Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Cuộc trò chuyện của hai tinh cầu

Cuộc trò chuyện của hai tinh cầu
“Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam”, có thật vậy không? Từ chuyên môn văn học so sánh, giáo sư người Mỹ John C. Schafer dẫn dắt người xem tự tìm thấy câu trả lời qua cuốn sách này.
Với Bob là Joan Baez
Năm 1972, trở về sau chuyến thăm Hà Nội, ca sĩ Joan Baez phát biểu trên kênh NBC rằng cô quan tâm đặc biệt đến hiện tượng Trịnh Công Sơn. Theo cô, Trịnh là “Bob Dylan của Việt Nam”, xét về tinh thần phản chiến. Bấy giờ, Bob Dylan là một hiện tượng văn hoá tại Mỹ. Nhưng, theo John C. Schafer, “tác quyền” câu nói đó lại thuộc về ông Trần Văn Dĩnh (nhà văn, nhà giáo, làm việc tại toà đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Washington từ 1961 – 1963). Ngày 8.11.1968, tờ Peace News đã đăng một bài viết về Trịnh Công Sơn của ông Dĩnh có tựa Bob Dylan của Việt Nam.
Tìm những nét tương đồng giữa hai nhạc sĩ này là một việc xem ra dễ dàng. Theo John C. Schafer thì có thể liệt kê: họ là nhà soạn nhạc nhưng cũng được xem là thi sĩ; những ca khúc của họ vừa gần với khán giả, được yêu thích nhưng không phải bao giờ người ta cũng có thể giải thích về chúng; họ đều viết tình ca có sức lay động; họ đều có mối liên hệ tình cảm với các nữ ca sĩ và các nữ ca sĩ này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sự nghiệp của họ (với Trịnh là Khánh Ly, với Bob là Joan Baez); cả hai đều viết rất thành công về khát vọng và niềm đau tuổi trẻ; họ đều giữ được địa vị và danh tiếng dù bối cảnh sống nhiều thăng trầm về chính trị và văn hoá; sáng tác và thái độ nghệ thuật của họ chịu ảnh hưởng bởi truyền thống tôn giáo (Phật giáo với Trịnh Công Sơn, Kitô giáo với Bob Dylan)…
Không khẳng định lại những tương đồng quen thuộc, tác giả tham vọng khám phá những chất liệu căn bản làm nên tính độc sáng, dị biệt của hai tinh cầu kỳ lạ này.
Có hai địa hạt khảo sát chính:

- Xét về tính phản chiến, tuy Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều trải qua những ám ảnh khốc liệt của chiến tranh song không gian trải nghiệm của họ hoàn toàn khác nhau. Tâm thế nhìn cuộc chiến đã ảnh hưởng đặc biệt đến thái độ, tinh thần hành xử chính trị và thời điểm lên tiếng “phản chiến” của hai nghệ sĩ. Chiến tranh trong nhạc Trịnh bị coi “chung chung”, chỉ là sự điêu tàn trên quê hương, là nỗi đau của “nội chiến”, nô lệ, đô hộ và mong muốn hoá giải thực tế thịt nát xương tan bằng lòng vị tha, kêu gọi chấm dứt hận thù. Trong khi đó, chất phản chiến của Bob Dylan là sự bùng nổ gay gắt của sự nổi giận, căm thù rất cụ thể: căm thù công nghệ làm nên chiến tranh, các mưu đồ, chính sách huỷ diệt, tiếng nói phản kháng những thế lực gây ra chiến tranh…
Với Trịnh là Khánh Ly
- Những tình ca buồn của Trịnh Công Sơn luôn đầy sự chia ly, nhưng cái tôi trữ tình luôn chấp nhận sự mất mát, anh ta buông ra những “lời thì thầm của cái chết, sự tàn phai” để độ lượng với tình yêu, người yêu và chính mình; trong khi đó, những bài hát về sự đổ vỡ tình yêu của Bob Dylan thường có màu sắc “phản tình ca”, thậm chí, như bài Just like a woman của Bob từng bị chỉ trích là hằn học, phỉ báng phụ nữ. Dù ngoài đời, Bob Dylan là người đàn ông “bội thu” về tình ái, lại luôn là kẻ chủ động phản bội, ngược lại, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ bị coi “thất bát”, chẳng đâu vào đâu trong chuyện trai gái (từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ). Theo cách nghĩ thông thường, thì Trịnh phải là người viết nhạc đay nghiến phụ nữ hơn là Bob!
Nhưng điều gì làm nên cái tạm gọi là thái độ, tinh thần khác biệt đó? John C. Schafer lần lượt phân tích sự khác biệt ở truyền thống, nhân cách và persona (mặt nạ, cái tôi trữ tình), sau đó, khảo sát hai cách chọn lựa đời sống tâm linh đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan trong sáng tạo của họ.

Bằng phương pháp văn hoá – ngữ học trong nghiên cứu đối chiếu tôn giáo, tác giả cho thấy sự ảnh hưởng tôn giáo lên nhãn quan nghệ thuật của hai nhạc sĩ: Bob Dylan giận dữ trước sự phản bội, bất công, sự không hoàn thiện của đời sống có nguyên nhân sâu xa từ những ảnh hưởng của tinh thần ồn ào trong phê phán, phản kháng và kêu gọi đổi mới đã ăn sâu trong giấc mơ 200 năm của xã hội Mỹ đầy hỗn loạn và đổi thay; trong khi đó, Trịnh Công Sơn lại ân cần, nhỏ nhẹ, có cái nhìn hướng tới sự hài hoà độ lượng của người thấu đạt triết lý tánh không, pháp môn bất nhị trong tư tưởng Phật giáo. Bob phát ngôn cho đạo Kitô, còn Trịnh lại sống âm thầm trong tinh thần Phật giáo.
Cuộc kiếm tìm ý nghĩa đời sống và sự cứu rỗi qua tôn giáo ở hai nhạc sĩ này đã tạo nên hai hành trình, tinh thần nghệ thuật rất khác biệt, và làm nên một cuộc đối thoại Đông Tây đầy thú vị. Chỉ tiếc, những đối chiếu đó chỉ được khảo sát phần lớn ở tính văn chương trong ca từ mà chưa chạm đến sự âm hưởng, tiết tấu, sự vận động trong nhạc pháp.
Tuy nhiên, đây vẫn là một cuốn sách có phương pháp và gợi mở, rất đáng để người yêu nhạc Trịnh (và Bob Dylan) sưu tập và nghiền ngẫm trong bối cảnh sách về Trịnh Công Sơn đang nhiều nhưng ít tính khám phá, hầu hết rơi vào những cuộc tụng ca đầy cảm tính.
(Đọc Trịnh Công Sơn Bob Dylan như trăng và nguyệt?, tác giả John C. Schafer, Cao Thị Như Quỳnh dịch, Cao Huy Thuần giới thiệu, NXB Trẻ, 2012)
JOHN C. SCHAFER dạy ngôn ngữ học áp dụng và văn chương đối chiếu tại đại học Humboldt State, bang California, Mỹ. Ông từng viết nhiều bài về văn chương Việt Nam. Đề tài Trịnh Công Sơn được ông theo đuổi từ lâu.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: sgtt.com.vn
Theo http://216.119.90.158/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...