Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn

Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn
Bùi Giáng bản chất là nhà thơ. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nhưng lời ca rất thơ. Hai nghệ sĩ, với sự nghiệp trải dài từ những năm 60 cho đến tận cuối thế kỷ thứ 20, cùng chìm đắm trong nghệ thuật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) làm thơ rất nhiều và đặc biệt những năm cuối đời say mê vẽ: ký hoạ và vẽ sơn dầu những bức chân dung thơ mộng. Ngoài là nhà thơ, thi sĩ Bùi Giáng (BG) còn là một tư tưởng gia. Ông đã nhận định cùng với M. Heidegger rằng thi ca và nghệ thuật mới thật là “bản thể” của vũ trụ hiện sinh con người (chứ không phải lý tính, khoa học, lý luận cò ke đo đếm một hai). BG cũng đã từng vật lộn với “cái cọ sơn dầu” (nhưng gần như thôi hẳn, chỉ còn nâng cọ một đôi khi từ năm 1967, sau một trận hoả hoạn cháy tan nhà trọ với những bức tranh của nhà thơ). Và bức tranh mực màu trên giấy: “Quê chàng là Ithaque” - một trong hai ba bức tranh may còn lưu lại – đã chứng tỏ tiềm năng nghệ thuật thật sự của nhà thơ.

Nghệ thuật của BG và TCS có chung một điểm là sự hồn nhiên lãng mạn trước cuộc đời. Mọi sáng tác nghệ thuật của TCS, những câu ca, một bài thơ hay một bức hoạ, đều tràn trề tình cảm sống thật của chính mình, nuối tiếc một mối tình, nhớ thương một người thân, đau lòng trước sự phù du của đời người, tiếc thương mạng sống mong manh quý báu giữa cái tàn bạo của chiến tranh (TCS đã nhiều năm trốn lính). Những áng văn thơ của BG suy tư sâu xa, khó hiểu hơn, nhưng thật cũng vô cùng hồn nhiên lãng mạn: hồn nhiên lãng mạn trong cái bay bổng ngôn từ say mê diễn giải tư tưởng đến tự bốn phương, say mê sống tràn trề trong vũ trụ hiện sinh của chính mình. Cái đặc điểm rõ nhất là hai nghệ sĩ, hai nhà thơ của chúng ta, là họ đều rất thân thuộc với thể thơ lục bát của thi ca Việt Nam : một thể thơ tự nó, với truyền thống của ca dao và của Nguyễn Du, có nhịp điệu bình dị thi ca, dàn trải tình tứ. Trong thơ BG thì những nét này đã rõ. Còn ở TCS, ngoài những bài hát đều hàm chứa chất thơ, thơ TCS thường là thơ tự do, tự nó có vần điệu và nhịp hát không bắt buộc phải theo một luật âm vận nào, nhưng một phần lớn cũng là những bài thơ lục bát, hai hay bốn câu, hồn nhiên tràn trề tình yêu hay lãng mạn tình cảm:
Mùi hương má cũ muộn màng
Ghé môi tư lự nỗi bàng hoàng xưa
Nắng phai lời giã biệt từ
Nhớ thêm một chút hương mù mịt xa
(TCS, Montréal, 17.5.1992)
