1. Trần Hữu Th., sinh tại Điện Bàn – Quảng Nam, hiện sống và
làm việc tại TP. HCM. Làm thơ từ năm đầu cấp III Trung học. Dự Hội nghị viết văn
Trẻ lần thứ 4. Có nhiều thơ đăng trên các báo địa phương và Trung ương. Đã xuất
bản 3 tập thơ riêng, và có thơ được tuyển vào 15 tập thi tuyển. Giải B (không
có giải A) 5 năm Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Nguyễn Văn H. Các bút hiệu khác: Văn Thanh, Gió Lang Thang. Tham gia Lớp tập huấn viết văn của Hội Nhà văn Trung ương năm 1990.
Các thi phẩm:… Giải thưởng đạt được:…
Đó là hai tiểu sử [giả định] những người làm thơ Việt Nam ưa
dùng được ghi ở bìa gấp hay bìa bốn tập thơ.
Cuối năm, Ban Chấp hành và các Hội đồng chuyên môn của Hội
Nhà văn Việt Nam họp xét giải thưởng thường niên, và cả xét kết nạp hội viên,
khởi động cho mùa Hội viên mới, với mấy sôi động không giống ai của giới viết
văn, làm thơ Việt Nam.
Giải thưởng thì có thể có có thể không, nhưng các tên tuổi hội
viên mới chắc chắn phải xuất hiện, để nối vào danh sách vốn đã dài ngoằng từ
các năm cũ. Ở đó chiếm số đông vẫn là nhà thơ. Phần giới thiệu tiểu sử xưa cũ
chắc chắn sẽ nhanh chóng được thay đổi. Thay vì tên tuổi trống: Trần Hữu Th.,
Nguyễn Văn H., nay người làm thơ trang trọng bỏ thêm hai chữ “nhà thơ” trước
tên mình mà không chút ngại ngần.
Danh sách nhà thơ hội viên được đưa lên mặt báo, để báo cáo tỉnh
nhà biết Hội VHNT tỉnh vừa có thêm hội viên [thơ] mới. Các bài thơ vẫn đều đặn
có mặt trên các trang tạp chí địa phương, hay trên một số báo trung ương; các tập
thơ vẫn liên tục ra đời. Không làm gì cả, ngoài mục đích nối dài cái danh sách
tác phẩm được in. Thế thôi, không gì hơn.
2. Hội viên mới thì vậy, nhà thơ hội viên cũ vẫn miệt mài tìm
tòi và cách tân thơ. Càng đổi mới, thơ càng tối tăm. Kì khu câu chữ, uốn éo giọng
điệu, vắt dòng, đồng hiện, thơ con âm, ngôn từ đời thường… thôi thì đủ cả. Để
làm gì, không ai biết! Bởi đại đa số nhà thơ Việt Nam không biết/ chịu thuyết về
công việc của mình.
Năm 1941 Delmore Schwartz viết: “Sự kiện nhà thơ không có người
đọc không phải là một vấn đề đơn giản, vì điều đó là một hậu quả, không phải một
nguyên nhân, của đặc tính của thơ hiện đại.” 8 năm sau, ông bổ sung, và nhấn:
“Bất kì ai muốn hiểu thơ hiện đại phải bỏ công sức nhọc nhằn cỡ nửa công sức để
học một ngoại ngữ, hoặc để có được một kĩ năng mới, hoặc để giỏi chơi bài
brít.”
Độc giả văn chương hôm nay, hỏi còn ai đủ kiên nhẫn bỏ công
cho nỗi ấy? Trong khi nhà thơ và thơ hiện đại ngày càng quyết tâm làm cho người
đọc xa lánh thơ. Nhà thơ quay lại đọc nhau, thậm chí khi nhiều trào lưu thơ
khác nhau cùng có mặt, nhà thơ chỉ đọc thơ thuộc trào lưu mình. Cao ngạo hơn,
không ít nhà thơ chỉ đọc thơ mình. Văn nghệ Đồng Nai bài ai nấy đọc, nghe
đồn thế.
Nhà thơ thêm tiếng thở dài.
3. “Bất kì ai muốn hiểu thơ hiện đại phải bỏ công sức nhọc nhằn
cỡ nửa công sức để học một ngoại ngữ” là Schwartz nói hơi quá. Nhưng thực tế hiện
nay hiếm có ai đủ kiên nhẫn đọc hết một tập thơ được tặng. Yêu thơ, độc giả tìm
đến các tuyển tập, hay “tinh tuyển”. Ít ra, cũng đỡ mất giờ hơn.
Thời gian qua, chúng ta đã làm nhiều thi tuyển, đủ kiểu. Theo
đề tài, theo thời đoạn, theo giới cũng có mà theo nghề nghiệp cũng xong, khuynh
hướng sáng tác lẫn quen biết bạn bè cũng không chừa. Để làm phong trào, để giải
ngân hay để gì nữa thì có ma mới hiểu. Người tuyển luôn mặc cho cảm tính, cảm
tình hay dáng vẻ của các tên tuổi thao túng. Dù ở “lời nói đầu”, Ban tuyển bao
giờ cũng tuyên vô tư với khách quan đáo để.
Vẫn những tác giả quen thuộc đó có mặt, chỉ cần thêm vài
khuôn mặt trẻ, mới, như thể trang sức cho có vẻ. Rồi vẫn các bài thơ đó xuất hiện.
Giới trong nghề nói đùa: đó là cách tuyển từ tuyển. Thái độ lười biếng và cẩu
thả này khiến người yêu thơ trung thành nhất cũng đâm chán. Chán và quay lưng lại
với thơ.
Người yêu thơ thở dài…
4. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự kiện Charlie Hebdo hay
cái chân trái ma thuật của Messi thu hút sự chú ý của nhân loại ngàn lần hơn vụ
nhà thơ Tomas Tranströmer đoạt giải Nobel Văn học. Bởi, không có thơ không chết
ai cả.
Dẫu sao nhà thơ không chịu đầu hàng. Họ quyết có mặt, bằng
cách phục hồi lại cách tiếp cận độc giả theo lối cổ điển nhất: xuất hiện trước
đám đông. Thuyết trình về thơ và đọc thơ. Nhưng khổ nỗi, đại đa số nhà thơ Việt
Nam sáng tác đầy cảm tính, nên nói câu trước thì câu sau đã lặp lại mình. Không
có nền tảng lí luận vững chắc, thiếu cả hệ mĩ học sáng tạo, họ không biết nói
gì ngoài tán nhảm về thơ. Thế là họ xin đọc thơ, lại đọc thơ… mình. Và kể lể
hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Các Ngày hội Thơ Việt Nam [và vô thiên
lủng ngày, hội khác] không hiếm nhà thơ nổi tiếng đăng đàn đọc thơ mình xong rồi…
về! Lặng lẽ hay ồn ào, tùy.
Lần nữa, độc giả thơ thở dài.
5. Cuối cùng, nhà thơ và thơ chấp nhận phận tòng thuộc: ăn
theo âm nhạc. Năm qua, sự kiện thơ nổi bật nhất không phải Festival Thơ châu Á
– Thái Bình Dương do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, không phải hiện tượng tác giả
mới xuất hiện, càng không phải tập thơ độc đáo nào đó vừa ra mắt độc giả, mà
chính là bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai. Khốn nỗi, nó đã phải
chịu nép mình dưới ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn để
đến với người đọc. Lại là bài thơ bị nghi là… đạo. Tiếp ngay sau đó, giải thưởng
duy nhất Hội Nhà văn Hà Nội trao cho Sẹo độc lập – tập thơ của nữ thi
sĩ nổi tiếng Phan Huyền Thư cũng bị thu hồi, bởi trong đó có bài thơ “viết sau”
rất nhiều năm bài thơ [cũng đã được phổ nhạc] của một nhà thơ nữ khác hiện sống
ở Sài Gòn.
Hỏi còn gì tội hơn?
Tân Phú, 12/2015
Nguồn vanviet.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét