Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Tản văn - Trịnh Công Sơn

Tản văn - Trịnh Công Sơn

Quán Minh
·   
TRỊNH CÔNG SƠN
PHÁC THẢO CHÂN DUNG TÔI


  Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc…
Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Ðó là những năm 56 – 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người vàcuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành…

ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT HỒI ỨC
Viết hồi ký về đời mình là quyền của mỗi con người. Ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm buồn, vui trong đời. Tuy nhiên cũng có những hồi ký tự thuật và những tường trình về đời mình có tính cách thiếu khiêm tốn và đôi khi không gần gũi với sự thật lắm. Ðiều đó dễ dẫn ta đi vào một thứ trận đồ bát quái tâm linh, không có thật. Tôi rất ngại nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở xuất bản trong và ngoài nước đề nghị viết về một quá trình khá dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Cái tôi đáng ghét (Le moi est haissable) nhưng cái tôi cũng có lúc đáng yêu vì cái tôi đó biết mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Ðó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời.
Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.
Ai cũng biết cuộc đời này là quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy mãi cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần không dễ, không dài. Rồi sẽ có phút chia lìa. Phút ấy không biết còn ai nhớ ai nữa không trên mặt đất trần gian này.
Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận. Thời trẻ tôi học võ và chơi những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài hơn hai năm do tập dợt judo với người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều gì đó với cuộc đời. Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian.
Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người. Vì thế tôi đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người.
Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi đã không mắc phải một lỗi lầm nào cả.

CA KHÚC LÀ NỖI LÒNG CỦA CON NGƯỜI

Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quá trình 40 năm sáng tác của ông là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Ông coi ca khúc là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh; là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Công việc sáng tác ca khúc không chỉ cho phép ông giãi bày những niềm vui, nỗi buồn của mình, mà cao hơn, nó còn mang tình yêu, lòng nhân ái tới mỗi người.
Soi gương
Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều sợi tóc bạc.
Tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong. Như những họa sĩ tập sự bắt đầu sự nghiệp mình bằng cách sao chép lại tác phẩm của những nhà danh họa, tôi cũng chọn một số mẫu mực âm nhạc mà tôi yêu thích và thay đổi giai điệu bên trong ở thời kỳ đầu. Đó là những năm 56 – 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên ham muốn trở thành nhạc sĩ. Đối với cái bề mặt xã hội lúc bấy giờ, tương lai có nhiều tiếng gọi khác hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn cho một con người còn trẻ tuổi.
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố quên lãng thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Mấy mươi năm nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình; đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Trái đầu mùa
Bài hát đầu tiên do Nhà xuất bản An Phú phát hành năm 1959 tại Sài Gòn. Đó là những cảm xúc được ghi lại từ những giọt nước mắt của một ca sĩ nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Cô hát để kiếm tiền nuôi mẹ đang hấp hối trên giường bệnh.
Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng, tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm, sáu trăm đồng.
Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn hút về phía những tình cảm phức tạp của con người.
Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.
Gặp gỡ
Năm 64 – 65, tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Quốc gia).
Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gồm đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn guitar dưới ánh sáng đèn. Với một hành trang nhẹ nhàng bằng hai mươi ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình và những bài sau này được gọi là “phản chiến”, tôi đã cố gắng hết sức để một mình đảm nhận vai trò đưa nỗi lòng của mình đến với quần chúng. Buổi hát đã để lại một ấn tượng khá tốt đẹp cho cả người trình bày lẫn người nghe.
Trong buổi diễn có một bài hát được yêu cầu hát đến lần thứ tám và cuối cùng mọi người tự động hát theo. Sau buổi diễn tôi đã được “bồi dưỡng” bằng một tiếng đồng hồ ngồi ký tên trên những trang giấy của tập bài hát quay roneo dành cho người nghe.
Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa người sáng tác và người nghe. Những buổi trình diễn nối tiếp ở các giảng đường đại học khác cũng được lặp lại trong một bầu không khí nồng nhiệt như thế. Trong tôi bắt đầu sáng lên một khái niệm: đó là ý thức về trách nhiệm của người sáng tác đối với công chúng.
Thuở ấy Nhị Xuân. Em ở nông trường. Em ra biên giới.
Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ mầu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một mầu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long ẩn và tôi…) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khỏe mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng là có lỗi với cuộc đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.
Thông điệp
Mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật.
Có một điều chắc chắn là không có ai làm nghệ thuật một cách không nghiêm túc. Con người còn lắm chỗ, lắm nơi để bày ra những trò phù phiếm. Tuy nhiên, cũng có không ít những người quan niệm rằng làm nghệ thuật không vì một mục đích nào cả nghĩa là muốn hoàn thành một thứ nghệ thuật không có cứu cánh.
Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều. Tôi không chọn ca khúc như một chặng đường để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào những thể loại to lớn hơn. Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.
Ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát. Con người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu. Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người. Nó đủ khả năng hát về một cái chồi non vừa nhú cho đến cái chết của một con người. Nó chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó ở cùng với điều nhỏ nhất và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy ca khúc bối rối trước những điều tưởng không nói được. Nó đã đi qua bao nhiêu mùa mang giữa lòng cuộc sống con người và thường nó có mặt bên cạnh con người như một lời an ủi. Cũng vì thế, tôi đã có lần nuôi tham vọng gán ghép cho ca khúc một cái gì đó lớn hơn, tràn đầy ra ngoài cái hình thể nhỏ nhắn và khiêm tốn của nó. Đó chính là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, những chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống. Nó có bổn phận phải cưu mang trong từng dòng nhạc dòng chữ cái phần tinh khiết nhất của hạnh phúc và bất hạnh. Như vậy, ca khúc ngoài cái vai trò mua vui cũng được một vài trống canh, nó còn phải đảm nhiệm cái sứ mệnh đẹp đẽ mà các anh chị em họ hàng nghệ thuật của nó đã và đang làm.
Tôi nghe một tiếng hát và tôi thấy lại cả một khoảng trời đầy kỷ niệm. Tiếng hát đi từ tôi đến anh bằng con đường ngắn nhất. Cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến sự cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ.

SỐ PHẬN MỘT BÀI HÁT – THE FATE OF A SONG

“Cuối năm 1999 tôi phổ nhạc cho một bài thơ của một người bạn thân. Bài thơ được viết để tặng một người bạn gái ở Mỹ và nó cũng được chấp bút tại Mỹ………Tôi nghĩ rằng mỗi bài hát đều có thể có một số phận, đôi lúc tưởng viết cho người này hóa ra lại ứng vào một kẻ khác. Và như thế, bài thơ tôi vừa phổ nhạc xong có thể sau khi đi qua hai cuộc tình rất mơ màng và mỏng manh sẽ có một cuộc hành trình rong ruổi khác để tìm cho ra một tình yêu vững bền hơn để bài hát có thể gửi gắm mình vào đó. Không phải bài hát nào cũng có một số phận trớ trêu như nhau. Có những bài hát nhẹ nhàng đến với mọi người và có cuộc sống bình yên. Những bài hát như thế thường để lại trong tâm hồn con người một sự thanh thản vô cùng. Bên cạnh đó lại có những bài hát có một số phận hẩm hiu. Nó không có được một cuộc sống bền lâu và vội vã trôi dạt vào quên lãng.
Tôi muốn làm một hành giả đi qua cuộc đời này để qua những ca khúc nói lên được những điều hư thực của cuộc sống, những buồn vui hạnh phúc và bất hạnh của đời người và tôi đã chứng thực được điều này: Số phận những ca khúc tôi viết ra đôi khi trong một số hoàn cảnh nào đó đã ít nhiều vận dụng ngược lại vào số phận của tôi. Điều đó nghĩ cho cùng cũng không có gì lạ. Đôi lúc từ trong vô thức có những tiếng nói cứ vang lên, đôi khi lại có những tiếng hát thành một khúc ca hoàn chỉnh. Tất cả những điều đó thoát ra ngoài sự kiểm soát của mọi suy tính và như thế nó làm cái công việc của một kẻ khác trong chính bản thân mình. Số phận của một bài hát vì thế có thể trở thành số phận của một con người có ĐƯỢC hoặc MẤT đi của một hạnh phúc”.

VẾT THƯƠNG TỈNH THỨC

Những ngày tháng này tình bạn và tình yêu mang đến một niềm vui sống lạ kỳ. “Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt”.
Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở ra những cánh đời nhộn nhịp.
Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh nhộn nhịp của đời. Ta đã may mắn đi qua những tuyến đường đưa đến hạnh ngộ. Hạnh ngộ trong tình bạn, hạnh ngộ trong tình yêu.
Nếu đã có một ngày sinh nhật dĩ nhiên sẽ có nhiều ngày sinh nhật nữa . Mà hình như trong cảnh ngộ cuộc đời riêng – chung của chúng ta ngày nào mà không là ngày sinh nhật, bởi vì cái màu sắc của lễ lạc đã tự bao giờ khoác lên trên mỗi ngày chúng ta đang sống.
Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mỗi ngày chúng ta đã có mặt mỗi ngày bên nhau. Ly rượu nồng nàn của đời biết bao giờ uống hết được.
Tình yêu thương mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đoá quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau. Cố gắng tránh đừng than thở. Thử thở dài một mình và quên lãng.Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi đã muốn ra đi thì không một tiếng kèn nào đủ màu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm sống và sự huỷ diệt.
Tình yêu tự đến và tự đi, không cần ai dìu dắt. Nó hoàn toàn tự do. Muốn giam cầm thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi có khi nó ở lại.
Vì có tình yêu nên có lễ hội. Người ta bắt đầu bằng những cuộc viếng thăm, lui tới, áo mũ xênh xoang, bánh trái lồng đèn heo ngỗng… Những cuộc rước dâu pháo nổ đì đùng, trống kèn inh ỏi. Lễ hội mở ra trên đường,trong làng, trong xóm: lễ hội mở ra cả trong lòng người
Thường vào mùa thu là mùa lễ hội tình yêu. Có những lễ hội kéo dài suốt cả một đời người. Có những lễ hội có một đời sống đôi khi quá ngắn ngủi.
Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi mệt nhọc như nhau.
Có những người yêu đã ra đi bỗng một ngày nào đó trở lại. Vì sao? Không vì sao cả. Vì một chọn lựa tưởng rắng đã đúng cuối cùng sai. Và đã trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương. Một vết thương nhiều khi đã lành lặn lâu rồi bất chợt vỡ oà như một cơn tỉnh thức. Tỉnh thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng đã thuộc về quá khứ. Nhưng không, không có gì thuộc về quá khứ cả.Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó. Nó vẫn chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương.
Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng đến tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó rằng không có một vết thương nào vô tư mà sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão.
May thay trong cuộc đời này có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có nhưng không nhiều.
Tôi thấy tình bạn quí hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.
Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến đi những giấc mơ mộng đời không thực.

TRỊNH CÔNG SƠN NÓI VỀ TÌNH YÊU
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (1992)
“Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi,
tôi sẽ là tín đồ của tình yêu. “
CUỘC SỐNG KHÔNG THỂ THIẾU TÌNH YÊU
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.
Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu – yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.
Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.
Bút pháp của Trịnh Công Sơn
Diễm của những ngày xưa
Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh mướt để đến trường.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ. Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và mơ ước những cõi trời gần như không có thực.
Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.
Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường – giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Bút pháp của Trịnh Công Sơn
TRỊNH ƠI – TÌNH ƠI
 “…Cuối cùng, lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ lại được người mình yêu. Càng sống nhiều người ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất kì ai, chết thì quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm nay, ta gặp nhau đây, ngày mai lại gặp nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay, ngày mai. Chết thì chẳng có cuộc hẹn hò nào cả.
Càng yêu ta càng thấy: Có tình tình yêu thì khó, mất tình yêu thì quá dễ. Hôm qua còn nói yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người buôn mất vốn liếng. Cứ tự an ủi mình và tự nghĩ rằng: khi mình đang đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian được yêu thì một người khác đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thấy cuộc đời cũng nhẹ nhàng hơn và dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ trong lòng một nỗi hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ yên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như một người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên nơi này để tìm về một chốn khác. Phụ đời và phụ người cũng như thế mà thôi. Người ở lại cũng nhớ thương một bóng hình đã mất. Khó mà quên nhau, khó mà xoá trong nhau một nỗi ngậm ngùi.
Tưởng rằng có thể dễ quên đi một cuộc tình hoá ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xoá đi cuộc tình khác chỉ là sự vá víu tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ để làm bằng phẳng bên ngoài mà thôi.
Mỗi người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung…” 


BÀI HÁT CUỐI CÙNG

Tôi bước chân vào đất đai đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một vài câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh ra cái đầu tiên kia?
Bài hát Ướt mi được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát ở những phòng trà và nổi tiếng, trở thành giọng hát liêu trai.
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã được viết trước Ướt mi nhưng ca khúc này tồn tại như số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?…
Kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó từng có trước thời hạn mà mình không ngờ. Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng trong một ca khúc thì tôi tin rằng, vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng.

TRÒ CHƠI
….Khi cảm thấy trò chơi cuộc sống có điều gì đó bất ổn thì hãy tìm đến một nơi tịch mịch, khóa kín các cánh cửa lại và giả vờ thả mình vào một cơn đau mộng mị. Cơn đau có thể tùy thích nhưng không thể không đau. Đau đến mịt mù để cái chết có cơ hội đến nhìn ngắm, thử thách số phận của bạn và vào một lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, bỗng những cơn gió lành đến từ các thảo nguyên xa xôi mang theo mùi hương cốm, hương bạc hà của những loài hoa dại đánh thức bạn dậy và làm hồi sinh những mùa xuân đang ngủ quên trong các mạch máu của bạn. Đó cũng là thời gian phục sinh của các sinh vật nhỏ bé trong các đầm lầy và là thời tỉnh thức của các bậc thiện giả trên các đỉnh núi cao hay trong các hang động.
… Trong một tháng mà bạn phải đi thăm năm , bảy bệnh nhân cấp cứu nặng, mười cái đámtang và hai mươi cái đám cưới (trong đó có ngày trong cùng một giờ phải tham dự đến 2,3 cái) thì cái tháng quỷ quái đó không còn bày biện ra một cuộc chơi nữa mà đó là một trò địangục. Khi một trò chơi biến thành địa ngục thì không có lý do gì nữa để tiếp tục cuộc chơi, hãy rút lui và cao bay xa chạy.
…Có lẽ trong các trò chơi chung thì trò chơi tình bạn là ít gây phiền não nhất. Nó chỉ có thể vui nhiều hoặc vui ít chứ không thể làm nên những đoạn trường. Nhưng nếu vì không may mà trò chơi tình bạn bỗng dưng gây nên thảm trạng thì hãy từ tốn mở rộng lòng bạn thêm một đôilần nữa và ngẫm nghĩ. Đừng để ngộ nhận réo gọi thêm ngộ nhận. Đừng để những vết ố của lòng tị hiềm di căn trên niềm tin.
Có những ngôi nhà nền móng không vững chắc nên sụp đổ. Những khu vườn gầy guộc vì thiếu phân bón. Đừng làm nặng thên những gì đã quá nặng bởi tâm trí ta sẽ bị nặng thêm dưới gánh nặng ấy. Hãy biết lãng quên và biết để lại đằng sau những gì không thể cùng ta đồng hành về phái trước.
…Có những trò chơi ta chơi suốt đời không biết chán. Ngược lại cũng không ít trò chơi chỉ tham dự một đôi lần đã không còn hứng thú.Trò chơi uống rượu, uống trà một khi đã lao vào thì khó bề rút lui. Uống trà đã trở thành đạo. Trà đạo thì hầu như ai cũng đã có lần nghe nóiđến và nó là một trò chơi thanh nhàn cao cấp của những bậc thượng thừa cao niên. Trò chơi uống rượu gần gũi với đời hơn. Nó là người bạn, người tình, nó là niềm vui và cũng là nỗi buồn, nó là lời an ủi, là niềm phấn khích, nó chia sẻ rồi lại bù đắp. Tóm lại, với người biết uống rượu như một trò chơi tao nhã thì nó là tất cả. Uống rượu để thấy yêu đời, yêu người hơn và thậm chí yêu cả những lập lòe đom đóm ma trơi tình phụ.
Nếu biết giữ đúng lời hứa với những cánh đồng lúa mạch, những cánh đồng nho, thì trò chơi uống rượu không bao giờ gây ra những đổ vỡ. Tôi đã đi qua những cánh đồng như thế, rồi bước qua những ngưỡng cửa đưa vào nơi ăn chốn ở của những thùng gỗ sồi cao chất ngất chứađầy một chất lỏng màu hổ phách và trong mỗi giọt thơm đó đang hình thành mỗi ngày, cả trong mỗi giây phút một sự sống âm thầm, kỳ bí trong bóng tối tĩnh mịch kéo dài hàng mấy trăm năm. Trong mấy trăm năm ấy rượu không ngủ mà rượu thức. Thức và hóa thân. Hóa thân thành một tấm thân mềm mại trong suốt, vàng óng thơm tho.
Khi trò chơi uống rượu không còn mời gọi ta nữa thì ta tạm thở dài và tự nhủ đây không phải là một sự phụ rẫy. Đây chỉ là một cuộc chia tay ngắn hạn và sẽ không bao lâu những giọt rượu thơm tho lại làm đầy những chiếc ly thủy tinh trong những bữa tiệc đời thầm lặng riêng lẻ hay náo nhiệt đầm ấm cùng bạn bè.
…Có một ngàn lẻ một trò chơi, nhưng với tôi trò chơi tình yêu, cuộc sống và rượu là những trò chơi thiết thân và ngọan mục nhất. Những trò chơi ấy đã chọn tôi và tôi đành nhận lấy. Nhận lấy như một chọn lựa đầu tiên và cuối cùng thứ số phận không màu sắc huy hoàng cũng không u ám. Tôi chạy quanh những trò chơi đó như chạy quanh lòng trắc ẩn. Những trò chơi có khi giải thoát tôi, vực tôi dậy từ những vũng tăm tối quỷ quyệt của sự suy tàn, có khi dìm tôi xuống tận cùng sâu thẳm của trầm luân.
Tôi không vỗ tay hoan nghênh đặc biệt một trò chơi nào cả bởi vì tôi muốn giữ được lòng chính trực và sự khoan dung. Trên lối đi đẫn vào cuộc sống tôi vẫn gặp gỡ tình yêu và rượu. Giờ đây tôi đang nói thêm một lời tạm biệt khác. Tạm biệt những ly rượu nồng nàn sớm, trưa, chiều, tối. Cuộc sống tôi đang trần trụi những trò chơi. Cuộc sống trắng. Trò chơi cuộc sống không màu sắc đã buộc tôi tìm lại chính mình, tìm lại một gương mặt mà tôi nghĩ rằng không còn như xưa nữa.

TÌNH KHÚC
1. Dòng sông là chứng nhận già nua nhất của địa cầu. Hãy thử một lần nương vào cơn mộng du nào đó tìm về những cành san hô cũ kỹ để đọc xem dòng sông đã ghi những gì về tình yêu. Tôi đã hơn một lần trở về từ cơn mộng du đó để rồi làm người đãng trí buồn bã. Từ đấy, tôi cũng đã biết tình yêu thường mở ra những cơn địa chấn kinh hoàng và đã đôi lần quay về xác xơ làm con quạ già kể hoài một chuyện tình chết như loài quạ vẫn thường về kêu ngậm ngùi trên nóc nhà một người hấp hối.
2. Có những cơn hạn hán về thiêu đốt địa cầu, tình yêu bốc lửa và phơi khô. Từ đó, tình yêu chỉ còn là những vết tích chết được con người manh nha nguỵ trang để lừa dối nhau. Môi đã khô từ ngày hạn hán, nước miếng được ve tròn như những hạt kim cương đục ngầu. Trái tim là quả ổi đen trên cành cằn cỗi trụi lá. Lời yêu thương như lên men từ cõi chết ù lì. Bây giờ nhớ về tình yêu cũng như hoài niệm về một cổ tích huyễn hoặc. Người ta không còn có thể nói với nhau, chỉ nói với riêng mình. Và tiếng nói được trả về từ cõi chết làm trung gian thường trực giữa hai kẻ đối diện.
3. Thành phố của tình yêu đóng cửa từ dạo đó. Mỗi người về tự xây cho mình một nhà nguyện. Hằng đêm, lời nguyện cầu vang lên như thánh ca. Những lời nguyện cầu lên cao, lên cao mãi kết tinh thành một vương miện mầu ngọc đen. Vương miện là di chúc quý báu dành cho kẻ chân tình về sau.
4. Cũng từ đó, lời gọi vào tình yêu là lời vô vọng. Những thiết tha tìm đến tình yêu là những chớp loé biến vào cơn giông. Không ai lừa dối ai, chỉ có mình phỉnh phờ lấy mình. Bởi cái chết đã dựng hình tượng trong cõi sống. Con tim đã quen xúc động, tiếng nói đã quen gởi đi. Từ bao giờ tới bây giờ. Sự quen thuộc gây ảo tưởng mới lạ để đánh lừa con mắt. Cảm xúc của con người chỉ là một kẻ trung gian đần độn. Chúng ta dùng ánh sáng để thăng hoa tình yêu nhưng rồi những con đom đóm đã chết. Ta lại được trả về trước một khoảng không đen. Thảm kịch sẽ được dựng lên mãi mãi bao giờ còn loài người.  Trong cõi riêng ta có một con chim bé nhỏ đứng nhìn và hót hoài điệp khúc buồn bã đó. Con người chỉ là một loài thiêu thân vô tội bay mãi vào ảo tưởng tình yêu.
5. Chỉ có trong tình yêu ta mới bắt gặp được cái chết của chính mình. Tình yêu cũng mở ngỏ cho những lần hoá kiếp. Hãy thử bước vào thế giới đó để khởi đầu bằng một cái chết thật vô cùng yêu dấu.
TRỊNH CÔNG SƠN

1967

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...