Tình yêu và mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính là một nhà thơ hàng đầu của phong trào thơ mới. Thơ
của Ông không chỉ có những nét rất riêng, đặc trưng và gần gũi với thôn quê
Việt Nam mà còn dễ thuộc, vì thế mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng ít nhiều
thuộc vài câu thơ của Nguyễn Bính. Thơ Nguyễn Bính chủ yếu viết về tình yêu và
mùa xuân. Tình yêu của ông không chỉ giới hạn ở tình yêu lứa đôi mà đó còn là
tình yêu quê hương đất nước, làng mạc xóm thôn. Do đó mà người ta còn gọi
Nguyễn Bính là nhà thơ của hương đồng gió nội. Cái thứ “hương đồng gió nội” ấy
đã làm cho người ta thêm yêu thơ của Ông, cảm nhận được tình yêu trong thơ của
Ông rất mãnh liệt, nồng nàn nhưng lại bình dị sáng trong. Tình yêu của ông
không quá dằn vặt quằn quại như Xuân Diệu mà nó sâu lắng, nhẹ nhàng, nhiều khi
cô độc, lẻ loi và xa cách. “Hồn anh như hoa cỏ may Một chiều cả gió bám đầy áo
em”
Các nhà phê bình văn
học khi khai thác thơ Nguyễn Bính đã tập trung vào khai thác những cảm xúc yêu
thương trong thơ của Ông. Điểm lại những câu thơ tình của ông, ta bắt gặp những
tình cảm cô đơn éo le giữa “tôi và em”, “chàng và nàng”. Tình yêu trong thơ
Nguyễn Bính là thứ tình yêu đôn hậu mộc mạc như con bướm lượn vu vơ trong vườn
nhà em hiền hòa. “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh giờn
Hai người sống giữa cô đơn Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi” Và Nguyễn Bính
lại bắt đầu mơ mộng: “Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng Có con bướm trắng thường sang
bên này Bướm ơi! Bướm hãy vào đây Cho tôi hỏi nhỏ chút này được không” Rồi từ
đó ông đã say đắm yêu và thiết tha chờ đợi từ lúc nào không hay. “Láng giềng đã
đỏ đèn đâu Chờ em ăn dập miếng giầu em sang Đôi ta cùng ở một làng Cùng chung
một ngõ, vội vàng chi anh”
Ông không quá cầu kì chau chuốt khi tán tỉnh người yêu. Ông cũng
không quá đòi hỏi nhiều ở người yêu mà những mong ước của ông từ mỗi cuộc tình
thật giản dị. “Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi Đừng
ôm gối chiếc đêm nay ngủ Đừng tắm chiều nay bể lắm người” Trong những câu thơ
yêu thương nồng nàn của ông luôn thể hiện mộtchút bóng gió hờn ghen rất đằm
thắm mặn mà và ông đã không hề phủ nhận và giấu diếm sự ghen tuông ấy. “Nghĩa
là ghen quá đấy mà thôi Thế nghĩa là ghen quá mất rồi Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi” Nếu những tác giả khác thường dễ bị cám dỗ bởi các
tư tưởng thơ văn mới, các vòng quay lối viết thực dụng từ bên ngoài truyền bá
vào nhưng Nguyễn Bính thì không như vậy. Ông đã giữ gìn bản thân tư tưởng của
mình và giữ gìn được bản sắc dân tộc, bởi vì ông rất sợ: “hương đồng gió nội
bay đi ít nhiều”
Nhiều người đã từng gọi ông là người của nhà quê và sống và thể
hiện thơ văn chân chất theo cách của nhà quê. Những người con gái trong thơ ông
cũng là những người con gái nhà quê đẹp dịu dàng nhưng nồng nàn, chân chất. Cả
cuộc đời sáng tác của mình, ông đã say mê cái nét “chân quê” mộc mạc ấy để rồi
lại mơ ước: “Ta sẽ là vợ chồng Sẽ yêu nhau mãi mãi Sẽ se sợi chỉ hồng Sẽ hát
