Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Một vài cảm nhận về tập truyện "Chuyện hoa, chuyện quả" của nhà văn Phạm Hổ

Một vài cảm nhận về tập truyện 
"Chuyện hoa, chuyện quả" của nhà văn Phạm Hổ
Đặc sắc nhất trong sáng tác văn xuôi dành cho trẻ thơ của Phạm Hổ là tập truyện “Chuyện hoa, chuyện quả”. Đây là tác phẩm viết theo lối cổ tích hiện đại được Phạm Hổ dành nhiều thời gian và tâm sức nhất. Những câu chuyện hấp dẫn trong tập truyện không chỉ cung cấp cho các em những hiểu biết về sự phong phú, kì diệu của thiên nhiên mà còn giúp các em hiểu thêm về những số phận, những cảnh đời. Từ cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ trong hành trình đi tìm lẽ phải, các em sẽ có những suy nghĩ hướng  thiện, đề cao lòng nhân ái, sự dũng cảm và đức hy sinh của con người.
Chuyện hoa, chuyện quả được ra đời từ niềm say mê  thiên nhiên cây cỏ và tình yêu thương trân trọng dành cho các em thiếu nhi của nhà văn Phạm Hổ. Trong khoảng năm mươi câu chuyện kể về sự tích của các loài cây, loài hoa, loại quả, tác giả đã luôn cố gắng tìm tòi những cách thể hiện khác nhau để không chuyện nào giống chuyện nào, để mỗi chuyện đều mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, có thể hình dung Chuyện hoa, chuyện quả như một khu vườn đầy hương thơm và sắc màu của các loài hoa, quả.
Trong tác phẩm, cây quả trở thành phương tiện thể hiện những tình cảm, những phẩm chất cao quý của con người. Mỗi câu chuyện của ông đều mang hai tên gọi. Chẳng hạn như Những bàn tay nhiều ngón (hay là Sự tích cây chuối); Quả tim bằng ngọc (hay là Sự tích quả loòng boong)... Ngay từ cái tên gọi ban đầu, câu chuyện đã thể hiện một dấu hiệu dễ nhận biết về đặc điểm bên ngoài của hoa quả. Đi vào chi tiết, tác giả cho biết thêm về nguồn gốc xuất hiện. Bên cạnh việc giải thích nguồn gốc xuất hiện, lý do của mỗi cái tên mà chúng mang, tác giả cũng nêu tính chất, tác dụng của mỗi thứ cây, hoa, quả trong cuộc sống và thái độ của con người đối với chúng. Điều đáng nói là từ mỗi giống cây, hoa, quả đó, tác giả đã nhìn ra số phận con người. Mỗi loài hoa loài quả, qua cách kể của Phạm Hổ đã mang đến cho bạn đọc những nội dung thông điệp về cuộc đời. Đằng sau mỗi huyền thoại về thiên  nhiên chính là một huyền thoại đẹp về tình người mà nhà văn muốn gửi gắm đến các bạn đọc nhỏ tuổi. Theo quan niệm của ông, sự tích hoa, quả bao giờ cũng gắn với một phương diện nào đó trong đời sống lao động, chiến đấu và tình cảm của con người. Qua đó, tác giả khẳng định rằng hoa, quả thường là kết tinh những tình cảm cao quý như tình mẹ con, tình anh em, tình bạn bè, tình thầy trò, tình yêu đôi lứa hoặc tình cảm vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước... đó là những tình cảm và phẩm chất tốt đẹp của con người và cũng là thế giới của những ước mơ bay bổng tuyệt diệu.
Nhà văn Phạm Hổ dẫn dắt những người bạn nhỏ tuổi của mình vào thế giới đời sống tình cảm gia đình. Với trẻ em, không gì gần gũi và thân thiết bằng gia đình. Trong thế giới đó, các em thấy rõ tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái và sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.  Phạm Hổ đã khéo léo dẫn dắt các em khám phá những điều thú vị và kì diệu về không gian quen thuộc đó qua những tình huống đặc biệt trong những hoàn cảnh cụ thể.
Sự tích quả Loòng Boong là câu chuyện cảm động về tình mẹ con, câu chuyện kể lại rằng: “Những ngày xưa lắm, có hai mẹ con nhà nọ nghèo quá, phải đi ở cho một tên nhà giàu. Cha em bé vốn làm nghề kiếm củi trong rừng, một lần không may đã bị hổ vồ chết.
Cả ngày làm hết mọi công việc nặng nhọc, lại bị đánh mắng, hai mẹ con chỉ thấy vui sướng khi đêm đến, được nằm bên nhau trên mảnh chiéu rách trải ở xó nhà. Lúc ấy, người mẹ mới ôm con vào lòng mà vuốt ve, an ủi.
Một lần em bé gái bị ốm nằm liệt không dậy nổi. Người mẹ thương con, thỉnh thoảng lại lén vào thăm. Tên nhà giàu thấy được hắn nắm lấy tay em bé giật mạnh một cái rồi lôi dậy bắt đi làm. Hắn vừa bỏ tay ra thì em bé ngã khuỵu xuống. Tên nhà giàu càng tức giận. Hắn chộp luôn cái roi mây quất vào lưng em mấy cái. Em bé cùng người mẹ thét lên. Mà kỳ lạ quá, tên nhà giàu quật bao nhiêu làn roi trên lưng đứa con thì bấy nhiêu làn roi cũng hiện lên trên lưng bà mẹ. Từ đó hễ tên nhà giàu đánh con đau ở đâu thì người mẹ đau ở đó, đánh người mẹ đau ở đâu thì đứa con cũng đau ở đó”... Phạm Hổ đã miêu tả về mối tương cảm mẫu tử thật thiêng liêng. Nối kết giữa mẹ và con là sợi dây yêu thương - sợi dây có khả năng chống chọi lại với cái ác và muôn vàn nỗi đau khổ của cuộc đời.
Truyện Sự tích cây Dừa, ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của cô gái đã liều chết đến vườn của tên chúa Chín Mồm tìm thuốc quí về cứu mẹ. Cô gái đã bị kẻ ác chặt đứt cả mười ngón chân và mười ngón tay nhưng vẫn cố gắng đứng lên đem thuốc về cho mẹ rồi mới tắt thở. Cô gái ấy chết nhưng lòng vẫn không nguôi thương nhớ mẹ nên cô đã hoá thành cây dừa với dòng nước ngọt mát, để mỗi lần thấy mẹ, cây lại cất tiếng hát:
“Con sống không nuôi được mẹ
Chết đi xin hoá thành cây này
Lá cây lợp nhà mẹ ở
Bẹ cây than củi đốt thay
Mẹ hái quả xanh xuống bổ
Nước trong mẹ đỡ khát ngay
Mẹ cạy lớp cơm ruột trắng
Thay cơm mà sống qua ngày
Mẹ tước vỏ đem xe sợi
Võng mềm đưa giấc ngủ say”.
Sự tích cây Sung; Sự tích cây Vú sữa Sự tích cây Chuối; Sự tích hoa Vạn Thọ ...cũng là những câu chuyện hay và cảm động về tình mẫu tử. Qua những câu chuyện này, nhà văn đã giúp bạn đọc hình dung được rằng: bên cạnh những điều khắc nghiệt trong cuộc đời, cuộc sống còn bao điều kì diệu được nảy sinh trên cơ sở tình yêu thương. Ông đã đem đến cho các em niềm tin vững chắc về giá trị của tình yêu thương trong cuộc đời. 
Sự tích hoa Thiên Lý là câu chuyện không kém phần ly kỳ, hồi hộp ca ngợi tình cảm vợ chồng son sắt thuỷ chung. Chuyện kể rằng: Có một con rắn lục, vì mê tiếng sáo của một chàng trai nên đã biến thành một người phụ nữ giống hệt vợ anh ta, khiến anh ta không thể phân biệt được đành phải nhờ một cụ già phân xử giúp. Hai phép thử ban đầu đều thất bại. Hai người phụ nữ đều bị bịt mắt, dùng mũi ngửi mồ hôi ở áo để nhận ra đâu là mồ hôi của chồng, ngửi mùi bát canh để nhận ra đâu là thứ canh chồng thích ăn. Vì mắt rắn có khả năng nhìn xuyên qua vải đen nên người vợ thật làm thế nào, người vợ giả làm thế ấy. Đến lần thứ ba, cụ già cho hai người đứng ở hai nơi, không trông thấy nhau, nhưng cùng nhìn ra một con đường ở phía trước mặt, cách chỗ đứng khá xa để nhận diện chồng, khi nhận ra phải gọi lên. Hai người trai trẻ đi qua mà cô vợ trẻ vẫn im, nên khi thấy người thứ ba xuất hiện, cô vợ giả hấp tấp lên tiếng vì vậy bị lật tẩy. Còn cô vợ thật nói: “Nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, nghìn dặm, cháu vẫn nhận ra”. Sau khi nhận diện xong, vợ chồng họ được đoàn tụ. Người vợ thật nhận ra chồng mình vì cô biết dáng đi của chồng. Một chiều nọ có một con chim thả xuống sân nhà họ một chùm hoa “màu xanh phơn phớt vàng hình giống  như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt”, họ nhặt để bên cửa sổ, hôm sau hoa đã kết liền vào một cây dây leo. Đó là hoa thiên lý, loài hoa có nguồn gốc huyền thoại về tình cảm vợ chồng: “Thiên lý là vạn dặm, nghìn dặm mà vẫn nhận ra được chồng mình”...
Tình cảm anh em huyết thống luôn là mối quan hệ gắn bó keo sơn thắm thiết, tình cảm đó sẽ bền chặt hơn khi nó được đặt trong những hoàn cảnh thử thách ngặt nghèo. Truyện Sự tích hoa Râm Bụt kể về hai anh em Cành và Búp. Cành là anh, khoẻ mạnh. Búp là em, bị liệt hai chân. Với tình yêu thương em tha thiết, Cành đã sẵn sàng làm tất cả mọi việc kể cả việc chấp nhận hoán đổi số phận của mình cho em chỉ mong sao em trai mình khỏi bệnh. Cành đi tìm Bụt để được Bụt giúp em của mình, khi Bụt nói với Cành phải hi sinh tấm áo đẹp của mình để may chiếc ô đỏ rước Bụt đến nhà chữa bệnh cho em trai và Bụt còn bảo Cành phải đổi bàn chân cho Búp thì Búp mới đi lại được như những đứa trẻ khác. Cành đã không một chút đắn đo, “Cành quả quyết: Thưa Bụt, dẫu sao cháu cũng đã được đi lại, bơi, trèo mấy năm nay rồi. Còn em cháu thì nó chưa hề được biết những cái thú ấy. Cháu đã lớn, dù có bị liệt, cháu sẽ còn có cách này hay cách khác. Còn em cháu thì nó còn bé quá, nó khổ quá...”. Tình yêu thương chân thành, mạnh mẽ của Cành đã chiến thắng nỗi sợ hãi và đã làm cho đôi chân của Búp được chữa lành. Kết thúc câu chuyện là hình ảnh ra đời một loài hoa mang sắc đỏ yêu thương của tình anh em. TruyệnSự tích hoa Sen ca ngợi hai chị em tuy không họ hàng với nhau nhưng hết mực yêu thương nhau. Khi người em bệnh nặng khó lòng qua khỏi, người chị đã đưa thuốc quý của  người ông để lại trước khi mất để cứu em. Còn cô em, khi biết chị đang ở trong tình thế nguy cấp đã trao cái túi nhỏ, vật phòng thân của mẹ để lại tặng chị.
