Thưa rằng Bạc mệnh khúc này/Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ).
Mộng Liên Đường Chủ nhân viết: "Khúc
đàn Bạc mệnh gảy xong mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu người đời xa khuất,
không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn
bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm
ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải".
4. Kim- Kiều tái hợp
Đoạn trường rồi cũng qua!
Muời lăm năm lưu lạc, thân phận như sóng vỗ bèo
trôi rồi cũng đến lúc sum vầy, khổ tận cam lai. Kim Trọng và Thúy Kiều khi gặp
lại:
"Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi
tình xưa
Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây"
"Tình xưa lai láng khôn hàn
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa".
* Kiều gảy đàn:
"Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên?
Trong sao châu nhỏ duyền quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông".
Đây là lần cuối cùng Thúy Kiều đánh đàn. Cũng
bởi vì tiếng đàn "Bạc mệnh" đã đeo đẳng số phận lênh đênh của Kiều
suốt mười lăm năm; tiếng đàn đã vận vào tình yêu tan vỡ, ly biệt của Kiều và
Kim Trọng...Và, chỉ một lần này nữa thôi, dành cho người tri kỷ, người bạn tình
chung:
"Một phen tri kỷ cùng nhau
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa".
Tuy vẫn là bản đàn "Bạc mệnh" ấy song
giờ đây, bằng tình xưa lai láng; bằng niềm hân hoan vì "gương vỡ lại
lành"; trái tim Kiều rung lên khúc đàn tình ái, tưởng như còn trong miền
ký ức, nửa thực nửa mộng...Khúc đàn trở nên đầm ấm, êm ái xuân tình; âm thanh
trong trẻo, ấm áp vô cùng...đến nỗi Kim Trọng, người tình xưa, nghe tiếng đàn
cũng cảm thấy khác lạ:
"Chàng rằng: "Phổ ấy tay nào
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?".
Bốn lần gảy đàn kể trên đều là bốn lần không do
Kiều tự nguyện! Cùng là một bản đàn nhưng Nguyễn Du miêu tả bốn lần đều mang
sắc thái, thanh âm khác nhau...cách thể hiện lại tinh tế, sinh động trạng thái
tâm lý, chuyển biến tình cảm của "người trong cuộc" một cách tài
tình. Có thể nói, tiếng đàn nhiều cung bậc, đầy tâm trạng ấy đã tác động mãnh
liệt đến tâm tư, tình cảm người nghe đến tận cùng.
Dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Du, thông qua
tiếng đàn của Thuý Kiều, thế giới tình cảm tế vi của các nhân vật: Kim Trọng,
Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến...và nhất là Thúy Kiều được cụ thể hóa một
cách sinh động, đặc sắc. Tả hoạt động để chuyên chở tâm trạng, tình cảm; từ tâm
trạng, tình cảm hiện lên đầy đủ bản sắc, tâm hồn, tính cách nhân vật- Bản thể
người.
Điều cuối cùng, qua tiếng đàn của Thúy Kiều,
người đọc cảm nhận sức mạnh vô biên của âm nhạc. Tiếng tơ đồng cũng chính là
tiếng lòng; là nhịp đập đầy bất trắc của con tim trước cuộc đời biến động, trao
đến con tim người nghe những cung bậc đầy ắp tâm tình.
Và, chính ngòi bút Nguyễn Du mới làm nên điều kỳ
diệu đó.
Phố biển,
Giêng, 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét