Tự nhiên được chi phối bởi
các qui luật phổ biến mà trí tuệ loài ngưới có thể lĩnh hội được. Niềm tin vào
tính hợp lý của Thế giới, đã vượt cả ra ngoài lĩnh vực Vật lý và xâm nhập vào mọi
địa hạt hoạt động của con người trong suốt nhiều Thế kỷ, bởi tin rằng, đó chính
là hiện thực, là vĩnh cửu.
Isaac Newton, thần tượng của
niềm tin ấy, là người đã chứng tỏ Vũ trụ vận hành trơn tru, bằng một thứ “động
cơ vĩnh cửu”: vạn vật hấp dẫn, do chính mình tìm ra, cũng chính là người
đầu tiên cảm nhận sự cáo chung của cái hiện thực vĩnh cửu ấy đang đến, khi ông
không thể nào giải thích được tính đỏng đảnh của Mặt trăng, trong quá trình
quay quanh Trái đất.
Trước đó, Kepler cũng đã lao
vào tính toán chuyển động của Mặt trăng, với giả thuyết là nó vạch ra một quĩ đạo
ellipse quanh Trái đất. Nhưng, những kết quả tính toán vị trí Mặt trăng vẫn sai
khác so với quan sát trên bầu trời.
Không chút nghi ngờ định luật
vạn vật hấp dẫn của mình, Newton đã đưa thêm vào bài toán chuyển động của Mặt
trăng một yếu tố mới :Nhiễu loạn do sức hút của Mặt trời, với hy vọng rằng,
những bất thường phức tạp, diễn ra theo chu kỳ của Mặt trăng là có thể giải
thích được bởi nghiệm chính xác của “Bài toán ba vật”.
1. Câu chuyện Tư duy hệ thống
Con đại bàng và con ếch
Những tưởng, từ bài toán hai
vật, đã được giải một cách trọn vẹn trong tác phẩm bậc thầy của mình: “Những
nguyên lý toán học của Triết học Tự nhiên”, xuất bản vào năm 1687, sang ba vật
tương tác nhau bằng hấp dẫn, thì chẳng khó khăn gì lớn. Hóa ra ông đã nhầm.
Newton buồn bã kể lại rằng, “Chưa bao giờ ông phải đau đầu nhiều như khi nghiên
cứu bài toán Mặt trăng”.
Mặc dù sau cả năm trời tính
toán căng thẳng, các vị trí của Mặt trăng mà ông đã tính toán dựa vào lý thuyết
của mình, vẫn tiếp tục sai khác với vị trí quan sát được trên bầu trời.
Newton đã coi công trình nghiên cứu của ông về Mặt trăng là một thất bại. Sau những nổ lực tinh thần căng thẳng mà không được đền bù, ông đã từ bỏ Khoa học. Có thể là ông cảm thấy mình không còn năng lực sáng tạo của thời trai trẻ, ở tuổi 23, đã từng làm thay đổi bộ mặt của Vũ trụ.
Newton đã coi công trình nghiên cứu của ông về Mặt trăng là một thất bại. Sau những nổ lực tinh thần căng thẳng mà không được đền bù, ông đã từ bỏ Khoa học. Có thể là ông cảm thấy mình không còn năng lực sáng tạo của thời trai trẻ, ở tuổi 23, đã từng làm thay đổi bộ mặt của Vũ trụ.
Ông đã rời bỏ chức Giáo sư
Trường Đại học Cambridge năm 1696, và làm một nhân viên hành chính tại Kho bạc
Hoàng gia, cho đến hết quãng đời còn lại.
Thất bại của Newton không
làm nản lòng những người nối nghiệp ông. Thậm chí, họ còn dũng mãnh hơn. Trong
số đó, có nhiều nhà Toán học danh tiêng như: Leonhard Euler (Thụy sĩ),
Lagrange (Pháp), và Laplace (Pháp). Trong quá trình nghiên cứu bài toán Mặt trăng,
họ khám phá ra nhiều điều mới mẻ về Toán học. Thế nhưng Mặt trăng thì vẫn ngang
ngạnh, không chịu tuân theo những tính toán của họ. Euler đã dành cả cuộc đời
cho bài toán Mặt trăng, nhưng rồi cũng thú nhận thất bại.
