Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Mùa xuân với Trịnh Công Sơn

Mùa xuân với Trịnh Công Sơn
Ru em từng ngón xuân nồng là một khúc ru đẹp, đơn giản như khúc ru của mẹ; ở đây là ru em, nhạc sĩ ru em ngủ vì giấc ngủ hồn nhiên ấy nuôi cả một đời người còn đang ngụp lặn với biết bao vọng động cuồng si.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất ngày 01/04/2001. Dù không hò hẹn, hằng năm vào độ đầu tháng tư trong thành phố này và trên hầu khắp đất nước, các phòng trà, các quán cà phê nhạc, trên truyền hình hay các tụ điểm “hát với nhau” mọi người đang nghe, đang hát, hay cùng hát cho nhau nghe những ca khúc bất hủ của anh. Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi. Có lẽ thế, và hơn nữa vì trong nhạc của anh ai ai cũng bắt gặp trong đó những bóng dáng của đời mình.
Những bài hát về mùa xuân
Xuân về tết đến, những người nghe nhạc TCS như bỗng thấy thiếu một điều gì đó gắn liền nhạc sĩ này với mùa xuân, với tết. Lục lại những ca khúc anh viết về mùa xuân thật ít ỏi, những sáng tác trước 1975 viết riêng về không khí rộn ràng mùa xuân lại càng hiếm, thậm chí đôi bài nói về mùa xuân với nỗi u buồn và xót xa, khi đất nước bị chia cắt, khi bom đạn đang cày xé trên quê hương hình chữ S này.
Chúng ta hãy nghe một đoạn trong bài Xuân nguyện với tiếng hát của Khánh Ly, bài hát với nhịp điệu nhanh theo kiểu hành khúc, kêu gọi mọi người cùng nhau đem hoà bình cho đất nước, đem cơm áo cho dân nghèo, cho dù con đường nào để đến đích, đấu tranh dưới ngọn cờ nào, tác giả còn mơ hồ:
Xin cho lá mùa xuân xanh trên rừng hoạn nạn
Xin cho những bàn chân hãy nối trên tật nguyền
Xin cho mặt đường lặng lẽ đêm đêm
Xin cho bầu trời rộn tiếng chim muông
Và còn bao cánh đồng đang chờ lúa mới lên thơm 

Trên quên hương còn lại, ta đi qua nửa đời chưa thấy được ngày vui
1. Với hoàn cảnh như vậy, một nhạc sĩ dấn thân với nỗi đau trần thế như anh không thể có tâm trạng “Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui” 
2. Mùa xuân đã thay lá ở đất trời ngoài kia nhưng ở đây lòng vẫn nghe ơ hờ:
Dù mùa Xuân đã đến đây
Sao lòng vẫn ơ hờ
Nhìn ngoài sân thay lá cây
Biết rằng đã sang mùa
Một bàn chân bước thêm
Rời dĩ vãng chưa rời máu xương

[Xanh lòng phai tàn]
Chúng ta hãy nghe thêm một bài có vẻ đượm chất xuân hơn, vì ở đây có tình yêu chắp cánh, có núi đồi bình yên, có đàn chim chiều chiều rung cánh bay trên hồ biếc:
Mùa xuân yêu em đồi núi thênh thang
Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng
Ngày ta yêu em màu lá thanh xuân
Chờ đến thu sang rồi hãy tàn
Đàn chim bên sông chiều chiều rung cánh
Người ngồi trên bến nhớ mênh mông

Nhưng có lẽ cái nỗi đau triền miên cũng không khỏi ám ảnh tác giả khi viết bài này:
Mặt đất âm u ngày tháng hoang vu
Chợt thấy em qua rợp bóng cờ
Nhìn ra quanh đây đồi núi reo ca
Chờ nắng lên thưa rồi hãy về
Bàn chân đi xa người về bỗng nhớ
Từng đêm nghe gió ru ơ hờ ...

