Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Tà áo xanh giữa mùa vàng quyến rũ

Tà áo xanh giữa mùa vàng quyến rũ
Với bao tà áo xanh, đây mùa thu,
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ,
Lá vàng, từng cánh, rơi từng cánh,
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...
Gửi gió cho mây ngàn bay - Đoàn Chuẩn
Tôi thường tự hỏi: vì sao mùa xuân và mùa thu lại gieo vào lòng người nhiều cảm hứng dào dạt, để từ đó nảy mầm, đâm chồi kết hoa, tạo tác nên những áng văn thơ, những dòng âm điệu trác tuyệt trải suốt mấy ngàn năm, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, không loại trừ một dân tộc, một nền văn minh nào cả. Có phải vì cái "chớm" thường tạo nhiều cảm xúc? Mùa hạ mãn khai với cái nóng nung đỏ tình người hay mùa đông lê thê phủ màu giá buốt tàn tạ lên hồn người cũng đôi khi gợi hứng, nhưng là cái hứng nơi cực điểm, mãnh liệt cuồng bạo hoặc gãy đổ tang thương. Không lãng đãng, không mênh mang. Không "chớm xuân, chồi lộc nhú". Không "chớm thu, lá nhuốm vàng". Mùa xuân thường mở ra đôi mắt mới trong mỗi người, nhìn vạn vật kỳ diệu hồi sinh sau ngày tan tuyết. Mùa xuân thổi gió lành, nâng cánh hồn lơ lửng hân hoan. Như diều tuổi thơ. Lòng người hóa trẻ dại. Tâm đơn sơ. Ý thơ nguồn nhạc hội tụ. Từ đó, tác phẩm ra đời... Còn mùa thu. Màu vàng hoang mang thường níu trí tưởng của người từ trời la đà rơi về đất. Lá lìa cành. Phân ly. Điềm gở báo trước cái chết của thời hoàng kim. Nỗi buồn dâng lên. Đầy. Mọng. Vỡ. Tràn ngập. Lai láng đến mênh mông. Mùa thu thả tình người lên thuyền, dong buồm về nơi vô định. Nghiêng. Chao. Lênh đênh. Lãng mạn. Sóng vỗ mạn thuyền. Sóng vỗ trong lòng, rào rạt thi tứ, ầm ào thanh âm. Từ đó, tác phẩm ra đời...
Tôi muốn, như nhà thơ, nghe tiếng sóng ở trong lòng, nên đi tìm mùa thu trong âm nhạc Việt Nam. Mùa thu đông phương nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư nhẹ bước vào nhạc Phạm Duy. Mùa thu tây phương mưa rơi não nề bên vườn Lục-xâm, ướt đầm những phím dương cầm của Phạm Trọng. Văn Cao nghe tiếng chân vọng mà than thở nỗi buồn tàn thu. Trịnh Công Sơn nhìn những mùa thu đi mà chợt tiếc mộng nhạt phai. Ngô Thụy Miên quyện chặt mùa thu vào tình yêu. Từ ca khúc đầu tay đến nhạc phẩm mới nhất của ông, mùa thu và tình yêu đều hiển hiện đậm nét hoặc bảng lảng, e ấp lẩn khuất giữa những âm thanh dịu ngọt, mượt mà. Có người gọi ông là nhạc sĩ của mùa thu. Có người tôn vinh ông là nhạc sĩ của tình yêu. Ở đây, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nhắc đến một cái tên khác, một dòng nhạc khác cũng nồng nàn hương sắc mùa thu và tình yêu: Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ cuối thời tiền chiến.
Ở tuổi thanh niên, Đoàn Chuẩn đem đàn đi kháng chiến. Ông trú ở làng Ngô Xá, Thanh Hóa, gần thị trấn Hậu Hiền, nơi Tô Vũ hát cho Tạ Phước nghe nhạc phẩm bất hủ
"Tiếng chuông chiều thu", cũng là nơi Đoàn Chuẩn cùng Ngọc Bích, người guitare hawaiienne, người guitare espagnole, hát vui với đám đông tại trường Nguyễn Thượng Hiền. Thời loạn lạc ấy, khi những khúc quân hành hùng tráng, sôi nổi, hay bao trường ca khơi động lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên vang vang khắp nơi, thì những nhạc phẩm đậm đặc phong thái tiểu tư sản thành thị của ông, như từng nét chạm, đường thêu tỉ mỉ, lại vực dậy trong lòng người nghe bao hoài niệm về một thời thanh bình cũ. Ngồi bên bờ sông Chu, Đoàn Chuẩn nhìn dòng nước lững lờ theo một điệu luân vũ chậm, nhớ nơi xa, nhớ ngày xưa:
Khi nắng vàng lan khắp trời,
Bầy chim tung cánh về
Phương trời xa xôi ấy.
Sông long lanh trong nắng vàng,
Vang lên những tiếng cười,
Ngày ấy xa rồi...

Và rồi, tình yêu cùng mùa thu, như một điều không thể tránh khỏi, bay lên thanh thoát theo những nốt nhạc bên dòng sông. Trong khi mọi người còn say sưa vỗ súng nhịp tay hát "Thu chiến trường" của Phạm Duy:
Ai chinh phu nghe mùa thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời.
Hề thu ơi ới! Hề thu ơi ới!
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh,
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh...

Đoàn Chuẩn, với điếu Cotab gắn chặt trên môi và cây đàn guitare không rời khỏi tay, thong thả nhả tơ lòng:
Anh mong chờ mùa thu,
Trời đất kia ngả màu xanh lơ,
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa,
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa thu,
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai,
Từng cánh chim ngập ngừng không muốn bay,
Mùa thu quyến rũ anh rồi...

Mùa thu quyến rũ người nhạc sĩ trẻ, không phải chỉ vì sắc trời xanh lơ của những ngày nắng đẹp mà còn vì đường xưa lối ngập lá vàng những ngày gió lộng:
Lá thu còn lại đôi ba cánh,
Đành lòng cho nước cuốn hoa trôi...

Mùa thu còn mời gọi người nhạc sĩ bước vào thú đau thương, dẫn lối đưa chân tìm về những kỷ niệm cũ, và buồn:
Mộng nữa cũng là không,
Ta quen nhau mùa thu,
Ta thương nhau mùa đông,
Ta yêu nhau mùa xuân,
Để rồi tàn theo mùa xuân,
Người về, lặng lẽ sao đành?

Vì :
Tình em như mây trong mùa thu
Bay rợp lối,
Rồi tan trong chiều vắng
Khi gió mang về thành mưa...

Dù yêu nhau một sớm, nhớ nhau bao mùa thu, nhưng khi tình đã tàn như lá, tan theo mây, nỗi nhớ đành nén chặt trong tim. Người yêu đi lấy chồng:
Thu đi, cho lá vàng bay,
Lá rơi, cho đám cưới về,
Ngày mai, người em nhỏ bé
Ngồi trong thuyền hoa,
Tình duyên đành dứt!

Tình lỡ làng như lá vàng bay. Thôi thế từ đây... Người nhạc sĩ đành thầm nhủ:
Có hoa nào không tàn?
Có trời nào không mây?
Có tình nào không phai?
Rồi tự trấn an:
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ,

Chóng tàn, vì vướng muôn ý thơ...
Nhưng người nghệ sĩ, dù tình đa mang, vẫn không phải một sớm một chiều quên được kỷ niệm cũ:
Nhớ tới mùa thu năm nao, mình anh lênh đênh rừng cùng sông,
Chiếc lá thu dần vàng theo,
Nhớ tới ngày nào, cùng bước đến cầu, ngồi xõa tóc thề,
Còn đâu ân ái chăng, người xưa?

Vài mùa thu nữa trôi qua. Sắc màu tình cũ nhạt dần, người nhạc sĩ đem lòng mơ say một bóng hình khác:
Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm,
Nơi quán cô đơn, mơ qua trùng sóng,
Mơ đến bên em, em tô quầng mắt,
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...

Tấm áo nhung kia hẳn phải ánh sắc xanh của da trời mùa thu đất bắc, để người nhạc sĩ khắc khoải dạo lên bao cung điệu:
Anh mong chờ mùa thu,
Tà áo xanh nào về với giấc mơ,
Màu áo xanh là màu anh trót yêu,
Người mơ không đến bao giờ...

Không, người mơ có khi cũng bước chân ra khỏi mộng ảo để đến gần, thỏ thẻ bên tai:
Em còn nhớ, anh nói rằng:
Khi nào em đến với anh,
Xin đừng quên chiếc áo xanh...

Màu áo xanh, với chàng nhạc sĩ, đã mãi mãi trở thành lời thề non hẹn biển:
Hẹn một ngày nao,
Khi màu xanh lên tà áo,
Tình thương lên quầng mắt,
Anh đón em về thuyền mơ...

Và, cũng như chàng Tú Uyên được sống đời với người đẹp trong tranh, Đoàn Chuẩn một thời ngập tràn hạnh phúc cùng người mình yêu. Rồi, chiến tranh, kháng chiến, biệt ly:
Còn đêm nay nữa,
Ta ngồi với nhau,
Ngước mắt trông trời,
Ngày mai, anh đã xa rồi...
Vợ chồng son trẻ mỗi người một nơi. Từ miền sông Chu Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn ôm đàn nhớ vợ, lưu lạc theo đoàn nữ cứu thương tận núi rừng Việt Bắc. Người nhạc sĩ cất tiếng hát:
Từ một nơi xa xôi,
Cách bao núi rừng, suối đồi,
Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu,
Hoa lan hương màu trắng,
Như duyên em thầm kín
Trong hương thu màu tím buồn...

Hoa, thường đi kèm với những lá thư xanh màu hy vọng, nhốt cả gió, cả bướm, cả trăng vào đó:
Gửi gió cho mây ngàn bay,
Gửi bướm muôn màu về hoa,
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian...

Có nỗi nhớ nào mà giống nỗi nhớ nào? Tú Uyên nhìn tranh mà ước gặp được người trong mộng. Đoàn Chuẩn nhìn khói thuốc uốn lượn mà mong vượt vạn dặm đường để đến bên vợ hiền:
Qua bao rừng núi, anh về đây,
Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây,
Đường về Việt Bắc xa xôi rừng núi,
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi,
Đường về Việt Bắc xa xôi núi đồi...

Ông còn tưởng tượng ra tâm cảnh của người phương xa, nhìn mùa thu rơi mỗi khi tựa cửa chờ đêm về trên chập chùng đồi núi:
Thu nay vì đâu nhớ nhiều?
Thu nay vì đâu tiếc nhiều?
Đêm đêm nhìn cây trút lá,
Lòng bỗng rộn ràng, ngỡ bóng ai về...
Đầu thập niên 50, Đoàn Chuẩn về thành. Tại Hải Phòng, ông tung ra một loạt ca khúc lãng mạn mà ông đã nâng niu, ấp ủ từ lâu. Trừ bài "Sông Chu", không hiểu vì sao. Nhạc Đoàn Chuẩn, thêm lời của Từ Linh, lại càng trữ tình, tha thiết. Cái tên kép Đoàn Chuẩn-Từ Linh từ đó trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc, nhất là tầng lớp thanh niên, học sinh, trí thức thành thị... Đến 1954. Đất nước chia đôi. Từ Linh di cư vào nam. Đoàn Chuẩn chọn ở lại, và sáng tác sau đó ít lâu một nhạc khúc mang dấu vết thời cuộc. Với cùng một tứ nhạc, ông vẽ lại hình dáng yêu kiều của người thiếu nữ Hà thành ngày cũ:
Em tôi đi, màu son lên đôi môi,
Khăn san bay lả lơi bên vai ai,
Trời thắm gió trăng hiền,
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên...

Nay đã đi thật xa, vào mãi tận Sài Gòn:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat,
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa,
Dần trắng xóa mặt đường,
Một người em gái nhớ người thương...

Ông mơ ước:
Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh, khôn ai lường,
Cầu chia giới tuyến đến mãi đây, sáng đất bằng,
Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em
Giữa cầu Hiền Lương...

Nhưng ngày thống nhất ấy không đến như mong đợi. Bức màn tre dần khép lại trên miền bắc, bóp nghẹn đi dòng âm thanh lãng mạn tiểu tư sản. Ở miền nam, Anh Ngọc vẫn day dứt với "Lá đổ muôn chiều", Duy Trác vẫn hát "Đường về Việt Bắc", Khánh Ly không quên "Lá thư", Mai Hương dịu dàng bên "Cánh hoa duyên kiếp", Họa Mi vút cao gọi "Chuyển bến", Tuấn Ngọc rộn rã với "Tình nghệ sĩ"... Rồi 1975, Sài Gòn thất trận. Người dân Việt phía nam vĩ tuyến 17 đành bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng lại trĩu nặng trong lòng một di sản văn hóa quý báu. Những thơ, văn, nhạc, kịch của một thời, nhờ đó mà sống sót qua cơn đại hồng thủy. Nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn cũng không bị bỏ quên. Những âm điệu quen thuộc lại tiếp tục vang lên bên kia bờ Thái Bình Dương, với một lớp ca sĩ mới, đầy sức sống : Vũ Khanh, Thái Hiền, Nguyễn Thành Vân, Anh Dũng... Tại Việt Nam, sau hơn mười lăm năm thống nhất đất nước, "Gửi gió cho mây ngàn bay" và những nhạc phẩm cùng tác giả mới chính thức được phép cho hát trở lại, rồi quay thành video, với phần dàn dựng của đạo diễn Đinh Anh Dũng. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nay không còn nói được rành rẽ, phải dùng bút đàm, chắc hẳn đã có lúc lặng người khi nghe lại những dòng nhạc cũ do chính mình tác tạo, nay phục sinh chắp cánh bay lên cùng các tiếng hát Ánh Tuyết, Lê Dung, Hồng Nhung, Thu Hà... Hà Nội vẫn mãi mãi là Hà Nội kiều mị của "Gửi người em gái". "Tà áo xanh" vẫn muôn thuở khua lên rộn rã niềm yêu trong lòng kẻ si tình. Còn mùa thu, xưa lâng lâng với "Thu quyến rũ" hay buồn tủi theo "Lá đổ muôn chiều", nay lại thêm dư vị đắng chát trong "Vàng phai mấy lá", ca khúc cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa một thời. Vâng, chỉ một thời, chưa đầy mười năm. Vô cùng ngắn ngủi.
Khi mùa thu đến báo:
Tình duyên đã dứt, đường chia đôi lối,
Gió nâng mây về trời,
Đời nào quên cánh diều bay...
Em khác gì Quỳnh Dao,
Lúc cát lầm, phung phí hết xuân xanh,
Lúc đêm về,
Thương cho đời,
Và cũng ghét cho đời,
Và cũng chán cho đời!
Mưa dồn trôi nước lũ,
Xuôi dòng, thả hết bụi nhơ,
Xuôi dòng, trầm câu hát tương tư,
Nhủ lòng: thôi hết những mùa thu!

Kính tặng bố, tuổi bảy mươi
Ghi chú:
Bài viết này sử dụng một số lời hát, trích dẫn từ mười hai ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn:
Gửi gió cho mây ngàn bay,
Sông Chu,
Thu quyến rũ,
Lá đổ muôn chiều,
Tà áo xanh/ Dang dở,
Cánh hoa duyên kiếp,
Tình nghệ sĩ,
Lá thư,
Chuyển bến,
Đường về Việt Bắc,
Gửi người em gái,
Vàng phai mấy lá/ Vĩnh biệt.
Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy, các anh Đoàn Khoa và Nguyễn Thành Vân đã sốt sắng tìm giúp ảnh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, góp phần làm phong phú thêm bài viết.
Cổ Ngư 
Theo http://www.dactrung.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...