Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Lãng đãng với thơ người

Lãng đãng với thơ người
Tôi nhớ rằng tôi đã đọc lại bài thơ ấy khi tôi đang bắt đầu với một tình yêu:
"Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn".
Và những câu thơ ấy cứ ám ảnh tôi mãi, ám ảnh như là một định mệnh. Tôi nhớ ngày nào Thuý Kiều đã đứng khóc trước mộ Đạm Tiên. Tôi không phải là Kiều. Tôi không muốn "mỗi lời là một vận vào khó nghe". Vậy mà, không hiểu sao, những câu thơ này - dường như đang vận vào tôi, nó sống trong tôi như một sinh thể không thể tách rời được.
Em lo âu trước xa tắp đường mình...
Mãi đến khi tai nạn giao thông bất ngờ và thảm khốc ấy xảy ra thì người ta mới biết Xuân Quỳnh có lo xa, lo hão gì đâu... Còn tôi? Xuân Quỳnh được biết đến như là một tiếng thơ - tiếng lòng - tiếng tâm hồn chân thành và giản dị. Không có chữ nghĩa cầu kỳ, cũng không có biện pháp tu từ làm cho câu chữ sáng choang ánh đèn điện. Ngôn từ trong thơ chị như ánh đèn dầu ở xóm quê của bà mẹ nghèo sớm hôm lam lũ. Ánh sánh nhỏ, ngắn, yếu ớt soi rọi chỉ một khoảng không gian. Nhưng ánh sáng ấy ấm. Ấm đêm lạnh và ấm lòng buồn. Hãy thử một lần đọc lại Tự hát mà xem:
"Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu..."
Có đâu ngôn từ hoa mỹ, thế mà nó đã găm sâu và mọc rễ trong trái tim tôi cùng bao nhiêu người yêu thơ và yêu đời - yêu người khác. Những trái tim đang yêu có bao giờ thôi lo lắng, thôi băn khoăn, thôi mong cắt nghĩa tình yêu dù biết rằng tình yêu thật thì làm sao mà cắt nghĩa. Như một lần nào đó, Xuân Quỳnh đã băn khoăn:
"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau..."
Tôi thường không thích so sánh những người tôi yêu quý và những điều tôi trân trọng. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn làm điều ấy:
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều"
Xuân Diệu trong một lúc bâng khuâng nào đó cũng nói và nghĩ như Xuân Quỳnh. Thế mới thấy đó đúng là tình yêu không dành lo âu và băn khoăn cho riêng ai.
Tôi lại đi quá xa bài thơ mà tôi muốn nói với bạn rồi.
"Tự hát" thật sự là tiếng hát của một trái tim yêu quá con người, yêu quá tình yêu trên cõi đời này. Xuân Quỳnh đến với tình yêu như là một thiên sứ bị lưu đày. Chuyện cổ tích kể rằng loài hoa quỳnh vốn là tiên vì quá yêu một người trần thế nên mắc đọa xuống trần. Xuân Quỳnh lại là bông hoa quỳnh của mùa xuân thì làm sao tránh khỏi hương yêu ngào ngạt?! Chị xem tình yêu là cứu cánh của mình nên mọi biểu hiện nghi ngại nào dù nhỏ nhặt cũng đủ làm trái tim nhỏ bé kia run rẩy:
"Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Ngoài cửa sổ những con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài trong sâu thẳm rừng anh..."
Thế đấy, trái tim biết từ chối mọi xa hoa, không muốn là vàng, là mặt trời, cuối cùng cũng chỉ nhận về những lo âu. Lo âu đã trở thành tâm hồn của chị, là nhạc điệu da diết của tâm hồn ấy...
Đi qua nhiều giông bão trong đời, mục đích cuối cùng của con người là tìm một chốn neo đậu bình an cho riêng mình. Trái tim của người đàn bà tự hát đã lên tiếng:
"Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi...."
Tình yêu dài suốt cuộc đời. Tình yêu mạnh hơn cả cái chết. Tôi vẫn hằng mong tình yêu ấy đến với mình trong một ngày không mưa và sẽ ở lại bên đời tôi mỗi phút giây mặc ngoài kia gió bão. Vẫn hằng mong trái tim tự hát những khúc lo âu của mình sẽ được người thấu hiểu và chia sẻ cùng với những yêu thương.
Theo http://www.slna-fc.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...