[Người về bỗng nhớ]
Nghe kỹ, tác giả còn cất giấu một điều giấu kín trong tim mà chúng ta còn chưa giải mã được. Khi người yêu về thì đồi núi reo ca, nắng lên thưa, nhưng khi bàn chân đi xa rồi thì từng đêm nghe gió ru ơ hờ.
Một bài ca đẹp, giai điệu khoan thai rung lên những cung bậc tình yêu; lại được sáng tác lúc anh đang còn sung sức nên dù mang trong mình nỗi sầu nhân thế, vẫn rộn tiếng ca vang về tình yêu về cuộc đời. Nét nhạc mềm mại bay bỗng hơn những bài tình ca viết sau 1975. Về lời thì như hai khổ thơ đẹp, lời một, chỉ cần vài điểm chấm phá nhẹ nhàng cũng đã vẽ nên khung cảnh thơ mộng của một vùng trời lãng mạn, bình yên. Lời hai, như ảnh ảo của lời một, chứa đầy tâm trạng, và như bao bài tình ca khác, tình yêu đang cứu chuộc thân phận, cứu chuộc cuộc đời, cứu cả mùa xuân. Một bài tình ca viết về mùa xuân và tình yêu sao nghe buồn quá !
Chúng ta hãy nghe một số bài về mùa xuân sau 1975. Bài Sài gòn mùa xuân viết năm 1982, có thể do hoàn cảnh giai đoạn đất nước đang chuyển mình (từ 1976 đến 1984), cái tôi phải được dấu đi, hơn nữa cái tôi phải biến thành cái ta chung; cái buồn cũng phải là buồn tích cực không phải là cái buồn bi luỵ, nhưng làm sao phân tích hết buồn nào là bi luỵ, buồn nào là tích cực một cách rốt ráo. Có lẽ thế nên giai đoạn này nhạc của Trịnh Công Sơn không còn những hình ảnh như : mặt đất âm u, ngày tháng hoang vu; đời người mãi âm u; đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa hoặc nhẹ hơn, em nghe sầu lên trong nắng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng. Hoặc những hình ảnh, những ý tưởng đẹp bất ngờ, mà người đời còn nhắc mãi, cho dù họ không thuộc hết bài hát như :đường phượng bay mù không lối vào, nước dâng lên hồn muôn trùng, vòng tay đã xanh xao nhiều, chiều đã đi vào vườn mắt em, ngồi khóc tình đã nghìn thu, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…đẹp hơn nữa, lá hát từ bàn tay thơm tho, tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh… 
Trong tay tôi đang cầm cuốn Những tình khúc Trịnh Công Sơn do tác giả tự ấn hành trước 1975, gồm 13 bài tình khúc, bất cứ bài nào cũng nhặt nhiều hình ảnh đẹp đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ.
Trở lại bài Sài gòn mùa xuân:
Sài gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay,
Có mùa thu nào đang ở lại,
Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối,
Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời.

Trước đó trong bài Rồi như đá ngây ngô, đôi khi tác giả thấy trên lá cây một dòng suối; ở đây đẹp hơn, những chiếc lá vàng tơi tả trên đường phố, thứ mà phải quét đi để khỏi làm nghẽn ống nước, nhưng bằng con mắt của người nghệ sĩ, những chiếc lá vàng kia đang kết thành bông hoa dâng tặng cho đời.
Đặc biệt hai chùm nốt đang ở lại và lộng lẫy đời, rất độc đáo, rất Trịnh Công Sơn, rất gần với âm điệu ngọt ngào, âm vực thấp của giọng Huế. Vẫn hay, vẫn độc đáo, nhưng với tôi lại ít cuốn hút, mặc dù bài này là một trong ít bài tác giả viết về mùa xuân.
Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa
Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én
Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình
Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa
Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần

[Hoa xuân ca]
Gần đây hơn, bài Hoa xuân ca (1986), một bài hát viết trên lưng của một người bạn khi bạn chở anh trên đường về nhà, ngôn ngữ trong sáng, ý tứ đầy tính chiêm nghiệm; nghe kĩ lại thì hình như Trịnh Công Sơn đang ngắm tình yêu chứ không phải yêu như người trong cuộc, như cái thuở nhỡ mai trong cơn đau vùi. Thời kì này đã có nhiều cởi trói trong văn hoá văn nghệ, nhưng ở tuổi 47 tình yêu không còn bay bổng, không còn ngồi hát mây bay ngang trời hay mơ dấu chân chim qua trời. Có lẽ tình yêu đến với anh lúc này để tìm một cõi bình yên, để từ đó chàng nhạc sĩ thấy xa gần cũng vô thường như nắng mưa, để hoá giải tâm trạng chứ không phải để yêu. Với tuổi trẻ thì hơi khác, yêu và đang yêu vẫn là tuyệt vời nhất.
Trong một dịp xem tranh của Anh với Đinh Cường và Tôn Thất Văn tại nhà riêng, tôi có dịp hỏi điều này, anh trả lời nhẹ nhàng, đại ý như sau : Nhiều người cũng đặt câu hỏi như em, hiện tại tôi muốn viết những điều lạc quan mang đến cho cuộc sống những nét tươi vui trong đời thường. Đọc những bài phỏng vấn anh giai đoạn này tôi cũng thấy như vậy.
Giai đoạn cuối đời của anh nét nhạc có khác hơn. Lúc đó ám ảnh của cái chết, của một lời chia tay, tiến thoái lưỡng nan một cõi đi về nên trong âm nhạc của anh mang đầy tính triết lí về thân phận và hoá giải tâm trạng, giai đoạn này nhạc buồn hơn vì vậy cũng gần với đời hơn.
Tình yêu là mùa xuân của đất trời
Tôi muốn bàn đôi chút về những bản tình ca của anh, những bản tình ca đã đi nhẹ vào đời của mỗi người, những bài hát dù buồn, dù có tuyệt vọng nhưng khi hát lên con người cao sang hơn, sống với nhau tốt đẹp hơn; những bài hát mở ra cho tôi những chiều kích không gian mới trong cõi vô thường đầy mông lung biến ảo.
Ngay thời còn trẻ, khi tuổi xuân thì còn cầm trong tay, TCS đã cảm nhận được cái phi lí của cuộc đời như kiếp dã tràng xe cát. Bốn mùa trong năm thật đẹp, thật diệu kỳ, mùa nào cũng có buồn, có vui, nhưng đời có ý nghĩa hơn khi có bước chân của em, em làm ấm khoảng trời cô đơn lạnh giá từ thuở hồng hoang.
Mùa hạ, khi em gọi thì từng cơn mưa thì thầm dưới chân ngà. Rồi mùa thu dù hàng cây khô cành có bơ vơ nhưng chỉ cần được cái ân huệ đưa em về thôi thì giọt nắng cũng nhấp nhô. Không biết giọt nắng có nhấp nhô không, nhưng Trịnh đã nhấp nhô rồi. Mùa Đông có nhạt nhoà, có lạnh từng ngón sương mù cũng tô điểm thêm cho cuộc đời ngắn ngủi đáng yêu bởi nó là cột mốc cho mùa xuân sắp nở nụ xuân xanh, cành thênh thang. Có thể nói rằng mùa xuân chỉ là ước lệ, bất cứ mùa nào có tình yêu dâng tràn trong lòng người nghệ sĩ cũng được coi là mùa xuân diệu vợi.
Nhưng rồi mùa xuân cũng không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ chỉ còn khói mây, không có mùa nào ở lại; để lại trái tim chàng nhạc sĩ mang tin buồn, cái buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. Đặc biệt chú ý ở đây tác giả nói lên lòng mình bằng ngôi thứ hai, em. Sao vậy, em là em, tôi là tôi, hai chủ thể khác nhau cơ mà. Đó là cái độc đáo của Trịnh, bạn cứ nghe đi rồi sẽ nhận ra, “em là tôi, và tôi cũng là em”. Bài hát. Gọi tên bốn mùa là tiếng kêu tuyệt vọng, là tiếng hót của loài chim gởi vào giữa hư không rằng hãy yêu nhau và yêu cuộc này.
Trong ca khúc của TCS, mang lại mùa xuân không phải nắng vàng, chẳng phải gió, chẳng phải mai vàng hay bánh chưng xanh. Mặc dù đôi khi một vài hình ảnh đócũng tồn tại trong một số bài hát của anh, nhưng đó chỉ là hiện tượng như là hiện tượng của thời tiết mà thôi. Mùa xuân chỉ về trong anh khi tình yêu chắp cánh cho những tháng ngày hiu quạnh, khi tia nắng ấm xua tan đi cái lạnh của nỗi cô đơn, hoặc khi vô tình bắt gặp nụ cười chào nhau giữa con đường. [xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau3]. Hay chỉ đơn giản khi Trịnh ngắm bàn tay em ngủ, bàn tay kết nụ, nuôi cả cuộc đời, khi đó chẳng cần nắng vàng, chẳng cần mai nở… thì mùa xuân cũng đến.
…mưa ru em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người, mùa xuân vừa đến…
[Ru em từng ngón xuân nồng].
Ngày xưa Mãn Giác có câu : “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”, nhờ tu tập thiền sư thấy được mùa xuân trong tâm thức vẫn đến dù vạn vật có đổi thay. Đối với Trịnh cần thêm một thứ trợ giúp đó là bóng dáng của tình yêu, tình yêu hoá giải mọi nỗi đau, tình yêu mang mùa xuân đến cho đất trời. Xét về nhạc đó là một khúc ru đẹp, giai điệu đơn giản như khúc ru của mẹ; ở đây là ru em, nhạc sĩ ru em ngủ vì giấc ngủ hồn nhiên ấy nuôi cả một đời người còn đang ngụp lặn với biết bao vọng động cuồng si. Về lời chỉ cần các câu đã đề cập ở trên đã cho thấy đó là một bài thơ kiểu Haiku Việt, ngắn gọn mà tràn đầy.
Mùa thu mưa bay, khi em bước âm thầm qua công viên, không cần đi theo không cần nhìn trời đất cũng biết ngoài kia gió mây đang về ngàn, cỏ cây lên màu nắng. Phải chăng mùa thu chỉ là cái cớ để Trịnh nói lên niềm ấp ủ trong lòng mình, đó cũng là mùa xuân ngập tràn trong lòng nhạc sĩ, cũng như trong mỗi chúng ta.
Với một nhạc sĩ mà nắng có khi lại buồn hơn mưa, có thể đón gió heo may trên từng góc phố để dệt nên những ước mơ hư ảo của tình yêu, phố đang ngập lụt có thể xem như phố là dòng sông uốn quanh, thì mùa xuân có thể đến trong mùa đông nhạt nhoà, với mùa hạ khói mây hay mùa thu tàn tạ.
Những bài hát này TCS viết khi rất còn trẻ, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy…Ôi, nhờ những viễn tưởng phù phiếm non dại ấy đã đánh động biết bao thế hệ, tốn biết bao bút mực, dù người đời cũng như anh biết rằng điều ấy chỉ là hư ảo. Độc giả chỉ tiếc rằng cái tuổi trẻ xanh mướt ấy không kéo dài thêm một thời gian nữa.
Mùa xuân, tết đến, bạn muốn vui tươi mang chút nỗi buồn vô thường hãy cùng tôi nghe Nắng thuỷ tinh, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng, Diễm xưa, Ru em từng ngón xuân nồng, Tôi ru em ngủ, Như cánh vạc bay, ... Dù trời có mưa bay bay, trời có lạnh giá hay đang nóng bức bạn cũng thấy nắng nhẹ đang trải dài trên phố, hàng cây xanh biếc đang nở nụ cười như bàn tay ai đang vẫy gọi.
Với nhạc Trịnh Công Sơn, những bài hát về mùa xuân không riêng cho mùa xuân, những bài tình ca không nhắc đến mùa xuân cũng tràn đầy hơi ấm mùa xuân.
1 Những con mắt trần gian
2 Xuân ca - Phạm Duy
3 Thơ Bùi Giáng.
Nguyễn Đặng Trí
Nguồn: diendan.org
Theo http://216.119.90.158/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...