Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Số phận thật của một bài hát và tác giả thật của nó

Số phận thật của một bài hát 
và tác giả thật của nó
Tên bài hát có thể không nhớ, nhưng mấy câu đầu hát lên: Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu… thì những người ở độ tuổi trên 50-60, đặc biệt là Sài Gòn đều biết. Thật tình cờ và may mắn tôi đã gặp được người sáng tác ra bài hát, mà vào tuổi mới lớn tôi thường nghe được của các anh lớn tuổi hay nghêu ngao trên đất Hà thành, vào cuối những năm sáu mươi đầu bảy mươi của thế kỷ trước (thế kỷ XX). Và cho đến nay, vẫn thi thoảng được nghe đâu đó hát. Để ý, tìm hiểu và hỏi nhiều nhạc sĩ nhưng cũng vẫn không biết tác giả bài hát ấy là ai. Tuy nhiên bài hát này lại rất nổi tiếng từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trong một nửa đất nước còn đang chia cắt, đặc biệt là ở đất Sài Gòn.
Trong buổi khai mạc triển lãm tranh và ảnh về những ngày lịch sử Điện Biên Phủ trên không, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng tại Bảo tàng Chiến thắng B52 ở phố Đội Cấn, Hà Nội; các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh…chuyện trò xoay quanh chủ đề Hà Nội. Ngẫu hứng làm sao, câu chuyện lại đề cập đến một bài hát rất nổi tiếng nhưng không biết tác giả là ai…một người nói: tác giả bài hát ấy chính là ông này đây! Tôi mừng quá, hỏi tên và địa chỉ người được giới thiệu cùng một loạt những câu hỏi nghi ngờ khác. Sau đó vẫn chưa thật tin, tôi hỏi nhạc sĩ – nhà lý luận phê bình âm nhạc- chủ tịch hội Âm nhạc Hà Nội Hồ Quang Bình. Ông Bình khẳng định đúng đấy!
Hành trình của một bài hát rất phổ biến ở nửa chiến tuyến phía Nam, nhưng lại bị cấm ngặt ở phía Bắc ( có người hát bài này đã từng bị đi tù ) đằng đẵng 60 năm đầy thăng hoa, thăng trầm, nghi ngờ, cấm đoán, có tên tác giả nhưng cho đến nay mới biết là không đúng; còn tác giả thật thì không dám thổ lộ cùng ai, chỉ “ một mình mình biết, mình hay một mình ”. Chiến tranh đã tạo ra muôn vàn sự trớ trêu, nghiệt ngã, thật giả lẫn lộn…
Ca từ của bài hát diễn đạt tâm trạng của một chàng trai Hà Nội nhớ người yêu, nhớ Hà Nội. Nỗi nhớ ấy chân thành, chân thực nhưng cũng đầy day dứt và bao trùm một sắc buồn man mác. Chàng trai bày tỏ nỗi lòng ấy bằng những lời tâm sự riêng tư chỉ hai người biết với nhau, và mường tượng cảnh người yêu ở nơi đất Sài Gòn phồn hoa, nhưng vẫn chỉ ước mơ mong đẹp đôi… Được nghe trực tiếp nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân hát đúng nguyên bản của bản nhạc theo nhịp 3/8, với sự rung động mà tôi có thể cảm nhận được từ ông – của một chàng trai Hà Nội cách đây sáu chục năm, cái tình thì lai láng và thẳm hút nơi xa khuất, cái đôi mắt đẹp kia của sáu mươi năm trước đang rưng rưng hát…Dù người ngoài cuộc tôi đã thấy đây đúng là “ máu thịt ” của ông: Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp, yêu đương thành khói bay theo mây chiều. Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ ai đứng trông ai ven hồ khua nước chơi như ngày xưa…..Giờ đây biết ngày nào gặp nhau! Biết tìm về nơi đâu….
Ông là nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân, hậu duệ đời thứ 40 của Khúc Thừa Dụ phát tích từ đất Ninh Giang, Hải Dương. Họ Khúc của Khúc Ngọc Chân đã định cư năm đời ở đất kinh thành Thăng Long, và nghiễm nhiên đến đời Khúc Ngọc Chân ông đã là một chàng trai Hà thành lãng mạn và tài tử. Khúc Ngọc Chân sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch, ngay sát các phố sầm uất nhất Hà Nội ngày xưa: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai. Ông viết bài hát Tôi xa Hà Nội đúng năm ông 18 tuổi, và cho đến nay Khúc Ngọc Chân đã là một ông già ở tuổi 78.
Hà Nội của những năm 1945- 1954, khi ấy Khúc Ngọc Chân là chàng trai tuổi mới lớn tham gia phong trào Hướng đạo sinh và đã biết chơi đàn từ tuổi 13, 14. Thầy đàn ngày ấy là ông Wiliam Chấn nổi tiếng ở phố Quán Thánh. Ông Chấn cũng là thầy dạy đàn của Đoàn Chuẩn, Tạ Tấn và nhiều nhạc sĩ khác. Trong phong trào Hướng đạo sinh, Khúc Ngọc Chân ở đoàn Ngô Quyền, và sáng tác đầu tay của ông là bài: Đoàn Hướng đạo sinh Ngô Quyền. Ông Chân cũng đã hát tôi nghe sáng tác đầu tay có âm hưởng tráng ca của bản nhạc ấy, trong ngôi nhà hiện tại của ông ở phố Hồng Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chàng trai trẻ Khúc Ngọc Chân yêu cô gái kém mình hai tuổi cùng học nhạc, cùng tham gia phong trào Hướng đạo sinh là Nguyễn Thu Hằng. Cuối năm 1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng, niềm vui của chàng trai Hà Nội chưa được bao lâu thì nỗi buồn sập đến. Người yêu phải theo gia đình vào Sài Gòn. Nghe tin dữ, Khúc Ngọc Chân vội từ Hà Nội đáp tàu xuống thành phố Cảng, ở tại khách sạn phố Cầu Đất, Hải Phòng. Chính tại Hải Phòng tháng 12 năm 1954, Khúc Ngọc Chân với cây ghi ta luôn mang theo bên mình, đã giãi bày nỗi lòng bằng những nốt nhạc và lời ca, làm nên ca khúc “Tôi xa Hà Nội”.
Trong những ngày chờ đợi lên tàu di cư vào Nam, Khúc Ngọc Chân đã hát và dạy người yêu đến thuộc khúc ca mà chàng chắt từ con tim đang rỏ máu chia xa.
Cái ngày chia ly rồi cũng đến. Chàng và nàng ngồi trên chiếc thuyền nhỏ ra nơi con tàu há mồn đang đợi sẵn ngoài khơi. Chàng ôm ghi ta bập bùng và hát say sưa, nghẹn ngào “ Tôi xa Hà Nội…. ”, nàng nghe như nuốt lấy từng lời, tay nhẹ nhàng gõ nhịp lên mạn thuyền.
Những hồi còi tàu vang lên u…u.. trên biển cả mênh mông. Tiếng còi tàu như rền rĩ, day dứt và cũng đầy u uất như tâm trạng những người trên tàu mắt đắm đuối dõi bờ cứ dần dần xa khuất.
Và, đôi tình nhân trẻ vẫn nuôi hy vọng sớm gặp nhau trong thành phố được mệnh danh “ Hòn ngọc Viễn Đông ”, sau hai năm Tổng tuyển cử.
Chàng nhạc sĩ trẻ Khúc Ngọc Chân không thể ngờ cuộc chia tay người yêu trên đất Cảng lại là vĩnh viễn chia ly và mãi mãi mất nàng.
Viết tới đây tôi nhớ đến cây đại thụ trong làng văn nước ta, nhà văn Tô Hoài, nay ông đã ở tuổi 94. Cách hai năm trước ông kể tôi nghe chuyện tình của ông mà ông chưa kể bao giờ. Ấy là những năm bốn mươi thế kỷ trước, ông đi du ký phương Nam gặp và yêu một cô gái Sài Gòn đang ở Thủ Dầu Một ( nay là tỉnh Bình Dương ). Tình yêu say đắm lắm và hai bên cũng đã thề non hẹn biển… Thế rồi chiến tranh phân chia đôi ngả. Chàng tham gia Văn hóa cứu quốc miết mải đi và hoạt động suốt, không thể trở vào Nam. Nàng vò võ đợi chờ rồi đi lấy chồng, rồi sang định cư ở Pháp. Nhưng nhà văn Tô Hoài may hơn, sau chiến tranh người yêu từ Pháp về đã tìm đến được với ông, dù hai người khi ấy tuổi cũng đã thất tuần cả.
Những năm sáu, bảy mươi của thế kỷ trước ở miền Nam có một bài hát được nhiều người yêu thích, đặc biệt những người ở miền Bắc vào. Bài hát thật phù hợp với tâm trạng của những người đi xa Hà Nội, đấy là bài Nỗi lòng người đi, sáng tác của Anh Bằng, lời thơ Nguyễn Bính.
Vâng. Cho đến hôm nay nhiều người vẫn cho rằng bài hát ấy là của nhạc sĩ Anh Bằng.
Ở nửa nước phía Bắc không ai biết có một bài hát nói về tình yêu, về cái tình của một người Hà Nội khi xa. Thế nhưng, sức lan tỏa của bài hát ấy cũng không hề nhỏ. Hầu hết lớp thanh niên Hà Nội của cuối thập kỷ sáu mươi đầu bảy mươi, thế kỷ 20 đều nghêu ngao vụng trộm vài câu chứ ít người thuộc cả bài. Những năm ấy hát bài hát này ( Nỗi lòng người đi ), hay hát nhạc vàng đều bị liệt vào những bài hát phản động; và có thể bị bắt đi tù vô cớ…
Sự xa cách có thể phai nhạt và chấm dứt tình yêu, nhưng nhiều khi sự xa cách lại dâng đầy khôn nguôi cái tình đôi lứa…Nỗi lòng chàng nhạc sĩ trẻ Khúc Ngọc Chân với tình đầu đắm đuối và biệt ly vì hoàn cảnh đất nước, như con sóng ngầm cuộn dâng mãi lòng chàng trai lãng tử đất Hà Thành. Ông nói ông không quên được và tình yêu ấy cứ day dứt mãi trong ông. Mỗi năm ông lại sáng tác một bài hát về người yêu, cho người yêu, cùng những vần thơ đắm đuối về mối tình đầu đẹp và lãng mạn. Ông viết tiếp những ca khúc: “Biển và tôi”, “Hà Nội thu” cũng là sự tiếp tục “E nhạc” của “Tôi xa Hà Nội”, với những ca từ trong bài hát: “Tình ca em hát – Tôi đàn hòa theo… Về bài tình ca em mang đi theo từ đó…”. Chỉ đến khi ông đành lòng đi lấy vợ mới thôi sáng tác về người yêu.
Có một câu thơ:
“ Tôi đã xóa em
Bằng những đôi mắt khác
Nhưng không xóa được
Em”.
Không riêng gì Khúc Ngọc Chân, trong cuộc sống có biết bao nhiêu những mối tình chỉ khi nhắm mắt xuôi tay người ta mới thôi nghĩ về nó… Cuộc đời cho con người thứ đẹp nhất, đó chẳng phải là tình yêu đó sao!
Ba năm sau ngày chia tay người yêu, Khúc Ngọc Chân vào trường nhạc vừa dạy vừa học đàn Cello. Thầy dạy chính là nhạc sĩ Hoàng Dương. Có điều thú vị, nhạc sĩ – GS âm nhạc Hoàng Dương, người sáng tác bài hát nổi tiếng Hướng về Hà Nội cũng sáng tác bài hát vào năm 1954, và khúc ca cũng là tâm trạng của một chàng trai Hà Nội nhớ về người yêu. Người yêu và vợ của Hoàng Dương sau này lại chính là em gái nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân. Cụ Trúc Khê- Ngô Văn Triện đã sinh ra nhạc sĩ, người chơi Cello lừng danh Hoàng Dương; Hoàng Dương lại sinh ra cây Cello tài danh nhất của Việt Nam hiện nay và đang là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Ngô Hoàng Quân. Hoàng Dương là em rể Khúc Ngọc Chân… Thế đấy, đất Kinh đô thời nào cũng xứng danh là nơi hội tụ anh tài.
Sự nghiệp và cuộc đời của chàng nhạc sĩ tài hoa Khúc Ngọc Chân cũng lênh đênh, phiêu dạt không ngừng. năm 1961, ra trường về làm nhạc công Dàn nhạc Giao Hưởng. Những năm Mỹ đánh phá ra miền Bắc ( 1965 ), Dàn nhạc tách làm ba đoàn, Khúc Ngọc Chân đi cùng một đoàn xuống Hải Phòng, sau đó nhập vào đoàn văn công Hải Phòng. Vài năm sau, 1967, Hà Nội thành lập trường Nghệ thuật Hà Nội, ông mới về đầu quân ở đây cho đến khi nghỉ hưu. Nhà thì cũng chuyển vài ba bận cứ xa dần trung tâm thành phố, để rồi hôm nay, định cư bên con đường ngoài đê sông Hồng.
Suốt những năm dài chiến tranh và sau khi chấm dứt chiến tranh, Khúc Ngọc Chân biết có một bài hát gần như y nguyên bài hát Tôi xa Hà Nội của mình được người bên kia chiến tuyến hát, được nhiều người “ bên mình” hát truyền khẩu và vụng trộm. Ông ngạc nhiên, sao bài hát của riêng mình và chỉ có người yêu biết mà thôi, lại phổ biến nhiều đến thế. Ông biết đấy là bài hát của mình, nhưng phải im lặng. Và ông già 78 tuổi Khúc Ngọc Chân cười khà khà: “ Nếu tôi nói ra thì ai tin tôi, vả lại chắc giờ này không còn ngồi đây mà hát cho anh nghe được, đi tù rồi, đi Tây Trúc rồi…”.
Sau chiến thắng năm 1975, Khúc Ngọc Chân cùng Dàn nhạc Giao Hưởng vào biểu diễn tại Sài Gòn những ngày mới giải phóng. Ông cất công đi tìm người yêu năm xưa nhưng hoàn toàn vô vọng. Sau hơn một năm kiên trì dò tìm, ông mới biết người yêu Thu Hằng sau khi vào Sài Gòn, nhờ có chất giọng đã phải kiếm sống bằng nghề hát ở các quán bar. Và nàng đã lìa bỏ cõi trần tục vì bệnh lao cùng mối tình tuyệt vọng vào năm 1969, lúc ấy nàng mới ngoài 30 tuổi. Khúc Ngọc Chân đau đớn vượt hàng ngàn cây số vào thắp nén nhang tiễn muộn người yêu- người phụ nữ mệnh yểu trong một chiều nhập nhoạng ngoại thành Sài Gòn.
Và cho đến năm 1977, Khúc Ngọc Chân mới hay sự tình bài hát của mình lan truyền rộng rãi. Có một nhạc sĩ cũng người Bắc vào lân la các quán bar, nghe được một khúc ca- một tâm trạng- một khối tình riêng của cô ca sĩ Thu Hằng qua những lời ca đau đáu nỗi niềm: Tôi xa Hà Nội…..đã lấy bài hát đó, chỉnh nhạc thành nhịp 4/4, thay đổi vài ca từ, như : khua nước chơi như ngày xưa thành khua nước trong như ngày xưa ( Ô hay, Hồ Gươm bốn mùa xanh màu xanh lục thủy thì làm sao mà khua nước trong được!). Hay câu nguyên gốc của Khúc Ngọc Chân là: Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời. Ai nhắn thay tôi đôi lời đổi thành: Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời. Tôi hái hoa tiên cho đời…
Nhạc sĩ ấy lấy tên Anh Bằng, còn lời của bài hát chú tên, thơ Nguyễn Bính.
Trong một bài viết, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã đã cung cấp những thông tin về nhạc sĩ Anh Bằng: “ Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua nhiều nguồn thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày 30-4-1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn trung tâm Asia Entertainment tại Houston. Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi Anh bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc “ Tôi xa Hà Nội ” do một thiếu nữ làm ở quán bar hát mà lại không biết xuất xứ. Anh Bằng thấy đây là một ca khúc rất hay. Ghi lại giai điệu và ca từ của ca khúc nhằm phổ biến, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow. Còn về ca từ, Anh Bằng đã gắn vào đó tên nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính….. Cuối cùng Anh Bằng đổi tên ca khúc “Tôi xa Hà Nội ” thành “ Nỗi lòng người đi ”. Anh Bằng đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “ Lê- Minh- Bằng ” tức là trung tâm do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh- Minh Kỳ- Anh Bằng khởi xướng, chuyên làm đĩa nhạc và dạy âm nhạc ở Sài Gòn từ năm 1966 đến 1975, hái ra tiền trong hơn 10 năm chiến tranh”.
Những điều nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đưa ra rất thuyết phục. Nhưng, còn một hướng khác: Có thể ca sĩ Thu Hằng đã bán bài hát này cho Anh Bằng thì sao? Có thể lắm chứ! Bởi, khi vào Sài Gòn Thu Hằng phải đi hát ở quán bar để kiếm sống cũng có nghĩa cuộc sống chẳng dư dật gì cho lắm, nếu không nói là thiếu thốn. Thu Hằng hát trong nỗi nhớ thương tuyệt vọng của một cô gái cô đơn, và biết đâu nghĩ rằng nếu có thể nhiều người biết đến “ bài hát riêng tư” này thì hay hơn…! Còn Anh Bằng thấy đây là một bài hát hay mà chỉ có mỗi cô ca sĩ ở quán bar biết, thì đã chớp lấy cơ hội biến thành bài hát của mình. Điều phi lý ở đây là ca từ của bài hát Anh Bằng lại đề thơ Nguyễn Bính. Có lẽ bởi quá yêu mến nhà thơ Nguyễn Bính và khi “ Nỗi lòng người đi” được tung ra phù hợp với tâm trạng, suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội miền Nam lúc ấy; đặc biệt những người di cư từ Bắc vào, nên không nhận thấy: thơ Nguyễn Bính khác lời ca của bài hát. Hồn thơ Nguyễn Bính là của một chàng thi sĩ “ nhà quê ”, Nguyễn Bính không thể nào có được tâm trạng của một chàng trai Hà Nội gốc, để có những lời như ca từ của bài hát, cho dù tài năng thơ của Nguyễn Bính xuất chúng.
Người có thể giải đáp được chính xác nhất bài hát “ Tôi xa Hà Nội ” vì đâu trở thành “ Nỗi lòng người đi ” đã ra người thiên cổ từ mấy chục năm nay. Còn người thứ hai ( mà chắc gì có thể nói thật ), thì mãi bên trời Mỹ xa xôi. Tôi và nhiều người cũng hy vọng rằng, có thể nhạc sỹ Anh Bằng biết được và có những lời tỏ tường… Vâng, hy vọng mà thôi!
Trở về với ông Khúc Ngọc Chân, trong căn phòng khách giản dị nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của lớp bạn già trong chi hội thơ – ca- nhạc “Hương Chiều”. Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân còn là người đam mê và làm thơ Đường khá hay. Ông Chân kể cùng tôi sự thực một bài hát do ông sáng tác và không hề có ý tranh chấp hay đòi hỏi gì với Anh Bằng.
Những năm còn chiến tranh, phân chia hai miền Nam, Bắc; bài hát “ Nỗi lòng người đi ” bị cho rằng có ý đồ chính trị. Có lẽ trong bài hát có những câu: “ Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời. Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi. Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ”, và “ Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời”. Ông Chân kể rằng, đấy hoàn toàn là tình cảnh riêng, ông phải trốn chui lủi ở ngoại thành để khỏi bị bắt lính trong những ngày Hà Nội bị tạm chiếm, trước năm 1954. Còn câu sau là ông hình dung ra tượng nữ thần tự do trong Sài Gòn. Thế nhưng, chuyện đời cũng thật buồn cười. Ca khúc về tình yêu rất riêng tư của đôi trai gái Hà Nội Khúc Ngọc Chân- Nguyễn Thu Hằng; lại trở thành một điều rất chung của tình yêu thanh niên và trong cõi lòng, tâm trạng những người Bắc vào Nam. Cao hơn nữa, trong hoàn cảnh đất nước chia cắt lại mang những ý nghĩa ẩn dụ từ sự suy diễn…
Hiện ông Chân đang sống hạnh phúc cùng người bạn đời Vũ Thị Định, là một cán bộ trường Đại học Y khoa Hà Nội. Bà Định là người yêu nghệ thuật, và chính từ tình yêu nghệ thuật đó mà hai người đến với nhau trong một buổi giao lưu hát quan họ. Câu chuyện hôn nhân của họ đã được phát sóng truyền hình. Ông Chân và bà Định đến với nhau khi hai người tuổi đã ngoài bảy mươi. Họ đi đăng ký kết hôn khi ông Chân ở tuổi 73. Và lạ lùng tôi được biết, cũng là lần đầu tiên ông Khúc Ngọc Chân đăng ký kết hôn. Với hai lần đò trước, cho dù đã có đầy đủ với nhau con và cháu, nhưng không hiểu vì sao ông không chịu kết hôn. Phải chăng dư âm quá lớn của mối tình đầu đã đeo đuổi ông suốt những năm tháng sau này…!
Chuyện về số phận của bài hát “ Tôi xa Hà Nội ” đã từng được lưu truyền trong “ dân gian” Hà Nội, và nổi danh ở Sài Gòn một thuở với tên “ Nỗi lòng người đi ”; cùng số phận thực của người nhạc sĩ đã sáng tạo nên nó, cứ canh cánh và trở đi trở lại trong tôi. Và tôi đã thuộc lòng, hay hát, ngay cả lúc đang phóng xe trên đường phố Hà Nội; đến nay mới hoàn tất và mong được mọi người cùng biết đến.
Thật lạ lùng! Cho đến nay “Tôi xa Hà Nội” là một ca khúc hay về Hà Nội thời kỳ đó, nhưng rất ít người biết được số phận thật và tác giả thật của bài hát đó.
Hà Nội, những ngày giao mùa
Cao Minh
Nguồn: trannhuong
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già Bùi Giáng (1926-1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng...