Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Trò chuyện với dòng sông

Trò chuyện với dòng sông
Ngày đó, cứ đến đầu tháng bảy là ông nội lại đi ra đi vào lên kế hoạch để về quê. Xa xôi gì đâu, nhưng mỗi năm cụ cũng chỉ được con cháu đưa về độ một hai lần vì lí do sức khỏe. Cuộc gì không về, chứ rằm tháng bảy không về là cụ bứt rứt không yên lòng được.
Quê tôi bên dòng sông La, Đất Yên Hồ rộng rãi và khoáng đạt đã nuôi nấng cả dòng họ bằng cái nghề thợ rèn đêm đêm đỏ lửa, nghề kéo che nấu mật, nghề đãi hến ven sông...tất cả cái nổi vất vả nhọc nhằn dậy mùi thơm thảo đó đã hun đúc lại mà làm nên hình người dân Yên Hồ: có cái thật thà của đất, có cái đằm sâu dân dã của mật và có cái mượt mà ngọt ngào của dòng La tuôn chảy để dù có đi đến đâu, khắp bốn phương trời...cái lẽ tự nhiên làm nên cốt cách đó vẫn không thể nào thay đổi.
Trong những chuyến về quê suốt cả những năm tuổi thơ, tôi nhớ nhất dòng sông La hiền hòa chảy qua con đê trước ngõ. Muốn ra sông chỉ việc băng qua con đường đê cao ngút cỏ may là đến. Chân cứ bước rướn từng bước, hít căng lồng ngực khí trời, ánh nắng chan hòa nhuộm ướt mồ hôi lưng áo , khi bắt đầu thở dồn hơi rồi là ra được với dòng sông. Lúc đó, mọi cảm giác mệt như tan biến, trong lòng chỉ là một cảm giác mênh mông diệu vợi của nước và cỏ. Thủa đó tôi cứ tự hỏi mình rằng: trên dòng sông này, có bao nhiêu nguồn nước ở các con sông con suối nhỏ, băng qua bao nhiêu vực sâu, ngóc ngách khe đá, thác đổ ở sông Ngàn Sâu hay sông Ngàn Phố đổ về, hợp nhau ở Tam Soa mà trở thành sông La lừng lững. Chỉ biết rằng chỗ đó là khúc quanh của dòng sông, chỗ đó là con sông mà tôi thường muốn đến.
Lần giở lại sách Đại Nam nhất thống chí có viết rằng: Sông La có hai nguồn: Một nguồn từ động Thâm Nguyên (tức Ngàn Sâu) ở núi Khai Trương (tức núi Giăng Màn) châu Quy Hợp tỉnh Hà Tĩnh (đạo Hà Tĩnh xứ Nghệ xưa), chảy về Đông đến xã Chu Lễ, hợp với sông Tiêm, đến xã Bào Khê gặp sông Trúc, qua sông Cửu Khúc đến xã Vụ Quang thì hội với sông Ác (tức sông Ngàn Trươi), dến xã Đỗ Xá thì gặp sông Ngàn Phố. Nguồn kia là sông La Hà bắt đầu từ ngọn Cốt Đột núi Giăng Màn, chảy về phía Đông gọi là sông Ngàn Phố đến Đỗ Xá hợp với sông La. Sông La chảy đến xã Bùi Xá thì chia ra một nhánh chảy vào sông Minh, chảy tiếp về Đông đến xã Tường Xá thì đổ vào sông Lam.
Có phải vì Sông La là khúc quanh của dòng sông, là nơi ngơi nghỉ của những con sông sau khi vượt qua bao núi non thác ghềnh, bao nóng nảy thét gào mà trở nên hiền hòa, thoai thoải. Hay tại con sông ngắn nên đất trời bao dung, hòa hợp hay không mà nước ở đây trong xanh nhất, phong cảnh ở đây được xem là đẹp nhất ở xứ Nghệ. Bởi thế, Sông La đã đi vào lịch sử quê hương và dân tộc, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nhân tài tử. Cũng đúng thôi, từ hai bên bờ tả ngạn sông La này là những xóm làng trù phú, phong cảnh hữu tình, con sông này hàng năm có đến 6000 triệu mét khối nước đổ qua đầy cùng hàng trăm vạn tấn phù sa tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu nhất nhì xứ nghệ, quanh năm một màu xanh mát mắt ở đôi bờ lại có lịch sử hàng ngàn năm, bao danh nhân kiệt xuất đã ra đời làm rạng danh non nước: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú...thì hà cớ gì không làm nên huyền thoại.
