J'ai cueilli ce brin de bruyère L'automne est morte
souviens-t'en Nous ne nous verrons plus sur terre Odeur du temps brin de
bruyère Et souviens-toi que je t'attends L’Adieu Guillaume Apollinaire
(1880-1918)
Tháng mười một. Paris đẫm trong thu. Xác lá ngô đồng sũng ướt
la liệt mặt đường. Trời đục, nặng, hơi thở đã vương vất khói buổi đầu ngày. Một
muà thu như thế, mấy mươi năm trước, bao nhiêu người sống giưã cái oi bức bụi bặm
cuả Sài Gòn, cuả các thành phố, tỉnh lỵ đồng bằng miền Nam Việt Nam đã từng mơ
ước. Một chút hương xa, thoát thai từ hồn thơ Paul Verlaine, Guillaume
Apollinaire, Cung Trầm Tưởng, nhập thân vào những dòng nhạc Phạm Duy, vỗ cánh
bay lên. Cứ tưởng những hình ảnh, âm thanh viễn mơ đó rồi có lúc sẽ dần theo thời
gian chìm xuống, lắng vào một góc nào đó cuả ký ức, để phai, và quên… Nhưng, với
gần một ngàn khán thính giả đến dự chương trình Phạm Duy, 60 Năm, Dòng Nhạc
– Dòng Ðời đêm 9.11.2002 tại Paris, lời thơ điệu nhạc như mở bừng mắt phục
sinh, tươi mởn và tẩm đậm hương sắc nồng nàn cuả không gian thu tây phương. Muà
thu đã không chết trong khúc hát bi thương cuả người tình phụ, muà thu chỉ thê
thiết trên dây vĩ cầm, khắc khoải với tiếng kèn đồng, dần vàng ươm theo dòng
tóc tơ nhỏ sợi, để rồi đỏ rựng lên cùng màu rượu chát nồng nàn. Muà thu, từ đó,
cuốn hồn người vào con trốt xoáy cuả dòng hồi tưởng.
Với gần bốn mươi ca khúc, nhạc sĩ Phạm Duy và các con cuả ông
đã mời mọi người cùng viếng thăm lại từng chặng đường cuả sáu mươi năm sáng tác
âm nhạc. Mở đầu và kết thúc bằng hai bài đồng ca Ðường Về Quê vàGiọt
Mưa Trên Lá - Mẹ Việt Nam ơi , những nhạc phẩm còn lại được các giọng hát
thành danh Julie, Ái Vân, Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc, Duy Quang trình bày
đơn ca hoặc song ca. Có rất nhiều ca khúc phổ thơ, từTiếng Sáo Thiên Thai phổ
thơ Thế Lữ (1951), với tiếng hát Thái Hiền – Thái Thảo, gợi nhớ trong lòng những
khán giả lớn tuổi hình ảnh hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh nưả thế kỷ về trước,
đến nhạc phẩm Tình Cầm, phổ thơ Hoàng Cầm (1984) qua phần song ca cuả Tuấn
Ngọc và Duy Quang. Gần hết những ca khúc phổ thơ thành công nhất cuả nhạc sĩ Phạm
Duy, theo sự nhận xét và phân tích cuả nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn trong bài viết Nghệ
thuật phổ thơ vào nhạc (báo VĂN, số đôi 66 & 67), đều lần lượt được
trình bày : Tiếng Sáo Thiên Thai, Nụ Tầm Xuân, Thu Ca Điệu Ru Đơn, Ngậm
Ngùi, Kỷ Vật Cho Em. Bên cạnh những ca khúc phổ thơ, các bài hát từng vang vọng
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Ðường Về Quê, Về Miền Trung được
giới thiệu xen kẽ với những tình khúc đã được nhiều thế hệ tình nhân ấp ủ : Ðêm
Xuân, Ðừng Xa Nhau, Phượng Yêu, Nha Trang Ngày Về, Trả Lại Em Yêu… Ngoài ra, nhạc
sĩ Phạm Duy còn mời người mộ điệu thưởng thức các ca khúc trích từ trường ca Con
Đường Cái Quan : Ði Đâu Cho Thiếp Theo Cùng, trường ca Mẹ Việt
Nam :Mẹ Việt Nam Ơi, Tâm Ca: Tôi Ước Mơ, theo
thơ Nhất Hạnh và Giọt Mưa Trên Lá, Tâm Phẫn Ca, Thương Ca Chiến Trường: Tưởng
Như Còn Người Yêu, thơ Lê Thị Ý và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, thơ Hưũ Loan, Ðạo
Ca: Quán Thế Âm, thơ Phạm Thiên Thư.
