Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Tản văn của Xuân Thu

Tản văn của Xuân Thu
Mùa hoa bưởi Đoan Hùng
Mùa xuân là mùa của muôn loài hoa. Mỗi một vùng đất trên quê hương Việt Nam chúng ta đều có những loài hoa đặc trưng khác nhau: hoa ban Tây Bắc, hoa hồi xứ Lạng, hoa mơ Hương Sơn, hoa dã quỳ Tây Nguyên... Còn Đoan Hùng quê tôi, một vùng trung du phía bắc của tỉnh Phú Thọ lại nổi tiếng bởi một loài hoa đã làm nên thứ quả đặc sản nơi đây, đó là hoa bưởi. Cứ mỗi độ xuân về, sau màu hồng rực rỡ của hoa đào là tiếp đến màu trắng thơm ngào ngạt của hoa bưởi. Đêm xuân, dưới ánh trăng suông mờ ảo giêng hai, trong tiếng ếch nhái inh ỏi kêu gọi bạn ngoài đồng, giữa dàn bè trầm rỉ rả, tỉ tê của lũ côn trùng trong vườn, chợt thấy thoang thoảng hương thơm quyến rũ đến mê người, khiến ta phải căng lồng ngực lên mà hít hà, ngó đôi mắt mà tìm kiếm xung quanh xem cái hương thơm gì mà mê hoặc ta đến thế? Hít hít thở thở, ngó ngó nghiêng nghiêng, để rồi ta vội reo thầm lên: Hoa bưởi! Phải rồi! Hoa bưởi! Ngào ngạt thế cơ mà! Nồng nàn thế cơ mà! Chỉ có hoa bưởi chứ không phải loại hoa nào khác. Theo gót nàng xuân, hoa bưởi sẽ sàng đến với ta tự lúc nào mà ta không hay.
Khi hoa đào đang độ sung sức, nở tung khoe sắc màu đỏ thắm thì trên những cành bưởi mới chỉ có những nụ hoa li ti. Không như hoa mận, hoa đào khoe sắc màu rực rỡ trên cây, hoa bưởi khiêm nhường ẩn náu trong màu xanh của lá. Bên cạnh những tán lá già xanh thẫm đang dần chuyển màu úa vàng hay xạm đen vì gió bụi là những chồi non xanh mởn. Ta mải mê với bao công việc đầu năm mới, mải mê du xuân trẩy hội, bẵng đi một thời gian không nhìn lại, bất chợt một sớm xuân nào đó ngó ra vườn thì những nụ xanh li ti nấp dưới chồi non cây bưởi dạo nào giờ đã nở trắng xóa hoa. Những bông hoa rung rinh giữa làn gió xuân thì như cười cùng ta, vẫy gọi ta, rủ bướm, mời ong về tận hưởng cái hương vị ngọt ngào của đất trời ban cho.
Cây bưởi đổi cành thay lá bốn lần trong năm nên khi sang xuân trên cây vẫn còn khá nhiều lá già màu xanh vàng xen với những lộc xanh non mới nhú. Chính cái màu xanh ấy đã làm nền tôn cho màu trắng của hoa thêm nổi bật, hài hoà. Vào cữ hoa nở rộ, trên mặt đất, hoa bưởi rụng như những bỏng ngô rang. Chúng nở tung hết cỡ, có thể vun lại thành từng đống, vốc lên mà hít hà, mà tận hưởng cái mùi thơm ngào ngạt đến mê người. Thỉnh thoảng một vài quả bưởi nho nhỏ, xinh xinh màu vàng xuộm được cố ý để lại từ vụ trước càng tôn thêm vẻ rực rỡ của hoa bưởi. Đàn chim thấy hoa bưởi nở cũng bay về nhiều hơn. Khu vườn nhỏ nhờ vậy sáng nào cũng thánh thót tiếng chim ca. Đàn ong xi xao quẩn quanh trong vườn hút mật. Con đậu, con bay, tiếng chúng vỗ cánh kêu vo vo nghe mới rộn ràng mê mải làm sao. Sau một đêm ngủ bình yên giữa quê nhà, sáng ra ta đã thấy hoa bưởi rụng trắng đầy hè. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua, trong vườn lại có trận mưa hoa trắng muốt, đẹp đến mê hồn.
