Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió"

Thi sĩ Trần Hòa Bình
"Phiêu du trong gió"

Vào quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Hòa Bình viết bài thơ “Sơn Tây một phía”, trong đó có hình ảnh đứa con trai đi xa nay trở về bên mẹ trong một chiều cuối năm, và nhân vật trữ tình này tự ví: “Chúng con như những chiếc lá bàng phiêu du trong gió”. Một câu thơ tưởng vu vơ thế thôi, mà thật đúng với cuộc đời của thi sĩ Trần Hòa Bình vắn số. Như thể, cho đến tận bây giờ chàng thi sĩ lãng tử họ Trần vẫn phiêu du nơi góc bể chân trời… 
Thì đã đành, phần lớn nghệ sĩ thường hay thích lang thang đây đó. Tuy nhiên, đi nhiều, đi như một cái thú phiêu lưu, tự tìm thấy cái sung sướng trong sự đi, nâng cái sự đi như một triết lý “xê dịch” thì không phải nhiều người. Thời trước 1945 có thể nhắc tới Tản Đà, Nguyễn Tuân; sau 1954 chắc không ai đi nhiều và thích đi như Quang Dũng. Cái thời khốn khó sau 1975, người ham đi như thế không có mấy ai, nhưng vẫn cứ phải kể đến Trần Hòa Bình.
Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1978 rồi lên dạy học ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 trên Xuân Hòa-Vĩnh Phúc bây giờ. Một anh giáo trẻ mang tâm hồn thi sĩ, sống một mình, cuối tuần mới về với vợ con tại Hà Nội, rảnh chân là đi. Mà ngày ấy đi lại khó khăn, chứ đâu được như bây giờ. Không có xe đò thì đi xe đạp. Xe máy đang là của hiếm. Sau này, anh về Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do dạy nghề làm báo và trực tiếp làm báo nên cái tính ham đi của anh lại càng được kích hoạt lên gấp bội. Ngoài những buổi lên lớp, hễ cứ hở ra lúc nào là đi. Con còn bé, gửi các trò gái chăm sóc để đi. Anh thích về các vùng quê, nhất là các vùng miền núi. Về đâu anh cũng tranh thủ tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các làn điệu dân ca, các ca dao tục ngữ, các phương ngữ mọi miền. Trần Hòa Bình là người không biết hát, nhưng rất nhiều khi thấy anh tự sướng ngâm nga mấy làn điệu quan họ hay chầu văn mà anh vừa mới nghe được, học lỏm được ở đâu đó: “Khách đến chơi (í a) nhà/ Đốt than (í a) dầu mà quạt nước ấy mấy pha trà mời người xơi/ Này có í a mời giầu”… Viết đến đây, tôi vẫn cứ mường tượng rõ mồn một cái giọng thanh sáng của anh, cái cười nở hết cỡ và ánh mắt nhấp nhánh sau cặp kính cận trên gương mặt anh khi anh hát những câu quan họ ấy. Sau này, đọc thơ anh, tôi mới hiểu những dưỡng chất trần gian mà anh thu lượm được trên khắp quê hương xứ sở đã đi vào thơ anh một cách tự nhiên và nhuần thấm.
Trong các bài thơ của Trần Hòa Bình, ta bắt gặp khá nhiều câu thơ nói về cái thú phiêu du hoặc một tình thế phiêu du nào đó: “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ Có lẽ phiêu du đến chót đời”; “Em sông Thương tóc không còn dài nữa/ Tôi ôm mộng phiêu du như nước chảy chân cầu”; “Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ/ Với đôi cánh ba mươi đã bị trúng thương”… Trong bài thơ Lối hoa vàng, anh thổ lộ: “Anh đã đi qua những bờ bãi hoa vàng/ Những đỉnh núi đá xanh và lau bạc/ Giấc mơ yêu – trái tim rung lục lạc/ Qua một bến bờ lại thấy bến bờ sau” (Lối hoa vàng). Những câu thơ chẳng phải đã nói về cuộc phiêu du không ngưng nghỉ của một gã si tình đó sao! Ở một chỗ khác, anh cũng lại viết: “Nào chú em, chén nữa/ ta cũng vậy thôi rong ruổi suốt dặm đời/ đi hết núi thì gặp lửa/ đi qua lửa nhìn thấy trời” (Một lần chạm cốc)… Thì ra, thích đi và được đi như là một bản mệnh của Trần thi sĩ.
Nhà thơ Trần Hòa Bình sinh năm 1956 tại Ba Vì, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), xứ Đoài. Nơi linh khí núi Tản sông Đà này rất lạ, đã sinh ra những thi nhân tuy tầm vóc nhiều ít khác nhau, nhưng đều chảy trong máu cái thú phiêu du, lang thang, thậm chí bạt mạng giang hồ: cao thủ như Tản Đà, rồi đến Quang Dũng. Lớp sau thuộc thời nay là thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc, Trần Hòa Bình. Tản Đà đã từng tự vịnh: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không/ Nửa đời Nam Bắc Tây Đông/ Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly/ Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng“. Quang Dũng thì: “Có những chiếc giường lạ/Nhìn ra mảnh sân nào/ Nửa đêm chợt thức giấc/ Thấy ta nằm ở đâu?…” (Đêm Bạch Hạc). Thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc (cùng nhà văn Hòa Vang) đã có một chuyến xuyên Việt bằng đường bộ nức tiếng ngày nào mà cho đến bây giờ trong văn giới nhiều người còn nhớ. Trần Hòa Bình thì vậy: “Nếu em yêu chồng thì thôi/ nếu không yêu chồng/ hãy mơ về Sapa một mùa sương gió/ dấu chân chúng mình còn ở đó/ những dấu chân hóa thạch giữa rừng già…”…
Con đường thơ của thi sĩ họ Trần được hình dung qua dấu mốc bài thơ “Thêm một” (1986), bài thơ vừa mới ra đời đã lập tức nổi tiếng và được giới sinh viên, thanh niên nồng nhiệt đón nhận. Trước đó, Trần Hòa Bình công bố hàng loạt các bài thơ của tuổi “thanh niên sôi nổi”, gắn bó với cuộc sống và chiến đấu của Tổ quốc. Thơ lúc này trong trẻo, thanh xuân của một người trai tuổi đang yêu, chan hòa với cuộc sống chung của lớp người cùng thế hệ: Khi mùa mưa đến, Với dòng sông ấy, Sơn Tây một phía,… Sau này, do tuổi tác dầy lên, cuộc sống riêng chung có nhiều đổi khác, thơ Trần Hòa Bình chủ yếu hướng vào tình yêu và tình cha đối với đứa con gái đầu lòng còn nhỏ. Một số bài thơ hay nhất của Trần Hòa Bình cũng được ra đời vào quãng sau này: Bài hát ru hoa sen, Mai em về nhà chồng, Một lần chạm cốc, Bắt chước dân ca H’Mong, Khau Vai... Ở một bài viết khác đã lâu, tôi có nói Trần Hòa Bình là “Chàng thi sĩ của những khúc ru tình”. Các bài thơ tình của anh đều mang một cái giọng ru tình dìu dặt, vỗ về với nhiều tự thương và xa xót. Thơ tình của anh cũng chính là những cuộc phiêu du của niềm cô độc…
VĂN GIÁ
Xin trân trọng giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Trần Hòa Bình
BÀI HÁT RU HOA SEN
Ngủ đi những đóa sen
Sen mọc bên nhà em
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?
Ngủ đi những đóa hoa
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?
Ôi những đóa sen dè dặt cánh hồng…
Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng
Ta ru hoa một đêm dài đơn độc
Và em nữa, đã bao giờ em khóc
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền
Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?
Ngủ đi – nhưng đừng vào lãng quên
Những bông hoa ta hái về chậm trễ
Ta thương em mà không sao thưa được?
Ta yêu em mà không sao nói được
Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…
Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa?
Đêm nay hồn ta hé mở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em…
SƠN TÂY MỘT PHÍA
Mưa nhè nhẹ rất thương choàng lên phố nhỏ
Những chiếc lá bàng trong ngõ vắng lang thang
Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ
Chẳng biết dành tặng ai, yên tĩnh quá chừng!
Bỏ lại sau lưng những dặm dài cát bụi
Những ưu phiền, thành bại tuổi ba mươi
Mẹ ơi mẹ con lại về bẻ củi
Bữa cơm chiều cuối năm nghe lửa réo quanh nồi.
Chúng con như những chiếc lá bàng phiêu du trong gió
Vẫn khát nửa hồn mình được yên tĩnh tựa chiều nay
Em hiền dịu rất thương lấy chồng nơi chân núi
Biết xuân này có trở lại Sơn Tây?.
12/10/2023
Trần Hòa Bình
Nguồn: Báo Nhân Dân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió"

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió" Vào quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Hòa Bình viết bài thơ “Sơn Tây m...