Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Ngôi nhà trên núi cao

Ngôi nhà trên núi cao
Phan Văn Lợi đến với văn chương bằng một truyện ngắn hơi dài. Truyện hay, hấp dẫn, câú tứ chững chạc, văn trau chuốt - điều đó hứa hẹn con đường văn chương đang mở rộng trước mắt anh. Sông Hương xin giới thiệu với độc giả.
Tôi khoác ba lô trên vai, chào già bản và bắt tay hết lượt mọi người trong nhà, rồi khom người bước ra cửa đi xuống cầu thang. Đồng chí trinh sát an ninh huyện ló đầu qua ô cửa sổ dặn với theo: “Nhớ nghe! Cứ đi theo đường xe, chừng giữa trưa là tới bản N. Anh ghé vào đó hỏi đường, nếu muộn thì nghỉ lại mai đi!”. Nhìn ánh mắt lo lắng của anh, tôi bật cười, nói to: “ Nhớ rồi! Anh yên tâm!”. Tôi vẫy tay chào và hăm hở bước đi. Anh là người được Ban An ninh huyện cử đi dẫn đường cho tôi trong chuyến công tác này. Mục đích của tôi là tới bản A, để gặp một nhân chứng trong vụ án mà tôi sẽ không kể ra đây, vì nó chỉ là lý do dẫn tới câu chuyện tôi đang định kể. Chúng tôi đã đi được hai ngày đường. Nhưng tối qua lúc lội sang một con sông nhỏ, anh trượt chân ngã trên tảng đá bên bờ sông và ít phút sau thì cổ chân trái sưng vù lên, không bước được nữa. Tôi phải chặt cho anh một cây gậy để chống và dìu anh đi. Rất may chỉ nửa giờ sau chúng tôi tới được bản T. Già bản nắn lại khớp và đắp lá thuốc cho anh, nói phải năm ngày sau mới đi được. Vậy mà chúng tôi chỉ còn cách bản A chưa tới một ngày đường.
Tôi hỏi đường, được biết: từ nơi chúng tôi đang nghỉ tới bản N. đi mất một buổi, từ bản N. tới bản A. chỉ đi non buổi. Ba bản nối nhau bằng con đường mà già bản gọi là “đường bộ đội”. Đây là một nhánh của đường Trường Sơn, nhưng gần hai năm nay ta không dùng tới vì đã mở tuyến mới ở phía Đông. Tôi hình dung trong đầu con đường phải đi và thấy tất cả rõ ràng như ba điểm trên một đường thẳng. Thật đơn giản! Chỉ mình tôi cũng đi được. Công việc tuy không khẩn cấp nhưng nó là một trong những mấu chốt cơ bản của vụ án mà Ty an ninh Quảng Trị đang thụ lý, cần có kết quả càng nhanh càng tốt.
Thế là sáng nay tôi dậy sớm quyết chí ra đi. Già bản định cho người dẫn đường nhưng tôi từ chối. Dân bản đang vào vụ suốt lúa trên nương. Quả là vô lý khi để một người đang bận rộn như vậy phải bỏ công việc để dẫn đường cho mình trên một con đường xe pháo chạy được, lại là vùng an toàn và chỉ đi chưa tới một ngày...
Mặt trời lên cao xua hết sương. Núi rừng hiện ra uy nghi rực rỡ trong nắng mai vàng óng. Tôi càng bước càng dẻo chân. Con đường lúc luồn dưới những tán cổ thụ, lúc băng qua đồi cỏ tranh, thỉnh thoảng lại đi xuống một cái khe cạn lắp xắp nước ven bờ bông lau trắng phất phơ. Nhiều đoạn cỏ mọc um tùm, lá vươn dài quệt vào người loạt soạt. Ven đường vẫn còn sót lại vài căn hầm tránh bom gỗ lát nóc đã mục, đất sụp lở lấp gần đầy. Như còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng xe rì rầm leo dốc...
Gần trưa thì gặp một rẫy lúa đang chín, màu vàng mơ xen lẫn với màu xanh. Sắp tới bản N.. Mươi phút sau, lúc leo lên một đoạn dốc, tôi nhìn thấy phía trái con đường cách chừng hai cây số những nóc nhà sàn khum khum, mái tranh vàng hươm dưới nắng trưa. “Mình chỉ đi non một buổi chặng đường mà ai cũng bảo phải đi cả buổi...”. Tôi tự tấm tắc đôi chân thiện nghệ của mình, và quyết định không ghé bản N. Quảng đường còn lại không xa, với tốc độ này thì giữa chiều là tới, việc gì phải ghé hỏi đường cho mất thời gian. Tôi dừng bên suối dở cơm nắm ra ăn. Lúc sáng già bản đã cẩn thận bỏ vào ba lô tôi nắm cơm với muối ớt.
Chặng đường buổi chiều vẫn thế! Vẫn con đường xe chạy bỏ hoang lòa xòa cây cỏ, vết cuốc in mờ trên vách taluy. Lúc lúc lại gặp vài chú sóc bay liệng giữa những cành cổ thụ. Xa xa nghe có tiếng gà rừng gáy te te. Nắng chiều xuyên qua tán lá soi lỗ chỗ những đốm vàng trên nền rừng.
Bốn giờ chiều. Theo dự tính của tôi thì đã tới bản A. lâu rồi. Lạ nhỉ? Có lẽ ở đâu trước mặt! Con đường giờ chỉ còn như một lối mòn, nhưng là lối mòn đã lâu không người qua. Tuy vậy tôi vẫn yên tâm khi vẫn còn nhìn thấy vài cái hố cá nhân lấp ló dưới cỏ và dây leo. Tôi bước vội, mặc cho mồ hôi ròng ròng trên mặt. Nắng nhạt dần. Bóng núi từ từ loang ra. Hình như... còn đường xe không? Cỏ mọc dày quá, không nhìn được mặt đường. Đi thêm đoạn nữa, tôi bỗng nhận ra mình đang ở trong rừng sâu. Những thân cây cổ thụ xáp lại gần, vô số dây leo lòng thòng đung đưa chắn lối. Bị lạc rồi! Nhưng ở đoạn nào? Tôi hối hả quay lui tìm dấu con đường, không biết được là trong lúc luống cuống mình chẳng hề trở lại lối vừa đi. Đến lúc dừng bên một gốc cây nhìn quanh, chỉ còn thấy cảnh rừng hoang nhập nhoạng. Bóng tối đang lan ra từ những tán lá rậm rịt, lấp dần mọi khoảng trống trong rừng. Vài tiếng chim lạc đàn kêu thảng thốt. Phút hoàng hôn giữa rừng âm u đến rợn người.
Tôi cắn môi suy nghĩ, cố trấn tĩnh để chọn một giải pháp tối ưu cho tình thế hiện tại. Nếu tìm được chỗ trống, lát nữa sẽ nhìn thấy chòm sao Bắc Đẩu. Nhưng chẳng ích gì vì không thể lần đi trong rừng rậm vào lúc này. Tốt nhất là kiếm một cái cây mắc võng nằm qua đêm. Nhưng thật oái ăm khi xung quanh chỉ toàn những gốc đại thụ và lùm bụi.
Tôi rút súng ngắn lên đạn, nhét trở lại vào bao nhưng không cài nắp, rồi dò dẫm lội trong đám cây lá rậm rạp. Muộn mất rồi! Dường như vừa có một chiếc vung khổng lồ chụp kín không gian, tất cả tối sầm lại trong chốc lát. Chỉ mấy phút sau tôi đã chìm trong màn đêm sâu thẳm. Sao lại tối nhanh thế nhỉ? Tôi ngơ ngác, tiếp tục lò dò sờ soạng. bây giờ niềm hạnh phúc lớn lao nhất là gặp được một thân cây có thể leo lên, điều mà bình thường chẳng ai xem là hạnh phúc. Xung quanh lặng phắc, chỉ có tiếng sột soạt do tôi gây ra. Nhưng đó chỉ là sự im lặng giả tạo. Giờ này vô số những con vật chuyên sống về đêm đang mò ra, cả thú dữ và rắn rết... Những đốm lên tinh trên thân gỗ mục sáng lấp lóe như mắt thú.

