Vũ Ngọc Quang
Ngọc Lan sinh ra tại làng Tây Hồ.
Tuổi ấu thơ êm đềm trôi trên những con đường nhỏ đầy nắng và gió. Lan đi qua
tiếng thoi đưa của mẹ. Ngẩn ngơ ngắm nhìn màn sương mỏng trên mặt hồ. Để rồi
nhớ mãi thời cắp sách dưới mái trường Quảng An ngày ấy.Chúng tôi ngồi
trong một quán nhỏ nghe Lan kể lại nỗi truân chuyên của đời mình và niềm đam mê
âm nhạc. Tiếng ve lăn tròn trên sóng nước, nao nao gà con tìm mẹ, rả rích cuốc
kêu nhắn nhủ bạn tình. Có lẽ chiều hôm qua đẹp quá, nên Hồ Tây đã ôm chặt
vào lòng mình cả màu mây trắng, để sáng nay đất trời thêm tinh khôi. Mùa
hè đậu trên vai cô gái trẻ, rơi xuống những chiếc lá khô khốc bên đường.
Từng giọt nắng ướt mềm thơ dại,
nhuộm xanh một ước mơ vội vã đi qua, để rồi ngọt đắng trên đường đời nhòa trong
ký ức. Có tiếng chuông chùa lặn vào mây nước, u sầu như tiếng mẹ thương nàng
Kiều phận gái má đào. Nửa đời người, Lan giữ trong hồn khúc hát trao duyên, giữ
trong mình những câu giã bạn "Người ơi người ở đừng về". Nửa đời
người chỉ biết ẩn mình trong vắng lặng, âm thầm...
Dĩ vãng buồn đau ấy đã đi qua, giờ
đây Lan đang hối hả lấp đầy mấy chục năm khát thèm được ca hát. Bên cô là Vy
Linh, Thuỷ Tiên. Hai cô con gái yêu thương mẹ hết lòng, cũng là động lực thôi
thúc Lan trên sàn diễn. Vy Linh yêu thích Nhạc trẻ, Thuỷ Tiên học lớp 11. Ở
tuổi này rồi mà vẫn còn nũng nịu "Mẹ nhớ mua sữa cho con, nhớ mua
chocolate nữa mẹ nhé...". Sau những buổi diễn Lan lại trở về với chức năng
người mẹ, chăm chút cho hai cô con gái. Có nhiều lần Ngọc Lan và Vy Linh đi
diễn chung, hai ca sĩ ấy một mẹ một con rất ăn ý nhau trong từng tiết mục, góp
phần làm nên những buổi diễn sinh động, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng
khán giả từng đêm.
Gần đây tôi mời Lan thu thanh một
bài hát của nhạc sĩ Trần Đức Quảng. Anh ở mãi tận Hải Phòng, phải đi chuyến xe
Hoàng Long thật sớm để đến phòng thu đúng hẹn. Vừa bước vào cửa đã thấy Ngọc
Lan ở đó rồi. Cô hát cho anh nghe với tất cả nhiệt tình, cô biết rằng ca sĩ là
người sáng tạo thứ hai sau tác giả.
Kỹ thuật thu thanh đã tiến một bước
dài, có thể gắp một tiếng hát này đặt vào chỗ khác, có thể Copie một đoạn dài
rồi Paste vào đoạn sau không cần hát lại. Rồi những hiệu ứng âm thanh (Effect)
làm cho tiếng hát vang vọng hơn, xào xạc hơn. Cũng vì thế mà ngày nay ca sĩ
ít tập ở nhà, chỉ khi đến phòng thu mới chịu đi tìm cao độ, tiết tấu.
Chẳng may lạc bước sang nhà hàng xóm thì cắt, nối, nhồi, có sao đâu. Câu nhạc
bị chặt ra từng mảnh, rồi được ghép lại trông rất đẹp mắt. Có nhạc sĩ sau khi
nghe laị tác phẩm của mình cứ thở dài sườn sượt.
Trong số không nhiều những ca sĩ có
trách nhiệm với nghề nghiệp, Ngọc Lan luôn đứng trong tốp người đó. Đêm đêm
trên căn gác nhỏ đường Xuân Diệu, Lan thường cặm cụi vỡ bài và tìm cách xử lý
những nốt nhạc, những câu chữ trong lời ca. Nhiều nhạc sĩ có tác phẩm mới
thường tin tưởng gửi gắm cho Lan và hài lòng sau khi nghe bản Mix ở phòng thu
âm.
Ngọc Lan không được đào tạo bài bản
ở một trường nhạc nào cả. Thay vào thiệt thòi đó, Lan đã nghe nhiều băng đĩa
của đồng nghiệp, học ở họ những sáng tạo, những kinh nghiệm để rồi áp dụng cho
mình. Lan thường khiêm tốn tự nhận là ca sĩ nghiệp dư. Nhưng năng khiếu âm
nhạc, cảm xúc âm thanh và sự học hỏi của Lan đã xoá đi những nhận định khó tính
của người nghe.
Ngọc Lan có một âm vực khá rộng gần
2 quãng 8. Âm khu trầm ấm áp, âm khu cao trong sáng, mượt mà. Lan đã thử hát
nhiều thể loại từ nhạc thính phòng đến dân gian, từ những bài hát ngoại quốc
đến âm nhạc thịnh hành để tìm cho mình một hướng đi. Tôi đã dành cả một ngày để
nghe Ngọc Lan hát trong CD có tên " Trăng về phố" . Những ca khúc
trong CD này khá đa dạng về đề tài, từ Kinh bắc đến Sông Lam nơi có câu ví dặm
chung tình, từ "Mẹ yêu con" đến "Ngồi tựa song đào", từ
"Đợi" đến "Lời ru", từ "Quảng Bình quê ta ơi" đến
"Buông áo em ra"...Lan hoá thân vào những câu nhạc của Hoàng Vân, Huy
Thục, Lê Mây, Vũ Ngọc Quang, Nguyễn văn Tý...để rồi tiếng hát vút lên, bay
bổng, ấm nồng. Lan bộc bạch cảm xúc của mình, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với
người nghe. Không gò bó, gượng ép. Tiếng hát ấy như người bạn ân cần, như giọng
nói ấm lòng, như người tình dịu dàng đến thăm ta trong một chiều đông buốt
giá... Lan không phụ thuộc vào việc phải lấy hơi thế nào cho đúng với
tiết nhạc, phải uốn lượn khẩu hình thế nào cho điệu đà, phải nhắm mắt vào lúc
nào để đánh lừa khán giả một xúc động như ta thường thấy trên TV Lan không giả
dối. Lan đắm đuối một giai điệu mềm như nhung, vỗ về tiết tấu đong đưa như sóng
gợn mặt hồ, nhấn nhá một hư tự để truyền tải những xúc động rất thật của lòng
mình. Lan xóa đi khoảng cách giữa sân khấu và cuộc đời, giữa người hát và người
nghe, để rồi chỉ còn âm nhạc bay lên nhoà ướt một ngấn lệ đồng cảm, chắt chiu
từng giọt mật ngọt, thơm thảo gửi đến người nghe. Cho dù hôm ấy Lan thắt khăn
mỏ quạ, mặc áo tứ thân hay chỉ với chiếc áo dài nền nã. Dù với phần đệm thật
đầy của bộ giây, bộ gỗ, hay chỉ chói chang với một tiếng sáo trúc trong veo,
nặng trầm một hợp âm của đàn piano, Lan vẫn như thế giữa cuộc đời bề bộn hôm
nay.
Xóm giềng và bạn bè vẫn thấy Ngọc
Lan đi về trên chiếc Attila màu sữa. Nắng hay mưa, người nghệ sĩ ấy luôn hối hả
trên mọi nẻo đường Hà Nội. Cuốn sổ tay ghi đầy những công việc. Ngọc Lan còn là
trưởng đoàn của Đoàn Nghệ thuật Hoa sữa với những diễn viên là bạn bè, người
thân cùng có chung một mục đích là yêu ca hát. Đoàn thường sinh hoạt tại Nhà
Văn hoá Trung tâm, được Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội và Trung tâm Unesco bảo tồn
và phát triển văn hoá Bắc bộ đỡ đầu. Đoàn thường xuyên biểu diễn trên các
sân khấu lớn nhỏ của Thủ đô như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và các sự kiện khác
của Hà Nội và đất nước.Một âm thanh nhạc chuông cắt ngang cuộc trò chuyện của
chúng tôi. Lan từ chối lịch sự bằng nút bấm trên điện thoại. Chúng tôi trầm
lặng nhìn xuống mặt hồ, để những chuyện đời, chuyện mình trôi theo từng đợt
sóng nhỏ.
Nơi chúng tôi ngồi là đường Cổ Ngư.
Hồ Tây ngày xưa thanh bình lắm. Sâm cầm vẫn thường về đây trú ngụ. Những chú cò
trắng đậu trên cành cây, rỉa lông trong nắng cuối chiều nhạt nhoà giống như một
bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hồ Tây ngày xưa rộng hơn bây giờ. Đứng bên này
nhìn sang bên kia không thấy bờ, không có con tàu nằm chềnh ềnh trên mặt nước
đón thực khách bốn phương. Hà Nội thanh lịch lắm, nghe nhạc cũng có gout hơn
bây giờ, nam thanh nữ tú không văng tục, không nổi nóng trên đường phố. Người
Tràng An ngày xưa đâu có thế. Các cô gái Hà Nội dịu dàng, nữ tính trong tà áo
dài khiêm nhường lịch lãm.
Tiếc thật ! Hà Nội trong thời mở cửa
mất đi nhiều thứ quá. " Tôi có người em gái tuổi chớm dâng
hương, mắt nồng rộn ý yêu thương"... Giai điệu đẹp như thơ của Đoàn
Chuẩn vang lên đâu đó. Rồi " Hà nội ơi ! Phố phường giãi ánh trăng mơ,
liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ..." của Hoàng Dương
cũng theo gió vọng lại từ một quán Café bên đường. Chúng tôi ngồi nghe, tìm lại
vẻ đẹp mộng mơ thuở nào. Ngọc Lan tặng tôi nghe mấy câu thơ cô vừa viết:
"Ước muốn anh thành câu Ví Dặm
Đọng lại trên môi khi em hát yêu anh
Câu hát yêu thương, da diết, mong
manh
Trong phút chốc bỗng thành cơn gió
Anh lang thang tìm giữa bao lối ngỏ
Cay chát bờ môi câu hát Dặm chung
tình
Đêm vắng cô đơn anh tự hỏi mình
Em ở đâu ? Người yêu câu ví
dặm".
Nắng đã lên cao, chúng tôi chia tay
nhau. Em đi về cuối đường Nhật Tân để nhận lời một buổi diễn.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về sự thật, giả
của cuộc đời. Thật, giả của cảm xúc và sự thanh cao nhọc nhằn của người nghệ
sỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét