Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Biển hát chiều nay - Album ca khúc về biển

Biển hát chiều nay 
Album ca khúc về biển
1. Biển hát
Biển…luôn mang lại cho chúng ta những cảm xúc mới lạ, khi mỗi lần đến với biển rồi xa biển. Tôi, bạn hay bất cứ ai đều không khỏi rưng rưng khi đứng trước bình minh trên biển, hay chiều biển mưa, rồi đêm trăng trên biển vắng…Tiếng sóng biển rì rầm, hay dữ dằn, dạt dào hay mạnh mẽ, từng lớp tung bọt trắng xóa, sóng lăn tăn khi biển lặng, sóng bạc đầu khi biển động đều là những vẻ đẹp dung dị nhưng huyền bí của biển…Mỗi khi đến với biển mỗi người đều có thể cảm nhận được giai điệu của biển hát theo cách riêng của mình…
Biển hát chiều nay - Ca sỹ: Thu Phương
Bâng khuâng Trường Sa - Tốp ca
Biển hát chiều nay - NSND Trung Đức
2. Biển và tình yêu đôi lứa
Sẽ rất đỗi bình thường nếu tác giả bài hát là một nhạc sĩ, thi sĩ… Nhưng ông lại chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người viết lời ca khúc, chưa bao giờ nghĩ sẽ có người hát lên những lời thơ của mình. Tác giả lời bài hát - thầy giáo Minh Thiện - kể lại: “Tôi vốn là giáo viên ngoại ngữ Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, quận Lê Chân, nghỉ hưu năm 2005. Là người yêu thơ nên mỗi lúc có cảm xúc, tôi lại mượn ngôn từ của thơ để thể hiện tâm tư của mình, dù lúc đó, không bao giờ nghĩ rằng, những bài thơ của mình lại đến được với công chúng”.
Thầy giáo Minh Thiện tâm sự, ông làm thơ từ nhỏ, chép tay các bài thơ đó vào những cuốn sổ giờ đã sờn gáy, bạc màu vì thời gian. Đến nay, ông đã có hàng chục cuốn sổ thơ như thế. Mỗi cuốn lại đánh dấu những tâm trạng, cảm xúc qua mỗi giai đoạn trong cuộc đời. Có rất nhiều bài thơ sáng tác những năm 70-80 mới được ông chọn lọc, gửi đăng báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ quân đội trong thời gian gần đây… Riêng bài thơ “Đừng ví em là biển” ông sáng tác năm 1996, đăng báo Quân đội nhân dân năm 1997 và được nhạc sĩ Trần Thanh Tùng phổ nhạc một thời gian sau đó.
Ông kể lại, cảm xúc sáng tác bài thơ “Đừng ví em là biển” đến rất bất ngờ. Đó là sau chuyến tham quan Hạ Long do nhà trường tổ chức cho các giáo viên giỏi, ông đã tới chúc mừng các cô giáo đoạt giải đi trong chuyến đi đó bằng câu thơ: “Cô giáo như biển rộng/ Càng học, càng mênh mông”. Thế là một cô giáo nói: “Anh đừng ví chúng em như biển, chúng em chỉ là cô giáo trường thôi!”. Từ câu nói của cô giáo, những tứ thơ lần lượt hiện ra trong đầu. Và ông đã hoàn thành bài thơ đó rất nhanh. Những câu thơ mộc mạc, giản dị như tâm sự chân thành của một cô gái cứ thế dần dần hình thành: “Đừng ví em là biển/Vị mặn hết cho đời/Sao đời mình nhạt nhẽo/Buồn cứ đầy lại vơi…” 
Đừng ví em là biển - CS: Tân Nhàn
Đừng ví em là biển – NSUT Minh Phương
Phố biển chiều mưa, lối về mình em lặng lẽ. Vừa mới đây thôi em tiễn anh nơi cầu cảng để lên tàu ra đảo. Vẫn còn đây dáng anh cao gầy, làn da nâu rám nắng, vẫn còn đây hơi ấm bàn tay anh nắm tay em nồng nàn. Ca khúc Biển, nỗi nhớ và em ngân vang, ngân vang từ giọng nói ấm áp của anh:
Biển nỗi nhớ và em - CS: Ngọc Anh
"Anh xa em trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ. Biển vẫn thấy mình dài rộng thế". Lời của bài hát chứa sức nặng tình cảm anh và em. Anh, người lính đảo, cuộc đời gắn liền với biển quanh năm là sóng gió, bão tố.
Chúng ta quen nhau tình cờ, cả hai đều yêu cầu được nghe ca khúc Biển, nỗi nhớ và em trong chương trình "Quà tặng âm nhạc". Và theo năm tháng, tình yêu hai đứa dần lớn lên. Ngay khi câu đầu bài hát ngân lên trong em, là nỗi nhớ tràn về ngập đầy. Người ta nói: Sự xa cách thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu....
Vậy mà trong bài hát chỉ một từ "xa" khiến chúng ta lạc mất nhau. Giữa không gian bao la, thẳm sâu nhường ấy, trong lòng em, cái khoảng trống thiếu vắng anh sao có thể lấp đầy? Anh vẫn thường bảo em: "Yêu người lính, em phải chấp nhận hi sinh rất nhiều. Bởi thế anh luôn trân trọng điều đó cũng trân trọng tình cảm của em. Anh biết giữa chúng ta là nỗi nhớ, là những chuỗi ngày xa cách, nhưng anh tin một ngày thật gần chúng ta sẽ cập bến bình yên".
Biển nỗi nhớ và em - CS: Ngọc Tân
"Biển vẫn cậy mình dài rộng thế. Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn". Hội ngộ rồi chia ly, xa cách rồi nhớ thương hoài vọng, chờ mong đến khắc khoải. Biển bao la nhường vậy nên những đêm đứng gác ngóng trông về đất liền xa, đã có lúc trong lòng anh thoáng cảm giác cô đơn. Cùng lúc cũng là cảm giác của em nơi đất liền. Sự xa cách ấy như cho ta thấy hết những yêu thương ngọt ngào, mới đo hết chiều dài nỗi nhớ.
Trước biển, mưa vẫn rơi, nước mắt em nhạt nhòa, mưa táp vào mặt em bỏng rát, em đang lắng nghe lòng mình trăn trở, nhức nhối đến khôn nguôi: "Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn. Em đâu phải là chiều, mà nhuộm anh đến tím".
Gió quất vào núi làm núi mòn hay đó là trạng thái bình thường của tự nhiên? Nếu nó chỉ dừng lại ở chuyện gió âm thầm... mà núi phải mòn thì mãi mãi tình yêu này chỉ là một vết khuyết. Thế nhưng tiếp theo là cặp từ: "Không nói"... "mà sao", "đâu phải"... "mà nhuộm"... - một sự lắng lại của tạo hóa dẫn đến sự lắng lại trong tâm hồn, trong trái tim em.
Biển Nỗi nhớ và em – CS: Thùy Dung
Nỗi nhớ loang đầy không gian, nhuộm tím hồn anh để mãi mãi trong tim hai đứa khắc ghi hình bóng của nhau. Cuộc sống này của em liệu có còn ý nghĩa nữa hay không nếu một nửa không phải là anh? Nỗi nhớ thương nồng cháy trong những tháng ngày xa cách đã trở thành ước vọng trong anh, trong em: "Sóng có nghĩa gì đâu, nếu chiều nay anh chẳng đến. Để sóng đã làm em nghiêng ngả vì anh". Đó là tất cả tình yêu, là đam mê, là tất cả những yêu thương nồng ấm trong trái tim. "Sóng" trong lòng anh hay sóng của biển lòng em đang cuộn chảy? Động từ "đến" làm dậy lên trong em nỗi khát khao ngày anh trở về bằng niềm tin, mong anh vững tin hoàn thành nhiệm vụ.
Lời thơ Hữu Thỉnh ngân nga trong giai điệu nhạc của Phú Quang như nói hộ lòng em - lòng những cô gái chàng trai đang yêu - rằng trong cuộc đời mỗi người dù xa cách nhưng hãy tin, hãy yêu, trọn vẹn với người mình yêu thương...
Trần Quang Thiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...