Những tiếng hát một
thuở: Thái Hằng là chị
Gần đây có thông tin nữ danh ca Thái Thanh mắc
căn bệnh Alzheimer (một chứng mất trí phổ biến) và tình trạng sức khỏe đang
ngày một yếu đi. Ở tuổi gần 80, dù đang chạy đua với quỹ thời gian mỗi lúc một
cạn dần nhưng những ảnh hưởng từ giọng hát của bà còn rất lớn, Thái Thanh vẫn
luôn được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.
Hai nàng Kiều ở phố Neo
Thái Hằng, Thái Thanh là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng. Thái Hằng (nghệ
danh được nhà thơ Thế Lữ đặt) là con gái đầu lòng, tên thật là Phạm Thị Quang
Thái. Còn Thái Thanh là con gái út trong nhà, tên thật là Phạm Băng Thanh. Việc
anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một
điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: thân phụ là một
nghệ sĩ chơi đàn nguyệt có tiếng tăm, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh,
đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng ở đất Bắc. Bởi vậy dường như máu văn nghệ, mà cụ
thể là máu âm nhạc hầu như đã có sẵn trong huyết quản của tất cả anh em Thái
Hằng.
Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa) lúc
bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và
chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo
kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai
chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây,
nhạc sĩ Canh Thân làm những bài như Cô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy
giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại ve vãn cô chủ tiệm Thái
Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.
Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái
Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương),
sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban
hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng - Thái
Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long
thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà (Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột).
Sau họ còn có thêm đôi song ca Tâm Vấn và Thịnh Thái. Nhưng dưới ánh đèn sân
khấu, không ai sáng hơn Thái Hằng - Thái Thanh, những tiết mục của họ đều là
những tiết mục ăn khách nhất, nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà
họ Phạm là song phẩm, Thái Hằng kiều diễm, đoan trang còn Thái Thanh sắc sảo
duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản
nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.
Giọng hát của Thái Hằng gợi nên hình ảnh của một bà hoàng, còn
giọng hát Thái Thanh lại gợi hình ảnh một quý phi. Và trên hết, tiếng hát của
họ thực sự là những tiếng hát vượt thời gian.
|
Ban Hợp ca Thăng Long chuyên hát những ca khúc vui tươi: Ngựa phi đường
xa (Lê Yên), Sáng rừng, Hò leo núi (Phạm Đình
Chương)… với cách hòa thanh khi ấy như một làn gió tiên phong, mở đường cho
phong cách hát nhiều bè, hát đuổi cho nhiều ban hợp ca sau này trên sân khấu ca
nhạc. Hoài Bắc - Phạm Đình Chương còn là người viết nhiều ca khúc bất hủ:
trường ca Hội trùng dương, Ly rượu mừng... Họ cũng là ban hợp ca
trình bày ca khúc sử thi đồ sộ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê
Thương với lối trình bày rất lạ thời ấy: xen trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của
Thái Hằng, Thái Thanh đưa Chinh phụ ngâm khúc vào, biến trường
ca bi tráng của Lê Thương trở nên gần với thể loại nhạc kịch. Hai chị em Thái
Hằng - Thái Thanh còn được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm
thơ trong chương trình Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng như những bản
song ca mà giờ này nhiều người vẫn còn nhớ đến.
Tuy vậy đến đầu thập niên 1970 thì Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Hợp ca Thăng
Long và lúc này ban hợp ca cũng tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những
hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.
Thái Hằng - Tiếng hát thùy dương
Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như
nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió
như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng
trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng
bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.
Thái Hằng được nhớ rất nhiều qua những ca khúc như Gánh lúa, Bà mẹ quê, Tình
hoài hương hay Về miền Trung, Tiếng hát Thiên Thai, Dòng sông xanh (lời Việt
của Phạm Duy)… Giọng hát của bà được đánh giá đạt đến mức điêu luyện hiếm có,
chưa ai vượt qua được.
Suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ được yêu
mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua
những bản Tiếng sáo thiên thai, Tình hoài hương, Tình ca... của Phạm Duy.
Thái Thanh cùng Hoài Trung (trái) và
Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long
Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long
Ngoài vai trò một người mẹ của 8 người con, bà
còn là người vợ mà nhạc sĩ Phạm Duy vô cùng kính trọng. Trong suốt nửa thế kỷ
hôn nhân với Phạm Duy, dù vẫn biết ông là người đào hoa bậc nhất bà vẫn chưa
bao giờ có một lời nói nặng nào. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi bà là vị thần hộ mệnh
của mình, ông viết: “Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh
bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã
với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo”…
Ca sĩ Thái Hằng không được nhắc đến nhiều bằng cô em Thái Thanh nhưng vẫn luôn
nhận được sự kính trọng bằng giọng hát phi thường của mình. Sau năm 1975 bà vẫn
đi hát nhưng chỉ là để giữ giọng phụ cho hai cô con gái là Thái Hiền và Thái
Thảo hát chính. Và khi ca sĩ Duy Quang định cư hẳn ở Mỹ thì Thái Hằng hoàn toàn
lui vào hậu trường và không bao giờ đi hát nữa.
Bà mất năm 1999 vì ung thư phổi. Thời gian đó, khi hay tin vợ mắc nan y, nhạc
sĩ Phạm Duy đã bỏ tất cả mọi dự án âm nhạc để ở bên cạnh bà những ngày cuối
đời. Ông nói rằng trong suốt cuộc hôn nhân này ông luôn chịu ơn bà và cho dù
cuộc đời ông nhiều trắc trở nhưng tình nghĩa vợ chồng chưa bao giờ sóng gió,
ông chưa bao giờ vắng nhà qua đêm và Thái Hằng chưa hề phải xa chồng, dù chỉ
một ngày.
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa
tiền định: bầu trời xanh tiếng hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát
long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu
Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương
trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút,
buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Quả thực
trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều
ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.
Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh
cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở
Sài Gòn. Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975 có
lẽ không ai chính xác bằng người trong giới, đặc biệt là một trong các danh ca
hàng đầu thời ấy, Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội chợ Osaka,
Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời báo chí rằng: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và
hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục”. Được xem là đắt giá nhất trong giới ca sĩ
ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.
Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân
lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho
chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai
khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em,
Ngày xưa Hoàng Thị, Đêm màu hồng, Ru ta ngậm ngùi hay những sáng tác của Phạm
Đình Chương và đặc biệt, là những nhạc phẩm của Phạm Duy. Ngay từ những ngày
đầu tiên cất tiếng hát (khoảng 13, 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn
dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm
Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng
gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung - Nam - Bắc qua những
sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng
không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca
duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không
những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên
tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm
Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.
Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại
trong 9 năm, trong khoảng thời gian ấy bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh
con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca
của nền tân nhạc Việt Nam. Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc,
như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Bà luôn có trách nhiệm và
rất coi trọng nghề nghiệp. Chính vì lẽ đó mà suốt một thời gian bà không cho
phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ đi trên con đường này phải trả giá và
kiên trung ghê gớm. Phải đến khi qua Mỹ bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần
30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.
Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến
năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Đây đó cũng vài lần Thái Thanh
đi hát nhưng chỉ mang tính chất giao lưu còn thì bà gần như không còn hoạt động
âm nhạc nữa. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số
lượng đĩa hát đồ sộ (với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ) và số ca khúc mà bà thể hiện
cũng đã hơn 500 bài và trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến. Những cuốn
băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm
đồ cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét