Đối thoại âm nhạc Đông - Tây
Cuối năm 2014 đầu năm 2015,
chương trình Lửa của nghệ sĩ piano Phó An My, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên
cùng các diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mang đến cuộc đối thoại thú vị giữa
piano – khí cụ của châu Âu và tuồng – nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam, dựa
trên sự tôn trọng đặc thù của từng loại hình.
Dự án opera – tuồng Lửa được
hai nghệ sĩ Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên ấp ủ 8 năm. Cốt truyện dựa trên kịch bản
vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơnra đời khoảng thế kỷ XVII, xuất phát từ vở tuồng
khuyết danh Tam Nữ Đồ Vương. Một bên là ngôn ngữ sáng tác âm nhạc hậu hiện
đại thể hiện trên cây đàn piano và bộ gõ giao hưởng, một bên là nghệ thuật diễn
xướng truyền thống nguyên bản như trống chiến, kèn bóp, nhị… thể hiện một số
làn điệu cơ bản của tuồng như hát nói, cổ bản, tẩu mã,Lửa được đánh giá là
bước đi xa hơn về phương thức tư duy, sáng tạo của hai nghệ sĩ. Chương trình được
công diễn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
NSND Hương Thơm – Phó giám đốc
Nhà hát Tuồng Việt Nam: Kết hợp truyền thống và đương đại là việc đáng làm
Tôi từng thắc mắc không hiểu
tiếng trống, kèn, nhị trong tuồng kết hợp với piano thì sẽ như thế nào. Nhưng
khi tôi hát tuồng, Phó An My chơi piano, không ngờ chúng lại ăn nhập với nhau đến
thế. Diễn viên tuồng cứ hát, cứ múa, nghệ sĩ piano cứ chơi piano, truyền thống
và đương đại quyện vào nhau ngọt ngào. Tôi cho rằng kết hợp truyền thống và
đương đại là việc đáng để làm. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi muốn tuồng
không chỉ được quan tâm ở trong nước mà còn hấp dẫn bạn bè thế giới.
Đây không phải lần đầu tiên
Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên đưa piano đối thoại với nghệ thuật sân khấu truyền
thống Việt Nam, như chương trìnhBóng (2011) kết hợp piano với chầu văn,
hay piano – hát cọi, hò Huế tại Festival Huế 2006… Gắn bó hàng chục năm với âm
nhạc cổ điển, Phó An My và Tuệ Nguyên đã gặp gỡ, va chạm văn hóa đủ để nhận thấy
giá trị của nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Đó cũng là lý do cuộc đối
thoại giữa truyền thống và đương đại trở thành cảm hứng sáng tạo của họ.
– Piano – khí cụ châu Âu và
tuồng – nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam rất khác nhau. Từ đâu Chị
có ý tưởng về sự kết hợp này?
– Không có lý thuyết nào nói
âm nhạc không thể đi cùng nhau. Gần đây nhất, năm 2011 tôi từng làm chầu văn kết
hợp với piano. Cá nhân tôi thấy, tuồng có kịch tính, bản thân âm nhạc châu Âu,
cụ thể là trên cây đàn piano cũng có thể mang lại những kịch tính ấy và chúng
có hơi thở rất giống nhau. Vậy tại sao chúng không thể song hành với nhau? Tuồng
có tính triết lý nhân sinh thâm thúy, cách thể hiện mạnh mẽ đầy nghệ thuật. Tôi
yêu sự mãnh liệt của tuồng. Tôi chơi piano cũng thế. Khi kết hợp với tuồng, tôi
phải nắm bắt được điều đó, cũng giống như Đặng Tuệ Nguyên khi sáng tác, để khi
nghe piano người ta vẫn biết đó là tuồng.
– Trong quá trình kết hợp chầu
văn hay tuồng với piano, Chị có vấp phải sự phản đối nào không, nhất là từ những
người nghiên cứu nghệ thuật dân gian?
– Không, bởi vì tất cả các
chương trình tôi làm đều không chạm tới âm nhạc truyền thống, mà để nguyên bản.
Tôi đưa ra một dòng nhạc mà tôi tạm gọi là đối thoại. Hai dòng nhạc đối thoại,
nói chuyện với nhau, giống như cách mình nói chuyện với thế hệ trước.
– Từ sự kết hợp này, phải
chăng Chị muốn dùng piano để đưa tuồng đến với đông đảo công chúng hơn, đặc biệt
là bạn bè quốc tế?
– Đó chỉ là một phần nhỏ
thôi. Âm nhạc truyền thống bản thân nó đã rất hay rồi và vẫn đang tồn tại trong
đời sống đương đại. Đối với tôi, sự kết hợp này đơn giản bởi vì đó là con đường
tôi lựa chọn và tôi muốn có hướng đi riêng. Cũng như nhạc giao hưởng ấy, có người
nói không hiểu nhạc giao hưởng nhưng cả đời họ có bao giờ đi nghe đâu. Âm nhạc
có những tần sóng để nó thích hợp với ai, ai quan tâm và nghe thì sẽ có cảm nhận
riêng. Tuồng cũng vậy. Bạn thấy đấy, trong các trường học hiện nay không dạy âm
nhạc truyền thống đến nơi đến chốn, nếu có cũng chỉ đại khái trong 7 nốt nhạc,
trong khi muốn công chúng quan tâm thì phải cho họ cơ hội tiếp cận thường
xuyên. Không biết tiếp cận ở đâu, tiếp cận như thế nào thì đương nhiên người ta
sẽ không hiểu và không thích.
– Ca trù, chầu văn hay tuồng
vốn kén người nghe, giao hưởng cũng vậy. Khi kết hợp những thứ kén người nghe ấy,
Chị mong muốn điều gì?
– Tôi là dân piano cổ điển.
Khi tôi ngồi vào đàn chơi một bản nhạc phải có đầy đủ kỹ thuật, kỹ năng của nhạc
cụ đó thì tôi mới có sự hào hứng để chơi. Tôi không kịp quan tâm đến việc kén
hay không kén khán giả, mà chỉ làm việc mà tôi đã được dạy từ bé là chơi piano.
Đã có người làm world music, âm nhạc điện tử kết hợp với âm nhạc dân gian, còn ở
đây chúng tôi làm khí nhạc. Bản thân Đặng Tuệ Nguyên khi viết nhạc cho piano dựa
trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam cũng là để hai loại hình này tôn nhau
lên, không bên nào làm nền cho bên nào. Và việc để khán giả tiếp cận mình như
thế nào thì còn phải chờ đợi thôi. Ngoài lao động của từng nghệ sĩ, còn phụ thuộc
vào cái duyên. Bởi nếu bỏ thời gian để mong mỏi thì sẽ không làm được việc gì cả.
Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên: Đối
thoại công bằng
– Anh có gặp khó khăn khi đi
tìm sự đồng điệu giữa piano và tuồng không?
– Không. Tôi nhìn thấy tư tưởng,
triết lý của 2 loại hình nghệ thuật này và biết là chúng đủ sức nặng để có thể
có một cuộc trò chuyện công bằng, giữa khí nhạc châu Âu và nghệ thuật sân khấu
tuồng.
– Anh không ngại dư luận phản
ứng tiêu cực về sự kết hợp này sao?
– Anh có nghĩ bằng cách này
sẽ góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam không?– Tôi không phá tuồng,
tôi cũng không phá nhạc cổ điển. Tôi càng không dùng cái này làm nền cho cái
kia. Ở đây là sự tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả những người am hiểu về tuồng cũng
sẽ thấy đây là một trong những vở tuồng pho chính thống diễn trên sân khấu hiện
đại, lấy nguyên bản, tôi không sáng tạo hay thêm thắt gì. Vấn đề chỉ là sắp xếp,
sắp đặt để cho hai loại hình này đứng chung trên sân khấu. Và đối với người
nghe nhạc cổ điển, họ cũng sẽ nhìn thấy ở người chơi piano những đoạn solo rất
phương Tây.
– Tuồng hấp dẫn tôi ngay từ
lần đầu tiên đi xem. Tôi vẫn nhớ năm 2005, tôi đưa một số người bạn đi xem tuồng.
Họ vốn không quan tâm đến âm nhạc dân gian và cho rằng chỉ âm nhạc thính phòng
mới là đỉnh cao, nhưng khi xem xong, một số bạn đã khóc. Đó chính là sức mạnh,
sức hút của tuồng mà lâu nay các bạn ấy không để ý đến. Tôi là nghệ sĩ, không
nghĩ cái gì to tát quá. Tôi chỉ nghĩ đây là sáng tạo cá nhân và nếu mình cố gắng
làm, hài lòng với những gì mình làm thì sẽ thuyết phục được khán giả.
– Điều gì đã khiến anh và
nghệ sĩ Phó An My hợp tác với nhau cũng như chọn con đường khó khăn này?
– Năm 2005 khi Phó An My về
nước, chúng tôi bàn nhau nên làm gì để tham gia Festival Huế 2006. Tôi nói với
chị My là nên hướng đến loại hình dân gian bởi cá nhân tôi cũng sinh ra trong
gia đình nghiên cứu âm nhạc dân gian nên được cảm thụ âm nhạc dân gian từ bé.
Phó An My là dân nhạc cổ điển nhưng cũng bị nghệ thuật dân gian hấp dẫn. Vì vậy,
chúng tôi coi việc cùng nhau tìm sự đồng điệu giữa piano và nhạc dân gian như một
cái duyên. Tôi cho rằng, nghệ sĩ nào cũng thế, có khi mất cả cuộc đời đi tìm
con đường riêng cho mình và rồi không phải ai cũng tìm thấy. Tôi có một con đường
đi riêng và đó là thành công của cá nhân tôi.
Tôi cũng nhìn thấy ở Phó An
My chất lửa, cá tính mà không phải nghệ sĩ nào cũng có. Và khi tiếng đàn có cá
tính thì tự nhiên sẽ có chất riêng, tiếng nói riêng. Đối với nghệ sĩ, điều đó rất
quan trọng, dù là nhạc cổ điển hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
Hà Trang thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét