Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Mùa xuân, đọc thơ xuân của Hoàng đế Trần Nhân Tông

Mùa xuân, đọc thơ xuân của 
Hoàng đế Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên Trần Khâm, làm Vua 15 năm (1279 – 1293), làm Thái thượng hoàng 15 năm (1293 -1308). Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, nhân đức. Ông đã cùng vua cha lãnh đạo dân và quân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên, bảo vệ vững chắc giang sơn Đại Việt, tô đậm thêm hào khí Đông A.
Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, làm Thái thượng hoàng, dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu đạo Phật. Ông sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm.
Trần Nhân Tông cũng là một nhà thơ đích thực. Ông làm khá nhiều thơ và để lại nhiều vần thơ đẹp. Nhân dip đầu xuân mới, chúng ta cùng đọc lại mấy bài thơ xuân của vị vua, người anh hùng dân tộc vĩ đại này.
“Xuân hiểu” (Sáng xuân) là một bài thơ 5 chữ 4 dòng, chỉ có 20 chữ, rất vắn gọn, đã diễn tả được một nét đẹp của ngoại cảnh, của cuộc sống và sự an nhiên, thanh thản của tâm hồn nhà thơ:
Phiên âm:
Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ qui.
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch thơ :
Sáng xuân
Ngủ dậy, mở cửa sổ,
Chẳng hay xuân đã về.
Kìa một đôi bướm trắng
Đuổi theo hoa mải mê.

(Phan Thành Khương dịch)

Xuân đã về. Vâng, đó không chỉ là mùa xuân của Đất, Trời mà đó – quan trọng hơn – chính là mùa xuân của lòng người, mùa xuân trong lòng vị hoàng đế đã hai lần đánh tan đội quân xâm lược sừng sỏ nhất lúc bấy giờ, giữ cho Đất, Trời Đại Việt mãi mãi xuân, giữ cho cuộc sống của từng người dân (tôi nhấn mạnh) luôn luôn an vui, hạnh phúc.
Phật hoàng (Vua phật) Trần Nhân Tông vĩ đại là vì thế. Ông đã tìm thấy mùa xuân của mình trong mùa xuân của Đất Nước, trong mùa xuân của Dân tộc, trong mùa xuân của từng người dân. Thế mà vẫn có những kẻ toan bán đứng Đất Nước, toan bán đứng Dân tộc, toan bán đứng Nhân dân để tìm “mùa xuân”, “hạnh phúc” cho bản thân mình. Chúng sẽ chẳng bao giờ có được một mùa xuân, một hạnh phúc đích thực. Chúng sẽ phải nhận lấy sự căm hờn của Dân tộc, sự oán hận của Nhân dân.
“Đề Cổ Châu hương thôn tự” (Ghi tại chùa làng Cổ Châu) cũng là một bài thơ 5 chữ 4 dòng. Bài thơ đã nêu lên một nguyên lí, một chân lí mà ai cũng có thể nhận thức được, hiểu được:
Phiên âm:
Đề Cổ Châu hương thôn tự
Thế số nhất sách mạc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.
Dịch thơ:
Ghi tại chùa làng Cổ Châu
Sự đời, một màn tơ;
Tình người, đôi mắt thơ.
Ma quỉ mà nhốt kĩ,
Nước phật xuân trong mơ.

(Phan Thành Khương dịch)
Sự đời vốn rất phức tạp bởi vì nó liên quan đến hàng triệu con người. Tình người được biểu lộ qua đôi mắt. Thông thường và bình thường là thế. Nhưng hai câu sau mới thật đáng bàn. :
Ma quỉ mà nhốt kĩ,
Nước phật xuân trong mơ.
Ma quỉ ở đây chính là cái xấu, cái ác ở mỗi người và ở trong xã hội. Rõ ràng như thế. Quả đúng như thế. Khi cái xấu, cái ác bị loại trừ thì xã hội, Đất Nước tràn đầy xuân. Khi ấy, Đất Nước là một mùa xuân bất khả chiến bại. Dĩ nhiên, nếu ngược lại, khi cái xấu, cái ác nghênh ngang, lộng hành thì xã hội, Đất Nước đắm chìm trong đau thương, bất hạnh. Là một Hoàng đế anh minh và nhân đức, Trần Nhân Tông đã diệt được cái xấu, cái ác nơi ông và đã loại bỏ được cái xấu cái ác trong xã hội. Do đó, ông đã kiến tạo nên một mùa xuân lớn, một mùa xuân vô địch cho xã hội, cho Đất Nước.
Và thêm một bài nữa, bài “Xuân cảnh” (Cảnh xuân):
Phiên âm:
Xuân cảnh
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Dịch thơ :
Cảnh xuân
Đám hoa liễu rậm, chim hót chậm;
Bên mái tranh vàng, mây chiều bay.
Khách đến chẳng hỏi chi chuyện thế,
Chỉ tựa lan can nhìn mê say.

(Phan Thành Khương dịch)
Cuộc sông trôi qua thật êm đềm : hoa liễu nở chi chít, chim hót chậm rãi, mây chiều đang bay, … Và, người khách đến chơi “chẳng hỏi chi chuyện thế”, chẳng hỏi chi chuyện đời, chuyện người. Chẳng hỏi không phải do thờ ơ, không phải vì theo chủ nghĩa mặc kệ nó mà chỉ vì chẳng có điều gì phải bận tâm.
Xã hội Đại Việt, Đất Nước Đại Việt dưới thời Trần Nhân Tông, sau hai lần quật ngã bọn xâm lược phương bắc, là một xã hội, một Đất Nước thái bình, an lạc.
Ba đoản thi về mùa xuân của Trần Nhân Tông không chỉ được gợi cảm hứng từ một sự giao mùa, từ đất trời tự nhiên mà chủ yếu là được phát sinh từ một tâm hồn xuân, từ một cõi lòng xuân.
Đọc lại mấy vần thơ xuân Trần Nhân Tông, chúng ta khát khao phục hưng mùa xuân Trần Nhân Tông cho Đất Nước, mùa xuân mà “khắp thôn cùng xóm vắng, đâu đâu cũng không có tiếng hờn giận, oán sầu” (Nguyễn Trãi).
 Phan Thành Khương
Theo http://www.bansacviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin bình yên về qua

Xin bình yên về qua Cách đây khoảng gần một tháng trước Ngoại tôi bên Việt Nam trở bệnh. Chỉ là bệnh già chứ không phải gì quá nghiêm trọn...