Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Hành trình của Ngô Kha: từ thơ văn đến nhân văn

Hành trình của Ngô Kha: từ thơ văn đến nhân văn
Không chỉ dừng lại ở sự tri ân nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Ngô Kha nhân dịp 40 năm ngày mất của ông mà cuốn sách “Ngô Kha – Hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu” đúng là một hành trình.
Ngô Kha (1935 - 1973) là một nhà thơ, nhà giáo, chiến sĩ cách mạng kiên trung, sinh ra tại làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Sớm nhận thức được nỗi nhục mất nước nên sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên trường ĐHSP Huế, Ngô Kha vừa đi dạy vừa tham gia tích cực các phong trào yêu nước. Năm 1970, ông cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San đã chủ trương phong trào Tự quyết. Năm 1972 ông sáng lập và làm chủ Mặt trận Văn hóa Dân tộc Miền Trung. Ông bị chính quyền chế độ cũ bắt ba lần vào các năm 1966, 1971 và lần cuối cùng bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris. Năm 1983 ông được Nhà nước truy phong liệt sĩ.
Đầu tháng 2, tập sách “Ngô Kha – Hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đã ra mắt bạn đọc và đây được xem là cuốn sách ghi lại đầy đủ nhất, đa chiều nhất về một con người - là biểu tượng của trí thức và văn nghệ sĩ dấn thân của Huế thời kỳ kháng chiến, luôn đấu tranh cho cái đẹp và sự tiến bộ. Gần 470 trang là hành trình về cuộc đời của nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha cho dòng thơ siêu thực hiện đại Việt Nam, cho sự nghiệp giáo dục và cả Phong trào đô thị, của trí thức và sinh viên học sinh miền Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh đó còn là tấm lòng tri ân của rất nhiều bằng hữu như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Phạm Thị Anh Nga,… đã đóng góp các bài nghiên cứu sâu sắc, tỉ mỉ về một con người, một cuộc đời tiêu biểu ở Huế.
Bìa cuốn sách tri ân nhà thơ, nhà giáo, 
liệt sĩ Ngô Kha do NXB Hội Nhà Văn ấn hành.
Nếu như trong thơ, dấu ấn của Ngô Kha, như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy viết “xứng đáng có một vị trí trên hành trình đi tìm cái Khác của Thơ Việt” thì trong dấu ấn cuộc đời, liệt sĩ đã để lại “có cái gì lãng mạn, hào sảng và cũng bi tráng, chứa đựng nhiều ẩn ngữ và dự báo như chính cuộc đời anh” (Tiêu Dao Bảo Cự) cùng thắc mắc đã sẵn câu trả lời “Nếu bây giờ còn sống không biết anh Ngô Kha sẽ như thế nào?... Chắc anh vẫn thế thôi, vẫn bùng nổ theo nhịp đập của trái tim, một trái tim cuồng nhiệt và bi thương - cuồng nhiệt với thế sự và bi thương với nỗi đau của riêng mình” (Thái Ngọc San). Tất cả đều được thể hiện rõ trong cuốn sách trên.
Một trong những tập san có sự đóng góp 
rất nhiều từ các bài viết của liệt sĩ Ngô Kha.
Và giờ đây, sau 40 năm kể từ ngày liệt sĩ ra đi, tấm gương về tài năng, nhân cách và lý tưởng sống của người thanh niên Ngô Kha vẫn trẻ mãi và được thổi bùng lên qua quỹ học bổng mang tên anh. Đây là quỹ học bổng riêng mang tên một người con xứ Huế, nhằm hỗ trợ phần nào cho các em đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và tham gia tốt hoạt động Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn thành phố Huế, giúp các em có thêm động lực để phấn đấu học tập tốt hơn, noi gương lớp thế hệ cha anh đi trước.
Việc triển khai vận động phát hành tập sách “Ngô Kha – Hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu”, theo công văn ngày 07/10/2013 của Thành Đoàn Huế, sẽ góp vào phát triển quỹ học bổng Ngô Kha năm học 2013 – 2014. Từ thơ văn đến nhân văn, đó là một hành trình kết nối trái tim với trái tim của bao thế hệ.
Minh Tâm
Theo http://khamphahue.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một chuyến ngoại du gần mà xa Xa vì hãng lữ hành hẹn lên hẹn xuống đến bốn lần mới đi được. Xa vì những cách bức do hoàn cảnh chính tr...