Lời giới thiệu của người dịch:
Tháng 7 năm 1930 tại Caputh
(Đức) đã diễn ra cuộc hội ngộ giữa hai thiên tài: thi hào và triết gia Ấn Độ
Rabindranath Tagore (1861 - 1941, đoạt giải Nobel văn chương năm 1913) và nhà vật
lý Đức Albert Einstein (1879-1955, đoạt giải Nobel vật lý năm 1921). Einstein
và Tagore luôn ngưỡng mộ nhau vì tư tưởng toàn cầu và sự đồng cảm trên con đường
được soi sáng bởi Chân – Thiện – Mỹ mà các ông đã chọn. Khi cuộc hội ngộ này diễn
ra, Dimitri Marianoff, một người bà con của Einstein, đã mô tả Tagore như “một
thi sĩ với cái đầu của một nhà tư tưởng”, còn Einstein như “một nhà tư tưởng với
cái đầu của một thi sĩ”. Ông còn mô tả cuộc hội ngộ như “cuộc trò chuyện của
hai hành tinh”.
Trong cuộc hội ngộ nói trên
hai thiên tài có trao đổi suy nghĩ của họ về âm nhạc. Nội dung cuộc đối thoại về
âm nhạc này đã từng được vài người dịch ra tiếng Việt xong không đầy đủ và thiếu
chính xác. Dưới đây là bản dịch của tôi.
Albert Einstein and
Rabindranath Tagore
tại cuộc hội ngộ năm 1930 ở Caputh (Đức)
Tagore: Hệ thống âm nhạc
ở Ấn Độ không cố định cứng nhắc như âm nhạc phương Tây. Các nhà soạn nhạc của
chúng tôi viết ra một đề cương nhất định, một hệ thống sắp xếp các giai điệu và
tiết tấu, dựa vào đó người chơi nhạc có thể ứng tác trong một giới hạn nhất định.
Anh ta phải hòa nhập với quy luật của giai điệu riêng đó, và sau đó có thể biểu
hiện cảm xúc tự phát ứng với nhạc cảm của anh ta theo các cách đã được quy định.
Chúng tôi ca ngợi thiên tài của nhà soạn nhạc trong việc tạo ra một nền tảng
cùng một cấu trúc thượng tầng của các giai điệu, nhưng chúng tôi cũng chờ đợi kỹ
năng riêng của từng nhạc công tạo ra biến tấu của các giai điệu tùy hứng và các
nốt hoa mĩ. Trong sáng tạo chúng tôi tuân theo quy luật chính của sự tồn tại,
nhưng, nếu chúng tôi không tự cắt mình khỏi quy luật đó, chúng tôi vẫn có đủ tự
do trong khuôn khổ cá tính của mình để tự biểu hiện một cách đầy đủ nhất.
Einstein: Điều đó chỉ
có thể xảy ra ở nơi nào có truyền thống nghệ thuật mạnh mẽ trong âm nhạc để hướng
dẫn tư tưởng của người dân. Tại châu Âu, âm nhạc đã quá xa rời nghệ thuật quần
chúng, cảm xúc của quần chúng và đã trở thành một cái gì đó giống như một nghệ
thuật bí mật với các quy ước và truyền thống riêng của nó.
Tagore: Thế nên ông phải
hoàn toàn phục tùng thứ âm nhạc quá phức tạp này. Ở Ấn Độ, thước đo độ tự do của
một ca sĩ nằm trong cá tính sáng tạo của riêng anh ta. Anh ta có thể hát ca
khúc của một nhạc sĩ như ca khúc của chính mình, nếu anh ta có đủ năng lực sáng
tạo để tự khẳng định mình trong việc diễn giải quy luật chung của giai điệu mà
anh ta muốn diễn giải.
Einstein: Điều đó đòi hỏi
một tiêu chuẩn nghệ thuật rất cao để thể hiện đầy đủ những ý tưởng tuyệt vời
trong nhạc phẩm gốc, sao cho có thể tạo ra các biến tấu dựa trên nhạc phẩm gốc.
Ở nước chúng tôi các biến tấu thường đã được viết sẵn.
Tagore: Nếu trong hành
vi của mình, chúng ta có thể làm theo quy luật của điều thiện thì chúng ta có
thể có tự do đích thực trong tự biểu hiện. Các nguyên tắc ứng xử thì có rồi,
nhưng làm cho chúng trở thành sự thực và có cá tính là sáng tạo riêng của mỗi
chúng ta. Trong âm nhạc của chúng tôi có tính nhị nguyên của tự do và trật tự
đã có sẵn.
Einstein: Cả ca từ cũng
tự do sao? Ý tôi muốn hỏi là liệu ca sĩ có được tự do thêm lời của riêng mình
vào ca khúc anh ta đang hát không?
Tagore: Ở Bengal chúng
tôi có một loại ca khúc gọi là Kirtan cho phép các ca sĩ tự do thêm các lời
bình, câu chữ không có trong ca khúc nguyên gốc. Điều này gây ra phấn khích lớn
vì thính giả luôn hồi hộp chờ đợi những cảm xúc bột phát đẹp đẽ và mới mẻ do ca
sĩ thêm vào.
Einstein độc tấu violin
Einstein: Nhịp phách có
chặt chẽ lắm không?
Tagore: Rất chặt chẽ.
Ông không thể vượt quá các giới hạn của niêm luật thi ca; trong tất cả các biến
tấu của mình ca sĩ phải giữ tiết tấu và nhịp, là những thứ cố định. Trong âm nhạc
châu Âu ông có tự do tương đối về nhịp, nhưng không phải về giai điệu. Còn ở Ấn
Độ, chúng tôi được tự do thay đổi giai điệu nhưng không được tự do thay đổi nhịp.
Einstein: Âm nhạc Ấn Độ
có thể được tấu lên không lời không? Người ta có hiểu một bài ca không lời
không?
Tagore: Có, chúng tôi
có những ca khúc với ca từ không có nghĩa gì cả, những âm thanh chỉ giúp đóng
vai trò chuyển tải các nốt nhạc. Ở Bắc Ấn Độ âm nhạc là một nghệ thuật độc lập,
không phải là cách diễn giải các từ ngữ và tư tưởng như ở Bengal. Loại âm nhạc
đó rất rắc rối, tinh tế và tự nó là một thế giới hoàn toàn của giai điệu.
Einstein: Đó không phải
là phức điệu sao?
Tagore: Các nhạc cụ được
sử dụng, không nhằm tạo hòa âm, mà để giữ nhịp, tăng âm lượng và độ sâu. Giai
điệu trong âm nhạc của các ông có bị ảnh hưởng bởi áp đặt của hòa âm không?
Einstein: Đôi khi rất
nhiều là đằng khác. Đôi khi hòa âm nuốt chửng giai điệu.
Tagore: Giai điệu và
hòa âm cũng tựa như đường nét và màu sắc trong bức hoạ. Một bức hoạ với những
đường nét đơn giản vẫn có thể hoàn toàn đẹp; thêm màu vào có khi làm nó trở nên
mù mờ và tầm thường. Tuy thế, màu sắc kết hợp với đường nét có thể tạo nên những
bức hoạ tuyệt vời, miễn là không che lấp hay làm hỏng độ đậm nhạt.
Einstein: Đó là một so
sánh đẹp đẽ; đường nét cũng có trước màu sắc từ rất lâu. Có vẻ như giai điệu
trong âm nhạc của các ông có cấu trúc phong phú hơn của chúng tôi nhiều. Âm nhạc
Nhật Bản có vẻ giống như vậy.
Tranh của Tagore
Tagore: Rất khó phân
tích ảnh hưởng của âm nhạc phương Đông và phương Tây lên tâm hồn chúng ta. Âm
nhạc phương Tây khiến tôi xúc động sâu sắc. Tôi cảm thấy nó thực vĩ đại, mênh
mông trong cấu trúc và lớn lao trong bố cục. Âm nhạc của chúng tôi khiến tôi
xúc động nhiều trên khía cạnh trữ tình chủ đạo của nó hơn. Âm nhạc châu Âu mang
tính sử thi; nó có một nền tảng rộng và cấu trúc Gothic.
Einstein: Vâng, vâng,
điều đó đúng. Ông đã nghe âm nhạc châu Âu từ khi nào?
Tagore: Năm 17 tuổi,
khi tôi lần đầu tiên đến châu Âu. Âm nhạc châu Âu đã trở nên gần gũi với tôi.
Nhưng ngay cả trước đó tôi cũng đã nghe âm nhạc châu Âu ở nhà tôi. Từ khi còn
nhỏ tôi đã được nghe nhạc của Chopin và của các nhà soạn nhạc khác.
Einstein: Có một câu hỏi
mà người Âu châu chúng tôi không thể trả lời thỏa đáng, chúng tôi đã quá quen với
âm nhạc của riêng chúng tôi rồi. Chúng tôi muốn biết liệu âm nhạc của của chúng
tôi có phải là cảm xúc thông thường hay cơ bản của con người, liệu việc cảm nhận
sự êm tai và chối tai là điều tự nhiên hay là một quy ước mà chúng tôi chấp nhận.
Tagore: Chẳng hiểu sao
piano khiến tôi bối rối. Tôi thích nghe violin hơn nhiều.
Einstein: Sẽ thú vị nếu
được nghiên cứu các hiệu ứng của âm nhạc châu Âu lên một người Ấn Độ nào chưa từng
nghe âm nhạc này khi còn trẻ.
Tagore: Có lần tôi đã đề
nghị một nhạc sĩ người Anh phân tích cho tôi một vài nhạc phẩm cổ điển và giải
thích cho tôi những yếu tố nào tạo nên vẻ đẹp của một nhạc phẩm.
Einstein: Cái khó ở đây
là thứ âm nhạc thực sự hay, cho dù là của phương Đông hay phương Tây, là thứ
không thể phân tích được.
Tagore: Đúng, và những
gì tác động sâu sắc lên người nghe là thứ vượt ra ngoài bản thân anh ta.
Einstein: Một sự không
rõ ràng như vậy sẽ luôn hiện hữu ở mọi điều cơ bản trong trải nghiệm của chúng
ta, trong phản ứng của chúng ta với nghệ thuật, dù ở châu Âu hay châu Á. Ngay cả
đóa hoa màu đỏ tôi đang thấy trước mặt trên bàn ông có thể không như nhau trong
cảm nhận của tôi và của ông.
Tagore: Tuy vậy luôn diễn
ra quá trình dung hòa giữa chúng, để làm sao sở thích cá nhân phù hợp với tiêu
chuẩn phổ quát.
© Nguyễn Đình Đăng,
2015 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản
dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi
hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay
toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục
đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc
được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản
quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.
Dịch xong ngày 10.1.2015
Nguyễn Đình Đăng dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét