Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Xuân của nhân duyên

Xuân của nhân duyên
Không phải ngẫu nhiên mà mùa xuân được xem là mùa của duyên tình. Con người tin rằng linh khí giao hòa của đất trời là thời khắc lý tưởng để cầu xin và hy vọng một mối lương duyên tốt đẹp. Niềm tin sâu xa ấy không phải tự nhiên mà có. Nó tựa vào các thần thoại, huyền tích và những phong tục tập quán cổ xưa trên thế giới.
Những quốc gia có nền văn minh cổ đại rực rỡ đều xây dựng hình ảnh sắc nét, sinh động và những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh vị thần tình yêu. Thần thoại Lưỡng Hà kể rằng Ishtar vừa là nữ thần tình yêu vừa là nữ thần chiến tranh. Ban bố tình yêu cho nhân gian nhưng chính nàng cũng không thoát lưới ái tình. Nàng say đắm thần mục đồng Tammuz. Và rồi, với bản tính ưa gây hấn của chiến thần, nàng đã vô tình khiến một con lợn lòi húc thủng bụng của chàng. Đau xót trước sự ra đi của Tammuz, nàng quyết tâm xuống địa phủ để đòi nữ thần địa phủ Ereshkigal trả lại hồn xác người tình. Bị Ereshkigal từ chối, Ishtar bướng bỉnh ở lì tại âm ti, gây ra cảnh "những con bò đực không động, những con bò cái chán chê, trai tráng không còn xuống phố, con gái không còn ai mê" trên thế gian. Thế là, nữ thần địa phủ phải nhân nhượng, cho phép Ishtar được gặp gỡ Tammuz vào mùa xuân. Thần thoại Ấn Độ cũng cho rằng mùa xuân là mùa của duyên tình vì Tết Holy đầu năm là ngày giỗ của thần tình yêu Kama. Đây là vị thần tuấn tú ngồi trên chiếc xe do chim vẹt kéo, có cung tên hết sức đặc biệt với thân cung là cây mía uốn cong, dây cung là đàn ong mật uốn lượn, mũi tên là hoa xoài mềm mại. Mũi tên đích xác sẽ khiến cho các giống đực (purusha) và giống cái (prakriti) cuống quýt tìm nhau. Không ai thoát khỏi quy luật ấy, kể cả thần khổ hạnh Shiva. Chính vì bị mũi tên ái tình của Kama thúc thủ mà Shiva mở con mắt thứ ba trên trán huỷ diệt Kama. Và còn nhiều nữa những câu chuyện tình yêu khắp nơi trên thế giới, như Hathor (Ai Cập), Astarte (Do Thái), Cupid (La Mã), Aphrodite (Hi Lạp), Freya (Bắc Âu), Nguyệt Lão (Trung Quốc)..., đều ít nhiều gắn bó với vẻ non tơ thanh mới của mùa xuân. Uy lực của những người cai quản duyên tình cộng thêm vẻ kiều diễm của mùa xuân khiến loài người không ngừng tìm kiếm và chẳng thể rời nhau. Kim Trọng chẳng phải đã gặp Thuý Kiều trong tiết thanh minh đó sao? Thế nên, mùa xuân nghiễm nhiên được xem là mùa của những khởi đầu, của sự sóng đôi và sinh sôi trên mặt đất.
Chính vì xem xuân là mùa tốt lành của lứa đôi nên người ta đổ xô đi cầu duyên. Thành tâm chưa đủ mà còn phải biết nơi chốn nào có thể bày tỏ ao ước rất tế nhị và thiêng liêng này. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có hơn một địa điểm chuyên trị khoa duyên tình. Đài phun nước Trevi ở Rome (Ý) tuy không quá lớn nhưng luôn thu hút du khách trên thế giới đổ về đây nguyện ước, bởi người Ý cho rằng nước ở Trevi vốn được dẫn về từ nguồn nước suối thiêng thời La Mã cổ đại. Người còn cô lẻ hãy xoay lưng về phía đài phun, thảy một đồng xu qua vai phải và khấn nguyện, còn người đã có đôi thì nên thảy hai đồng xu để đám cưới sớm diễn ra. Ở Nhật Bản, Tokyo Daijingu, Izumo Taisha Tokyo Bunsha, Imado Jinja, Kiyomizu... là những đền chùa được cho là vô cùng linh nghiệm trong việc cầu duyên. Chùa Kiyomizu có hai tảng đá nhỏ đặt cách nhau khoảng 20 mét, tượng trưng cho nam và nữ. Ai muốn cầu duyên thì cứ sờ vào tảng đá "khác giới" với mình, lòng nghĩ hoặc miệng đọc tên người mình yêu rồi nhắm mắt đi tìm tảng đá "cùng giới" còn lại. Nếu may mắn tìm thấy thì nhất định tình yêu sẽ đến. Những ai đến Hongkong ắt hẳn đã từng thăm viếng miếu Thần Tài ở Vịnh Nước Cạn. Tuy mang tên là Thần Tài miếu nhưng nơi này có rất nhiều tượng thần và mẫu khác nhau, đặc biệt là tượng Nguyệt lão to lớn với rất nhiều xích thằng (chỉ đỏ), ruy băng đỏ quấn quanh. Người Hongkong tin rằng những ai thành tâm van vái Nguyệt Lão sẽ không phải chịu cô đơn và có được tình yêu, hôn nhân như ý (và phải nhớ sờ thật lâu vào hòn đá nhỏ ở gần vai phải của Nguyệt Lão). Còn ở các quốc gia theo hoặc từng theo Hindu giáo như Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar..., việc sờ vào linga và yoni trong đền thờ là nghi thức không thể thiếu nếu muốn âm dương hoà hợp, con đàn cháu đống. Riêng ở Việt Nam, hàng chục địa điểm cầu duyên từ Bắc đến Nam được truyền tụng và đồn thổi về độ linh thiêng như đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên), suối Giải Oan (Quảng Ninh), chùa Duyên Ninh (Ninh Bình); am Mỵ Châu, chùa Hà (Hà Nội); chùa Bát Bửu Phật Đài, chùa Ông, chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM)...
Đến được "cửa Thánh" chưa đủ, người mong duyên tình còn phải thực hiện lỉnh kỉnh các "thủ tục" để minh chứng lòng thành. Trang phục, sự thanh sạch của thân thể, văn khấn duyên, các món trong mâm lễ vật, thời khắc cúng tế... đều góp phần vào sự chỉn chu của buổi cầu duyên. Giản dị hơn, người ta rỉ tai nhau cách xin lộc duyên hay dự đoán hôn nhân. Trai gái thành tâm xin trầu cau trên mâm cúng thần Phật, bói chỉ tay, bói bài, bói cung hoàng đạo, bói Kiều... Loài người bỗng tươi trẻ, thật thà và thơ ngây khi kính cẩn đặt trọn niềm tin vào "vua Từ Hải, vãi Giác Duyên, tiên Thuý Kiều". Các cô gái ở Bắc Âu còn có phép thử rất đáng yêu: đêm giao thừa, các cô sẽ cầm chiếc giày mới, xoay lưng lại cửa nhà và ném giày qua vai phải vào cửa. Nếu mũi giày hướng ra cửa thì năm đó sẽ có tin vui về hôn nhân, còn mũi giày hướng vào trong nhà thì một năm lẻ loi là hoàn toàn có thể.
Những nghi thức riêng lẻ được truyền tụng và lan toả dần nâng thành lễ hội. Người Ấn Độ xem lễ hội Ánh Sáng (Diwali) là lễ hội long trọng nhất năm. Lễ hội diễn ra vào năm ngày, từ đêm 28 của tháng Ashwin cho tới ngày thứ 2 của tháng Kartika - tức tháng 10 và tháng 11 trong lịch Ấn Độ. Đây là lễ hội tôn vinh chiến công của hoàng tử Rama trong việc khuất phục quỷ Ravana, đẩy lùi bóng tối để giành lại người vợ khả ái Sita. Ngày thứ tư của Diwali là ngày dành cho vợ chồng và nam thanh nữ tú cũng nhân dịp này mà nô nức cầu duyên. Truyện cổ Việt Nam kể rằng thuở khai thiên lập địa, trăng đêm nào cũng sáng, cũng tròn để các nàng tiên nơi thượng giới vui chơi, nhảy múa. Ngày nọ, nàng tiên thứ bảy xin Ngọc Hoàng xuống hạ giới du ngoạn. Để tránh bị người phàm phát hiện, nàng xin cha cho trăng chỉ sáng vào đêm giữa tháng và mờ nhạt hơn trong những ngày còn lại. Thế rồi, nàng lại phải lòng một chàng trai nghèo khổ, côi cút ở thế gian. Ngọc Hoàng tức giận, biến đôi uyên ương thành đá. Sau này, khi mở hội vào mỗi mùa xuân, nghe quần thần tâu lại chuyện tình cảm son sắt của đôi trai gái, Ngọc Hoàng hối hận, bèn ra lệnh cho người trần gian tổ chức lễ hội cầu duyên để tưởng nhớ đến nàng tiên thứ bảy. Từ đó mà có hội Động Tiên ở Hàm Yên, Tuyên Quang vào tháng Giêng hằng năm. Ngày Valentine 14/2, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ Junon, nữ hoàng cai quản phụ nữ và hôn nhân ở La Mã, cũng là dịp vinh danh thánh Valentine tốt bụng đã giúp đỡ các đôi lứa bí mật kết hôn với nhau dưới thời Claudius II tàn bạo.
Tượng Nguyệt Lão ở Hồng Kông  
Đài phun nước Trevi ở Ý
Niềm tin tâm linh tha thiết và thành khẩn là vậy nhưng rồi thế nhân cũng phải ngậm ngùi nhận ra mấy ai được vẹn ý. Vậy là họ lại tựa nương vào những thuyết nhân duyên. Người Trung Quốc cho rằng sân nhà ông Tơ bà Nguyệt có nhiều bức tượng chứa linh hồn của nhân gian. Khi muốn se một đôi, ông bà sẽ cột chỉ đỏ vào chân của hai bức tượng. Có những sợi được nối ngẫu hứng, có những sợi được đối chiếu theo ân oán nghiệt duyên, cũng có vài cái là theo lệnh cấp cao. Những pho tượng không được nối tơ sẽ không bao giờ có tình duyên, cô độc cả đời. Những pho tượng được nối muộn màng thì về già mới có thể gặp được tình yêu đích thực. Cũng có khi ông Tơ bà Nguyệt siêng quá nên đặc biệt có người mới vừa sinh ra đã có người yêu. Đôi lúc ông bà lười, nối chỉ xong không chịu sắp xếp gọn gàng khiến chúng chồng chéo vướng víu, rối tung. Đó là lý do xuất hiện tình tay ba tay bảy, hợp rồi lại tan hay lắm mối tối nằm không. Ca dao của người Việt diễn đạt thật gọn gàng sự màu nhiệm ấy:
Thương sao thấy mặt thương liền
Cứ như ông Tơ bà Nguyệt nối duyên mình thuở xưa.
Những người đơn chiếc hoặc đã trải qua chuyện hợp tan dần thấm nhuần thuyết nghiệp duyên của Phật giáo. Còn duyên thì tụ, hết duyên thì tan. Có khi, tu cả ngàn năm trong tiền kiếp mới hữu duyên hạnh ngộ ngắn ngủi trong đương kiếp. Triết lý đó đâu chỉ có phương Đông mà ngay cả phương Tây cũng vô cùng tin tưởng. Triết gia sinh năm 1969 Alain de Botton, trong "Luận về yêu", đã kể về cuộc gặp gỡ định mệnh của ông và người tình yêu dấu Chloe “trên bầu trời của biển Manche”. Theo cách tính toán của nhà triết học hiện đại, xác suất để hai người gặp nhau là 1/ 989.727, nghĩa là nếu không đủ duyên, cả hai hẳn đã an toạ trên những chiếc Boeing khác nhau, đến những sân bay khác nhau và cơ hội gặp gỡ nhau là bằng không. Yêu thương nồng nhiệt và thấu hiểu nhau đến vậy nhưng cuối cùng họ cũng phải rời nhau. Sau những lý giải có vẻ khoa học, thậm chí cả triết học Marxist, Alain dùng những từ như “số phận”, “định mệnh”, “lời nguyền” khi “nhìn mọi thứ trượt khỏi nắm tay mình”. Vậy thì, chuyện lương duyên vốn đã được định sẵn trong trời đất, cớ gì con người phải nhọc công ngóng đợi, nói như Từ Đạo Hạnh thiền sư:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
Dẫu biết vậy, nhưng ai có thể ngăn cản niềm hy vọng của con người, nhất là trong thời khắc của muôn vàn sum họp, đoàn viên?.
Đào Diễm Trang
 Nguồn: Bản tin Xã hội Nhân văn 
số 55 Xuân Bính Thân 2016, tr. 43-45.
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...