Tôi biết đến nhạc Trịnh rất tình cờ: bể nước tắm của bọn học trò chúng tôi ở
ngay phía sau nhà của một vị giáo sư, mỗi chiều sau giờ thể thao, chúng tôi tắm
xong thường nán lại để nghe những ca khúc nhẹ nhàng thanh thoát vẳng ra từ ô cửa
sổ. Sau tôi biết đó là album Sơn ca 7 bất hủ của Trịnh Công Sơn với những ca
khúc diễm tuyệt qua giọng ca Khánh Ly: Diễm xưa, Hạ trắng, Tuổi đá buồn, Ru em
từng ngón xuân nồng, Như cánh vạc bay, Cát bụi…Tôi bắt đầu tìm nghe và yêu quý
nhạc Trịnh từ đó. Rồi cũng thật bất ngờ, khi lần đầu tiên tôi đi công tác Sài
Gòn, đến tá túc nhà bà bác họ ở 47D Phạm Ngọc Thạch( tên cũ là đường Duy Tân,
quận 3), thì nhà của nhạc sỹ ở 47C sát tường, cây xoài mọc phía bên nhà nhạc sỹ
chín rụng sang mỗi bên một nửa; cây hoa giấy mọc bên này cũng bò sang cả bên
47C sum suê…Có nhiều lần tôi ra khỏi cổng cũng gặp nhạc sỹ đi ra, tôi cúi đầu
chào, nhạc sỹ cũng cười nhẹ chào lại, nghĩ mình hậu bối, chữ nghĩa lỗ mỗ nên
tôi cũng không dám cả gan làm quen một người mà đối với tôi như một tượng đài sừng
sững. Tối tối, tôi hay ngồi lắng nghe tiếng đàn dương cầm, ghi ta, tiếng hát từ
phía bên kia tường vọng sang. Bác tôi ở nguyên một toà biệt thự, rộng lắm, nên
bà liền tận dụng một góc sân làm chuồng nuôi lợn. Một chiều, sau khi xong công
việc tôi trở về, cả nhà chưa có ai về. Vừa mở cổng tôi nghe 9 con lợn, mỗi con
hơn 1 tạ đang bị đói, thấy có người về liền đồng thanh réo lên thảm thiết, đinh
tai nhức óc. Phía bên kia tường đang vọng sang tiếng dương cầm và bài hát “ Hà
Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Tối hôm đó tôi khuyên bác
tôi nên bán đàn lợn đi với lý do vì bác tuổi cao sức yếu, nuôi lợn lại vất vả,
lời lãi không được bao nhiêu. Bác tôi cũng nghe ra và gọi “ba toa” đến bán đàn
lợn và không nuôi lợn nữa…
Có thể nói, ngay từ lần đầu tiên nghe, tôi đã yêu thích nhạc Trịnh. Rồi theo
năm tháng, tôi cứ lặng lẽ nghe, hát, đàn những ca khúc ấy lúc vui vầy cùng bạn
bè, lúc một mình, lúc vui, lúc buồn… cứ thế mỗi lần đều có những cảm nhận thật
khác nhau. Có lẽ bởi nhạc sỹ đã nói lên được những cung bậc tình yêu, những
thân phận, những sương khói, nắng mưa đời người trong cõi tạm, mang đậm chất
Thiền…gửi gắm tình yêu, ru tình say đắm với một thông điệp “Sống tủ tế với
nhau, yêu thương nhau thì không một mãnh lực nào làm ta gục ngã”. Qua đó, ai cũng
tìm được một điều gì đó cho riêng mình. Vì vậy, người ta cứ nhớ, cứ hát, cứ
phiêu du trong mênh mang, mênh mang - giai điệu Trịnh và tôi cũng không phải
ngoại lệ.
Đã có nhiều nghiên cứu, nhận xét, đánh giá về nhạc Trịnh của nhiều học giả
trong, ngoài nước. Mỗi công trình nghiên cứu, mỗi bài viết, mỗi tác phẩm đều có
một cách tiếp cận khác nhau tạo nên bức tranh đa chiều, đa sắc màu về chân dung
và tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Riêng tôi, tôi đã cảm nhận thấy và yêu quý chất
mong manh của nhạc Trịnh ( không biết gọi tên thế có chính xác không nữa):
mong manh khói sương thời gian, mong manh kiếp người, mong manh tình yêu…
“Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay…”
(Như một lời chia tay- TCS)
Hình ảnh phụ nữ trong nhạc Trịnh cũng rất mong manh “ gầy guộc nhỏ, như cánh vạc
về chốn xa xăm”; “vai em gầy đường xa áo bay…tay em dài gầy thêm nắng mai”; “dài tay em mấy khoé mắt xanh xao”- những thứ mong manh đẹp đẽ, thanh khiết chẳng
phải rất quý giá đó cần được nâng niu, giữ gìn, bảo vệ hay sao!
Cuộc đời người cũng mong manh phù du, là Cõi tạm, là ở trọ:
Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…
(Phôi pha)
Hay cuộc đời cũng mong manh như cát bụi:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài…
Hiện diện ám ảnh trong nhạc Trịnh là cái chết. Cái chết luôn ám ảnh nhạc sỹ.
Suy cho cùng bởi ông quá yêu cuộc sống nên luôn luôn sợ mất nó- mất đi điều đẹp
đẽ, quý giá nhất trong cuộc đời mà ông đã tìm thấy, là Tình yêu:
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày…”
(Cát bụi)
Hay:
“Sống từng ngày
Chết từng ngày
Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây…”
(Buồn từng phút giây)
“ Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non…”
(Giọt lệ thiên thu)
Thế nhưng trong ca khúc “Một cõi đi về”, ông lại coi cái chết như là giải
thoát, mới là vĩnh hằng, là một cuộc chia tay với Cõi tạm:
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”
(Một cõi đi về)
Mỗi khi tâm trạng, ôm ghi-ta hát lên bài hát này tôi luôn cảm nhận được Cõi đi
về của mình, có lẽ cũng không khác của Trịnh: Cuộc đời đến đây rồi đi về hư
không là chuyện bình thường, là quy luật của tạo hoá, cuộc sống là khoảnh khắc,
cái chết là vĩnh cửu. Thân phận con người thật là chóng vánh, ngắn ngủi, công
danh, phú quý chỉ là phù du mà thôi…ngộ được những điều ấy ta sẽ thanh thản trước
cái chết, để vui vẻ nơi Quán trọ- Đời người này:
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
…Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”
(Ở trọ)
Trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, người ta có thể dễ dàng nhận thấy nỗi ám
ảnh về sự tàn phai, sự ra đi của thời gian mà con người không cách nào níu kéo
lại được, như lá vàng phai, thu phai, ôm lòng phai tàn, mộng nhạt phai, lá
vàng úa…Đối với con người, thời gian thường trôi qua quá nhanh, những điều tốt
đẹp mà người ta cố gìn giữ níu kéo thì cứ thế mà phai úa, héo tàn…nên nhạc sỹ
muốn dùng “bàn tay chắn gió mưa sang…”- Bàn tay không thể che được mặt trời,
không thể chắn gió mưa, không thể níu kéo được sự tàn phai và cái chết. Kiếp sống
là hữu hạn, là quy luật của tạo hoá. Cát bụi lại trở về cát bụi mà thôi…
Tình yêu trong nhạc Trịnh cũng mong manh lắm, bởi là tình yêu không trọn vẹn.
Trong đời người ai chẳng từng đã yêu và được yêu, chẳng từng có những mối tình
tan vỡ, chia ly… âu đó cũng là lẽ thường. Vì thế nên khi gặp những ca từ tình
nhớ, tình phụ, tình sầu, tình xa, tình xót xa…ta có thể bắt gặp thân phận của
mình…Người mà ta yêu dấu rồi một ngày cũng rồi cũng sẽ bay đi, bay vào miền hư
vô miên viễn, không yêu, không ghét…Em hay ta rồi cũng phải rời bỏ cuộc đời trần
gian hữu hạn, chật chội này thôi. Cuộc đời người so với thiên thu chỉ là một
cơn gió phù du hư vô:
“Ôi phù du,
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…”
(Phôi pha)
Đó chẳng phải tính chất vô thường mong manh của đời sống con người trong Cõi tạm
này hay sao! Và tình yêu cũng bị giới hạn trong không gian ấy mà thôi. Chính vì
sự mong manh đó mà nhạc sỹ yêu cuộc sống, yêu con người hơn tất thảy và từ tình
yêu đó tạo ra được những Đoá Hoa Vô Thường, những đóa Quỳnh hương thơm ngát,
mãi còn lại với đời, với người.
Chúng ta thật may mắn khi được hưởng những hương thơm thanh khiết ấy.
Sắp đến kỷ niệm 10 năm Anh trở về Cát bụi Thiên thu vĩnh hằng (1/4/2001- 2011),
tôi viết những dòng này như một nén nhang thơm gửi tới Anh đang phiêu diêu ở
cõi xa xăm nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét