Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Hồ Văn Hảo - Một tiếng thơ mới nặng chất đời

Hồ Văn Hảo - Một tiếng thơ mới nặng chất đời
1. Một nhà thơ mới giữa “trời Nam”
Trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca (phần đầu cuốn Thi nhân Việt Nam), Hoài Thanh đã đặt tên tuổi Hồ Văn Hảo, một thi sĩ của đất Nam kỳ, vào văn học sử một cách nhẹ nhàng khi nhắc đến ông cùng với nữ sĩ Manh Manh như một sự kiện có tính thời sự theo con đường thăng trầm của trào lưu Thơ Mới. Và ở phần giới thiệu những gương mặt thơ mới tiêu biểu, các tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam đã chọn Đông Hồ, Mộng Tuyết cùng một số nhà thơ trẻ tuổi khác như những đại diện thơ ca của xứ Nam kỳ. Từ đó, việc thẩm định, đánh giá những thi nhân nổi bật của làn sóng thơ mới 1932-1945 không ưu ái gì thêm cho nhà thơ Hồ Văn Hảo - người làm thơ lặng lẽ không hề có bút danh, nghệ danh.
Vậy chúng ta biết gì về nhà thơ đặc biệt này?
Theo Nguyễn Vy Khanh, nhà thơ Hồ Văn Hảo sinh ngày 14 tháng 2 năm 1917 ở làng Tân Qui Đông, Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Năm 1933, khi còn là học sinh trường Trung học Mỹ Tho, ông đã làm nhiều bài thơ hướng ứng bài Tình già của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ Tân Văn. Sau khi đỗ bằng Thành Chung vào năm 1934, ông đạt giải Nhất cuộc thi Thơ bằng Pháp văn do Nha học chánh tổ chức. Năm 1936, ông làm việc tại Đông Dương Ngân hàng. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp và bị bắt giam, quản thúc ở Cam Bốt. Năm 1950, ông xuất bản tập Thơ ý. Từ đó về sau, ông làm nghề kế toán, rồi lui vào vùng quê Chợ Lách sống ẩn dật. Người ta cũng nói đến tập thơ Loạn lạc chưa được xuất bản của ông. Song, tư liệu liên quan đến bản thảo tập thơ này đến nay chúng tôi vẫn chưa sưu tầm được.
Lịch sử thơ mới có nhiều sự kiện học thuật quan trọng, nhưng cũng có những chi tiết rất nhỏ mở ra nhiều kiến giải thú vị. Ví dụ như chi tiết nữ sĩ Manh Manh đã dùng hai bài thơ của Hồ Văn Hảo (Tự tình với trăng và Con nhà thất nghiệp) để ủng hộ Phan Khôi và đăng đàn diễn thuyết bảo vệ thơ mới vào năm 1933 tại nhà Hội Khuyến học Nam kỳ.
Nhận xét về bài Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo (Phụ Nữ Tân Văn số 208 (20-7-1933)), nữ sĩ Manh Manh cho rằng “người ta cho là chẳng phải thơ, chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn nguyệt xế, suối chảy chim ngâm, mà là một cảnh thiết thật, một cảnh khổ có thật trong đời : người thất nghiệp…Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch của một người nghèo khó phải đi ăn trộm 'hụt', chúng hay được la 'ăn trộm' rồi anh chạy trốn, bi kịch ấy không gì lạ đáng để ý chăng?". Ý tưởng sắc sảo này của Nguyễn Thị Manh Manh từ thời điểm nhạy cảm phôi thai phong trào thơ Mới đã làm sáng thêm giá trị của đời thơ Hồ Văn Hảo, người mà về sau, ngoài Đông Hồ, dường như không có ai hiểu và trân trọng. Nếu bài Tình già của Phan Khôi ít nhiều có tính chất châm ngòi cho Thơ Mới buổi đầu thì hai bài thơ tiếp theo của Hồ Văn Hảo (cùng trong năm 1933, cùng đăng trên Phụ nữ Tân văn) là Con nhà thất nghiệp và Tự tình với trăng đã cho thấy một xu hướng cách tân thể loại từ sự phối kết sâu sắc giữa cốt lõi tư tưởng và sự vận động của cách cấu tứ mới. Tư tưởng mới, cấu tứ mới mở ra một con đường sáng tạo mới. Nếu chỉ xét về độ “mới” trong tứ thơ và cái nhìn nghệ thuật về hiện thực thì mối tình già có phần hài hước và phá cách của Phan Khôi đã được tiếp tục một cách mạnh mẽ và sinh động trong bài Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo:
Ngọn đèn leo lét,
Xác xơ một nóc nhà tranh;
Trên chiếu tan tành
Một trẻ thơ nằm im, xanh mét…
Ngoài, trời mưa xào xạc,
Gió tạt
Vào vách thưa
Mấy hạt mưa
Mảnh mùng tơi tan tác…
Lạnh lùng đứa bé
Cựa mình, cất tiếng ho ran,
Người mẹ vội vàng
Vuốt ve rằng: “Nín đi con nhé!
Cha con gần về tới,
Con ôi,
Nín đi nào!"
Dạ như bào,

Miệng cười, hàng lệ xối
Cánh cửa tre từ từ mở…
Một luồng gió lạnh chen vô,
Đèn vụt tắt; tối mò…
- Ai đó?
- Ai? Mình về đây!
Chút nữa đã bị còng;
Mới chen vào, họ la ăn trộm!
Nếu chân không chạy sớm
Mặt vợ con còn thấy chi mong!
Thôi! Bây giờ tiền đâu mua thuốc
Cho con; chết nỗi đi Trời!
Túng quá mới ra nghề nhơ nhuốc
Chắc mai đây nhịn đói lắm, mình ơi!
Hồi làm cu-li,Đến mua, tiệm còn bán chịu;
Nay sở bị đuổi ra, thì
Một đồng điếu
Họ cũng bảo: đi!
Âm thầm, vợ đốt đèn dầu,
Ra chiều buồn bã.
Chồng quên lạnh dạ,
Ngồi thở ra, chắc lưỡi lắc đầu
Ngoài, vẫn mưa xào xạc,
Trong, đứa bé ho ran…
Ngọn đèn tàn,
Hết dầu nên lu lạt...
Có một nỗ lực rất lớn và rất tự nhiên trong sự “làm mới” thơ ca của Hồ Văn Hảo. Tính chất rất tự nhiên đó chứng minh sự nhiệt tình hồn nhiên của thi sĩ họ Hồ với cái mới, tình mới, hồn mới và ngôn từ mới ứng với những hiện thực mới của đời sống và tâm hồn. Bài thơ này chứa đựng yếu tố tự sự trong khung thể loại trữ tình, mang nhiều cảm thức văn xuôi, tính thời sự gân guốc, nhịp điệu có phần được lạ hóa. Bấy nhiêu đó đủ đưa Hồ Văn Hảo vào hàng ngũ các nhà thơ tiên phong của Thơ Mới mà những đánh giá trước nay chưa đủ cho vị thế âm thầm của ông. Trong bài viết Văn học Nam bộ 1932-1945 – một cái nhìn toàn cảnh (thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG - trọng điểm: Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học Nam Bộ 1930-1945, Mã số: B2008-08b-01TĐ,nghiệm thu 2011), tác giả Đoàn Lê Giang, trong khi phân loại các nhóm thơ mới Nam bộ, đã xếp Hồ Văn Hảo vào nhóm Phụ nữ Tân (đối trọng với nhóm Hà Tiên, Huỳnh Văn Nghệ) với lời nhận xét khách quan về đóng góp của nhà thơ này. Có lẽ đây cũng là một trong những nhận xét hiếm hoi khẳng định rõ thêm vị trí phải được nhìn thấy của Hồ Văn Hảo trong tiến trình Thơ Mới.
Nguyễn Vy Khanh trong bài viết Hồ Văn Hảo: nhà “Thơ mới” của Nam kỳ Lục tỉnh có đề cập ba kiểu thơ: nghệ thuật vị nhân sinh-tranh đấu xã hội, lãng mạn, và khí thế cách mạng. Trường hợp Hồ Văn Hảo, có lẽ mọi sự “qui đổi” đều chưa thật chuẩn xác. Ông không phải là nhà thơ đi tận cùng của trường phái nào. Hồ Văn Hảo vừa tiêu biểu vừa cá biệt. Ông tiêu biểu cho tâm thế những người khai phá ở đất Nam kỳ: rất nhạy cảm với cái mới, tich cực và quyết liệt với cái mới, không ưa những sự bày biện màu mè. Ông cũng cá biệt với cảm quan thơ ca có màu sắc đấu tranh xã hội, trong khi mà cảm quan lãng mạn đang tuôn chảy trong tâm hồn của hầu hết những thi nhân “ưa màu xanh nhạt” và thả mình trong sầu mộng; Hồ Văn Hảo nhìn cái mới trong thơ từ cái mới về nhận thức xã hội hơn là sự bung mở về nội tâm. Lịch sử thi nhân Việt Nam thời kỳ vàng đã không có chân dung Hồ Văn Hảo. Điều ấy là đúng hay không đúng? Ông bị lãng quên hay chỉ được đánh giá đến thế? Dấu ấn tinh thần của ông đã không được nhìn thấy như một sự hòa điệu với dòng chảy Thơ Mới khiến chúng ta băn khoăn: rằng con mắt phản biện xã hội một cách rành mạch vậy có gì là không phải so với tâm tình buồn mộng và cái tôi hờn phẫn rất kiểu cách của Thơ Mới? Hoặc tả thực trong thơ Hồ Văn Hảo chưa phải là một biểu hiện cụ thể của cái mớichăng? Ông chưa đủ mới trong hướng đi “phá cách” của mình chăng? Kiểu tả thực của Hồ Văn Hảo chưa gây nên một ấn tượng về cái mới chăng? Và cả những cảm xúc lãng mạn của ông nữa, cái đã giúp ông có những vần thơ say đắm không kém cạnh thi phẩm của những “chiến tướng” thời vàng son Thơ Mới, vẫn chưa đủ độ ám ảnh, lan rộng để có thể trở thành một chân dung Thơ Mới chăng? Hoặc sự “chung đụng” về ý tưởng, cảm hứng, thậm chí giọng điệu, tình điệu thơ của Hồ Văn Hảo với những nhà thơ tiêu biểu cùng thời đã tạo nên một chân dung “nhợt nhạt” của ông bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng Thơ Mới? Rồi nữa, dường như ở Hồ Văn Hảo, những bài thơ có màu “lạ”, có chất đời thì lại …chưa hay, những bài những câu bay bổng, lãng mạn, gợi cảm thì lại…giống người khác quá. Có cái gì đó “nhùng nhằng”, chưa “ráo riết”, chưa thể làm nên một phong cách thơ mớicủa ông chăng?
Những câu hỏi này sẽ gợi mở cho chúng ta một điều gì đó sâu sắc hơn chính hiện tượng Hồ Văn Hảo.
2. Tương giao, hòa âm và những ký thác mới
Có một điều cần phải đắn đo khi xem tập Thơ ý như là sản phẩm của Thơ Mới. Thơ ý ra đời năm 1950, thời điểm mà mọi nỗ lực của Thơ Mới đã kết thúc. Những tác giả sáng tác sau 1945 không thể được xếp vào cái gọi là Thơ Mới nữa. Tuy nhiên, thời điểm xuất bản không đồng nghĩa với thời điểm sáng tác. Đọc lại các ghi chú thời điểm sáng tác các bài thơ của Hồ Văn Hảo trong Thơ ý, chúng ta thấy rõ tập thơ đã được viết trước 1945; nhưng đến 1950 mới có điều kiện ra đời. Vì thế, Thơ ý dường như là một xuất hiện muộn màng nhất của Thơ mới, mặc dù tác giả của nó từng được những người đầu tiên làm dấy lên cuộc tranh luận Thơ mới nhắc đến. 
Thơ Hồ Văn Hảo dường như hội đủ các cung bậc cảm xúc, cảm hứng và thần thái của Thơ mới; tạm gọi là những gặp gỡ, tương đồng, hòa khí đồng thanh với thi sĩ thơ mới ở mọi miền đất nước. Đó là tinh thần mơ mộng, niềm khát khao tuổi trẻ (nhất là ở hình ảnh con người ra đi), cái tôi ủy mị và sầu tình; tất cả những điều này là ảnh hưởng hay hô ứng, thật khó phân biệt. Thơ ông là một thư viện nhỏ nhắn nhưng phong phú của lớp thi nhân trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” lớn lên giữa khí quyển Thơ mới.
Hồ Văn Hảo chia sẻ với Huy Cận rất nhiều ở những ý thơ “sầu vạn cổ” kiểu thế này:
Mây đen kéo phủ ven trời
Không gian nghìn thuở ngân lời thơ câm
(Ý thơ)
Sầu biệt ly như thuyền nặng thả trôi
Không bến đỗ trên tràng giang cô tịch
(Ly biệt)
Và không khác tinh thần thiết tha trần thế với Xuân Diệu là mấy:
Hỡi năm tháng vội vàng chi lắm thế
Qua đường thơm hãy chậm bước đôi nơi
Cho thanh niên thong thả hái hoa đời (…)
Đây nắng ấm, và đây là gió mát
Đây màu tươi, và đây nữa hương say
(Thanh niên)
Bài Đàn voi ngà hình ảnh rất lạ lùng nhưng cách tạo tứ gần với bài Nhớ rừng của Thế Lữ, đặc biệt tương giao ở các câu thơ: “Thả bước nặng êm đềm trong đêm vắng”, “Voi âm thầm thổn thức khóc thời qua”, “Mỗi bước nhung đem lại chốn lưu đày - để dần chết trong một vườn Bách thú – Hay đóng trò cho phường xiếc trời tây”...
Những gặp gỡ quá “bất thường” này của Hồ Văn Hảo với ý, tứ thơ của nhà thơ xuất sắc thời kỳ 1932-1945 cũng đặt ra cho người đọc nhiều suy nghĩ. Ông đã có những pha “tung hứng” rất tri âm với những nhà thơ mới từng được độc giả yêu mến vô cùng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ… Nếu Hồ Văn Hảo là “kẻ đến sau” của trào lưu Thơ Mới thì người đọc có quyền nghĩ rằng ông đã chịu ảnh hưởng một cách lộ liễu những thành tựu sáng tạo của người đi trước. Nhưng ông không phải là “kẻ đến sau”. Ông xuất hiện ngay trong bài diễn thuyết của nữ sĩ Manh Manh, khi mà Thơ Mới còn đang bị “phản pháo” và nằm trong “tầm ngắm” bác bỏ của những người sùng mộ “thơ cũ”. Như vậy, sự chia sẻ về ý, tứ thơ của Hồ Văn Hảo với các nhà thơ kể trên rất có thể là kết quả của sự thấm nhuần “chất mới” trong thơ ở một “đầu óc thơ” như Hồ Văn Hảo. Đặt qua một bên những câu thơ có vẻ như vay mượn, ở một phương diện nào đó, ta có thể nhận ra những cái mới của Hồ Văn Hảo qua các sáng tác còn khiêm tốn của ông: tiên cảm về tính chân thực và sự dấn thân của thơ ca hiện đại, sự chủ động của cái tôi và sự dứt khoát với quá khứ ngâm ngợi từ chương. Riêng ở bài Con nhà thất nghiệp, tuy lời lẽ chưa phải là một áng thơ tuyệt tác nhưng ý tưởng và cách nói mới này rất xứng đáng được xem là một mẫu hình quan trọng của thơ mới, nhất là ở chặng đầu phôi thai. Dường như Thơ Mới trên bước đường “lưu lạc” của nó đã bị xô hẳn về phía lãng mạn, trôi hẳn về một “chân trời của cái tôi” do nhiều lớp thi nhân (có hoặc không có tuyên ngôn) đã “vô tình” làm nên chân dung thuần túy của thơ mới; trong khi ở thời trứng nước, nó đã ngấm ngầm làm một cuộc chuyển hóa “mây gió trăng hoa tuyết núi sông” thành một loại thơ dành cho nhân quần, thơ hướng xuống một địa ngục nhân sinh với những nỗi thương cảm chân thành. Phải chăng, cái “thực” của thơ mới ở những chặng đầu tiên đã từng là cái thực của đời chứ không phải chỉ có thế giới của tình – mộng- buồn như chúng ta hằng suy nghĩ về bản chất thơ mới? Có lẽ chính bản thân Hồ Văn Hảo cũng không nghĩ rằng sự “pha tạp”, “phá cách” trong thơ ông phần nào cũng đã ghi dấu sự trưởng thành phong phú của Thơ Mới – một trào lưu xuất sắc và nhiều đỉnh cao nhất trong lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam.
3. Giới hạn và hứa hẹn
“Thi sĩ sở trường về ý thơ nho nhỏ, tả những tình những ý xinh xinh, nhẹ nhẹ, và tế nhị là điều cần trong ý thơ nho nhỏ…Những cảnh sông nước hiền lành, quanh năm không gợn sóng,…Ấy, thơ anh làm cho tôi nhớ những ý cảnh như thế…”. Những cảm nhận và phác thảo của nhà thơ Đông Hồ về Hồ Văn Hảo có nhiểu điểm rất xác đáng.
Ý cảnh hiền lành, ý thơ nhỏ nhắn, tình cảm thanh tao, đó là thế giới thơ Hồ Văn Hảo, người mà không hiểu sao định mệnh lại dành cho cái vị thế của những bậc tiên phong Thơ Mới với hồn thơ buổi đầu đã hướng về “hiện thực” lam lũ và đọa đày.
Thơ Hồ Văn Hảo dường như luôn dừng lại ở ý:  tìm ý, say ý, tạo ý, đưa ý. Có lẽ vì thế mà tập thơ đầu tay và duy nhất của ông có nhan đề Thơ ý. Nhưng ý chưa phải là tứ. Tứ trong thơ mới thật là điều hệ trọng, cho dù nhiều lý thuyết thơ ca mới hiện nay đã mở rộng đường biên cho sáng tạo, không còn xem tứ là một hạt nhân tiên quyết nữa. Tứ thơ, suy cho cùng, chính là sự trưởng thành và “giác ngộ” của ý. Tứ bao giờ cũng là khúc quanh, hay cánh cửa, quan trọng nhất cho sự thưởng thức thơ ca. Đọc lại tập Thơ ý, chúng tôi nhận thấy từ dùng và cách tạo tứ của thi sĩ họ Hồ chưa phải là “thơ của nghìn năm” như Đông Hồ tiên sinh đã hào hứng tiên đoán. Nhưng giới hạn đó cũng đủ để mang lại cho người đọc những hứa hẹn khác. Hồ Văn Hảo có chung “bản mệnh” với những người làm văn học ở miền Nam giai đoạn giao thời: thích khai phá, có hứng thú sáng tạo cái mới và làm ra được cái mới, tuy nhiên, vị thế văn học có được của họ không phải từ những tác phẩm đỉnh cao mà từ lối tư duy mới mẻ, hiệu quả, tâm thế cách tân khoáng đạt rất tích cực đối với nền học thuật nước nhà. Và thêm nữa, tác phẩm của họ luôn mời gọi và chứa đựng nhiều kiến giải khác về văn hóa, xã hội rất đặc thù.
Nhưng dẫu thế nào, ít nhất với tập Thơ ý, có lẽ người đọc ngày nay vẫn còn nhiều thổn thức khi đọc thơ của Hồ Văn Hảo, nhất là những bài ý tình hồn hậu thiết tha, có dư chấn như: Bóng người qua, Đàn voi ngà, Có lẽ nào?, Vô tội (II), Vụng về, Giang hồ, Bị đày...
Một người tinh tế như Đông Hồ cũng từng nói về Hồ Văn Hảo rằng: “Có lẽ cả trời Nam kỳ mới có một mình ông có những bài thơ hay như thế”. Nhận xét này hẳn không phải là võ đoán. Hẳn cũng có một sự thật nào đó về thơ, hồn và những gợi mở từ một người làm thơ lặng lẽ: Hồ Văn Hảo.
Nguồn tư liệu chính của bài viết này do PGS. Đoàn Lê Giang cung cấp. Xin trân trọng cảm ơn PGS.
Hà Nội, đầu thu 2012
Lê Thị Thanh Tâm
TS., Khoa Việt Nam học, Trường Đại học 
Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HN
Theo .http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái Hạt Phiên toà thành phố. Trước vành móng ngựa là một chàng trai chừng hai nhăm tuổi, mặt xanh gầy, vô cảm. Chánh án, một người rất...