Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Hoa đào Đà Lạt và Ai lên xứ hoa đào

Hoa đào Đà Lạt và Ai lên xứ hoa đào
HOA ĐÀO ĐÀ LẠT
Hoa anh đào, một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, nó có mặt khắp nơi trong thành phố mộng mơ này và nở rộ vào những ngày người ta chuẩn bị đón năm mới. Anh đào Đà Lạt cũng giống như đào Nhật Tân Hà Nội khoe sắc vào những ngày mùa Đông. Đến Đà Lạt vào dịp cuối năm, du khách tưởng chừng như mình đang ở Nhật, với những cây hoa anh đào phủ một màu hồng tươi thắm.
VI KHUÊ diễn tả một khung cảnh Đà Lạt thật êm ả và đầy thơ mộng, thật là trí thức với bài thơ “Hoa đào”:
“Đứa con gái có mái tóc Sylvie Vartan
ngồi đọc thơ Thôi Hộ
một buổi sớm mai vàng
dưới chân
hoa đào nở.”
Để đón năm mới những cành đào thướt tha đã vội thấp thoáng ẩn hiện trong sân xa, khắp mọi nơi, duyên dáng lộng ngọc thôn bản hoang sơ, điểm xuyết phố thị phồn hoa, thắp lên muôn triệu nến hồng kỳ diệu, hồng lên bao điều hẹn ước, ấm mãi lòng người. Từng cánh hoa, từng cánh hoa lay bay trước gió. Tất cả dịu dàng chào đón ánh dương quang. Hoa đào Đà Lạt gợi hứng cho bao tâm hồn văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ. Hoa trở thành hình ảnh quen thuộc, tiêu biểu, gợi tình, gợi nhớ cho phố núi mù sương, thơ mộng và vang vọng khắp bốn mùa.
Giữa cảnh núi rừng Đà Lạt, với sương, với nắng, với gió, với mây, du khách thường ngẩn ngơ trước những cây hoa đào thắm sắc như TÂM MINH ghi lại trong bài thơ “Lắng đọng”:
“Thiên nhiên phô sắc vẻ thanh tao
Phố núi lừng danh tự thuở nào
Sương sớm bồng bềnh vờn lũng thấp
Nắng chiều e ấp phủ đồi cao
Gió ru thác bạc dòng êm chảy
Mây lượn hồ xanh sóng nhẹ chao
Lắng đọng lòng trần trong suối ngọc
Khách du vui ngắm cánh hoa đào.”

Hình ảnh hoa anh đào Đà Lạt cũng xuất hiện trong thơ của NGỰ THUYẾT, bài thơ “Anh đào vỡ”:
“Tôi sẽ đi, thôi Đà Lạt nhé!
Dấu chân son, mắt biếc, nhớ thương.
Môi hồng héo nụ em hờn dỗi
Tà áo tìm tôi trong gió ngoan.
Tôi nghe xôn xao trời mênh mông
Trưa cao nguyên vẫn lạnh như đồng
Lũng xa mây tím sầu thăm thẳm
Cùng gió qua đèo tôi ruổi rong.
Tôi rời Đà Lạt anh đào vỡ
Quay quắt hồ xưa khua sóng trôi
Ngàn thông ngơ ngác rừng nghiêng ngả
Ghềnh thác đồi non chôn tuổi tôi.”

