Bầu trời bên ngoài ô cửa
Mây bay về cuối trời
Gió ơi xin hãy đợi
Niềm riêng cho ta gởi
Khi hồn đang chới với
Thân xác chừng rã rời
Mỗi ngày khát tự do...
Bên ngoài khung cửa nhỏ.
Khung Cửa sổ với cô là cả một bầu trời, cô nhớ nắng ấm, nhớ
không khí thoảng mùi khói xe và cảnh nhộn nhịp của đường phố. Thèm đi ra, thèm
được tự do tiếp xúc với mọi người, đi dưới cái nắng ngọt lành sớm mai không khẩu
trang, không dè chừng bất cứ ai, có thể tay bắt mặt mừng với nhau. Tất cả đã là
chuyện của hôm qua. Cơ thể cô bất lực, mệt mỏi khi bị nhiễm covid.
Dịch bịnh khắp thế giới. Thành phố nơi cô đang sống hiện ở
giai đoạn điểm nóng, có người nhiễm bịnh và người chết cao nhất cả nước. Sài
Gòn lung linh, ồn ào bỗng giật mình với tiếng còi xe cứu thương, đường phố trống
trải, lặng ngắt dưới bóng chiều hiu hắt, âm trầm chết chóc...
Khi cây test hiện rõ hai vạch đỏ, cô biết mình sẽ là nguy cơ
lây nhiễm cho gia đình, hàng xóm. Cô tự cách ly trong phòng, trên lầu một khu
nhà mới xây cho thuê. Dịch bệnh, vẫn còn trống. Vật dụng xài đơn giản để bỏ đi
sau bệnh. Thức ăn, nước uống được con đưa lên bằng sợi dây, đầu trên cột vào
lang can, đầu dưới thả thòng xuống cho con móc thực phẩm, vật dụng cần thiết
đưa lên. Mỗi ngày cô nhìn thấy con qua những lần đưa đồ ăn, chuyện trò vài câu
cô cảm giác không một mình khi trải qua căn bịnh nguy hiểm này. Tự nhủ thầm,
hãy coi như một cuộc dã ngoại đơn độc, tự khám phá và chiến đấu với những tình
huống xấu, nhận trợ giúp của các con và y tế qua điện thoại. Một trải nghiệm
không mong muốn.
Cơ thể có kẻ lạ xâm nhập, người nóng sốt, căng thắng. Cô quyết
tâm chống trả! Tất cả những hiểu biết về covid đều được áp dụng. Từ thuốc tây
cho đến tỏi, sả, gừng, chanh không thiếu món nào, nước muối rửa mũi, họng thường
xuyên. Tập thể dục, ăn ngủ đúng giờ đủ giấc, dù cô chẳng cảm thấy mùi vị gì. Tất
cả như những viên gạch phải xây tường thành để chống trả kẻ thù, đã bị xâm nhập
vẫn phải làm những gì có thể... Tinh thần là quan trọng nhất, không được hoảng
loạn. Với niềm tin mình sẽ vượt qua mau chóng.
Đến ngày thứ năm cô gần như thua cuộc, không tập thể dục nỗi
nữa. Cổ họng khô khốc như có ai đó bóp chặt, đêm không ngủ được. Cảm giác không
đủ o- xi để thở, vừa nằm xuống chưa kịp chợp mắt, phải ngồi lên tìm nước uống,
cô không còn đủ sức để đứng lên, chống hai tay xuống sàn, lết đến bên bàn nước
và cứ thế bình nước năm lít chừng thiếu cho cơ thể đang bị đốt cháy từng chút một.
Chỉ số o- xi máu xuống thấp. Cô ngồi thẳng lưng dựa vào tường cố lấy hết sức,
hít vô sâu, giữ lại một chút rồi thở ra từ từ, liên tục không biết bao lâu cho
đến khi cảm giác thông thoáng hơn.
Ly nước ấm trên tay giúp cô dễ chịu với từng ngụm nhỏ, qua
khung cửa, đêm bên ngoài yên ắng, bầu trời thật nhiều sao, lung linh mắt ngọc.
Mặt trăng với ánh sáng dịu nhẹ không khiến cô khó chịu khi nhìn thẳng vào, ánh
sáng đó huyền ảo trải dài bất tận, cô khẽ mĩm cười khi bất chợt trong đầu con
chữ nhảy múa với mây câu thơ: "Nghiêng trăng cúi xuống ân cần/ hôn tràn mặt
đất không ngần ngại yêu/ Tiêu dao một khắc yêu kiều/ đêm trần không uổng ít nhiều
thanh xuân. Đêm chợt bình yên đến lạ, cô như mây lạc trôi với những bước thật
êm, thật nhẹ phiêu bồng, nghiêng đầu trên cánh tay đang ôm tròn chiếc gối trong
tư thế nữa nằm nữa ngồi, cô thiếp đi mộng mị... Mẹ nhìn cô cười đầy yêu thương,
dỗ dành, rồi bạn bè từng người một xuất hiện trong y phục thật đẹp, nói cười vẫy
tay chào. Cô tự hỏi: Họp lớp chăng?
Tiếng còi xe cứu thương đâu đó rất gần, rít lên trong đêm lặng
làm cô giật mình tỉnh giấc, người vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt, cô run rẩy, sợ
hải... Mẹ mất rồi, những người bạn trong giấc mơ của cô không còn. Sao cô nhìn
thấy họ? Cô trùm mền qua đầu co cứng người lắp bắp: "Đừng! Xin đừng đưa
tôi đi!" Cô chưa muốn chết lúc này! Con trai nhỏ chưa lớn, làm sao bỏ con
mà đi cho đành... Bao nhiêu đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi trong đại dịch được biết
qua báo đài, nghĩ đến thật đau xót!
Khi phải đối diện với cái chết trong lo sợ dày vò, cảm giác
đau khổ, tuyệt vọng, cơ thể rũ xuống như tàu lá dưới cơn mưa. Trần gian, ai đến
rồi cũng phải đi, nhưng thời điểm nào là thích hợp? Con người không được quyền
lựa chọn. Bên trong lồng ngực, trái tim không chỉ là những nhịp đập sinh học mà
còn biết yêu thương. Tình cảm, gắn bó với người thân suốt chiều dài cuộc đời,
trải qua bao thăng trầm khiến ta không nỡ từ bỏ. Cô bật khóc trong hoảng loạn..!
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?/ Sao
bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu? * Tâm trạng
của người nhìn thấy cái chết phía trước, khóc cùng trăng với nỗi cô đơn tuyệt vọng.
Bao hình ảnh thân thương hiện lên trong trí, Cô chợt hiểu thật sâu sắc... Sự mất-
còn của thể xác rồi sẽ về với bụi đất không quan trọng nữa, chỉ là nỗi đau chia
xa cứ vò xé, nước mắt là máu từng giọt chảy vào trong nhói buốt.
Đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, những mái nhà liền sát nhau nhấp
nhô loang bóng trăng chừng tịch liêu khiến cô hoảng sợ, cảm giác một mình trong
đêm vắng với trí tưởng tượng đủ chuyện thật xốn xang trong lòng.
Cô nghe bụng réo lên cồn cào, chiều con đem cơm có dặn
"phải cố ăn hết nghe mẹ." Cố gắng lắm vẫn không hết được. Một ly sữa
nóng với mấy cái bánh ngọt. Bình thường cô không thích đồ ngọt, phải ăn cho có
sức... Loay hoay cả đêm, trời vẫn chưa sáng. Cô làm dấu thánh và cầu nguyện
cùng Chúa cho cô vượt qua kiếp nạn. Lúc này đây không có gì quan trọng hơn việc
được sống. Những lo âu, phiền muộn của trần gian cô bỏ xuống. Chỉ mong mỗi ngày
thật trọn vẹn yêu thương với gia đình và xã hội.
Sài gòn vẫn còn căng thẳng vì dịch bịnh. Đoàn người lũ lượt về
quê do không trụ nỗi, cuộc sống thiếu thu nhập, trang trải... Xót xa nhìn mọi
người dứt áo ra đi khi Sài Gòn bất lực ốm đau. Họ dừng lại công việc, ước mơ với
bao tổn thất. Ai có đến và nhận Sài Gòn như quê hương thứ hai mới thấy không dễ
để chia xa. Một sự gắn bó yêu thương thấm từng ngày qua mạch sống dưới nắng mưa
và những nét rất riêng của Sài gòn. Bản thân cô đang ở giữa Sài Gòn vậy mà lòng
cô nhớ Sài Gòn... Nhớ những con đường, nhớ điểm đến và đi quen thuộc, nhớ tiếng
rao bán dạo đúng giờ ngang qua ngõ. Cám giác bị cầm tù bởi dịch bịnh khi không
được hòa mình vào nhịp sống... Xin cho cô và những người ngoài kia bị nhiễm
covid, cũng như Sài Gòn yêu thương được chữa lành. Cô có thể đếm giọt nắng, giọt
mưa lúc công việc dừng lại, đầu óc thả lỏng đi hoang, cô thênh thanh với bầu trời,
không chỉ hạn chế qua ô cửa để ước mơ...
Ngày thứ tám. Bịnh thuyên giảm, cơ thể dễ chịu hơn, cô phấn
chấn hẳn lên, nhưng khi test lại vẫn còn hai vạch đỏ. Cô lo lắng... Các con động
viên "Mẹ cố lên! Mấy bữa nữa sẽ khỏi thôi."Cô ngán ngẫm với nước cam,
trái cây đồ ăn con cố ép.🥲❤️ Phải cố thôi! Tự nhủ "cách ly
hai tuần, chắc khỏi, không phải lo."
Sáng trời vẫn còn mờ sương, không khí dịu nhẹ thật dễ chịu, một
mình cô đi bộ dọc suốt hành lang vắng ngắt với một tâm thái thật khó tả... Khu
phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ muộn, nếu không vướng dịch bịnh, giờ này đã ồn
ào với nhịp sống, người đi bộ tập thể dục, người buôn bán đi sớm hơn, chợt thấy
thương nơi mình đang sống, người dân hiền lành, chân chất. Đa số là dân nhập
cư, đem theo tính cần cù hòa cùng sự vội vã của thành phố để sống và làm việc một
cách tích cực, con cái của họ mỗi ngày lớn lên được ăn học. Mong một kết quả tốt
đẹp.
Cuộc chiến covid bản thân cô đã kết thúc, thu xếp về nhà,
thèm ôm con cho bỏ nhớ thương, vẫn chưa dám. Phía trước còn hậu covid đáng sợ
không kém. Cô đã dừng lại bên bờ cửa tử... Bầu trời bên ngoài tự do, thênh
thang với nắng gió đang đợi cô, ô cửa sẽ khép lại cơn mộng dữ nữa đêm tan vào
hư vô cùng đại dịch thế kỷ, mong đến một ngày nó không còn là nỗi ám ảnh chết
chóc với nhân loại. Rồi về sau, ngồi bên con cháu kể cho chúng nghe, như một
giai thoại về cái thiện và cái ác, cuối cùng cũng bị diệt trừ. Chỉ là đám mây
đen đem giông bão... rồi sẽ tan biến trả lại bầu trời trong xanh đầy nắng ấm
yêu thương cho con người.
Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử.
Sài Gòn, 12/2021
Lê Yên
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét