Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Một thế hệ văn nhân, thi sĩ mới ở Huế

Một thế hệ văn nhân, thi sĩ mới ở Huế
Huế, một chiếc nôi của văn hóa, văn nghệ sĩ. Nơi đây những tên tuổi lớn như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai... làm nức lòng bao thế hệ. Và chưa bao giờ dòng sông nghệ thuật này dừng lại với bao gương mặt trẻ tiếp nối...
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc 
phát giải thưởng cho một cuộc thi văn học
Đó là nhà văn Lê Vũ Trường Giang, hiện công tác tại tạp chí Sông Hương và nhà thơ Phan Tuấn Anh, giảng viên Khoa Ngữ văn đã đạt được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V, giải thưởng cao nhất về lĩnh vực văn học nghệ thuật của Tỉnh Thừa Thiên - Huế được tổ chức 5 năm một lần. Thông thường, rất ít khi các tác giả trẻ tuổi có thể đạt được giải thưởng này vì quy trình lựa chọn trao giải rất khắt khe.
Từ “Ngủ giữa trùng sơn”…
Với tập truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn (NXB Văn học ấn hành vào tháng 12.2012), nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang, sinh năm 1988 đã thực sự chinh phục được Hội đồng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V. Trước đó, Lê Vũ Trường Giang cũng từng đạt giải truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Văn nghệ Quân đội khi vẫn còn là một sinh viên. Đọc thử một đoạn của truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn, mô tả cảnh đưa tang vua Gia Long, ta sẽ thấy được sự thăng hoa trong ngòi bút của Trường Giang:
"Dòng sông giật thót mình sau một loạt đại bác nổ hiệu trên Kỳ Đài, pháo hiệu tiễn đưa đấng quân vương quá cố rời xa chốn thành đô cung tía về an giấc nghìn thu nơi nước non hùng vĩ. Đoàn thuyền rước tang được phát lệnh di chuyển, mặt nước lăn tăn những đợt sóng nhẹ. Thuyền đi ngược dòng về hướng Tây Nam, chậm như những chiếc lá trôi trên dòng Hương mùa hạ.
Võ Phục chỉ huy chiếc thuyền chở linh cữu. Đây là con thuyền thứ năm của đoàn rước. Vị vua con cũng lên thuyền này cùng với những bà phi được vua sủng ái. Ngài và bà mẹ của ngài cùng quỳ gối bên linh cữu, một chút cũng không rời xa. Mấy bà phi cứ gào khóc một hồi. Hết nước mắt thì họ thi nhau sụt sịt. Riêng tân vương không khóc, không nói. Ngài đăm đăm nhìn vô định, chỉ đưa hiệu bằng ánh mắt. Quân lính trên thuyền được ban lệnh chỉ ở một tư thế đứng nghiêm, mọi tư thế sai khác đều bị xử trảm. Ngoại trừ những lính lo việc rải vàng mã và hoa xuống sông, lo đốt trầm, đốt chổi thì tư thế tự do nhưng phải hạn chế đi lại. Võ Phục đứng né bên mũi thuyền, tay nắm thanh bảo kiếm, vô hồn như một pho tượng...".
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường, chủ tịch Hội Nhà văn 
Thừa Thiên Huế, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang 
và nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, 
tổng biên tập tạp chí Sông Hương
Tác giả Bùi Việt Thắng trong bài: “Phát vẽ quang cảnh truyện ngắn 2013”, mục Phê bình Văn nghệ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tờ tạp chí văn nghệ uy tín, cũng nhận xét tập truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn của Lê Vũ Trường Giang là một trong 13 tập truyện ngắn đã gây được “ấn tượng mới” và “rất đáng đọc”.
Đúng là với “hướng đi riêng” của mình, Lê Vũ Trường Giang đã thành công một cách đầy thuyết phục, từ độc giả cho đến các nhà phê bình khó tính. Tập truyện ngắn đặc sắc của Lê Vũ Trường Giang không những đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế trao tặng giải thưởng tập truyện ngắn hay của năm 2013 mà cùng với nhà thơ trẻ Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang cũng nhận được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V với tư cách là các tác giả trẻ tuổi.
Đến “Đoản khúc”…
Với tập thơ Đoản khúc (NXB Văn học, 2013), nhà thơ trẻ Phan Tuấn Anh cũng đã chinh phục được Hội đồng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V. Đọc thử Đoản khúc số 94 ta sẽ thấy được cái tài của nhà thơ trẻ này:
"Thế giới lạnh lùng của anh/ Ngày qua ngày, những người mẹ đi phá thai bởi đứa con sắp ra đời là bé gái/ Chiều qua chiều, đám đông bu đen đỏ cười vui khi vào xem những tai nạn bên vệ đường/ Đêm qua đêm, những người đàn ông cô đơn đang ngủ, làm tình và yêu những con búp bê…".
Đúng như nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã từng nhận định rằng: thơ Phan Tuấn Anh đã rõ một giọng điệu riêng, không “đơn giản, dễ hiểu” mà cũng không “cầu kỳ, rắc rối” như đánh đố người đọc. Gọi là Đoản khúc nhưng đọc thơ Phan Tuấn Anh chúng ta hình dung cả một dòng chảy tuôn ào ạt, tung bọt trắng xóa khi vượt ghềnh thác, nhưng cũng có lúc tạo nên những vũng nước tưởng như bình yên, với chiều sâu khó dò được tới đáy.
Tuy nhiên, ngoài thế mạnh về thơ, Phan Tuấn Anh còn có thế mạnh về mảng phê bình văn học. Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, chuyên luận Truyện tranh, một loại hình văn học của Phan Tuấn Anh đã đoạt Giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2007. Đến năm 2012, công trình nghiên cứu Quá trình giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật, từ góc nhìn mỹ học tính dục của Phan Tuấn Anh cũng đoạt Giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Tâm sự trong buổi lễ trao giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ V, nhà thơ trẻ Phan Tuấn Anh cho biết: “Tôi rất vinh hạnh khi cùng với anh Lê Vũ Trường Giang là hai tác giả dưới 30 tuổi được nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V. Sắp tới, tôi sẽ chuyên tâm mảng phê bình văn học hơn để góp phần đưa hình ảnh các văn nghệ sĩ xứ Huế đến với độc giả cả nước”.
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo và 
công trình “1.000 nhà thơ Huế đương thời” 
Huế mộng và thơ
Nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế là một niềm tự hào của người dân Huế và cũng là lực đẩy để thành phố Huế phấn đấu trở thành thành phố văn hóa trọng điểm của cả nước, là thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế cũng nhận định rằng: “Huế có nhiều nhà văn hơn so với nhiều vùng miền vì đặc thù của vùng đất cố đô. Huế cũng đi trước so với các nơi khác trong vấn đề văn học nghệ thuật từ sau Cách mạng tháng Tám cũng vẫn vì lý do đó”.
Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê cũng đã nhận định: “Chỉ nói riêng về văn học, có lẽ ít có địa phương nào mà các giá trị cần được lưu giữ lại phong phú, đa dạng và có tầm vóc vượt giới hạn lãnh thổ một tỉnh như ở Thừa Thiên - Huế. Ngay thành tựu văn học cách mạng mà chúng ta nói đến nhiều nhất và ở địa phương nào cũng có, thì có mấy nơi có những tên tuổi như Tố Hữu, Hải Triều…”.
Đặc biệt hơn là Huế có cả một di sản văn học có thể nói là đồ sộ của các ông vua và những nhà thơ hoàng tộc, trong đó tiêu biểu là vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh. Và độc đáo hơn nữa, với 3 tập của công trình 1.000 nhà thơ Huế đương thời được ấn hành lần lượt vào các năm 2006, 2008, 2010, nhà biên soạn kỷ lục Việt Nam - nhà báo Huy Vĩnh (Cao Huy Khanh) đã cùng hai nhà thơ Viêm Tịnh và Nguyễn Miên Thảo giới thiệu được hơn 1.000 tác giả thơ xứ Huế, làm người yêu thơ cả nước phải… giật mình. Đó là chưa nói đến những tên tuổi nổi tiếng không phải là người Huế những đã có những tác phẩm để đời được sáng tạo trên chính mảnh đất này. Như truyện Kiều đã được Nguyễn Du viết tại Phú Xuân - Huế trong thời gian 10 năm khi ông đi sứ nhà Thanh về.
Về các ngành nghệ thuật khác, biết bao tên tuổi lớn khác của Huế cũng được cả nước biết đến như Đặng Huy Trứ, người khai sinh nghệ thuật nhiếp ảnh của Việt Nam, hoạ sĩ Lê Văn Miến - người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris danh tiếng…
Nguồn Một Thế Giới
Theo http://khamphahue.com.vn/


1 nhận xét:

  1. Huế thì văn nghệ sĩ nhiều khỏi nói rồi , giọng cũng trầm ấm nữa chứ
    ..............................................................................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    Trả lờiXóa

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...