Tôi đứng cùng ông tôi trong buổi chiều cả gió trên bờ đê một ngày cuối thu xao xác may vàng. Ông nhìn sang núi Tùng Lĩnh duyên dáng, tròn trịa như con gái mà nhẹ nhàng buông một tiếng thở dài mãn nguyện. Tôi hồ nghi rằng, có lẽ trong suốt những năm tháng li quê của mình, người trong kí ức đẹp đẽ tuổi thơ của người đã có những lần chăn trâu cắt cỏ trên ngút ngàn thông xanh Tùng Lĩnh quanh năm một màu xanh. Màu xanh của cây hòa lẫn màu xanh của trời, của nước sông La
Chuyện về quãng đời hoạt động của ông tôi đối với tôi cứ như một huyền tích. Những kiến thức, những chuyện kể về quê hương, về chiến trường của ông cứ ám ảnh mãi trong giấc mơ con trẻ của tôi. Tôi xa mẹ từ bé, kí ức về những khúc hát ru thường là từ ông. Cứ mỗi lần kê đầu trên đùi ông, nghe ông hát ngâm những khúc hát ru về quê hương , tôi hình dung con sông La quê tôi xanh mướt ngô khoai đầy bãi vào những ngày rộ mùa, hay cái đói ngặt nghèo những mùa mưa lũ và cảnh các em con chú tôi ở ngoài đê ngồi trên chạn dỡ ngói nhìn dòng sông cuồn cuộn nước.
Tôi về Đức Thọ. Thế hệ thứ 3 của dòng họ Trần Đăng tha hương. Đó là một buổi sáng tinh sương cuối hè dìu dịu. Ba tôi dắt tôi đi dọc con đê từ ngã tư Trổ, theo đường đê để trở về nhà. Tôi vượt qua bao cây số đường dài, hít hà căng lồng ngực mùi sen đã bắt đầu tàn rữa rồi co chân chạy miết trên bờ đê lấp lánh sương buổi sáng. Trước mặt tôi là dòng sông, dòng sông La xanh biếc trong kí ức của tôi ngày nào bây giờ đang ở trước mặt tôi lờ đờ sương. Gương mặt sông dậy muộn, ngái ngủ lững lờ trong màn mây nắng sớm. Tôi bất chợt buông một tiếng thở dài xuống dòng sông rộng dài một nỗi yêu thương, thiết tha đến không thể tả. Và lúc ấy tôi nhận ra một chân lí không thể nào khác được, Con sông La đã ở trong tôi trọn vẹn tự kiếp nào.
Ông tôi nặng nợ với quê rất nhiều, sinh ra và lớn lên nhưng không được trưởng thành từ đó. Khi trở về quê thì cũng chỉ vội vội vàng vàng mỗi năm hai kì giỗ tổ: rằm tháng giêng và rằm tháng bảy. Tôi biết trong ông mang nhiều nỗi niềm mà bất cứ kẻ li hương nào cũng nghĩ về quê với những niềm thiết tha không thể tỏ. Tôi sống với ông từ bé, hiểu ông từ những tiếng thở dài. Những chuyện to nhở lớn bé ông đều kể hết cho tôi, kể không chỉ để chia sẻ nỗi niềm mà ông hướng về tôi như một sự xâu chuỗi một ước mơ, một khát vọng mà ông thường ấp ủ. Tôi biết, mình mang nặng những ẩn ức khó nói của một tấm lòng, một trái tim thiết tha yêu quê hương đến mãnh liệt của ông.
Không như những đứa cháu khác, mỗi câu chuyện hằng đêm ông kể với tôi đều mang đậm những kiến thức văn hóa vùng miền. Ông muốn tôi giữ lại những gì còn vẹn nguyên về một miền quê trong ông thủa trước. Nói về quê hương hai bên bờ tả ngạn Sông La, nói về những làng nghề thủ công truyền thống: Nghề thợ rèn ở Trung Lương, nghề mộc ở Thái Yên, đóng thuyền cào hến ở Trường Xuân, nghề dệt lụa ở Đông Thái... Nơi đây cũng là kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và phong phú. Câu hò, điệu ví không bao giờ ngưng nghỉ trên dòng sông La.
Và trong kí ức của tôi tự bao giờ, quê hương là ông tôi, là dòng sông, là những gì mà ông tôi đã kể từ ngày tôi còn thơ bé.
Sông thì vẫn mải miết trôi không ngơi nghỉ...
Tôi thì đã lớn lên...
Không biết bao nhiêu lần trở về ngồi lại trên bờ đê nhưng tôi vẫn không thể nào tìm lại được cái cảm giác vỡ òa như lần đầu tiên gặp gỡ. Dòng sông trong tôi không còn vẻ lừ đừ ngái ngủ trẻ con mà vương vấn một nét buồn trầm mặc mơ hồ. Nhiều khi tự vấn với lòng mình, hay tại mình đã nghĩ, đã suy đã khác trước để dòng sông không còn trẻ thơ như trước nữa. Dòng sông La vẫn chảy, thao thiết và vấn vít. Hai bên bờ vẫn xanh biếc nương ngô nhưng trộn lẫn trong tôi vẫn là những cảm giác vui buồn không thể tả...thế nghĩa là từ đây, tôi đa mang ôm cả dòng sông vào lòng...liệu rằng đó có là duyên kiếp chi không giữa tôi với dòng sông La tha thiết?
Tôi lớn lên, mang trong mình niềm tự hào của người con gái sông La mỗi khi ai hỏi về quê hương bản quán. Lại thao thao câu ca rằng: Muốn ăn cơm nếp độ chà. Muốn lấy vợ đẹp thì ra Yên Hồ. Đấy " đặc sản" quê tôi chỉ là hai thứ Cơm nếp độ chà và gái Yên Hồ mà thành có tiếng. Theo nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu thì cái đẹp của gái Yên Hồ xem ra nổi trội hơn về phần phẩm hạnh hơn cả nhan sắc. ông viết thế này: gái Yên Hồ đẹp không chỉ ở làn da trắng trẻo do ở trong phòng the dệt vải mà chính là ca ngợi tài năng, lòng chung thủy của các cô gái Yên Hồ. Thường làng nào có nghề dệt vải con gái cũng thường trắng trẻo, điệu đà, khuê các hơn các nơi khác. Cũng đúng thôi, nơi đây làng dệt cũng là trung tâm của phường hát ví. Nếu ai đã từng biết " ví phường vải" thì mới hiểu hết rằng: môn nghệ thuật này không chỉ đơn thuần là là âm nhạc mà còn là cuộc đấu trí giữa trai tài gái sắc. Cho nên con gái làng dệt Xứ Nghệ không chỉ đẹp về nhan sắc mà còn đẹp cả về trí tuệ lẫn lời ăn tiếng nói.
Nói là để kể thế thôi, kể về những chuyện xửa chuyện xưa đã trở thành huyền tích. Yên Hồ là đất đồng bằng ven sông, phù sa màu mỡ, nếp thơm, cơm dẻo, đậu bùi thì có gì là lạ. Song người đời không dễ gì cứ tự nhiên mà khen chê mà đúc kết thành câu ca dao để đời đến thế. Chuyện xưa kể lại rằng: có người con gái họ Đoàn xinh đẹp được Lê Ninh- một cậu ấm con nhà gia thế bên Trung Lễ yêu thầm. Song do cậu ấm này đã yên bề gia thất nên nàng từ chối. Nhưng khi Lê Ninh khởi nghĩa cần Vương, thì cô gái Yên Hồ lại tự nguyện đi theo giúp sức. Năm 1885, do rừng thiêng nước độc, Lê Ninh bạo bệnh rồi qua đời. Cô gái họ Đoàn kia đưa ông về Phù Long chôn cất rồi quay về sông La ở vậy không lấy chồng nữa...
Tôi đã kể với Hàn về một dòng sông như thế. Kể một cách rành mạch và rõ ràng lẫn yêu thương những gì mà ông tôi đã kể...trên một bờ biển mùa đông lộng gió. Tự nhiên thôi, tôi muốn kể cho Hàn nghe những gì đã trở thành máu thịt trong tôi. Cả dòng sông cũng thế, dòng sông với những thăng trầm dâu bể, với những đêm đêm làng hến Trường Xuân miệt mài đỏ lửa đãi hến dưới ánh trăng vàng. Với những cô gái làng dệt Đông Thái xuống sông kín nước, giặt lụa hay tiếng đục tiếng đẽo mơ hồ của làng mộc Thái Yên như từ thủa sơ khai...và những người tha hương ly quê không trở về, cứ đau đáu nhớ quê vào những ngày hội làng, những ngày mưa bão.
Ông tôi có lần làm tôi rơi nước mắt khi ốm chỉ thèm ăn một củ khoai, củ lạc ngâm nước lụt. Cái loại khoai không bới hết từ mùa năm ngâm mãi trong nước có mùi thum thủm úng. Đến mùa mưa, nước ngấm, đất cày lên mới bật củ. Khoai lộn với bùn lấm láp đã nuôi ông suốt cả những năm tháng đói nghèo.
Giờ đến anh. Anh ngồi im nghe câu chuyện tôi kể rồi thẽ thọt bằng cái giọng Tràng An nhái lại trọ trẹ tiếng Nghệ tôi mà nói rằng: Một nửa con người anh là người Đức Thọ. Anh nói anh đã từng vùng vẫy trên sông La, đã từng chạy từng bước sải dài trên trên bờ đê lộng gió. Đó là quê mẹ anh. Từ ngày mẹ mất, anh đã không trở lại.
Tôi đã vô tình gợi lại một niềm nhung nhớ trong anh. Không biết có phải là lỗi lầm không nhưng nó cũng làm tôi day dứt mãi. Cũng có thể, tôi đã đem đến cho anh một chút hương vị quê nhà mà anh đã cố tình dấu kín cái cảm xúc chân thật của chính mình mà sợ mình bắt gặp.
Có người hò hẹn tôi cùng trở về sông La. Rồi lại nói thèm ăn hến chợ Trường Xuân Ấy vậy mà không thể. Đã đến rằm tháng bảy- mùa của những người biệt li hồi nhớ mà người vẫn không trở về. Bận quá, công việc cuốn người ta đi một cách mải miết. Tự nhiên tôi đâm lo, liệu rằng những giá trị vật chất đó nó có cuốn đi luôn cả những kí ức ngọt ngào... nơi mà mỗi khi buồn, mỗi khi cô đơn người ta lại tìm về với nó?
Tháng bảy ta, Hoa cỏ may dọc bờ đê La giang cháy cả một vạt vàng rười rượi. Nhấp đôi chân trần xuống dòng nước đó. May thay, may lắm thay đã có lần ngày xưa theo bạn ra sông, tôi đã được vục đầu vào dòng nước để biết răng là trong răng là đục của dân mình. Có lẽ đó là lần đâu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được tắm trên dòng sông dềnh dàng nước mà không hề cảm thấy xa lạ hay sợ hãi...
Rằm tháng bảy này tôi về quê. Một mình đứng bên bờ sông La trong bóng hoàng hôn của buổi chiều tà mà thấy lòng rười rượi những cảm xúc không thể nào gợi tả. Lòng thẩn thơ nhìn, hình như bên bờ bên kia đã lở thêm một quãng mà bên này không thấy bồi thêm, hay trong tôi có một nỗi buồn nào xa xăm hiện hữu nặng nề của một mối tình cách trở. Tôi tự an ủi mình rằng: biết đâu nỗi buồn của mình đang mang đây sẽ mang lại sự yên lành và hạnh phúc cho người khác thì nó đầu phải là vô nghĩa.?
Trời đã bắt đầu chiều thật chiều rồi. Đâu đó, tiếng mõ cốc cốc vang đều và tiếng chuông thi thoảng thỉnh lên một hồi dài như đưa ta trở về một cõi tịnh độ vô thường nào đó. Tôi nhớ anh. Nhớ đôi mắt ngỡ ngàng đến ngạc nhiên khi tôi nói mình là người Đức Thọ. Giống như từ xa xăm, anh vỡ vạc nỗi nhớ quê hương trong giọng nói trọ trẹ nặng nề của tôi không thể nào trộn lẫn. anh tìm lại được trong tôi cả quê hương lặng lẽ rời xa khi mẹ anh qua đời mà anh không trở lại, sợ gặp hình bóng mẹ ở quê mà nhớ đến nao lòng.
Chần chừ mãi rồi cũng phải đi. Tôi bứt vội bó cỏ may cuối mùa lặng lẽ thả xuống dòng sông La dềnh dàng nước. Kì lạ thay, tôi thoảng nghe thấy mùi hoa huệ đượm nồng, mùi khói sương bảng lảng trong bóng chiều chực xuống.
Mùa này, nước sông La bắt đầu lạnh rồi. Mặt sông tím đầm đã mang nhiều hơi nước...
 Trần Quỳnh Nga
Theo http://baohatinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...