Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Chiều xanh Pêtecbua nhớ Ônga Bécgôn

Chiều xanh Pêtecbua nhớ Ônga Bécgôn
Chuyến bay Matxcova Xanh Pêtecbua vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Punkôvô, tôi ngước nhìn lên bầu trời đen kịt và bàng hoàng reo lên: Tuyết, tuyết rơi. Mọi người hỏi dồn, tuyết đâu và đều bật lên sung sướng. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được thấy tuyết. Những bông tuyết chỉ to hơn hạt bụi và thưa thớt, sau cứ to dần, to dần và bay đầy trời.
Trên đường về khách sạn, tuyết rơi dày đặc. Ai ai cũng háo hức.
Xanh Pêtecbua là đây, cố đô của một đất nước vĩ đại. Đất nước đã sản sinh ra những thiên tài bậc nhất của thế giới trên nhiều lĩnh vực. Nơi có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà khi đọc lên, mặc dù ở một đất nước xa xôi, người Việt Nam chúng ta ai ai cũng đều thấy gần gũi và thân tình.
Chúng tôi thuộc lứa sinh viên đầu tiên khi đất nước thống nhất trở về học dưới mái trường Tổng hợp Hà Nội. Năm tháng ác liệt, năm tháng đau thương đã để lại đằng sau. Phía trước là cả một thế giới mộng mơ. Chính trong những ngày tháng ấy, chúng tôi đã học dòng văn học Nga-Xô-Viết lay động lòng người. Những nhà văn nổi tiếng như L.Tolstoi, A.Tchekhov, M.Sholokhov những nhà thơ Puskin, Lermontov… lần lượt hiện ra trên từng trang sách.
Đối với chúng tôi thế hệ vừa đi qua chiến tranh, càng thấy qúi giá những tiết học như vậy. Có lẽ văn học Nga đã khai mở, dẫn dắt chúng tôi. Những câu thơ của Puskin, Lermontov… đã làm giàu thêm cho tâm hồn của những người lính vốn chỉ biết phía trước là những trận đánh. Cơm thì thiếu nhưng tiếng súng tiếng bom và những quầng pháo sáng chói chang thì luôn thừa thãi. Chúng tôi ngấu nghiến đọc thơ tình Nga như sợ lại bị cấm như một vài tác phẩm thơ tình trong nước phải đọc dúi dụi dưới ánh đèn dầu. Có bài thơ với màu tím yêu thương, màu tím ly biệt cứ theo mãi bước chân những người lính chúng tôi trên đường ra trận.
Một góc Xanh Pêtecbua. Ảnh: Đăng Tấn
Ônga Becgôn không phải là nhà thơ quá lớn nhưng những vần thơ của bà về tình yêu lại mang một nỗi buồn man mác. Và như vậy phải chăng nó phù hợp với người lính mới trở về, đang dâng trào khát vọng, cháy bỏng yêu thương như chúng tôi.
Tôi yêu bài thơ Không đề của bà khi được một người bạn gái đọc cho nghe ngay từ những năm học đầu tiên. Giọng em, cô gái Hà Nội vừa ngọt ngào đầm ấm lại cộng hưởng với những vần thơ của Ônga Becgôn giàu cảm xúc cứ như hòa quyện vào nhau, đan vào nhau, như thấm sâu vào thế giới nội tâm của người nghe là tôi. Sau này tôi hay trêu và gọi em với biệt danh thân mật em là Ônga. Từ sự lôi cuốn đó, tôi cảm nhận thơ của nữ sỹ dịu dàng mà vẫn đầy chất trí tuệ. Nó như giọt nước mát giữa trưa hè, như làn gió thổi từ biển xa để tâm hồn mỗi chúng ta dịu ngọt. Bà là người phụ nữ yêu hết mình, yêu đến đắm say.
Những địa danh của Xanh Pêtecbua như sông Nêva xinh đẹp, Cung điện Mùa đông, cung điện Mùa hè nổi tiếng là niềm ao ước của thế hệ trẻ chúng tôi ngày ấy và chỉ mong một lần được đến để ngắm nhìn, để được đi trên những nhịp cầu in bóng lên dòng Nêva trong xanh…
Thế mà bây giờ tôi đang bước đi bên bờ của dòng sông ấy, được đứng trên một cây cầu để ngắm nhìn dòng sông trong xanh đang rì rầm chuyển động. Không biết cây cầu này có phải thi sỹ của chúng ta đã thẫn thờ đứng đợi người yêu. Ngoài xa kia, cánh những con chim Hải âu đang chao liệng đùa giỡn cùng sóng nước. Bất chợt trong tôi lại vang lên tiếng người em gái, với biệt danh Ônga đáng yêu ngày xưa.
Một cây cầu bắc trên dòng Nêva. Ảnh: Đăng Tấn
Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ/ Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ/ "Ngôi sao” cháy bùng trên sóng Nêva/ Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà"…
Đó là một ngày mà lớp chúng tôi đi thực tế ở Lạng Sơn. Ngày ấy vào những tháng cuối của năm 1978 khi mà biên giới Việt – Trung đang trở nên rất nóng và chỉ hơn một tháng sau thì bùng cháy. Nhiệm vụ của chúng tôi khá đơn giản, đi đến từng bản làng, đơn vị, ở với dân, sinh hoạt với dân, nói chuyện truyền thống quê hương đất nước cho dân… Trong một đêm trăng trên cây cầu Na Sầm, em đã đọc bài thơ này cho tôi nghe. Ngoài kia là tiếng suối rì rào, không phải là tiếng rì rào của dòng Nêva xanh ngắt. Tiếng em lẫn giữa trăng và mây, mặc dù trời cuối năm rất lạnh nhưng tôi vẫn thấy lòng mình thật ấm.
Sau này trong một lần cuối đi thực tập tại Thái Bình, đi bên tôi, em không đọc bài thơ Không đề mà lại đọc bài Mùa hè rớt với giọng buồn buồn làm tôi lúng túng. Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm/ Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt/ Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết/ Yêu đương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay…! Tôi linh cảm phải chăng có cái gì đó đang xa ngái…
Xanh Pêtecbua những ngày chúng tôi đến khá lạnh. Lang thang bên bờ sông Nêva trong một buổi chiều tuyết trắng, nơi có chiến hạm Rạng đông nổi tiếng. Bất chợt tôi lại nhớ đến cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi thành phố này bị phát xít Đức bao vây, bà ở lại thành phố, làm phóng viên cho Đài phát thanh Lêningrát (tên thành phố Xanh Pêtecbua ngày ấy) và cộng tác với nhiều tờ báo. Thời gian này bà viết những tác phẩm hay nhất, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân và quân đội Xô viết.
Phải chăng con sông và thành phố xinh đẹp đã làm cảm hứng cho bà. Ngoài những tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn có một góc riêng viết về tình yêu của mình. Và phải chăng những Peterholf (Bảo tàng Cung điện Mùa Hè) và Hermintage (Bảo tàng Cung điện Mùa Đông) với những bộ sưu tập hội họa vĩ đại, nhất là về tình yêu và những nét kiến trúc tuyệt vời được tạo nên bởi bàn tay và khối óc của con người Nga vĩ đại đã thành vẻ đẹp cho tác phẩm của bà.
Tôi cứ như con trẻ muốn giơ tay ra để bắt lấy những bông tuyết đang bay là là trước mặt, đang bám trên đầu mình. Cái cảm giác ấy thật thanh bình. Xanh Pêtecbua là thành phố đẹp nếu không muốn nói là đẹp nhất thế giới (được xếp vào một trong hơn mười thành phố đẹp nhất thế giới). Và trong vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu đó, tôi lại nhẩm đọc thơ Ônga Bécgôn. Tôi bỗng hiểu sao nữ sỹ của thành phố này lại có thể viết nên những vần thơ làm mê đắm những kẻ đang yêu của cả thế giới này đến thế.
Bảo tàng Hermintage. Ảnh: Đăng Tấn
Đứng bên bờ Nêva, trong tôi lại nhớ về những tháng ngày êm đềm dưới mái trường Đại học Tổng hợp. Mái trường đã nuôi lớn, dạy dỗ cho bao thế hệ sinh viên. Nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Có người đã trở thành nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, là đồng nghiệp của Ônga.
Xa kia là ngôi trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtecbua. Nó vẫn còn hiển hiện ở cái thành phố có đến 43 trường Đại học. Tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ về Trường Đại học Tổng hợp của tôi. Cái tên giờ chỉ còn trong ký ức những lứa sinh viên ngày ấy.
Nhớ về mái trường, tôi lại nhớ về cái lớp học của tôi, trong đó có cô bạn có biệt danh Ônga với đêm trăng huyền diệu, óng ả như dát vàng. Vẫn đọng lại trong tôi cái giọng đọc những vần thơ của nữ sỹ. Thơ và người cứ hòa quện vào nhau tạo nên âm hưởng bay bổng. Những vần thơ ấy đã làm tôi nhẹ lòng quên đi những hiểm nguy rình rập quanh mình về những năm tháng ác liệt một thời xa vắng chưa xa.
Đứng bên dòng sông huyền diệu này, trong tôi cứ vang mãi bài thơ có những câu nhẹ nhàng và vị tha đến nao lòng: Vẫn sông Nêva chiều tà ánh nước/ Nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh?
Xanh Pêtecbua – Hà Nội
Ngày đầu năm 2010
Nguyễn Đăng Tấn
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...