Trong những năm 60, thời mà BG với “Mưa nguồn”, TCS với những bài ca tình yêu và phản chiến bắt đầu sôi nổi trong đời sống văn nghệ, còn có một trường phái văn nghệ đáng kể: “Nhóm Sáng Tạo”. Nhóm Sáng Tạo gồm nhiều văn nghệ sĩ. Trong hội hoạ - theo tôi biết - có Thái Tuấn, Ngọc Dũng, trong văn thơ phải nói tới Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Cung Trầm Tưởng... Nhóm văn nghệ sĩ này có lẽ đầu tiên theo thuyết hiện sinh của J.P. Sartre, nhưng về sau cốt yếu là canh tân, hay nói một cách khác sâu xa hơn, họ chính là tiền thân của những nhà văn thơ “hậu hiện đại” của Việt Nam. Nhưng nhóm Sáng Tạo có một lịch trình suy tư lý thuyết, có một bối cảnh lịch sử rõ rệt, tranh đấu chống lại Chủ Nghĩa Xã Hội, chống lại “Đề cương Việt Minh – Văn nghệ vị nhân sinh, hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Trường Chinh). Nhóm này thân thuộc với BG, mà BG cũng rất tâm đắc với lý thuyết thi ca nghệ thuật hiện tượng học của Hiedegger, triết lý tư tưởng tiền bối của thuyết hiện sinh. Đại diện cho nhóm Sáng Tạo chính là Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền. Mai Thảo là tiểu thuyết gia duy mỹ chủ thể hình thức. Thanh Tâm Tuyền viết văn và làm thơ với lập trường lý thuyết. Dĩ nhiên là nhóm Sáng Tạo xa lánh TCS, mà nghệ thuật lời ca hồn nhiên bình dị đi thẳng vào lòng quần chúng. Tôi nhớ mãi bữa cơm chiều (Bún Bò Huế) mà hai vợ chồng hoạ sĩ Đinh Cường đãi Thanh Tâm Tuyền, TCS và tôi tháng 5 năm 1988 ở một chung cư tại Sài Gòn. Tôi nhớ mãi cái bữa gặp gỡ tẻ nhạt, bầu không khí nặng nề Thanh Tâm Tuyền không nói thẳng với TCS một lời. Sau rồi tôi biết Thanh Tâm Tuyền đã bị cầm giam mấy năm trời trong trại cải tạo của nhà nươc xã hội chủ nghĩa, trong khi TCS năm ấy đã là uỷ viên trong ban thường trực của “Hội Nhạc Sĩ thành phố Hồ Chí Minh”. Khi TCS đi thăm Canada 1992, những văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong, thường tự nhận là thuộc nhóm Sáng Tạo, công khai cách ly TCS. Nếu không nói tới sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật, theo tôi nghĩ tất cả đã hiểu lầm nhau. Bài ca “Em còn nhớ hay em đã quên” chẳng hạn, với câu “em ra đi nơi này vẫn thế” (mà theo đám văn nghệ sĩ lưu vong đáng nhẽ phải nói rõ rằng “nơi này đã thành một chốn đoạ đầy lao ngục”), không nói gì khác là đau lòng nhớ thương các em gái của mình (đã liều lĩnh lên thuyền ra đi tị nạn) và nhạc sĩ vẫn thầm tự nhủ rằng cái cõi tạm đen tối này tuy nhiên bao giờ cũng thế với thiên nhiên với tình người dù dưới áp chế của bất cứ một sức mạnh nào (mà thật vậy, Sài Gòn ngày nay với kinh tế tư bản thị trường đâu còn khác Sài Gòn của ngày xưa!).
Giữa BG và TCS trái lại có một thâm tình tương giao thị tôn kín đáo. Cũng trong tháng 5 năm 1988, tôi còn giữ một kỷ niệm không bao giờ quên. Một buổi chiều, TCS đãi một bữa cơm rượu vodka dưới gốc cây si ở nhà Trịnh Xuân Tịnh, em trai cuả nhạc sĩ (cái biệt thự thời Tây mà nay là quán ăn Ba Miền của Sài thành). Bữa cơm cốt để cho tôi làm quen với BG:
Chịu chơi Hộ Trịnh Công Sờn
Cửa trời rộng mở rập rờn hoàng hoa
Chào nhau giữa những vốc-ka
Liên Xô số dzách ngộc ng...
(Bùi Giáng, 5.1988)
Đó là mấy câu thơ Bùi Giáng viết trên bức ký hoạ TCS vẽ chân dung BG ngay chiều hôm ấy! Một chân dung sâu sắc, lộ hết tinh thần của nhà thơ, tài nghệ vượt hẳn các chân dung người ta vẽ BG mà chúng ta thường thấy. Chính bữa cơm rượu từ đó đã mở cho tôi cả một hành trình dài học hỏi tràn trề cảm hứng, giao lưu thâm tình đàm thoại với BG suốt mười năm, cho đến tận khi nhà thơ rời bỏ cõi đời. Mười hai giờ trước khi đột quỵ, BG tuy rất yếu, vẫn để lại cho tôi ba câu thơ, ba câu đó đã được khắc trên bia bên mộ nhà thơ:
Đương thì nhật nguyệt trôi qua
Tha hương cố quận lạc hoa một nhành
Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng
(14 tháng Tám Mậu Dần -1998) (phỏng dịch ba câu Hán Tự Hài Cú: Nhật nguyệt đương thì quá/ Tha hương cố quốc lạc chi mai/ Tùng hạ nguyện trường miên- NVT).
Cũng trong mấy tháng hè năm 1988 đó, nhân sẵn có tôi, BG thường lại ăn cơm trưa uống rượu vang đỏ ở sân nhà của TCS. Ở TCS, tôi thu nhận sự trầm lặng suy tư thật lâu rồi mới hạ bút sáng tác của anh; và một khi sáng tác rồi, nếu đấy là một bài ca, TCS không ngần ngại hát đi hát lại mấy ngày liền, và cũng không đắn đo sửa chữa một vài nốt nhạc hay từ ngữ... Trái lại, BG một khi đã cầm bút thì tức khắc viết tràn lan như không suy nghĩ hay đúng hơn như mang sẵn trong tâm trí từ lâu rồi cả một kho tàng tư liệu văn chương triết lý, giờ chỉ cần cho ý thơ và tư tưởng tự tuôn trào. Tôi nhớ một sự kiện điển hình: một lần, tôi nhờ nhà thơ đề tặng TCS một quyển thơ, BG không một giây suy nghĩ, hạ bút viết ngay trên trang nhất những chữ Hán tượng hình:
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Trùng lai sơn hạ Quế giang thâm
(Nguyễn Du) (Tôi có chút tâm tình không đủ lời giãi tỏ, xin trở về như sông Quế nằm sâu dưới chân núi (Sơn)).
Hai nghệ sĩ tài danh của chúng ta vừa có những điểm chung và cũng có những khác biệt rất riêng. Trước hết là BG và TCS đều có quan niệm rằng nghệ thuật không thể ẩn dụ một lý thuyết nào - trái ngược với nhóm Sáng Tạo, khi cho rằng nghệ thuật phải là tư duy nằm ngoài thời sự, ngoài những chuyện nhân sinh tức thời hay những xu thế thời thượng. Người nghệ sĩ phải có hoài bão vượt thời gian, tìm về cái uyên nguyên vĩnh hằng của con người như tình yêu, khắc khoải, cô đơn và vị tha, tự cảm nhận sự khiếm khuyết trong thân phận làm người. Người nghệ sĩ phải biết thương cho những kẻ sa đoạ, khóc cho những người ngã ngựa, phủ nhận những chiến công... BG thường tự nói:
Quan tâm ngày thu lượm
Bàng quan với ngày mai thế sự
(BG dịch René Char).
Những bài ca phản chiến của TCS tưởng là nói đến chiến tranh nhưng sự thật là nói về cái khát vọng hoà bình thân ái của con người sống với đau khổ và chết chóc tang thương.Trong những bài ca của TCS không có thù và bạn, những chọn lựa này chỉ có tính cách giao thời, thay biến mỗi khi chúng ta nhìn lại lịch sử. BG mãi mãi là hành giả chân đất, áo quần tả tơi lang thang ngoài ước lệ xã hội của con người, lững thững qua các thời đại. TCS, trái lại, chấp nhận dửng dưng vui chơi hoà đồng, nên vì thế biết rõ mặt trái không hay ho gì của những quân nhân, chính trị gia của miền Nam Việt Nam và cũng biết rõ mặt thật tham lam nhỏ nhen, bề ngoài đạo đức nhưng đầy tham muốn tiền tài danh vọng của những cán bộ quan liêu bàn giấy của cách mạng. Vì thế thái độ TCS có tính cách thoả hiệp với cuộc đời, cũng chỉ vì nếu một nghệ sĩ chân chính nhất định không chấp nhận những tục luỵ bi thương của con người thì gia đình anh cũng như chính anh sẽ không còn chỗ dung thân.
Nghĩ cho cùng, có cả một hố sâu ngăn cách BG với TCS. BG chọn làm thi sĩ cùng với thảm kịch nhân sinh của thi nhân, của Phạm Thái xa lánh cõi đời:
Ba mươi sáu tuổi là bao nả
Năm sáu đời vua khếu chán ghê
Một tập thơ sầu ngâm sang sảng
Vài nai rượu kết ních tì tì ...
(những câu thơ của Phạm Thái mà BG thường tự đọc lại),
của Nguyễn Bính khi chết “miệng vẫn tòm tem thèm miếng cơm”
(thơ của Trần Mạnh Hảo).
Từ cuối năm 1988 – khi chính trị và kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, sự giàu sang được bộc lộ - TCS đã sống trong một thế giới xa hoa quyền quý mà không một nghệ sĩ Việt Nam nào từng được hưởng thụ. Nhưng trước khi sự giàu sang đến ngăn cách con người, BG vẫn thường bất chợt lui tới nhà TCS và được mẹ Sơn hay các em sẵn sàng đãi bữa cơm, chén rượu...Cái thời khó khăn vừa sau 1975 với cái nên thơ tình người, nhà thơ vẫn giữ những hồi tưởng êm dịu của sự bao dung nhân ái, hiền hoà thân thiết:
Trịnh Công Sơn
(...)
Ồ bạn ạ! Ồ người ôi!
Ai đi vô tận tôi ngồi ngu ngơ
Chẳng bao giờ kể chẳng ngờ
Rằng tình mộng tưởng không giờ xẻ chia
Không từ sương sớm trăng khuya
Không trăm năm cõi một rìa mép mao
Tuy nhiên ngoài luỹ trong hào
Còn rơi rớt chút hoàng mao A Đầu ...
(B.G. trong tập “Vào chung cục thơ”). (hoàng mao A Đầu: con nhỏ hầu bên, với chỏm tóc vàng)
Có thể nói, từ cuối năm 1988, BG không còn lui tới gặp TCS nữa. Nhất là từ ngày tang lễ mẹ Sơn năm 1991, các em Sơn đã có thái độ rất rõ: không cho nhà thơ của chúng ta tham dự sợ làm lạc bầu không khí tôn kính trang nghiêm với những quan khách hệ trọng. Việc này, tôi nghĩ, TCS đã không hề biết! Mãi đến năm 1994, với tập “Hán Tự Hài Cú” mà BG và TCS mỗi người phỏng dịch độ một trăm bài, tôi đã gián tiếp là sợi dây liên lạc giữa hai nghệ sĩ. TCS đã nhờ tôi đưa đến BG chỉ một câu tám chữ mà BG đã trả đáp bằng câu sáu chữ:
(thì rằng)
Trùng dương viễn biệt muôn vàn
(ấy ai ấy ai)
Ghé qua lục địa muộn màng hỏi thăm. 
Thật là mang mang một sự ngậm ngùi nhân thế! Tang lễ BG tháng tám năm Mậu Dần (1998), TCS đã đến lễ và hát trước linh cữu bài ca “Cát bụi”. Mấy tháng sau, nhân đọc bài hán tự hài cú:
Thi nhân quy thiên khứ
Lưu tồn điên đảo nhiễm trần ai
Xử ngã sầu bất tận
(NVT)
TCS tức khắc viết ra bốn câu bảy chữ tưởng nhớ đến nhà thơ:
Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
Đảo điên điên đảo bụi trần gian
Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
Buồn vì một chút bụi lang thang 
(TCS, 9.5.1999)

Ngô Văn Tao
Theo http://www.chutluulai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...