Lời tự tình của “Mảnh vỡ không lời”
Gần đây tôi được nghe và biết đến Trần Nhã My, là cô giáo Trần
Thị Thanh Nhã, là giáo viên dạy môn tiếng Anh. Trần Nhã My thuộc thế hệ của
7X, sau 1975 vài năm. Trang lứa như Trần Nhã My đã lớn lên, được hít thở không
khí hòa bình của đất nước, nhưng không ít khó khăn, chật vật. Với những người
viết văn, làm thơ,…những trạng thái xã hội sẽ ghi thành dấu ấn trong tâm tưởng,
đồng thời len lõi ít nhiều vào sáng tác nghệ thuật của mình.
Thật ngạc nhiên, với chiều dài thời gian “non trẻ” vào thơ mà
Trần Nhã My đã có đến hai tập thơ: tập thơ đầu tay, DỖI (NXB Hội Nhà văn 2012),
được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải
“Tác giả Trẻ” của năm 2012; tập thứ hai, MẢNH VỠ KHÔNG LỜI (NXB Hội Nhà văn
2014) đã được ra mắt bạn đọc đầu tháng 2/2015.
Mảnh vỡ không lời dày 103 trang thơ, gồm 45 bài, mảng
tình, nhất là tình yêu, chiếm một dung lượng khá lớn, còn lại rải rác dành cho
tình mẹ, tình người, tình non nước, biển đảo,…Tất cả viết theo thể tự do.
Đọc để hiểu một tác phẩm, cùng với những “vốn” khác, với tôi
quan tâm nhất về ngôn ngữ. Macxim Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của
văn học”. Freud, nhà phân tâm học có thói quen là mỗi khi đọc một cuốn sách ông
không ngừng hành động như một nhà phân tích, đồng thời ông luôn luôn chú ý đến
từ, ngữ, đến câu, đến hành ngôn. Một nhà văn không nắm vững ngôn ngữ thì khó
nói lên được điều gì, cho dù người ấy có bật khóc trước một hiện tượng xã hội.
Với chức năng của ngôn ngữ, nhà văn và bạn đọc sẽ dễ gần nhau hơn. Đọc Mảnh
vỡ không lời của Trần Nhã My cũng vậy.
Khoảng hơn 30 bài thơ đượm sắc màu tình yêu. Tên của bài thơ Mảnh
vỡ không lời xếp thứ tự 38, được chọn đặt tên cho tập thơ. Tựa đề của tập thơ như
đã tạo buộc người đọc hãy chuẩn bị một tâm thế để tiếp cận: một chuyện
tình trúc trắc?Tình yêu tan vỡ?Niềm khát khao được yêu?.v.v…
Quả là vậy!
Đầu tập thơ là những bài: Và, có một người giống em như
thế, Anh, Anh đến, Anh đi,…rồi tiếp sau đó, những bài cũng viết về “anh” ở
không gian cao nguyên, một Tam Đảo, một vùng biên giới,… hoặc không gian ảo (Đêm
qua em nằm mơ)
Nếu Mảnh vỡ không lời là chuỗi tâm trạng của Trần
Nhã My thì tình yêu của nhà thơ rất mãnh liệt, bạo dạn,…Ngay ở bài thơ đầu “Và,
có một người giống em như thế!”: Đến bên anh/nằm yên/ rồi đi. Hình bóng
“anh” cứ chập chờn trong hàng chục bài thơ. Tác giả tính bằng ngày, bằng giờ,
trông đợi “anh” từng giây để nỗi buồn được chuyển đổi, lên men: Anh là
anh/có anh/bao nhiêu nỗi buồn/lên men. (Anh). “Không anh”, nên nàng nhớ
anh đến độ:Chữ vần lỗi nhịp/không thành/ sần sùi lục bát/ nhớ anh/ thất vần (Lục
bát của em)…Nghiệt thay, nàng yêu nhưng chưa hề được đáp trả, hoặc chỉ lơ mơ,
thoáng mau, chợt đến rồi vội đi: Sớm ra bỗng nhận thấy mình vừa mất đi một
cái gì đó/không tên…Một sự ra đi/ngày hôm qua vĩnh viễn ra đi/không một cái
ngoái đầu.(Anh đi). Cũng chính vì bất chợt mà giọng thơ, nhịp thơ, ngôn từ cứ
giần giật, làm cho chỗ hỏng thành ổ gà, ổ voi.(Thì thôi). Suốt các bài thơ
tình, người đọc chưa hề nghe tiếng “reo vui” của nhà thơ được sống hạnh phúc với
“anh”. Cho nên đôi chỗ, giọng thơ lộ vẻ trách cứ: Anh không là vũ khí hạt
nhân/ sao có thể diệt hàng loạt/phút chốc tan tành bao kỷ niệm/tro than/một
ngày không anh.(Anh).
Trái tim nhà thơ trong bài “Không thể delete” có một sức chứa
vô hạn đến hằng số n: Tim tôi thẻ nhớ nG đựng ảnh một người/ hàng ngàn bức
ảnh chụp đã mấy năm trời/ tấm ngang, tấm đứng, tấm nghiêng/ đủ kiểu dáng.Những
lúc một mình, Nhã My đã quét dọn “rác” hình ảnh thừa trong thẻ nhớ (trái tim).
Đó cũng chỉ là cái cớ để Nhã My “đọc” những tấm hình ảnh của người mình yêu. Thời
lúc độc thoại, tự tình với bản thân là thời con người ta sống rất thật, không hề
giấu giếm, và cũng chẳng thể giấu được với chính mình. Điều nghe khiến ta dễ cảm
thông với tác giả. Và người đọc khó cầm lòng với tâm trạng “yêu” của nhà thơ. “Yêu
rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu“. (Xuân Diệu).
Thấp thoáng vài bài, hoặc vài câu thơ ửng sắc bởi vần điệu, sự
hài hòa giữa các thanh, khiến người đọc như đang đi giữa sa mạc bắt được một ngụm
nước mát, hồi tỉnh. Trần Nhã My chưa phát huy, chưa thuần tay khi sử dụng các
thanh trong các từ tiếng Việt , nên thanh âm trong bài thơ vang lên chan chát: Anh
muốn làm chim di trú/sải cánh về phương em cư ngụ/ Biết nơi đây đất
lành/nhưng/con chim sau những lần đắn đo/quyết định bay về.(Cũng đành rã cánh
chim di).
Bài thơ “Vạc sành hoan ca” với hình ảnh rất lãng mạn, thi vị
giữa thiên nhiên và con người. Có lẽ đây là bài thơ chiếm ngay nội tâm người đọc,
khơi lên một thức cảm tươi vui, xây tạo một niềm tin với cuộc sống. Đêm
biên giới/Hoàng hôn giăng phủ xanh mùng bộ đội/nghiêng nghiêng trăng nhìn
em/đám vạc sánh hoan ca/giòn giã. Xúc cảm này trải dài đến tận câu cuối của bài
thơ: …đêm biên giới/ vạc sành hoan ca/ giấc yên bình em mơ…
Bài “Chiều biên giới” có chùm thơ rất mượt mà, mang hơi thơ rất
mới: Ngồi nghỉ mệt, ngó cánh diều reo gió/lão nông be bờ dắt nước tưới màu
xanh/trẻ ríu ran đá dế trên trảng cỏ/ăm ắp tiếng cười loang xa long lanh.
Với nhiều từ ngữ mới lạ, đã góp phần nâng cao tính biểu đạt
như: chuyển màu tro/ cóng róng. (Ừ, thì cứ thế…); dấu vết cũ kỹ khuất
trong con tim nhàu nhĩ mà vẫn không chịu nhạt. (Chỉ vẫy tay chào cũng
không). Hoặc sáng tạo cách diễn đạt: Tam Đảo bồng bềnh em/bồng bềnh trăng. (Cho
em),Không có anh, không có gì tất cả/mưa sũng buồn…(Cho ngày xa), Em/nhốt
vào chậu đất sét/bảy vía đi tìm, anh còn lênh phênh xác. (Quà cho anh),…
Có những câu thơ mang âm hưởng tính siêu tưởng giữa hư – thực: Xếp
lại danh sách khách hàng tiềm năng chưa kịp bổ sung/gói đơn hàng đang chờ
tính/cột chặt bằng dây thần kinh căng cực độ/ cất hết vào ngăn tủ/ khoá kín bằng
ổ stress. (Về quê mẹ)…
Tham
chiếu ở góc độ cân đo, nhiều điều cần trình với Trần Nhã My.
