Sự tích bánh chưng - bánh dầy
“Bánh Chưng” là một loại bánh truyền thống của dân
tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, Trời, Đất,
và thường được người Việt mang ra làm lễ vật cúng hiến trong dịp lễ Tết Nguyên
Đán hàng năm trong gia đình. Là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm
thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, “Bánh Chưng” có vị trí đặc
biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt qua nguồn gốc của nó về truyền
thuyết liên quan đến Hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6.
Truyền thuyết này còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cây lúa trong
nền Văn Hoá Lúa Nước của Việt Nam. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng
với “Bánh Dầy”, “Bánh Chưng” tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người
Việt xưa. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông, được coi là đặc
trưng cho “Đất” trong tín ngưỡng của người Việt cổ và các dân tộc
khác trong khu vực châu Á. Cùng với “Bánh Chưng”, “Bánh Dầy” mang ý
nghĩa tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có
màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho “Trời” trong tín
ngưỡng của người Việt cổ. Truyền thuyết “Bánh Chưng”, “Bánh Dầy” trong
Lĩnh Nam Chích Quái được dịch giả Nguyễn Hữu Vinh dịch lại như sau:
Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình,
nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử
lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng
cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.
Các công tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn,
chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà
kể.
Duy có công tử thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị
bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng,
ăn ngủ không yên.
Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có
vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán,
không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng
cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm
nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục
của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.
Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng nghĩ rằng “Thần minh
giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh,
không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân
ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng.
Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn
để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.
Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại trưng bày phẩm vật. Các
con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh
hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày
như lời thần nhân đã bảo.
Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật
của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho
Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp
lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho
đến bây giờ.
Lấy tên là bánh Lang Liêu và gọi là Tiết Liệu (節料) (người
dịch: 1) Vật liệu dùng trong các ngày Tết. Nếu đọc theo âm Nôm thì có thể là Tết
Liêu (Tết Lang Liêu). Sách Thiên Nam Ngữ Lục viết là “Vua đặt tên bánh là bánh
Liêu. Vì thế, gọi Tết là Tết Liêu (節僚), 2) Tiết 節 âm Nôm còn đọc là Tết).
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em kia đều chia nhau giữ
các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở.
Về sau, anh em tranh giành lẫn nhau, mỗi người dựng “mộc
sách” (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay
là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phường bắt đầu có từ đây
vậy. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)
Bình (Trần Đình Hoành bình) • Vua Hùng phá giặc Ân là Hùng
Vương thứ 3 trong truyện Phù Đổng Thiên Vương. 3 là số thiếu dương, dương đang
bắt đầu lên mạnh. Lang Liêu là quan lang thứ 18. 18 là 2 lần 9, 2 lần con số
thái dương, có nghĩa là cực lớn, cực thịnh. • Cha trời mẹ đất. Trời tròn đất
vuông. Truyện nói đến công ơn cha mẹ. • Nhưng nghĩa sâu xa hơn nữa là “Cha mẹ của
vạn vật”. Đó là âm dương. Trời là dương, đất là âm. Âm dương tương sinh tương
hành tạo ra toàn thể vũ trụ. Âm dương không phải là hai vật gì hay hai thứ gì,
mà chỉ là biểu tượng của “cặp đối nghịch”–sáng tối, đêm ngày, đàn ông đàn bà, lửa
nước, nóng lạnh…. Vũ trụ biến hóa thay đổi do âm dương ức chế lẫn nhau, giúp đỡ
nhau, ảnh hưởng nhau, nương tựa nhau, và thúc đẩy nhau. Triết lý âm dương chi
phối toàn diện văn học, nghệ thuật, y học, triết lý, chính trị, tôn giáo thời cổ
đại, và vẫn rất mạnh trong nhiều lãnh vực ngày nay, như y học cổ truyền. Âm
dương là nền tảng của toàn thể vũ trụ, toàn thể đời sống cá nhân, toàn thể đời
sống gia đình, toàn thể đời sống quốc gia.
