Từ mùng 6 Tết, sinh viên
khóa 7 và 32C chuyên ngành Ngữ Văn đã có một chuyến đi thực tế một số tỉnh miền
Trung và đặc biệt là dừng chân lâu hơn ở đất Cố đô. Chuyến đi đó đã để lại rất
nhiều ấn tượng đẹp cho các bạn sinh viên miền Đồng bằng sông Cửu Long. Bài dự
thi này là cái nhìn khái quát toàn cảnh về chuyến đi của tác giả…
Tự hào vẻ đẹp cố đô
Nghe nói nhiều về Huế, về
sông Hương núi Ngự, về cầu Tràng Tiền, về chợ Đông Ba… nhưng chưa một lần được
đặt chân đến đất kinh kỳ. Chiều, dạo bước bên dòng sông Hương nghe lòng xao xuyến.
Dòng sông phẳng lặng, hiền hòa, trong xanh đến không ngờ trải dài bao bọc vùng
đất kinh kỳ tạo nên nét cổ kính, trầm mặc và nên thơ.
Khi chiều xuống, ngồi bên bờ
sông Hương ngắm cầu Tràng Tiền càng thơ mộng. Cầu dài 403m, gồm 6 nhịp dầm thép
hình vành lược, do Pháp xây dựng năm 1905. Về đêm, hệ thống đèn tự động được bật
sáng với những màu sắc khác nhau. Cầu Tràng Tiền đã được đi vào thơ ca như một
niềm kiêu hãnh của người dân xứ Huế:
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười
hai nhịp
Anh (em) qua không kịp tội lắm
em (anh) ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi
cũng buồn…”
(Ca dao)
Huế không chỉ có Hương
Giang, cầu Tràng Tiền. Huế còn có chợ Đông Ba – Chợ nổi tiếng và lớn nhất đất
kinh kỳ, được xây dựng năm 1899 dưới thời vua Thành Thái ở bên bờ sông Hương, về
phía tây nam của kinh thành. Đến đây, bạn có thể tìm thấy nhiều đặc sản Huế như
nón lá Phú Cam, mè xửng Song Hỷ, sen khô Hồ Tịnh, quít hương cần… Đêm xuống,
cùng bạn bè dạo phố, thưởng thức nhiều món ăn Huế truyền thống, bình dân như:
cơm hến, bún bò Huế, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván… mới cảm nhận hết hương vị
cố đô.
Một nét đẹp truyền thống quý
báu của đất kinh kỳ mà ai đến đây đều phải thưởng thức là nghe hát trên sông
Hương. Đêm. Thả thuyền trên sông Hương, lắng nghe các nghệ nhân ngân nga những
câu hát điệu hò xứ Huế. Tiếng hát ngân vang hòa lẫn tiếng đàn lúc trầm lúc bổng
gợi lòng khách tha phương nỗi xuyến xao. Điều lý thú nhất có lẽ là thả đèn hoa
đăng trên dòng Hương giang. Mỗi chiếc hoa đăng được thả kèm theo những lời nguyện
cầu may mắn cho gia đình, bạn bè và bản thân.
Huế làm nức lòng người còn
nhờ những hệ thống cung điện, chùa chiền mà từ xưa đã đi vào thơ ca. Về thăm cố
đô, bạn sẽ tận mắt chứng kiến và thưởng lãm những bức tranh thủy mặc được trưng
bày trong kinh thành Huế hay trong lăng các vị vua triều Nguyễn: Tự Đức, Minh Mạng,
Khải Định… Với kiến trúc xa xưa, lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định nằm uy
nghiêm, trầm mặc giữa đất trời tạo nên nét cổ kính uy nghiêm cho non sông đất
nước. Khi còn trị vì, họ không lỗi lạc, không anh minh, không tài cao đức độ
như Lê Thánh Tông, như Lý Thái Tổ… nhưng họ đã kịp để lại cho đời những danh thắng
cổ kính. Công và tội của họ cần được người sau phân minh xét đoán?
Vào đại nội kinh thành Huế,
chúng ta sẽ tham quan hàng loạt những di tích văn hóa nổi tiếng như: Kỳ Đài, Điện
Long An, Cửu vị thần công, Điện Kiến Trung, Điện Cần Chánh, Ngọ Môn, Tàng Thư
Lâu… Đặc biệt, bạn sẽ tham quan và mặc trang phục vua chúa, hoàng tộc thời Nguyễn
chụp ảnh lưu niệm.
Chiều. Thắp nhang tưởng niệm
các vị anh hùng của dân tộc, các vị đỗ Tiến sĩ triều Nguyễn tại lăng miếu Quốc
Tử Giám nghe lòng bâng khuâng. Cha ông ta xưa kia đã ngã xuống, để lại cho cháu
con gấm vóc giang san tươi đẹp. Chút chạnh lòng về thời đại hôm nay. Nhìn hàng
bia tiến sĩ bụi bám nhện giăng, tường đổ rêu phong mà nghe xót xa. Trường Quốc
Tử Giám xưa kia giờ chỉ còn là quá vãn. Ngày nay, tất cả điêu tàn, hoang sơ và
lạnh lẽo. Phải chăng, thời gian sẽ xóa mờ đi tất cả?
Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi
Hà Khê, xã Hương Long là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ kính nhất và đẹp
nhất ở Huế. Chùa nằm trên ngọn đồi có cây cối xanh tốt, phía sau là những dãy
gò đống nối dài, trước mặt là dòng sông Hương như dải lụa ôm sát chân đồi tạo
nên sự hài hòa thơ mộng giữa kiến trúc với thiên nhiên. Ở đây, có quả chuông lớn
bằng đồng rất đẹp và quý được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chuông được cất
trong tiểu định lục giác, ai đến cũng khâm phục.
Huế đẹp và thơ mộng là thế.
Những ngày đầu xuân, đến Huế bạn sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hữu
tình, chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính, trầm mặc, uy nghiêm của chùa chiền, cung
đình Huế. Tự hào thay non nước Việt Nam, mến yêu thay xứ Huế mộng mơ. Bước chân
đi xa mà lòng bâng khuâng, luyến nhớ. Huế thương, Huế nhớ mãi in đậm trong trái
tim tôi.
Về Đà Nẵng thăm phố cổ Hội
An
Về Quảng Nam các bạn đừng
quên ghé qua thành phố Đà Nẵng thăm phố cổ Hội An. Hội An có nhiều khu phố cổ
được xây dựng từ thế kỷ 16 và vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Phố cổ Hội
An được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới năm 1999. Hiện nay
chính quyền sở tại đang tích cực khôi phục các di tích, đồng thời phát triển
thành một thành phố du lịch. Hội An đã đươc công nhận là đô thị loại III và đã
được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Về thăm Hội An vào một buổi
chiều nhạt nắng, ấn tượng sâu đậm với chúng tôi là những chiếc đèn lồng phố cổ.
Với đôi bàn tay khéo léo các nghệ nhân đã làm nên những chiếc lồng đèn tuyệt đẹp.
Nào là đèn cá chép, đèn ngôi sao, đèn hoa lá… lung linh bên nét cổ kính của cầu
Nhật Bản, nhà cổ Tấn Ký, hội quán Phúc Kiến, nhà thờ tộc Trần… Ở đó còn có những
người thợ thủ công phố Hội ngày đêm thầm lặng, miệt mài với công việc cho ra đời
những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
Điều tôi tâm đắc nhất ở Hội
An không chỉ nét đẹp cổ kính, uy nghi của những ngôi nhà cổ xưa mà còn có tấm
lòng của người dân bản địa. Đi trên đường phố Hội An mà tôi cảm nhận như đi
trên con đường làng quê mình. Người dân nơi đây nhiệt tình, đôn hậu và chất
phác. Họ đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hòa và lời chào thân mật. Họ quan tâm
thăm hỏi chúng tôi như người bạn đi xa mới về.
Chia tay phố cổ sao mà nhớ cảnh,
nhớ người?
Chạnh nhớ người xưa
Chia tay phố cổ, chúng tôi
xuôi về Quy Nhơn thăm phố biển chiều tà. Bước chân lên đồi Ghềnh Ráng lòng chạnh
buồn thương nhớ người xưa. Nhà thơ tài hoa bạc mệnh – Hàn Mặc Tử. Đứng trước
nơi yên nghỉ trọn đời của thi nhân lòng bâng khuâng. Tôi vốn là một độc giả yêu
mến thơ Hàn Mặc Tử. Tôi yêu thơ Hàn từ những điều chú tôi kể ngày thơ bé. Tôi
thương cho cuộc đời bạc mệnh của Hàn. Hàn Mặc Tử đi xa để lại trong lòng người
mộ điệu một nỗi tiếc thương da diết. Vườn thơ Hàn Mạc Tử vẫn còn đây. Biển Quy
Nhơn đêm ngày sóng vỗ. Trăng vẫn đi về mỗi độ ngày rằm. Mộ Hàn lặng im giữa
lưng trời. Một vầng trăng đã tắt. Một hồn thơ đã mãi mãi đi xa.
Đến Ghềnh Ráng, chúng ta còn
được đắm mình hòa vào cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Biển Quy Nhơn chiều xuống
thật đẹp và thơ mộng. Ngồi trên bãi tắm Hoàng Hậu đưa mắt nhìn ra xa mới cảm nhận
được vũ trụ thật bao la, hùng vĩ. Gió vi vu thổi xào xạc ngoài hiên vắng như
đưa ta về với xa xưa. Ghềnh Ráng thu hút được du khách đến thăm bởi nét đẹp nên
thơ, tao nhã. Về đây, ghé thăm căn chòi của Dzũ Kha để thêm hiểu và yêu thơ
Hàn. Dzũ Kha yêu thơ Hàn như bao người yêu thơ Hàn nhưng ông đã tình nguyện gắn
bó đời mình với Hàn Mặc Tử. Dựng lều tranh quán cỏ cạnh mộ Hàn Mặc Tử, ông lấy
việc chép thơ Hàn Mặc Tử trên gỗ thông thơm và vẽ tranh thủy mạc trên gỗ bằng
cây bút lửa điệu nghệ của mình để phục vụ du khách gần xa. Có tận mắt chứng kiến
Dzũ Kha mài mò từng đường từng nét để khắc thơ Hàn mới hiểu hết tình yêu thơ
Hàn của ông say đắm đến dường nào.
Chia tay Ghềnh Ráng mà lòng
bâng khuâng, chân bước đi mà dạ ngập ngừng. Tôi muốn được ở lại nơi đây với Ghềnh
Ráng thân yêu để ngày ngày ngắm biển Quy Nhơn, đêm về cùng Hàn ngắm trăng sao
và cùng ngâm nga những “vần thơ cháy đỏ”.
Thăm phố biển Nha Trang
Nha Trang, một vùng đất thơ
mộng và êm đềm sóng vỗ. Ở đây, chúng tôi được tham quan những danh thắng nổi tiếng
như tháp bà Ponagar, hòn Tằm, chợ Đầm… Đặc biệt là bãi tắm Hòn Sỏi và viện Hải
Dương Học. Về thăm bãi tắm Hòn Sỏi vào một buổi sáng đẹp trời, chúng ta sẽ thu
được vào ống kính của mình những bức ảnh tuyệt đẹp về biển Nha Trang. Ở Hòn Sỏi,
không rì rầm, dữ dội như những nơi khác, sóng biển nơi đây nhẹ nhàng, từng đợt,
từng đợt dịu êm dạt vào bờ. Điều làm tôi và các bạn thích nhất khi về thăm phố
biển Nha Trang là được tận mắt chứng kiến nhiều loại cá, hải sản biển mà trước
đây mình chưa từng đượng thấy. Điểm du lịch mà tôi đề cập đến là viện Hải Dương
Học - nơi lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất ở Đông Nam Á. Nơi
đây, chúng tôi đã tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với hơn 20000 mẫu vật của
hơn 4000 loại sinh vật biển và nước ngọt được sưu tầm và giữ gìn nhiều năm (Có
những loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong). Ngoài việc
thưởng thức được những loài sinh vật biển quý báu, chúng tôi còn ý thức thêm về
trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường.
Đêm. Dạo bước trên bờ biển
Nha Trang lòng tôi có một cảm giác lâng lâng. Biển Nha Trang về đêm thật đẹp.
Sóng biển rì rầm kéo theo những hạt cát mịn hòa vào biển cả. Ngoài xa khơi, những
ngọn đèn của những thuyền tàu đi biển gợi lòng mình chút bâng khuâng. Về cuộc sống
của những con người đang “vượt lên biển cả” để tìm kế mưu sinh.
Chia tay miền Trung yêu mến,
chúng tôi xuôi về miền Tây quê hương. Chút chạnh buồn, tiếc nhớ. Những ngày thức
tế đã vội đi qua. Trở về giảng đường nhưng tôi tin trong lòng mỗi người ai cũng
tiếc nuối luyến lưu về miền Trung thương nhớ. Chuyến đi xa khép lại với những kỷ
niệm đẹp chẳng thể phai nhòa. Hãy học thật giỏi để đóng góp công sức làm cho
quê hương mình ngày càng giàu đẹp hơn bạn nhé!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét