Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Nghe Xuân ca, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy

Nghe Xuân ca, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy
Chỉ đến khi một người bạn buồn buồn, nâng ly champagne và nhắc, tôi mới giật mình nhớ rằng đã 2 năm ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy. 2 năm thoáng qua thật nhanh. 2 năm tre đã tận, măng thì vụng dại, người Việt đã không có gì hay ho hơn trong âm nhạc, và vẫn phải lặng người khi ngồi nghe lại những bài hát của một người tự nhận mình là người hát rong bằng tiếng Việt, từ thế kỷ trước. Tưởng niệm một thiên tài, tự mình mở lại bài Xuân Ca, tôi lại thấy trong đó muôn ngàn ngậm ngùi, không chỉ cho người đã khuất mà cho một nước Việt mong manh mờ ảo.
Nhắc về Phạm Duy, có rất nhiều người thích nói về tục lụy trong đời ông, nhưng tất cả thì vẫn phải lắng nghe. Âm nhạc của Phạm Duy là tiếng lòng, là sách giáo khoa quốc túy, là câu chuyện kể đẫm gió bụi trần gian của kẻ hát rong đi qua chiến tranh và nội loạn. Và dù như thế nào, trong âm nhạc của Phạm Duy luôn văng vẳng một lời kêu gào ham muốn được sống, được chạm vào một cảm giác của cõi trần gian, khao khát yêu thương và hoan lạc với đời.
Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần
Câu hát về mùa xuân của Phạm Duy như hờn trách, như đau vì phải đời người phai tàn theo năm tháng khi trái tim vẫn ngùn ngụt đam mê. Nghe như có cái gì đó vọng lại từ đời mình, vọng lại từ những điều phù du yêu dấu mà chính mình đã trãi qua.
Cuối những năm 90, khi làm quen và trò chuyện với ông, tôi mới nhận ra rằng sự tha thiết với cuộc sống vẫn cấu cào ông, bất kể lúc nào. Có lần, buổi xế chiều ở Việt Nam, tức đã rất khuya ở Mỹ, bất ngờ Phạm Duy gọi điện thoại về. Giọng ông thì thầm và đau đáu “Ở Việt Nam còn ai nghe nhạc tôi không?”. Tim tôi thắt lại. Tôi đã phải nói với ông rất nhiều rằng chính quyền và những quan chức dùng bộ máy kiểm duyệt như một thứ hình phạt tùng xẻo với đồng loại mình thì vẫn ráo riết thô bỉ, nhưng người dân vẫn đứng ngoài những điều đó, và họ vẫn nghe, hát mỗi ngày. Nhưng dù vậy, có lẽ ông vẫn chưa tin lắm, tự tay ông chép ra hàng loạt đĩa CD trên máy tính các bài hát của mình và nhờ Duy Cường mang về đưa cho tôi, dặn rằng nếu có ai muốn nghe nhạc Phạm Duy thì giúp ông, chia sẻ với họ.
Năm 2004, khi có cái lệnh quái gở về việc tất cả nghệ sĩ trên nước Việt phải thi lấy giấy chứng nhận hành nghề, Sở Văn Hóa Thông Tin ở Sài Gòn tổ chức các buổi giảng về chính trị bắt buộc tại rạp Hưng Đạo (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lúc đó là quyền giám đốc Sở, đã tuyên bố đanh thép rằng có 4 cái tên được coi như xử bắn vắng mặt, ai âm mưu chơi nhạc, truyền bá sẽ bị liên lụy, đó là Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh. Thế nhưng chúng tôi vẫn chơi Đưa em tìm động hoa vàng, vẫn hát Tạ tình, và vẫn nghe Một món quà cho quê hương. Âm nhạc vượt mọi rào cản và sợ hãi, dù bị hiến tế cho những mưu đồ chính trị. Lúc đó, chúng tôi nghe chuyện Lộc Vàng ở Hà Nội đi tù vì hát nhạc vàng, và ở Sài Gòn thì chúng tôi chứng kiến những bào hát cũ trước tháng 4-75 bị gạch khỏi danh sách sản xuất của các hãng băng đĩa nhà nước. Cũng lúc đó, tôi nhận được những bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rồi gửi về, trong đó có những bài phổ thơ từ những bài thơ tình rất mới của nhà thơ Hoàng Hưng. Ông ký tên trên các bài hát mới với bút danh là “Y Du”, tức tách từ chữ “Duy” và nói rằng nếu tôi nếu có dịp thì cứ xuất bản, đừng ngại chuyện tác quyền. Lúc đó, cầm những bài hát mà lòng tôi buồn vô hạn. Âm nhạc cứ phải lẩn khuất, âm nhạc chạy trốn phục binh. Lời hát cứ phải cất lên trong vết cắt kẽm gai ứa máu.
Khi đó, còn đang làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tôi hỏi ý người chủ biên của mình là nhà báo Đoàn Khắc Xuyên về việc có nên làm một bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy hay không. Anh Xuyên trầm ngâm một hồi, rít thuốc, nói “thôi cứ làm đi, nhưng để đó, rồi sẽ đến lúc”. Tôi gửi 41 câu hỏi cho nhạc sĩ Phạm Duy với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, ông sẽ lên tiếng dõng dạc quan điểm của mình trên báo chí trong nước. Ấy vậy mà, 2 năm sau khi ông mất, khi xem lại những câu hỏi đó, tôi biết còn rất lâu nữa, mới “đến lúc” như tôi và người chủ biên của mình hy vọng. Ngay khi ông về nước, cười nói và bước qua những trò tuyên truyền chính trị, như cách của một người già chìu lòng bọn trẻ con ngu ngốc để được yên, ông vẫn giữ nguyên trên website của mình phần trả lời cho tôi, với sự dứt khoát “Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản”.
Những lần gặp hiếm hoi, khi nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định về sống ở Việt Nam, cho tôi một cảm giác rằng ông như đang hát phần Nắng chiều rực rỡ trong đời mình, xuôi tay và chấp nhận mọi thứ để được nằm lại ở miền quê hương tinh khiết trong trái tim ông. Con ngựa hoang tự do và mỏi mệt chỉ mong được uống nước ở dòng sông cũ và không mong gì hơn là nghe thấy âm nhạc của mình vang lên trong lòng dân tộc.
Tôi nghe Xuân Ca và nhớ lại một câu trả lời của ông mà bật cười một mình. Phạm Duy ra đi để lại một gia tài âm nhạc cho đời Việt, để lại một tính cách tự do ngông cuồng đủ cho các cuộc tán gẫu không thể dừng. Khi tôi hỏi ông rằng có sự lý giải nào cho sự khác biệt giữa một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca hay không, ông trả lời rằng “Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (seriously). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục”.
Một năm mới lại đến. Xuân ca lại văng vẳng trong trái tim người. Niềm khao khát còn đó nhưng mùa xuân thật sự của xứ Việt đang ở nơi đâu?.
Tuấn Khanh
Kỷ niệm 2 năm, ngày mất nhạc sĩ 
Phạm Duy (27-1-2013 / 27-1-2015)
Nguồn: tuankhanh’s blog
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...