TP Tuy Hòa vào xuân, phố phường tràn ngập trong sắc thắm của
muôn hoa. Giữa muôn vẻ đẹp rực rỡ ấy, những gian hàng thư pháp của các “ông đồ”
trẻ điểm xuyến cho bức tranh xuân thêm phần tao nhã.
Gian hàng thư pháp của “ông đồ” trẻ Phan Sang
tại Hội hoa xuân TP Tuy Hòa - Ảnh: D.ANH
NHỮNG “ÔNG ĐỒ” TRẺ
Thư pháp, loại hình nghệ thuật “viết chữ đẹp” truyền thống đã
có lâu đời trong phong tục chơi tết của người Việt Nam. Thư pháp gắn liền với
hình ảnh ông đồ già với khăn đóng, áo dài, mài mực tàu vẽ nên những con chữ đẹp
trong sự trầm trồ thán phục của người xem, người xin chữ. Thế nhưng, một thời
gian dài dường như hình ảnh ông đồ chỉ còn trong dĩ vãng. Vì thế, sự xuất hiện
của những “ông đồ” ở Tuy Hòa như thêm phần ý nhị cho ngày tết. Đặc biệt, những
ông đồ trong Hội hoa xuân TP Tuy Hòa tuổi đời còn rất trẻ, họ chỉ đang trong độ
tuổi sinh viên có niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp cộng thêm mong muốn truyền
cảm hứng “chơi chữ” đến với nhiều người hơn.
Gian thư pháp của “ông đồ” trẻ Phan Sang (SN 1992, phường Phú
Thạnh, TP Tuy Hòa) nổi bật ngay trước Nhà Văn hóa Diên Hồng. Những bức thư
pháp, thư họa phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình hài hòa với những nét
chữ thanh thao, uốn lượn thể hiện vẻ đẹp của cảnh và tình, cuốn hút người xem.
Phan Sang cho biết: “Tôi mê thư pháp từ nhỏ, rồi tìm tòi sách liên quan để đọc.
Khi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), tôi như
“cá gặp nước”. Tôi tham gia Câu lạc bộ Ông đồ trẻ TP Biên Hòa. Tham gia
sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu với hội ông đồ khắp nơi. Nét chữ của tôi dần đẹp
hơn và “có thần” hẳn lên. Sau khi tham gia các lễ hội có hoạt động thư pháp
trong miền Nam, được nhiều thích thú nên tôi mạnh dạn trở về quê hương và mang
chữ ra phố”.
Gian thư pháp của các “ông đồ” trẻ rất ít nên thu hút nhiều
người có sở thích chơi chữ. Không khó để nhận ra gian thư pháp khác nằm ở ngã
tư đường Trần Hưng Đạo giao với đường Lê Trung Kiên của “ông đồ” Võ Minh Nhựt
(SN 1992) đến từ xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa). Võ Minh Nhựt đang là sinh viên
Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Cùng niềm đam mê với thư pháp như Phan
Sang, Võ Minh Nhựt đã “mang chữ” ra phố được 3 năm. Võ Minh Nhựt cho biết: “Nghệ
thuật thư pháp phát huy được cái đẹp, cái hồn của mỗi chữ Việt. Tôi muốn đem
tâm huyết, tình yêu của mình đối với nghệ thuật thư pháp giao lưu với bạn yêu
chữ, quý chữ. Năm nay, tôi nhận thấy ngoài những vị khách đứng tuổi, những bạn
trẻ cũng rất quan tâm đến thư pháp”. Bạn Bùi Phi Hùng, học sinh Trường
THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Em rất mê những nét chữ đẹp của
nghệ thuật thư pháp nên thường bị gian hàng ông đồ thu hút. Năm nay, em mua bức
thư pháp có câu thơ: Cầu cho cha được thanh nhàn/Chúc cho mẹ được an khang
tuổi già.
PHÁT HUY HỒN CHỮ VIỆT
Trong các gian hàng thư pháp ở TP Tuy Hòa bày bán chủ yếu là
thư họa. Những ông đồ trẻ chuẩn bị cho mình nhiều bức liễn viết chữ với bố cục
gồm có: đại tự (chữ chính trong bức tranh thư pháp), tiểu tự (có thể là câu
thơ, câu đối, châm ngôn)… có nội dung bổ sung cho đại tự. Phần hội họa được các
thầy đồ trẻ họa các chủ đề quen thuộc về hoa, chim, thú. Bên dưới đóng con dấu
và nghệ danh của ông đồ. Ngoài ra, thư pháp còn được viết trên đá, gỗ, sứ, vải…
Ông Nguyễn Bình một du khách đến từ huyện Krông Pa (tỉnh Gia
Lai) cho biết: “Tôi vào xem gian hàng ông đồ vì tôi yêu thích nghệ thuật thư
pháp. Tôi mua chữ “tâm” về treo cho vui cửa, vui nhà. Nhìn thấy những ông đồ
còn rất trẻ giữa Hội hoa xuân mà tôi cảm động lắm, vui vì thú chơi tao nhã này
nay đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại”.
Phan Sang cho biết thêm: “Hiện ở Phú Yên vẫn có một nhóm những
người mê thư pháp đồng trang lứa với tôi, nhưng chưa có điều kiện để liên lạc
và gặp nhau. Tôi vẫn luôn mong, những người trẻ yêu thích thư pháp Phú Yên có
thể thành lập câu lạc bộ ông đồ Phú Yên cùng nhau sinh hoạt, giao lưu, học hỏi.
Để vào mùa xuân, chúng tôi có đủ điều kiện để mở gian hàng thư pháp tại các
trung tâm văn hóa ở các địa phương”.
Việc gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật
truyền thống trong đó có nghệ thuật thư pháp đang được ngành văn hóa đặc biệt
quan tâm. Ông Trương Công Nghiệp, Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Hòa cho biết:
“Hai năm nay, tại điểm sinh hoạt văn hóa thị trấn Phú Thứ có một sinh viên
ngành chuyên ngành mỹ thuật tâm huyết dựng lều viết thư pháp. Hoạt động của “bà
đồ” trẻ này đã thu hút sự quan tâm và thích thú của nhiều người thích chơi chữ.
Phòng VH-TT huyện Tây Hòa sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để những bạn trẻ tâm
huyết với loại hình viết thư pháp cổ truyền độc đáo này được phát huy niềm đam
mê tại địa phương”.
Trung tâm Văn hóa tỉnh Phú Yên đang chú trọng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian trong chuỗi hoạt động hội hoa xuân. Hiện nay, trung tâm đã tạo điều kiện cho “ông đồ” trẻ Phan Sang vị trí thuận lợi để dựng gian hàng thư pháp. Trung tâm cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các ông đồ, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê thư pháp có đủ điều kiện phát huy môn nghệ thuật thư pháp rộng rãi trong quần chúng nhân dân. (Bà Hoàng Thị Hường, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh).
DIỆU ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét