Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Đi tìm rừng thông Đà Lạt

Đi tìm rừng thông Đà Lạt 
Nói đến Đà Lạt, người ta thường liên tưởng đến một vùng cao nguyên với những rừng thông ngút ngàn, cây thông gần như là biểu tượng của Đà Lạt. Thế nhưng khi đến Đà Lạt, du khách ngày nay không còn tìm thấy những đồi thông trong thành phố. Ngay cả khi đến những điểm tham quan ngoài khu vực trung tâm, bạn cũng không còn có thể lên đồi thông ngồi nghe tiếng thông reo… Tất cả chỉ còn là quá khứ, đó là Đà Lạt của ngày hôm qua.
Những Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, Thác Cam Ly… giờ chỉ là những vạt đất hoặc những ngọn đồi thưa thớt một ít cây thông non, đôi khi cỏ còn không mọc nổi trên nền đất đỏ đầy vết chân người và ngựa. Ngay cả khi bạn đi xe Jeep lên đỉnh Langbiang, trên đỉnh núi này chỉ còn một vùng đất phẳng trơ trụi đầy những công trình nhân tạo. Thông đâu không thấy, chỉ có hàng quán là nhiều.
Mang nỗi nhớ những rừng thông già ngày cũ, lần này trở về Đà Lạt, tôi đã đến những điểm du lịch còn khá hoang sơ để tìm lại rừng thông. Trong cuộc hành trình đi tìm rừng thông, tôi đã có những giây phút thực sự thư giãn khi ngắm nhìn phong cảnh thơ mộng tuyệt vời của Đà Lạt, đồng thời cũng mang theo những suy nghĩ, lo âu về một Đà Lạt của ngày mai…
Tôi đã đến khu du lịch dã ngoại Đá Tiên, một khu du lịch mới khai thác cách đây không lâu. Từ trung tâm thành phố, khách đến Đá Tiên đi theo con đường dẫn đến Thiền Viện Trúc Lâm, rồi đi tiếp đến cuối hồ Tuyền Lâm. Đá Tiên nằm trên triền đồi cao nên du khách có thể ngắm nhìn những đồi thông xanh mướt bên kia hồ. Ở ven hồ có những nhà chòi lợp lá xinh xinh để du khách nghỉ chân, bố trí khá phù hợp với cảnh quan chung quanh. May mắn là ở đây vẫn còn khá nhiều thông…
Chiếc thuyền đưa khách đi từ bến đò Thiền Viện Trúc Lâm vào khu dã ngoại Nam Qua:
Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm hồ Dankia (còn gọi là Suối Bạc), cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 17km. Từ trung tâm, xe đi qua khu du lịch Thung Lũng Vàng rồi đi thêm khoảng 5km nữa mới đến hồ Dankia. Đây là nơi cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt với nhà máy nước Suối Vàng.

Một góc Hồ Dankia:

Cưỡi ngựa trên thảo nguyên:
Hồ Dankia vẫn còn hoang sơ, nhưng nhiều ngọn đồi ở đây đã được khai thác để trồng hoa màu. Trên triền đồi, những làn khói trắng làm cảnh vật càng thêm huyền ảo….
Thế nhưng bạn có biết khói đó từ đâu mà ra không? Đó là khói do đốt rừng làm rẫy. Những ngọn đồi trọc loang lổ vết đất đỏ bazan xen kẽ những vạt cỏ… 
Chẳng bao lâu nữa, những đồi thông bên này hồ Dankia cũng sẽ bị “xẻ thịt” để trở thành một Trung Tâm Giải Trí Quốc Tế. Đã có một dự án của Anh khai thác 1.000 ha  đất nơi này để lập khu khách sạn, khu săn bắn, khu giải trí… và cả một sân golf nữa. Đồi Cù xinh đẹp nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt giờ đã là sân golf của tư nhân, cấm cư dân Đà Lạt và du khách vào khu vực. Không lẽ bây giờ Đà Lạt còn cần thêm 1 sân golf khác nữa??? Và có nên biến khu vực Hồ Dankia – Suối Vàng – Suối Bạc thành một thứ trung tâm giải trí liên hợp theo kiểu cao nguyên Genting của Malaysia?
Sài Gòn có thể xây dựng các trung tâm giải trí liên hợp, nhưng Đà Lạt thì không! Du khách đến Đà Lạt vì cảnh đẹp, vì rừng thông, vì khí hậu… chứ không phải vì tiện nghi.
Bạn hãy đến thăm Đà Lạt nhanh lên nhé, vì mai kia những rừng thông ven hồ Dankia rồi sẽ thành quá khứ…
Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm rừng thông Đà Lạt, chúng tôi đi theo con đường ngang qua Thiền Viện Trúc Lâm, đi sâu vào khu vực rừng thông tuyệt đẹp ven hồ Tuyền Lâm, nơi đang triển khai các dự án khu giải trí, biệt thự…
Đà Lạt có khá nhiều hồ, nhưng trong số đó Hồ Tuyền Lâm với diện tích mặt hồ 320ha mang vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ nhất, mà chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Hồ Tuyền Lâm thật thơ mộng với những cánh rừng thông xanh sâu hút soi bóng trên mặt nước trong xanh. Những ngày nắng đẹp, mặt nước hồ Tuyền Lâm xanh biếc in bóng mây trời, còn những ngày trời nhiều mây, mặt hồ trắng sáng như bạc, nổi bật trên nền xanh của núi rừng. Màu xanh của thông phủ đầy núi đồi theo những sắc độ khác nhau, thông non có màu xanh tươi, thông già màu xanh thẫm, dưới gốc thông là một số cây bụi nhỏ và thảm cỏ xanh mơn mởn…Những ngọn núi cũng có nhiều sắc độ khác nhau tùy theo khoảng cách xa gần và mật độ phủ kín của thông. Lẫn trong màu xanh cỏ cây là màu đất đỏ bazan dọc theo những con đường ngoằn ngoèo men theo sườn đồi.
Những chiếc thuyền nằm đợi khách bên hồ:
Những chòi lá nhỏ ven hồ, nơi du khách nghỉ chân và thưởng thức những món ăn đặc sản Đà Lạt giữa núi rừng thanh tĩnh:
Thác Bảo Đại, một ngọn thác nhỏ ở khu vực hồ Tuyền Lâm:
Câu cá, một thú tiêu khiển không ồn ào của người Đà Lạt:
Trong một thời gian ngắn nữa thôi, sự thanh tĩnh của núi rừng, không khí trong lành và vẻ đẹp của rừng thông Tuyền Lâm sẽ không còn tồn tại. Rừng thông Tuyền Lâm đã được phân lô, cấp cho những dự án thành lập khu giải trí, du lịch, khu biệt thự… Theo báo Người Lao Động online, Công ty Cổ Phần SACOM đã được cấp giấy phép xây dựng sân golf Tuyền Lâm với diện tích 74 ha, gồm sân golf 18 lỗ, một khách sạn 4 sao với 150 phòng và 230 biệt thự cho thuê dài hạn; một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 194 ha tại các đồi thông ven hồ Tuyền Lâm với một khách sạn 5 sao 400 phòng, khu trung tâm mua sắm và câu lạc bộ du thuyền, khu vui chơi giải trí và hoạt động thể thao, khu resort 170 căn. Ngoài SACOM, còn có nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép xây dựng nhiều dự án khác tại Tuyền Lâm.
Rất nhiều rừng thông phòng hộ và cả rừng nguyên sinh đã bị chặt phá, san phẳng để xây dựng sân golf và các khu du lịch. Theo Sở Nông Nghiệp tỉnh Lâm Đồng, có 98.534 cây thông phải đốn hạ để làm các dự án trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Sau khi chặt hạ 150ha rừng, sẽ trồng lại một số cây kiểng như mai anh đào, mimosa, phượng tím… để thay thế các cây thông đã chặt !!!. Thật đúng là dự án “mì ăn liền”, người ta không cần biết hậu quả của nạn phá rừng, nhất là đốn hạ những cây thông -hình ảnh đại diện cho Đà Lạt - mà không cần biết những cây thông ấy đã phải mất bao nhiêu năm mới đủ lớn để phủ kín đồi.
Thật đau lòng khi đi qua những đồi thông bị băm xẻ nham nhở, lộ ra màu đất bazan đỏ như máu của rừng.
Cây thông bị chặt được xếp thành đống ở bên đường. Những cây thông già có đường kính lớn được xếp kín đáo hơn, ở xa đường lộ. Thông ở Tuyền Lâm bị đốn hạ nhiều đến nỗi các cơ quan chức năng phải đặt vấn đề tận dụng, khai thác thông bị đốn hạ trong các dự án xây dựng khu du lịch. 
Rứng thông bị chặt phá, ngoài việc làm cho đất bị xói mòn, hết màu mỡ, gây lũ bùn, lở đất… còn làm cho khí hậu Đà Lạt trở nên nóng bức. Vài năm gần đây, nhiều khách sạn nhà hàng ở miền cao nguyên có khí hậu gần như ôn đới này đã phải trang bị quạt máy, thậm chí khách sạn Sài Gòn-Đà Lạt còn phải gắn máy lạnh! 
Một góc hồ Tuyền Lâm, nơi đã được quy hoạch làm khu du lịch:
Cuộc sống thanh bình ngày ngày trồng cây, bắt cá của người dân chốn núi rừng hoang vắng này sẽ không còn nữa.
Thay vào đó, tiếng nhạc dance, nhạc thị trường sẽ vang rền núi rừng một khi khu giải trí, nhà hàng, quán karaoke, quán bar… mọc lên như nấm ở những cánh rừng này. Mà không, lúc đó Tuyền Lâm sẽ không còn rừng thông nữa. Tuyền Lâm sẽ là một thành phố nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp, có thể làm cho ngân sách của Đà Lạt tăng lên, đồng thời cũng biến Đà Lạt thành một mớ hổ lốn.
Và biết đâu, sẽ có một casino (sòng bạc) phục vụ cho khách nước ngoài…!
Ngành văn hóa, du lịch của Lâm Đồng có bao giờ làm một cuộc khảo sát để xem du khách đến Đà Lạt vì cái gì chưa? Không còn rừng thông và khí hậu trở nên nóng bức, Đà Lạt sẽ không còn sự hấp dẫn của nó nữa. Và các khu giải trí nghỉ dưỡng cao cấp kia sẽ đón ai một khi du khách quay lưng với Đà Lạt?

  Theo http://www.hoadongnoi.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...