Đặc biệt, từ tính “đỏng đảnh”
của quĩ đạo Mặt trăng, làm dấy lên một nỗi lo về tính ổn định của hệ Mặt trời:
Nếu các hành tinh ngoan ngoãn đi theo quĩ đạo của chúng quanh Mặt trời mãi mãi,
lặp đi lặp lại cùng một quĩ đạo của mình, thì hệ Mặt trời là ổn định, bền vững.
Còn trường hợp thứ hai, vì có sự tích tụ các nhiễu loạn của lực hấp dẫn, do các
hành tinh tác dụng lẫn nhau gây ra, thì quĩ đạo của các hành tinh, trong tương
lai, sẽ thay đổi một cách căn bản, làm cho sự sắp xếp của hệ Mặt trời khác đi :
Hệ Mặt trời sẽ là không ổn định và không bền vững.
Giải quyết bài toán ba vật,
các nhà Toán học trứ danh đã không đi được đến đích, thì với hệ Mặt trời có đến
mười vật, phải chăng là điều vĩnh viễn bất khả thi?
Trên thực tế, tất cả những
tính toán được thực hiện trong thế kỷ XIX, dựa vào các định luật Newton và một
kho công cụ Toán học khổng lồ, cũng không đem lại lời giải chính xác hơn so với
kết quả đã thu được từ 2000 năm trước. Vậy, để thoát khỏi bế tắc này, cần phải
có một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Nói cách khác, phải có một kiểu mẫu Tư duy
khác một cách căn bản.
Người tìm ra “kiểu mẫu” mới
này là nhà Toán học trẻ tuổi, người Pháp, Henri Poincaré. Ông đã đưa ra một
phương pháp hết sức độc đáo để giải các bài toán của Cơ học thiên thể. Và trong
khi làm việc với phương pháp đó, ông đã tình cờ đụng phải hiện tượng Hỗn độn.
Poincaré chứng minh rằng, các phương trình Newton đã chứa đựng trong nó mầm mống
của hỗn độn, mà chính Newton và các tiền bối không ngờ đến, chỉ vì do mải mê đi
tìm cái trật tự, cái hài hòa của một Vũ trụ tất định mà thôi.
Các định luật Newton được viết
dưới dạng các phương trình vi phân, mà nghiệm của chúng là tổng của một chuỗi
vô hạn các biểu thức, nhìn đã đủ chết khiếp. vì chẳng có ai đủ tuổi thọ để tính
và lấy tổng đủ các số hạn của chuỗi đó. Nhưng, đối với hệ Mặt trời, vấn đề là
chuỗi đó có hội tụ không, tức là nó có một gia trị xác định hay không? Nếu hội
tụ thì hệ Mặt trời là bền vững, các hành tinh sẽ tiếp tục không mệt mỏi đi theo
quĩ đạo của chúng quanh Mặt trời. Hay chuỗi đó là phân kỳ. Nếu vậy thì quĩ đạo
các hành tinh sẽ thay đổi không gì có thể cứu vãn được.
Ngược lại với các vị tiền bối,
Henri Poincaré muốn nắm bắt thực tại trong Tổng thể của nó. Nhưng
phương pháp phương trình vi phân truyền thống thì lại cô lập riêng những mảnh của
thực tại, rồi sau đó mới lắp ghép các mảnh đó để dựng lại tổng thể của nó. Ông
viết : “Thay vì phải xem xét quá trình tiến hóa của một hiện tượng trong sự
toàn vẹn của nó, người ta lại chỉ tìm cách ghép nối một thời điểm với một thời
điểm khác ở lân cận trước đó, và cho rằng, trạng thái hiện tại của Thế giới chỉ phụ
thuộc vào quá khứ vừa mới qua chứ không chịu ảnh hưởng gì bởi ký ức về
quá khứ xa xăm “.
Việc để mất ký ức về quá khứ
xa xăm này, tất yếu dẫn đến sự tri giác về thực tại như một continum, mà trong
đó không có vô trật tự và hỗn độn.
Thay vì tầm nhìn một con
ếch luôn bị che khuất bởi tầng nấc của đáy sâu, Poincaré muốn có tầm nhìn
của đạị bàng đang sải cánh lượn cao trên những dãy núi và thung lũng.Với tầm nhìn toàn cảnh như vậy,
thì bài toán ba vật, ông muốn thấy được đồng thời toàn bộ cảnh tượng của các
quĩ đạo, với tất cả sự tổ hợp khả dĩ của các điều kiện ban đầu. Vì mục đích đó,
ông đã phát minh ra một công cụ toán học, gọi là Không gian pha (gồm
3 chiều không gian và 3 chiều vận tốc), mà cho đến nay vẫn còn dùng làm nền tảng
cho việc nghiên cứu Hỗn độn. Bằng trí tưởng tượng mạnh mẽ, ông đã gắn mình vào
trong không gian trừu tượng nhiều chiều đó để bay vào không gian Vật lý, “lôi
ra” lời giải xác định của bài toán ba vật nóng bỏng lúc bấygiờ. Quan trọng hơn
nữa là ông đã phát hiện ra một “nhân vật” hoàn toàn bất ngờ, từ lâu giấu mặt
trong bóng tối, nhân vật được đánh giá là làm nên thực tại của Thế giới : Đó là Hỗn
độn.
Để có cái nhìn tổng thể đối với
bài toán ba vật, cần thiết phải có một không gian 18 chiều: 6 chiều mô tả Mặt
trăng, 6 chiều mô tả Trái đất, 6 chiều mô tả Mặt trời. Chính nhờ có nhiều chiều
như vậy, mà Poincaré không phải con ếch nữa mà là đại bàng. Ông bay lồng lộng
trên cao để nắm bắt cái sôi động của thực tại, chứ không phải tìm kiếm cái trật
tự tĩnh lặng ở đáy sâu.
Như vậy, hệ ba vật thể trong
không gian pha 18 chiều, được biểu diễn bởi một điểm duy nhất. Tương tự, hệ Mặt
trời cũng vậy, chỉ cần một điểm duy nhất để biểu diễn nó trong không gian pha
nhiều chiều này. Tóm lại, cho dù hệ thống được nghiên cứu, có phức tạp đến đâu,
các phần tử có nhiều đến mấy đi nữa, thì chỉ cần một điểm trong không gian trừu
tượng đó thôi, là đủ đẻ biểu diễn tổng thể của một hệ thống.
Với cách nhìn đó, Poincaré
đã khám phá ra rằng, một hệ ba vật, bề ngoài đơn giản như hệ gồm Mặt trăng,
Trái đất, Mặt trời, bị chi phối bởi cùng một định luật vạn vật hấp dẫn, nhưng
cũng vẫn có thể sản sinh ra cái không thể tiên đoán và cái không thể xác định.
Vậy thì, Hỗn độncũng đang quẩn quanh đâu đó trong Hệ Mặt trời của chúng
ta.
Poincaré, bằng một kiểu mẫu
Tư duy hoàn toàn mới, thuật ngữ hiện đại gọi là Tư duy hệ thống, và bằng
thiên tài Toán học của mình, đã khám phá ra bản chất hai mặt của các định luật
Cơ học của Newton. Nếu như bộ mặt đã được khám phá của các định luật này là Trật
tự thì bộ mặt ẩn giấu của chúng là Hỗn độn. Trật tự và hỗn độn hòa quyện mật
thiết với nhau: Cái không thể tiên đoán không bao giờ ở cách quá xa cái có thể
tiên đoán.
2. Ngẫm trong Thế thái nhân
tình
Vài thập niên gần đây, trong
sinh hoạt học thuật, ta thường nghe, ngày càng nhiều, khái niệm Tư duy hệ
thống hay Tư duy đa phức, với hàm ý cảnh báo rằng, thao tác ghép nối
“tư duy bộ phận” để dựng nên chân dung toàn diện cho một đối tượng nào đó, đã
không còn thích hợp cho sự phát triển nhận thức Thế giới ngày nay nữa. bởi vì
Khoa học hiện đại chứng tỏ rằng, Cái Toàn thể không phải là kết quả của
phép cộng đơn giản từ những Bộ phận.
Ấy thế mà câu chuyện Tư duy
của hai nhà bác học Newton và Poincaré trên đây, lại xảy ra từ mãi hồi thế kỷ
XVII xa xưa. Nó cho thấy bằng chứng còn mạnh mẽ hơn lời cảnh báo vài chục năm
nay, rằng Cơ học Newton không thể khuất phục được Mặt trăng, trong bài toán ba
vật, nếu không có Tư duy hệ thống của Poincaré.
Cũng vậy, không biết tự bao
giờ, nghe trong Thế thái nhân tình nhiều câu triết lý,đại loại như : chỉ
nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng, biết một mà chẳng biết hai hoặc những
câu cửa miệng như: Mắt nhìn không qua sống mũi, lẫn lộn như: Trông gà
hóa cuốc v.. v.. đều có ý chê trách cái trực cảm chủ quan, thiếu tầm bao
quát, mà dẫn đến oan sai, mất cả lý lẫn tình.
Những ẩn dụ bình dân trong đời
thường ấy, hóa ra có cơ sở Khoa học tự nhiên vững chắc đến thế. Mà cả Khoa học
xã hội nữa, người ta gọi đó là Phương pháp tư tưởng, một phương pháp cũng
chắt lọc từ qui luật Đất – Trời, từ Nhân sinh mà ra. Nó là công cụ định hướng
tư duy và hành vi đời người.
Vậy mà trực giác và cảm tính
vẫn cứ ngọt ngào chen vào cầm lái Tư duy, che mờ bản lĩnh, mà rất ít khi con
người ta nhận biết.
Khoa học nói rằng, Hỗn độn
làm nên thực tại, sáng tạo ra cái phong phú của tổng thể. Tạo hóa ban cho ta Tư
duy và lý trí, đó là bộ lọc để ta gọi đúng tên, lọc ra bản chất Khoa học của
cái gì là Hỗn độn tất yếu, tồn tại trong hệ thống. Nó cũng giống như sự hiện
diện và hoạt đông náo nhiệt của loại nấm, vi khuẩn ký sinh trong cơ thể vậy, đó
là sư hiện diện tất yếu, giúp cho cái sống vận hành thêm trơn tru mà thôi, đâu
phải vì thấy có một nhóm vi khuẩn trong người, mà cho đó là dấu hiệu sự xuống cấp
của toàn thân.
Từ ngày ta mở cửa, hội nhập kinh tế,
không ít người như “bừng tỉnh” trước những mới mẻ trước mắt, chợt hiểu rằng,
xưa nay Người
Việt ta xấu xí quá. Danh mục các bệnh xấu xí được kê ra bằng một thứ
nghệ thuật “hình tượng”, khá ấn tượng. Nhưng cũng không ít người tự hỏi, dân tộc
này, khi hội đủ những cái xấu ấy, thì làm sao viết được những trang lịch sử bốn
ngàn năm hào hùng, để chúng ta viết tiếp từ ngày hôm nay, mà không hề tàn lụi,
như tác giả lập danh mục kia, đã dự báo?
Chùm
khế ngọt, cái ao làng, lũy tre xanh, nó cổ xưa thật. Cái ao làng nó đâu hiện
đại bằng cái bể bơi gạch men nước biếc, lũy tre xanh kẽo kẹt buổi trưa hè, đâu
có hiện đại hơn dãy tường bao, có ụ đèn tròn và cánh cổng sắt, chùm khế ngọt
giá trị sao bằng chùm đèn pha lê ngoại nhập, đu đưa trên trần đại sảnh? Thế mà
những cái được kể là xấu xí lạc hậu ấy đã làm nên ký ức, lời ru, nuôi ta khôn lớn
từng ngày, hun đức nên hồn thiêng dân tộc, sống chết cùng quê hương để làm nên
lịch sử. Liệu có sự lẫn lộn nào, nhìn gà hóa cuốc, do Tư duy lệch lạc, giữa
cái bản sắc và cái lạc hậu xấu xí ở đây không? Quan trọng hơn, là giữa cái nhìn
hiện tượng bộ phân, với cái nhìn xu thế vận động của toàn hệ thống? Việc thống
kê những cái xấu, dù nó có thực trong cuộc sống đi nữa, cũng không đáng phải xướng
lên giữa thanh thiên cộng đồng trong và ngoài nước để đòi thay đổi, bởi vì nó
không tương xứng với tri thức mà thời đại đang cần.
Cũng buồn lòng không kém,
khi một vị Giáo sư cao niên, lại nêu lên một khám phá đầy ắp thông tin, rằng Người
Việt Nam tư duy bằng bụng. Cái cảm giác uế tạp trong bụng, thì so sao được
với độ tinh khiết của cái đầu. Vậy nên, tư duy bằng bụng thì chỉ dẫn dắt đến, một
là sự u mê, và hai là sự háu ăn.
Lời nói mộc mạc dân gian
cũng là một bản sắc ngôn ngữ. Chẳng hạn, để diễn đạt sự nghĩ ngợi còn dấu kin,
chưa nói ra, người bình dân có thể nói: “.. . Tôi nghĩ bụng rằng”. Cách nói
mang tính xét đoán dân dã ấy, là khá phổ thông, vì nó mang chất khiêm nhường,
đáng quí. Nhưng đem học vấn mà soi rọi nó dưới ánh sáng hàn lâm, thì trí thức
nào có thể tiếp nhận được đây?
Một hiện tượng ngôn ngữ chỉ
là một yếu tố, gán nó như một hệ thống Tư duy đặc trưng, thì độ chính xác cho
nhận thức phỏng còn bao nhiêu?
Cũng tiên phong không kém
trong việc khởi xướng khái niệm mới: “Công dân toàn cầu” và “Văn hóa toàn cầu”.
Việc lạm phát ngôn từ kiểu này, đã một lần bị tẩy chay, trong cái gọi là “Văn
hóa Đảng”, mà người khởi xướng là một cựu quan chức cao cấp trong Ngành Văn hóa
Tư tưởng.
“Công dân” theo nghĩa nào
đây?, nếu theo nghĩa chính thống thì quyền hạn và nghĩa vụ công dân toàn cầu được
những gì ? Nhưng cái quan trọng không phải là quyền lợi được mất, mà là Tư duy
Chính trị. Một giấc mơ về Thế giới đại đồng không đúng lúc, Vậy thì ngày nay,
nó chỉ có thể là lời ru ngủ Chinh trị chứa đựng nguy cơ mà thôi.
Ngay cả Châu Âu đã nhất thể
hóa, lại săp tiến tới Hiến pháp chung, nhưng hồ sơ cá nhân của người dân thuộc
các quốc gia trong liên minh đó, có ai đã ghi nhận mình là công dân EU và mang
“EU tịch” đâu.
Lại chuyện “Văn hóa toàn cầu”
cũng thế. Trong nhiều cuộc Hội thảo lớn về Giữ gìn Bản sắc Dân tộc trong
thời kỳ hội nhập Kinh tế, tập hợp các nhà Khoa học ưu tú, những Trí thức của
dân tộc, đã khẳng định rằng “Cuộc xâm lăng Văn hóa là cuộc xâm lăng cuối cùng của
nhân loại. nó tiệm tiến nhưng đầy khốc liệt...”
Lời cảnh báo kịp thời ấy cho
dân tộc, rằng Bản sắc Văn hóa của dân tộc Việt nam, tuyệt đối không phải là sản
phẩm nhào nặn, lai căng, để hợp khẩu vị toàn cầu.
“ Gia nhập WTO không phải bằng
mọi giá” ! Đó là lời đồng thuận vang lên từ Chính phủ Việt nam, khi cuộc thương
thảo cuối cùng, căng đến nghẹt thở, vì những điều kiện Chính trị, le lói bên
trong những điều kiện Kinh tế khá tinh vi.
Vậy thì những khái niệm mới
khai sinh “Công dân Toàn cầu”, “Văn hóa toàn cầu” được đẻ ra từ cái gì? Trước hết
và bao trùm hơn cả là sự nông nổi về Tư duy Chính trị. thứ nữa là khiếm khuyết
về Tư duy Hệ thống: Đời sống Kinh tế là rất quan trọng, nhưng nó
cũng chỉ là một yếu tố trong toàn bộ giá trị đời sống xã hội của Dân tộc mà
thôi. Cái giá trị mà bao thế hệ của Dân tộc phải đổi bằng máu mới giành được.
Hà Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét