Nhà văn Trang Thế Hy
Ở tuổi 91, lão nhà văn Trang Thế Hy đã ra đi “nhẹ tựa lông hồng” vào lúc 0 giờ
ngày 8.12.2015 tại quê nhà huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Sinh năm 1924, Trang
Thế Hy đã tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Về nhà văn Trang Thế Hy, TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (bộ mới) viết: “Trang Thế Hy chuyên viết
truyện ngắn và ký. Những tập truyện ký đã xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại
(1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba
(1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993). Tác phẩm mới nhất, có thể coi như một
tuyển tập của ông: Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001)”. Và TỪ ĐIỂN
trích một câu trong một truyện ngắn của Trang Thế Hy để nói về quan niệm nghệ
thuật của chính tác giả: “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời
răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở
người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi
đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.
Và hôm nay, cái ‘số đông thầm lặng” ấy cũng rất thầm lặng tiễn biệt ông, một
người không bao giờ quên cái “nợ nước mắt” với những con người nghèo khổ và bất
hạnh. Trang Thế Hy qua cả cuộc đời cầm bút của mình đã minh chứng một điều: Sứ
mệnh lớn nhất của nhà văn Việt Nam là “cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (thơ
Xuân Diệu) với nhân dân mình. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cực kỳ gian khổ,
nhà văn Trang Thế Hy luôn có mặt trong hàng ngũ những nhà văn kháng chiến, cùng
chia sẻ bao cay đắng ngọt bùi với những đồng đội của mình. “Nợ nước mắt và những
truyện ngắn khác”( 2001) là tuyển tập những truyện ngắn, truyện vừa Trang Thế
Hy đã viết từ chiến tranh xuyên qua hòa bình, và như một di ngôn ông để lại cho
đời, một di ngôn nhiều khi nghẹn ngào, nhiều khi như vô ngôn.
Mỗi nhà văn có một số phận văn học, và số phận của Trang Thế Hy là qua văn học
của mình, đứng lên gánh thay cái “nợ nước mắt” cho rất nhiều người. Sự tử tế,
lòng trắc ẩn, đức hy sinh là những phẩm chất mà nhà văn Trang Thế Hy mang theo
suốt cuộc đời đủ dài của mình.
Với ông, văn chương là nụ cười hiền hậu và những giọt nước mắt xót xa, là sự đồng
cam cộng khổ với những người bất hạnh, là tiếng nói khẽ khàng của một cây dừa
lão cô đơn nhưng không ngừng tỏa mát cho tới “chiếc lá cuối cùng” của mình. Đó
là nhà văn của những người không may mắn, bởi đơn giản, chính ông cũng là một
người không may mắn. Nhưng ở đời, nhiều khi trong cái không may lại tiềm ẩn nhiều
nỗi niềm, nhiều chia sẻ, nhiều vị tha hơn là luôn được sống trong may mắn. Nếu
vị thế nhà văn là lựa chọn, thì Trang Thế Hy đã nhất quyết chọn cho mình chỗ đứng
bên những người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh, hay chí ít, cũng là những người
thiếu may mắn.
Tôi được biết danh ông từ hồi kháng chiến, nhưng mãi sau những năm 2000 mới được
gặp ông ở quê nhà Châu Thành-Bến Tre, trong khu vườn dừa khá xơ xác nó chính là
nơi ẩn dật vào cuối đời của ông. Một nhà văn nổi tiếng đã nói: Trang Thế Hy
chính là người hiền của văn chương Nam Bộ-một dòng văn chương đặc sắc và độc
đáo trong dòng sông văn học nước nhà.
Văn Trang Thế Hy đầy cá tính, đầy khắc khoải, và cũng đầy im lặng. Đó là thứ
văn cho người đọc không chỉ đọc một lần, mà đọc rồi nghĩ ngợi, đọc rồi đau và
vui cùng nhân vật, cùng tác giả. Đó là thứ văn kết nối giữa đời và đời, giữa
con chữ và con người, nó không lấp lánh mà sáng thầm lặng như một nguồn soi chiếu
vào nội tâm, khiến người đọc không sao yên ổn. Không bao giờ yên ổn.
Đó là đặc chất của một nhà văn lớn, một nhà văn Nam Bộ toàn tòng, một nhà văn
Việt Nam với trọn vẹn tâm hồn Việt. Xin vĩnh biệt ông!.
THANH THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét