Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

“Anh nghe điện thoại tối nay nhé. Shipper chuyển sách em tặng đấy”. Rất thân tình và không màu mè. Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn vậy. Tôi thì không tin mưa rét sườn sượt đêm tối này trường thiên tiểu thuyết sẽ đến tay.
“Biết là sách, nên cháu phải cho vào túi nilon không ướt mất”.
Nhìn thằng bé shipper cười, mắt lấp loá dưới đường mưa lạnh tối mò mò mà tôi cứ ngẩn ngơ.
Ôm Cõi nhân gian vào lòng, tôi trèo lên gian nhà chung cư lửng chừng trời…
Tôi viết status như thế sau khi nhận Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành (NPLT). Cũng như câu chuyện nhận sách của nhiều bạn bè văn chương thân thiết khác, tôi không ồn ã gấp gáp đọc băng đêm. Phần vì sức khỏe đang khật khừ, phần cũng do thói quen. Cứ túc tắc, nhẩn nha thưởng thức bộ trường thiên tiểu thuyết của NPLT với nhiều kỷ lục hiếm và đặc biệt, trong giới văn chương nước nhà, dịp này.
Cõi nhân gian – Tập 1, hầu như không chỉnh sửa, được tác giả viết năm 1993, ít nhiều đã khẳng định tên tuổi của NPLT từ những ngày Nhà văn sống và làm việc tại Nga (Liên Xô cũ). Cõi nhân gian (CNG) – Tập 1 dày 363 trang, vốn gây ấn tượng dư luận và đã lọt vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn năm 1994. Lối văn trần thuật, đời sống, bộc bạch tận cùng của CNG có thể ví như “Phiên bản phim ảnh chữ” quy chiếu rõ ràng thực trạng ngõ ngách xã hội, đang dò dẫm cố tìm điều mới mẻ trong nửa cuối thập kỷ tám mươi, thế kỷ trước. Với đầy đủ các mặt trái bày ra ở buổi sớm nhá nhem thời mở cửa.
Sự ngỡ ngàng về cuốn sách “xém” giải thưởng danh giá này là bao dấu ấn ngạc nhiên bởi lối văn lịch lãm hoàn toàn dùng ngôi thứ nhất – tiểu thuyết với giọng tả và kể, tiết chế ngẫm ngợi một cách tối đa. Tốc độ câu chuyện “Vào đời” nhanh và mải miết. Lối viết đậm đặc, lồng nhiều chi tiết bất ngờ khiến độc giả luôn hứng thú không thể buông lơi sách bởi cá tính rõ rệt thú vị trong các tuyến nhân vật, từng trang sách, như: ông Tám – Vũ Phan Long, cô Bảo, chị Trung Anh, Hưng, Vân, Bính, Sinh, chị Minh, chị San,… xoay quanh nhân vật Hương, hiền lành, chân thật, sống như nghĩ, thật như lòng mình hết thảy thiện lương. Thủ pháp – không thủ pháp, kỹ thuật mà rất tự nhiên, như được chảy tràn ra trong cách hành văn, cũng như kết cấu các tuyến nhân vật ở Cõi nhân gian Tập 1. Thật không hề ngạc nhiên khi Cõi nhân gian 1993 ngày ấy đã được đặt lên kệ của Thư viện Trường đại học danh giá vào bậc nhất thế giới – Trường Harvard, Hoa Kỳ. Và nghe kể, CNG được hàng chục trường đại học lớn ở Mỹ lấy làm tài liệu khảo cứu và giảng dạy cho các sinh viên.
Cõi nhân gian – Tập 2 được viết tiếp từ tháng 6 năm 2021. Chắc phải do cắc cớ gì mạnh mẽ lắm mới khiến Nhà văn ngồi vào bàn tiếp tục công trình để ngỏ này… Tôi thiển nghĩ, đây là một sự dũng cảm và dấn thân của Tiểu thuyết gia, khi bắt tay viết tiếp tác phẩm từng gây tiếng vang, dấu mốc sự nghiệp sáng tác của một đời văn. Tập 2 khởi đầu với giọng văn trần thuật và sâu sắc, vẫn tuyến nhân vật ấy, những bối cảnh cũ ấy, tuy một số cái tên đã kết thúc vai trò, “chết” hoặc biến mất lâm sàng trong các hoàn cảnh của tác phẩm (Hưng – em trai nhân vật chính Hương, ông Tám, Minh – vợ đầu của Hương, cô giáo Nghĩa, thằng Cẩu…). Tính bất ngờ, sự gieo mỏ, thủ pháp đồng hiện thuần thục, luôn xuất hiện trong thi pháp tả thực về hành động các nhân vật xuất hiện trong tập này (bà Tám – vợ của ông Vũ Phan Long, cô Hoan, chị Hồng, thằng Thắng, Quân ba số, anh Thông, chị Thảo, Hoàng – con trai của phó liên thành phố Nam, Vy – vợ Hương, anh Hảo viện thơ, anh Quang – Giám đốc Sở văn chương và nghệ thuật, Quận trưởng – Yên (sau tiến thân thành Chủ tịch liên thành phố), ông Nam, ông Công, bà Hoài, cháu Hương, bé Lương…) xoay quanh cuộc sống, công việc, tính cách của nhân vật chính tên Hương. Độc giả cũng sẽ rất ngạc nhiên, khâm phục về câu chuyện “hàn”, tiếp nối – gắn, giữa các sự việc, trường đoạn, tình tiết nhiều đầu mối của tác phẩm diễn ra sau đấy, mãi gần ba thập niên sau.
Cảm phục và ngưỡng mộ là cảm giác khi tôi bắt đầu hồi hộp nhâm nhi Cõi nhân gian Tập 2. Giọng văn vẫn dùng ngôi thứ nhất – có vẻ hoạt và tốc độ hơn nhiều ở Tập 1. Tình tiết cuộc sống trong tác phẩm đậm đặc, xảy ra gấp gáp, đa dạng, ấn tượng bất ngờ hơn. Sự biến đổi tình huống như cái đà Tập 1 đã chừa đất cho rất nhiều đề pa. Thực sự ngưỡng mộ khi các nhân vật: Hưng, ông Tám, cô Minh, gã Bính, cô giáo Nghĩa, gã Sinh, chị San… không còn tham gia trong Tập 2 mà tác phẩm chẳng hề bị hẫng, bị nhạt đi. Bằng thủ pháp linh hoạt cài cắm nhiều tầng chi tiết diễn ra cứ lớp lớp nảy sinh trường đoạn nhân vật mới – tự nhiên mọc ra, như: bà Tám, cháu Hoan, cháu Ngọc, bé Lương, quận trưởng Yên, chị Thảo, chị Hồng, thằng An, thằng Vụ, Hồng Anh con chị Thảo, chị Thụy An – Giám đốc Trung tâm truyền thông, Giám đốc sở Văn chương và Nghệ thuật – Quang, Chánh văn phòng – cô Loan… dần ẩn hiện và ngay lập tức khắc dấu đậm nét bản ngã và tính cách.
Vẫn cách bộc lộ thói người gắn với xuất phát điểm vùng miền, văn hóa ấy thôi mà dưới ngòi bút tài tình của tác giả được kẻ vẽ một cách đầy đủ, tròn vai. Nhân vật Trường, con của người đàn ông dòng họ Trần Đình làm nghề đạp xích lô vùng quê Cổ Lễ – Nam Định, mong lên thành phố tìm vận may nơi ống cống. Nếu không nhờ sự sớt chia tình nghĩa đồng bào của Hương thì không toàn thân xác để trở về quê, chỉ vài thưa gửi đã thấy Trường đúng là con người thật thà trung thực (… thế mà ở những tập sau, lại thay đổi không ngờ!); Như nhân vật Bảo bị dòng đời xô đẩy vào công việc tận cùng thấp hèn xã hội nhưng không hề đồng hóa, mất đi bản chất cốt lõi “đàn bà” tốt đẹp trong cô. Chút tự sự, vài cử chỉ thường nhật là thấy ngay đức hy sinh đẹp đẽ cho tình yêu, cho người mình gửi trọn yêu thương; Nhân vật bà Tám (Nguyễn Thị Ánh) tuy xuất hiện ít ở Quyển 2 nhưng chỉ qua dăm cuộc điện thoại, vài cái lắc đầu đã bộc lộ bản lĩnh mưu lược và quyền biến. Ý chí đặc biệt khác người trước mỗi hoàn cảnh cam go, không hổ là phu nhân của một cộm cán đã từng khét tiếng giang hồ. Nội dung của Tập 2 trải ra từ Vào đời 21 đến Vào đời 41 (Vào đời được tác giả khế ước như là một chương tác phẩm) Tập 2 – Cõi nhân gian, được viết từ ngày 17.6 đến 29.6.2021. Tức là chỉ trong có 13 ngày – Kinh hoàng. Một tốc độ viết chóng mặt. Sau này tôi biết tác giả kể đã làm việc hơn 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Tập 3 và Tập 4 từ Vào đời 42 đến Vào đời 81. Hai tập điểm xuyết các công việc thành lập Công ty Thiên Lương, kể về thuở khởi nghiệp muôn vàn khó khăn bập bõm ban đầu với chuyên môn hoạt động là lĩnh vực taxi tải hạng nhỏ Thiên Lương đầu tiên ở Hà Nội sau phát triển đến Sài Gòn rồi Hải Phòng, Quảng Ninh… đồng thời đánh dấu sự khai trương khách sạn Hotel Ruby và siêu thị Thiên Lương. Với nỗ lực không ngơi nghỉ của nhân vật chính Hương, một cơ ngơi doanh nghiệp hình thành và bắt đầu phát triển. Từng ngày, từng ngày sự chèo chống khôn khéo của Hương bằng ý chí vươn lên không ngừng trong kinh doanh đã đạt thành quả không ngờ và đồng thời cuộc sống của anh cũng dần ổn định với sự kết duyên lần hai với người vợ tên Vy. Hoàn cảnh xã hội thời manh nha mở cửa; Tệ nạn xã hội nảy sinh theo xu thế tự nhiên thị trường; Các cá nhân đảm nhận những chức vụ từ người gác cổng đến anh cán bộ thường thường tới những quan chức bậc trung trong các cơ quan công quyền xuất hiện nhiều tính xấu tham nhũng vặt đến những thèm thuồng vật chất cùng các thói ti tiện chơi nhiều, làm ít. Lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm sàng sảy của công, được tác giả đề cập và điểm xuyết một cách tài tình, rõ nét ở các Tập 3 và 4 này.
“Cõi nhân gian (trọn bộ 4 quyển) của Nguyễn Phúc Lộc Thành.
Quyển 3 Cõi nhân gian gồm – Tập 5 và Tập 6 – từ Vào đời 82 đến Vào đời 121. Tác giả dành hai tập của quyển này để viết kỹ, sâu hơn quá trình phát triển Tập đoàn Thiên Lương. Mở rộng nhiều chi nhánh, xác định độc quyền và manh nha sự vô đối trong kinh doanh lĩnh vực taxi tải, taxi gia đình và xe cho thuê tự lái trên địa bàn hầu khắp các thành phố lớn trong cả nước. Tập đoàn đã xúc tiến những bước cơ bản để đầu tư sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Nắm giữ nhiều vốn điều lệ của Nhà sản xuất rượu vang ThapCham Red Wine – được Nhà nước vinh danh sản phẩm rượu đặc biệt mang thương hiệu. Các khu nghỉ dưỡng và bất động sản với những dự án quy mô mấy chục ngàn dân cư từng bước được đặt nền móng khởi công (Ecupuss)… Song song với những dự án phát triển mới đặt ra cho nhân vật Hương – linh hồn của Tập đoàn Thiên Lương, những khó khăn mới nảy sinh. Những phức tạp thường nhật trong các gia đình nhỏ của gia đình lớn mà ông bà Công Hoài đứng chủ; Các mối quan hệ máu mủ, thâm tình khéo léo bộc lộ, sáp nhập cùng “tham gia” trong nhiều quan hệ giằng rịt nguồn cơn, gia đình và xã hội, hé mở diễn biến dần càng phức tạp trong hai tập 5 và 6 (Bé Hân con riêng của Hưng khi còn sống, với cô Thanh hàng xóm của gia đình Hương; Mối quan hệ giữa An – chồng của cháu Hương với Hồng Anh con gái của chị Thảo, tình nhân của nhân vật chính Hương; Bộc lộ tình cha con giữa An với ông Sinh – Một kẻ giang hồ, tội phạm truy nã, ẩn danh dưới lốt nhà tư bản Việt kiều chủ Tập đoàn Red Sun – David Trần; Thân phận của thằng Cẩu, con rơi giữa ông Tám – Vũ Phan Long khi còn sống với chị San (Mery Trần)…; Mối quan hệ nhân tình nhân ngãi nhuốm màu phe phái ô dù giữa những người đảm trách các chức vụ trong hệ thống công quyền với thế giới ngầm – Chủ tịch liên thành phố Yên với bà Tám; Các mối quan hệ tình ái buông tuồng như tấn trò cười của Giám đốc Sở Văn chương và Nghệ thuật – Quang với nhân vật Hòa, Thụy An, Hồng…).
Nhân vật Sinh, San (David Trần, Mery Trần) xuất hiện với thân phận hoàn toàn khác, báo hiệu một sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh cùng ân oán đời sống nảy sinh nhiều năm trước, kèm mối thâm thù dai dẳng trong lòng giữa nhân vật Sinh và Hương với những hố mâu thuẫn khó san lấp xa xưa đến việc “Giật” bé Nam cháu nội từ tay ông Sinh; Câu chuyện qua mặt ông Sinh của Hương khi cứu bà Hoài khỏi tù tội vì gây thương tích cho thằng An (con trai ông Sinh); Đến việc vô tình gây tai nạn giao thông làm chết cô Yến, em gái ruột của ông Sinh…
Mở rộng kinh doanh với sự phát triển con đường tiến thân chính trị của nhân vật Hương được Tiểu thuyết gia chú trọng và điểm xuyết dầy dặn ở Quyển 3. Hương đã chuyển cơ quan cũ từ Trung tâm Văn chương nghệ thuật sang Sở Văn chương và Nghệ thuật. Lời của nhân vật Quang: “Ừ. Đồng nghiệp về đây với tôi nhé. Tôi khoái đồng nghiệp thật lòng. Đồng nghiệp chẳng bon chen. Chẳng vỗ ngực. Chẳng quỵ lụy. Đến tiền mà đồng nghiệp cũng chẳng cần, chỉ cần mỗi danh dự. Lạ nhỉ. Đồng nghiệp có phải là người không cơ chứ? Rồi anh nhìn tôi từ đầu đến chân – Quyết nhé. Nhưng mà mất tương đối đấy, đồng ngiệp có dám chịu chi hay không đấy?”. Và suy nghĩ của Hương: “Tôi quyết định, sẽ dùng tiền để tiến thân bằng con đường chính trị. Tôi thênh thang, giờ mới bốn ba tuổi. Cơ hội còn rộng mở phía trước. Mười tám năm đảng viên, cựu rồi. Lại tiến sĩ, giờ học vị như thế, giới lãnh đạo sở chỉ có nằm mơ. Đúng. Tôi làm ra tiền để làm gì? Nhiều tiền để làm gì? Sẽ dùng tiền ấy để mua lấy danh dự cho tôi và cho cả dòng họ Nguyễn Thiện này. Tiền giá trị lắm, có ai chê tiền đâu, vì nó mua được rất nhiều thứ, trong đó bao gồm cả quyền chức và danh vọng. Tôi sẽ bàn kỹ với em về việc này. Nó là bước ngoặt vô cùng quan trọng của đời tôi.”
Cuộc sống sóng gió tựa đò đầy của Hương gắn liền với những mối quan hệ phức tạp ít nhiều mang dấu ấn bản năng, bị động với hàng tá đàn bà, mà sâu đậm nhất là mối quan hệ với chị Thảo, cô Bảo, chị Trung Anh, chị San, Hoan… tình dục được tiểu thuyết gia tiếp cận một cách khéo léo và mềm mượt. Diễn đạt rất văn chương ẩn dụ, nhưng các tình tiết vẫn không kém phần gay cấn, mê đắm, cuốn hút và bản thể.
“Chúng tôi như đôi nai vàng mùa đói, loạng quạng cùng vồ lấy miếng cỏ sương. Tôi đưa môi đi tìm ngọc thực, thứ thức ăn của đất trời, rải kín khắp cơ thể, trên mướt mải màu da phù dung của chị. Mùi hương của cỏ nhục, rất phồn sinh, cứ bừng bừng thơm dưới tấm ngực trần nơi tôi”- Trang 38 (Vào đời 84)
“… Tôi vồ lấy chị, cơ thể trần trụi ngàn ngạt hương cỏ nhục, khi ấy đang bừng bừng lên những cơn thơm. Như bữa ăn của thánh Giuda, bao nhiêu cơn hạn hán lâu nay nằm trong chiếc tô đời xứt mẻ, tôi chan cả vào chị” – Trang 64 (Vào đời 46).
“Tôi và em điên dại. Tôi hưởng ứng sự điên dại đó của em, nhưng thật tội lỗi, lại bằng thứ cảm xúc từ màu da phù dung và mùi hương cỏ nhục ấy. Nồng thơm và quyến dụ. Thứ cảm xúc đó từ em, hay là từ đâu tôi cũng chẳng biết nữa, nó như những con sóng tình vô bờ, cứ ào ạt từng cơn lên thân xác tôi mà chiếm hữu, mà hành hạ. Em là nữ hoàng của đời thằng đàn ông dại dột và tội lỗi như tôi, đêm nay. Đến tận bây giờ, tôi mới để ý, em có vòng ba nở nang, vòng hai thon thả và vòng một nhỏ nhắn. Em là mẫu phụ nữ đa dâm trên giường, đa tài trong bếp và đa tình, theo nghĩa cao cả với cõi nhân gian này”. – Trang 272 (Vào đời 65).
“Bảo ôm ghì lấy tôi. Tôi biết cái ôm này là dành cho người ruột thịt đi xa lâu ngày trở lại, không đượm màu sắc dục. Tôi nâng mặt cô lên, rồi đặt môi mình lên đôi môi nhơ nhớp bùn đời của cô… những cảm xúc ân ái như chết lâu rồi, gặp tôi, giờ lại đang rung lên mãnh liệt. Tôi hồ như nghe thấy cả tiếng tơ non của thịt da, run run trong vòng tay tôi, mềm ấm và nở nang…” – Trang 381 (Vào đời 76)
“Mùi hương cỏ nhục cuộn lên từng chập. Màu da phù dung nồng thơm. Tưởng như, chúng tôi đang hút kiệt năng lượng của nhau, để hấp thụ và duy trì tột cùng trạng thái cảm xúc không bến bờ, không ngơi nghỉ. Như lên cơn điên, chị lao vào cấu xé tôi. Tôi như kẻ tiều phu trong đêm nay được lạc giữa khu rừng nguyên sinh chị. Cứ ngụp lặn trong tươi tốt chị mà vẫy vùng đến ngộp thở” – Trang 399 (Vào đời 78)
Cũng lạ là các tuyến nam nhân vật như anh VG – Một người sống ở một vùng quê nông thôn đẹp đẽ; Một thần tượng thơ nổi tiếng nước nhà (không thấy tác giả điểm tên) ngày xưa Hương gặp tận bên Viện thơ Maxim Gorki, giờ suốt ngày anh đi thuyết trình thơ cả nước; Hay nhân vật Hảo – Trưởng Viện thơ, thông minh, dí dỏ, đẹp trai, chân thành, cá tính mà “thường nhật” không hề vương phải con đường tình ái như Hương. Có lẽ Tiểu thuyết gia muốn trừ ra, phàm những người nông dân quê kiểng hay làm công việc chuyên nghiệp lĩnh vực thơ ca là miễn dịch với những thứ sân si ở cuộc đời này. Lạ, không có rôm rả, “mả” như nhân vật Hương khù khờ gai gẳng.
Những trang văn rất đẹp và quyến rũ (sex thiền – lời tác giả bộc bạch) được trải thăng hoa như cõi tận cùng của ngày mai và ở một thiên đường xám báo trước ngày tận thế vũ trụ trong sự dâng hiến, tận hưởng, vô cùng bản thể.
“Tôi buồn thấu ruột. Trời lạnh, nhưng vẫn xanh mênh mông. Tuyệt nhiên, tôi chẳng thấy khoảng không gian nào tươi tắn, cảm giác như cả bốn bề héo úa đang bủa vây lấy tôi. Tôi chờ làm xét nghiệm. Rồi đành về chờ đợi kết quả xét nghiệm sau bốn mươi tám giờ nữa. Đúng là địa ngục… Tôi buồn lắm, đành lê lết mang cái thân về với em. Về đến nhà tôi bỏ ăn bỏ uống, chỉ nằm. Em lo lắng và hoang mang. Em không hiểu xảy ra chuyện gì đối với tôi. Em hết lòng chiều chuộng, ve vuốt. Tôi như một khúc gỗ mục. Cả đêm em ôm tôi. Rồi em lên cơn chồng vợ…” Trang 402 – Vào đời 78.
Two men holding a painting

Description automatically generatedNhà thơ – họa sĩ Nguyễn Quang Thiều tặng tranh vẽ bìa tiểu thuyết “Cõi nhân gian” cho nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tôi rất thích thú và nổi gai khi đọc những câu văn ấn tượng:
“Vô tội như cánh đồng hoa thuốc phiện”;
“Chị nuôi con bằng những dòng nước mắt”
Cứ nghĩ Quyển 4 – Gồm Tập 7 và Tập 8 là sự vun vén những cái kết tròn vạnh hay khả dĩ của các nhân vật quan trọng tồn tại phần lớn được đề cập trong trường thiên tiểu thuyết. Không ngờ ở đây còn tiếp tục mở ra các cuộc chiến thương trường khốc liệt nhuốm màu máu và nước mắt, một mất một còn. Thiên Lương đứng bên bờ sụp đổ và mất trắng nhiều triệu đô la khi xuất hiện Tập đoàn kinh tế tư bản Red Sun của Davit Trần (ông Sinh) từ Canada về nước, thọc tay vào các thương vụ thoái vốn, mua cổ phần của công ty Infacus Huế – đang phá sản. Infacus đã bắt tay cùng Tập đoàn sở hữu vốn quốc gia ABX hòng tạo cú lừa ngoạn mục đối với Thiên Lương. Cũng với sự tráo trở hiểm độc của Red Sun, tại Đại hội cổ đông rượu vang ThapChamRedWene đã công bố chủ sở hữu Nhà nước thoái xong 41 % vốn bằng hình thức mua bán thỏa thuận. Đối tác mua từ ABX, theo cách rất “bí hiểm”, là: Tập đoàn tài chính Red Sun… các tình tiết hỉ nộ ái ố của nhân vật chính Hương, Thiên, anh Quang – Giám đốc Sở Văn chương và Nghệ thuật, Tú – Chánh văn phòng Sở Văn chương và Nghệ thuật, chị San, Thanh, Tính… được tiểu thuyết gia điểm xuyết một cách sinh động và lấm láp, trong tập này. Có lúc lại dở khóc dở cười (như cuộc sống bê tha nhơ nhớp của nhân vật Quang với đám giả sư ở động Cư xá Lạc Hồng Viên), nói nên thực trạng thoái hóa của một bộ phận cán bộ mang danh trí thức các cơ quan nhà nước, bây giờ.
Các tình tiết, nút thắt của CNG được cởi và giải quyết tròn trịa trong Tập 8 với việc thanh thiên hóa mối quan hệ giữa ông Yên và bà Tám. Thì ra trước đây họ đã là vợ chồng, đã có giấy hôn thú và tấm giấy kết hôn này được bà Tám (tên thật là Nguyễn Thị Ánh) giữ gìn như tấm bùa hộ mệnh hòng áp chế những mưu đồ tàn độc của ông Yên đối với bà và con cái. Hai người đã từng có con chung là Lưu Thế Hoa hiện đang làm công tác đoàn thanh niên tại thành phố Nam Ninh – Trung Quốc. Cái chết bi thảm của nhân vật San đồng thời giải quyết câu chuyện phá án thành công của Bộ Công an nội địa về Tập đoàn Red Sun với những chứng cứ nhập khẩu hàng trôi nổi gắn mác hàng thương hiệu. Davit Trần cao chạy xa bay sau khi gây ra cái chết thương tâm cho vợ mình là chị San; Dự án Ecupuss khởi công thông đồng bén giọt khi Hương giải quyết thấu đáo mâu thuẫn với dân cư Tây Đà trong việc di rời 50 ngôi mộ nằm trong quy hoạch đất dự án, mà nút thắt là cái chết bí ẩn của nhân vật Lung, tay chân – ông Sinh – Tập đoàn Red Sun cài vào hòng kích động gây cản trở thực hiện khởi công dự án Ecupuss; Kết quả một lần dâng hiến sau chờ đợi, kìm nén yêu thương hết mực nhiều năm của cô Hoan đối với Hương là cái thai trong bụng cô khi bệnh ung thư đang khởi phát… câu chuyện nhân văn về việc quyết để sinh con của Hoan đem đến sự cảm động, sẻ chia cho mọi người đọc.
… Cuối cùng cái gì đến sẽ phải đến. Sự kết thúc cuộc đời bằng hành động tự sát không toàn thây của nhân vật Yên – Đặng Thục Yên – Chủ tịch Liên thành phố. Kẻ tha hóa, biến chất, mưu lược, quyền biến, gian hùng, ác độc. Từ nhân vật này ta thấy thấp thoáng… đâu đó, trong lớp công chức xã hội mà nhân dân, Nhà nước, Chính phủ ta đang hằng ngày tầm soát, thanh lọc, đào bỏ, đốt… phơi bày họ ra khỏi guồng máy. Ông Yên tự sát đồng thời kéo bức màn kín lại về những cái chết bí ẩn như vụ tai nạn trên đèo Sài Hồ của anh Vân. Vụ chết đuối không thể tin được của Lung giữa sông Hồng; Sợi dây treo cổ chị Thảo khiến nhân vật Hương và mọi người, đầy ngờ vực… tất cả mãi mãi đi vào bóng tối, nhưng cũng đã gợi mở suy đoán cho độc giả ra kẻ rắp tâm thanh trừng, thủ ác là ai?! Ai mới có thể dám làm những chuyện động trời khi đang tâm thuê người phóng hỏa hòng đốt chết vợ và đứa con trai vừa gặp mặt sau 30 năm lưu lạc. Ai mới đủ táng tận lương tâm làm những chuyện độc ác như thế để duy trì tham vọng chính trị của mình bằng mọi giá. Những trang đời sống của Đặng Thục Yên, từng trường đoạn… khiến độc giả đọc đến, đều rùng mình ớn lạnh.
Bằng sự tài tình cứng cỏi trong văn pháp, tiểu thuyết gia đã hiển hiện cho độc giả thấy gần hai nghìn trang của bộ trường thiên tiểu thuyết cùng khắp muôn nẻo thuở manh nha vật vã chuyển mình xã hội, với đầy rẫy đau thương mất mát ban đầu hòa nhập kinh tế thị trường của đất nước ta. Rất nhiều sự trải nghiệm về người, hoàn cảnh, sự việc, năm tháng đã qua và diễn tiến những năm tháng tới. Nhiều cay đắng phận người từng xuất hiện trong các mặt của đời sống xã hội, để tác giả chắt ra cả ngàn trang viết dung dị và sinh động. Những áng văn hay, hiện thực và trần thuật. Ở đó tôn vinh tình người, tính nhân văn trong mọi ngõ ngách hành xử, đáng khâm phục của nhiều cá nhân xã hội lấp lánh trong những trang văn. Nhân vật Hương là mẫu người tuy thực tế kháng thể đào luyện ra anh vẫn còn va vấp. Cuối cùng sự nhân văn, tính thiện lành trong con người anh đã thắng thế cái ác, thói vô cảm, va đập, ánh xạ từ ở ngoài kia… Nhân vật Hương là một thành công trong xây dựng nhân vật điển hình của Tiểu thuyết gia. Phải chăng đây cũng là hình mẫu người mà tâm ý tác giả muốn nhân cách hóa để xã hội noi theo.
19/3/2022
Phan Đình Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia “Anh nghe điện thoại tối nay nhé. Shipper chuyển sách em tặng đấy”. Rất thân tình và không màu mè. Nguyễn...