Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Huế - "Chợt nghe chuông vọng bốn bề thiền tâm"

Huế - "Chợt nghe chuông vọng bốn bề thiền tâm"
Mùa Phật Ðản đã qua, nhưng ở Huế - vùng đất được cho là cái nôi của đạo Phật vẫn còn bàng bạc hương trầm. Một Phật tử ở Huế bảo rằng: Với người Huế, lễ Phật đản năm nào cũng được tổ chức rất lớn, năm nay lại đặc biệt hơn vì là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào vì Phật giáo Thừa Thiên - Huế luôn đồng hành cùng mạch sống của dân tộc”. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói: “Trên hết, đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 ở Huế là biểu tượng sinh động cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Huế và Việt Nam, tự do bày tỏ, thể hiện tâm nguyện của mỗi người dân, đó cũng là ước mong của giới tăng ni, phật tử về một thế giới hòa bình, Tổ quốc phồn vinh trường tồn và chúng sinh an lạc”. Lễ Phật Đản đã được miêu tả: "Ðó là ngày mà mọi con đường ở Huế đều dẫn ta đến một ngôi chùa dù cho ở nơi thâm sơn cùng cốc. Nắng tháng năm đốt lửa trên những nẻo đường đất, bụi tung mờ bóng người áo lam lũ lượt đến chùa lễ Phật...".
Chùa Huyền không sơn thượng Huế
Đạo phật ở Huế có một lịch sử lâu dài và ảnh hưởng lớn lao trong đời sống dân chúng. Huế có khoảng 500 ngôi chùa, chúng tôi chỉ có vài ngày ở Huế nên chỉ kịp đến thăm ngôi chùa có tên Huyền Không.
Trưa nắng, không gian im ắng. Bước vào cổng tam quan là thấy lòng dịu xuống bởi mùi hương thoang thoảng của cây lộc vừng (người Huế gọi là cây mưng). Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những cánh hoa thật lạ này. Hai hàng cây xanh cùng bụi hoa ngũ sắc dập dờn cánh bướm dẫn chúng tôi đến chánh điện chùa Huyền Không. Dẫu không phải là Phật Tử sùng đạo nhưng đã đến viếng Chùa thì phải thắp nhang lễ Phật cầu nguyện bình an khỏe mạnh, nạn khỏi tai qua, may mắn thành đạt… Đó là điều mà nhiều người vẫn thực hiện.
Chùa trưa im vắng. Chúng tôi vào chánh điện lễ Phật và đi ngắm cảnh. Ở đây có nhiều hoa phong lan lắm.
Mấy chú tiểu thấy khách đến đã nhanh chóng dọn sẵn một mâm cơm chay bên ngôi nhà mát. Hôm nay là ngày 30 âm lịch mai là mồng một. Nhiều người vẫn thường ăn chay vào ngày 30, mồng một và ngày rằm. Những món chay được dọn ra trông thật đẹp mắt bởi sắc màu của nhiều loại rau cũ, món gỏi, món xào món canh, món mặn, món nào cũng thật vừa miệng nên... loáng một cái là sạch sẽ. Ai cũng khen: cơm chùa ngon quá! (Vã lại, ăn cơm chùa mà bỏ mứa là có tội!).
Người bạn nhà báo miền Trung lại nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi tiếp lên chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Đó là một vạt đồi nhiều cây xanh, một dòng nước biếc, nhiều vườn cảnh xanh mát, những bãi cỏ, bồn hoa được điểm xuyết bởi những tảng đá có đề thơ. Những câu thơ đã làm cảnh vật có hồn hơn. Tất cả đều tịch lặng trong buổi trưa im ắng. Chỉ có tiếng ve ngân nga…
Nắng gắt, nhưng không ai có vẻ khó chịu hay mệt mõi. Cảnh trí thi vị đã làm cho tâm tư thanh thản, thoải mái. Những buồn phiền bon chen thế sự và áp lực cuộc sống như đã lùi lại phía sau lưng.
Trong hai gian nhà mà ba phía đều trống trải, chỉ có những vần thơ viết theo kiểu thư pháp treo trên vách, đề trên cột, in lồng vào những bức ảnh nghệ thuật...
Những câu thơ thiền nhiều ẩn ngữ làm cho lòng người lắng lại, trầm xuống hòa vào một cõi tĩnh mịch vô ưu của tạo hóa và qui luật cuộc đời.
“Đời người chốc thoáng tà huy
Tử sinh mù mịt, cuộc đi cuộc về
Nỗi lao trần, nỗi ly quê
Chợt nghe chuông vọng bốn bề thiền tâm”.
“Đã quên bóng nhỏ đường chim
Đã quên mộng ước, khuất chìm ngữ ngôn
Ngu ngơ chút chữ chút hồn
Am xưa chân diện hoàng hôn lấm màu”
Những câu thơ nói về chữ Hiếu làm người đọc chợt nhói lòng, chạnh nhớ đến bậc sinh thành đã khuất núi.
“Rêu phong lợp mái từ đường
Thâm nghiêm thân phụ, trầm hương kính thờ
Non cao tạo một bài thơ
Lệ trời sương giọt đẫm bờ nhân sinh” (Hiếu lệ trời)
“Cha cho xương vóc làm ngừơi
Mẹ cho huyết sữa nụ cười trẻ thơ
Hai thân ngăn núi cách bờ
Non mòn biển cạn phụng thờ nghĩa ân” (Hiếu)
"Đói lòng
Ăn nửa trái sim
Uống vốc nước suối
Đi tìm, Mẹ ơi!
Vô tăm
Cánh hạc lưng trời
Nhân gian sương khói
Bóng người mù phương" (Hiếu)
Tất cả đều được viết bằng một nét chữ và được ký‎ cùng một tên: Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
Chúng tôi lần theo tiếng kinh kệ phát ra từ chiếc “cốc” phía xa. Một cô bạn trong đoàn vốn là một nhà thơ và cũng là một Phật Tử đã chắp tay nói với vị sư ngồi trong cốc:
- Thưa thầy, con muốn được gặp thầy Minh Đức.
- Thí chủ muốn gặp có chuyện gì?
Với đôi mắt chân thành và giọng nói xúc động, cô bạn tôi nhỏ nhẹ: “Thưa, khi đến đây, tuy cảnh trí này còn hoang sơ nhưng con thấy thật thanh tịnh nhẹ nhàng, con cảm thấy lòng không còn buồn phiền lo lắng mà thật thư thái dễ chịu… Con muốn cảm ơn những ngừơi đã xây dựng và sắp đặt nên cảnh chùa này, cảm ơn những người đã chăm sóc hoa cỏ đẹp đẽ nơi đây. Con muốn được gặp thầy Minh Đức để bày tỏ lòng cảm ơn vì thầy đã viết những vần thơ thiền thật hay".
Sau một vài câu thăm hỏi trân trọng và xúc động ấy, thầy Minh Đức mời chúng tôi ngồi trên bộ ghế thấp trước hiên để đàm đạo. Thấy chúng tôi tỏ lòng ngưỡng mộ những câu thơ thiền theo kiểu thư pháp, thầy đã tặng chúng tôi quyển thơ “Giun dế, Hư vô và Hạt lửa xanh” do nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 5/2008. Đây là tập thơ 194 trang, gồm 60 bài thơ của nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ khưu Giới Đức). Trang cuối có chụp một bức chân dung của thầy và dòng thơ như là tóm tắt nội dung của cả quyển thơ: “Vu vơ viết một câu thiền, giật mình chiếc lá một miền trăng rơi!”
Theo lời đề nghị của chúng tôi, thầy kể lại câu chuyện lập chùa Huyền Không Sơn Thựợng, gắn với một phần cuộc đời của thầy. Thầy qui y từ năm 29 tuổi (đến nay đã được 36 năm). Lúc xưa thầy tu ở chùa Huyền Không 1 (ngôi chùa mà chúng tôi đến viếng trứơc khi đến đây). Năm 1989, khi nhà nước có chủ trương giao đất cho người dân trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Thầy đã xin khai phá trồng rừng trên một khu đất trống đồi trọc hoang hóa rộng 50 hecta mà người dân ngại gian khó không làm. (Cái tên “hòn Vượn” đã nói lên tính chất cằn cỗi hoang vu của ngọn đồi thuộc làng Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà này). Sau 10 năm đổ công sức và mồ hôi trồng cây gây rừng, khi khu đồi trọc đã phủ xanh bóng cây, thầy và các đệ tử đã dựng nên các liêu cốc, bẩy từng hòn đá để lập vườn cảnh.
Thầy bảo: “Trong Phật giáo có 5 loại hình tu tập. Đó là tôn giáo tín ngưỡng (lập chùa chiền); từ thiện xã hội; giáo dục (mở trường lớp tu tập); văn hoá nghệ thuật đạo pháp (viết sách, thơ ca,); sinh họat tâm linh (thiền định). Lọai hình 1, 2,3 thì đã có nhiều rồi. Nên tôi chọn 2 lọai hình sau”.
Hỏi về những công trình còn đang trong quá trình gầy dựng, thầy cho biết: “Tổng diện tích các công trình nhà cửa và vườn cảnh nơi đây chỉ có 3,7 hecta và đã được chuyển thành đất chuyên dùng. Các am cốc này được làm từ cây đã trồng mừơi mấy năm trước… Cả khu rừng đồi này rộng khoảng 60 hecta. Tôi muốn dành 50% diện tích làm một khu vườn nghệ thuật gồm có vườn cảnh và thư pháp, vườn tượng và nghệ thuật sắp đặt; vườn ảnh nghệ thuật… Còn 50% còn lại, nếu được Nhà nước chấp thuận, tôi sẽ làm một Thiền viện và nhà cốc liêu cho các thiền sư đến tu tập. Trên con đường ấy, cho đến nay tôi chỉ mới đi được 2-3 phần mười. Chưa đi hết vì không có khả năng... ”.
Những công trình của chùa Huyền Không Sơn Thượng này đều được hình thành từ sự phát kiến của thầy. Được biết, 80 % là do tự lực cánh sinh với sự cật lực làm việc của hơn 20 chư tăng và đệ tử, từ việc dựng cột kèo, lợp mái, đến việc bẩy những hòn đá, vun những luống hoa… Tuy còn sơ sài và chưa sắc sảo nhưng tất cả đã toát lên vẻ đẹp mà người ta gọi nôm na chân – thiện – mỹ. Thầy bảo: “Từ xưa, kiến trúc chùa chiền của Việt Nam mình bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo với cung cách thờ tự đăng đối, cách bày trí nhà cửa vườn cảnh cũng đăng đối. Còn tôi, tôi muốn phá bỏ sự đăng đối trong xây dựng, nhưng vẫn giữ sự cân bằng, để có được quân bình cảm giác, quân bình cái tâm. Trên tinh thần đó tôi lập vườn cảnh và dựng nhà. Thọat nhìn thì thấy có vẻ không cân đối nhưng vẫn tạo được cảm giác quân bình, và giúp cho cái tâm thanh thản - như quí vị đã cảm nhận.. Chúng tôi đã vận dụng đạo Phật và lấy văn hoá nghệ thuật làm cơ sở. Quí vị lên chùa thấy tâm hồn yên ổn thanh bình, là do cây cỏ hoa lá thuyết pháp."
- Thưa thầy, mong muốn, tâm nguyện của thầy là gì ạ?
- Tôi vẫn mong muốn làm sao hình thành 5 khu vườn văn hóa nghệ thuật đạo phục vụ nhu cầu dân sinh đến thưởng ngoạn cho tâm hồn thanh tịnh thanh nhàn và hoàn thành khu vườn thiền cho Phật tử đến tu tập...
- Hiện nay, nhà chùa có gì khó khăn không, thưa thầy?
- Cái khó lớn nhất hiện nay là ở đây chưa có điện.
- Để kéo điện lên đến đây chắc là tốn kém lắm?
- Theo sự tính tóan của công ty điện lực 3 thì để xây dựng trạm biến áp cho chủa Huyền Không thì cần phải có trụ cao thế, 32 trụ trung thế, 40 trụ hạ thế và đừơng dây điện trải dài trên 3,6 km. Tổng kinh phí lên hơn 1 tỷ đồng.
Cô bạn nhà thơ nói với tôi: “Con số ấy tuy thật lớn nhưng nếu có sự đóng góp của nhìêu Phật tử và nhiều nhà hảo tâm thì cũng có thể được”
Trong xã hội hiện tại, nhu cầu và áp lực cuộc sống gấp gáp bộn bề cứ cuốn người ta đi, không có thời gian dừng lại để tĩnh tâm... Lọai hình du lịch tâm linh, viếng chùa cầu nguyện, tập yoga, ngồi thiền là cánh để tự làm giảm stress, tự quân bình tinh thần… Nếu như Huyền Không Sơn Thượng được xây dựng hoàn thiện như‎ thầy mong muốn thì Phật giáo Huế sẽ có thêm một ngôi chùa có vườn thiền cho Phật tử tu tập và Huế sẽ có thêm một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.
Từ giả thầy Minh Đức, chúng tôi còn tranh thủ chụp những tấm hình để lưu giữ nét thanh tịnh nơi đây và chép những câu thơ thư pháp làm hành trang tinh thần cho cuộc sống sắp tới.
“Qua khe nhặt hạt sương rơi
Thấy trong bọt nứơc nụ cười tiền thân”
“Thương ai gánh chữ đường dài
Đường nghiêng nghĩa lệch, mõi vai nhân tình”
“Khai hoa tâm pháp bốn mùa.
Thơ treo công án hiên chùa đợi ai?..."
Q.L (Người Viễn Xứ)
Theo http://www.hue.vnn.vn/

Nghĩ về một sắc thái riêng của Huế
Làm sao cảm nhận được cuộc sống đầy thơ mộng và đầy thú vị trong cảm giác ở Huế khi ta lưu lại đó ít ngày. Bởi Huế đẹp với dáng vẻ duyên dáng riêng của nó, một cái đẹp được kết hợp giữa thiên nhiên với những hứng khởi của con người trong sự tĩnh lặng siêu nhiên, đem lại sự thư thái trong tâm hồn của ta.
Du khách đang xuống thuyền rồng 
để thực hiện chuyến đi của mình
Huế không có sự tương phản, không có sự ồn ào náo nhiệt của công nghiệp và thương nghiệp lớn. Huế là cả một sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người.
Một vòng cung của dãy núi phía Tây chạy dài từ Bắc xuống Nam với những màu sắc luôn thay đổi, khi thì màu lam đục, khi thì màu trắng sữa, lại có khi màu tím mờ. Rồi một con sông không dài gối đầu lên dãy núi, nhẹ nhàng chảy xuôi theo hai bờ phượng vĩ đỏ rực khi trời hè, có lúc men theo đôi bờ màu bích ngọc của cỏ cây, đi qua những nhà vườn - vườn nhà kín đáo. Con sông đó, sông Hương đó lại như một suối tóc dài được cài lên trên đó một chiếc lược trắng bạc - cầu Tràng Tiền - có in hình những tà áo dài trắng vừa đủ kín đáo và duyên dáng.
Sông Hương đắm mình trong vẻ đẹp nên thơ mờ ảo của sương sớm bồng bềnh, khi chìm khi khuất trong màu tím của cỏ cây đôi bờ, như mơ như thực, lặng lờ êm ả trôi như còn lưu luyến điều gì chưa muốn trôi xuôi đổ ra các đầm phá mênh mông. Giữa khung cảnh sông núi hữu tình ấy, các lăng tẩm, đền chùa nằm chen vào, như tô điểm thêm cảnh trí tuyệt vời, đưa con người càng đắm mình trong ngọt ngào của cuộc sống, trong âm vang của tiếng chuông chiều, trong những giai điệu tụng kinh của âm nhạc nhà Phật. Một giọng nói Huế nhỏ nhẹ, dịu dàng mà dễ thương của các cô gái, một giọng hò mái nhì man mác làm xao xuyến biết bao lòng người.
Con người Huế yêu thiên nhiên, con người. Huế với sự trầm tĩnh của nội tâm sống trong nghiêm ngặt của lễ giáo các đạo Khổng, Nho, Phật. Một nét vui mà nghiêm trang, một cái phóng khoáng nhưng có chừng mực, một sự dâng tràn nhưng vẫn dè dặt đã tạo nên một cái chừng mực - một nét hài hoà của xứ Huế, của người Huế. Góp thêm cho sắc thái Huế một nét riêng nữa là cuộc sống của hoàng tộc trí thức - "các mệ", và quan lại - đồ nho trí thức làm nên một tính cách Huế sâu lắng không khoa trương ồn ào; một nét chân chất, dịu dàng tế nhị, dễ thương và đa cảm.
Sắc thái riêng biệt đó của Huế đã làm xiêu lòng bao người, đã là nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ, và cũng là nền tảng cho một nền ca nhạc Huế với dáng vẻ riêng biệt của nó, mà chỉ riêng ca Huế mới có. Ca Huế chú trọng khai thác kỹ năng đàn và hát hơn là công việc hát những lời thơ trong hát ả đào.
Ca Huế là một môn nghệ thuật độc đáo bởi vì không phải ai ca cũng đúng giọng điệu, mà phải là người Huế ca. Ca Huế chỉ dành cho người Huế ca.
Sắc thái của Huế là vậy. Sắc thái của ca nhạc Huế là vậy. Một sắc thái của riêng Huế "không nơi nào có được" trong tính cách hài hoà của Huế.
Năm 1975, tôi được trở lại Huế sau 28 năm xa cách, Huế vẫn không thay đổi, không mất mát trước sự cám dỗ của văn hoá tiêu dùng phương Tây trong những năm trước đó. Huế vẫn là Huế hằng ngày bên bờ sông Hương lững lờ.
Vào những năm sau này, cứ mỗi lần gặp lại Huế thấy Huế như khác dần đi. Những mái nhà cao tầng chen chúc lộn xộn làm mất nét gì đó trong cuộc sống. Tiếng chuông chùa không còn vang vọng như xưa, và hình như bị chặn đứng bởi làn sóng âm thanh trong các quán cà phê được mở hết cỡ ồn ào, chát chúa. Huế hãy giữ lấy ngón đàn, tiếng ca của giọng Huế, của một nghệ thuật tao nhã, một loại âm nhạc cổ điển, một nghệ thuật riêng của Huế.
Nguồn Quê Hương
Theo http://www.hue.vnn.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...