Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

“Tháp Eiffel của thế kỷ 21"

“Tháp Eiffel của thế kỷ 21"

Theo SPIEGEL ONLINE
Phối cảnh tòa tháp đôi ở Vũ Hán trong tương lai
Toà tháp đôi cao nhất thế giới sẽ được xây cất giữa một cái hồ lớn ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Kiến trúc sư người Anh Laurie Chetwood giải thích vì sao ông muốn xây dựng công trình cao nghìn mét này.
- Thưa ông, văn phòng kiến trúc của ông cho đến nay chủ yếu nổi tiếng về xây cất các công trình chức năng: các siêu thị, khách sạn, toà nhà hành chính. Giờ đây ông đã trình một phác thảo về công trình tháp đôi cao nhất thế giới sẽ được xây dựng ở thành phố Vũ Hán có 10 triệu dân. 
Chúng tôi đang cùng với một đối tác Trung Quốc xây dựng Trung tâm hậu cần ở Trung Quốc. Bên đặt hàng đề nghị chúng tôi xây dựng phương án phát triển vùng hồ lớn ở Vũ Hán. Hiện đã có dự thảo xây dựng một cây cầu có người ở trải dài trên mặt nước, tuy nhiên phương án này không tạo ra được hình ảnh của một biểu tượng gây trầm trồ ngạc nhiên như mong muốn. 
- Có nghĩa là khách hàng muốn yếu tố “ôi trời ơi!”. 

Người ta muốn tạo một biểu tượng cho Vũ Hán, một tháp Eiffel của thế kỷ 21. Hiện ở Trung Quốc người ta đang ra sức đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa. Nhiều người Trung Quốc chưa đủ khả năng đi du lịch ở nước ngoài, vì vậy phải tạo ra những điểm du lịch hút khách trong nước. Các thành phố ở Trung Quốc ra sức cạnh tranh trên lĩnh vực này, thành phố nào cũng tìm mọi cách để làm nổi bật mình.
- Và đấy là lý do ông đề nghị xây dựng toà tháp đôi nghìn mét? Ví thử nhỏ hơn một chút thì có sao? 
Vấn đề là ở chỗ phải gây được ấn tượng. Ông thị trưởng Vũ Hán nhận được biết bao dự án để xem xét, gì thì gì, cũng phải làm sao để ông ta cảm thấy thích thú.
- Vì lẽ đó mà ông chọn mầu hồng?
(Cười) Đúng vậy, đó là một lý do. Hơn nữa mầu này cũng phù hợp với khung cảnh hoàng hôn ngoạn mục ở đây. Còn độ cao cũng có một lý do nhất định: Chúng tôi muốn tận dụng nhiệt động học để khai thác năng lượng. Các bạn hãy tưởng tượng tới một cái ống khói: không khí nóng ở dưới bốc lên trên và làm cho turbine ở trên cao hoạt động. Tháp càng cao thì hoạt động này càng tốt hơn.
- Vậy ông có thuyết phục được ông thị trưởng? 
Ông ấy tỏ ra rất hài lòng. Nhưng đây mới là giai đoạn sơ khởi. Chúng tôi hy vọng đến cuối năm nay sẽ ký được hợp đồng. Sau đó chúng tôi sẽ bắt tay làm kế hoạch chi tiết. Đến năm 2022 thì ngọn tháp đôi này có thể được hoàn tất.
- Thưa ông, ông đã bao giờ xây dựng một toà nhà chọc trời chưa? 
Mới chỉ 15 tầng thôi. Nhưng là một kiến trúc sư bạn không buộc phải biết kiến thức chuyên môn của mọi lĩnh vực. Nhưng người ta phải biết, cái người ta cần. Chúng tôi hợp tác với chuyên gia kết cấu, người đã xây dựng Shard [ngôi nhà cao 310 mét ở London].
- Khi dự án của ông trở thành hiện thực thì đó sẽ là toà tháp thứ hai và thứ ba đạt độ cao 1.000 mét. Kingdom Tower ở Ả rập Xê út là toà tháp số một đang được xây dựng. Thưa ông cái hay của những toà tháp vượt qua ngưỡng huyền diệu là ở chỗ nào?
Điều này tuỳ thuộc vào từng trường hợp. Đầu tiên đó là cơ hội truyền cảm hứng cho con người. Còn ở Trung Quốc nó ít nhiều tạo nên hiệu ứng Domino. Ở Vũ Hán hiện đã có một số toà nhà cao tầng, khi chúng tôi đưa phác thảo đầu tiên, khách hàng đề nghị chúng tôi phải lên cao hơn nữa. 
- Thưa ông có ranh giới về độ cao không? 

Tôi không phải là chuyên gia kết cấu, nhưng tôi tin rằng, đến một lúc nào đó sẽ có người xây dựng toà nhà chọc trời có chiều cao tới 1.500 mét.
- Thưa ông, toà nhà càng lên cao thì diện tích ở các tầng sẽ giảm. Vậy diện tích sử dụng ở các toà tháp của ông thực sự là bao nhiêu? 
Các văn phòng, nhà hàng, tiệm ăn và nhà ở đều được bố trí ở nửa phía dưới. Còn phần ở trên chỉ dành cho các công nghệ môi trường khác nhau, thí dụ các turbine gió. Mỗi toà tháp có kết cấu như một cây linh lan (Maypole): toàn bộ toà nhà bám vào một cáp thép, như một cái trụ ở chính giữa. Hai cái trụ này neo lại với nhau dưới lòng hồ.
- Giữa hai toà tháp là ba quả cầu, ba tiệm ăn treo bồng bềnh, nối hai toà tháp với nhau. Trông chúng như một cảnh trong phim khoa học viễn tưởng.
Nếu ở Anh thì người ta sẽ lập tức đặt câu hỏi liệu những việc như thế có khả thi hay không. Điều này thể hiện sự thiếu khát vọng. Còn ở Trung Quốc người ta chỉ muốn biết, chúng tôi sẽ thực hiện điều này như thế nào.
Laurie Chetwood là chủ tịch Văn phòng Kiến trúc Chetwoods ở London. Ông đặc biệt có tiếng trong lĩnh vực thiết kế các nhà hàng, siêu thị,  khách sạn và thiết kế, cải tạo các trạm tầu điện ngầm cũng như bến xe buýt.
Xuân Hoài dịch


 tiasang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bầu trời bên ngoài ô cửa

  Bầu trời bên ngoài ô cửa Mây bay về cuối trời Gió ơi xin hãy đợi Niềm riêng cho ta gởi Khi hồn đang chới với Thân xác chừng rã...