Một góc phố đầy lá vàng rơi của cố đô, hồ sen Tịnh Tâm, hình ảnh
cách điệu của người thiếu nữ Huế trong chiếc áo dài, một vài hình ảnh của nhã
nhạc cung đình… đưa khách vào một không gian rất riêng của quán Tịnh Tâm (57 Võ
Văn Tần, Q.3, TP.HCM).
Với tâm ý đưa một không gian “rất Huế” vào Sài Gòn, chị Tuyết
Mai – chủ quán – đã đầu tư và kiến tạo nên Tịnh Tâm quán. Nữ chủ nhân đã cất
công về Huế “bắt cóc” các sinh viên từ các trường đào tạo du lịch của Huế. Ngay
cả đầu bếp cũng được tuyển chọn từ dân Huế chính hiệu. 36 món ăn mang đậm hương
vị Huế được chế biến, trình bày sao cho khách hàng không chỉ nếm mà còn được ngắm,
được thư giãn. Mỗi món ăn đều có một loại nước chấm, cách dùng riêng. Khi bưng
thức ăn ra bàn cho khách, phục vụ quán đều giới thiệu món ăn, dẫn giải cách
dùng sao cho ngon miệng nhất. Ăn bánh nậm thì phải lột lá ra, dùng đũa cuộn
tròn lại vừa đẹp, vừa dễ ăn, để nhấm được cái vị thanh của bột, vị ngọt béo của
tôm, thịt. Trong cái rá nho nhỏ xinh xinh, những chiếc bánh bèo làm cho người
dùng dễ… ăn hoài không chán. Nước mắm dành cho bánh bèo thì ngọt hơn bánh nậm,
nhưng đã là món Huế thì đặc điểm chung là đều… cay vị ớt của xứ này.
Đáp ứng nhu cầu sành ăn của khách, TP.HCM có rất nhiều quán
Huế (hoặc giả Huế) mọc lên với đủ món, đủ giá. Có quán nấu ăn ngon, nhưng lại…
mất vệ sinh, hoặc có những quán lại tạo cho khách một cảm giác khó chịu vì sự ồn
ào, phục vụ cáu cẳn. Nắm bắt tâm lý khách hàng, Tịnh Tâm đem lại cho người đến
một sự dễ chịu có “đẳng cấp”. Anh Lê Minh Trung – quản lý quán Tịnh Tâm – cho
biết: “Khách hàng vẫn thường quan niệm “tiền nào của nấy”. Khách đến Tịnh Tâm
chủ yếu là khách quen. Ngoài sở thích thưởng thức món ăn Huế, cái giữ chân
khách hàng ở lại cùng Tịnh Tâm đó là một cảm giác thanh thản trong “gu” thiết kế
của quán cùng với dòng nhạc nhẹ êm dịu, lãng mạn”. Giá cả trung bình 12.000 –
60.000 đồng/ thức ăn, khách đến Tịnh Tâm có thể tìm thấy các món từ bánh bèo,
bánh nậm, bánh lọc, bún bò, bánh canh Nam Phổ… cho đến cơm sen, cơm Tịnh Tâm.
Bất chợt một ngày, có ai đó dừng chân bên phố và thèm được nếm
cái vị cay của ớt trong chén nước mắm của bánh bèo, hãy thử đến Tịnh Tâm để được
thả hồn lãng đãng cùng những vần thơ nhẹ nhàng như trôi về từ một cõi xưa nào
đó…
“Huế ơi…
Bến đò cũ
Sao chừ vẫn nhớ!…
Huế ơi!
Bao nỗi đoạn trường
Mà sao Huế vẫn
Phố phường thong dong”
Nguồn mientrung.com
Theo http://www.hue.vnn.vn/
Người Huế nổi tiếng với nhiều món ăn ngon vì sự tinh tế. Món
chè, được quen gọi là chè hẻm, không chỉ ngon mà còn giá rẻ khó ngờ. Gần 20 năm
nay, món chè Huế đã “cư ngụ” ở Hà Nội trong những không gian phố rộng rãi, khác
hẳn những cái quán nhỏ xinh trong các con hẻm của Huế.
Cách đây 20 năm ông Nguyễn Hữu Minh nghĩ tới sự mến mộ của thực
khách với chè Huế, lại thấy đất Hà thành ít có các quán chè ngon nên đã mang cả
gia đình ra Hà Nội mở cửa hàng.
Ông thuê được nơi có mặt tiền rộng, từ 7 - 8m trở lên để tạo
không gian thoáng đãng ngay từ ban đầu cho khách. Ông còn nhấn mạnh nét Huế của
quán bằng những khung ảnh cảnh đẹp Huế.
Hàng chục chiếc nồi đựng chè lớn nhỏ được xếp sát cạnh nhau tại
quầy ngay lối ra vào: chè hạt sen, chè kê, chè bông cau, chè khoai tía, chè
môn, chè bột lọc bọc thịt quay, chè đậu, chè đậu ván đặc, chè đậu xanh đặc, chè
đậu huyết, chè nhãn bọc hạt sen,...
Những chiếc bàn ăn nhỏ thấp, đơn giản nhưng sạch sẽ. Trên bàn
luôn có một bình nước đun sôi để nguội đầy đặn và những chiếc ly nhỏ để khách
dùng tráng miệng.
Chè ở đây có mùi thơm đặc trưng của lá dứa và ngọt vừa phải.
Ăn nóng hoặc lạnh đều rất ngon. Ông Minh có bí quyết nấu chè riêng, mà ngay nhiều
quán chè trong Huế cũng không nấu được.
Các hạt đậu được ninh công phu, làm sao cho đường ngấm từ
trong ngấm ra, đậu mềm, bở mà vẫn nguyên hạt tròn trịa. Nguyên liệu cũng mang từ
trong Huế ra, như ngô được lấy từ Cồn Hến, hạt sen lấy từ Đại Nội. Còn các loại
đậu ở Huế đều có vị khác với các địa phương khác, khiến cho vị chè của quán
cũng thêm phần đặc trưng.
Ba cửa hàng chè của ông Minh ở tại 327 - phố Bạch Mai, 336 -
Khâm Thiên và 306 - Cầu Giấy đều giống hệt nhau về hình thức bên ngoài và cung
cách phục vụ.
Thời gian đầu, ông lấy tên cho quán đơn giản là Chè Huế. Sau
mọc ra nhiều cửa hàng bắt chước ông quá, ông Minh mạnh dạn đổi tên quán thành
Chè Cung Đình. Ông cũng ngầm muốn nói với khách hàng của mình về một vẻ riêng của
quán, một sự tinh tế cao độ của món ăn chơi bình dị mà không dễ tìm ở nơi khác.
Tất cả các loại chè ở đây đều chỉ cùng một giá: 5.000 đồng.
Nguồn SGTT
Huế, đi giữa mùa hoa
Có lần em hỏi tôi: Về Huế khi mô là thích nhất hở anh? Tôi trả
lời em: Về Huế khi mô cũng thích, tùy theo tâm cảm mỗi người. Tuy nhiên, vốn
yêu hoa tôi đã bảo em nên về trong khoảng tháng Tư, tháng Năm dương lịch.
Ấn tượng Huế trong thời gian này là những màu hoa. Hoa nhãn
đơm màu nắng. Hoa ngô đồng tím chiều thơm. Hoa sứ tỏa hương trước sân chùa ngày
Phật đản.
Hoa phượng thắm đỏ những con đường. Hoa sen trắng, hoa sen hồng
lung linh đón nắng , trao thơm...
Em biết không? Dường như với người Huế, mỗi loài hoa trên là
mỗi dòng kỷ niệm riêng tư.Là những hồi ức đẹp về một thời đã sống, đã gắn bó,
yêu thương. Hoa đã đi vào hội họa, nhiếp ảnh, thơ ca, âm nhạc...Hoa được tôn
vinh trước cuộc đời.
Đêm tháng Tư lang thang với em trong nội thành, có lần tôi đã
chỉ cho em thấy hai vầng trăng đêm cùng xuất hiện. Dưới mặt hồ yên tĩnh thành
gương có một vầng trăng. Trên trời cao xanh thẳm có một vầng trăng. Vầng trăng
đêm chợt hiện thành đôi. Một của em rực rỡ bên trời. Một của anh mặt hồ lạng lẽ.
Trang thơ tình lấp lánh trăng soi. Trăng như thơm bởi sen thành nội. Hương sen
thầm trao cho những cuộc tình đang diễn ra lãng mạn dưới những con đường trăng.
Nụ hôn thơm như một đài sen.
Lại thêm, trong cái heo may vì ảnh hưởng rét nàng Bân từ
phương Bắc trôi về, một chiều em đã hỏi tôi về một màu hoa tím như chiếc khăn
"voan" choàng lên không gian là loài hoa gì. Hoa ngô đồng tím ngắt
chiều thơm. Anh mời em ngắm màu hoa tím. Hiểu nhau rồi tình yêu bất biến. Chim
phượng hoàng gọi bạn đậu cành ngô. Cây ngô đồng từ xa xưa đã được xưng tụng, ngợi
ca trong những áng thơ Đường: "Ngô đồng nhất lạc diệp. Thiên hạ cộng tri
thu"...Một lá ngô đồng rơi ai cũng biết thu về. Hoa ngô đồng tím bên công
viên cạnh dòng Hương giang với em, với tôi là tín hiệu mùa xuân đang ở lại bất
biến một cuộc tình dài giữa Huế.
Rồi một ngày tháng Năm, không hẹn trước với em. Tình cờ hai
ta lại gặp nhau trên những con đường nắng. Hoa phượng lung linh ánh lửa trên nền
lục diệp của lá phượng rợp tiếng ve ngân. Hoa phượng bay đỏ lối em về. Chiều nội
thành dịu dàng bay áo trắng. Dòng Hương xanh chuồn chuồn bay đón nắng. Hoàng
hôn đầy thoáng tím mây bay. Màu hoa Huế hòa sắc trong áo trắng em cùng dòng
Hương xanh, hoàng hôn tím. Bức tranh hiện giữa đời từng nét đan thanh.
Và hương sứ nữa. Hương sứ đưa hồn ta vào cõi tịnh yên. Những
sân lăng u tịch, thâm nghiêm. Những cung điện vàng son một thời bên thành quách
cũ rêu phong. Những chốn thiền cổ kính ngời lên hương sứ, ngời lên âm ba tiếng
chuông chùa thu không mời gọi sự bình yên về đậu giữa cái Tâm tự tại của người
người.
Khi mô em về với Huế? Câu hỏi đang chờ em đi giữa mùa hoa.
Võ Quê
Nguồn vannghesongcuulong.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét