Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Tiếp nhận Khái Hưng ở miền Nam trước 1975

Tiếp nhận Khái Hưng ở miền Nam trước 1975
Khái Hưng (1896-1947) là một trong những nhà văn trụ cột của Tự lực văn đoàn. Cùng với một vài nhà văn chủ chốt trong Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Thạch Lam, Xuân Diệu, Khái Hưng được tiếp nhận ở miền Nam từ khá sớm.
Trong bài viết này, chúng tôi xin lược thuật và lược bàn về sự tiếp nhận tác phẩm của Khái Hưng. Đối tượng tiếp nhận ở đây là các nhà nghiên cứu, phê bình, các trí thức văn nghệ chứ không phải công chúng độc giả phổ thông mà theo chúng tôi, là bộ phận hết sức quan trọng trong lịch sử tiếp nhận cần được khảo sát riêng trong một công trình độc lập. Ngoài ra, danh từ Miền Nam xin được hiểu là không chỉ bó hẹp vào khoảng giai đoạn 1954-1975 mà rộng ra là phương Nam của tổ quốc (bao gồm cả giai đoạn từ năm 1932 đến 1945 - vốn được định danh là Nam Bộ).
1. Ở chặng đường trước năm 1945, ngay cả khi đã thành danh với số lượng tác phẩm phong phú và khi Khái Hưng còn tại thế, sáng tác của ông đã có tiếng vang ở miền Bắc nhưng chưa có sức lan toả tương ứng ở miền Nam, tổng cộng các bài phê bình về Khái Hưng ở miền Nam cũng rất khiêm tốn. Có thể kể đến các bài viết về vở kịch Đồng bệnh, tiểu thuyết Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa của các bình giả Kiều Thanh Quế (1914-1947), Thiếu Sơn (1907-1977) và Trúc Hà (1909-1944?) trên Tạp chíTri tân ở Hà Nội và báo Sống ở Sài Gòn.
Trên báo Sống, số 1 năm 1935, Thiếu Sơn đã phê bình tiểu thuyết Nửa chừng xuân. Đây là một trong những bài phê bình xuất hiện tương đối sớm về tác phẩm này không chỉ ở miền Nam mà còn cả nước. Thiếu Sơn đã có những so sánh giữa Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân. Theo ông, tình yêu trong Hồn bướm mơ tiên là tình yêu “bình tĩnh, siêu phàm”, là thứ ái tình “ngoài xã hội”. Trái lại, tình yêu trong Nửa chừng xuân là tình yêu đời thường, giữa “nhân quần nên nó có vẻ ba đào thống thiết”. Nhân vật Mai cao thượng chẳng kém gì Lan, nhưng “cô không được tự do, tự chủ như chú tiểu. Cô còn có nhiều thân tình, nhiều nghĩa vụ, thì cô còn phải sống trong xã hội mà chịu những khổ hình của nó”. Giải thích vì sao Mai phải khổ, nhà phê bình trao đổi:
“Nhiều người nói là tại bà Án không cho Lộc lấy Mai. Nhưng ông Khái Hưng lại không nói thế. Ông nói rằng: bản tâm bà Án không ác, nhưng sự giáo hoá mà bà đã được hưởng nó bắt bà phải xử một cách tàn nhẫn với Mai. Chính ông đã để vào miệng Lộc những câu nói sau này: ‘Bao nhiêu sự lầm lỗi của mẹ ta nguyên chỉ ở chỗ quá suy tôn cổ tục, quá thiên trọng tập quán mà ra cả’”. Nhận xét sức hấp dẫn của Nửa chừng xuân, Thiếu Sơn cho rằng không chỉ đơn thuần ở mặt nội dung mà chính là nghệ thuật: “Nửa chừng xuân được thiên hạ hoan nghinh không phải vì cái triết lý cao thâm mà chính vì câu chuyện đậm đà có duyên, nhờ ở tài sáng tạo, nhờ ở cách kết cấu và nhất là nhờ ở cái văn thể vừa sáng sủa, dịu dàng, vừa thần tình linh hoạt”(1).
Tiếp nối, trên báo Sống, số 2 năm 1935, Thiếu Sơn phê bình Gánh hàng hoa - tác phẩm viết chung của Nhất Linh và Khái Hưng. Thiếu Sơn cho rằng tác giả Gánh hàng hoa là những nhà văn lý tưởng:
“Lý tưởng nên các ông miêu tả những cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên, những tính tình trong sạch của nhân loại (…) Bởi thế nên đọc sách của các ông Khái Hưng và Nhất Linh ta mới chỉ biết đời có một nửa, biết cái nửa cao thượng mà không biết cái nửa xấu xa. Nhưng có lẽ các ông lại nghĩ rằng những sự yếu hèn của nhân loại ở đời thiếu gì mà cần phải nói thêm nữa? Còn những đức tính thanh cao, những tình cảm trong sạch mới là những điều nên nói, nên tả để cảm hoá lòng người” (2).
Nhà văn Trúc Hà, một trong “Hà Tiên tứ tuyệt” và là cây bút trụ cột của báo Sống, trong bài viết Cái hay và cái dở của Tự lực văn đoàn - một văn phái mới trong nền văn học nước ta đăng trên báo Sống, số 28 năm 1935 đã có những nhận xét về tiểu thuyết Khái Hưng. Trúc Hà cho rằng, hai quyển tiểu thuyết chính, quan trọng của Tự lực văn đoàn chính là Đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa chừng xuân của Khái Hưng. Theo nhà phê bình, trên phương diện cải cách xã hội, so với báo Nam Phong thì Tự lực văn đoàn không có sự bao quát rộng rãi, sâu xa bằng, nhưng được một điều là nó chuyên nhất. Mặt thành công, gây tiếng vang và có tác động đến xã hội của nhóm này chính là ở phương diện văn chương. Văn chương Tự lực văn đoàn góp phần làm cho người ta ghét những lề lối cũ, lạc hậu. Nhận xét về Nửa chừng xuân của Khái Hưng, nhà phê bình viết:
“…Trận xung đột của gia đình với cá nhơn bày ra thật rõ rệt. Người đọc lúc nào cũng cảm thấy những tư tưởng hẹp hòi, nghiêm khắc thường khi lại độc ác, đê tiện của những hạng người chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xưa và lúc nào cũng yêu đương Mai và Loan, hai cá nhơn hoàn toàn bị bó buộc trong khuôn khổ gia đình cũ. Tự nhiên người ta sẵn lòng bênh vực Mai, Loan, nhơn đó người ta ghét những lễ nghi phiền phức, những thói tục hủ bại của thời trước và đem lòng hâm mộ những tư tưởng khoáng đạt, thanh cao, mĩ lệ rải rác phô bày trong truyện”(3).
Ngoài viết truyện ngắn và tiểu thuyết, Khái Hưng còn viết các vở kịch: Tục luỵ (1937), Cóc tía (1940), Đồng bệnh(1942). Kịch của ông dù không thật đặc sắc như các truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng cũng đã gây được tiếng vang nhất định trong công chúng. Từ miền Nam, Kiều Thanh Quế đã viết bài phê bình Đồng bệnh - kịch của Khái Hưng. Bài viết của Kiều Thanh Quế đăng trên tạp chí Tri Tân ở Hà Nội năm 1942, cũng là năm xuất bản tập kịchĐồng bệnh. Điều đó cho thấy sự cập nhật, bao quát của nhà phê bình và phần nào tính chuyên nghiệp của nền phê bình hiện đại đầu thế kỷ XX. Trong bài viết của mình, Kiều Thanh Quế đã so sánh phong cách kịch của Đoàn Phú Tứ và kịch của Khái Hưng. Bình giả cho rằng, trong khi Đoàn Phú Tứ viết kịch với tâm hồn của một thi sĩ thì Khái Hưng viết kịch với bộ óc của một nhà tiểu thuyết; người đàn bà trong kịch của Đoàn Phú Tứ thường chủ động trong khi người đàn ông đóng vai trò quan trọng ở kịch của Khái Hưng. Nhật xét nội dung Đồng bệnh, nhà phê bình viết:
“Xem Đồng bệnh, hết nghị Vấn rồi đến thông Đán, cùng với nhau ‘đồng bệnh tương lân’ gây nên lắm chuyện buồn cười. Hai ông là sui gia với nhau. Vợ Nghị Vấn không gả con gái cho con trai mình, thì mất cho con trai mình một cái mỏ tốt. Thông Đán giả mắc bệnh suy nhược thần kinh như nghị Vấn. Vì thông Đán nghe mách rằng: ‘cái bệnh ấy, ai mà đã mắc phải thì rất hay thương, hay yêu người mắc cùng bệnh với mình’. Thông Đán đau giả, đập chén, đập bát; nhưng ‘chỉ đập toàn những bát đĩa xoàng thôi’. Chớ cái lô cổ, cái thống cổ, ‘những thứ ấy hàng trăm bạc, ai dại gì mà đập!’. Thông Đán điên mà không dại. ‘Điên khác, dại khác chứ’. Thảo nào thằng Sùng chẳng phê bình ông với con Thục rằng: ‘dễ ông điên khôn đấy mày ạ!’. Độc giả cũng như khán giả đọc đến đây, xem diễn đến đây, sao khỏi chẳng nhếch mép một nụ cười”(4).
Nhận xét, góp ý thẳng thắn, Kiều Thanh Quế đã chỉ ra chỗ mạnh, sở trường của Khái Hưng không phải nơi địa hạt kịch mà chính là tiểu thuyết:
 “Đồng bệnh là một hài kịch không lấy gì đặc sắc lắm (vả, kịch Khái Hưng thì bào giờ cũng chẳng đặc sắc!) nhưng, không đến nỗi bị loại chung vào với các kịch của Vũ Trọng Can! Ngòi bút Khái Hưng dồi dào lắm! Nhưng dồi dào đâu phải đồng nghĩa với đặc sắc?! Khái Hưng viết tiểu thuyết diễm tình, gia đình: thành công không ai chối cãi được. Bắt sang lịch sử tiểu thuyết, tác giả Tiêu sơn tráng sĩ vẫn còn đáng trọng hơn Lan Khai. Nhưng trong phạm vi kịch bản, chúng tôi không làm sao khỏi đặt Khái Hưng dưới Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ!”(5). 
Nhìn chung, ở miền Nam trước 1945, tiếp nhận Khái Hưng chủ yếu là các bài phê bình tác phẩm. Sự tương thông giữa các vùng miền đã cho phép báo chí, văn hoá và học thuật có sự giao lưu, luân chuyển. Các bài phê bình gần như là đồng thời với những sáng tác của nhà văn, cho thấy sự cập nhật của trí thức sống ở miền Nam đối với tác phẩm Khái Hưng. Trong phê bình, các bình giả thường thiên về việc đọc nội dung xã hội và luân lý của tác phẩm mà ít chú ý nhấn mạnh mặt nghệ thuật. Đây cũng là xu hướng phê bình của nhiều cây bút ở miền Nam trước 1945. Những bài phê bình của Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế và Trúc Hà có thể coi là những tiếng nói của những người đương thời bàn về tác phẩm của Khái Hưng. Những ý kiến ấy không bị chi phối bởi ý thức hệ và mang tính chất tươi mới, mở đầu cho diễn trình tiếp nhận tác phẩm Khái Hưng về sau. Là ý kiến của những người đương thời, do vậy ít nhiều có tác động đến sáng tác của Khái Hưng.