Có thể nói rằng, những câu chuyện về tình cảm gia đình trong tập truyện Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ đã tạo nên một thế giới tình cảm giàu đẹp, phong phú và mang giá trị nhân văn tươi sáng.
Bên cạnh tình cảm gia đình, Phạm Hổ còn ngợi ca tình bạn, tình thầy trò. Nhà văn hiểu rằng, đối với các em, ngoài tình cảm quen thuôc của những người thân yêu trong gia đình, các em luôn có một nhu cầu không nhỏ về tình bạn cùng trang lứa. Đó là nhu cầu không thể thiếu đối với các em. Bởi vậy, ông đã dành cho các em những câu chuyện thú vị về tình bạn hết sức chân thành và đẹp đẽ. Cảm động nhất là truyện Em bé và Rồng convà truyện Em bé hái củi và chú hươu con. Qua cách miêu tả hết sức giản dị, nhẹ nhàng và không kém phần tinh tế, Phạm Hổ đã giúp các em hiểu được tình cảm chân tình của con người dành cho người bạn loài vật là sự quan tâm, an ủi, vỗ về... còn loài vật, đã làm bạn với con người bằng sự cảm thông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Và điều ý nghĩa nhất mà tác giả chuyển tải trong những câu chuyện về tình bạn chính là thông điệp: muốn có tình bạn đẹp phải biết yêu thương một cách chân thành.  
Sự tích quả Roi là câu chuyện cảm động về hai học trò đã cứu thầy và thực hiện niềm mong ước của người thầy trong sự nghiệp dạy học. Có lẽ vì thế nên khi chết, từ mộ hai người mọc hai mầm cây rất đẹp, rất hiền. Và khi cây hoa kết quả thì đó là một thứ quả mới lạ nhìn giống như hình những con ốc roi ngày nào, gợi nhớ lại hình ảnh người thầy năm xưa. Còn Sự tích cây Nhân Sâm là một câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo - một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Củ nhân sâm có dáng vẻ giống hình người và đó cũng chính là điều nhắc lại với người đời sau câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Truyện Sự tích hoa Phượng; Sự tích cây hoa Ngô Đồng cũng đã đem đến cho người đọc những câu chuyện vô cùng cao đẹp về tình cảm thầy trò. Người thầy không chỉ cho học trò của mình những “bồ chữ” mà còn giúp học trò của mình lớn khôn về tâm hồn và hoàn thiện nhân về nhân cách. Học trò không phải biết ơn thầy qua những câu “dạ thưa” mà còn biết sống có ích như bài học mà người thầy đã dạy.
Ngoài những nội dung nêu trên, Chuyện hoa, chuyện quả còn đề cập đến nhiều vấn đề khác về cuộc sống con người vốn phong phú và đa dạng như: Bài học về lòng nhân ái giữa con người với con người, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu lao động...
Bằng những huyền thoại về các loài hoa, quả quen thuộc trong cuộc sống,  Phạm Hổ đã đem lại cho các em một thế giới độc đáo với những khám phá mới lạ, diệu kì; giúp các em hiểu được ý nghĩa của các sự vật xung quanh mình. Điều sâu sắc nhất mà nhà văn đem lại cho các em chính là ý nghĩa của quá trình hoài sinh các loài hoa quả trong thế giới tự nhiên. Qua mỗi câu chuyện, tác giả đều dùng trí tưởng tượng để ghi lại những ấn tượng tốt đẹp về mỗi loài cây, cố gắng kết nối những chi tiết đẹp của cây với những tình cảm của con người. Từ đó, tác giả khẳng định: mọi thứ bắt đầu từ cội nguồn của tình yêu thương con  người, mỗi loài cây, loài hoa, loại quả hôm nay là sự hoá thân từ những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng trong quá khứ của tổ tiên cha ông. Vì vậy, chúng luôn có ích cho con người và rất cần được nâng niu, trân trọng bởi chúng là hiện thân của cái chân, thiện, mỹ mà con người thời đại nào cũng vươn tới.
Theo http://ppe.htu.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...