Hoa bưởi là loài hoa tự chùm, mỗi chùm có từ 5 đến 10 bông. Mỗi bông có từ 3 đến 5 cánh hoa màu trắng nõn nà tinh khôi. Giữa mỗi bông hoa là nhuỵ cái với bầu mật hấp dẫn các loài ong, loài bướm. Xung quanh nhuỵ cái là rất nhiều nhị đực với những bao phấn màu vàng. Tất cả các màu xanh, vàng, trắng đó hợp lại với nhau một cách hài hoà tạo nên một gam màu thiên nhiên thật lý tưởng, trong đó nhiều nhất vẫn là màu trắng của cánh hoa, màu xanh của lá cây khiến cho ta đứng xa vẫn thấy vườn hoa bưởi như bềnh bồng, mênh mang trước gió xuân.
Cả một vùng đồi rộng lớn của huyện trắng thơm ngào ngạt. Bên bờ sông Lô, xã Chí Đám anh hùng, cái nôi đặc sản bưởi của huyện, vườn nhà nọ nối tiếp nhà kia toàn bưởi là bưởi. Từ đầu xã đến cuối xã, gần chục cây số bờ sông ta chỉ thấy có bưởi. Dòng Lô trong xanh, gió xuân man mác mang theo hương bưởi ngạt ngào khiến cho cả vùng như được ướp trong cái hương vị nồng nàn của loài hoa quyến rũ ấy. Ngược dòng sông Chảy lên phía tây của huyện là các xã Bằng Luân, Bằng Doãn, là Nghinh Xuyên, Hùng Quan... cũng bạt ngàn những bưởi là bưởi. Đứng trên thuyền giữa dòng sông Chảy, sông Lô, nhìn lên hai bờ hay đứng ở đỉnh một quả đồi nào đó nhìn xuống những khu vườn ta sẽ thấy cả một vùng bao la của huyện trắng một màu hoa bưởi. Cùng người thương dạo trong vườn bưởi, ngây ngất với hoa, ngẩn ngơ trong ánh mắt nhau đủ để lâng lâng say dạ, say lòng. Ngắt một chùm hoa bưởi trao nhau, uống nhau trong ánh mắt ta như thấy cả đất trời phủ Đoan bềnh bồng cùng sóng nước sông Lô. Nếu hôm đó người thương của bạn vừa mới gội đầu bằng nước thơm lá bưởi thì chắc hẳn bạn sẽ càng ngất ngây với cảnh với người. Hương bưởi thơm cho lòng ai bối rối thế, người ơi?
Bạn đã được thưởng thức hương vị bánh trôi ướp hương hoa bưởi hay một bát chè bưởi bao giờ chưa? Ngon! Tuyệt vời! Trong tiết trời mùa xuân giữa cái ấm và cái lạnh đan cài nhau mà được thưởng thức một đĩa bánh trôi hay một bát chè bưởi như thế thì tôi cam đoan với bạn rằng không có gì thú vị bằng. Tất cả những tinh hoa của đất của trời, của tạo hoá âm dương với bàn tay khéo léo của con người hình như đã tụ lại để làm nên một thứ bánh, một thứ chè kỳ diệu đó. Ôi, hương bưởi nồng nàn đã thấm nơi đầu lưỡi để hồn ta phút chốc trở nên phiêu lãng bềnh bồng!
Về Đoan Hùng giữa mùa hoa bưởi bạn sẽ thấy cõi lòng lâng lâng thanh thản lạ. Đứng bên bờ ngã ba sông Lô, sông Chảy, dưới chân tượng đài Chiến thắng, xin bạn cứ hít căng lồng ngực để đón gió sông Lô nồng nàn hương bưởi. Lắng lại hồn mình nghe thì thầm sông hát. Sóng nước dạt dào thấm đẫm hương hoa. Hương bưởi da diết ấy sẽ theo bạn vào trong giấc ngủ để trong mơ bạn sẽ thấy mùa bưởi quê tôi những quả bưởi trĩu cành vàng ươm đang rung rinh trong gió.  
Đợi em ngày giỗ Tổ
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012. Chẳng biết giờ này em ở đâu, có cảm nhận được không khi trước ngày Quốc giỗ? Phú Thọ những ngày này tưng bừng lắm em ơi! Nhìn những đoàn du khách về trẩy hội sớm mai mà anh nhớ em quá chừng.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền vọng mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Em có nghe thấy không lời anh và quê hương đang gọi?
Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn nhất cả nước. Hiếm có nơi nào trên thế giới các dân tộc trong một nước lại thờ chung một mộ Tổ, có chung một ngày Quốc giỗ như nước ta. Năm nay, lễ hội Đền Hùng đặc biệt lắm em nhé. Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là vinh dự không chỉ Phú Thọ đâu em mà là vinh dự chung của cả dân tộc ta đó. Vừa mới đây thôi, lễ vinh danh hát Xoan và khai mạc chương trình du lịch “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai do Phú Thọ đăng cai tổ thức đã diễn ra rất ấn tượng ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng - một trong mười di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Tiếng trống đồng khai hội đã rộn rã vang lên. Câu ca xoan đang tưng bừng khắp làng quê thôn xóm. Không chỉ bốn làng xoan gốc của tỉnh mà hầu như cả 13 huyện, thị, thành phố, tất cả các trường học, các làng quê trong tỉnh Phú Thọ suốt mấy tháng nay đâu đâu cũng vang lên lời ca xoan ghẹo.
Về giỗ Tổ năm nay anh sẽ đưa em đi thăm các làng xoan, thả hồn trong câu ca xoan, giới thiệu cho em biết thế nào là 14 quả cách, thế nào là điệu hát bỏ bộ, là xin huê đố chữ, là mó cá, hát ru… Làn điệu dân ca này thật lạ, không cần nhạc cụ này nọ, chỉ có trống con, trống cái, vũ điệu cũng thật đơn giản, lời ca lại quá gần gũi mộc mạc, ấy vậy mà hút hồn người ta đến thế cơ chứ. Ngay như mấy ông Tây, bà Tây chẳng hiểu tiếng ta, không biết lời ca giai điệu thế mà cũng ngây người ra để nghe hát xoan, để rồi ngày sắp tàn, chuyến tham quan sắp hết mà đôi chân cứ vướng víu dùng dằng mãi chẳng muốn về. Khắp nơi trong ngày hội, cả một vùng không gian văn hóa Hùng Vương rộng lớn, đâu đâu cũng tổ chức hát xoan. Từ cửa đình đến gốc đa đầu ngõ, từ trung tâm thành phố Việt Trì, đến chân núi Nghĩa Lĩnh, từ bảo tàng Hùng Vương đến Công quán Đền Hùng… đều có các nghệ nhân cùng những nam thanh, nữ tú biểu diễn hát xoan. Và cao trào nhất là liên hoan hát Xoan Phú Thọ lần thứ nhất sẽ được khai mạc chính thức trong những ngày giỗ Tổ. Tới đó, em sẽ tha hồ mà bay bổng cùng Xoan, tha hồ mà thả hồn say mê ngược dòng lịch sử để tìm về cội nguồn cha ông thời dựng nước.
Về dự lễ hội Đền Hùng năm nay, em sẽ còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa thể thao tưng bừng lắm. Nào hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giày giữa các tỉnh để thêm một lần nữa nhớ tới Lang Liêu với sự tích bánh chưng, bánh giày, để thấy được nghệ thuật ẩm thực của ông cha và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chẳng khác nào nghệ sỹ. Nào rước kiệu múa lân, múa sư tử của các xã vùng ven Đền Hùng. Nào hội bơi chải trên ngã ba sông Bạch Hạc thơ mộng và huyền thoại.
Nào xem trò “tứ dân chi nghiệp” để thấy cảnh sĩ, nông, công, thương của các cụ ta thuở trước. Nào hội rước voi Đào Xá, cướp phết Hiền Quan, rồi lễ hội trò trám “linh tinh tình phộc” của Tứ Xã…được tái hiện trên sân khấu. Nhiều, nhiều lắm những trò dân gian, những tích xưa, điển cũ đều được tái hiện, phục dựng. Lại còn bao nhiêu môn thể thao hiện đại được tổ chức khắp các sân bãi, các nhà thi đấu nữa chứ. Thêm vào đó là trại văn hóa của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, các công ty, đơn vị sẽ góp cho sắc màu ngày lễ hội thêm tưng bừng, phong phú. Trống giong, cờ mở, người thi người, làng đua làng náo nức lắm, rộn ràng lắm.
Cùng với tỉnh Phú Thọ, các đoàn nghệ thuật của các tỉnh cũng hân hoan đua nhau về biểu diễn phục vụ du khách. Đặc biệt, lễ hội Đền Hùng năm nay, văn nghệ sỹ của 5 tỉnh, thành phố vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay (gồm Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế) đem theo chương trình thơ nhạc đặc sắc cùng những ấn phẩm văn học nghệ thuật sẽ về giỗ Tổ, tha hồ cho em gặp gỡ, giao lưu. Đêm thơ nhạc “Về nguồn cội” cùng với triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế VN11, trưng bày sách, báo tạp chí văn học nghệ thuật chắc chắn sẽ làm em say mê. Phú Thọ không chỉ là cội nguồn của dân tộc mà còn là một trong những cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến, nơi ra đời Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay). Em thấy đó, tâm hồn thi sỹ như em sao có thể không về hội này được cơ chứ? Về đi em, về để thêm những vần thơ thăng hoa cất cánh. Về để thấy được sự đổi thay nhanh chóng của thành phố ngã ba sông, của tỉnh Phú Thọ. Về để chúng mình cùng thắp hương bái Tổ, cùng đến đền Giếng để gieo quẻ cầu duyên.  
Trống hội đã thúc giục rồi. Cờ đỏ sao vàng, cờ lễ hội đang tung bay trước gió. Trong làn gió xuân mơn man, đi giữa lời ca xoan ghẹo, leo từng bậc đá lên Đền Thượng cùng với bao người chuẩn bị cho ngày Quốc giỗ mà anh nhớ em quá chừng. Kia sông Lô, sông Thao, sông Đà gặp nhau ngã ba Hạc; nọ 99 ngọn núi như 99 con voi đều quay đầu hướng về Nghĩa Lĩnh - nơi linh thiêng ngút ngàn linh khí. Anh đứng đây mắt nhìn bốn hướng mà hồn lâng lâng như thấy bốn ngàn năm dồn lại hôm nay. Khí phách Tổ tiên, dòng máu Lạc Hồng cho anh, cho mọi người tự hào về truyền thống ông cha và tự tin bước tới. Em ở nơi đâu, hãy nhanh chân về cùng anh ngày giỗ Tổ!
Ký ức mùa hoa gạo
Sáng nay, trên đường tới cơ quan, trong mờ mờ sương mai, nhìn lên khoảng không gian trước mặt bên bờ sông, bất chợt tôi thấy bừng lên một vầng đỏ rực. Trời ơi! Hoa gạo! Nó nở từ bao giờ mà mãi tới tận bây giờ tôi mới thấy? Tháng ba rồi ư? Lưng trời hoa gạo đỏ đấy ư? Thảo nào, chiều qua khi về qua chỗ này tôi nghe thấy tiếng chim sáo đá, chim chào mào kêu ríu ra ríu rít ở trên đầu. Thì ra là hoa gạo nở. Lập tức, tôi dừng xe lại và trân trân nhìn mãi lên cái vầng lửa đang thắp sáng cả bến sông sớm mai này.
Nếu hoa đào, hoa mai là linh hồn của tháng giêng, báo hiệu mùa xuân đến thì hoa gạo là chúa tể của tháng ba báo hiệu mùa xuân sắp sửa đi qua, mùa hạ đang thập thò trước ngõ. Dù thời tiết nào đi chăng nữa thì hoa gạo vẫn đẹp một cách kỳ lạ. Nếu sớm mai trời quang mây tạnh thì nó chói ngời sắc đỏ, từng bông như những đốm lửa, cả vòm cây là một vầng lửa khiến cho khoảng trời khu đó sáng bừng lên trong ánh bình minh. Còn hôm đó mà mưa phùn lất phất bay, bầu trời ảm đạm, huyền phiêu trong sương khói thì hoa gạo đỏ rực rỡ trên những thân cây bơ vơ khiến cho ta có cảm giác ấm áp lạ kỳ. Hoa gạo là tín hiệu của đất trời báo cho muôn loài biết rằng thời tiết đang ấm dần lên, xuân đang chuyển, hoa đang chờ kết trái.
Thuở ấu thơ không ai lại không có những kỷ niệm về hoa gạo. Cây gạo thường mọc (hoặc trồng) ở bờ sông, ở đền, chùa, miếu mạo. Có thể chúng mọc thành khu, thành dãy, cũng có nơi chúng đơn độc lẻ loi một mình. Tôi thích loại cây này vì dáng cây hiên ngang, vì sức sống mãnh liệt của nó. Gạo là loại cây thân gỗ lớn, cao 30 đến 40 mét và đường kính thân cây tới 3 mét. Thân cây gạo thẳng và có nhiều mấu. Lúc trẻ, vỏ cây có nhiều vú gai. Khi thành cổ thụ, nó trơ trụi mốc thếch, thỉnh thoảng lại sần lên những cái bướu. Gốc của nó xù xì, có nhiều u cục, hang hốc. Rễ chúng cuộn lên từng khối to như những cánh tay cuồn cuộn khổng lồ. Các cụ bảo rằng những cái u cục hang hốc đó là nơi trú ngụ của những hồn ma, còn những cái mấu trên thân cây lại là những bậc thang để hồn ma trèo lên trên cao mà hòa mình vào vũ trụ. Người ta hay thắp hương ở những gốc cây gạo. Phải thế chăng mà cây hoa gạo thường được trồng ở chùa và những nơi linh thiêng, để các cô hồn lang thang được nương tựa bóng Thần, Phật mà mong chóng được siêu thoát? “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề?” cũng chính là vì lẽ đó.
Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi bảo, cây gạo là cây no đủ và êm ấm. Thì đấy, gạo có nghĩa là no đủ. Điều đó quá rõ rồi. Hồi đó lấy đâu ra nhiều gạo mà ăn cơ chứ. Bát cơm độn toàn khoai với sắn. Còn bông gạo trắng thì dùng để may chăn gối. Chăn gối là biểu hiện của sự ấm êm. Ngày đó lấy đâu ra len, mút như bây giờ. Đó cũng điều mong ước giản dị, là niềm an ủi dịu dàng, sưởi ấm những nhọc nhằn đeo bám suốt cuộc đời của cha và bao nhiêu người dân chất phác quê tôi. Thế nên, có người gọi hoa gạo là hoa mộc miên, cái tên nghe rất thơ đấy nhưng tôi vẫn thích gọi nó là hoa gạo hơn. Gọi là hoa gạo vì nó dân dã, gần gũi, thể hiện mơ ước tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại khó thực hiện với những người dân lam lũ quê tôi khi xưa. Với lại, cuộc đời mỗi con người làm sao mà thiếu gạo được cơ chứ, kể cả mai này có đủ đầy, thừa mứa đi chăng nữa!
Đông qua, sương tan dần, cây gạo thay áo mới. Lạ là nó trổ hoa trước, hoa rụng hết rồi lộc non mới lấm tấm xanh. Tháng ba là mùa hoa gạo nở. Mùa xuân làng tôi, xanh xanh lũy tre làng bỗng nhiên được đội chiếc vương miện đỏ rực của hoa gạo. Ban đầu là những chấm đỏ nho nhỏ, lấm tấm như những ngọn nến lập lòe, rồi lớn dần, cháy rực lên, rồi huy hoàng như một vầng mây. Trong các loài hoa tôi biết, có lẽ hoa gạo là loài hoa to nhất màu đỏ. Không nuột nà, không đài các, kiêu sa, hoa gạo mang vẻ đẹp mộc mạc mà cuốn hút. Hoa có năm cánh to, căng mọng, cánh hoa khum khum xếp vào nhau tựa lòng bàn tay, chứa bên trong đầy mật ngọt thanh mát. Bông hoa to và nặng, đài hoa rắn chắc. Nhụy hoa như những bó hương đỏ thắm cắm trên lư, trông thật tao nhã, thanh thoát. Vì hoa gạo to và nặng nên chúng không rơi nhè nhẹ, la đà bay trong gió, êm tai như những loài hoa khác, mà trái lại, chúng rơi vút như tia chớp, xoáy tròn, thẳng đứng và phát ra tiếng động. Khi nghe “bịch” một tiếng là lũ trẻ chúng tôi xúm lại tranh nhau nhặt hoa, xé từng cánh hoa, cho vào miệng nhấm nháp. Cái vị ngòn ngọt, chan chát của nó lạ lắm. Sớm mai, dưới gốc gạo, hoa rụng đỏ ối. Chúng nằm hiền ngoan bên nhau. Các cụ dặn “hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Còn nhà thơ nhìn thấy cảnh đó thì thốt lên rằng:
Bông gạo cuối mùa ngủ ngoan trên cỏ
Mơ những gì mà sương khóc đầy hoa?
Dễ thương quá, hoa gạo ơi!
Bến sông quê, hoa gạo rụng đỏ cả lòng sông. Bao giờ đài hoa cũng chìm dưới nước. Chỉ có năm cánh hoa nổi lên bồng bềnh như một ngôi sao đỏ chói, dập dềnh trôi. “Thế là chị ơi! Rụng bông hoa gạo!”, nhà thơ Đoàn Thị Tảo chẳng đã thảng thốt đến thế rồi ư?
Giờ đây, sau mấy chục năm xa quê đi công tác, hình bóng cây gạo và bến sông quê mùa hoa gạo nở vẫn còn in đậm mãi trong tôi. Đêm đêm, thi thoảng tôi vẫn giật mình mơ thấy những đốm lửa lập lòe của những bông hoa cây gạo đầu làng và những ngôi sao đỏ chói đang dập dềnh trôi trên sông. Khoảng trời và dòng sông ký ức đang vẫy gọi tôi về, hoa gạo ơi!.
Xuân Thu
Theo http://nhihavanquan.com/
                                                                                    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia “Anh nghe điện thoại tối nay nhé. Shipper chuyển sách em tặng đấy”. Rất thân tình và không màu mè. Nguyễn...