Hình như có tiếng động ở phía sau! Tôi đứng lại nghe ngóng. Im lặng! “ Chắc mình tưởng thế thôi...”. Định đi tiếp, tôi lại nghe tiếng “ soạt” nhẹ của cành lá lay động. Tôi rút súng quay ngoắt lại. “ Đừng bắn! Anh bị lạc phải không?”. Một giọng nói đột ngột bật ra từ màn đêm đặc quánh. Tôi giật bắn người, tim thót lại. “Anh là ai?”, tôi hỏi vào bóng đêm. “Tôi là thợ săn. Anh cất súng đi, đừng lo!”. Như cái máy, tôi nhét súng vào bao. Giọng nói điềm tĩnh và có chút gì đó quen thuộc khiến tôi tin chắc đó không phải là tiếng của ma qủy, điều mà những lúc như thế này không chỉ người yếu bóng vía mới nghĩ đến. “Anh bước tới đi! Tôi sẽ dẫn anh ra khỏi đây!”. Tôi đưa tay quờ quạng, bước tới chỗ phát ra giọng nói. Lát sau có một bàn tay nắm lấy tay tôi dắt đi. Tôi vững tâm khi cảm nhận thấy mùi mồ hôi xa lạ tỏa ra từ thân thể người đàn ông lúc này đang hòa lẫn trong bóng tối. Mắt tôi chẳng nhìn thấy gì, nhưng anh ta vẫn đi rất nhanh và dễ dàng.
Chúng tôi cứ im lặng đi như thế rất lâu, có dễ phải cả tiếng đồng hồ rồi. Tôi thấm mệt thở hổn hển. Hình như trời đang sáng lên... Đúng rồi! Lúc này đã có thể nhìn thấy mờ mờ bóng người đàn ông và cánh ná anh mang sau lưng.
Tới một vạt cỏ bằng phẳng, người đàn ông đứng lại nói: “Anh nghỉ một lúc”, rồi biến vào màn đêm. Tôi hơi lo, đưa mắt nhìn quanh. Rừng vẫn tối om. Mấy ngôi sao nhấp nháy trên khoảng trời ló ra giữa những vòm cây. Có tiếng nước chảy róc rách đâu gần đây.
Ít phút sau, người đàn ông quay lại giúi vào tay tôi chiếc bi đông nặng trịch: “ Anh uống nước!”. Tôi mừng rỡ mở nắp bi đông dốc nước vào miệng. Nước lạnh buốt, uống vào tới đâu biết tới đó. Người đàn ông ngồi xuống bên cạnh. Tôi nói để bắt chuyện:
- May có anh chứ không thì... Tôi cũng định leo lên cây ngủ, không ngờ tối nhanh quá! Mắt tôi không quen với ban đêm trong rừng...
- Không phải đâu! Người đàn ông ngắt lời tôi. Anh vừa lạc vào Lũng Ma đấy!
- Lũng Ma? Tôi kêu lên.
- Đúng vậy.
- Anh... đi săn ở đây? Tôi không nghĩ ra câu hỏi nào hơn.
- Không! Chẳng ai đi săn ở Lũng Ma, nhất là vào ban đêm. Tôi mải theo dấu một con gấu ngựa, tình cờ gặp anh từ lúc nửa chiều. Đoán anh bị lạc nên tôi đi theo. Đã lâu rồi chẳng có ai đi vào con đường đó.
- Tôi chỉ mất dấu đường có mấy phút, nhưng không sao tìm lại được...
- Không phải! Anh lạc lâu rồi! Anh định tới bản A. phải không? Con đường xe tới đó. Nhưng anh đã lạc sang một nhánh đường cụt ngay từ lúc mới qua bản N.
- Đường cụt?
- Vâng! Có lẽ hồi trước nhánh đường này dẫn tới một khu kho. Gần đấy tôi thấy có nhiều dãy lán đã mục nát.
“ Hèn gì...”, tôi nghĩ, và chợt nhận ra điều quen thuộc trong giọng nói của người đàn ông: Anh nói giọng nằng nặng như người vùng đồng bằng Quảng Trị quê tôi, chứ không cứng và thiên về thanh huyền như cách phát âm của người dân tộc thiểu số vùng này. Cách dùng từ cũng vậy! Nếu người ở đây sẽ nói “ mình”, “bộ đội”, còn anh thì nói tiếng phổ thông “tôi”, “anh”. Tôi hỏi tiếp:
- Sao lại gọi là Lũng Ma.
- Đồng bào dân tộc đặt tên như thế! Nguyên nhân thì anh đã biết một phần. Ở đó trời tối rất nhanh, tối mịt mùng! Ngoài ra nếu anh đến đó lúc gió to sẽ nghe như có cả ngàn oan hồn khóc lóc gào thét. Người lọt vào Lũng Ma thường bị căng thẳng, có khi đến mức hoảng loạn. Nghe nói có người lạc vào lũng lúc trở về hóa điên. Tôi không tin chuyện ma quỷ, chỉ nghĩ ở đấy núi cao bao bọc xung quanh, tán rừng rậm rạp nên mặt trời vừa khuất núi là tất cả tôi sầm lại. Tiếng gió cũng vậy! Gió lùa qua hẻm núi rồi xoáy quanh lũng, thổi vào các hốc đá tạo nên những âm thanh quái đản. Có thể còn những nguyên nhân khác nữa mà tôi chưa biết đến.
Anh giải thích rạch ròi ngắn gọn, rất dễ hiểu. Cách nói của người có trình độ văn hóa cao?... Tôi hỏi:
- Anh người bản nào.
- Tôi... không bản!
Anh đáp cụt lủn. Tôi hơi băn khoăn nhưng biết không nên hỏi thêm, nên nói sang chuyện khác:
- Từ đây tới bản A. xa không anh?
Người ngồi bên tôi im lặng, vẻ cân nhắc điều gì. Lát sau mới nghe anh trả lời:
- Xa lắm! Giờ không thể tới đó được. Anh về nhà tôi nghỉ lại, mai hẵng hay! Anh đứng dậy.
Tôi khoác chiếc ba lô nhẹ tênh lên vai, đứng lên theo. Chúng tôi lại len lỏi trong rừng rậm, lúc lên dốc lúc xuống khe. Tôi không thể nhận biết mình đi về hướng nào, chỉ có cảm giác đang đi lên cao.
Chúng tôi đi như thế chừng ba giờ, hoặc có thể hơn. Trời tối không nhìn được kim đồng hồ, và rất khó xác định thời gian khi đi trong một không gian đen kịt trong hoàn cảnh như vậy. Tôi thở phì phò, mũi hít vào từng búi không khí lạnh buốt.
Người đàn ông lặng thinh trên suốt chặng đường. Mãi đến khi tôi đã mệt lử tưởng chừng không theo nổi, anh mới dừng lại, bình thản nói: “Anh xuống suối rửa. Tới nhà rồi!”. Anh kéo tôi bước xuống khúc suối nhỏ nước ngập ngang đầu gối, và bắc tay lên miệng hú hai tiếng ngắn. Tiếng hú như có phép màu làm bật ra một khoảng sáng hình chữ nhật ở trên cao, cách độ năm chục mét. Có tiếng chó sủa. Một vệt đen vút qua khoảng sáng biến vào màn đêm, thoáng chốc đã hiện nguyên hình thành con chó chồm cả hai chân trưóc lên ngực chủ rít ư ử mừng rỡ. Lát sau nó quay sang lội lũm chũm quanh tôi, dí dỏm chờn vờn hít hít, rồi lao đi. Chắc nó trở lại nhà báo cho người trong nhà biết ông chủ đã về và có dẫn theo một người khách lạ.
Tôi cúi xuống vốc lên mặt lên cổ thứ nước như vừa tan ra từ nước đá. Lạnh đến rùng mình! Chỉ lát sau tôi đã run cầm cập. Lúc ngẩng đầu lên, tôi chợt thoảng thốt khi nhìn thấy giữa lưng chừng trời một quầng sáng rực rỡ nổi bật trên nền trời đêm. Ở giữa quầng sáng có hình dáng người mẹ bồng con, tay giơ cao ngọn đuốc, mái tóc dài bay bay trong gió... Con chó lại chạy xuống, ăng ẳng rối rít quanh chân chủ như thúc giục.
Người đàn ông dẫn tôi lao lên đoạn dốc cao. Lúc tới gần hơn, tôi nhìn thấy một người thiếu phụ tay bồng đứa trẻ đang đứng ở đầu sàn vươn người giơ đuốc soi đường cho chồng. Chị chào đón chúng tôi bằng một chuỗi tiếng dân tộc líu ríu như tiếng chim, trong giọng nói có cả vẻ mừng rỡ lẫn ngạc nhiên. Đứa bé cũng hòa theo mẹ những âm tiết có vần “a” ở cuối. Người chồng đáp lại một câu ngắn hơn, tôi hiểu được hai tiếng “ bộ đội”.
Leo hết những bậc cầu thang, tôi lên tiếng chào người thiếu phụ. Chị cười không đáp, đứng tránh sang bên cho chồng và khách bước vào nhà, rồi dụi tắt ngọn đuốc tẩm nhựa cây. Mùi nhựa cháy tỏa thơm hăng hắc.
Người đàn ông dựng ngọn lao và cành ná bên vách, cởi vội chiếc áo ướt sương đêm, đang tay đón đứa trẻ từ tay vợ, nét mặt rạng rỡ. Lúc này anh không còn nhớ tới việc mình vừa đưa một người khách lạ về nhà. Tôi đặt ba lô xuống sàn, đứng nhìn quanh. Ngôi nhà sàn không lớn nhưng kín gió và chắc chắn. Bếp lửa giữa nhà đang cháy rừng rực, soi rõ những chiếc xương đầu của nhiều loại thú treo quanh vách. Đồ đạc trong nhà không nhiều: mấy chiếc gùi, vài bộ áo quần vắt ở dây, bộ nồi nấu rượu gò bằng ống pháo sáng, một khẩu ARI5 móc nơi cột nhà và rất nhiều băng đạn vàng chóe...
Tôi chưa kịp quan sát hết lượt quanh nhà thì người thiếu phụ đã bày ra cạnh bếp típ cơm cùng nậm rượu làm bằng vỏ quả bầu khô đã lên nước nâu bóng, nom nhỏ nhắn xinh xắn như một món đồ mỹ nghệ. Chị với tay lên gác bếp lấy xuống mấy xâu thịt khô, gác nướng trên những cục than đỏ hồng. Chỉ ít phút sau, mùi thịt nướng đã tỏa ra thơm phức.
Lúc này người đàn ông mới thôi nựng con. Anh đặt đứa bé ngồi gọn trong lòng mình, kéo tôi ngồi xuống: “Ta nhấp chút rượu cho ấm rồi ăn cơm! - Anh cầm nậm rượu rót ra hai cái chén cũng làm bằng nuốm vỏ bầu khô, nói tiếp, - rượu ngâm với thuốc và mật ong đấy! Uống vào khỏe người ngay!”
Tôi bưng chén rượu nhấp một hớp, thấy cả vị ngọt lẫn vị cay nồng đến tê đầu lưỡi. Chỉ lát sau là người nóng lên. máu chảy rần rần dưới da. Chúng tôi ăn cơm với thịt nướng chấm muối ớt. Tôi véo từng nắm cơm viên lại rồi cho vào miệng. Cơm gạo nương đồ kỹ dẻo quánh răng, thịt khô nướng càng nhai càng ngọt, rất ngon. Chú bé ngồi yên trong lòng bố, giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi.
Người đàn ông rót thêm rượu ra chén, giục tôi uống. Ngắm kỹ anh, tôi đoán anh cùng trang lứa với tôi, có hơn cũng chỉ vài tuổi. Vóc người anh cao to, những bắp thịt cuồn cuộn dưới lớp da màu đồng hun. Với mái tóc dài buộc túm sau gáy, vành miệng hơi mím và đôi lưỡng quyền nhô cao, trông anh có vẻ quyết đoán đến lạnh lùng. Nhưng lúc cười, nét mặt anh trở nên nhẹ nhõm rất dễ mến nhờ ánh mắt ấm áp và nụ cười đôn hậu.
Hai chúng tôi ăn hết típ cơm. Người thiếu phụ gác mấy xâu thịt nướng tiếp, rồi bồng con ngồi sát cạnh chồng. Nãy giờ chị chưa nói câu nào, chỉ cười. Chị mặc váy đan và chiếc áo khâu bằng bao cát, loại bao sợi tổng hợp chứ không phải bao nhựa. Không ngờ bao cát may áo mặc lại đẹp đến vậy. Mà hình như chị cũng không phải người vùng này...? Đúng là mái tóc chị hơi quăn nhưng dài và đen bóng. còn màu da thí rám nắng chứ không phải nâu đen. Đôi mắt đen láy, đuôi mắt dài hơi xếch, sống mũi thẳng, hàm răng trắng và đều đặn... Lại nữa trên tai chị không đeo khuyên, cũng không thấy xâu lỗ... Đôi vợ chồng này là ai?...
Chừng thấy tôi trầm ngâm, người đàn ông hỏi:
- Anh mệt phải không?
- Không sao đâu anh! Tôi đi rừng cũng quen rồi, chỉ chưa tới vùng này khi nào nên mới bị lạc. Tôi đáp và hỏi sang chuyện khác. À, từ đây tới bản A....
Anh nói ngay:
- Anh đừng lo! Để rồi tôi dẫn anh băng rừng theo lối ngắn nhất. Thế này nhé... Anh cầm hòn than vạch lên sàn nhà. Đây là nhà tôi, đây bản N., bản A. ở đây... Anh nối ba điểm lại thành hình tam giác... Tôi sẽ dẫn anh đi theo lối này!
Tôi ngạc nhiên nhìn hình vẽ. Những cạnh tam giác được kẻ rất thẳng, mấy chữ “bản A.”, “bản N.”, “nhà tôi” viết bằng kiểu chữ in hoa rõ và đẹp. Như biết tôi đang nghĩ gì, anh nói:
- Hồi trưóc tôi đã học gần xong tú tài...
Tôi sửng sốt ngẩng lên nhìn anh, trong đầu thoáng nghĩ: “Một người lính ngụy đào ngũ?...”. Người vợ bỗng lay chồng, nói một câu rất dài, vẫn bằng thứ “ngoại ngữ” ngoài sức hiểu biết của tôi. Người chồng cười, dịch lại:
- Vợ tôi bảo, anh ở lại chơi một ngày hẵng đi! Anh là người khách đầu tiên của vợ chồng tôi.
Tôi ngạc nhiên:
- Thế... quanh đây...?
- Gia đình tôi sống ở đây một mình.
Tôi chợt nhớ lúc trước anh đã nói “Tôi không bản” và hiểu rằng có rất nhiều lý do khiến mình không thể từ chối lời mời chân tình của chủ nhà.
- Sợ... phiền anh chị... Tôi khách sáo một cách ngớ ngẩn.
- Vậy là đồng ý rồi nghe! Anh mừng rỡ, vỗ vào vai tôi một cú nặng trịch. Người vợ cười rạng rỡ, nét mặt tươi rói. Cả con chó vàng cũng vẫy đuôi rối rít. Chỉ có chú bé là đã ngủ say trong lòng mẹ.
Người đàn ông rót rượu ra chén, bưng ấn vào tay tôi:
- Anh uống đi! Vợ tôi không nói được tiếng Kinh nhưng nghe thì hiểu hết đấy! Anh ở lại chơi là cô ấy mừng lắm! Lúc đầu tôi cũng không định đưa anh về nhà, đến khi nghe giọng nói của anh... Anh người vùng X... phải không?
- Vâng!... Tôi nói tên quê mình và hỏi lại. Hình như anh cũng người dưới đó?
Anh cúi mặt đăm chiêu. “ Đáng ra mình không nên hỏi...”, tôi áy náy. Đột nhiên anh nói:
- Tôi họ Chế. Điều đó có gợi cho anh suy nghĩ gì không?
Tôi ngập ngừng:
- Anh muốn nói... anh người miền trong...
- Đúng vậy! Giòng họ tôi lưu lạc lâu rồi. Riêng gia đình tôi ra sống ở đất Quảng Trị từ đời ông nội tôi, nhưng cũng ở dưới xuôi. Chỉ sau này tôi mới lên rừng... Anh nhìn tôi đắn đo. Chuyện của tôi... dài lắm! Sợ anh buồn ngủ?
Tôi cười:
- Thú thực lúc này có nằm xuống tôi cũng chưa thể ngủ được!
- Vậy hả? Ờ, để tôi kể cho anh nghe... Thực ra tôi cũng không biết nhiều về giòng họ của mình, lúc lớn lên chỉ thấy có cha tôi và ông chú ruột. Mẹ tôi cũng người ngoài này. Ngoài ra còn mấy người bà con ở đâu trong Thừa Thiên, mỗi năm cha tôi có vào thăm một lần. Qua những câu chuyện ông kể lại, tôi mang máng hiểu rằng thời xa xưa chúng tôi đã từng có một dân tộc, một đất nước, có nền văn hóa riêng.
Nhưng rồi thời cuộc biến đổi, đất nước ấy tiêu vong. Giòng họ tôi dần dần nhập vào tộc người Việt. Năm tôi mười lăm tuổi, cha tôi có cho xem hai vật gia bảo của giòng họ: một con voi bằng vàng và cuốn gia phả. Con voi thì tôi được xem kỹ. Nó to bằng này này. Anh chìa ra ba ngón tay, đúc bằng vàng ròng, rất đẹp. Tôi còn nhớ trên cái vòi cong cong của nó có những nếp nhăn và đôi tai mỏng tang mềm mại như đang ve vẩy. Còn cuốn gia phả tôi chỉ nhìn qua chứ chưa được đọc. Cha tôi là trưởng họ nên giữ những vật đó. Tôi là con trưởng, sau này sẽ đến lượt tôi giữ. Nhưng theo quy lệ của giòng họ thì phải đến lúc tôi mười tám tuổi mới được truyền cho những điều chép trong đó, nhưng chỉ những điều về tập tục, về họ tộc. Cha tôi bảo thế! Như vậy trong cuốn gia phả còn có những điều khác không chỉ ghi chép về phả hệ. Ây là sau này tôi mới nghĩ ra chứ lúc đó không mấy chú ý. Tuổi mới lớn thường sống sôi nổi với hiện tại, về tương lai thì chỉ quan tâm những việc trước mắt, và hầu như không tưởng tới qúa khứ. Có lẽ khi về già người ta mới nghĩ tới quá khứ nhiều hơn... Nhưng rồi tôi đã qua tuổi mười tám mà chẳng bao giờ được đọc gia phả, chẳng còn có dịp để biết thêm về giòng họ, về dân tộc của mình... Anh nghẹn giọng ngừng lại
Người vợ ngước mắt nhìn chồng, rồi tựa đầu vào vai anh, một tay vòng qua lưng ôm lấy bờ vai bên kia. Chúng tôi ngồi lặng yên. Bên ngoài gió đang thổi mạnh, tiếng gió rít ù ù qua khe núi. Tôi với tay đẩy mấy khúc củi. Ngọn lửa bùng lên uốn éo, than củi nổ lép bép làm bắn ra những đốm hoa lửa.
- Anh đã biết Quảng Trị những năm sáu tư, sáu lăm... Người đàn ông kể tiếp... Tôi đang trọ học ở thị xã thì được tin cả nhà tôi bị bên Cách mạng giết chết... Về tới quê chỉ còn nhìn thấy ngôi nhà cháy rụi cùng bốn ngôi mộ của cha mẹ và hai đứa em. Cha tôi làm ấp trưởng nên bị Cách mạng giết, nhưng mẹ và các em tôi thì có tội tình chi? Mà tôi biết cha mẹ tôi có liên lạc với bên Cách mạng. Nhiều lần thấy bà đi chợ Đông Hà mua về những thứ nhà tôi chẳng dùng bao giờ, như pin, thuốc tây... rồi mấy hôm sau chẳng còn thấy đâu nữa! Suốt mấy ngày liền tôi hết ra ngồi bên mộ lại đi vật vờ trong xóm như người mất hồn. Chiều hôm đó tôi đi qua nhà anh Nghĩa thì anh ngoắc tay gọi vào. Tôi lững thững đi vào. “Mi biết chi không?”, anh hỏi. Tôi nhìn anh không đáp. Anh ghé tai tôi nói nhỏ: “Dì dượng không phải bị bên Cách mạng... Tôi vẫn gương mắt nhìn anh. Tối đó nghe súng nổ xóm ngoài, tau sợ qúa, bèn giấu khẩu cácbin trong bụi chuối rồi luồn ra trốn ngoài bờ tre trước nhà mi. Tau thấy... chú mi đi vô nhà, có mang khẩu “ a e”. Lúc sau nghe súng nổ rẹt rẹt cả băng, lúc sau nữa nhà cháy...”. Tôi tỉnh hẳn trợn mắt nhìn anh chằm chằm. Chắc vẻ mặt tôi có gì lại lắm nên anh hoảng hốt lắp bắp: “ Mi không tin tau à? Khi chú mi đi ra, lửa cháy nhà sáng lắm, tau nhìn không lầm mà! Ông ấy đứng trước ngõ tay vẫn xách khẩu “ a e”, ngó tới ngó lui rồi mới chạy đi...”. Tôi bước tới mấy bước, anh lùi lại. Chợt hiểu ra, anh nhào tới chụp vai tôi lắc lắc: “ Đừng... đừng nói với ai... tau chết...”. Nói xong anh chạy vụt vào nhà.
Tôi đờ đẫn bước đi, choáng voáng như vừa bị sét đánh bên tai. Chẳng lẽ anh ấy bịa? Để làm gì? Anh Nghĩa là anh họ tôi, gọi mẹ tôi bằng dì. Tính anh thật thà chất phác, cả nhà tôi đều mến. Anh thọt chân nên không bị bắt đi lính nhưng phải vào nghĩa quân...
Tôi về nhà, ngẩn ngơ nhìn quanh. Trên cái cột nhà máy cháy sém có vết đạn. Tôi tìm dao đẽo chỗ đó, moi ra được hai cái đầu đạn nhọn hoắt nhỏ như đầu đũa. Đạn ARI5! Loại súng này lúc đó đang hiếm lắm! Những điều anh Nghĩa nói đều khớp. Nhưng tại sao chú tôi lại giết cả nhà tôi? Tôi không tin! Tôi ngồi thụp giữa sân, ôm đầu... Hai anh em ruột, hai người đại diện cho cả một giòng họ ở đất này... Chợt một ý nghĩa bật ra: “ Vật gia bảo?”. Trước đây có lần cha tôi nói: “ Chú con đòi giữ những thứ này, nói trước sau gì con cũng phải đi lính. Nhưng cha không chịu...” Chú tôi là người đầy tham vọng. Lớn lên ông ta không làm ruộng như cha tôi mà lên thị xã buôn bán, nghe nói có vào đảng gì đó. Đùng một cái thấy ông ta về làm xã trưởng.
Tôi chạy vào nhà, gạt hết tro than và lấy dao đào đám đất dưới bàn thờ, chỗ chân bàn phía trong bên trái. Cha tôi chôn những vật gia bảo ở đó, những cái hũ sành miệng rộng. Tay tôi chạm phải những mảnh sành và lớp đất tơi. Đào tiếp những nơi khác: đất cứng và chẳng có gì. Tôi ném cây dao, người rã rời. Hồi đó chính lão ta năm lần bảy lượt hối thúc cha tôi nhận làm ấp trưởng. Một tội ác có tính toán từ trước!
Mấy ngày sau, tôi giấu một lưỡi lê trong người rình bám theo lão chú, nhưng không dám tới gần. Lão đi đâu cũng có một toán nghĩa quân đi theo, tối lên ngủ trên nhà hội đồng có người gác. Lão sợ Cách mạng chứ không phải sợ tôi. Trong mắt lão tôi chỉ là một đứa nhãi ranh trước sau gì cũng phải giết. Rồi tôi cũng tìm ra cơ hội. Lão ta có đi lại với một mụ góa ở cuối xóm, nhưng giấu rất kỹ vì sợ mụ vợ dữ như chằn. Bởi thế mỗi khi đến với mụ ấy lão chỉ lén lút một mình.
Tôi rình ba ngày liền từ chập tối đến nửa đêm, nhưng không gặp. Ngày thứ tư tôi đến nấp trước nhà từ trưa. Nửa chiều thấy lão mò tới. Lão vừa đưa tay mở cánh cổng tre thì tôi nhào tới chụp vai xoay người lão lại và đâm một nhát vào ngực trái lút đến cán. Lão khuỵu xuống không kịp kêu một tiếng, mắt vẫn trợn trừng kinh hãi. Sau đó tôi bỏ trốn.
Lên đến Đông Hà lúc chập choạng tối, tôi gặp đoàn quân xa từ trong cảng ra chạy về hướng nam. Tôi lén bám được một chiếc vén bạt nhảy lên nấp trong thùng xe. Nếu lúc đó tôi không nằm mê man trên những thùng đạn thì đã biết đoàn quân xa chỉ chạy dọc quốc lộ một đoạn ngắn rồi rẽ vào đường Chín lên miền Tây. Chỉ đến khi không bị nhồi xóc, tôi mới tỉnh lại hé bạt nhìn ra, hoảng hốt thấy xung quanh toàn là núi rừng sương phủ trắng xóa. Đoàn xe đứng dừng nghỉ giữa đèo. Có tiếng người lao xao. Sợ họ đi kiểm tra thùng xe, tôi vội nhảy xuống chạy vào rừng... Vậy đấy! Anh bưng chén rượu uống một ngụm, nói tiếp. Cũng là do số phận đưa đẩy, anh ạ! Trước đó tôi không hề có ý định trốn lên rừng. Nhiều năm về sau này, mỗi khi nhớ lại những ngày kinh hoàng ấy, tôi vẫn nghĩ: với những con người như chú tôi thì bất cứ một giòng họ, một dân tộc, một đất nước nào rồi cũng tiêu vong...
Anh ngừng kể ngồi lặng, trong mắt có ngọn lửa chập chờn xa xôi. Tôi sững sờ nhìn anh. Câu chuyện thật lạ lùng và bi thảm. Ngoài trời gió vẫn hú từng đợt, quất vào mái tranh rào rào. Anh chợt nhỏm dậy như choàng tỉnh: “ Ây chết! Khuya quá rồi, anh nằm xuống đó ngủ. Tôi ra lấy thêm củi.”. Anh trải tấm chăn xuống sàn, bế đứa con từ tay vợ đặt lên đó, hé cửa bước ra. Một luồng gió lùa vào mang theo những hạt bụi nước li ti lạnh buốt. Mây đang trùm kín mái nhà.
Đêm ấy trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình lạc vào một xứ sở kỳ lạ. Ở đó có rất nhiều ngọn tháp đất nung và những vũ nữ đang khuỳnh chân múa rất đẹp trong tiếng nhạc réo rắt phát ra từ chiếc vỏ ốc biển khổng lồ..
Tôi thức dậy khi nghe tiếng giã gạo thậm thịch, nhìn đồng hồ thấy hơn bảy giờ. Trên nhà chỉ có một mình tôi. Cả chú bé cũng đã dậy từ lúc nào. Trong bếp lửa vẫn còn những cục than đỏ hồng phủ lớp tàn tro cháy trắng.
Tôi thắt nịt súng vào người, lấy khăn mặt bước ra cửa, ngỡ ngàng nhìn quanh. Ngôi nhà sàn nằm cạnh rẫy lúa, lọt thỏm giữa vùng rừng bạt ngàn. Đằng sau rẫy có một rặng núi không cao lắm, mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi ấy. Còn ở phía tây núi thấp dần, những ngọn núi chen với mây chập chùng xa hút tầm nhìn.
Người thiếu phụ đang đứng giã gạo ở sân, dáng chị mạnh mẽ và uyển chuyển. Thấy tôi đi xuống, chị mỉm cười chào tôi, tay vẫn đều đặn giã gạo. Chú bé chạy lẫm chẫm quanh chân mẹ. Con chó vàng ngồi cạnh cối gạo, cánh mũi ướt rượt luôn động đậy. Chốc chốc nó lại hực lên đuổi những con gà mon men đến gần.
Lúc tôi từ dưới suối lên, người thiếu phụ đã giã xong cối gạo. Chị gác chày, cúi xuống bồng chú bé đặt vào tay tôi, vẻ mặt hớn hở như muốn khoe rằng đấy là thiên thần của chị. Chú bé chừng hai tuổi, mái tóc hơi quăn và đôi mắt giống mẹ, nhưng khuôn mặt và vành môi thì rất giống bố. Không chút xa lạ, chú nhỏen cười vòng tay ôm lấy cổ tôi, làn da mềm mát rượi.
Tôi bồng chú bé dạo quanh khoảnh sân phẳng phiu. Trước nhà có mảnh vườn khá rộng trồng dưa, chuối, đu đủ, một vạt cà chua trái tròn to bằng đầu ngón tay và mấy cây ớt chi chít trái xanh trái đỏ chĩa đầu nhọn lên trời. Trên sườn dốc từ vườn tới bờ suối ngô đang lên xanh mướt. Bí đỏ trồng xen giữa ngô, trái vàng như hoa mướp. Ngôi nhà cô độc giữa rừng hoang này có nét rất gần gũi, gợi nhớ tới những ngôi nhà ở vùng quê dưới xuôi. Đồng bào dân tộc trên này thường nuôi lợn thả rong nên họ không làm vườn quanh nhà.
Đằng sau nhà có một vạt đất rộng được quây kín bằng những thân cây to cỡ cổ tay cao quá đầu. Tôi ghé mắt nhìn, thấy một đàn lợn sáu con, con nào cũng chân cao mõm dài, màu lông trên lưng có sọc như sọc dưa. Ngửi thấy mùi người lạ, chúng xồng xộc chạy tới, dữ như lợn rừng. Phía sau chuồng lợn là rẫy lúa. Vui chân, tôi thơ thẩn đi vào lối mòn xuyên giữa rẫy. Chú bé ngọ nguậy trong tay tôi, thỉnh thoảng lại reo à à rướn người đòi bắt những con chuồn chuồn bay ngang qua. Lúa trên rẫy sắp chín, lác đác đôi bông đã ngả vàng. Ở cuối rẫy chỗ giáp bìa rừng cây lúa cớm nắng cao vống, chỉ thưa thớt vài bông lép. Một đàn gà rừng thấy động vỗ cánh bay vút vào bụi rậm, thấp thoáng những chiếc đuôi dài tha thươt.
Lúc quay về nhà thấy vắng tanh, tôi bồng chú nhỏ ra đầu sàn đứng đợi. Mặt trời tỏa nắng chói chang. Mây đã bay hết, bầu trời dâng cao thăm thẳm. Bốn bề lồng lộng nắng gió và mênh mông màu xanh của ngút ngàn cây lá. từ cánh rừng bên kia suối vẳng sang tiếng chim hót xen trong tiếng gió lùa lá ngô lao xao. Dưới gầm sàn có mấy con gà đang nhảy tìm ổ đẻ, tiếng gà cục tác tan loãng vào không gian bao la.
Lát sau thấy người thiếu phụ từ dưới suối đi lên, một tay ôm mớ quần áo ướt, tay kia xách khẩu tiểu liên. Chị quẩn chiếc váy có thêu những hoa văn màu đỏ màu vàng, nửa người phía trên để trần, mái tóc ướt búi gọn trên đầu, những giọt nước đọng lấp lánh nơi bờ vai tròn rám nắng. Dáng chị cao, vóc người tròn lẳn, những đường cong đầy đặn rất hài hòa với thân hình cân đối. Thảo nào áo khâu bằng bao cát mà chị mặc trông vẫn đẹp!
Người thiếu phụ bước lên cầu thang. Tôi đón cây súng đem vào treo trên vách. Chị đứng đầu sàn quay tóc cho khô nước, nghiêng mặt nhìn qua cửa hỏi tôi điều gì đó. Tôi không hiểu, lắc đầu. Chị cười, nói lại lần nữa và rất tự nhiên, chỉ tay vào bụng mình để ra hiệu. Tôi cũng cười, trả lời: “Chị đừng lo, tôi chưa đói đâu!”.
Gần trưa người đàn ông mới về, tay xách ngọn lao cùng xâu cá và mảnh lưới nhỏ, nước còn ướt loáng trên những bắp thịt cuồn cuộn săn chắc như múi thừng. Chú bé nhoài nửa người ra khỏi tay tôi, rối rít đòi bố. Anh vội trao những thứ đang cầm trong tay cho vợ, rồi nhâc bổng con trai trên đôi cánh tay vạm vỡ của mình. Chú bé đạp cả hai chân lên đầu bố, cười sằng sặc. Anh kéo tôi ngồi xuống bên cửa sổ, nói như phân bua:
- Tôi đi thăm bẫy nhưng bữa nay rủi quá, chẳng dính con nào. Định săn con mang đãi anh bữa thịt, lại sợ lâu anh trông, đành xuống suối bắt mấy con cá rồi chạy về.
- Tôi thấy anh không mang theo súng? - Tôi hỏi.
- Tôi chỉ dùng ná với lao. Súng là để cho vợ tôi. Những lúc tôi đi xa, cô ấy ở nhà có nó, tôi vẫn yên lòng hơn. Tôi lấy khẩu súng này trong một chiếc trực thăng rơi giữa rừng. Chắc nó trúng đạn đâu ngoài đường Chín, bay vào đây mới rơi. mấy người trên đó chết cả, thú rừng tha xác họ vương vãi. Tôi lượm xương chôn cất cẩn thận và đem khẩu súng này về dạy vợ tôi bắn. Cô ấy bắn giỏi lắm, bắn ná cũng giỏi! Cứ như có năng khiếu bẩm sinh ấy, anh ạ! Cha vợ tôi là thợ săn có tiếng, nhưng ông cũng không dùng súng.
- Thế giờ bác ấy... - Tôi gợi ý.
- Về cha vợ tôi, tôi chỉ nghe kể lại chứ chưa biết mặt. Khi tôi đến sống ở bản thì ông đã mất... À, để tôi kể tiếp cho anh nghe. Đêm đó, lúc trốn khỏi đoàn quân xa, tôi chạy vào rừng; đến sáng cứ lần theo lối mòn mà đi, hễ thấy bóng người là lẩn tránh. Tôi lang thang trong rừng, không hề có ý tưởng gì trong đầu, không định tự tử nhưng cũng chẳng thiết sống... Hai ngày sau, tôi kiệt sức nằm lả bên lối mòn. Một người đàn ông đi rừng bắt gặp, cõng tôi về nhà. Về sau ông nhận tôi làm con nuôi...
Anh lấy nậm rót rượu ra chén đưa mời tôi, bưng chén của mình nhấp một hớp, mới kể tiếp:

- Sáu năm sống ở bản, (Anh không nói bản nào) tôi học được đủ thứ, từ phát rẫy trỉa lúa trỉa ngô tới phóng lao bắn ná đặt bẫy, rồi đan gùi dựng nhà... Tôi còn theo trai gái trong bản đi gùi gạo vác đạn cho bộ đội. Tóm lại tôi đã trở thành trai bản thực thụ. Cha nuôi tôi là thầy mo, ông dạy tôi biết nhiều bài thuốc chữa bệnh bằng cây lá trong rừng. Phải nói là tôi học được ông ta rất nhiều, chỉ trừ nghề thầy mo. Nghề này cha truyền con nối từ nhiều đời nay trong nhà. Tôi chỉ là con nuôi. Hơn nữa tôi không mê tín. Cách hành nghề thầy mo của ông ta đầy dị đoan, hình như có sử dụng cả những chất thuốc trong cây cỏ để lừa bịp. Tôi không mấy để ý vì nghĩ đó chỉ là tập tục...
Người vợ bước vào nhà nhen lại bếp lửa. Anh đứng dậy giúp vợ chuẩn bị bữa trưa. Câu chuyện dừng ngang đó nhưng còn vương lại trong tôi cảm giác buồn buồn, có lẽ vì nét mặt và giọng nói của người kể.
Ăn xong bữa thì trời đã ngả về chiều. Chúng tôi lại ngồi xuống bên cửa sổ. Lúc này anh chỉ say sưa kể chuyện rừng. Dù rất muốn nghe tiếp câu chuyện đang dừng giữa chừng, nhưng tôi không giục vì biết điều gì nói ra được, anh ấy sẽ kể. Tôi cũng định kể cho anh nghe chuyện dưới xuôi, nhưng lại thôi. Anh không hỏi và không hề tỏ ý muốn biết. Ở dưới đó những kỷ niệm thời thơ ấu của anh đã chìm trong máu và lửa...
Gần cuối chiều khi nắng dịu, người đàn ông rủ tôi ra bìa rẫy rình bắn gà rừng. Tôi thích thú nhận lời ngay. Chúng tôi xách theo cây ná và mấy mũi tên đi vào lối mòn giữa rẫy. Lúc gần tới mé rừng, anh ra hiệu cho tôi đứng lại, búng tay gọi chó. Con vàng nhanh nhẹn chạy vượt lên, ngóc mõm hít hít tìm hơi trong gió.
Sau khi bắn được hai con, anh mỉm cười trao ná cho tôi. Tôi hơi run nhưng cũng xách ná bám theo con chó đang rón rén chạy men mép rẫy tìm bầy gà khác. Mãi rồi tôi cũng hạ được một chú gà trống phát tên đầu tiên, và hết sức hãnh diện khi xách nó về trình diện người thợ săn.
Chúng tôi trở lại nhà. Mặt trời sắp lặn. Anh chiều tà phủ màu vàng đìu hiu lên những ngọn núi đang chìm dần trong mây bạc. Từ ngôi nhà sàn lẻ loi, một làn khói bếp bay lên quyện với sương chiều.
Tối đến lúc đã ăn cơm xong, người đàn ông mới tiếp tục câu chuyện:
- Hồi sáng tôi có kể với anh thời gian sống ở bản... Vâng! Đối với tôi thì đó là những ngày tháng êm đềm. Cuộc sống mới lạ nơi núi rừng tuy vất vả thiếu thốn nhưng đã làm nguôi ngoai nỗi đau. Tôi những tưởng mình có thể sống như thế đến trọn đời. Ở đó tôi được nghe một câu chuyện lạ chắp nối từ lời kể của nhiều người, mỗi lúc một ít:
Trước đây trong bản có một người thợ săn giỏi có tiếng, lại hiền lành và hay giúp đỡ mọi người nên được dân bản quý lắm. Trong một chuyến đi săn dài ngày, ông dẫn về theo một người con gái rất đẹp tóc dài da trắng, rõ là không phải người vùng này. Chẳng ai biết gốc tích cô gái ấy ở đâu. Hỏi người thợ săn, ông chỉ cười. Hai người thành vợ thành chồng... Chắc anh cũng đoán ra họ là cha mẹ vợ của tôi sau này. Lúc đầu mọi người có bàn tán xôn xao, nhưng vốn quý người thợ săn, lại thấy người vợ chịu thương chịu khó và chẳng bao lâu đã thông thạo ngôn ngữ tập tục ở đây, nên những điều dị nghị cũng lắng đi. Hai năm sau, họ sinh được một người con gái vừa giống bố vừa giống mẹ, cảnh nhà càng thêm đầm ấm.
Một buổi sáng người chồng vào rừng săn bắn, đến tối không thấy trở về. Mấy ngày sau có người phát hiện xác ông cách bản hai quả núi, thú rừng đã gặm hết thịt, chỉ nhận ra nhờ nhìn thấy ngọn lao và cây ná của ông bên cạnh. Dân bản đem xác ông về chôn cất. Nhiều người cho rằng đó là một cái chết bí ẩn. Một người thợ săn giỏi như ông đâu chịu để thú dữ giết dễ dàng, mà nơi ông chết không có dâu vết của trận quyết đấu giữa người và thú.
Trong lễ cúng ma, thầy mo phán rằng người thợ săn bị ma lai ăn thịt, và vợ con ông đã bị con ma ấy nhập vào người. Cả bản rúng động kinh hoàng. Nỗi lo sợ biến thành sự phẫn nộ. Có người đòi giết đem thiêu xác, có người bảo phải đuổi ra khỏi bản. Sau rồi mọi người nghiêng về ý thứ hai. Có thể vì họ vẫn còn chút quý mến cái nết ăn ở hiền lành của vợ chồng người thợ săn, hoặc do thầy mo bảo không cần giết, chỉ đuổi khỏi bản, nhưng cấm không ai được tiếp xúc. Cha nuôi tôi uy danh lớn lắm, lâu nay nói gì mọi người cũng nghe theo.
Dân bản xúm lại làm một ngôi nhà sàn giữa rừng và phát một đám rẫy nhỏ gần mộ người thợ săn, đuổi vợ con ông ra đó sống. Từ đó chẳng ai dám gặp họ. Về sau sự việc dần dà nguôi đi, nhiều người thương tình, thỉnh thoảng vẫn đem cho họ xâu thịt, khi gói muối hay quả ngô quả bí... Mọi thứ được treo trên gốc cây cạnh bờ suối gần nơi họ ở. Khi nào vắng bóng người, hai mẹ con mới dám ra lấy.
Ngày tháng trôi qua. Khi tôi đến sống ở bản thì hai mẹ con người đàn bà bất hạnh ấy đã thui thủi như thế gần chục năm. Mỗi lần lên rẫy, tôi vẫn thấy hai cái bóng nhỏ nhoi cặm cụi trên đám rẫy nhỏ. Có lẽ mọi người đều sợ ma lai nên chỉ có rẫy của cha nuôi tôi ở gần đấy. Thầy mo pháp thuật đầy người, ma đâu làm gì được! Rẫy của họ lâu ngày đất bạc màu, ngô lúa xác xơ, chắc chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Vốn không tin chuyện ma quỷ, tôi thấy xót xa cho hai con người cô đơn ấy. Cũng như nhiều người trong bản, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chỗ gốc cây bên bờ suối, để lại cho họ vài thức kiếm được trong rừng hay hái trên rẫy. Trong suốt thời gian đó, chỉ một lần tôi giáp mặt với người con gái. Lúc đó tôi đang lúi húi treo ống bương mật ong lên thân cây thì cô gái dưới suối đi lên. Cô đứng sững nhìn tôi trân trân, rồi bỗng hốt hoảng quay ngoắt người ù té chạy. Tôi không trông rõ mặt cô, chỉ kịp thấy đôi mắt đen mở to sửng sốt, mái tóc dài xõa xượi và bộ váy áo rách tả tơi, sau đó là đôi chân cuống quýt lội qua suối làm nước bắn tung tóe.
Mấy hôm sau, tôi cùng dân bản đi vác đạn cho bộ đội. Dạo đó đánh nhau to lắm, ngoài đường Chín súng nổ suốt ngày. Trong chuyến đi, tôi mua được một bộ váy áo giấu trong gùi. Lúc về tới nhà thì nghe tin mẹ cô gái đã chết. Tôi lén mọi người đem bộ váy áo tới cho cô, nhưng lần này không treo ở gốc cây mà lội qua suối vào thẳng nhà. Không gặp cô, tôi để bộ váy áo lại trong ngôi nhà đã gần mục nát, rồi ra về...
Người đàn ông dừng lại, quờ tay lấy mấy khúc củi chất thêm trên bếp. Đến khi tất cả đã ben lửa cháy đều, anh mới chậm rãi kể tiếp, giọng buồn hẳn:

- Những ngày sau lên rẫy, lúc nào tôi cũng nhìn thấy cái bóng lẻ loi của cô gái bên hai ngôi mộ cạnh đám rẫy nhỏ. Đôi buổi chiều muộn, bóng rừng đã trùm lên mộ mà cô vẫn ngồi đó, im lìm như mô đất, như hòn đá. Những lúc ấy tôi đứng lặng nhìn sang, cứ nghĩ cô gái sắp tan ra cùng sương chiều... Tôi nhớ lại những ngày mình ra ngồi cạnh bốn ngôi mộ của người thân mà ứa nước mắt, chỉ muốn chạy sang gặp cô để nói đôi lời an ủi, để san sẻ cùng cô nỗi đau, để dang đôi cánh tay trai trẻ của mình che chở cô thoát khỏi mọi tai ương... Nhưng tất cả chỉ là xúc cảm! Tôi không nghĩ ra được cách gì ngoài việc hàng ngày mang đến treo trên gốc cây đôi thứ có thể giúp cho một con người sống qua ngày. Tôi có linh cảm cô gái sắp gặp phải một tai họa khủng khiếp nào đó, nhưng đành bất lực. Không người thân, không gia đình, tôi chẳng có nơi nào để đưa cô về nương náu. Nỗi lo lắng cứ lớn dần lên khiến tôi đứng ngồi không yên. Sao không ai giúp cô ấy? Sao mọi người lại nỡ dửng dưng trước một kẻ đồng loại đang phải sống khốn khổ khốn nạn đến như vậy? Mà đó lại là một người con gái mới lớn côi cút cô đơn, không nơi nương tựa... Nhưng rồi tôi nghĩ mình chẳng thể trách ai được! Ở đây lòng nhân ái đã bị trói chặt bởi những tập quán mê tín nặng nề. Ngay cả tôi là người hầu như không bị ràng buộc cũng đâu có làm gì được, sao lại trách người khác?...
Người thiếu phụ ôm con ngồi tựa đầu vào vai chồng, mắt nhìn sững ngọn lửa, từng giọt nước mắt to tròn lăn chầm chậm trên hai gò má. Tôi chợt bối rối, thấy mình có lỗi khi gợi lại những kỷ niệm đau buồn của họ. Người đàn ông vẫn kể rủ rỉ, giọng anh buồn buồn, nhiều lúc lẫn trong tiếng gió rào rào ngoài mái tranh:
-... Cho đến một ngày... Hôm đó tôi lên rẫy cắt lúa giống. Lệ thường ở bản khi lúa chín thì chọn cắt những bông dài nhiều hạt và hạt mẫy, bó túm lại đem về treo trên gác bếp để làm giống, sau đó mới suốt lúa. Lúc tôi lấy đủ số lúa giống thì trời đã trưa. Tôi sang rẫy ngô, lựa bẻ hai chục bắp đã già bỏ vào gùi mang về. Tới chỗ gốc cây trước nhà cô gái, tôi hạ gùi xuống định lấy ngô treo lên đó, thì nghe có tiếng động là lạ. Tôi bước tới mươi bước, bỗng lặng người sững sờ khi nhìn thấy cô gái đang khỏa thân đứng gội đầu dưới suối, nước ngập ngang bắp chân. Cô ấy đẹp quá! Như bị thôi miên, tôi không sao rời mắt khỏi cô. Không ngờ thân hình một người con gái lại có thể đẹp đến nhường ấy...
Đột nhiên mắt tôi bắt gặp một thoáng chuyển động. Tôi ngẩng lên nhìn là lạnh người: cha nuôi tôi đang đi xuống bờ dốc bên kia suối. Không phải tôi sợ, nhưng dáng bộ cùng đôi mắt láo liêng của ông ta khiến tôi giật mình. Nhìn thấy cô gái, ông ta khựng lại một chút rồi nhẹ nhàng trút chiếc gùi trên vai xuống đất, gác ngọn lao lên đó và rón rén tiến lại gần, hai cánh tay chờn vờn như con thú sắp vồ mồi. Khi lão ta chỉ còn cách vài mét cô gái mới biết. Cô hốt hoảng định nhảy xuống suối, nhưng không kịp. Lão lao tới ôm thốc lấy cô đè ngửa ra bờ suối. Cô gái rú lên kinh hoàng, đôi chân trần cuống quýt giãy giụa. Lão thầy mo bịt miệng cô và cố túm lấy hai bàn tay đang cào cấu dữ dội lên mặt lão. Tôi bật rên một tiếng, rồi không hiểu mình nhảy hay bay qua suối, nhưng thoáng chốc đã đứng ngay bên cạnh. Một tay chụp cổ, một tay túm khố, tôi nhấc bổng lão ném lên bờ dốc bẹp dí như con nhái. Chẳng cần biết lão sống hay chết, tôi nhặt bộ váy áo ném chô cô gái rồi thất thểu đi xuống suối, đầu óc tê dại bởi đau đớn và giận dữ, hệt như lúc biết ai là kẻ giết cha mẹ và các em mình. Giờ thì tôi đã hiểu, lão thầy mo, người đã nhận tôi làm con nuôi, chính là thủ phạm gây ra bao bất hạnh đau thương cho gia đình người thợ săn...
Lúc lội qua gần hết suối, tôi chợt nghe cô gái thét lên một tiếng kinh hãi. Linh tính lóe trong đầu như tia chớp, tôi thụp người xuống, vừa kịp tránh mũi lao vụt qua tóc cắm phập vào gốc cây trước mặt, cán rung bần bật. Tôi quay ngoắt lại, thấy lão thầy mo đang rút dao hằm hè xông tới. Tôi quài tay ra sau nắm lấy cán lao nhổ bật khỏi gốc cây. Lão hoảng sợ hét lên và quay người bỏ chạy. Tôi dang tay phóng. Ngọn lao căm phập vào lưng lão, chỗ dưới bả vai trái. Lão đổ ập xuống không kịp kêu lên một tiếng.
Tôi ngoảnh sang phía cô gái. Cô chỉ kịp quấn chiếc váy, hai cánh tay ôm che bộ ngực trần, run lẩy bẩy. Dường như bản năng đàn ông của một chàng trai đứng trước một người con gái đang cần được che chở đã giúp tôi bình tĩnh quyết đoán mọi công việc. Tôi nhảy qua suối, nhặt lấy chiếc áo đưa cho cô và nói: “Mặc vào! Chạy trốn với tôi!”. Cô ngơ ngác nhìn tôi. Rồi vụt hiểu ra, cô mặc vội áo vào người, nhanh nhẹn chạy lên cầu thang vơ mấy thứ nhét vào gùi và xách theo cây ná nhảy xuống. Chúng tôi lội qua suối tới chỗ gốc cây. Tôi quàng gùi lên vai, vớ ngọn lao kéo cô chạy vào rừng sâu. Đêm đó chúng tôi ngủ trong cái chòi lợp lá chuối dựng tạm trên cây...
Mấy ngày sau chúng tôi nhằm hướng tây đi mải miết, chỉ băng rừng leo núi, tránh mọi lối mòn cùng làng bản. Chúng tôi xuyên qua những khu rừng đại ngàn đi mãi lên cao, cho đến hôm tới đây mới dùng lại chọn vùng đất này để sống. Lúc đó tôi mang theo được con dao rừng, ngọn lao, gùi lúa giống cùng hai chục bắp ngô cũng có thể làm giống được. Vợ tôi có mấy cái váy áo, gói muối, cánh ná và lưỡi rìu của người cha để lại...
... Đối với họ như vậy là đủ! Những đau đớn tủi nhục đã lùi xa sau rất nhiều cánh rừng ngọn núi, giờ đây họ ngây ngất trong niềm hạnh phúc bất ngờ đến kỳ diệu. Tuy vậy, khởi đầu cuộc sống mới vẫn là những ngày tháng đầy gian truân vất vả. Họ là những con người, phải sống cho ra con người. Cần có rẫy trĩa lúa trồng ngô, có một ngôi nhà đủ vững chãi để chống chọi với mưa gió, tất cả phải xong trước mùa mưa. Phát cây đốt rẫy, chặt tre đốn gỗ làm nhà, vào rừng kiếm thức ăn..., đôi vợ chồng trẻ ngày ngày làm lụng quần quật từ sáng tinh mơ cho tới tối mịt. Đến khi thu hoạch được vụ lúa vụ ngô đầu tiên, cuộc sống của họ mới thong thả hơn. Ở đây chim thú sẵn trong rừng, cá có dưới suối, mật ong măng nấm rau củ..., mùa nào thức ấy. Ngày nắng chồng vào rừng săn thú bẫy chim, vợ lên nương bẻ ngô suốt lúa. Những ngày mưa dầm lạnh lẽo họ ngồi bên bếp lửa, chồng đan gùi vợ khâu áo... Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Sống xa hẳn xã hội loài người, họ không còn sợ những mưu mô hiểm độc, không phải lo đối phó với đối trá phản trắc lẫn thù hằn ganh ghét. Họ phải vật lộn với thiên nhiên để sống, nhưng sống thanh thản, chẳng màng nghĩ tới danh vọng, không thiết bon chen làm giàu. Không lệ thuộc vào ai và chẳng bị ràng buộc vào bất cứ điều gì do con người đặt ra, họ tự do như nắng gió. Ở nơi hoang dã này vẻ đẹp của núi rừng vẫn trinh nguyên như vốn có tự xa xưa. Ngày tháng vui với chim muông cây cỏ, sớm chiều bạn cùng gió núi mây ngàn, tâm hồn họ trong lành như nước suối, như khí trời. Và trên tất cả là hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu. Định mệnh đã cho hai người gặp nhau để bù đắp một phần những gì mà họ phải chịu đựng trong quá khứ...

Anh sôi nổi nói với tôi những điều đó, ánh mắt long lanh. Người vợ đưa tay quệt nước mắt, trao con cho chồng và ngồi nép vào ngực anh. Ánh lửa lập bùng soi bóng họ rung rinh trên vách nhà. Tôi băn khoăn hỏi:
- Có lúc nào anh nghĩ đến chuyện trở về quê?
- Không! - Anh đáp cụt lủn, mắt tối sầm lại.
- Bây giờ dưới đó đã được giải phóng...
- Cũng thế thôi! - Người đàn ông ngắt lời tôi - Chúng tôi không từ bỏ xã hội, không thù ghét con người, chúng tôi chỉ chạy trốn cái ác. Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại có người nỡ nhẫn tâm giết hại cả những người ruột thịt của mình? Cọp dữ còn không ăn thịt con nữa là! Cứ cho rằng trong cuốn gia phả của dòng họ tôi có ghi chép điều gì đó, một kho báu chẳng hạn, nhưng thật kinh khủng khi lòng tham đã làm con người mất hết nhân tính. Tôi cũng không tài nào hiểu được tại sao lão thầy mo lại đang tâm mưu mô hãm hại đày đọa cả một gia đình lương thiện vốn không có thù hằn gì với lão? Vì cái gì? Ganh ghét ư? Mà ở đây, sự tàn ác lại cùng tồn tại với cái thiện trong con người đó, người đã cứu tôi đem về nuôi như con?
Biết anh chỉ nói ra những suy tư của mình chứ không phải hỏi, nhưng tôi cũng nói:
- Suy cho cùng, trong xã hội vẫn có những người xấu như thế, nhưng không nhiều. Từ xưa dến nay, loài người vẫn luôn đấu tranh với các ác để vươn tới cuộc sống tốt đẹp. Chẳng lẽ anh cho rằng con người ta không thể sống tốt với nhau được sao?
- Không phải vậy! - Anh trả lời, tư lự như đang nói với chính mình - Với những gì đã trải qua, vợ chồng tôi khao khát tình người hơn bất cứ thứ gì có trên đời. Không phải chúng tôi mất lòng tin ở con người, nhưng... - Anh lật ngửa hai bàn tay, giơ ra soi trước ánh lửa - Hai bàn tay này từng dính máu, tôi đã phải giết người. Tôi không hề ân hận về việc mình làm. Tôi chỉ giết kẻ ác, vì sự sống còn của mình và cũng vì lẽ công bằng ở đời. Nhưng thật đau đớn khi những kẻ ác đó đã từng là người thân của tôi... Con thú hung dữ do bản năng, còn người ác bởi lòng tham, mà lòng tham thì vô cùng! Tôi không muốn gặp lại chuyện đó một lần nữa...
Nhìn nét mặt khắc khổ của anh, tôi hiểu rằng mình không thể nói gì hơn. Hai con người này không cần an ủi. Không hề hèn nhát và cam chịu, họ tự vượt qua số phận để tìm tới cuộc sống tốt lành theo ý mình mà chẳng cần người đời khen chê. Dù có những điều không thể đồng tình với họ, nhưng tôi đâu đã trải qua những gì mà họ phải chịu đựng? Tôi đành hỏi sang chuyện khác:
- Vậy là từ đó anh chị không hề gặp ai?
- Cũng không hẳn! - Người chồng trả lời - Mỗi năm một, hai lần tôi sang bản Lào bên kia - Anh chỉ về hướng tây - mang mật gấu, xương cọp...đổi muối, vải và vài thứ cần dùng khác. Tôi còn xin được hạt rau, đôi lợn con và mấy con gà về gây giống. Cả con vàng này nữa, - Anh vuốt ve con chó - nòi chó săn của người Lào đấy, nó săn thú giỏi lắm! Từ đây sang bản Lào tôi phải đi cật lực một ngày. Tại đường khó đi chứ những ngày trời trong, leo lên rặng núi sau nhà cũng nhìn thấy...
Chúng tôi đi ngủ lúc đêm đã khuya. Bên ngoài gió vẫn lồng lộn từng cơn. Ở nơi heo hút này, tiếng gió hú trong đêm khuya nghe lạnh lùng sầu thảm quá. Mãi không ngủ được, tôi khoác chăn ngồi dậy. Bên kia bếp lửa, gia đình chủ nhà đã ngủ say. Người vợ gối đầu lên tay chồng, một tay chị quàng qua khuôn ngực vạm vỡ của anh đầy yêu thương và tin cậy. Người chồng nằm gác tay lên trán như đang suy tư. Đứa trẻ ngủ say giữa hai người, vô tư và yên ổn. Con chó vàng nằm cạnh cửa vểnh tai cảnh giác. Bếp lửa sưởi ấm cho tất cả.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Người thiếu phụ bỏ vào gùi chồng hai nắm cơm cùng gói thịt nướng, và mở ba lô của tôi nhét vào đủ thứ: chiếc mật gấu, mấy xâu thịt khô, mật ong đựng trong vỏ quả bầu, măng khô, cả một trái đu đủ chín hườm mới hái dưới vườn. Xong chị đứng dậy tần ngần nhìn quanh nhà, ý chừng xem còn thứ gì có thể đem cho tôi mang theo.
Tôi hôn chú bé và chào từ biệt chị. Chị nghẹn ngào nói với tôi điều gì đó, hai mắt ươn ướt. Người chồng bảo: “Vợ tôi nói, anh đi rồi cô ấy sẽ nhớ anh lắm đấy...”.
Chúng tôi ra đi khi sương còn chưa tan. Xuống tới suối, tôi quay lại nhìn. Người thiếu phụ vẫn đứng ở đầu sàn trông theo. Hình dáng hai mẹ con chị in lên nền trời đang xanh dần trong nắng sớm.
Hai chúng tôi băng rừng đi mải miết, chỉ dừng nghỉ lúc ăn trưa. Xế chiều thì ra tới đường xe. Anh đứng lại bảo tôi: “Từ đây tới bản A. anh đi chừng một giờ nữa! Không sợ lạc đâu! “Tôi phải quay về thôi!”. Chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ. Nói ra điều gì lúc này cũng đều không cần thiết. Anh vẫn bình thản nhưng ánh mắt buồn bã. Tôi cởi chiếc đồng hồ đeo vào cổ tay anh và nói ngay không để anh kịp từ chối: “Tôi tặng cháu! Để sau này anh dạy cháu biết xem giờ!”...
Tôi lại bước đi trên con đường đã quen hôm trước. Vẫn lối xe chạy bỏ hoang lòa xòa cây cỏ, vẫn vết cuốc mờ mờ ở vách ta luy và nắng chiều rat bỏng trên vai. Dường như không có hai ngày vừa qua, như tôi chỉ mơ một giấc mơ dài, giờ tỉnh dậy đi tiếp. Ngoảnh nhìn lại, vẫn thấy người đàn ông đứng im lìm trên đỉnh dốc, mặt trời lấp lóa sau lưng anh.
Cho đến tận bây giờ, trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh người đàn ông lưng mang gùi, một tay xách cánh ná, một tay chống ngọn lao, đứng im lìm như pho tượng cổ trong nắng chiều vàng óng... Tôi rất muốn gặp lại những con người ấy, nhưng biết tìm họ ở đâu trong một vùng núi non bạt ngàn ở miền tây Quảng Trị, mà cũng có thể là đất Lào.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, không biết bây giờ họ ra sao? Nếu còn sống, anh chị ấy giờ cũng đã già như tôi, chú bé ngày nào đã trở thành một chàng trai lực lưỡng... Biết đâu cậu ta đã lấy vợ, một cô gái bên bản Lào chẳng hạn, và nơi ấy giờ đã có một bản mới nho nhỏ...
Huế, 4/ 2000
Phan Văn Lợi 
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...