Mảng ca khúc có «khí hậu» Paris và Âu Châu, phù hợp với cái
lạnh một đêm trọng thu tháng 11, được tán thưởng nồng nhiệt: Muà Thu
Paris, Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng), Thu Ca Điệu Ru Đơn (theo
thơ Paul Verlaine), Muà Thu Chết (theo thơ Guillaume Apollinaire), Huyền
Thoại Trên Một Vùng Biển (thơ Thái Phương Thư)…
Từ hàng ghế khán giả, có người chép miệng: Tưởng như mới
hôm qua…khi nghe Julie hát Muà Thu Chết và Duy Quang trình bày Cô
Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Thà Như Giọt Mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên). Cái tưởng
như mới hôm qua ấy thật sự đã có một khoảng cách thời gian ba mươi năm và
một khoảng cách không gian vài trăm ngàn cây số đường chim bay. Vẫn là hồi tưởng,
về chốn quê nhà cuả một quá khứ xa hơn nưã, thời đất nước phân đôi, người người
lià nhau vì lý tưởng. Những hình ảnh cũ, cảm xúc xưa được khơi gợi lại qua tiếng
hát Ái Vân trong Tình Hoài Hương và Tuấn Ngọc với Tâm Sự Gửi Về
Đâu(thơ Lê Minh Ngọc). Vẫn là hồi tưởng, khi Thái Thảo chọn hát Ðêm Xuân , bài
hát cuả bố viết tặng mẹ , khi Thái Hiền cất lên câu hỏi từng làm ray rứt cả
một thế hệ những người tuổi trẻ :Biết bao giờ tôi mới được nói những điều tôi ước
mơ? Cũng vẫn là hồi tưởng, khi những nốt nhạc quấn quýt mê đắm cuả Cỏ
Hồng vưà dứt, nhạc sĩ Phạm Duy, đứng giưã Tuấn Ngọc, Thái Thảo, ánh
spotlight chói loà và những tràng pháo tay vang dội, run run kể về lần trở lại
đồi Hồng – Ðà Lạt cách đây vài tháng, cảnh cũ vẫn đấy, nhưng em ngoan như tình
nồng, em bao la mịt mùng, em thơm như cỏ hồng… cuả ngày nào, nay không còn nưã!
Hơn ba tiếng đồng hồ, gần bốn mươi ca khúc, người trình diễn
và người thưởng thức vẫn chưa muốn rời nhau. Thêm vài bài hát được yêu cầu,
thêm nhiều tràng pháo tay tán thưởng và tri ân người nhạc sĩ, tóc trắng phau, vẫn
tráng kiện tươi cười đứng trên sân khấu, giưã các con, dâu, rể, người nhạc sĩ
suốt một đời ôm đàn mơ làm con dế hát rong... Chương trìnhPhạm Duy, 60 Năm,
Dòng Nhạc – Dòng Ðời được khán thính giả Paris đánh giá cao về mặt nghệ
thuật. Bà Nguyễn Xuân Thư, chủ tịch hội « Những người bạn cuả Việt Nam và Á
Châu », hội bảo trợ cho chương trình, cho biết, nhạc sĩ Phạm Duy đã có toàn quyền
quyết định trong việc chọn lưạ và đứng ra giới thiệu các nhạc phẩm cuả mình. Với
lời dẫn giải dí dỏm cuả người MC lớn tuổi nhất trong làng âm nhạc Việt Nam (và
thế giới?), với phần trình diễn xuất thần cuả các ca sĩ tài danh, cuả ban nhạc The
Fanatics, cùng phần soạn hoà âm, phối khí độc đáo cuả Duy Cường, tất cả các nhạc
phẩm trình bày, dù phổ thông hay ít được biết đến, đều được khen ngợi nồng nhiệt.
Phải chăng, với người nhạc sĩ đã viết ca khúc Tạ Ơn Ðời, cuộc đời và
người thưởng thức đã đến lúc biết trân trọng đáp lại, với lòng ngưỡng mộ? Chỉ
trong vòng sáu tháng cuả năm 2002, hai chương trình Phạm Duy, Một Đời Nhìn
Lại và Phạm Duy, 60 Năm, Dòng Nhạc – Dòng Ðời đã được tổ chức với
tính chất quy mô tại Little Saigon và Paris. Sau đó, có thể sẽ thêm nhiều
chương trình tương tự như vậy, ở khắp nơi trên thế giới. Còn Việt Nam, nơi ông
đã sáng tác những dòng nhạc bất tử: Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ
biển xanh… Biết đến bao giờ? Có phải đó là ước mơ cuối cùng cuả người nhạc
sĩ đã trên tám mươi tuổi đời, hơn sáu mươi tuổi nghề, mong một ngày được ôm đàn
hát lại những ca khúc cũ cuả mình ngay trên quê hương yêu dấu?
Năm 2002, người Việt tại Paris đã «xuân thu nhị kỳ» được
thưởng thức âm nhạc Phạm Duy. Trước và sau đêm Phạm Duy, 60 năm, Dòng Nhạc
– Dòng Ðời, sáng tác mới nhất cuả ông : Minh Hoạ Kiều cũng được giới
thiệu tại Thư viện Diên Hồng vào đầu tháng tư và tại Ðại học Jussieu vào giưã
tháng 11. Như vậy, từ Ðường Về Quê sáng tác năm 1947 đến Minh Hoạ
Kiều, phần 2 ra mắt năm 2002, thính giả đã có dịp đi dọc theo hành trình
sáu mươi năm âm nhạc Phạm Duy, từ âm thanh đơn điệu cuả cây đàn guitare thời
kháng chiến đến âm thanh đa điệu đa tầng cuả dàn nhạc điện tử kỷ nguyên
computer, với phần trợ lực cuả con trai thứ Duy Cường. Cũng trong chuyến đi
giưã muà thu này, đạo diễn Ðinh Anh Dũng, người đã thực hiện các bộ phim Ðoàn
Chuẩn-Từ Linh, Gởi gió Cho Mây Ngàn Bay, Văn Cao, Giấc Mơ Một Đời Người,Văn
Cao, Buổi Sáng Có Trong Sự Thật, Trịnh Công Sơn, xin trả nợ người… (Hãng phim
Trẻ, Việt Nam) và đã có dịp ghi lại những hình ảnh cuả nhạc sĩ Phạm Duy qua nhiều
lần gặp gỡ với bạn bè, người thân và khán giả tại Paris. Ðó sẽ là nguồn tài liệu
quý giá cho những bộ phim mà anh hằng ấp ủ từ lâu và hy vọng thực hiện được
trong một tương lai không xa lắm. Chúng ta tin rằng những bộ phim này sẽ sớm ra
mắt khán giả và sẽ có tầm vóc xứng đáng với sự nghiệp âm nhạc cuả người nghệ sĩ
đã viết nên ngàn lời ca.
Nắng chiều vẫn rực rỡ. Người tình già Phạm Duy vẫn tiếp tục
cuộc hành trình liên lục điạ, gieo rắc đó đây những âm thanh cuả một thời, cuả
một đời, mời gọi mọi người yêu nhau, nhưng tự đáy lòng, vẫn không quên cất tiếng
kêu tha thiết:
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu cuả Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!.
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu cuả Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!.
Cổ Ngư
Theo http://www.dactrung.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét