Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Giải mã Hoàng Cầm qua bài thơ Luân hồi

Giải mã Hoàng Cầm qua bài thơ Luân hồi
Xin dùng bài viết này làm một nén nhang thành kính tưởng nhớ đến một thi sĩ nhân ngày giỗ của ông.

Trong các nhà thơ của nhóm Nhân văn giai phẩm: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán và Hoàng Cầm thì Hoàng Cầm là nhà thơ khó hiểu nhất. Nếu các nhà thơ kia cất lên tiếng nói phản kháng một cách trực diện, quyết liệt đanh thép
Tôi đi trên đường Hà Nội
không thấy phố thấy phường
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Hay
vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan giấu che từ bỏ/ Nói gần xa chúng mượn chuyện sen".
Nhưng có lẽ chính cái trực diện, đanh thép và ai cũng hiểu đó đã làm mất đi cái đẹp văn chương của các bài thơ. Nói khác đi thơ của Trần Dần, Lê Đạt hay Phùng Quán không hay. Nó được người đời ca ngợi vì nó lạ, nó dám chống lại một thể chế là chính chứ cái giá trị văn chương của nó thấp
Hãy đọc lại đoạn thơ về hoa sen ta sẽ thấy ngay điều đó. Hoàng Cầm thì khác. Thơ ông phản đối chế độ không trực diện, không đanh thép nhưng luôn có một cái gì đó u uẩn gắn chặt với quê hơng Binh Bắc. Một cái nôi văn hóa Việt. Nó trước hết là thơ rồi sau mới là lời lên án
Cách đây hơn bốn năm. Hồi đó tôi vẫn còn sinh hoạt trong diễn đàn Thi viện, một cô gái đã đưa bài thơ “Ngã ba sông” lên diễn đàn kèm theo một lời đề nghị khẩn khoản “Các anh ơi! Có ai hiểu bài thơ này định nói gì không nói cho em biết với.” và không một ai trả lời! Vừa qua, trên Blog tiếng việt tôi gặp lại bài thơ “Luân hồi”, bắt chước cô gái, tôi cũng đưa ra một lời cầu khẩn giống như cô nhưng khác với cô gái, tôi đã yêu cầu một mức độ thấp hơn rất nhiều. Tôi không cần một sự hiểu đầy đủ về bài thơ, tôi chỉ yêu cầu một ý tưởng dù chỉ là thoáng qua trong đầu . Nhưng rồi cũng không một ai trả lời tôi.
Phải nói là tập Về Kinh Bắc, bài nào cũng khó hiểu thậm chí là cực kì khó hiểu. Ta chẳng biết ông định nói gì. Tôi chẳng bao giờ tin rằng không hiểu mà lại có thể cảm nhận được cái hay của bài thơ.Trước tiên ta phải hiểu đã. Khi ta đã hiểu ông định nói gì thì lúc đó ta mới có thể phân tích được cái nghệ thuật mà ông dẫn dắt đến cái điều ông muốn nói đó
Tôi đã tìm kiếm trên Google mong tìm đươọc chí ít là một bài viết của một giáo sư khả kính nào đó có thể chỉ cho tôi một hướng, một cách nhằm có thể tiếp cận với tập về Kinh Bắc của ông nhưng tôi đã thất vọng . Cũng có một vài bài viết về Hoàng Cầm nhưng những nhà nghiên cứu ấy khôn lắm họ toàn nhặt mỗi bài một hai câu, đặt vào cạnh nhau để chỉ ra cái thủ pháp mà nhà thơ dùng ,nhưng tịnh không có một ai chỉ ra cho tôi thấy được bài thơ ấy nói cái gì?
Tôi cảm thấy đau đớn thay cho Hoàng Cầm. Ông viết kín quá. Ông văn chương quá! Ông muốn làm được điều gì đó cho thơ như ông đã bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn khiến cho hầu như không có người hiểu nổi ông. Tôi còn nhớ khi tác phầm về Kinh Bắc của ông được xuất bản, giám đốc nhà xuất bản văn học (Tên là gì đọc lâu quá rồi tôi quên mất) có nói với ông đại ý :''
- Anh định nói cái gì em chẳng hiểu đâu nhưng thôi em cứ in cho anh”
Hóa ra người ta ca ngợi Kinh Bắc không phải vì nó hay. Có ai hiểu nó đâu mà bảo là hay! Nó hay là bởi vì nó là của Hoàng Cầm, tác giả của Bên kia sông Đuống và là người của nhóm Nhân văn giai phẩm. Đó là điều cực kì đau đớn cho một người cầm bút. Có rất nhiều người chỉ cần một cái danh hão, chỉ cần một tiếng khen đểu. Nhưng với Hoàng Cầm, một người muốn làm được một điều gì đó cho thơ thì cái ông cần không phải là điều đó. Cái ông cần là người đọc hiểu được cái hay, cái đẹp của thơ ông, mà muốn làm được điều đó thì trước hết phải hiểu thơ ông. Điều mà khi còn sống ông không thể và không dám nói cho mọi người.
Bài viết này không nhằm bình bài thơ mà nhằm trang bị cho người đọc một hướng, một cách, một phương pháp để tiếp cận tập thơ'' Về Kinh Bắc'' của ông . Hay nói khác đi chúng ta phải giải mã được Hoàng Cầm từ cách tư duy nghệ thuật. Tư duy về cuộc đời của ông mới mong nhìn ra cái hay, cái đẹp của thơ ông
Luân hồi
Con đấy ư
Con đã về Kinh Bắc
Những cỏ Bồng Thi
với dế đầu si
Những lá Diêu Bông
với đôi xe hồng
luân lưu thụ thai qua chín đời
đằng đẵng
đến khi con lọt lòng
Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn
đội mũ niêu đen
đi trong đêm mưa dầm
Mẹ đau trở dạ
Sinh con ra
Tiếng tù và xé canh ba
báo hiệu một cơn giông nín lặng
Trống liên hồi ra đi
ngăn trận bão mênh mông
trong giọt lệ cuối hàng mi
Con đấy ư
mười ngày không khóc
mười thày lang dờ dẫm
ven giường ẩm ướt
Mười đêm
Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu Long
Bước sắp qua cầu nghẹn tiếng.
Với thơ Hoàng Cầm đừng vội vã mong hiểu được theo một trình tự từ trên xuống dưới. Hãy đọc toàn bộ bài thơ chỗ nào không hiểu hãy bỏ qua nó và cố gắng nhìn thấy điều gì đó dù chỉ thoáng qua mà ta thấy không hợp lí. Đọc vài lần trong cái trạng thái không hiểu và bạn phải gắn bài thơ vào lịch sử của dân tộc, vào văn hóa của dân tộc vào những biến cố trong cuộc đời ông và còn phải hiểu sâu sắc về văn hóa Kinh Bắc, về tôn giáo.
Con đấy ư!
Con đã về Kinh bắc
Ta không thể hiểu nổi hai câu này. Đây không phải là lời của người mẹ khi gặp đứa con của mình. Không có một chút gì của thương yêu, của tình máu mủ và như có một cái gì đó lãnh đạm, sững sờ. Về “Kinh bắc” chứ không phải về nhà. Hình như đứa con này người mẹ không muốn gặp mặt. Ta hãy bỏ qua câu này đi vì ta không hiểu nổi mà đọc tiếp xuống dưới
Những cỏ Bồng Thi
với dế dầu si
Những lá Diêu bông
với đôi xe hồng
luân lưu thụ thai qua chín đời đằng đẵng
Cỏ Bồng Thi? Không có loại cỏ này .Có cỏ bồng dùng để làm tên, có cỏ thi dùng để bói. Mũi tên chỉ về chí hướng , bói toán chỉ về tâm linh Ông kết hợp cả hai điều này vào một loại cỏ và thế là loại cỏ Bồng Thi ra đời cũng như cái lá Diêu Bông vậy. Trong tập thơ về Kinh Bắc Hoàng Cầm có một bài thơ lấy tên là cỏ Bồng Thi. Trong đó có đoạn:
Ngày mười bảy tuổi
Chót chơi đố cỏ Bồng Thi
Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá
Ù ù gió thổi
Không canh gà
Không thu không
Hai câu đầu là cỏ Thi, bốn câu sau là cỏ Bồng. Tâm linh và chí hướng trộn vào nhau và tạo nên một loại cỏ, cỏ Bồng Thi tượng trưng cho tâm thức việt.
Bạn thấy đấy! nếu ta gặp một cái tên mới lạ ta chỉ còn cách đọc lại Hoàng Cầm xem cái mà ông nói nằm ở đâu trong thơ ông. Một đặc điểm của Hoàng Cầm là ông hay sáng tạo ra những địa danh, tên sự việc, hay những danh từ không có thật trong cuộc đời. Đừng hỏi địa danh ấy ở đâu? Mà hãy hỏi cái tên đó ở những bài thơ trước nó nhằm ám chỉ một điều gì?
Ta quay lại với bài thơ Luân hồi. Trong bốn câu tiếp theo: ”Những cỏ Bồng Thi/ Những dế đầu si/ những lá diêu bông/ với đôi xe hồng”
Cỏ Bồng Thi, lá Diêu Bông, đôi xe hồng là những cái ông đã nói đến trong những bài thơ khác. Vậy nên nếu ta không quay lại với những cái đó của thơ ông thì làm sao ta có thể hiểu nổi? Ở đoạn này cứ một cái thực xen lẫn với một cái ảo. Cỏ Bồng Thi là cái ông tượng trưng cho tâm thức việt (Như tôi vừa trình bày ở trên). Dế đầu si là loại dế trọi trẻ con vẫn hay bắt về chơi chọi dế nó nhằm chỉ về tuổi thơ Lá Diêu Bông thì các bạn đã biết rồi nó chỉ về tình yêu huyền thoại . Đôi xe hồng là hai quân tam cúc một trò chơi nó cũng đồng nghĩa với văn hóa. Nghĩa là tất cả tâm linh, tình yêu, tuổi thơ , văn hóa Tất cả đều “ Luân lưu thụ thai qua chín đời đằng đẵng”.
Nhịp thơ đang rất ngắn đột nhiên ở câu cuối của khổ thơ này câu thơ kéo dài triền miên. Khi đọc câu thơ này đừng ngắt hơi ở đâu cả hãy đọc nó chậm và liền một mạch .
Người mẹ không phải mang thai chín tháng mà là chín đời và vì bài thơ là luân hồi cho nên ta nói tiếp chín kiếp. Bốn từ” luân lưu thụ thai”. Cái gì luân lưu thụ thai? cái tâm thức , cái văn hóa, cái tuổi thơ, cái tình yêu. thụ thai- trong bao lâu? Chín kiếp. Vậy thì đây không phải là sự mang thai của một con người. Vậy mang thai cái gì? và cái gì mang thai? Ta phải tìm cho ra điều này. Đây chính là cái chìa khóa để giải mã bài thơ.
Đến đây chúng ta đã thống nhất được với nhau là đây không phải là nói về mang thai của một con người thì chúng ta phải quay sang ngay lịch sử của đất nước để tìm hiểu xem có cái gì trong lịch sử dính dáng đến đoạn ta vừa đọc ? Chính cái số chín sẽ gợi cho chúng ta điều đó. Chúng ta kháng chiến chống Pháp mất chín năm từ năm 1945 đến năm 1954 .
Ra vậy! Mẹ Việt Nam đã hoài thai trong suốt chín năm trời. mỗi năm chiến tranh dài như một kiếp người . Mẹ đã mang tất cả tâm hồn Việt, giâc mơ Việt, tình yêu Việt để hoài thai sinh ra một đứa con đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
đến khi con lọt lòng
Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn
đội mũ niêu đen
đi trong đêm mưa dầm
Khi đứa con ra đời Mẹ đã ấp ủ bao nhiêu hi vọng. Không phải vô tình mà hình ảnh cây đu đủ xuất hiện trong bài thơ .Ở Kinh Bắc cây đu đủ trồng khá phổ biến. Nó là loại cây lưu niên nhưng rất chóng cỗi. Khi cỗi, cây cho quả rất ít và nhỏ. Khi đó , người ta bẻ ngọn cây đi cho cây đâm nhánh và bắt đầu cho ra những lứa quả mới to và sai, vì đu đủ là loại cây thân rỗng, để tránh cho nước mưa, theo chỗ ngọn bị bẻ chảy theo thân rỗng của cây làm thối rễ , người ta úp một cái nêu đất thường là loại nêu đã dùng rồi nên cái niêu ấy màu đen. Đu đủ, cái tên của nó gợi cho người đọc thấy được ước mơ nhỏ bé của mẹ Việt. Không phải là no đủ mà chỉ là đu đủ một chút thôi. Khi mẹ mang thái đứa con, cây đu đủ ấy đã cỗi. Khi con sinh ra mẹ đã bẻ ngọn và hi vọng một lứa quả mới. Một cái gì đó tươi sáng hơn mà đứa con sẽ mang lại. Nhưng….
Đứa con này vừa sinh ra đã lập tức giáng tai họa xuống người mẹ nó . Gắn đoạn thơ này vào lịch sử đất nước ta hiểu ngay Hoàng Cầm muốn nói về cuộc Cải cách ruộng đất ngay sau năm 1954. Và bây giờ đây cuộc cải cách ruộng đất đã bắt đầu về đến Kinh Bắc
Con đấy ư!
Con đã về Kinh Bắc.
Sau cụm từ “ con đấy ư” phải là một dấu chấm than. Một sự sững sờ, hoảng sợ và ta mới hiểu tại sao Mẹ lại nói “Con đã về Kinh Bắc” Chứ không phải là con đã về nhà
Sinh con ra
Tiếng tù và xé canh ba
báo hiệu một cơn giông nín lặng
Trống liên hồi ra đi
ngăn trận bão mênh mông
Bốn câu thôi hình ảnh đứa con được khắc họa sắc nét hằn sâu trong tâm trí người đọc. Ở đây , ta dễ dàng nhận thấy để tránh tai họa cho mình, ông đã lập lờ dùng một biểu tượng hai mặt. Nếu câu “Tiếng tù và xé canh ba” chỉ cần một tiếng “Trong” đứng trước câu thì câu thơ sẽ biến thành
Sinh con ra
Trong tiếng tù và xé canh ba
thì câu thơ được hiểu đây là nói về hoàn cảnh đất nước trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng nếu bỏ chữ “Trong” đi ta vẫn có thể hiểu đây là hoàn cảnh đất nước trước khi đứa con ra đời nhưng mặt khác vẫn có thể hiểu đây là những tai họa do đứa con mang lại. Còn nếu có chữ “Trong” thì chúng ta không thể hiểu câu thơ theo nghĩa này và đau đớn thay người mẹ Việt chỉ có thể ngăn những tai họa ấy bằng
trong giọt lệ cuối hàng mi
Một sự bàng hoàng. Đau đớn. Mẹ Việt không muốn nhận đứa con này dù đã mang tất cả những ước mơ, những khát vọng, Mang tất cả những gì mình có trong văn hóa, trong tâm thức, máu xương để hoài thai sinh ra nó.
Đến đây ta đã có thể dễ dàng nhận ra : Đoạn cuối cùng là đoạn nói về sửa sai trong Cải cách ruộng đất. Ta nên nhớ rằng hội nghị Ban chấp hành Trung Ương 10 là hội nghị ra nghị quyết về những sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất và quyết định sửa sai. Có lẽ chính vì vậy mà con số mười đã xuất hiện trong bài thơ này (Mười ngày không khóc, mười thày lang ). Con số mười này còn có thể lí giải một cách khác nhưng tôi không tiện nói ra ở đây. Nhưng chắc chắn rằng không phải chỉ vô tình mà con số mười xuất hiện.
Và cũng như đoạn trên để tránh tai họa ông lại dùng những biểu tượng hai mặt. Hoàn toàn có thể hiểu đây là tình trạng khi đứa con ra đời nó mười ngày không khóc phải dùng đến mười ông thày lang .
Tại khổ thơ này, mẹ Việt lại gặp lại đứa con, khi nó quay lại nhận lỗi với mẹ mình. Mẹ chỉ thốt lên ba tiếng “Con đấy ư” rồi nỗi uất nghẹn trào lên khiến bà không thể khóc “Mười ngày không khóc” và cái Hội nghị Trung Ương 10 này chỉ là những ông thầy lang dờ dẫm . Sao lại là dờ dẫm? vì đó chỉ là những ông lang vườn không được học hành chuyên học lỏm . “Dờ dẫm”hai từ này cho chúng ta một cái cảm tưởng mười ông mù và thật là buồn cười mười cái ông mù ấy đang chỉ đường cho cả một dân tộc. Ở đây ta nên chú ý đến từ “Ven giường” không phải là ngồi bên giường người bệnh để cứu chữa. Hay nói khác đi cái ông lang mười này không thực tâm muốn cứu mẹ mình. Mà chỉ là một hành động mị dân lừa phỉnh
Con đấy ư
mười ngày không khóc
mười thày lang dờ dẫm
ven giường ẩm ướt
Trong đoạn này ta nên lưu ý đến cụm từ “Gường ẩm ướt” . Chỗ nằm bao giờ cũng là chỗ khô ráo thế nhưng giờ đây, đây là chỗ ẩm ướt vì đêm đêm nước mắt mẹ đã tưới chiếc giường này.
Tên bài thơ là “Luân hồi” nhưng cho đến tận đây chúng ta chưa thấy một chút gì dính dáng đến hai từ này. Vậy chắc chắn nó phải nằm trong hai câu thơ cuối cùng. Trước khi đi vào hai câu thơ cuối cùng, cả bài thơ dồn nén đến hai câu thơ này để rồi từ đó bung ra một sự khái quát nên tôi dừng lại ở đây để nói với mọi người một chút về Phật học và Văn hóa .
Hai từ luân hồi thì ai cũng biết nhưng hiểu thì không phải ai cũng hiểu và thậm chí còn bị hiểu sai. Trong quan niệm của đạo Phật thì “Đời là bể khổ” và con người luôn luôn bị đầu thai trở lại cuộc đời để chịu cái bể khổ ấy. Chỉ khi nào con người tu dưỡng đến mức thành phật thì con người mới không bị đầu thai trở lại kiếp người.(Thực ra cách nói này là không hoàn toàn chính xác nhưng vì không muốn đi sâu và Phật học có thể gây ra tranh cãi vô ích nên tôi chỉ lấy cách thành Phật chứ thực ra còn một cách khác không cần thành Phật mà vẫn tránh được vòng luân hồi) Từ cái quan niệm này của đạo Phật thì không phải là “Được đầu thai” như nhiều người nhầm tưởng mà là “Bị đầu thai”. bị chịu đựng những đau khổ của Đời.
Dưới âm phủ tầng thứ 10 nơi mà con người bị đẩy đi đầu thai kiếp khác có một cái cầu gọi là cầu Nại Hà các hồn phải bước qua cầu này để đi đầu thai. và cuối cùng “Sắp qua cầu “ Là tên một làn điệu chèo. Châu long là tên một nhân vật vừa có tài, vừa có sắc, vừa có đức trong vở chèo “Lưu Bình Dương Lễ”. Và bây giờ ta sẽ quay lại với hai câu cuối cùng của bài thơ
Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu Long
Bước sắp qua cầu nghẹn tiếng
Uất nghẹn! Đó là cái cảm giác Mẹ Việt nhìn thấy mặt đứa con. Khi bị nghẹn, người ta thường dùng tay vuốt ngực người bị nghẹn. Còn ai để vuốt ngực cho Mẹ ?Chỉ còn tiếng trống chèo, cái mà hàng nghìn đời nay mẹ Việt đã dùng nó để quên đi những cay đắng, nhọc nhằn . “Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu long” Châu Long là Mẹ đấy. Những giấc mơ của Mẹ chắt ra từ những đau khổ ngàn đời để tạo ra một nàng Châu Long, tưởng rằng đến ngày con ra đời cái mơ ước ấy biến thành sự thật thì nay nàng Châu Long uất nghẹn và lại tiếng trống chèo xưa vuốt cái tủi hờn , khốn khổ của mẹ cho nó chui xuống ngực, chui xuống tâm can và Mẹ Việt lại cắn răng chịu đựng. Giờ đây Mẹ sắp bước qua cầu Nại Hà để lại tiếp tục một vòng luân hồi. Lại tiếp tục đau đớn lại tiếp tục bị chính đứa con của mình hành hạ. Bao giờ? Bao giờ vòng luân hồi mới kết thúc? Mẹ bước lên cầu Nại Hà và cất tiếng tiếng hát điệu sắp qua cầu. Một làn điệu vui chào đón một điều tốt đẹp , chào đón một cuộc đời mới mà sao tiếng Mẹ nghẹn lại. Tác giả đã khôn khéo dùng làn điệu “sắp qua cầu” để nói đến một cuộc luân hồi dài đằng đẵng của Mẹ Việt bằng cách đặt một từ “Bước” đứng trước cụm từ” Sắp qua cầu".Chưa biết đến bao giờ cuộc luân hồi đau khổ này mới chấm dứt.
Người ta nói đến Hoàng Cầm là người ta nói đến Bên kia sông Đuống. Nhưng khi đã giải mã được Hoàng Cầm rồi ta sẽ thấy bên kia sông Đuống chưa phải là Hoàng Cầm. Tinh hoa của Hoàng Cầm nằm trong Kinh Bắc. Một tình yêu bao la, một mảng sử thi đan xen giữa huyền thoại và thực tại . Một ước mơ, một lời phản kháng được nằm sâu trong tầng tầng lớp lớp văn hóa. Có người nói về Kinh Bắc như một hoang mạc tôi thì lại cho rằng Hoàng cầm như một lớp trầm tích của văn hóa . Đọc ông ta phải như một nhà địa chất kiên nhẫn, tỉ mẩn quay ngược lại với thời gian để lắng nghe tiếng nói thầm rất nhỏ của lịch sử, của văn hóa. xen lẫn với những khát vọng tiếng than thở của con người
Về mảng thơ phản kháng chế độ, nếu Trần Dần, Lê Đạt và những nhà thơ trong nhóm Nhân văn giai phẩm là tiếng nói phản kháng thì ông, Hoàng Cầm là người duy nhất cất lên một tiếng thơ phản kháng. Và tiếng thơ ấy sẽ còn vang vọng mãi trong nền thi ca Việt

Hà Nội 11/5/2015
Nguyễn Thế Duyên
Theo http://aotrang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...