2. Theo thời gian, tác phẩm của Khái Hưng càng được giới nghiên cứu phê bình chú ý. Theo tìm hiểu có thể là chưa thật đầy đủ củ mình, chúng tôi thấy ở miền Nam trong khoảng từ 1954 đến 1975 có hơn 30 bài viết, công trình nghiên cứu phê bình dạng bài báo và sách in đề cập đến con người và sáng tác của Khái Hưng(6). Các bài viết này có thể phân thành 2 loại: cụm bài nghiên cứu phê bình về sáng tác và sự nghiệp văn học của Khái Hưng và cụm bài có tính chất hồi tưởng những kỷ niệm của những người cùng thời với nhà văn.
Cụm bài nghiên cứu, phê bình về tác phẩm, sự nghiệp sáng tác của Khái Hưng có các bài viết đáng chú ý bao gồm của Doãn Quốc Sĩ: Vài ý nghĩ về cuốn Trống mái (Luận đàm bộ I, số 1-1960) và Đọc Khái Hưng: Nửa chừng xuân (Luận đàm bộ I, số 5-1961); Dương Nghiễm Mậu: Nhân nghĩ về Khái Hưng (Văn, số 22-1964); Đỗ Minh Vọng: Nhân vị trong “Hồn bướm mơ tiên” (Đại học, số 4+5-1958); Nguyễn Duy Diễn: Mai, một nhân vật khả ái của Khái Hưng (Hiện đại, số 3-1960); Nguyễn Văn Trung: Tình yêu hiến dâng trong Hồn bướm mơ tiên trong Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Nam Sơn xuất bản, 1965); Nguyễn Xuân Thu: Khái Hưng nhà văn sáng giá (Văn học, số 33-1965); Nhiều tác giả: Khái Hưng, thân thế và tác phẩm (Nam Hà xuất bản, Sài Gòn, 1972); Phạm Thế Ngũ:Khái Hưng trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965); Thư Trung: Khái Hưng thân thế và tác phẩm (Văn, số 22-1964);... ngoài ra là những đánh giá về Khái Hưng của các nhà nghiên cứu khi họ viết về Tự lực văn đoàn.
Hầu hết các tác phẩm của Khái Hưng lần lượt được nhà sách Khai Trí phối hợp với nhà xuất bản Đời nay tái bản:Nửa chừng xuân, Lời nguyền, Trống mái, Số đào hoa, Tục luỵ, Cái ve, Hồn bướm mơ tiên, Tiếng suối reo, Thừa tự, Dọc đường gió bụi, Đợi chờ, Đồng bệnh, Những ngày vui, Đẹp, Đội mũ lệch, Thoát ly, Gia đình, Hạnh; những tác phẩm viết chung với Nhất Linh như: Đời mưa gió, Gánh hàng hoa, Anh phải sống. Do vậy, tiếp nhận tác phẩm Khái Hưng ở miền Nam giai đoạn từ 1954 đến 1975 được thuận lợi.
Tác phẩm Khái Hưng cùng với Nhất Linh và Hoàng Đạo được đưa vào chương trình chính khoá trong trường phổ thông ở miền Nam. Theo đó, các sách dạng “luận đề” về tác giả, tác phẩm của Khái Hưng được biên soạn nhằm phục vụ cho việc học và thi của học sinh. Những sách này phần lớn do các nhà giáo biên soạn và có tính chất của những sách giáo khoa. Các tác giả viết sách luận đề về Khái Hưng có thể kể: Doãn Quốc Sĩ: Tự lực văn đoàn(Hồng Hà xuất bản, Sài Gòn, 1961); Chu Đăng Sơn: Luận đề về Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Mười điều tâm niệm (Thăng Long xuất bản, Sài Gòn, 1960); Lê Hữu Mục: Khảo luận về Khái Hưng (Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên) (Trường Thi xuất bản, Sài Gòn 1958); Nguyễn Duy Diễn và Bằng Phong: Luận đề về Khái Hưng (Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1960)… và nhiều sách luận đề về Tự lực văn đoàn của các tác giả Văn Ninh, Xuân Tước, Nguyễn Văn Xung có đề cập đến sự nghiệp sáng tác của Khái Hưng.
Cụm bài về những kỷ niệm, hồi tưởng về Khái Hưng của bạn văn, trí thức cùng thời và người thân có thể kể: Hồ Hữu Tường: Khái Hưng, người thứ nhất muốn làm nguyên soái “văn chương sáng giá” (Văn, số 22-1964) và Gửi mõ làng văn: về Khái Hưng (Văn, số 22-1964); Trần Khánh Triệu: Ba tôi (Khái Hưng) (Văn, số 22-1964); Nguyễn Thạch Kiên: Vài kỷ niệm về Khái Hưng (Văn, số 22-1964); Mai Chi: Khái Hưng trong tù (Văn, số 22-1964); Kim Tưởng: Khái Hưng bị thủ tiêu vì hai câu đối (Phổ thông, số 19-1959)… Những bài hồi ức tập trung trong tạp chíVăn (số 22 ra ngày 15-11-1964) số kỷ niệm nhà văn Khái Hưng. Qua những hồi ức của bạn bè và người thân đã cho thấy Khái Hưng là nhà văn say mê và rất cẩn trọng trong sáng tác, là người sống chân tình với bạn bè và có nền tảng tri thức sâu rộng. Điều này cũng thể hiện phần nào trong sáng tác của ông.
Tiếp cận tác phẩm Khái Hưng từ góc độ thể loại là những bài viết của các tác giả Doãn Quốc Sĩ, Phạm Thế Ngũ, Đỗ Minh Vọng, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Trung… Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân là hai tác phẩm được các nhà nghiên cứu phê bình chú ý nhất.
Bàn về nhân vật và quan niệm con người, cuộc đời trong Hồn bướm mơ tiên, Nguyễn Văn Trung cho rằng mối tình của Lan và Ngọc trong tác phẩm là tình yêu hiến dâng: “Đọc Hồn bướm mơ tiên, người ta thấy một bầu không khí khác hẳn những Đoạn tuyệt, Lạnh lùng… Trong phần lớn những tác phẩm của Tự văn đoàn, người ta đều tìm thấy ít nhiều bầu không khí của Đoạn tuyệt, nghĩa là một sự tự giác, ý thức được quyền lợi cá nhân và bi kịch là sự tranh chấp giữa quyền lợi cá nhân và nếp sống khách quan cổ truyền khắt khe không nhìn nhận những quyền lợi đó (…) thiết tưởng không thể gọi Hồn bướm mơ tiên là một biểu lộ của một quan niệm cá nhân vị kỷ, vì cái tôi ở đây bị phủ nhận, những quyền lợi ‘chính đáng’ (muốn yêu) được cao siêu hoá (sublimés)”(7).
Hồn bướm mơ tiên được Đỗ Minh Vọng (R.P.Cras) nghiên cứu dưới góc nhìn của thuyết Nhân vị trong bài viết Nhân vị trong ‘Hồn bướm mơ tiên’. Bài viết có đoạn:
“Tình yêu nhân vị khác hẳn tình yêu điên cuồng của những kẻ chiều theo bản năng, thoái thượng quyền tự do mà quy thuận chế độ tất nhiên của vũ trụ tự nội. Tình yêu đó để ràng buộc những tâm hồn của hai người tự do không phải làm nô lệ tính mê. Tình yêu đó để gây ra mối tương quan chặt chẽ giữa hai người đã tự suy tôn mình lên bậc chủ (tức là bậc chủ vị). Tình yêu đó cũng có tính cách thanh bình vì hai người đã biết tự trị lấy mình chứ không để tính mê lôi cuốn. Tình yêu đó còn có tính cách thực tế vì cả hai người thấu hiểu tâm can của nhau để sống với thực tế chứ không sống trong giấc mộng của lý tưởng suông hoặc giấc mộng của dục vọng. Tình yêu đó rất mực với chân lý toàn diện. Phải, Lan làm thân con gái, nhưng đang ở trong địa vị như vậy, cô sẽ hưởng ứng thiên triệu để xây dựng tương lai của mình. Ngọc là một trang thanh niên, nhưng cũng đã tới trình độ đạo đức của bậc quân tử. Tình yêu của hai người không có phần giả dối cả. Ngọc yêu Lan, như thanh niên yêu thiếu nữ, và Lan lấy tư cách là con gái mà đem lòng quyến luyến cậu Ngọc. Tình yêu đó hoàn toàn trong sạch, vì cả hai người đủ chí khí để tự khẳng định mình, để yêu nhau trong vinh dự, tôn trọng nhau, tự trọng mình”(8).
Nhận xét về nhân vật nữ trong các tiểu thuyết của Khái Hưng, Nguyễn Duy Diễn cho rằng:
“Khái Hưng đã để lại cho chúng ta một số khá nhiều tiểu thuyết có giá trị mà trong đó phụ nữ đóng một vai trò quan trọng, ví dụ: Lan trong Hồn bướm mơ tiên, Hiền trong Trống mái, Hồng trong Thoát ly, v.v… Nhưng khả ái hơn cả có lẽ là nhân vật Mai trong Nửa chừng xuân. Thực vậy, Lan tuy đẹp, nhưng cái đẹp của nàng là cái đẹp mơ hồ, huyền ảo, chập chờn như hình ảnh xa xôi trong một giấc mộng; Hiền tuy đẹp, nhưng cái đẹp của nàng là cái đẹp của một thiếu nữ tinh nghịch, lãng mạn, mang nhiều sắc thái Tây phương nên đi trước thời đại và đã làm cho chúng ta đôi khi phải bỡ ngỡ. Hồng tuy đẹp, nhưng cái đẹp của nàng là cái đẹp của một thiếu nữ sống nghẹn ngào, u uất trong cảnh ‘gì ghẻ con chồng’. Do đó, nàng tiêu biểu cho cái đẹp não nùng, đau khổ. Nàng có thể làm cho ta rung động, xót thương, nhưng làm cho ta cảm phục hoặc yêu mến một cách chân thành thì rất ít. Riêng có Mai, nhân vật chính trong Nửa chừng xuân, ngoài những vẻ đẹp thuần nhã về mặt dung nhan, cử chỉ, ngôn ngữ, còn được nhà văn Khái Hưng tô đậm - và đây mới thực là điểm quan trọng - những vẻ đẹp thuần nhã về tư tưởng, tình cảm và đức tính (…) Về phần kỹ thuật, nó có thể kém những tác phẩm khác đồng thời với nó như Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt, Đôi bạn hay Bướm trắng, nhưng riêng về vai trò phụ nữ thì Mai quả là một nhân vật đáng yêu hơn tất cả Lan, Tuyết, Loan, Thu, chỉ vì Mai đã có một tâm hồn ‘điềm đạm mà cảm động, khẳng khái mà dịu dàng’ tức là nàng đã tiêu biểu được khá đầy đủ những vẻ đẹp khả ái của người đàn bà Việt Nam cũ, những vẻ đẹp mà đến nay, đáng buồn thay, chúng ta gần như không còn tìm thấy qua những tác phẩm văn chương nữa”(9).
Dương Nghiễm Mậu cũng đã viết về nhân vật Mai: “Ở cô Mai khác hẳn cô Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh, khác với Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo. Cô Mai của Khái Hưng người hơn, thực hơn, và chính vì thế nó gần gũi với con người”(10).