Lang Liêu nói đến “Âm Dương chi vị đạo”—âm dương chính là đạo.
Chính vì thế mà Lang Liêu được nối ngôi. • Trời (bánh dầy) không có nhân, đất
(bánh chưng) có nhân. Nghĩa là từ trong lòng đất sản sinh ra mọi loài cỏ cây,
muông thú, con người… Mẹ mang con trong lòng mẹ, con từ lòng mẹ mà ra. • Đất là
“địa”. Người Việt ta có từ “tâm địa” để chỉ tâm con người—người có tâm địa đen
tối hay tâm địa tốt. Gọi “tâm” là “tâm địa” vì tâm là mẹ của tất cả, tất cả từ
tâm mà ra. Kinh Pháp Cú mở đầu: “Tâm dẫn đầu các pháp; tâm làm chủ,
tâm tạo.” Trong phẩm Tùng Địa Dũng Xuất của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa , nhiều
Bồ Tát vàng nhảy từ dưới lòng đất lên nghe Đức Phật giảng kinh, đó cũng là ý
nói Bồ Tát là từ tâm ta mà ra. • Bánh dầy thì không gói lá, nhưng bánh chưng
thì gói lá chuối. Cây chuối từ lòng đất mà ra, lá chuối lại bọc bánh chưng—mẹ đất.
Nghĩa là mẹ sinh con, con lại ấp ủ mẹ. Tình mẫu tử thiết tha, mặn nồng. Đây rất
phù hợp với văn hóa mẹ của người Việt. Mẹ Việt Nam.
• Mặc dầu là truyện nói về bánh dầy bánh chưng, nhưng các
phiên bản truyện đều ghi tên truyện là “Truyện Bánh Chưng”, chỉ chú trọng đến mẹ.
• Điểm quan trọng nhất trong truyện, và ít được đề cập đến nhất, là hệ thống
chính trị dựa trên khả năng (meritocracy). Thường thì mọi nơi trong các chế độ
phụ hệ, kể cả Việt Nam thời quân chủ, người con trai trưởng đương nhiên kế vị
vua cha. Nếu vua phế trưởng lập thứ là quốc gia có thể sinh biến loạn. Nhưng
trong truyện này lại lấy thi cử để ấn định việc truyền ngôi. Và người con thắng
giải là người con thứ 18, có đến 17 ông anh trên đầu, lại là con nhà nghèo. Dĩ
nhiên, con vua thì có lẽ ai cũng giàu gần như nhau mới hợp lý, nhưng nói đến
nhà nghèo là để nhấn mạnh thêm lý thuyết “tuyển chọn do tài năng.” Trong thời
quân chủ của nghìn năm trước, đây là một khái niệm cực kỳ tiến bộ trong tư tưởng
chính trị. Thực sự thì trong nền quân chủ nước ta, nhân tài được tuyển chọn do
thi cử, và tất cả mọi người trong nước đều được đi thi. Và chức vị của ai người
nấy giữ, không thể truyền lại cho con cháu.
Thời phong kiến và quân chủ ở Tây phương, chức vị quý tộc là
chức vị cha truyền con nối, cha là quý tộc thì đương nhiên con thừa kế chức vị
quý tộc của cha. Cho nên giới quí tộc là một giới riêng rất rõ ràng. Giới tá
điền, chỉ làm công cho quý tộc từ đời cha đến đời con đời cháu, và chẳng có đất
đai hay quyền hành gì cả. Cho nên ngay vào thời phong kiến và quân chủ, xã hội
Việt Nam không thực sự có giai cấp kiểu tây phương, và dân chủ hơn rất nhiều.
Các “giai cấp” Việt Nam, ngay cả giai cấp quan quyền, mở rộng cho mọi người
tài, nhờ hệ thống tuyển người qua năng lực. Ý thức về dân chủ, bình đẳng cơ hội
để thăng tiến, đã có trong nếp nghĩ của người Việt từ ngàn xưa.
Trần Lê Túy Phượng
Nguồn: Lĩnh Nam Chích Quái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét