Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

“Hoa đồng nội”- Những nét thùy mị, chân quê

“Hoa đồng nội”- Những nét thùy mị, chân quê 
Mở đầu tập thơ là bài “Hoa đồng nội”: ngôn từ trang nhã, êm ái. Hình ảnh thân quen, gợi cảm. Âm hưởng dịu dàng, thấm sâu khúc nhạc thơ trữ tình cổ điển. Tôi xem là lời đề từ có tính tự bạch kín đáo và thi vị: Anh ví em như hoa đồng nội Đẹp đến kiêu sa thật chẳng ngờ. Không phải kiêu sa như hoa hồng rực rỡ, hoa phong lan đài các, hoa lay ơn sang trọng mà cái kiêu sa của hương đồng gió nội, man mác hồn dân dã, chân quê. Ta cùng nữ thi sĩ rảo bước giữa “Vườn khuya” để tận hưởng cái trinh nguyên của đất trời, cái thanh cao của tạo hoá: ...
“Hoa đồng nội”- Những nét thùy mị, chân quê 
 Bài cảm nhận của Hoàng Quỳnh Trâm
“Hoa đồng nội”- Những nét thùy mị, chân quê 
    Mở đầu tập thơ là bài “hoa đồng nội”: ngôn từ trang nhã, êm ái. Hình ảnh thân quen, gợi cảm. Âm hưởng dịu dàng, thấm sâu khúc nhạc thơ trữ tình cổ điển. Tôi xem là lời đề từ có tính tự bạch kín đáo và thi vị:
          Anh ví em như hoa đồng nội
          Đẹp đến kiêu sa thật chẳng ngờ.
    Không phải kiêu sa như hoa hồng rực rỡ, hoa phong lan đài các, hoa lay ơn sang trọng mà cái kiêu sa của hương đồng gió nội, man mác hồn dân dã, chân quê. Ta cùng nữ thi sĩ rảo bước giữa “Vườn khuya” để tận hưởng cái trinh nguyên của đất trời, cái thanh cao của tạo hoá:
          Đêm hè bước giữa vườn xưa
          Lung linh trăng rọi lưa thưa bóng cành
          Hương mùa xao động đêm thanh
          Bao nhiêu hoài niệm kết thành nhớ thương.
                                                          (Vườn khuya)
    Một không gian nghệ thuật tĩnh lặng đầy hương. Hương hoa lá. Hương thời gian. Hương cõi lòng. Tất cả cứ quyện vào nhau tạo nên phong vị trữ tình đằm thắm của cô gái làng quê – Nhân vật chủ thể ẩn kín đáo sau những vần thơ sâu lắng nhưng vẫn hiện lên chân dung một thôn nữ thuỳ mị, sống nhiều về nội tâm.

    Đời muôn lối rẽ, tạo nên nhiều cuộc chia li không hẹn trước. Đã kẻ đi, người ở thường bịn rịn, lưu luyến khôn cùng:
          Anh đi đàng ấy xa xa
          Để em ôm bóng canh tà năm canh
          Nước non một gánh chung tình
          Non xanh nước biếc cho mình nhớ ai.
                                                         (ca dao)
    “Hoa đồng nội” giành nhiều trang cho bao cuộc chia li với những vần thơ thực sự xúc động, thường nghiêng về sự xa cách vợ chồng:
          Sông nước mênh mông vàng phù sa
          Vàng màu áo ấy giữa quê nhà
          Vàng màu áo ấy – Màu li biệt
          Còn mãi trong tôi ngày chia xa.
                                    (Bên bến sông)
    Chẳng hiểu sao trong ca dao, dân ca nam nữ chia li thường ở bến sông:
          Thuyền về có nhớ bến chăng
          Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
    Với Thu mát cũng vậy. bờ sông diễn ra cảnh đầy quyến luyến này bỗng mênh mang vàng, sắc vàng li biệt, sắc vàng son sắt. Không phải màu vàng  thường gặp trong thơ lãng mạn tiền chiến: “Đây mùa thu tới mùa thu tới, với áo mơ phai dệt lá vàng” (Xuân Diệu)
    Thưc ra đây là màu vàng của áo lính – Như sắc đỏ đầy ấn tượng của chàng chinh phu xưa trong bộ quân phục tráng sĩ:
          Áo chàng đỏ tựa ráng pha
          Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
                                           (Chinh phụ ngâm)
    Màu vàng đó được nhà thơ nâng lên thành biểu tượng nghệ thuật “màu li biệt” và hơn nữa màu thuỷ chung. Cảm xúc li biệt có nhiều cung bậc, song đều hướng về một bến đỗ, dù nhiều lúc đầy nước mắt đa sầu đa cảm. Đấy cũng là biểu hiện gương mặt rất đỗi dễ thương của người thôn nữ còn đậm hương quê:
          Biết chăng anh; Ở quê nhà
          Mái tranh nho nhỏ mẹ già chờ mong
          Trời xa mòn mỏi em trông
          Trăng tròn trăng khuyết mà không thấy người.
                                                   (Giao thừa vắng anh)
    Khác gì nỗi nhớ của nàng Kiều khi xưa:
          “Đêm thu gió lọt song đào
          Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời”
    Hiếm nỗi thời gian xa cách quá lâu nhất là thời gian tâm tưởng “ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (truyện Kiều) và không gian cũng xa cách quá: “Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời” (Chinh phụ ngâm) khiến người vợ còn rất trẻ trung lắm lúc buồn tủi, héo hắt tâm can. Lúc đó nhà thơ phải mượn hòn đá Vọng phu mới thể hiện được hết nỗi niềm:
          Vọng phu hoá đá chờ chồng
          Thơ em hoá đá mênh mông nỗi buồn
                                                  (Chiều mưa)
    Hình ảnh mẹ và quê hương vốn rất quen thuộc ngàn thế hệ xưa nay. Hình như nói về mẹ đã có một lập trình định sẵn: cần cù, kham khổ, quên mình. Tình thương của con, Thu Mát biết vậy nên rất muốn cá tính hoá hình tượng mẹ trong những vần thơ nặng tình mẫu tử:
          Còng lưng từ lúc mờ sương sớm
          Gánh nặng oằn vai nắng quai chiều
                                                     (Mẹ hiền)
    Một không gian tâm trạng đầy xúc cảm: Ngày mẹ đi xa trắng một màu li biệt:
          Mẹ về với đất ngày đông
          Trắng bờ lau, trắng dòng sông, trắng trời
                                                                 (Mẹ tôi)
    Nhịp thơ thổn thức nỗi đau mất mát khó bù đắp nổi. Trước mắt ta chỉ là một màu trắng lớp lớp khôn cùng.. Đã đành là màu trắng tang tóc . nhưng tôi không chỉ nghĩ thế, nó còn là màu trắng nhớ thương vời vợi.. Nó tràn lên mọi cảnh vật, cả sông núi, đất trời. Nhưng nó lại tạo nên một không gian trống, cái trống của nỗi cô đơn khi đứa con mất mẹ vĩnh viễn. Tóm lại, màu trắng tâm linh đầy ám ảnh.
    Người mẹ của đồng quê, cả đời lam lũ vất vả nuôi con khôn lớn nay đã ra đi mãi mãi. Nhưng quê hương của mẹ thì muôn đời tồn tại, chẳng những thế, ngày càng đẹp hơn. Cô thôn nữ nhân vật trữ tình của thi phẩm hay cũng là chân dung tác giả rất tinh tế và hồn nhiên trong xúc cảm thiên nhiên:
          Sông làng gội tóc hàng cây
          Những đêm sao sáng treo đầy ngọn tre.
                                                          (Nhớ quê)
    Nhà thơ, bạn thơ gần gũi của Thu Mát, Đỗ Luyến trong bài bình tập thơ đã viết rất hay về hai câu thơ giản dị và trong sáng này, tôi không dám nói thêm nữa. Xưa nay thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Với những thi sĩ nổi tiếng bức tranh mây nước đó đều thấm đượm cá tính sáng tạo độc đáo. Đó là cái bay bổng của Lý Bạch, Cái thanh cao của Nguyễn khuyến, cái u buồn của Đỗ Phủ, cái đắm say của Xuân Diệu, cái hùng tráng của Huy thông, cái bay bổng của Thế Lữ, cái ngọt ngào của Nguyễn Bính... Còn với Thu Mát, tôi trân trọng cái chân quê, cái trẻ trung của người con sinh ra và được nuôi dưỡng từ mảnh giếng trong giữa làng, từ hạt gạo thấm giọt mồ hôi bao đời và cả từ những quả bưởi, quả khế, trái cam chua ngọt, cùng những lời ru của mẹ trong tiếng võng trưa hè kẽo kẹt và tình yêu mênh mông:
          Quê hương có bóng mẹ già
          Mái tranh nho nhỏ, canh gà gội sương
          Đất nghèo chín nhớ mười thương
          Xa quê con lại tìm đường về quê.
                                              (Chiều quê)
    Khi đến với những vườn quê, làng quê, đồng quê. sông quê, mây nước quê nhà, tất nhiên cây bút thơ Thu Mát phải trở về nguồn cội thơ ca dân tộc. Ca dao:
          Em ra ngoài hiên em ngóng
          “Trời mưa bong bóng phập phồng”
                                (Mưa đầu mùa)
    Truyện Kiều:
          Anh ơi, còn nước còn non
          Còn vầng trăng bạc, ta còn bên nhau
                                     (Đêm rằm tháng bảy)
    Và cả Nguyễn Bính:
          Mặc ai nhuốm bụi thị thành
          Em tôi vẫn cứ “hương chanh” quê mùa.
                                                  (Về Hưng Đạo)
    Cuộc sống quanh ta có vô vàn hiện tượng không giải thích nổi mặc dù chúng vẫn hiển hiện. Chẳng hạn khi Nguyễn Du viết:
          “Người lên ngựa, kẻ chia bào
          Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
    Màu quan san là màu gì vậy? Nó thế nào?
    Hay Bích Khê cảm thán:
          “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
          Vàng rơi. Vàng rơi. Thu mênh mông”
    Thì đâu phải là màu vàng như trong thơ Tản Đà:
          “Trận gió thu phong rụng lá vàng”
    Bởi vậy ta cũng không băn khăn khi tác giả Nguyễn Thu Mát tự hỏi:
          Bông hoa đồng nội là chi nhỉ
          Sao lại đem hoa ví với em?
    Xin nhờ bạn đọc yêu thơ gần xa giải đáp hộ.
    Trên chiếu thơ Quảng Ninh, những tác giả chuyên viết về làng quê rất hiếm, có lẽ chỉ có Bùi Hữu Thiềm, Dương Phượng Toại. Thu Mát với “Hoa đồng nội” thấm đượm chất trữ tình dân gian, đã góp một tiếng nói sắc sảo vào làng thơ Quảng Ninh. Theo tôi, thật đáng trân trọng.
Hoàng Quỳnh Trâm
         (Hoa đồng nội - Nguyễn Thu Mát - Nhà xuất bản văn học 2013)
                                                             




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự

Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ được bè bạn xem là một người đa tài. Riêng với thơ, anh luôn đi tới tận cùng cảm x...