Nhân vật trong thơ lúc hiện, lúc khuất, rất mờ nhạt, khiến
người đọc như bị hụt hẫng, kiếm tìm, mạch thơ như bị bóc tách từng vỉa nhỏ,
không đề: Và, có một người giống em như thế, Anh, Anh đến, Anh đi,…
Về diễn ngôn liên quan đến cách dụng từ, nhà thơ cố dùng những
từ đặc tả, nhưng hiệu ứng cảm lại thấp, mục đích hành ngôn bị va vấp giữa từ và
nghĩa, dẫn đến mờ nghĩa. Những danh từ: non nớt, yếu đuối, chỗ không thật,
chìa vạn năng, chảy (máu), sợi (đen,…); những động từ tạo cảm
giác mạnh: xiềng (suy nghĩ), xoảng (một âm thanh), quẳng (chìa
khóa), đấm(phụp), vỡ (vụn), hái (tóc),…; loại tình từ: dạn
dày, mỏng tang, tàn nhẫn, giật mình, rã rời, mệt mỏi, lăn tăn (ý nghĩ), lụn
vụn (những xúc phạm),thảng thốt, u mê, tiêu tan,…
Với từ nước ngoài dùng để thay từ Việt trong sáng tác văn học,
vốn đã rất “kiêng kỵ”, huống gì trong thơ. Trần Nhã My đã sử dụng một số trường
hợp gây nên “phản cảm”, như trong “Bức ảnh chiều”, Offline rồi ngọn đồi vẫn
đó, hoặc “ok. Tôi bấm close nhắm mắt thấy ánh sáng vừa”, “buồng thang
máy tuột đến G và open những tiếng cười không giống nhau (Riêng
lối), cất hết vào ngăn tủ/ khoá kín bằng ổ stress. (Về quê mẹ)…Một số
nhà văn đã băn khoăn: Có cần phải thế không? Người đọc dễ nhận ra sự gượng gạo,
thô, không cần đến. Chỉ nên dùng những từ ngoại đã được mặc định trong xã hội,
đọc là hiểu ngay như: muốn xóa hết các file/không còn gì ngày mai.(Không
thể delete). Có bạn đọc cho rằng, có lẽ tác giả vốn là giáo viên tiếng Anh.
Có những
câu thơ dài, như lời kể chuyện, thiếu gợi cảm, có khi làm hỏng cả thi trường: “thoáng
bối rối cũng vừa đủ, tôi cũng vừa đủ Anh trong ngoặc kép vừa lúc thang máy trượt
tới tầng 2”, hoặc câu thơ như lời nói: ừ, cũng không mấy khó chịu/nhưng
ánh mắt đi cũng không dễ chịu chút nào.(Riêng lối).
Những bài thơ “tình” của Trần Nhã My có phần lúng túng, lập cập,
vụng về, bị “líu lưỡi” như đang đứng trước một “ai đó” được diễn trình bằng những
câu thơ “nhảy cóc” bậc thang gây cho mạch cảm xúc của người đọc rơi vào trạng
thái ngắt quãng, cụt ngũn, như: Ra đi/một người bạn rất thân/rất gầnhoặc bạn
đi/ngày đi/ngày bạn đi . (Anh đi). Nhưng khác với bài “…Và, có một người
giống em như thế!”, bạn đọc cảm được: Đến bên anh lặng yên/nằm yên/rồi đi.
Toàn bộ 45 bài thơ thuộc thể tự do, người đọc nghe vang khát
vọng được yêu. Tiết tấu, vần điệu có phần bị nghèo nên tiếng lòng, vốn dĩ đã buồn
lại càng bị trống trải, hiu quạnh, cô độc.
Thực ra cái tít của tập thơ, hoặc của bài thơ Mảnh vỡ
không lời không hề vô ngôn, vô thanh, mà trái lại, ngập vang những âm
thanh trong thơ, các bài:Chỉ vẫy tay chào cũng không, Hai mảnh bom găm, Lối em
về, Nhớ cao nguyên, Nỗi nhớ tràn đêm, Mảnh vờ không lời,…Song chỉ có tiếng
lòng là chuỗi thanh âm vang ngân trong người đọc đến cuối tập thơ.
Nếu được, tôi xin đệ trình với nhà thơ chuyển bài thơ Thì
thôi lên phía trước để người đọc dễ cảm với nỗi lòng của tác giả bởi trong
em, con đường có chỗ hỏng/em muốn vá/anh mặc kệ vì không đáng/…, do vậy, chỗ
hỏng thành ổ gà, ổ voi/…kết cục là: em quay về/ những bước chông chênh (Thì
thôi). Đảo vị trí bài thơ để tập thơ có một trình tự chuyển biến nội tình dẫn đến mảnh
vỡ không lời.
“Bức ảnh chiều” : Giật mình xem chú thích ảnh “Nghĩa
trang cổ Chăm Bà – ni/ Nhìn lại ảnh/Chân trời/Bụi buồn tung bốn phía…Có lẽ Trần
Nhã My biết rõ một điều về nghĩa trang của người Chăm Bà-ni. Đọc trang web của
Inrasara, độc giả mới hiểu ra rằng: “Ở Ninh Thuận, vùng đất ghur (nghĩa địa) được
người Chăm Bà-ni xem như là đất thiêng liêng, nơi đó ông bà, tổ tiên nhiều đời
đã an nghỉ nghìn thu; người Chăm rất tôn quí. Đó là nét đặc sắc của tín ngưỡng
dân gian dân tộc Chăm. Dân tộc Kinh cũng có sự tín ngưỡng tương tự là rất trân
quí người đã khuất”. Tuy nhiên, “Đất Ghur Darak Neh đã bị lấn chiếm nhiều lần
nên đã được đóng cọc rào lại để dễ bảo vệ nhưng cũng không thoát được nạn xâm
chiếm, phá hoại cũng như đất Ghur Văn Sơn (huyện Ninh Hải) lại càng bị lấn chiếm
thô bạo hơn!”. Toàn bài thơ không nhằm một điều gì, hoặc bạn đọc không dám nghĩ
ra điều gì. Tôi nghĩ rằng, Trần Nhã My chỉ đơn giản mượn một hiện thực để trải
long:Ước có đôi tình nhân ngồi đâu đó để làm mát rượi trước cái khô khốc của
một vùng hoang mạc, linh thiêng. Dù gì thì nhà thơ cũng phải cẩn trọng và lưu
tâm.
Trần Nhã My không thuộc lớp trẻ. Tác giả đã xếp vào hàng U40
rồi còn gì! (tôi, người dán nhãn U40 – Riêng lối). Tuổi này đang độ chín
chắn, xăng xái. Không thể phủ nhận bút lực và một trái tim nhạy cảm trong Trần
Nhã My. Với tiềm năng ấy, mong rằng, chính trí tưởng tượng, tức “hồn thơ” của
thi sĩ, người đọc trông đợi ở Nhã My sẽ tạo ra sự lạ hóa cách thức biểu đạt, từ
đó tạo ra những sắc thái biểu cảm khác nhau, những điều bình thường sẽ có một
diện mạo mới, khả năng chinh phục mới, làm nên ấn tượng, sức truyền cảm trong
lòng người đọc.
Bài viết này của tôi với tâm thế một độc giả, do vậy, những lời
này rất chân thành, mộc mạc, đôi khi thô thiển, hoặc thẳng thắn. Nhà văn Sơn
Nam cũng thật lòng rằng: “Văn học nghệ thuật là một cái gì phải kinh qua sự phê
phán, nhận xét của đông đảo của quần chúng, …”. Do vậy, tôi chỉ nhận mình là quần
chúng thôi.
Toàn tập thơ, dù nó để lại trong người đọc những dư âm buồn,
tuy đôi lúc nhà thơ mượn mộ sự vật nào đó để giãi bày: Như kẻ đang yêu/ những
con côn trùng tự thiêu, hoặc Cõi âm ti, nó thấy mình vẫn nhỏ/chỉ có trái
tim/to/cứ to dần/hầu mong tái sinh kiếp khác/Đâu đây có bong đèn/ vỡ nát vì đường
bay không còn xoắn ốc/nhằm phía nguồn sang/lao thẳng…(Tự khúc cho thiêu thân),
nhưng tôi đã soi ra được một điều quý trọng ở nhà thơ là tác giả chưa hề bị rơi
vào trạng thái huyễn hoặc. Nhà thơ vẫn sống với hy vọng, vẫn cứ còn yêu, và cả
đi tìm trong giấc mơ. Freud cũng nhận ra điếu ấy rằng, giấc mơ là “con đường
hoàng đạo” dẫn đến vô thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét