Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Ngôn ngữ của nhà văn

Ngôn ngữ của nhà văn
Ngôn ngữ với nhà văn là một thứ công cụ đặc hiệu, là tất cả những đường nét hình khối cảm xúc màu sắc của những thể loại tác phẩm. Để thể hiện đúng tính chất nội dung ngữ cảnh mà đoạn văn hay câu thơ cần, nhà văn phải là người có một kho từ vựng  phong phú. Phần lớn là những ngôn từ phổ dụng, hầu như tầng lớp cư dân nào thuộc vùng miền nào cũng dễ hiểu, ngoài ra còn có những thứ từ mang tính địa phương vùng miền, thổ âm sắc tộc. Một thành phần từ ngữ khác thuộc các chuyên ngành, có phạm vi giới hạn trong một khu vực riêng của ngành nghiệp. Khi có được một khối lượng kha khá về từ vụng, nhà văn dễ dàng chuyển tải những văn cảnh ngữ nghĩa một cách chuẩn xác và đắt giá. Việc sử dụng ngôn từ để biểu thị hàm ý nội dung càng mạch lạc sát nghĩa càng có nhiều khả năng thẩm thấu đến người đọc. Mạch tư tưởng nhờ thế cũng được sâu sắc hơn, lại tránh tối đa việc hiểu nhầm sang ý khác, nếu sử dụng không đắt từ hoặc là từ nhiều nghĩa, đôi khi dẫn đến sai hoàn toàn ý định mà nhà văn muốn chuyển tải. Nếu văn cảnh được mô tả bằng những từ mang tính màu sắc âm thanh trừu tượng lại càng phải có sự chọn lọc từ cẩn thận. Bởi từ vựng trong bối cảnh này rất đa dạng, nhiều từ nhang nhác ý nhau, không hiếm khi sự mô tả một sự vật, sự việc được người đọc như nhìn thấy rõ rệt trước mắt nhờ vào cách dùng từ đắt ý này.
Không chỉ thông thạo nhiều thành phần từ ngữ, nhà văn còn có nhiệm vụ bảo tồn văn phạm ngữ pháp dân tộc, và cũng rất cần sáng tạo thêm những từ mới trong phạm vi cho phép của ngữ nghĩa, để làm giàu có thêm kho tàng từ vựng cho dân tộc mình. Hơn thế nữa, nhà văn với văn phong riêng, có thể tạo hình câu cú khác lạ như đảo từ, như phá cách ngữ phạm, mang nét thú vị thu hút hấp dẫn người đọc, pha đôi chút hài hước dí dỏm chơi chữ cũng là một dạng làm mới ngôn ngữ. Một tác phẩm lôi kéo được sự chú ý theo dõi không chỉ ở nội dung tình tiết, mà cả một khối lượng ngôn từ cũng đóng vai trò hết sức thiết yếu của cấu trúc văn bản.
Trong văn thơ đôi khi ta thấy xuất hiện một dạng huyễn từ. Đây là những cụm từ hay cặp từ không nhất thiết phải rành mạch về ngữ nghĩa, nhưng gieo cho người đọc một cảm niệm mênh mang xúc cảm không thành tên nhưng đầy âm nghĩa. Ví dụ : hư huyền, huyễn mộng, vân vu, liêu phiêu…còn rất nhiều kiểu từ, nếu cắt rời hai từ thì mang hoàn toàn nghĩa khác, nhưng khi kếp hợp thì lại gợi lên một âm hưởng cảm xúc nhiều khi chỉ là sự cảm nhận từ trái tim và tâm hồn của người đọc mà không cần phải chỉ rõ tính biểu thị của từ.
Bên cạnh đó là ý thức dân tộc. Nhà văn không nên đưa tiếng nước ngoài vào tác phẩm của mình khi không cần thiết. Không những tự mình làm nghèo đi cái tính văn chương của chính mình, mà còn có vẻ xem thường rẻ rúng ngôn ngữ mẹ đẻ. Một tác phẩm mang nền văn hóa của dân tộc phải được triển khai theo hệ thống ngữ nghĩa của chính dân tộc thì mới bộc lộ được hết những góc cạnh dân tính xã hội đặc trưng văn hóa gốc bản địa. Nếu không sử dụng tốt ngôn ngữ của dân tộc mình mà lại đi vay mượn tiếng nước người một cách tùy tiện ngẫu hứng, thì không thể gọi đó là một tác phẩm có giá trị, cho dù nó có mang nội dung dày dặn đến thế nào đi nữa.
Trong quá trình chuyển dịch đời sống, nhu cầu chuyển tải thông tin và phần lớn tùy thuộc môi trường, tâm thế lứa tuổi, luôn xuất hiện những từ mới, hợp lý hay không hợp lý thì nó vẫn tùy nhiên tồn tại. Trách nhiệm của nhà văn là phải biết sàng lọc và sử dụng sao cho sáng nghĩa nhất. Có một số từ chỉ có thể sử dụng trong văn nói và những tình huống không mang tính nghiêm túc quan trọng, nó chỉ như một phương tiện ngắn nhất để chuyển thông điệp tức thời đến người nhận, tuyệt đối không nên đưa vào văn bản dưới bất kỳ hình thức nào, nói cách khác là không nên hợp thức nó là từ ngữ chính thống trong ngôn ngữ Việt. Một góc độ khác là hoàn toàn không nên “nhốt từ” vào một nghĩa, có những cách nói tránh, tế nhị cho một số vấn đề, và lâu dần từ bị mặc định chỉ dùng cho một nghĩa, khi vận dụng vào ngữ cảnh khác lại bị cho là không phù hợp. Ví dụ: sinh lý. Nguyên nghĩa của từ này là các cơ chế hoạt động của cơ thể, nhưng vì được “đặc dụng” cho một khía cạnh hoạt động của một bộ phận, mà nó đã trở thành từ nhạy cảm. Và có những khi là sự tiếu lâm, hài hước hay châm biếm, thế là từ cũng bị nhốt, không những tự làm nghèo đi vốn từ vựng dân tộc mà còn khiến người dùng dễ bị rơi vào cảnh huống khó chịu, lố bịch cho dù không sai. Vậy nên đừng dắt từ vào vùng cấm, hoạch định biên chế rồi bỏ luôn nó ở đó…tội nó.
Một nhà văn chân chính và nghiêm túc, nhất thiết phải biết xem trọng từ ngữ trong văn phẩm của mình, và cả ý thức trách nhiệm về giữ gìn, phát triển, quan trọng là trả đúng nghĩa cho từ. Thế giới tiếp cận văn hóa Việt phần lớn qua ngôn ngữ văn bản, và hẳn góc nhìn của họ không chỉ dừng ở thông tin nội dung, cũng như vậy với cách nhận định về một ai đó, sư phát ngôn và văn từ của họ cũng cho ta biết phần nhiều bản chất và cốt cách. Với các nhà văn, chắc chắn độc giả đòi hỏi nhiều hơn thế.
ĐÀM LAN
Theo http://datdung.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia “Anh nghe điện thoại tối nay nhé. Shipper chuyển sách em tặng đấy”. Rất thân tình và không màu mè. Nguyễn...