Trong bài viết Đọc Khái Hưng: Nửa chừng xuân, Doãn Quốc Sĩ đã so sánh nhân vật Mai và Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Ông cho rằng về học thức Mai chỉ biết đọc biết viết đủ dùng và chịu đậm ảnh hưởng nền giáo dục nho giáo trong khi Loan có một trình độ Tây học vững vàng và hoàn toàn đối lập với ý kiến gia đình. Về tính tình, thái độ, Mai ý thức được hành động và thái độ của mình, dịu dàng chừng mực, lý trí tình cảm quân bình, còn Loan cũng ý thức được hành động và tình cảm của mình, nhưng bướng bỉnh, theo mới đến cùng, lãng mạn quá trớn về hành động cũng như về tư tưởng. “Chính vì tính tình Mai như vậy nên tình tiết câu chuyện đời nàng chuyển biến hợp lý và nhịp nhàng. Ngược lại chính vì tâm lý Loan như vậy nên nàng bị bao vây bởi hoàn cảnh, tác giả phải cầu cứu đến sự đẫm máu bất ngờ làm lối thoát”(11). Cũng Doãn Quốc Sĩ, trong bài viết Vài ý nghĩ về cuốn ‘Trống mái’, cho rằng đây là tác phẩm thành công trong việc miêu tả thiên nhiên, cuộc sống phóng khoáng của người lao động. Nếu xem Trống mái là tiểu thuyết lý tưởng thì là cuốn tiểu thuyết lý tưởng “đuối nhất” so với hai cuốn Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân. Và theo ông, phải chăng vì vậy mà cuốn tiều thuyết này dù vẫn được đọc nhưng ít được giới nghiên cứu, phê bình chú ý. Về mối tình giữa hai nhân vật Hiền và Vọi trongTrống mái, Doãn Quốc Sĩ viết: “mối tình Hiền - Vọi trong Trống mái là mối tình không tưởng; tư tưởng ẩn trong truyện Trống mái ca ngợi nếp sống bình dân không phân chia giai cấp, ca ngợi nếp sống khoẻ mạnh của con người hoạt động nhẹ nhàng giữa thiên nhiên và đả kích nếp sống thuần trí thức yếu hèn, tư tưởng đó đẹp lắm, ai cũng đồng ý, như tư tưởng đó lại muốn được thể hiện ở Vọi chỉ có đức tính thật thà chất phác nhưng hoàn toàn thiếu trí thức, ở Hiền, một cô gái vô tâm, kiêu hãnh, nông cạn. Chính những nhân vật bất toàn đó làm sụp đổ những tư tưởng đẹp trên”(12). 
 Nhận xét tổng thể sự nghiệp và vị trí của Khái Hưng trong lịch sử văn học là các bài viết của Phạm Thế Ngũ, Thư Trung, Nguyễn Xuân Thu….
Trong công trình có tính chất lịch sử văn học Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ đã phân loại tiểu thuyết Khái Hưng thành hai nhóm: những tiểu thuyết về ái tình và những tiểu thuyết về gia đình. Phạm Thế Ngũ đã đánh giá, nhận xét nội dung và nghệ thuật các tác phẩm Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Tiêu sơn tráng sĩ, Trống mái, Đẹp, Băn khoăn, Gia Đình, Thoát ly, Thừa tự và các vở kịch Tục luỵ, Đồng bệnh. Nhận xét chung về nghệ thuật tiểu thuyết Khái Hưng, ông cho rằng:
“Về nghệ thuật những tiểu thuyết trên của Khái Hưng đều bố cục giản dị nhưng khéo léo. Tình tiết thưa ít và trừNửa chừng xuân và Tiêu sơn tráng sĩ, động tác ngắn gọn, câu chuyện không có những ngoắt ngoéo ly kỳ, những giải kết đột ngột, tính chất gay cấn của những tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chẳng hạn. Nhiều truyện tuy lý tưởng, có tính cách luân lý nữa, nhưng theo một nghệ thuật mới, ông không đưa đến có hậu như những truyện Nôm xưa”(13).
Biện luận cho nhận định “Khái Hưng, nhà văn sáng giá”, Nguyễn Xuân Thu cho rằng, từ những tác phẩm đầu tay cho tới những tác phẩm sau cùng, Khái Hưng đã cho chúng ta thấy một quan niệm văn nghệ đặc biệt của ông. Khái Hưng đã đưa vào tiểu thuyết Việt Nam một làn gió mới về hình thức lẫn nội dung:
“Về hình thức, Khái Hưng đã viết nhiều tác phẩm đủ loại như tiểu thuyết, đoản thiên, kịch… với những câu văn gọn gàng, linh động,… mà trước đó và ngay cả cùng thời với ông cũng chẳng có ai sánh kịp (…) Đó là sự kiện Khái Hưng đưa vào tác phẩm những bế tắc của hoàn cảnh, những tranh chấp giữa tình và đạo, giữa mới và cũ… và trước mỗi hoàn cảnh bế tắc ấy, Khái Hưng đã dùng sự hy sinh của nhân vật hay nhờ lý tưởng để nhảy ra khỏi sự bế tắc, mối quẫn bách”(14).
Trong Lược sử văn nghệ Việt Nam - nhà văn tiền chiến 1930-1945, Thế Phong đã chỉ ra sự chuyển biến nghệ thuật qua các bộ tiểu thuyết đồng thời đánh giá cao sáng tác của Khái Hưng: “Từ tiểu thuyết lý tưởng như Hồn bướm mơ tiên hay Nửa chừng xuân bắt nguồn rất nhanh đến loại truyện phân tách tâm lý, mổ xẻ tinh vi hình tượng con người, sống trong cùng một thời gian, không gian với tác giả, khiến người đi sau xếp ông vào loại bất tử (…) ba tác phẩm Hạnh, Đẹp, Băn khoăn đi sâu vào tâm lý với một kỹ thuật viết trưởng thành”(15).
Cũng cần thấy một điều là nghiên cứu phê bình về Tự lực văn đoàn không chỉ là những ý kiến đề cao mà còn có những phê phán, thậm chí là khá gay gắt của các nhà nghiên cứu. Những ý kiến luận bàn chung về văn nhóm Tự lực văn đoàn dù không trực tiếp nhưng là một kênh gián tiếp cho thấy quan niệm của trí thức miền Nam đối tác phẩm của Khái Hưng.
Trước hiện trạng sách giáo khoa trung học quá chú trọng đến tác phẩm Tự lực văn đoàn, cụ thể là tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo mà bỏ qua nhiều hiện tượng đáng chú ý khác của văn học Việt Nam, trên tạp chí Văn (1968) số kỷ niệm nhà văn Hoàng Đạo, nhân viết về Mười điều tâm niệm và sáng tác của các cây bút Tự lực văn đoàn, Nguyễn Văn Xuân cho rằng:
“Bây giờ ai cũng thấy Tự lực văn đoàn vang bóng thời nào… Người ta tìm đọc văn phẩm của Tự lực văn đoàn như tìm những Truyện tình không hạ cấp, thế thôi! (…) Vậy mà, lạ lùng! Cả tư tưởng (tập trung trong Mười điều tâm niệm - PMH) lẫn văn học ấy độc chiếm chương trình giáo dục Việt Nam. Cả ba quyển sách: Mười điều tâm niệm, Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân của ba kiện tướng của văn đoàn đều được nghênh ngang đóng vai trò khuôn vàng, thước ngọc cho văn chương và tư tưởng thời kỳ 1932 (sao lại niên kỷ này mà không là 1929 với Phụ nữ tân văn?) - 1945. Tôi chưa bàn về hai quyển truyện mà riêng quyển Nửa chừng xuân tôi tưởng nên nói ngay là nhiều đoạn… bất thành nếu so với các tác phẩm khác của ông. Thật là miệt thị văn học Việt Nam, làm như văn học ấy không thể sản xuất nổi những Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân?”(16).
Bên cạnh những ý kiến nhận xét của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, những ý kiến đánh giá của giới sáng tác ở miền Nam cũng đáng để suy ngẫm, phần nào cho thấy tâm lý tiếp nhận nơi lớp người đọc cao cấp - những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật.
Khoảng đầu thập niên 60, các trí thức văn nghệ sĩ nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn chủ trương đổi mới văn nghệ, và một trong những việc họ làm là phủ định văn nghệ tiền chiến, “chôn tiền chiến”. Họ phủ định văn nghệ tiền chiến bằng những phát ngôn và bằng chính sáng tác của họ. Về sáng tác là những cách tân nghệ thuật trong thơ và văn xuôi của các cây bút Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu… Về phát ngôn đánh giá văn nghệ tiền chiến được thể hiện tập trung trong tạp chí Sáng tạo số 4, tháng 10-1940: Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam với sự góp mặt của các cây bút Duy Thanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sĩ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thuỳ Yên, Trần Thanh Hiệp. Các trí thức văn nghệ đã thảo luận những vấn đề văn nghệ tiền chiến với tinh thần phê phán, phủ định và phần nào đó phủ nhận những cách tân của Tự lực văn đoàn và Thơ mới. Nhận định chung, nhóm Sáng tạo cho rằng nghệ thuật tiền chiến thật nghèo nàn, nông cạn và ấu trĩ, cần nhanh chóng vượt qua để đẩy văn nghệ về phía trước. Trong không khí soát xét lại gia tài văn nghệ tiền chiến, bàn về tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Thanh Tâm Tuyền cho rằng:
“Nông cạn của nghệ thuật tiền chiến lỗi chính vẫn là ở người sáng tác. Không phải ở hoàn cảnh. Sự va chạm mạnh mẽ của văn hoá Đông Tây đầu thế kỷ, các nhà văn Tự lực văn đoàn nhìn một cách rất thu hẹp, trong phạm vi gia đình cá nhân, mà không hề thấy đó là sự đảo lộn cả một nếp sinh hoạt mấy nghìn năm, mà trong đó, dân tộc phải tìm lấy một đường lối giải thoát thích hợp. Không bảo thủ luyến tiếc quá khứ thì họ lại đuổi theo một thứ tình cảm cá nhân để giải quyết cho riêng mình (…) Những tác phẩm mà Tự lực văn đoàn gọi là tiểu thuyết luận đề đã chứng tỏ tất cả sự nông cạn và hời hợt của những tác giả ấy. Chưa cần xét tới luận đề mà nhóm Tự lực văn đoàn chọn là những vấn đề rất thô sơ và hẹp hòi ở trong xã hội, tôi muốn công kích ngay cái loại mà người ta gọi là tiểu thuyết luận đề - kể cả những luận đề cao nhất - là của một quan niệm ấu trĩ về tiểu thuyết”(17).
Theo Mai Thảo: “Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn được quần chúng hồi đó tán thưởng, một phần cũng bởi vì tiểu thuyết đó đã đánh trúng vào thị hiếu quần chúng mà thôi (…) Về những nhà văn tiền chiến ở đây, có thẩm quyền nhất, ai bằng Nhất Linh? Vậy mà Nhất Linh đã thất bại trong ý muốn phục hồi lại giòng nghệ thuật Tự lực văn đoàn. Cho nên, theo tôi, đáng thương không phải là những che đẻ của nghệ thuật tiền chiến, mà đáng thương những kẻ thương vay khóc mướn, tôn sùng, thần thánh hoá một cái xác chết”(18).
Trước những tuyên bố của nhóm Sáng tạo về văn nghệ tiền chiến, Nguyễn Văn Trung - nhà lý luận phê bình văn học “có tầm ảnh hưởng lớn” (Võ Phiến) đã có những trao đổi. Trong bức thư ngỏ Gửi anh em trong “Nhóm sáng tạo” đăng trên tạp chí Bách khoa số số 94, ra ngày 2-12-1960, Nguyễn Văn Trung viết:
“Khi các anh tự hỏi tại sao bây giờ còn có người đọc Tự lực văn đoàn, các anh cho rằng vì có những người còn luyến tiếc và âm mưu duy trì cái thứ văn ‘đàn bà; ấu trĩ, khóc sướt mướt’ đó như các anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi thảo luận. Nhưng các anh không hỏi tại sao người ta vẫn tìm đọc Tự lực văn đoàn, dù không có những cố gắng gợi lại và duy trì đi nữa? Tại sao người ta không tìm đến các anh, những chứng nhân của thời đại? Phải chăng vì Tự lực văn đoàn còn nói lên được cái gì, hay vì người ta không tìm thấy cái gì đáng đọc của người hôm nay, nên đành phải trở về cái cũ vậy (…) Người đi sau tiếp tục công việc người đi trước và dĩ nhiên chỉ tiếp tục được một khi không bằng lòng dừng lại ở bước đường đã đi. Nhưng không bằng lòng với cái đã có không có nghĩa là xoá bỏ nó. Cũng có thể gọi là chối bỏ đi, nhưng chối bỏ theo nghĩa đẩy lên, để vượt lên, chứ không phải tiêu diệt; xoá hẳn thành hư vô (…) nếu không có tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Thơ mới thời tiền chiến, thì tiểu thuyết và thơ mới ngày nay bắt đầu từ đâu, và dĩ nhiên là phải bắt đầu từ đầu, từ số không, nghĩa là còn ấu trĩ; cho nên người làm công tác văn hoá văn nghệ hôm nay không thể quên người hôm qua”(19).
Có thể thấy, từ góc độ sáng tác, các nhà văn nhóm Sáng tạo có những lý lẽ hợp lý của họ. Nhưng trên phương diện văn hoá và lịch sử tiến trình văn học, những khuyến nghị của Nguyễn Văn Trung cũng rất hợp lý.
Thật ra, những mặt hạn chế của Tự lực văn đoàn không phải đợi đến nhóm Sáng tạo mới được đặt ra và bàn luận. Từ năm 1935, khi văn nhóm Tự lực văn đoàn còn ở phong độ đỉnh cao, tạo được nhiều ảnh hưởng trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên thành thị, nhà văn Trúc Hà, cây bút tiêu biểu của văn chương miền Nam, đã chỉ ra những hạn chế của văn nhóm này ở thái độ công kích Nho giáo, phong trào “vui vẻ trẻ trung” trên Phong Hoá. Sự quá trớn, nhiều chỗ quá đáng của Tự lực văn đoàn đã được Trúc Hà chỉ ra:
“Trong lúc đem Lý toét ra làm bia để chế nhạo bọn môn đồ nhà nho, báo Phong hoá chỉ công kích những hình thức vụn vặt, phiền tạp của một hạng người hiểu nhầm Nho giáo. Hạng người đó không thể làm tiêu biểu cho cái tinh thần khẳng khái của nhà nho được. Tiêu biểu cho đạo Nho chính là những nhà chí sĩ đã  vì cái lý tưởng cao thượng của mình mà phải chết, phải phiêu bạt xứ người, hay phải giam cầm trong vòng lao lý (…) báo Phong hoá chẳng phô bày cái hay của Nho giáo ra bao giờ. Họ cứ làm cho người đọc tin tưởng, say mê những ý tưởng cải cách của họ. Mặc cho người ta hiểu nhầm nho giáo. Và họ chỉ muốn người đọc sẽ cười, cái cười chế nhạo, dễ dàng chua chát mà thôi, còn cái ảnh hưởng hay dở thế nào, mặc kệ! Phong trào vui cười, cái cười vô ý thức của một dân tộc còn thấp kém về học vấn, lan tràn từ Bắc vào Nam. Nó lôi cuốn các tờ báo khác phải quay về vui cười hết. Lối văn khảo cứu, nghị luận, học thuật, nghĩa là thứ văn không chọc cười được phải dẹp lại. Nhưng một điều buồn cười hơn hết là chính họ bị thiệt hại vì cái phong trào tự họ gây ra: cái chết của báo Ngày nay”(20).
Nhận xét của Trúc Hà khiến chúng ta nghĩ đến những bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) về cái cười của người Việt trên Đông dương tạp chí(21) trước đó, hay của Phan Khôi (1887-1960) trên Phụ nữ tân văn(22).
Về phương diện tiến hoá của tư tưởng, những thảo luận của Nguyễn Văn Xuân trong bài viết Từ phong trào duy tân đến Tự lực văn đoàn đã cho thấy những đề xuất cải cách, chống tư tưởng nho giáo của nhóm Tự lực văn đoàn so với phong trào duy tân đầu thế kỷ XX lại là một bước thụt lùi (23).
Ngày nay nhìn lại, theo chúng tôi, việc Tự lực văn đoàn phê phán hình tượng nhà nho qua biếm hoạ Lý toét so với sự phê phán của chính nhà nho trong phong trào duy tân đầu thế kỷ XX thì không có gì mới mẻ, thậm chí đơn giản hơn. Các nhà nho trong phong trào duy tân đã làm một cuộc cách mạng phủ định rất mạnh mẽ và triệt để nhân sinh quan, thế giới quan, chính trị, học thuật của mình. Trên phương diện văn chương, Văn tế sống thầy đồ hủ, Cáo hủ lậu văn, Chí thành thông thánh, Danh ngọc lương sơn phú là những tác phẩm thể hiện sinh động và sâu sắc sự phủ định này. Vả chăng, không có ai có đủ tư cách phủ định nho giáo và hình tượng nhà nho bằng chính nhà nho, bởi một lẽ giản đơn, họ là những người sống tận cùng và cảm nghiệm được cái lạc hậu, ấu trĩ và nhận chân được sự thất bại chua chát của một thế hệ trí thức giai đoạn thoái trào. Mặt khác, không chỉ phủ định cái cũ, họ đã xây dựng được những tư tưởng duy tân tiến bộ, nói không quá, một vài trong số ấy ngày nay chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều mới đuổi kịp. Điều đó càng cho thấy những nhận xét của Nguyễn Văn Xuân là hữu lý.
Lược thuật những ý kiến không có tính chất phê bình đánh giá trực tiếp tác phẩm của Khái Hưng, nhưng chúng tôi cho rằng với tư các là một trong những trụ cột của Tự lực văn đoàn, những đánh giá này thực sự là quan trọng và cho thấy trọn vẹn sự tiếp nhận tác phẩm của Khái Hưng và Khái Hưng trong Tự lực văn đoàn. Quan trọng hơn, qua đó cũng cho thấy bên cạnh những ý kiến khen và đề cao tác phẩm và những đóng góp của Khái Hưng là những ý kiến chê. Và đánh giá sự nghiệp văn học Khái Hưng nói riêng và các nhà văn khác trong văn nhóm tự Tự lực văn đoàn nói chung không phải chỉ khen một chiều, và thực sự những sản phẩm nghiên cứu ở miền Nam không hoàn toàn là viết dưới “lập trường tư tưởng phản động”(24) như nhận xét của một nhà nghiên cứu cách nay mấy mươi năm.
*
Nhìn lại gần một thế kỷ nghiên cứu, bình luận về tác giả Khái Hưng ở miền Nam có thể thấy tầm quan trọng và vị thế của nhà văn trong lịch sử văn học thế kỷ XX. Theo thời gian và theo nhiều cấp độ khác nhau, các xu hướng nghiên cứu ngày càng chuyên sâu, kỹ lưỡng đối với tác phẩm của Khái Hưng. Nghiên cứu tiếp nhận văn học dân tộc ở miền Nam, đặc biệt là giai đoạn 1954-1975, không chỉ trường hợp tác gia Khái Hưng mà còn những tác giả, khuynh hướng vấn đề văn học khác, là những bổ khuyết cần thiết cho lịch sử nghiên cứu của ngành ngữ văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.
(1) Thiếu Sơn: Phê bình Nửa chừng xuân, Sống, số 1, ngày 22 Janvier 1935, tr.12.
(2) Thiếu Sơn: Phê bình Gánh hàng hoa, Sống, số 2, ngày 29 Janvier 1935, tr.17.
(3), (20) Trúc Hà: Cái hay và cái dở của Tự lực văn đoàn - một văn phái mới trong nền văn học nước ta, Sống, số 28, 7 Septembre 1935, tr.17, 18.
(4), (5) Kiều Thanh Quế: Đồng bệnh, kịch của Khái Hưng, Tri tân, số 53, ra tháng 7-1942, tuyển in trong Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam, (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng sưu tầm biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2009, tr.72, 73.
(6) Xin xem thống kê trong Thư mục nghiên cứu, phê bình Tự lực văn đoàn và Thơ mới của chúng tôi.
(7) Nguyễn Văn Trung: Tình yêu hiến dâng trong ‘Hồn bướm mơ tiên’, trong Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nam sơn xuất bản, Sài Gòn, 1965, tr.91.
(8) Đỗ Minh Vọng: Nhân vị trong ‘Hồn bướm mơ tiên’, Đại học, số 4-5, Sài Gòn, tháng 9-1958, tr.119.
(9) Nguyễn Duy Diễn: Mai, một nhân vật khả ái của Khái Hưng, Hiện đại, số 3, Sài Gòn, tháng 6-1960, tr.15.
(10) Nhiều tác giả, Khái Hưng, thân thế và tác phẩm, Nam hà xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.38.
(11) Doãn Quốc Sĩ: Đọc Khái Hưng: Nửa chừng xuân, Luận đàm bộ I, số 5, Sài Gòn, tháng 4-1961, tr.107.
(12) Doãn Quốc Sĩ: Vài ý nghĩ về cuốn Trống mái, Luận đàm bộ I, số 1, Sài Gòn, tháng 12-1960, tr.77.
(13) Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, tái bản, Nxb. Đồng Tháp, 1997, tr.467.
(14) Nguyễn Xuân Thu: Khái Hưng nhà văn sáng giá, Văn học, số 33, Sài Gòn, 1-3-1965, tr.13.
(15) Thế Phong: Lược sử văn nghệ Việt Nam - nhà văn tiền chiến 1930-1945, Vàng son xuất bản, Sài Gòn, 1959, tr.27.
(16), (23) Nguyễn Văn Xuân: Từ phong trào duy tân đến Tự lực văn đoàn, Văn, số 107 và 108, Sài Gòn, 15-6-1968, tr.61, 40-62.
(17), (18) Nhiều tác giả: Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam, Sáng tạo, số 4, tháng 10-1960, tr.4, 5.
(19) Nguyễn Văn Trung: Gửi anh em trong Nhóm Sáng tạo, Bách khoa, số 94, ra ngày 2-12-1960, tr.33-44.
(21) Nguyễn Văn Vĩnh: Xét tật mình (Gì cũng cười), Đông Dương tạp chí, số 22, Jeudi 9 Octobre 1913.
(22) Phan Khôi: Cái cười của con Rồng cháu Tiên, một cái cảm tưởng trong khi đọc Cay đắng mùi đời. Báo Phụ nữ tân văn, số 84, ra ngày 28-5-1931, tr.5-8. In lại trong Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1931 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn). NXB Hội Nhà văn, H., 2007, tr.57-67.
(24) Đào Văn A: Tự lực văn đoàn trên sách báo miền Nam trước đây, Tạp chí Văn học, số 3-1991.
Phan Mạnh Hùng
  ThS - Trường ĐH KHXH 
NV TP. Hồ Chí Minh
Theo .http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực

  ​ Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực 1- MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO? Bé tên là Thanh nhưng ông nội thích gọi là Bé nê...