QUỲNH ANH cũng rất yêu hoa đào Đà Lạt và trải nỗi lòng thiếu nữ của mình trong tùy bút “Giấc mơ hoa”:
“Từ thủa nhỏ, tôi đã yêu thích hoa đào… Vì thế, tôi rất vui mừng khi được tin người yêu, sau khi đi tu nghiệp từ nước ngoài trở về, sẽ được giữ một chức vụ chỉ huy tại một trường quân sự quốc gia trên Đà Lạt. Tôi chứa chan hy vọng, sau khi thành hôn tôi sẽ có cơ hội gần gụi với loài hoa tôi ưa thích, sẽ được cùng người bạn trăm năm yêu dấu sống kề cận bên những vườn đào u nhã ngay tại cõi trần gian nhiều hệ lụy. Mộng mơ bao giờ cũng chỉ là mơ mộng và khi mộng đã tàn rồi thì thật buồn, thật xót xa. Lần đầu tiên đến thăm xứ hoa đào cũng là lúc tôi được biết tin người cùng tôi hứa hẹn đi chung suốt cả đường đời đã đổi thay. Những cây đào mà tôi đã nhớ thương ngày xưa trở thành héo hắt, bẽ bàng. Ngọn Lâm Viên hùng vĩ nhưng lạnh lùng xa lạ…
Trong những năm trường lữ thứ, biết bao lần tôi điên rồ mơ ước được trở về Đà Lạt để được một lần gặp lại người xưa. Để một lần nữa được dạo bước quanh hồ Xuân Hương dưới rặng hoa đào ướt đẫm sương khuya. Những giọt sương đêm cũng âm thầm như dòng nước mắt chan hòa trên đôi má tôi đêm xuân năm nào. Biết bao mùa xuân qua, tôi vẫn ước mong được về thăm những núi đồi Đà Lạt để nghiền ngẫm những đau thương tan nát của đời mình. Nhưng đường về chốn cũ đã quá xa xôi cách trở, và đường về miền Bắc của tuổi ấu thơ đã quá mịt mờ. Mộng ước được cùng người yêu dấu sánh bước trên con đường đất đỏ rợp bóng hoa đào cũng chỉ còn là một kỉ niệm… Tôi vẫn thương mầu hồng của sắc hoa tựa mầu xác pháo trong một đám cưới mùa xuân và giấc mơ thần tiên đầu đời mà dù đã trải qua bao chua xót đắng cay, bao năm tháng mỏi mòn, vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi thổn thức.”
Hoa đào luôn được coi là biểu tượng của thành phố Đà Lạt và trở thành một tặng phẩm quý giá đầy ý nghĩa. Trong tinh thần đó, từ nơi đất khách quê người, NGUYỄN TƯỜNG GIANG viết bài thơ “Dưới trăng bẻ một nhánh đào tặng người Đà Lạt”:
“Theo dõi bóng trăng soi
Chân dẫm trên lối tuyết
Cô độc giữa rừng cây
Những nụ hoa ngủ thiếp
Hoa dấu mình trong nụ
Chờ chút nắng Xuân tươi
Ta ẩn mình xứ tuyết
Mong chờ gì nơi đây
Ngậm ngùi giơ tay bẻ
Trong tim một nhánh gầy
Mai kia hoa nở cánh
Mong chút tình thơ ngây
Hoa nở trên đất khách
Thêm một năm xứ người
Cúi đầu đôi giòng lệ
Buồn như cánh hoa rơi
Bạn ta người cùng tỉnh
Theo trăng bẻ nhánh đào
Tặng ta một cành nhỏ
Dẫn hồn vào chiêm bao
Đầu Xuân ta tỉnh giấc
Đà Lạt giờ ra sao?
Những người xưa đi hết
Còn ai hái hoa đào…”
PHONG VŨ cũng hồi tưởng lại những kỷ niệm dấu yêu cũ khi ghé lại bên gốc cây đào Đà Lạt và viết bài thơ nhớ về người em yêu thuở xa xưa. Bài thơ bằng tiếng Pháp. Tâm Minh chuyển ngữ. PHONG VŨ viết bài thơ “Poème à toi” với cõi lòng thổn thức:
“Ô Chemin d'antan
Perdu dans les grands bois,
Pourquoi ce silence
Pèse-t-il sur l'homme
Qui pense à toi.
Ô lac! ô chalet aux feux éteints
Où tout ce qui se passait
N'y laisse qu'un souvenir lointain
Ô cerisier jadis fleuri
Pourquoi restes-tu là
Frémi!
Sais-tu qu'à ton pied
Un homme vient
Désespéré!
Est-ce bien toi Chérie
Dont la voix m'appelle
Et dans le murmure du vent
J'ai trouvé ton âme
Immortelle...”
TÂM MINH cùng chung nhịp đập con tim trong giai điệu nhung nhớ về Đà Lạt nên cảm hứng chuyển dịch những câu thơ sang tiếng Việt với tiêu đề là “Bài thơ gửi Em”:
“Ôi con đường thuở xa xưa
Uốn mình khuất bóng rừng mơ ngút ngàn,
Giờ sao tĩnh lặng vô vàn
Ru hồn người đứng mơ màng dáng Em.
Hồ ơi sóng nước im lìm!
Thảo trang tàn lửa, lặng yên ngậm ngùi
Chỉ còn kỷ niệm tuyệt vời
Dư âm dĩ vãng một thời vắng xa
Đào xưa khoe thắm muôn hoa
Nay run theo gió dáng nhòa trong sương!
Nào hay dưới gốc yêu thương
Một người tuyệt vọng bên đường dừng chân!
Phải chăng Em chợt hiện thân
Tên ta Em khẽ gọi thầm thiết tha
Thoảng trong lời gió vờn hoa

Hồn Em bất tử chan hòa tim ta...” 

AI LÊN XỨ HOA ĐÀO
Hoa đào e lệ “như môi hồng người mình yêu” trong bản nhạc “Ai lên xứ Hoa Đào” của Hoàng Nguyên mà ngày giã từ Đà Lạt có du khách nào lại vô tình không đem theo một cành hoa làm kỷ niệm. Hoàng Nguyên có nhiều lưu luyến với Đà Lạt vì dạy Anh văn và âm nhạc tại một trường trung học ở đó một thời gian.
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG ghi lại về cuộc đời Hoàng Nguyên, người nhạc sĩ với “dòng nhạc yêu thương, dòng đời ngang trái!” đó như sau:
“Đà Lạt mệnh danh thành phố ngàn hoa, nơi đó, có nhiều loài hoa chỉ thích hợp với khí hậu lành lạnh cao nguyên. Giữa khung trời ngàn hoa, có loài hoa được viết thành ca khúc -Hoa Anh Đào- trở thành hình ảnh quen thuộc, tiêu biểu, gợi tình, gợi nhớ cho phố núi mù sương, thơ mộng được vang vọng cho cả bốn mùa nhờ dòng nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
Nói đến Hoàng Nguyên, mọi người đều liên tưởng đến hai nhạc phẩm một thời yêu thương, vang bóng: “Ai lên xứ Hoa Đào” và “Bài thơ Hoa Đào”. Và, ngược lại, nói đến Đà Lạt cùng hoa Anh Đào, chúng ta gợi nhớ Hoàng Nguyên. Lãng đãng, mờ ảo với khói sương, với màu hoa, với mây trời... giữa chốn trần tục được thăng hoa qua lời ca tiếng nhạc, như lạc bước vào chốn bồng lai.”…
“Chàng lữ khách đó sinh trưởng và lớn lên ở Quảng Trị và Huế. Cũng như nhiều chàng trai trẻ khác, trót nghe theo “tiếng gọi” tham gia kháng chiến chống Pháp vào đầu thập niên 1950, đụng chạm thực tế phũ phàng, ngán ngẫm, chàng giã từ núi rừng miền Trung, chu du vào thành phố mù sương. Mang tâm hồn nghệ sĩ, Hoàng Nguyên (nhà giáo Cao Cự Phúc) có năng khiếu về hội họa và âm nhạc như Văn Cao.”…
“Dáng người dong dỏng cao, mái tóc chải bồng bềnh, nhà giáo, nhạc sĩ bước vào tuổi đôi mươi, tay ôm cây đàn guitare, giọng hát trầm buồn, điểm chút phong trần, lãng tử trông tựa bức tranh The Guitarist của Picasco, trở thành thần tượng cho bao kiều nữ yêu văn nghệ….Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, Thượng tọa Thích Thiện Tấn (anh ruột thầy Nhất Hạnh) làm Hiệu trưởng. Nhà giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục, thầy Nhất Hạnh dạy Việt văn lớp đệ thất. Tên tuổi hai nhà giáo như một hấp lực, lôi cuốn học sinh đến trường Tuệ Quang.
“Chẳng được bao lâu, sóng gió cuộc đời nổi dậy, năm 1956, trong một trận lùng bắt ở Đà Lạt, trường Tuệ Quang có nhiều nhà giáo bị bắt… Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957.”
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG cho biết là lúc tại Côn Đảo Hoàng Nguyên nảy nở một mối tình với con gái vị Chỉ Huy Trưởng tại đây. Khi được trả tự do Hoàng Nguyên về Sài Gòn:
“Ở Sài Gòn, Hoàng Nguyên vừa tiếp tục con đường văn nghệ vừa dạy học ở trường tư thục Quốc Anh, vừa tìm cách tiến thân trên con đường học vấn. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên được sự bảo bọc của ÔB Thị trưởng Phan Thiết, tư thất ở Sài Gòn.” 
Hoàng Nguyên yêu đắm đuối cô con gái của ông bà này: 
…“và cuối cùng trở thành rể của gia đình ân nhân trên.”
“Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường được thuyên chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng. Ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt giao cho Hoàng Nguyên làm trưởng ban, phần kỹ thuật và hòa âm do Nguyễn Hậu (em ruột của Nguyễn Hiền) đảm nhận.”
Thế rồi một ngày tang tóc xảy ra: “Trong một chuyến công tác bằng xe Jeep ở miền Đông, Hoàng Nguyên qua đời tại dốc 47 Vũng Tàu bằng tai nạn xe hơi năm 1972”
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG ngậm ngùi kết luận:
“Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi vào cõi miên viễn lúc vừa 40, được chôn cất ở nghĩa trang đô thành, để lại vợ và 3 con… Mong một ngày nào đó, có muôn ngàn cánh Hoa Anh Đào phủ lên mộ anh, tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa trong nghệ thuật nhưng gặp bao ngang trái trong cuộc đời.”
Bài “Ai lên xứ hoa đào” của HOÀNG NGUYÊN (Cao Cự Phúc) mãi vang vọng trong lòng “người Đà Lạt” những ngày tháng cũ:
“Ai lên xứ Hoa Đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi. 
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi. 
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ. 
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ. 
Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ Hoa Đào đừng quên bước lần theo đường hoa. 
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai. 
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa. 
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương. 
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. 
Cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.

Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.”.

Ai lên xứ hoa đào - Hoàng Nguyên - Ánh Tuyết
HOÀNG NGUYÊN với tâm hồn lữ khách mộng mơ, trữ tình viết mấy câu thơ trước khi viết bản nhạc “Bài thơ Hoa Đào”:
“Ngày mai em đi khỏi
Hoa đào ghen với ai!
Ngày mai em đi khỏi
Hoa nắng, nắng nhạt phai...”
Bóng dáng giai nhân mãi như tơ vương, như mây trời giăng mắc trong bản nhạc “Bài thơ Hoa Đào” của HOÀNG NGUYÊN. Bản nhạc ghi lại hình ảnh mơ mộng của người ghé Đà Lạt để rồi lại ra đi trong lưu luyến, nhớ hoa, khó quên người: 
“Ngày nào… dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi. Màu hoa in dáng trời. Tình hoa lưu luyến người. Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi.
Ngày nào… đường xuân phơi phới. Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai. Rồi yêu hoa trên má. Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ.
Ôi!... Đà Lạt là thơ… Bài thơ mến yêu reo muôn đời. Dệt bằng tiếng gió ngàn reo. Qua đồi thông hay bên… bờ suối.
Ôi!... Đà Lạt là mơ… Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần. Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ. Đợi tình quân đến trong giấc mơ.
Nhưng… rồi mùa hoa tàn. Người hoa… sao vắng mãi. Bao chiều lòng mong chờ. Đường hoa… sao hững hờ.
Để lòng… lữ khách tê tái. Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai.
Màu hoa in trên má. Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!”
Bài hát “Ai lên xứ Hoa Đào” và “Bài thơ Hoa Đào” là hai ca khúc bất hủ mãi gắn chặt tên tuổi của Hoàng Nguyên với Đà Lạt.
Nhạc sĩ NGUYỄN ÁNH 9 trong bài “Hoàng Nguyên, cung đàn tài hoa bạc mệnh” đã viết lại một số kỷ niệm với Hoàng Nguyên:
“Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi… gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp… “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ…”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc “Anh đi mai về” này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua… Anh Hoàng Nguyên - Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra “nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956.”
NGUYỄN ÁNH 9 viết tiếp là năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc “Bài thơ Hoa Đào”: 
“Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của “Bài thơ Hoa Đào”. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt… Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng”…Vâng, Hoàng Nguyên chỉ “ghé chân” - như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: “Bài thơ Hoa Đào” và “Ai lên xứ Hoa Đào”, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địa danh nổi tiếng này.”…
NGUYỄN ÁNH 9 kể lại là bẵng đi một thời gian hai người mới gặp lại nhau ở Sài Gòn khoảng đầu thập niên 70. Lúc ấy Hoàng Nguyên đã bị động viên:
“Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành… Tác phẩm “Cho người tình lỡ” của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.
"Nhớ mà chi, đau thương qua rồi
Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay…”
NGUYỄN ÁNH 9 kể lại là: 
“Năm 70, bài “Không” của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do Hãng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài “Cho người tình lỡ” do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm: “Mau quá Ánh hỉ? Mới ngày nào ở Đà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh…”. Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến!
Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: “Tà áo tím”.
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang. Tôi đã gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Mầu áo tím sao luyến thương…”
Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng Tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt”.
 Ngô Tằng Giao
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về nhà văn Khái Hưng

Về nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...