câu ân ái” Không ai phủ nhận là Nguyễn Bính đã trải qua không ít các cuộc tình
như chơi chung trò chơi với ông Trời và số phận. Tình yêu của ông luôn bắt đầu
từ gặp gỡ, yêu thương, lỡ dở và tiếc nuối. Có lẽ là do: “Tình tôi mở giữa mùa
thu Tình em lặng kín y như buồng tằm”. Sau mỗi một cuộc tình là ta lại gặp một
Nguyễn Bính như trải đời hơn, cô đơn hơn và thơ ông cũng lại tình hơn. Nhưng
thơ tình của ông sẽ không hấp dẫn nếu đó không phải là thơ thất tình. Cái sự
thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng chiều lúc hoàng hôn, như
cánh rừng mơ già xao xác lá khiến đọc cảm nhận rằng chính ông đang hưởng thụ sự
cô đơn, bị bỏ rơi và xa cách. “Cô hái mơ ơi, cô gái ơi Chẳng trả lời nhau lấy
một lời Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi”
Sau mỗi lần thất bại trong tình yêu, ta thấy thơ Nguyễn Bính ngày
càng ướt át, ủy mị hơn. Chính sự ướt át, ủy mị này đã phần nào làm hạn chế thơ
của ông. Nhiều người yêu thơ của ông nhưng lại không muốn thấm nhuần tư tưởng
bi lụy, mộng mị trong thơ của ông. Nguyễn Bính không chỉ là nhà thơ của tình
yêu mà ông còn là nhà thơ của những mùa xuân đầy khát vọng. Mỗi khi xuân về,
Nguyễn Bính lại trào lên những tứ thơ nồng nàn. Mùa Xuân trong thơ ông là mùa
của ước vọng đoàn viên, mùa của tình yêu đôi lứa. Phong cách sáng tạo của ông
luôn tràn đầy sức sống. Những vần thơ mang những hạt mưa xuân của những ngày
hội làng khi hoa xoan rụng ngập tràn ngõ xóm ấy cứ in sâu trong kí ức người
đọc. Đã thấy xuân về với gió đông Với trên màu má gái chưa chồng Bên hiên hàng
xóm cô hàng xóm Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong Vẻ đẹp trong trẻo của mùa
xuân như những bức tranh đẹp. Khi đó mỗi vần thơ trở thành những nốt nhạc bay
vút tận trời xanh. Màu má em và sắc mùa xuân đã làm tươi thêm tiết trời mùa
Đông lạnh lẽo. Từ ngõ xóm, đường làng, hàng cây, ruộng vườn, bến sông con đò,
cây đa bến nước...tất cả đều bừng dậy, nhộn nhịp, dập dìu. Từng đàn con trẻ
chạy xun xoe Mây tạnh giời quang nắng mới hoe Lá nõn nhành non ai tráng bạc Gió
về từng trận gió bay đi. Để rồi trong cái khung cảnh “Tết đến - Xuân về” ấy,
Nguyễn Bính như yêu đời hơn và lại say với thơ. “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”
Mùa xuân trong thơ
Nguyễn Bính sáng bừng lên sau mỗi lời ca, câu hát, tưng bừng trống hội. “Hội
chèo làng Đặng đi ngang ngõ Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay” Bao nhiêu tuổi đời
là bấy nhiêu tuổi xuân. Khi trời đất sang mùa, mưa nắng giao hòa đã làm bật mầm
những chồi non và làm sáng lạn tâm hồn thi sĩ. Mỗi một mùa Xuân hiện ra trước
mắt ông luôn đa sắc màu muôn hình muôn vẻ. Nguyễn Bính làm thơ không phải để
lấy cái “danh” nhưng số lượng và chiều sâu nội tâm trong từng tác phẩm của ông
đủ sức nặng để làm mới cả một phong trào thơ mới. Từ những tình yêu con người,
tình yêu mùa xuân, yêu thiên nhiên đất trời và cỏ cây hoa lá Nguyễn Bính đã vắt
kiệt tâm hồn mình, vắt kiệt những ảm đạm cuộc đời, đánh thức cảm xúc tư duy của
con người để đi tìm những tứ thơ từ những chồi non.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét