Rồi mùa thu xôn xao lá úa...
Khác với mùa hè, mùa thu
châu Âu thường đến lặng lẽ. Chỉ khi nhìn thấy bóng mình trải dài trên mặt đất,
người ta mới sực nhớ, bóng đã xế, mùa thu đã về, mùa đông sắp tới. Vào thu, ánh
mặt trời chiếu nghiêng nghiêng, bầu trời thường xanh thẫm, sắc nắng vàng đậm và
trong như mật.
Mặc dù đất hẳn còn ấm nhưng
dường như tuân theo một tiếng gọi thì thầm bí ẩn của trời đất, lá cây bắt đầu đổi
màu. Chúng diêm dúa mang sắc đỏ vàng rực rỡ, hầu như muốn bày tỏ cái già giặn của
mình với sắc trời và màu nắng. Mùa này mà đi dạo rừng mới thấy thiên nhiên xa xỉ
với sắc màu và mới cảm nhận tính tuần hoàn của tự nhiên. Trong mùa hè hào phóng
ánh nắng con người vốn hay quên bốn mùa sớm thay đổi thì nay cùng với gió thu
con người giật mình thấy mùa đông sắp đến và cảm nhận sự vận động miên viễn của
vũ trụ.
Rừng thu không những chỉ hiến
dâng cho con người sắc màu và cảm hứng tâm linh, nó còn ban phát loại nho làm
rượu mà đây là mùa thu hoạch. Thời này là mùa nho chín, là mùa thử rượu vang mà
người sành điệu có thể nếm đất trời, màu sắc, hơi thở của rừng núi trong những
giọt nồng mà người Âu phong cho cái khả năng “nối phần hồn và phần xác lại với
nhau”. Cũng như có vô vàn khác nhau giữa các loại trà, rượu không hề giống rượu,
chúng mang chứa trong mình mùi đất, mùi hoa của mỗi vùng canh tác, chúng còn
"nhớ" cả năm nay mưa nắng ra sao, chúng là quà tặng rộng lượng của
thiên nhiên mỗi năm mỗi khác cho con người. Thế nên không ai uống rượu một cách
suồng sã mà người ta lắng nghe mùi đất và màu nắng. Cũng như uống trà, người ta
uống rượu bằng tâm.
Thế nhưng thiên nhiên không
phải hoàn toàn rộng lượng, thiên nhiên cũng còn khe khắt. Ánh nắng chiếu
nghiêng chỉ làm trời chóng lạnh. Bầu trời càng xanh thì khí trời càng lạnh.
Trên bầu trời xanh thẫm đó, những đàn chim trốn lạnh vỗ cánh bay về phương Nam,
chúng phải vượt qua Địa Trung Hải để đến Bắc Phi và sẽ ở đó suốt mấy tháng mùa
đông. Chim chóc mà cũng bay về phương Nam, con người cần hơi ấm quê hương chỉ
biết nhìn theo chim bay ngó trời xa:
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng
bay
Người Âu cũng ngán lạnh, họ
rút vào nhà đốt lò. Trên mái ngói bây giờ đã làm tấm băng giá màu nhũ bạc, khói
đốt lò sưởi bay vẩn vơ trong gió. Đây là lúc con người ẩn nhẩn tìm nguồn vui
trong bóng tối mùa đông. Tháng 11 là tháng bắt đầu của lễ hội mùa đông
carnival, trong đó người ta hóa trang thành những khuôn mặt khác. Những ngày cuối
năm đầy hơi lạnh và bóng tối này là thời kỳ để ma quái trà trộn vào xã hội của
con người chí thiện, dụ dỗ người theo chúng thỏa mãn niềm vui dục lạc. Thời kỳ
đen tối đó kéo dài suốt một mùa đông, đó là thời mạt pháp thánh phàm đồng cư,
trong đó ma quái hiện hình thánh thiện, con người hóa trang thành ác quỉ. Thời
kỳ thiện ác lẫn lộn đó bắt đầu với lễ hội hóa trang Cologne (Đức) trong tháng
11, lên cao điểm tại Venise (Ý) trong tháng giêng năm sau và trở thành hiểm họa
cho loài người trong tháng hại, lúc mà phù thủy và ma quái cười nói nghiêng ngả
đi từng đoàn ngoài đường. Đến lúc đó thì Chúa hết có thể ngồi yên, Ngài búng
tay đốt chúng thành tro bụi. Đó là một ngày thứ tư trong tuần, ngày được mệnh
danh là “thứ tư đầy tro tàn”, cũng là ngày trong khoảng Tết Nguyên Đán của
chúng ta.
Thời kỳ tưởng chừng là u ám
đó thật ra là tâm lý cận nhân tình nhất vì ai cũng biết trong vũng lầy đen tối
nhất của tội lỗi vẫn ngầm chứa mầm thánh thiện và con người chỉ là sự tổng hòa
của mọi khuynh hướng thiện ác tiềm ẩn. Một thiên tài như Goethe (1749-1832),
nhà thơ và là nhà khoa học của Đức đã từng nói: "Tất cả những người tôi gặp
đều là những kẻ mà tội lỗi của họ bản thân tôi đều có thể phạm". Khoáng đạt
thay và cũng nhân hậu thay, hỡi nhà thơ lớn. Điều này làm cho ta nhớ đến Nguyễn
Du (1766 - 1820), người sinh sau mà lại chết trước Goethe. Trong thời phong kiến
khe khắt của phương Đông, Nguyễn Du là người hiếm hoi biết cảm thương số phận của
Thúy Kiều, Đạm Tiên, những người đẹp truân chuyên mang phận "nửa chừng
xuân thoắt gãy cành thiên hương", với những hoàn cảnh lưu lạc đáng thương
mà có lẽ ngày nay vẫn còn nhiều người không ngại gọi là "ma quái".
Thiên nhiên tuy khe khắt
nhưng nhân hậu hơn người. Thế nên trong những cành cây đen đủi của tháng chạp đều
chứa mầm xanh cho mùa xuân tới. Những chồi xanh đó kham nhẫn biết đợi, chúng biết
rõ khí hậu chưa ấm, thời khắc của chúng chưa đến. Trong những ngày tuyết bay lất
phất này, người ta thèm hơi nóng thuần hậu của một lò sưởi củi thông. Bên
"bếp lửa reo vui" đó với ly rượu vang trong tay, người ta sẽ thấy
mình được sống trong vòng tay kỳ diệu và hào phóng của thiên nhiên. Với củi lửa
thiên nhiên cho ta hơi ấm, với rượu trà nó cho ta hương vị của đất trời và đang
thì thầm nói với loài người rằng cuộc đời đang vận động theo chu kỳ, hết đông tới
xuân, hết ác tới thiện.
Mặc dù tâm tư cuối năm thường
chộn rộn nhưng con người cũng biết nghe. Do đó tại châu Âu, những ngày năm cùng
tháng tận cũng là dịp để người ta lắng lòng nghe những tiếng thì thầm đó, là những
ngày mà các trăn trở tâm linh của con người như thời gian, không gian, sự hiện
hữu, tính vô thường, nhịp tuần hoàn... thường trở lại. Chúng làm con người thường
ngỡ ngàng giật mình thấy những hoạt động đầy bụi bặm của thế gian cách trước đó
mới hơn một tuần nay đã trở thành tầm thường xa lạ. Bóng tối của những ngày mùa
đông trong dịp Giáng Sinh đâu phải chỉ đồng lõa với ma quái, đối với nhiều người,
đó là những ngày hết sức tĩnh lặng để đi vào một mùa xuân mới, già dặn và minh
triết hơn.
Thế rồi, con người phải chịu
cái lạnh căm gan của tháng giêng vài tuần nữa mới tới ngày phán quyết "thứ
tư đầy tro tàn". Đó là ngày mà người ta sẽ đốt bỏ một hình nộm đại điện
cho mùa đông và bóng tối, ngày mà lòng thiện trong mỗi chúng ta mà có người gọi
tên bằng "Chúa" ở phương Tây hay "Phật" ở phương Đông đã
chinh phục được cái xấu, ngày mà bên ta xem là thiêng liêng của Nguyên Đán.
Nguyên Đán là ngày đầy hy vọng
của con người, dù đó là hy vọng nở đầy tính thế gian như "đạp thằng bần ra
khỏi cổng" hay niềm cảm khái tâm linh đang được đứng trước thời khắc tinh
khôi của đất trời đang đổi mới. Ở phương Đông cũng như phương Tây, đó là ngày
giã từ cái rủi ro, cái xấu ác, chúng đã trở thành "tro tàn" của năm
cũ. Đó là ngày thành tâm nhất của mọi loài, kể cả ma quái. Vì Đông cũng như
Tây, người cũng như quỉ, tất cả chúng ta đều là những kẻ lên đường chân thành
đi tìm hạnh phúc.
Thiên nhiên chẳng có gì để
tìm vì nó biết đủ và minh triết, do đó hào phóng và biết chờ đợi. Sau Nguyên
Đán chỉ vài tuần, tức khí trời còn lạnh, đất còn đóng băng thì không biết tiếng
nói thì thầm nào mách bảo mà cây cối đã nứt mầm xanh, đâm ra vô số đọt non nhọn
như cây kim, xanh mướt như niềm tin. Qua tháng ba, lúc ngày đêm dài bằng nhau,
mặt trời chưa hề sưởi ấm được bao nhiêu mà "xuân đến khắp trời hoa rượu nở",
sắc màu đến đây thì không còn biết dè sẻn. Trong mùa này, cành mai trầm mặc bên
ta hay hoa lê trắng rực chiếm toàn cây bên trời Âu đều là sự thể hiện của cái
thiện mỹ thâm hậu trong trời đất, cái luôn luôn sẵn sàng cống hiến cho người.
Quán cóc bên đường
Đường Võ Văn Tần có một cái
hẻm nhỏ, đó là chỗ tôi hay ghé ăn khuya. Con hẻm vô danh này cũng như hàng trăm
hàng ngàn các hẻm khác trong thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tụ tập bán hàng
rong, quán nhậu, là chốn lui tới của những cuộc đời cơm hàng cháo chợ.
Tôi thường đến đó để ăn sò
huyết. Người nhà ai cũng dặn tôi đừng ăn nghêu sò, dễ bị bịnh thương hàn. Thế
nhưng tôi phớt tỉnh vì cho bụng mình đã quen và cũng vì nhớ đến các cửa hàng
coquillages ở Paris. Ở đó người ta bán nghêu sò ốc hến với một thứ giá trên trời
dưới đất, không hề tương xứng với cái tên dân dã của chúng. Thế nên cứ những buổi
khuya mát trời, tôi sà ngồi vào những chiếc ghế thấp bé trước một cái bàn đựng
đầy sò huyết và thầm nguyền rủa kinh đô ánh sáng. Đó là nơi vừa đắt tiền vừa
không bao giờ có một thứ sò tươi ngon như thế.
Thế nhưng không phải ai cũng
ăn sò huyết như tôi. Bà chị bán hàng cũng biết thế nên trên chiếc bàn nhỏ bé nọ
còn đủ các thứ linh tinh khác như hột vịt, ốc hương, ốc hút... Mùi vị của chúng
rất khác nhau nhưng dường như chúng thuộc về một chủng loại nên được tập trung
vô tay của một người bán. Sau lưng tôi lại là một cái quán khác, gồm một chủng
loại khác như mề gà lòng vịt và cũng thu hút nhiều kẻ ăn khuya. Bên cạnh bà chị
sò huyết lại là một bà chị khác chuyên bán cháo trắng ăn với cá khô, vịt muối,
dưa mặn. Xa hơn một chút là xe mì rồi đến hàng chè sâm bổ lượng. Các khu vực
quán cóc khác trong thành phố này cũng hao hao như vậy, dường như chúng có một
cấu trúc hẳn hoi về chủng loại.
Bà chị sò huyết có một cô
con gái hay ra quán giúp mẹ. Cô quạt than, luộc trứng, gọi bia, có lúc chạy biến
vào hẻm bên kia đường lấy thêm hàng cho khách. Dường như ở mặt trong, các hẻm
cũng chia nhau công tác hậu cần tiếp vụ. Mặt ngoài, hai bà chị sò huyết và cháo
trắng ngồi cạnh nhau, xem ra hợp nhau, thỉnh thoảng trao đổi vài câu thân mật.
Qua cách nói chuyện, dường như họ ngồi chung với nhau đã chục năm trời. Bà chị
sò huyết có lúc nhìn tôi ái ngại vì lúc nào tôi cũng đến một mình. Không ai đi
nhậu một mình cả. Chắc bà lo cho tôi bị cô đơn, nhưng là người Sài Gòn lịch sự,
bà không hỏi. Bà chị cháo trắng cũng quen mặt tôi, biết tôi không bao giờ ăn
cháo trắng. Dù thế, nhưng những lúc bên cạnh hết ghế, tôi vẫn được ngồi bên bàn
bà chị cháo trắng, uống bia ăn sò huyết. Ưa ăn cháo trắng nhất là các cô gái mặc
đồ bộ, uể oải từ trong hẻm đi ra, ngồi ăn không nói tiếng nào. Ăn uống mạnh bạo
nhất thường là các anh công nhân mặc đồng phục màu xanh đậm. Hẳn các anh làm ca
khuya, phải ăn lấy sức. Cũng có những cặp vợ chồng còn trẻ mặt mày hốc hác, đôi
mắt đăm chiêu, người vợ im lặng đập trứng cho chồng.
Thế nhưng những chốn đó dĩ
nhiên không bao giờ thiếu tiếng ồn. Mặc dù thứ bia ở đây pha với những viên nước
đá to tướng vừa để lọt ly, nhạt gần bằng nước lã nhưng lượng nhiều quá quả
nhiên cũng biến thành chất. Có chút nồng độ và niềm hứng khởi tụ tập trong phút
giây mát trời, dân nhậu nói nhiều và nói to. Thế nên tôi được nghe mọi chuyện về
cuộc đời muôn mặt. Chuyện chiến tranh, chuyện tham nhũng, chuyện vụ án, chuyện
bánh phở, chuyện hoa hậu, chuyện Việt kiều, chuyện bóng đá... Việt Nam ngày nay
đã khác xưa. Người dân công khai bàn những chuyện tưởng chừng như cấm kị. Gần
30 năm sau ngày giải phóng, điều rõ rệt nhất mà kẻ phương xa về nhà như tôi đều
mừng mà thấy rằng mức độ thông tin và nhận thức của người dân lao động rất đáng
nể nang. Từ chuyện vĩ mô toàn cầu, siêu cường “Gờ bảy” cho đến những trận bão
tuyết đâu đâu ở bên Tây, những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá chẳng ăn nhằm
gì đến ai, họ đều biết vanh vách và nhận định chính xác. Tôi sực thấy có nhiều
điều bên Đức mà họ rành rẽ còn hơn tôi.
Thế nên toàn cầu hóa cũng có
cái hay, ai cũng học được của ai, tôi ngẫm nghĩ. Thế nhưng bản thân những quán
cóc bên đường này thì trên thế giới hẳn không ai bắt chước được. Bắc Âu không
thể có quán cóc vì thời tiết quá lạnh. Nước Pháp hay có những quán cà-phê, rượu
trà tại ngã tư đường. Tại làng mạc miền Nam xứ Pháp vào mùa hè, chúng mang chút
phong vị của cuộc đời dân dã. Những ông già mặt mày hóm hỉnh ngồi uống loại rượu
vang đỏ rẻ tiền. Họ làm gì có món nhậu, chỉ uống chay thế thôi, bên cạnh vài
người đánh boule. Thế nên họ không thể nào có cái náo nhiệt trong quán cóc của
ta. Ấn Độ thì sao? Đó là một dân tộc không biết ăn nhậu. Họ chỉ ăn uống trong
gia đình, không có thói quen la cà ăn hàng. Trong thành phố, tiệm ăn chính qui
của họ rất ít, nói chi đến quán cóc. Người dân Trung Quốc coi trọng chuyện ăn uống,
đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua ở lục địa khổng
lồ này, tôi chưa từng thấy một nơi nào có hàng quán xem ra vừa tràn lan vừa có
một thứ nề nếp hẳn hoi về chủng loại như tại thành phố của chúng ta. Chỉ tại
Thái Lan và Singapore là thỉnh thoảng có chút dáng vẻ quán cóc. Đó là những chỗ
có những dàn đèn nê-ông nơi mờ nơi tỏ, với bàn ghế thấp nhỏ mà tôi ưa sa vào ngồi
xem thử họ bán cái gì. Thế nhưng không bao giờ tôi tìm thấy cái không khí thân
tình của ta. Một nơi hào sảng như Việt Nam, nơi mà thỉnh thoảng người ta giành
nhau được trả tiền đến nỗi phải to tiếng, nơi đó hẳn không có chỗ thứ hai trên
thế giới. Thiếu cái ồn ào đã đành, dĩ nhiên tôi cũng không bao giờ nghe hiểu những
gì họ nói, tâm trí của họ dành cho một điều gì khác mà tôi không hề rung động.
Một buổi tối nọ, tôi lại dựng
xe vào hàng quán ở hẻm Võ Văn Tần. Hôm nay, ngồi sau cái bàn sò huyết là cô con
gái. Cô chào tôi thân thiện và bắt đầu quạt than. Sau mấy tháng, bà chị sò huyết
nay đâu vắng. Bà bị ốm hay đã nhường chỗ làm ăn cho con? Tôi đưa mắt nhìn cô
gái «Bà chị hôm nay không ra?». Cô im lặng. Bà chị cháo trắng bỗng lên tiếng «Bả
đi vượt biên rồi». Tôi nửa tin nửa ngờ, bà chị tuổi đã lớn sao còn đi vượt
biên. Không biết vì tội nghiệp bà chị sò huyết hay vì nhìn thấy mặt tôi ngơ ngẩn,
bà chị cháo trắng nói nhỏ «Bả chết rồi». Cô gái im lặng cúi đầu. Tôi định hỏi tại
sao bà chị lại chết sớm nhưng lại thôi. Lòng tôi bỗng nhiên trống trải. Tối nay
dường như dân nhậu sau lưng tôi cũng ít cãi nhau hơn. Hình như thành phố hôm
nay bớt náo nhiệt. Tôi gửi cho cô gái một tờ giấy bạc “Cô em thắp hương cho bà
chị giùm tôi”. Cô gái cố giấu một giọt nước mắt.
Ôi, quán cóc bên đường đâu
phải chỉ là chỗ nhậu nhẹt ồn ào. Nó cũng không phải chỉ là tế bào, là đơn vị
phân phối có cấu trúc hẳn hoi của một nền kinh tế đồ sộ như của thành phố năm
triệu dân này. Nó chính là cuộc đời. Những quán cóc bên đường nuôi sống hàng
trăm hàng ngàn hộ dân, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nơi diễn ra cảnh
ngộ muôn màu muôn vẻ của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ con, những
cuộc đời nhỏ bé, những số phận không tên.
Chuyện trên máy bay
Đứng trước bàn hải quan mà
cô ấy khóc mùi mẫn làm tôi ái ngại. Đi nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy
nơi nào nhiều nước mắt như Tân Sơn Nhất. Người đi cũng như người về, hai trạm
đưa đón, buồn vui cách nhau không đầy vài chục mét. Đó là số phận người Việt
Nam ở nước ngoài, tôi tự nhủ. Người đi thì nghĩ mình vĩnh viễn xa cách, người về
lại không ngờ có ngày hội ngộ. Có lẽ cô ấy vừa từ biệt người yêu, hai người ước
hẹn những gì, cô sẽ trở lại hay người ấy sẽ đi theo, hay sao nữa?
Cô ấy đi chung với một nhóm
khoảng hai mươi người, mỗi người mang trên ngực một tấm thẻ đỏ. Nhìn các khuôn
mặt nửa náo nức nửa băn khoăn, tôi đoán họ đi theo diện xuất cảnh. Nhưng xuất cảnh
thì thường thường đi Mỹ, sao họ lại đi Đức một chuyến với tôi?
Lên xe bus ra máy bay, tôi
thấy một chị phụ nữ mặc một chiếc áo kim tuyến lộng lẫy như đi dạ hội. Ngồi cạnh
chị hẳn là anh chồng, mặt mày đăm chiêu, dắt theo hai đứa con trai nhỏ. Cả ba
người lớn lẫn trẻ con đều đóng bộ complet cà vạt, nghiêm chỉnh như sắp đi dự một
buổi đám cưới sang trọng. Tiếc thay cho những bộ áo quần mới toanh đó, hẳn người
mặc không biết chúng sẽ nhàu nát sau vài lần nằm ngồi uể oải trong mười hai tiếng
bay. Đối với nhiều người, ngày xuất cảnh là ngày trọng đại nhất, họ phải mặc bộ
áo quần đẹp nhất, tôi tự nhủ. Nhưng không phải chỉ có thế, họ đã nghĩ lúc gặp
người thân nơi xứ lạ quê người, lúc đó cũng là giây phút khó quên, họ phải xuất
hiện cho tầm cỡ chứ.
Trong xe bus, tôi tò mò ghé
mắt nhìn tấm thẻ đỏ. tấm thẻ ghi tên tuổi hành khách và các chuyến bay, dòng cuối
cùng đề chữ "JFK". Thì ra, họ chỉ ghé qua Đức, đi đường Đại Tây Dương
để đến sân bay J. F. Kennedy ở New York. Họ đi Mỹ thật, đến một nơi xa quê
hương đúng nửa vòng trái đất. Tôi nhớ New York với vô số những chiếc taxi màu
vàng và những con đường buổi chiều tôi đi gặp đầy những rác. Đó là một thành phố
đủ mọi màu da và quốc tịch, đủ hạng người và mọi thứ nghề nghiệp. Đó là thiên
đường và cũng là nơi đầy cà nước mắt. Các đồng bào của tôi sẽ làm gì ở Mỹ, ở
New York, trong đó có ai sẽ vào khu Harlem mà ở?
Tôi phải bay mười hai tiếng
để đến Đức, nhưng chuyến du hành của họ sẽ dài gần gấp đôi. Đến Frankfurt, tôi
sẽ xuống máy bay nhưng với họ mới chỉ nửa đoạn đường. Hơn hai mươi tiếng nữa họ
mới được gặp người thân, liệu họ còn sức để tươi cười. Một ông cụ già không lên
nổi cầu thang máy bay, phải có người đỡ tay. Ông cụ tìm điều gì ở New York, hay
ông đi thăm con cháu, tại sao những đứa con xa nhà đó không về thăm để ông đỡ
nhọc nhằn?
Trong máy bay, ngồi bên cạnh
tôi là một người Ý. Hỏi ra mới hay ông về Việt Nam còn nhiều hơn tôi, biết ngõ
ngách Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hơn tôi xa lắc. Nghe chuyện, tôi biết ông
nói thật. Đã gần chục năm nay, ông chuyên cung ứng thiết bị và dịch vụ cho
ngành khai thác dầu khí, cho các dàn khoan ngoài khơi. Đó là những công ty
chuyên môn, cung cấp toàn hàng đặc chủng, không mấy ai biết đến. Trên thế giới
họ thuộc về một nhóm nhỏ của những người chuyên khai thác dầu mỏ, kiếm tiền dễ
hơn trở bàn tay. Đó là những mạng lưới kinh doanh mà đứng đầu là các ngài công
hầu trong các vương quốc Trung Đông, dầu mỏ đối với họ là cơm gạo hàng ngày như
của chúng ta. Họ đến Việt Nam từ ngày ta khai thác những tấn dầu đầu tiên, nghiệp
vụ của họ đã được chuyên môn hóa, không ai thay thế nổi từ những ngày xa xưa,
lúc ta còn chiến tranh. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất dầu khí, may cho ta
và cũng cho họ. Tôi hỏi thêm về vấn đề bảo vệ sinh thái ngoài khơi Việt Nam,
ông mỉm cười không nói gì cả.
"What is your
business?", người bạn Ý hỏi người bên cạnh. "Whisky", câu trả lời
cụt ngủn làm chúng tôi chưng hửng. Thì ra rượu mạnh Whisky đã trở thành một mối
kinh doanh hẳn hoi tại Việt Nam, không phải chỉ vài ba chai lậu thuế bán lẻ tẻ
ngoài đường. "Họ uống nhiều lắm", người kia trả lời câu hỏi và cười
bí mật. Tôi chỉ có thể công nhận ông nói đúng. Tôi nhớ trong một tiệm chả cá ở
Hà Nội, có một bàn vài người ngồi mà uống hết hai chai cognac. Người ngoại quốc
ngồi xung quanh nhìn nhau ngạc nhiên trước sức uống và cách uống của người
mình.
Tôi hỏi thăm một người Việt
trẻ tuổi về thăm nhà. Hôm nay anh ra đi, mặt mày còn mang niềm quyến luyến.
"Cháu ở Strassburg từ sáu năm nay". "Ở Strassburg sao không đi
máy bay Air France mà qua Đức làm chi cho phiền?", "Dạ, phải đi như
thế cho Tây khỏi biết". Đúng rồi, đó là lý do tại sao bà con "tị nạn"
ở Đức thì qua Hà Lan hay Thụy Sĩ mà đi, ở Pháp thì chạy qua Đức mà lên máy bay
mà về Việt Nam. Đối với chính quyền sở tại thì bà con tị nạn đó, những người bị
Việt Nam "ngược đãi" đó, chỉ lên máy bay đi du lịch các nước xung
quanh. Đến các nước trung gian, bà con mới rút trong túi bên kia giấy máy bay bửu
bối nhắm hướng Thành phố Hồ Chí Minh. "Đi bằng hai vé máy bay rời mà bố
cháu cũng không dám đi, ông đợi vô quốc tịch đã mới dám về". Tôi hỏi số tuổi
ông bố, hỏi đợi bao lâu nữa mới vào quốc tịch và thầm mong thời gian sẽ đợi lại
ông.
Mới đi hơn một tiếng đồng hồ
mà chị phụ nữ nọ xem ra vừa lạnh vừa mệt. Chiếc áo kim tuyến hở tay hở ngực
không giúp được bao nhiêu trong bầu không khí máy bay khá lạnh. Chị không biết
đến tấm chăn để bên cạnh dành cho hành khách. Tôi đưa cho chị tấm chăn. Ông chồng
thấy vậy bắt chuyện ân cần. Nghe tôi ở Đức, anh hỏi Mỹ hay Đức nơi nào làm ăn dễ
hơn. Ở Mỹ dễ hơn nhiều, tôi nói. "Hễ có sức và chịu làm việc, thế nào cũng
có việc làm". Nghe xong anh tin tưởng ra mặt. Chị vợ ngồi nghe chăm chú:
"Dạ, em qua bên đó tính làm neo, anh thấy sao?". "Được đó, nghề
làm móng tay, điểm lông mày bên Mỹ bây giờ sống lắm". Khuôn mặt mệt mỏi của
chị tươi lên. Tôi nói bừa thế thôi, như tôi làm sao mà biết bên Mỹ nghề nào sống
chết. Nhưng làm sao tôi có thể làm ai thất vọng được trên bước đường này của họ?
Nhất định tôi sẽ không nói bên Mỹ chuyện thất nghiệp xảy ra như cơm bữa và tôi
cũng không vội nói chị phải học nghề này hai năm mới được làm việc.
Tôi hỏi tại sao cả gia đình
ra đi. "Dạ, đời sống khó khăn quá, kiếm không ra đồng tiền". Tôi đưa
mắt nhìn hai người bạn ngoại quốc đang ngồi ở khoang máy bay phía trước. Hai
người đó, kẻ bán rượu, người khoan dầu đã trờ thành tâm đắc từ hồi nào, họ đang
nói gì về chúng tôi?
Cô gái khóc vùi hồi chiều
đang tìm cách tập trung đọc một cuốn sách nhưng hình như không đọc được. Người
yêu cô đã xa cả ngàn cây số và không biết bao giờ gặp lại. Bên cạnh cô, một ông
đứng tuổi đang lôi từng chồng sách ra, toàn là sách triết lý đạo Phật. Có lẽ
ông đem tặng bà con mộ đạo bên Mỹ vì mỗi thứ hai ba quyển giống nhau. "Vạn
pháp vô thường", tôi thoáng thấy một câu. Nếu cô gái hiểu được câu đó, có
lẽ sẽ đỡ khổ cho cô.
Tiếp viên dọn thức ăn ra.
Tôi đã quá ngán thứ thức ăn trên máy bay, thứ đã hâm đi hâm lại nhiều lần. Tôi
bỗng thèm một tô mì hoành thánh. Giờ này, Thành phố của tôi đã đi vào giấc ngủ,
các chị quét đường đã bắt đầu quét sàn sạt. Có ai trong số những người này sẽ bị
số phận đẩy đi quét đường tại New York, tôi tự hỏi với lòng nhói đau. Giờ này,
trên các đường thân thiết của tôi, chắc các em bán xe mì vẫn còn gõ mõ lóc cóc
trong đêm tối và các bác xích-lô vẫn lặng lẽ đạp xe kiếm khách. Thành phố đi ngủ
nhưng vẫn sống thiết tha. Tôi sẽ cố ngủ vài tiếng trên máy bay, khi tôi thức dậy
thì bên mình hẳn đã ăn sáng xong và đang uống cà-phê đá.
Các xa lộ vùng Frankfurt đã
hiện ra dưới cánh máy bay, trong ánh sáng xám đục của một ngày mùa đông. Nếu ở
phố cổ Hà Nội tôi sẽ gọi thứ ánh sáng này là "trữ tình" nhưng bây giờ
chút lòng nghệ sĩ của tôi đã biến mất vì nhọc mệt. Cụ già kia mới đi nửa đường
mà trông đã yếu hẳn rồi. Chị phụ nữ cuộn tròn người mà ngủ, chị đang mơ làm neo
tại Mỹ hay thấy mình còn ở Việt Nam? Ôi, còn nửa đường nữa, bao giờ mới đến. Đến
rồi thì "làm gì cho hết nửa đời sau?".
Mộng đời bất tuyệt
Mùa đông châu Âu, khi ánh
sáng ban ngày bị rút lại để buổi chiều bốn giờ trời đã tối, khi cỏ cây mang một
màu trắng buồn bã của sương tuyết, con người dễ rơi vào tâm trạng trầm uất của
những ngày năm cùng tháng tận. Thế nhưng đó cũng là những ngày của lễ Giáng
sinh, những ngày mà người ta xem là dịp để ngẫm nghĩ, để hồi tưởng, để rung động
cùng thời gian và những điều đã trôi qua trong năm. Và lòng người thật kỳ lạ. Từ
tận cùng của lòng tuyệt vọng mùa đông dâng lên sự cảm nhận về một niềm tin tươi
mới. Thiên nhiên cũng như muốn phụ họa với lòng khát vọng của con người vì
trong cảnh vật khô héo tàn tạ đó có một thứ cây vẫn mãi mãi xanh tươi, vẫn rực
một sức sống trong gió tuyết. Thế nên thông xanh là biểu tượng của Giáng sinh,
là niềm tin và sức sống trong những ngày đợi mùa xuân trở lại.
Trên đất nước chúng ta cũng
thế. Cũng trong những ngày giá rét của miền Bắc, miền Trung, bỗng thoắt một
cái, nói như Mãn Giác, trong "đêm qua sân trước", một cành mai, một
cành hồng đã sáng một sắc màu tinh khiết và nhã nhặn. Những cành hoa yếu mềm đó
mang một thông điệp lớn cho con người, đó là sức sống vẫn ẩn nhẫn đợi chờ. Kỳ
diệu thay, sức sống của thiên nhiên. Đến phút cuối cùng, khi nó thể hiện, ta mới
thầm kinh ngạc và biết kính sợ.
Cuối năm nhìn lại mười hai
tháng, lòng người dễ bồi hồi nhưng cũng dễ phiền muộn. Mấy ai nhìn lại một năm
mà thấy chỉ toàn niềm vui. Trong một đời sống ngày càng nhanh chóng, càng quay
cuồng, càng nhiều thách đố, con người vừa kịp phản ứng cho kịp thì vấn đề khác
đã trờ tới. Và vấn đề nào cũng thế, cũng đòi hỏi một sự chọn lựa mà so sánh loại
bỏ tức là đã tự làm trái lòng mình ở một mặt nào đó. May mắn thay nếu ta khỏi
phải chọn lựa, khỏi phải thỏa hiệp, khỏi phải tự tổn thương chính bản thân
mình.
Cuối năm nhìn lại mười hai
tháng, hay cuối một đoạn đời nhìn lại vài mươi năm hay khi tuổi già tóc trắng
nhìn lại suốt cuộc đời, liệu tâm trạng có khác gì nhau? Có lẽ không khác. Vì dường
như cuộc đời tuy thiên hình vạn trạng nhưng có chung một tính chất. Nói như
Krishnamurti thì cuộc đời vốn chỉ “là tranh chấp, mâu thuẫn, là bất an, phiền
muộn, thỉnh thoảng có chút niềm vui”. Phương Đông không khác phương Tây, ngày
xưa cũng như ngày nay, nội dung của cuộc sống luôn luôn gồm những mâu thuẫn to
nhỏ, gồm những điều bắt con người phải lựa chọn và thỏa hiệp. Đó là một chuỗi
tranh chấp triền miên ở ngoại cảnh và trong nội tâm, mà bất cứ sự thỏa hiệp nào
cũng làm đau chính mình. Phải chăng đó chính là bi kịch của con người?
Có lẽ chỉ có thánh nhân ngày
xưa như Lão Tử mới hành động hồn nhiên không chọn lựa và cũng không thấy có cả
chính bản thân mình để bị tổn thương. Làm người như chúng ta thì khác và nhất
là trong thời đại này, một kỷ nguyên chứa đầy tranh chấp, trong đó những đắn đo
tạm gọi là cao quí của nội tâm hầu như trở nên mờ nhạt trước những vùi dập phũ
phàng của ngoại cảnh. Mâu thuẫn giữa người và người dường như tăng vọt lên
trong một xã hội văn minh, trong một thế giới được mệnh danh là toàn cầu hóa.
Hình như chúng ta không hề nằm trong mùa xuân của loài người mà ngược lại, vừa
bước vào giai đoạn khắc nghiệt của mùa đông đầy sự lạnh buốt của lòng người và
dông bão của các vấn đề thuộc xã hội loài người.
Nhưng cũng như trong thiên
nhiên, trong những ngày đầy bóng tối và giá lạnh, sức sống và vẻ đẹp vẫn ẩn nhẫn
chờ chực để được thể hiện. Xưa nay, nhiều người đã cảm nhận điều đó. Nói như Trịnh
Công Sơn, trong cuộc đổi dời, "thành phố vẫn có những ước mơ", con
người "vẫn sống thiết tha". Có ước mơ và thiết tha thì sẽ có một
ngày, lúc đầy đủ điều kiện ngoại cảnh hội tụ, sức sống và vẻ đẹp sẽ trở thành
hiện thực như cành thông, cành đào, cành mai đã khoe sắc giữa mùa đông.
Con người vẫn sẵn sàng quên
những thương tổn của mười hai tháng qua, của một đoạn đời mấy mươi năm qua để sống
với khát vọng của mình. Con người vẫn yêu thương cuộc đời như nhà văn Hermann
Hesse, khi tự so sánh mình với một cành cây, đã viết:
Cũng như ngươi, ta bị cuộc đời
vùi dập.
Nhưng không gục ngã,
hàng ngày vẫn vươn mình,
ngẩng cao trong ánh sáng mặt
trời.
Tấm lòng ta mềm mại, tinh
khôi,
đã chết vì cuộc đời thô bạo.
Nhưng tính cách ta vẫn không
đổi.
Ta vẫn vui lòng, ta vẫn tha
thứ,
vẫn cho đời những chiếc lá
xanh tươi,
vẫn cho nứt hàng trăm chồi
non mới.
Dù bị đau đớn quằn quại,
Hai câu cuối cùng đã được
truyền tụng bằng nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới vì nó chính là chất người
đích thực trong cuộc đời đích thực. Hai câu đó được Phùng Khánh thời xa xưa giới
thiệu trong lời tựa cho tác phẩm “Câu chuyện dòng sông”. Phải chăng mỗi chúng
ta vẫn vui lòng, vẫn tha thứ, mỗi chúng ta đều còn có một "mộng đời bất
tuyệt"?.
Viết trong ngày ngắn nhất của
năm 2003 (22.12)
Tùy bút mùa lụt
Quê tôi xứ Huế mỗi năm lụt
vài lần, đó là điều ai cũng biết.
Như một người đẹp khó tính,
sông Hương có nhiều khuôn mặt. Sông chảy từ Tây sang Đông nên trong buổi hoàng
hôn, ánh chiều đọng lại dọc theo dòng, sông sáng lên như một dải lụa giữa hai bờ
sẩm tối. Lúc đó, nếu trong bầu trời mọc một mảnh trăng non, dòng sông sẽ mềm mại
không sao tả xiết. Thế nhưng vào mùa lụt thì cũng chính dòng sông đó lại vùng
lên tràn bờ, ào ạt chảy một thứ nước đục ngầu, mang theo vô số củi đen, cây
gãy.
Thứ nước lụt mà người Huế gọi
là "nước bạc" là một thứ nước đục nhờ nhờ, trẻ con như tôi ngày xưa
không biết từ đâu mà có. Hỏi người lớn thì được nghe nói "trên nguồn chảy
xuống" nhưng hỏi "nguồn" ở đâu thì không ai biết. Giữa dòng thì
nước chảy cuồn cuộn đáng sợ, nhưng khi lên đến đường, tràn vào hóc hẻm mọi nhà
thì nước hiển lành trở thành bạn của chúng tôi.
Trong thứ nước bạc đó có cơ
man nào là tép, đưa rổ xuống là xúc được tép. Thỉnh thoảng chúng tôi may mắn
câu được cá ngạnh, bụng đầy trứng. Mùa lụt chúng tôi được ăn cá ngạnh, cá
chình. Cá ngạnh giống cá trê nhưng nhỏ hơn, nghe nói cũng "trên nguồn"
đổ xuống. Tôi nghiệm ra những thứ gì không ai biết xuất xứ thì được người Huế
cho là "trên nguồn" đổ xuống cả. Cá chình cũng là thứ cá nguồn, có
con to như bắp đùi, mùi thịt rất lạ, mỗi năm chúng tôi chỉ ăn được một hai lần.
Trong thứ nước bạc đục ngầu đó, tôi chỉ sợ nhất là rắn đẽn. Người lớn nói ai bị
rắn đẽn cắn là chết liền. Nhưng tôi chưa nghe ai bị rắn đẽn cắn cả. Nước tràn
lên bờ thì dĩ nhiên trường học đóng cửa, con nít nghỉ học, chúng tôi tha hồ
chơi. Trò chơi của con nít xứ Huế bốn mươi năm trước chỉ là thả tàu bằng cái
lon sắt tây đựng cá mòi, đôi khi có buồm làm bằng vải rẻo. Người lớn bày cho
chúng tôi cột một miếng xà-phòng sau tàu, xà- phòng nhả ra một thứ bọt lăn tăn,
có sức đẩy tàu tiến lên. Cứ thế mà chúng tôi chơi từ sáng đến chiều.
Lụt là niềm vui con nít,
chúng tôi nào cần biết đến nỗi lo của người lớn. Không có gì sung sướng hơn khi
trong đêm lắng nghe mưa to gió lớn, sáng ra trước đường đã có nước. Chúng tôi
nghe người lớn nhìn trời ngóng gió, nếu họ buột miệng nói mưa này là mưa lụt
đây, gió này là gió ngược sông đây, sắp lụt to đây chúng tôi lại khấp khởi mừng
thầm. Người lớn chuẩn bị đôn bàn ghế lên, còn chúng tôi sửa soạn chiếc tàu con,
chiếc vợt bằng vải mùng để bắt tép, thau nhôm đựng cá.
Trong mùa lụt, người ta vừa
nhàn hạ vừa bận rộn. Xem ra ai cũng gấp rút, xung quanh lúc nào cũng có tiếng
kêu ơi ới. Người lớn cũng có người khỏi đi dạy, miễn đi làm... lại thú vị lấy
sách ra đọc, lấy cờ ra chơi hay cùng trẻ con đi lội lụt. Chúng tôi thì có việc
làm của mình vì con đường đã biển thành dòng sông, chuyện gì cũng đáng thích cả.
Trên dòng sông đó, những chiếc thuyền cót trét dầu rái chở vô số người và hàng
hóa xuôi ngược. Họ vẫn đi buôn đi bán, đi thăm ông bà cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo,
đến nhà này nhà kia để đôn bàn ghế. Người lớn chỉ biết lo chuyện bàn ghế bị hư,
hàng hóa bị trôi, sách vở bị ướt, chẳng ai hơi đâu mà la rầy chúng tôi. Thế
nhưng, lụt ở Huế chỉ kéo dài chừng vài ba ngày là nhiều, lúc chân trời hừng
sáng là lúc nước rút, lòng trẻ con buồn như chiều mồng hai tết. Nước rút rồi
thì người lớn rút chổi rành ra quét bùn non, con nít lấy sách vở ra học lại.
Về sau tôi không còn ở quê
mà lên phố. Sau mỗi đêm mưa to gió lớn, tôi lại chạy ra ban-công, nhìn sông
Hương và xem Đập Đá. Đập Đá là đoạn đê ngắn cắt sông Hương, nối thành phố với
Vĩ Dạ. Đập Đá tràn nước thì quê tôi lụt, đó là kinh nghiệm lâu năm của tôi.
Nhưng quan trọng nhất là khi Đập Đá đã tràn thì trường học đóng cửa vì thầy trò
có nhiều người từ Vĩ Dạ đi lên. Thế là tôi lấy cớ đi thăm ông bà, thốc áo mưa
lên thuyền về quê. Lớn hơn đôi chút, tôi vẫn còn ham nước bạc, vẫn đưa mắt nhìn
chừng rắn đẽn, nhưng đã thấy cái vất vả của người lớn trong mùa lụt. Thuyền
càng đi về quê, nước bạc vào nhà càng sâu, có nơi tới ngực, quá đầu. Tôi khám
phá ra một điều mới. Trẻ con như tôi đâu phải ai cũng yêu thích lụt lội, chúng
cũng vô cùng khốn khổ vì đôn bàn ghế và vớt vát những gia sản nhỏ bé của mình.
Nước mắt của chúng cũng đã đổ khá nhiều vì người lớn nóng tính và tiếc của.
Thuyền của tôi đi qua vạn nhà đò, họ cũng chộn rộn sợ sệt khi nước lớn và chảy
xiết. Trẻ con nhà đò không hề bình chân như vại như tôi thầm tưởng.
Mưa gió lụt lội là một phần
của thời thơ ấu tôi. Về sau khi ra nước ngoài học tập, tôi vẫn nhớ mùa mưa bão
xứ Huế và hay mua gửi về thứ áo mưa thật tốt để thay cho chiếc tơi lá mà cha
ông tôi hay dùng. Tôi vẫn mơ về Huế đúng mùa lụt để đi đò, để nhớ lại cảnh đời
xưa. Gia đình tôi lại khuyên phải tránh những tháng tám tháng chín để đỡ bão lụt,
nhưng tôi vẫn thầm mong.
Năm ngoái tôi về lại Huế,
may thay đúng những ngày tụt. Tôi vội lấy Honda về Đập Đá. Nước tràn mạnh qua đập,
cảnh sát đề bảng cấm xe người vượt qua. Nhiều người tụm năm tụm ba đứng ngó nước
chảy, đúng là phong cách Huế. Nước đã lên Hàng Bè. Tôi chạy xe về cầu Đông Ba,
gửi xe, xắn quần, lội nước bạc lên ghe. Ôi, thời gian như dừng lại, xem ra nó
chẳng chịu trôi trong xứ Huế này. Sau bốn mươi năm vẫn là những chiếc ghe bằng
cót phết dầu rái. Thế nhưng chúng vẫn đủ sức chở đầy người và hoa quả. Ghe hướng
về Bao Vinh, vẫn thứ nước bạc trăm năm không hề thay đổi. Nước sông chảy mạnh,
người ta rớ cá cũng vẫn bằng chiếc rớ với bốn cây tre buộc chụm lại. Người lớn
kéo lưới, một đám trẻ con bu lại đứng coi. Có tiếng chửi thề, càm ràm năm nay
ít cá.
Người ta vẫn đi lội lụt, áo
tơi lá ngày xưa đã nhường chỗ cho những chiếc áo mưa mang chữ sport. Té ra cũng
có thay đổi. Con nít chơi với những chiếc tàu hẳn hoi bằng ni-lông, có thứ chạy
bằng pin. Thau nhôm ngày xưa không còn, ngày nay người ta xài thau ni-lông xanh
đỏ, nhiều kích cỡ khác nhau, cái này nằm gọn trong cái kia. Nhưng các vạn nhà
đò đã bị giải tỏa, những cuộc đời nhỏ bé và ướt át đó nay đã đi về đâu?
Bao Vinh đây, nước bạc đã ngập
ngang ngực. Bên kia sông, Tiên Nộn xa tít. Cả nhà trố mắt ngạc nhiên khi tôi
sùm sụp áo mưa đi vào. “Đi chi vất vả rứa? Trời ni gọi tê-lê-phôn thăm được rồi”.
Thì ra, sau bốn mươi năm, Huế tôi cũng có thay đổi, bây giờ nhiều nhà đã có điện
thoại. Tôi cười giấu ý nghĩ của mình. Tôi về thăm bà ngoại tỏ lòng hiếu thảo
cũng có, nhưng thật ra là đi thăm thời thơ ấu của mình.
Nước vô đầy trong nhà, tôi hỏi
thăm và biết trước câu trả lời, lụt xứ Huế là chuyện cơm ngày ba bữa. Tôi hỏi
chuyện ăn. Gia đình biết ý tôi cho hay cá chình mấy năm sau này rất hiếm, rất đắt,
chỉ khách sạn mới có. Vì thế mà người ta ráo riết bắt cá chình trong mùa lụt.
Thì ra tiếng càm ràm “ít cá” hồi nãy cũng có lý. Tôi hỏi chuyện sống và biết
tuy lụt lội thế thôi nhưng năm nay bà con dễ thở, "gạo hăm hai", tức
là mười ngàn mua được 22 lon gạo. Tính nhẩm thì chị chèo đò hôm nay ăn không hết
cơm rồi. Kể chuyện áo mưa thì bây giờ người ta văn minh lắm, có thứ áo mưa mặc
một lần là vứt. Quần áo thì đâu còn ai mặc áo rách, áo không mô-đen thì không
ai mặc. Xứ Huế mình cũng ghê thật, tôi nói theo và lòng thầm nghĩ thời gian không
bao giờ dừng lại, quê mình cũng đã khá lên rồi. Có tiếng điện thoại reo, ông cậu
tôi bên Canada gọi về hỏi thăm, nghe bên nhà lụt. Xứ Bao Vinh này cũng đã
"hội nhập" vào quốc tế rồi chứ không phải tầm thường.
Nói chuyện với trẻ con đang
hớn hở chơi nước lụt, tôi giả bộ ngó trời mây, nói chân trời đã sáng, chắc ngày
mai nước rút. Chúng nhìn tôi không tin hẳn vì chúng nghi ngờ khả năng thiên văn
của tôi đã đành mà tâm lý chúng vẫn mong nước chưa rút. Thì ra có một điều trăm
năm không hề thay đổi, đó là tâm lý con người. Rồi chúng sẽ lớn như tôi, chúng
sẽ nhớ những chiếc tàu xanh đỏ đó, chúng sẽ bồi hồi trong một ngày nước dâng ngập
bờ.
Mưa trên biển Aegean
Cách đây khoảng 2.500 năm, một
ngày nọ trong tháng 9 năm 490 trước công nguyên (TCN), một người lính Hy Lạp
mang đầy đủ binh giáp chạy một mạch từ Marathonas về thủ đô Athens. Marathonas
là một căn cứ của quân Hy Lạp nằm trên bờ tây của vùng biển Aegean. Trong thời
điểm này Hy Lạp bị một đội hải quân hùng mạnh của xứ Ba Tư tấn công. Đó là thời
mà Ba Tư chiếm lĩnh toàn bộ vùng Trung Đông ngày nay và đem binh uy hiếp Hy Lạp,
đòi Athens phải khuất phục. Thế nhưng tại Marathonas, quân Ba Tư bị đánh tan
tác, phải tháo chạy. Người lính Hy Lạp nọ chạy liên tục một chặng đường dài
42km về thủ đô báo tin thắng trận. Báo xong tin chiến thắng, anh ngã ra chết vì
kiệt sức.
Thời đại huy hoàng của
Marathonas cũng đánh dấu một thời kỳ lạ lùng của Hy Lạp và của loài người. Đó
là giai đoạn mà dân tộc Hy Lạp sản sinh vô số thiên tài về triết học, vật lý,
toán học, thiên văn học... mà nhận thức luận của họ chính là gốc rễ của nền văn
minh phương Tây ngày nay. Đó cũng là thời đại của Phật Thích Ca, Không Tử, Lão
Tử của châu Á mà triết lý nhận thức và hành động của các vị đó đã trở thành cơ
sở của triết học phương Đông. Với chiến thắng Marathonas, Hy Lạp bắt đầu vươn
lên trở thành trung tâm của học thuật và quân sự nằm trên bờ Địa Trung Hải.
Khoảng 20 năm sau cái chết của
người lính nọ, một hiền triết Hy Lạp có tên gọi là Socrates ra đời. Ông là con
một người thợ tạc tượng, sống một cuộc đời đạm bạc nhưng ngày nay không có một
nền triết học phương Tây nào mà không nhắc đến Socrates, xem như sơ tổ của
mình. Câu nói nổi tiếng của ông là "một điều tôi biết là tôi không biết gì
cả". Tuy Socrates "không biết gì cả" nhưng nhiều người vẫn đến
nghe ông giảng. Trong số các môn đệ của Socrates có một vị tên là Plato
(427-347 TCN). Plato đi vào lịch sử triết học như là người đầu tiên nêu lên một
thế giới "ý niệm", xem nó là nền tảng của sự nhận thức. Plato bị hậu
thế xem là "duy tâm" nhưng hơn hai ngàn năm sau, quan niệm của ông sẽ
được đào bới lại và người ta thấy có nhiều tương đồng đáng kinh ngạc với triết
học Duy Thức của Phật giáo và với cơ học lượng tử của vật lý hiện đại.
Một vị học trò của Plato
mang tên là Aristotle (388-322 TCN). Aristotle chủ trương khác hẳn với thầy
mình, cho rằng thực tại nằm trong bán thân sự vật, chứ không hề nằm trong ý niệm.
Ông xây dựng một nền vật lý hoàn chỉnh và nó chính là tiền thân của khoa học vật
lý ngày nay. Aristotle là người “ham vui”, thích đi du khảo các nước, say mê
tìm tòi và giải thích mọi hiện tượng vật lý. Cũng chính vì thế mà ngày nọ, ông
đến eo Chalkis trên biển Aegean để giải thích cho được hiện tượng thủy triều kỳ
lạ nơi đây với nhịp điệu lên xuống mỗi ngày 16 lần. Không lý giải nổi sự vận
hành của "nước", một trong bốn yếu tố đất nước gió lửa theo quan niệm
vật chất của mình, Aristotle tự trầm mình tại đó, một nơi không hề xa địa danh
Marathonas lịch sử.
Ngoài Socrates, Plato,
Aristotie, người ta có thể nêu lên vô số thiên tài gốc Hy Lạp khác như các nhà
toán học Euclif, Pythagoras, những triết gia Heraclitus, Leucippus, Democritus,
nhà thiên văn Ptolemy, nhà y sĩ Hippocrates... mà ngày nay công trình của họ vẫn
còn để lại dấu ấn đậm nét trong các ngành khoa học hiện đại.
Trong các học trò của
Aristotle có một người đi vào binh nghiệp, trở thành nhân vật kiệt xuất và đầy
huyền thoại nhất của Hy Lạp trước công nguyên, đó là đại đế Alexander, sinh năm
356 TCN. Đó là một con người được sinh ra để làm vua, chiếm đóng và ngự trị.
Năm 334, với số tuổi 22, ông đích thân dẫn quân đi đánh Ba Tư, báo thù xứ này
đã xâm lược Hy Lạp 156 năm trước đó. Giấc mộng ngày xưa của đế chế Ba Tư muốn
làm bá chủ thế giới nay lại được Alexander thực hiện. Chỉ trong vòng vài năm, đế
quốc của Alexander vươn dài từ sông Nil của Bắc Phi đến sông Danuble tại áo, từ
biển Aegean đến Pakistan ngày nay, nuốt trọn kẻ thù xưa Ba Tư trong lãnh thổ
mênh mông của mình. Chiến thắng cuối cùng của ông diễn ra khoảng năm 325 trên một
sa trường tại Bắc Ấn Độ. Hai năm sau, với số tuổi 33, trên đường chinh chiến,
Alexander bị bệnh chết một cách bí ẩn, để lại một đế chế bao la và vô cùng bất ổn.
Bi kịch của Hy Lạp bắt đầu từ đó.
"Bi kịch Hy Lạp"
là từ thường được dùng để nói đến huyền thoại về nhà vua Oedipus. ông là người
bị vua cha bỏ rơi, nhờ trẻ chăn cừu cứu sống và nuôi nấng. Về sau khi lớn lên,
ông vô tình giết cha đoạt ngôi, lấy chính mẹ mình làm vợ. Khi biết rõ sự tình
khủng khiếp đó, Oedipus tự móc mắt, để cho con gái dắt đi ăn xin khắp xứ với mục
đích giải lời nguyền của thần thánh.
Đó là huyền thoại. Bi kịch
có thực và đau xót hơn nhiều của Hy Lạp là, sau Alexander đến nay gần 23 thế kỷ,
dân tộc này không còn sản sinh những nhân vật kiệt xuất nữa và triền miên bị đô
hộ. Sau đế chế của Alexander là một đế quốc khác gần đó ra đời, đó là La Mã của
Ý. Đế quốc La Mã cũng lại sản sinh một đại đế Cesar, kẻ đã bành trướng vương quốc
mình đến cả Pháp và Đức, đồng thời chiếm hết lãnh thổ của Hy Lạp, biển Hy Lạp
thành một tỉnh của mình trong khoảng năm 65 TCN.
Từ những ngày xa xưa đó Hy Lạp
luôn luôn nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc La Mã, dù bản thân đế quốc này cũng
kinh qua vô số thăng trầm. Suốt hơn 1.000 năm từ thế kỷ thứ 4 đến 15, Hy Lạp là
nơi gánh chịu sự tranh chấp liên miên giữa các thế lực thần quyền của các tôn
giáo và các đế chế hùng mạnh quanh vùng Địa Trung Hải. Năm 1456 Hy Lạp bị đế quốc
Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và trở thành thuộc địa của họ gần 400 năm. Nỗi hận đó vẫn
còn vương vấn đến ngày hôm nay.
Nếu đã thăm Thố Nhĩ Kỳ và Hy
Lạp, ta sẽ thấy hai nước lân bang này không giống nhau một chút nào. Nền văn
hóa của Hy Lạp được xây dựng trên tinh thần dân chủ và nhân bản. Từ thời
Socrates, Hy Lạp đã có lệ "hỏi ý kiến nhân dân". Do đó, không phải chỉ
trên mặt khoa học và triết học, Hy Lạp cũng còn là quê hương của nền dân chủ
phương Tây. Tính nhân bản của học thuật Hy Lạp thể hiện rõ nét nhất trong nghệ
thuật điêu khắc và tạc tượng của họ. Ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia theo
Hồi giáo, nền văn hóa của họ thấm đượm sâu sắc quan niệm về xã hội và tôn giáo
của kinh Coran. Có lẽ vì vậy mà trong suốt thời gian khi Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ Hy Lạp,
chưa bao giờ Hy Lạp đánh mất bản sắc của mình, mặc dù chế độ thuộc địa của Thổ
Nhĩ Kỳ cũng vô cùng hà khắc. Mãi đến năm 1822 người Hy Lạp mới bắt đầu đấu
tranh giành lại độc lập từ tay Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của các nước Anh, Pháp,
Nga. Từ đó đến năm 1974 Hy Lạp vẫn còn trầm luân trong các chế độ phong kiến và
quân phiệt. Từ 1974 đến nay, Hy Lạp sống trong một nền dân chủ còn non trẻ và
là một nước nhỏ yếu trong cộng đồng chung châu Âu.
Thế là, từ thời cổ đại đến
nay dân tộc Hy Lạp chỉ có một thời kỳ huy hoàng, bắt đầu với nhà thơ Homer (thế
kỷ thứ 8 TCN) và chấm dứt cùng với sự suy tàn của đế chế Alexander. Đó là nền
văn minh thứ hai của phương Tây còn ghi nhận được ngày nay, đến sau nền văn
minh Ai Cập. Thế nhưng nền văn minh Ai Cập không để lại một gia tài học thuật
nào cho loài người, có lẽ vì chữ viết thời đó quá thô sơ. Ngược lại, văn minh
Hy Lạp là khởi điểm, là nền tảng của học thuật phương Tây bởi lẽ ngôn ngữ của
nhà thơ Homer cũng chính là phương tiện để các thiên tài triết học và khoa học
Hy Lạp phát biểu nhận thức của mình, ngôn ngữ đó còn tồn tại đến ngày nay.
Sau đại đế Alexander, nền
văn minh Hy Lạp lần lượt bị thay thế bởi nền học thuật của La Mã, của Hồi giáo.
Sau một thời gian chìm trong bóng tối của thần quyền và giáo điều, văn minh
châu Âu phục hưng trong thế kỷ thứ 15, trong đó người ta khai quật tại gia tài
của người Hy Lạp. Nền vật lý của Aristotle được thừa nhận và sớm được phát triển
lên thành một nền khoa học thực nghiệm mà Galileo là người khai phá. Đúng trong
thời điểm đó thì dân tộc Hy Lạp đã bị mất nước và bị đô hộ.
Đế quốc mênh mông của đại đế
Alexander bị đẩy lùi từ mọi hướng. Từ ấn Độ, biên giới của Hy Lạp bị đẩy lui
hàng ngàn dặm để ngày nay Hy Lạp nằm khiêm tốn ở phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng
may thay, hầu như toàn bộ hải đảo nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được thừa nhận
là của Hy Lạp. Đó là một vùng biển mang tên là Aegean với khoảng trên 2.000 hòn
đảo. Diện tích đất của Hy Lạp chỉ bằng khoảng 1/3 lãnh hải mà nếu tính cả đất lẫn
nước thì quốc gia này có khoảng 400.000 km2 lãnh thổ. Đây là một xứ sở tuyệt đẹp,
quanh năm ấm ánh mặt trời. Trên đất nước kỳ lạ đó ngày nay chỉ sống 10 triệu
dân Hy Lạp mà phần lớn tập trung quanh thủ đô Athens. Truyền thống nhân bản của
họ sinh ra những con người xinh đẹp, đầy tư cách và hết sức tự hào về tổ tiên của
mình.
Từ một hải đảo của biển
Aegean, trong sắc nước biển xanh thẫm màu nhung, khách nhìn về hướng tây để nhớ
đến Marathonas và người lính nọ của 2.500 năm trước, để ngẫm lại Socrates, Plato
và Aristotle, nhớ đến quê hương của triết học và khoa học phương Tây. Ngày nay
Hy Lạp là nơi cho những khách muốn tìm đến thiên nhiên và lòng hoài niệm. Một
ngày chuyển trời nọ, mưa rơi trên biển Aegean. Khách bỗng giật mình nhớ lại một
chiều mưa trên vịnh Hạ Long. Phải thôi, Hạ Long là một hình ảnh thu nhỏ của biển
Aegean. Trong màng mưa, các hải đảo Aegean mờ mờ hiện lên dường như phi thực,
cũng như trong một ngày của nhiều năm về trước, từ ngoài khơi Hạ Long, khách trở
lại đất liền trong một chiều mưa dầm. Ôi nao lòng thay, cảnh mưa trên biển. Mưa
trên biển thì ngàn năm trước chắc cũng giống như ngàn năm sau, trên biển Aegean
cũng như trên vịnh Hạ Long.
Thế nhưng vịnh Hạ Long cũng
còn có một Marathonas! Bởi lẽ sau Marathonas khoảng 18 thể kỷ, năm 1288 quân
nhà Trần của Việt Nam cũng đẩy lùi một trận tấn công của đế quốc Mông Cổ trong
thời Hốt Tất Liệt. Đó là thời cực thịnh của người Mông Cổ có lẽ cũng như thời
vàng son của các đại đế Alexander và Cesar. Trước đó, vó ngựa Mông Cổ đã nuốt
chửng xứ Ba Tư, đã vang đến biên giới Đức-Ba Lan và tràn đến Bắc Kinh, thành lập
nhà Nguyên năm 1271. Cũng như Marathonas, trận chiến nổi tiếng nọ nằm tại cửa Bạch
Đằng, ngay cạnh bờ biển vì quân xâm lược ngày xưa thường đi đường biển. Báo tin
thắng trận, có người phu trạm nào đã chạy từ Bạch Đằng về Vạn Kiếp, Thăng Long
và đã ngã quị chăng? Phải chăng lịch sử Việt Nam có một kẻ vô danh hơn cả người
lính nọ của Marathonas?
Nếu có thì chắc người phu trạm
đó đã bị quên lãng trong lịch sử đầy chiến chinh của Việt Nam. Nhưng tại Hy Lạp,
người ta không quên. Họ truy tầm lại và biết người lính nọ tên là Pheidippides.
Hy Lạp kỷ niệm sự tích vinh quang và gian khổ này bằng cách tổ chức cuộc chạy
đường trường 42km, từ Marathonas về Athens trong thế vận hội năm 1896. Kể từ
hơn một trăm năm nay, mỗi kỳ thế vận trên thế giới đều có thi đấu chạy 42km mà
người ta gọi là môn chạy Marathon.
Thế vận hội chính là phát
minh của người Hy Lạp trong thời cổ đại. Năm nay, từ ngày 13 đến 29.8 thế vận hội
lại trở về tại Athens. Khách bồi hồi đi lại trên con đường dài 42km đó và nhận
ra rằng nó không hề bằng phẳng như vùng đất Bạch Đằng-Thăng Long. Nước Hy Lạp
là một xứ sở của núi non và con đường lịch sử này chạy qua nhiều núi đèo hùng
vĩ, tương tự như Trường Sơn của miền Trung Việt Nam. Người lính nọ ngã quị là
phải. Thật là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa khi các vận động viên năm châu sẽ
chạy lại trên con đường bi tráng đó. Thể nhưng, trong thời đại thực dụng này,
liệu còn có ai nhớ lại sự tích của các cuộc chiến chinh, sự thành bại của các đế
chế, số phận của những người lính không tên, sự thăng trầm của các dân tộc và sự
đổi dời của lịch sử?
Sư cô Trí Hải không còn nữa
Thiền viện Vạn Hạnh trên đường
Nguyễn Kiệm tại thành phố Hồ Chí Minh là một tòa nhà uy nghi to lớn. Bên cạnh
thiền viện là một con hẻm nhỏ dẫn đến một ngôi chùa khiêm tốn, được gọi là tịnh
thất của các tỉ kheo ni. Mỗi lần khách bấm chuông lại thấy một ni cô tuổi còn
trẻ chạy ra cẩn thận hỏi tên khách mới mở cửa.
Kể từ hơn mười lăm năm nay,
mỗi lần về thăm nhà tôi đều đến đó bấm chuông để tìm gặp và thăm Sư Cô Trí Hải.
Thường thì tôi đến buổi sáng hơi muộn giờ, ngồi chưa đầy một tiếng đã thấy nhà
chùa chuẩn bị thọ trai nên tôi xin về. Tuy thời gian không nhiều nhưng mỗi lần
tôi vẫn cảm nhận một thiền vị nhẹ nhàng, quên hẳn mình đang ngồi không xa đường
Nguyễn Kiệm ồn ào đầy tục lụy của những hàng quán gần đó. Ngồi ngoài sân chùa,
tôi thường được nghe tiếng tụng kinh trong trẻo và đầy khí lực của các vị ni và
nhất là được nghe Cô Trí Hải đàm luận Phật pháp. Từ lúc ban đầu tôi đã gọi Cô bằng
"cô" và về sau giật mình khi nghe các vị ni khác cũng như các vị cư
sĩ đến thăm đều gọi Cô bằng "sư". Thế nhưng đã lỡ thì tôi cho lỡ luôn
và hình như Cô cũng không quan tâm gì đến việc xưng hô.
Thời gian trước khi gặp Cô
tôi đã biết Cô là một tu sĩ Phật giáo xuất sắc, giỏi ngoại ngữ, giỏi viết văn dịch
sách, yêu văn thơ. Nghe tôi dịch sách Phật, Cô tặng tôi cuốn từ điển Pali-Việt
do Cô soạn. Hồi đó cuốn từ điển đó được đánh máy trên giấy pelure mỏng dính.
Trong những năm tám mươi, tôi chưa kịp mong Cô đi học đánh máy vi tính thì ngày
nọ nghe Cô nói:
- Thì ra cái máy vi tính hắn
cũng giống tâm người.
- Giống chỗ nào Cô?
- Mình ở trong một cái file
nào thì mình không thể erase nó. Mình ra khỏi file thì mới erase nó được.
- Thì giống chỗ nào?
- Tâm cũng thế thôi. Đang giận
thì khó biết mình đang giận lắm, khó ra khỏi lắm.
Thì ra Cô đi học vi tính để
viết lách mà Cô cũng không quên Phật pháp. Tôi nghiệm ra rằng Cô sống trong nhận
thức luận của Phật pháp nên không có chuyện "quên" hay "không
quên". Mỗi lần ghé thăm tôi đều mang theo ít sô-cô-la, thực tế là tôi
không biết đem theo vật gì ngoài thứ đó. Có lần Cô nói:
- Cứ mỗi lần anh về thì tôi
thấy mình như con nít, được sô-cô-la.
Thực tình tôi không biết Cô
bao nhiêu tuổi và thấy không có gì quan trọng để hỏi. Tôi chỉ thấy Cô thực là dẻo
dai, đi cứu trợ đường xa dài ngày không biết mệt. Nhìn quanh thấy nhà chùa chất
đầy mì gói, tôi hỏi Cô:
- Sao Cô không đem tiền phát
cho khỏe, đem phẩm vật vừa cồng kềnh vừa mua bán mất công?
- Biết thế nhưng đem cho tiền,
đàn ông họ lấy đi nhậu hết cả, vợ con không còn gì. Cuối cùng mì gói vẫn hơn.
Thì ra đi cứu trợ mà cũng có
chiến thuật chiến lược hẳn hoi. Thời gian giữa các lần cứu trợ Cô dùng để nhập
thất hay dạy học, viết lách, dịch thuật. Ngày nọ tôi nói với Cô:
- Thưa Cô, con tìm được một
chữ dịch cho từ appearance hay lắm, chữ đó ta nên dịch là "sự trình hiện".
- Hay chỗ nào?
- Đó, thì sự vật "trình
hiện" lên đúng như tâm thức của ta. Đúng quá chứ còn chi nữa
- Tôi thì tôi dịch là
"giả tướng".
- Thưa Cô, trong chữ
"giả tướng" có chữ "giả". Mà nói "giả" tức là ta
phê phán rồi. Ta không được phê phán, ta phải khách quan.
Cô cười khanh khách. Tôi
không rõ tại sao lần đó Cô cười lớn, Cô thú vị điều gì? Tôi nghiệm ra rằng chỉ
đối với Cô Trí Hải tôi mới mạnh dạn nói những điều tôi nghĩ. Tôi đã từng gặp
các vị tu sĩ khác và ít có những cuộc đàm luận tự nhiên và bình đẳng như với
Cô. Một điều đặc biệt nữa là Cô biết lắng nghe. Có lẽ đó là điều mà Cô học của
Hoà thượng Thiện Siêu. Thầy Thiện Siêu và Cô là hai người mà tôi được gặp, hai
vị tu sĩ chịu lắng nghe những ý kiến của một người tại gia sơ cơ như tôi.
Đời sống xã hội của Cô có
nhiều phiền toái, Cô cũng chịu lắm điều khổ nạn. Ngày nọ Cô nói với tôi:
- Tôi mong kiếp sau sẽ được
tái sinh ở cõi Phật A-di-đà. Tôi không muốn làm kiếp người nữa.
Cô nói với một giọng thanh
thản và vững chắc. Tôi không ngạc nhiên lắm mặc dù thông thường Cô ít nói về
cõi Cực lạc phương Tây. Phải thôi, kiếp của một ni sư trong đời làm người thật
là khó khăn, nhất là khi trên thế giới bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Con người
phải kiên quyết lắm, nghị lực lắm mới vừa giáo hóa học trò, vừa đi cứu trợ, vừa
sống trong thế gian tục lụy, vừa trau dồi Phật pháp, vừa tự mình sáng tác, vừa
dịch thuật và giới thiệu kinh sách. Ai đã từng sống ở Thành phố Hồ Chí Minh ồn
ào hẳn phải biết đây thật là một điều bất khả. Ngày nọ Cô nói:
- Anh biết không, Ngài Đạt-lai
Lạt-ma có thần thông đó nghe.
- Thiệt không Cô, sao Cô biết?
- Cách đây không lâu tôi có
viết thư cho Ngài xin một tấm hình. Không ngờ, không những Ngài gửi cho một tấm
hình mà còn có cả chữ ký nữa. Vừa rồi đây, tôi dịch một tác phẩm của Ngài và
nguyện chỉ uống nước thôi, không ăn suốt mười ngày để dịch cho xong. Tôi để tấm
hình của Ngài trước mặt và quả nhiên không hề thấy mệt mà còn khỏe lên nữa.
Sau đó Cô gọi người đem tặng
tôi một chồng sách do Cô viết và dịch, trong đó có tác phẩm nọ của Đạt-lai Lạt-ma.
Cô lắng nghe tôi kể đã gặp Ngài tại Bonn và lời tôi tâm sự, sao giọng của Ngài
nghe rất quen thuộc đối với tôi. Cô muốn nói điều gì nhưng cuối cùng giữ im lặng.
Ngày nọ trên đường từ Tây Tạng
về, tôi "gùi" trong ba-lô một bức tượng của bồ-tát Văn Thù đem đến
cúng dường trong chùa. Tôi biết tuy Cô mong thác sinh về cõi Cực lạc nhưng con
người của Cô không phải chỉ chuyên tâm niệm Phật mà là người lấy trí tuệ làm sự
nghiệp. Thế nên Văn Thù tay cầm kiếm bén chém màn vô minh phải là tính cách của
Cô. Và quả như thế, nội dung của các câu chuyện giữa Cô và tôi đều thuộc về nhận
thức luận, lý giải cảnh đời, cảnh người, tác động của nghiệp, về các bậc thầy đã
xuất hiện trên thế gian trong thế kỷ 20. Ngày nọ Cô nói:
- Đau răng mới biết rõ ý
nghĩa của vô ngã!
- Răng cỏ với vô ngã ăn thua
gì đâu Cô?
- Khi răng không đau thì
mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng
thế, nếu mình vô ngã thì môi trường xung quanh mình sẽ rất dễ chịu. Còn mình
lên tiếng "có tôi đây" thì có chuyện ngay. Bởi vậy muốn lành mạnh là
vô ngã, vô ngã là lành mạnh.
Lần nọ tôi kiếm thăm Cô và kể
chuyện vừa đi chiêm bái Linh Thứu ở Ấn Độ về. Cô chăm chú nghe và mừng cho tôi
được đi thăm các thánh địa. Tôi hơi có chút xấu hổ vì kẻ nhập môn như mình mà
đã được đi chiêm bái, còn Cô thì chưa. Trong giọng nói của Cô tôi nhận ra có một
niềm mong ước rất lớn được đi thăm dấu chân của Đức Phật.
Cách đây chưa đầy một năm,
cuối tháng 12 năm 2002, Cô đưa chúng tôi về thăm tịnh thất tại Nhà Bè và Hóc
Môn. Nhờ Cô mà tôi được gặp thầy Nhật Từ trong lần này. Thầy Nhật Từ gọi Cô bằng
"Ni trưởng" hết sức trân trọng, còn tôi xưng hô cứ như cô cháu trong
nhà. Nhà Bè là một cơ sở nuôi dạy các cháu mồ côi, nay đã khang trang. Còn Hóc
Môn là một ngôi chùa khiêm tốn mới xây, có phòng giảng pháp và lớp cho trẻ em học.
Đất ở Hóc Môn do một đệ tử cúng dường để cho Cô có một chỗ yên tĩnh để làm việc
và nghỉ ngơi, xa bớt đường Nguyễn Kiệm bụi bặm. Chúng tôi ngồi uống trà trong một
cái cốc lợp bằng tre lá, nghe tiếng gió bên ngoài xào xạc chen giữa các hàng
cây. Tôi nói giọng cải lương:
- Bây giờ Cô cũng có một chốn
để về rồi!
- Tôi mà cũng có phước báo
sao?
Chúng tôi mỉm cười. Phước
báo hiểu theo nghĩa nhà đất, tài sản thì đúng là xưa nay Cô không có và Cô cũng
chưa bao giờ cần có. Bao nhiêu năm gặp Cô tại Nguyễn Kiệm chưa bao giờ tôi nghe
Cô nói cần một cái gì, thậm chí chưa bao giờ Cô than "không có thì giờ".
Còn hiểu phước báo là tài năng và trí tuệ thì Cô có thừa và đang chia sẻ cho
tăng ni sinh của Cô. Trong dịp này Cô cho hay là được cấp lại hộ chiếu rồi. Tôi
thầm mong có đủ nhân duyên để Cô đi thăm thánh địa và qua châu Âu thăm Phật tử
một chuyến.
Ngày 11.10 năm 2003 vừa qua,
tôi lại bấm chuông nơi chiếc cửa sắt màu bạc của ngôi chùa nhỏ trên đường Nguyễn
Kiệm. Ni cô thị giả mở cửa cho tôi vào. Vị ni cô cho hay cách đây vài tháng Sư
bị té ngã nằm nhà thương tưởng nguy hiểm tính mạng nhưng bây giờ lành rồi. Gặp
tôi Cô tiếp câu chuyện tai nạn đó và kể:
- Lúc tôi té xuống, thật tâm
tưởng mình sắp chết, tôi hết sức vui mừng sắp thoát được kiếp người
- Thật sao Cô?
Tôi ngẩn người nhìn Cô.
Nhưng tôi liền nhớ ngay đến câu chuyện Cực lạc phương Tây và tin là Cô nói thật.
Đúng thôi. Đối với một người sống từ nhỏ trong Phật pháp như Cô thì sống chết
có nghĩa gì, chết là đi từ một cảnh giới này qua một cảnh giới khác thôi. Tôi bỗng
nhớ đến thân phận mình:
- Cô được tự tại như thế chứ
con thì không. Người tại gia bị vướng bận lắm Cô ạ. Vướng bận vợ con, nhất là
con cái. Con không biết tới cái ngày đó mình sẽ ra sao.
- Ừ thì tại gia xuất gia chỉ
khác nhau chỗ đó
Cô nói nhỏ tiếng. Tôi ngẫm
nghĩ một lát:
- Nhưng nếu cho con được ước
nguyện thì con không thích về cõi Cực lạc. Con thích về cung trời Đâu suất nghe
Đức Di-lặc giảng pháp hơn.
- Anh coi chừng về Đâu suất
thì phải nhớ Đâu suất nội viện nghe
- Đâu suất mà cũng có nội
ngoại sao Cô?
- Có chứ. Ngài Di-lặc ở Đâu
suất nội viện còn Đâu suất ngoại viện chỉ là vòng ngoài vui chơi hưởng lạc
thôi.
Thấy tôi cười, Cô nói tiếp:
Thì cũng như có người tới
chùa không vô nội điện lạy Phật mà chỉ ở vòng ngoài ăn cơm chay thôi.
Tôi càng cười lớn tiếng. Tôi
ghé qua nội điện của chùa thì thấy tượng Văn Thù "của tôi" được thờ ở
đó, nhưng lại có thêm một bức thứ hai. Cô nói có một Phật tử ở Hồng Kông cũng
thỉnh về một bức Văn Thù cho Cô. Cô nói trí huệ thì không bao giờ đủ. Thứ bảy
hôm đó Cô hẹn tuần sau tôi hãy đến trình bày đề tài "Sự tái sinh trong
quan điểm của đạo Phật":
- Bắt đầu sáu giờ sáng đó
nghe. Anh dậy sớm nổi không?
- Dạ được chứ!
Tôi mạnh miệng như thế chứ
không ngờ tăng ni sinh của cô bắt đầu khóa học sớm như vậy. Tuần sau, ngày
18.10 tôi dậy năm giờ sáng, lần đầu tiên tôi cả gan đi giảng bài cho môn đệ của
Sư Cô Trí Hải. Đường từ quận năm đến Nguyễn Kiệm khá xa, xem như chạy từ đầu
này qua đầu kia của thành phố. Đến nơi đúng sáu giờ thì các vị tăng ni sinh đã
ngồi đầy sân, có vài vị cư sĩ do Cô thân hành mời riêng. Tôi bắt đầu buổi trình
bày và thấy Cô ngồi tuốt đàng sau, gần các vị cư sĩ. Sau này mới biết Cô chu
đáo ngồi xa nhất để xem người ngồi sau có nghe rõ. Trong phần trình bày tính chất
của ý chí và ước nguyện, nói rằng những niệm lực này có thể tồn tại từ đời này
qua kiếp khác, tôi lấy thí dụ:
Ví như đời này ta có ước
nguyện đi hành hương đất Phật mà chưa đủ điều kiện thì ước nguyện đó vẫn tồn tại
và đợi nhân duyên hình thành, đời sau hay đời sau nữa sẽ thực hiện được.
Tôi bất giác nhìn Cô, thấy
Cô mỉm cười gật đầu. Tôi cảm nhận có một sự rúng động nơi Cô. Ngờ đâu, đó là lời
thưa gửi cuối cùng của tôi đối với Cô.
Chưa đầy hai tháng sau, chiều
chủ nhật 7.12 tôi đọc một bức điện thư của một người bạn cho hay Cô đã bị tai nạn
từ trần. Nửa tin nửa ngờ tôi gọi ngay về Nguyễn Kiệm. Một ni cô giọng đầy nước
mắt xác nhận hung tin kinh hoàng đó. Sau khi viết thư báo tin cho thầy bạn, tôi
tự hỏi năm nay Cô bao nhiêu tuổi. Trước sau, tôi vẫn không biết đến tuổi Cô.
Tôi vào Google, gõ từ
"trí hải". Vô số tài liệu mang tên Cô hiện ra. Tôi lạc vào một
website nọ và chợt thấy tác phẩm "Tâm bất sinh", ngữ lục của thiền sư
Bankei, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc lại "ghi chú của người chuyển
ra Việt ngữ" và nhận ra lại văn phong nhẹ nhàng, lấp lánh trí huệ của Cô.
Chiều nay lời văn vô cùng sống động như Cô đang trực tiếp nói với tôi. Tôi đọc
lại Bankei và chợt thấy lời dạy của Ngài thật giống với Krishnamurti, một người
mà Cô Trí Hải cũng vô cùng quí trọng và đã dịch khá nhiều.
Khi tôi đọc xong thì bên
ngoài trời đã tối. Cô ra đi đã hơn sáu tiếng đồng hồ rồi. Cõi nhân sinh lại vắng
thêm một người đầy tài năng, đức hạnh và nhiệt tâm phục vụ con người và đạo
pháp. Ôi, những con người này càng ngày càng ít ỏi. Tôi lại không tìm thấy số
tuổi của Cô vì mải đọc Bankei nhưng bây giờ điều đó không còn quan trọng nữa.
Tâm bất sinh thì làm gì có tuổi. Tôi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trăng 14 rực
sáng trong một bầu trời hoàn toàn không mây hiếm có của mùa đông châu Âu. Ánh
trăng dường như có màu xanh, in rõ bóng đậm của mái nhà trên vách tường. Tôi
đang đau buồn nhưng biết đâu Cô đang tiêu dao cùng trăng sao? Cô chẳng đã nói
"vui mừng sắp thoát được kiếp người" ư?
Nghĩ lại thì ra trước khi
chia tay, tôi kịp thưa gửi Cô một câu về chuyện hành hương, còn Cô cũng kịp nhắn
gửi cho tôi một câu về lòng "vui mừng". May cho tôi được nghe câu đó,
nếu không thì lòng tôi bây giờ đau xót đến bao nhiêu. Thế nhưng vẫn xin hỏi Cô,
Cô có nhất định muốn thác sinh về cõi A-di-đà hay cuối cùng Cô "đổi
ý" tái sinh làm lại kiếp người để tiếp tục giáo hoá và để đi thăm thánh địa?.
Hoài niệm Hội An
Tôi náo nức trở lại Hội An, thành phố cổ.
Bốn mươi năm trước, tôi đã đến đây. Ấn tượng ngày xưa của một cậu bé tiểu học vốn mau mờ nhạt trước sự thay đổi nhanh chóng của tuổi thiếu niên. Do đó, Hội An chỉ đọng lại trong tôi với chiếc Chùa Cầu. Đối với tôi Chùa Cầu thật lạ, chùa nào mà nằm ngay giữa phố, lại bắc qua sông, chùa phải xa chợ! Bốn mươi năm trước, đến Chùa Cầu Hội An tôi đứng tần ngần trước tượng thần khỉ ở đầu cầu, có ai vừa thắp một nén hương. Ngày đó tôi đã biết Hội An là một thành phố cổ, ngày xưa nơi đây tấp nập những thuyền bè nước ngoài. Nhưng ai đã dựng xây Chùa Cầu và nhất là tại sao chùa nằm ngay giữa phố, hồi đó tôi tự hỏi.
Bốn mươi năm qua là một thời gian kỳ lạ của lịch sử, trên thế giới và trong lòng đất nước. Nếu hai mươi năm đầu còn mang nặng dấu vết của thù hận, chiến tranh và ý thức hệ thì hai mươi năm sau, như nhờ một phép lạ, mọi tranh chấp và mọi chiến tranh nóng lạnh hầu như chấm dứt. Hòa bình trở lại tại Việt Nam. Tại phương Tây, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu một khúc ngoặt của sự tranh chấp Đông-Tây và mở ra một kỷ nguyên mới của sự toàn cầu hóa. Hai mươi năm qua cũng đánh dấu một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử con người, đó là sự di dân với qui mô lớn từ nước này qua nước khác, từ lục địa nay qua lục địa khác. Hàng trăm ngàn người đi từ Đông âu qua Đức, từ Bắc Phi qua Pháp, từ Việt Nam qua Mỹ, từ Pakistan qua Anh, từ Tây Tạng qua ấn Độ... Phương tiện giao thông và khả năng thông tin hiện đại đã làm trái đất trở nên nhỏ bé. Ngày nay, việc con người lên đường đi định cư tại một nước khác dĩ nhiên cũng có chút phiêu lưu mạo hiểm nhưng không khác gì lắm nếu so với trăm năm trước dân quê bỏ lũy tre xanh lại đằng sau. Họ lên đường tìm cuộc sống một nơi xa lạ, đó là những người được mệnh danh là "kiều dân".
Kiều dân không phải chỉ trong thế kỷ hai mươi mới có. Tôi khám phá ra một cách thú vị và muộn màng rằng, từ thế kỷ thứ 16, Hội An là nơi kiều dân Nhật Bản và Trung Quốc đã sống. Khoảng năm 1560, người Nhật đã đến đây giao thương, có người ở lại lâu dài. Tại Trung Quốc, khi nhà Thanh thắng lợi, con cháu nhà Minh cũng bỏ xứ ra đi và lưu lạc đến tận Hội An, xem nơi đây là quê hương mới của mình. Thì ra dân Việt không chỉ sản sinh kiều dân Việt Nam sống nhiều nơi trên thế giới, chúng ta cũng đã cưu mang kiều dân nước khác từ nhiều thế kỷ trước. Cách đây vài trăm năm những con người lưu lạc đó đã chân ướt chân ráo qua đây, mang theo thuyền gỗ, súng đồng, sản phẩm cao cấp như tơ lụa và đồ sứ để buôn bán làm ăn, nhất là mang cả một vốn liếng văn hóa và kiến trúc.
Câu hỏi ngày xưa xem ra đã có câu trả lời. Chùa Cầu có lẽ do thương nhân người Nhật xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, khi họ xem Hội An là một trong những nơi dừng chân ít ỏi, là nơi họ sinh cơ lập nghiệp và hội nhập với người bản xứ. Chẳng thế mà Chùa Cầu có tên là Cầu Nhật Bản. Cũng vì thế mà ngày ấy người Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra trùng tu Chùa Cầu khi kiến trúc này xuống cấp. Người Việt thuyết minh kể một cách hãnh diện rằng năm ngoái năm kia, một đoàn nhà sư Nhật đã đến Hội An để thăm mộ tổ tiên và "trấn huyệt" cho cả xứ Nhật vì khe của nhánh sông Thu Bồn tại Chùa Cầu nằm ngay trên lưng một con thủy quái khống lồ. Con vật này có tên tiếng Nhật là Mamazu, đầu nằm ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ. Nhờ các nhà sư trấn huyệt mà thủy quái bớt vẫy đuôi, nước Nhật năm đó bớt bị động đất. Đáng phục thay các nhà sư già, họ không quản đường xa khó nhọc, họ làm tất cả vì tiền nhân và xã tắc của họ.
Cách Chùa Cầu vài trăm mét, khách có thể tham quan vài ngôi chùa của các bang hội người Hoa. Trong chừa họ thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần năm xưa đã phù hộ cho họ vượt biển an toàn. Chùa được bảo quản vô cùng chu đáo, tượng nữ thần hiện trên đầu sóng hết sức uy nghi. Bà con trong bang hội phần lớn nay đã xa xứ làm ăn, người giữ chùa cho biết. Họ đi xa, Hội An đâu phải chỗ làm ăn, người ra nước ngoài, người về cố hương. Người giữ chùa kể, nét mặt không giấu được nỗi buồn của người ở lại đơn chiếc. Nhưng người đi xa hãnh diện và biết ơn tổ tiên, họ gửi tiền về để chăm sóc giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm sạch sẽ.
Nhắc lại người Nhật, người Hoa của vài trăm năm trước, tôi bỗng nhớ đến thân phận của những người được gọi là Việt kiều hiện nay đang lưu lạc trên toàn thế giới. Những vấn đề đặt ra cho kiều dân ngày xưa hẳn không khác ngày nay. Chắc những người Nhật người Hoa đó cũng trăn trở lắm điều, cũng thực hiện một cách khó khăn phương châm "vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với người bản xứ". Nhiều người trong số họ đã kết hôn với người Việt, con cháu thế hệ thứ hai thứ ba của họ hẳn cũng chỉ còn nói được tiếng Việt và bị cha mẹ la rầy. Họ cũng ngóng trông quê hương của mình, là "giọt máu rơi" của tổ quốc họ. Rồi cũng đến ngày, họ cũng có cái đau xót bỏ thân nơi xứ lạ quê người. Nhưng họ không bao giờ ngờ, vài trăm năm sau, sẽ có một đoàn nhà sư già sẽ đến cầu siêu cho mình và hàng đoàn con cháu sẽ đến viếng lăng mộ của mình.
Tôi vào lại Chùa Cầu, tìm đâu là nơi thờ cúng mà ngày xưa, do tôi ham đứng xem tượng thần khỉ, thần chó, không chịu vào lễ bái. Án thờ trưng hình vị Bắc Đế Trấn Vũ, xung quanh đầy bụi bặm. Ảnh thờ cong queo khô rốc, lạnh tanh. Thấy cán bộ hăng hái bán vé tham quan, tôi hỏi tại sao không ai lau bàn quét bụi trên án thờ và không nghe tiếng trả lời. Chỉ cách chùa người Hoa mấy trăm mét mà sự chu đáo hai nơi khác nhau một trời một vực. Trên bàn cạnh án thờ, người bày bán một xấp "tranh lụa", vẽ vời cẩu thả. Sau án thờ là chỗ sinh hoạt của cán bộ phụ trách tham quan, một bàn cờ tướng còn đánh dở. Bụi bặm này làm tôi nhớ đến các nơi thờ tự trong lăng tẩm xứ Huế, ở đâu cũng đóng bụi như nhau. Con cháu Nguyễn tộc ở đâu cả? Trên án thờ Chùa Cầu, không hề cháy một nén hương thơm, phải chăng tại vì vị Bắc Đế Trấn Vũ là người Hoa hay do ta đã mất thói quen thờ cúng?
Tôi đứng lại trước tượng thần khỉ thần chó. Bây giờ tôi mới biết hai vị này cũng là linh vật, đứng nơi đây để "yểm" thủy quái Mamazu. Tôi thắp một nén hương để nhớ công ơn hai vị và cũng để nhớ ngày xưa, chiêm nghiệm về thời gian và những điều dâu bể. Ôi, bốn mươi năm trôi qua. Bây giờ tôi cũng là kiều dân, sống nhờ trong một nước khác. Dưới chân cầu hầu như không có nước chảy. Trên thế gian bao nhiêu điều đã diễn ra. Nhiều điều trọng đại đã thay trời đổi đất, đã mở một kỷ nguyên mới cho đất nước, đã đổi đời cho một số lớn người. Nhưng cũng có một số người khác, vì hoàn cảnh riêng, phải di tản ra nước ngoài làm kiều dân, như những người Nhật năm xưa đã xây dựng ngôi Chùa Cầu này, hỡi thần thức hai vị.
Kiều dân người Việt ngày nay sống khắp thế giới, con số có thể lên đến ba triệu người. Họ có để lại dấu vết văn hóa gì trong các nước sở tại hay không, điều đó thời gian sẽ trả lời. Còn tôi thì tôi không mấy tin tưởng. Dù có rất nhiều bằng cớ về sự thành công của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi vẫn thấy đau đáu điều gì về kiều dân người Việt. Họ dứt khoát không phải là những người đầy tự tin và có nhiều ảnh hưởng như người Nhật, người Hoa ngày trước tại Hội An.
Trên đường phố xuôi ngược ở nước ngoài, nếu cứ thấy người châu Á tóc đen, mặt mày khắc khổ, ánh mắt đăm chiêu, tò mò đi lại gần nghe thử tiếng nói thì ta thấy, y như rằng, đó là người Việt Nam. Họ là những con người làm đủ thứ nghề, nhưng vốn ít, sống nội tâm, không tin nhau, thiếu đoàn kết và nhất là sớm thỏa mãn với chính mình. Lịch sử gần nửa thế kỷ qua của dân tộc dường như dạy cho họ một bài học, tồn sinh được qua ngày là may mắn lắm rồi, tất cả mọi sự khác là xa xỉ. Kinh nghiệm lớn nhất của họ dường như là, đừng hợp tác với ai, đừng làm điều gì lớn lao, chỉ chuốc lấy thất bại thôi. Họ không hề có tâm lý mở đường như kiều dân nước ngoài xưa kia ở Hội An mà ngược lại, một phần trong số họ nghĩ mình là những người cùng đường. Làm sao đòi họ làm một điều gì để đời, vượt thời gian?
Điều chắc chắn là họ nhớ quê hương và biết đâu là "chốn để về" của mình. Nhưng họ đã lỡ quen nghi ngại nhau nên sẽ không có những công trình văn hóa đồ sộ, những bang hội lớn lao, những qui mô hợp tác tầm cỡ. Họ quen chôn những điều ấp ủ đó ở trong lòng. Vài mươi năm nữa, con cháu họ chắc sẽ không còn ai chịu quét tước đền chùa, hoài niệm nhắc nhở lịch sử di dân của cha ông hồi xưa và biết nhớ ơn các thánh thần đã một thời phù hộ. Nếu họ có về thăm nước, thấy bàn thờ phủ đầy bụi bặm, họ sẽ thấy một hình ảnh dường như quen thuộc, chẳng có gì đáng trách. Và người thuyết minh vẫn kể một cách hãnh diện, có một đoàn nhà sư người Nhật...
Ngàn xưa vọng tiếng
Tại châu Âu, Địa Trung Hải là một khu vực kỳ lạ của địa cầu.
Trên bờ đông nam của vùng biển này là Ai-cập ở Bắc Phi, quê hương của một nền văn minh đồ sộ với số tuổi khoảng trên 5000 năm. Ngày nay những đền đài lăng tẩm tại Ai-cập là dấu tích của một nền văn hoá và học thuật xưa nhất của loài người còn được giữ lại một cách khá nguyên vẹn. Theo bản đồ, ngược chiều kim đồng hồ, men theo bờ biển ta sẽ đến bán đảo Sinai và vùng Israel, Lebanon. Nơi đó, tại những địa điểm khá gần nhau đã phát xuất ba tôn giáo lớn của loài người, đó là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Lại men theo bờ biển đi ngược về phía bắc, ta sẽ gặp Hy Lạp với vô số hải đảo. Hy Lạp cũng lại là quê hương của một nền học thuật vĩ đại với số tuổi khoảng gần 3000 năm. Nền văn minh Hy Lạp là nguồn gốc của toàn bộ đời sống tinh thần và hoạt động khoa học của phương Tây ngày nay. Tiếp tục đi dọc bờ biển, ta sẽ đến Ý, quê hương của Julius Caesar và nền văn minh La Mã, vốn đã từng làm bá chủ châu Âu nhiều thế kỷ. Từ Ý ta sẽ đi qua nhiều bờ biển vô cùng xinh đẹp và tiếng tăm để đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, những vùng đất được thiên nhiên hết sức ưu đãi và giàu mạnh, từng khám phá và làm chủ nhiều vùng đất trên thế giới tại châu Mỹ, châu Á.
Tây Ban Nha cách Bắc Phi chỉ bằng một eo biển rộng không quá 20km. Vượt qua eo biển đó là trở về châu Phi, là Morocco với thành phố nổi tiếng Casablanca mà khách vẫn còn nghe văng vẳng một điệu nhạc quen thuộc. Lại đi về phía đông, dọc theo bờ biển khách gặp ba nước Algeria, Tunisia, Libya. Có lẽ khách sẽ nôn nóng đi nhanh qua ba nước đó để gặp lại Ai-cập, để đi trọn một vòng Địa Trung Hải. Ba nước Bắc Phi đó dường như không có gì đáng chú ý. Nhưng không phải thế, tổ tiên của họ đã xây dựng một giai đoạn vàng son trong lịch sử châu Âu và còn để dấu ấn đến ngày nay. Đó là thời kỳ của sắc dân Berber tại Tây Ban Nha.
Nói đến Tây Ban Nha, khách liền liên tưởng đến những đặc trưng nổi tiếng của đất nước này như các thao trường đấu bò mộng, tiếng đàn Tây ban cầm, đến nàng Carmen với điệu vũ Flamenco, chàng Don Juan từng làm thổn thức bao trái tim phụ nữ. Tây Ban Nha là một nước lớn, trải dài từ phía bắc với Đại Tây Dương xuống phía nam với Địa Trung Hải. “Khắp nơi đều nằm trong nắng, Todo bajo el sol”, đó là niềm hãnh diện của họ mời gọi dân Bắc Âu thèm ánh mặt trời. Khách đến Tây Ban Nha để thưởng thức nắng ấm và gió biển. Ít ai biết rằng đất nước này rất đa dạng, cũng đầy núi non hùng vĩ, chỉ đứng thứ hai sau Thụy Sĩ về rừng núi tại châu Âu.
Thế nhưng tất cả những đặc trưng Tây Ban Nha nổi tiếng kể trên thật ra đều chỉ xuất phát từ một vùng đất duy nhất, đó là Andaiusia, nằm ở phía nam. Quê hương của Carmen lẫn Don Juan đều là Sevilla, thủ phủ của Andaiusia. Môn đấu bò cũng xuất phát từ Andaiusia. Người ta chỉ nên xem đấu bò ở Sevilla, cùng lắm là tại thủ đô Madrid, xem nơi khác "chỉ phí thì giờ", nói như người Tây Ban Nha. Đàn Tây ban cầm và nhạc điệu Flamenco cũng là của người dân Andaiusia. Do đó nếu chỉ được thăm Tây Ban Nha một lần rồi thôi thì khách đừng vội đến Madrid hay Barcelona xem bóng đá dù nơi đây có cả chục tài danh đắt giá mà nên đến Andaiusia để xem đấu bò và vũ điệu Flamenco. Nhất là, nếu có chút tha thiết với lịch sử, với những sắc dân nay đã tàn suy, khách phải biết đến công trình chói lọi của họ và nỗi lòng u uẩn còn vọng lại trong tiếng nhạc Flamenco của người du mục Bohemian, hậu thân của người Berber ở Bắc Phi.
Tôi từ Lagos của Bồ Đào Nha, điểm cực Tây của châu Âu, đến Sevilla trong một ngày đẹp trời. Vào thành phố, xe chạy ngang trước trường đấu bò nổi tiếng. Thôi, tôi không còn thì giờ và tâm tư để xem môn thể thao đầy bạo lực và tiếng reo hò chiến thắng này. Thời sinh viên tôi đã một lần hâm mộ và náo nức đi xem, nhưng bây giờ tôi muốn tìm lại dấu tích huy hoàng của một sắc dân nay hầu như đã biến mất trên bản đồ thế giới. Đến Andaiusia và Sevilla người ta sẽ thấy những công trình kiến trúc và xây dựng của người Moor, đó là tên của châu Âu đặt cho người Berber từ Bắc Phi đến. Và ngày xưa, những người Moor đó đến châu Âu không phải nhờ cậy gì ai, mà đến để làm bá chủ tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong một thời kỳ dài đến tám thế kỷ.
Trong thời kỳ vài trăm năm trước công nguyên, vùng Andaiusia bị đế quốc La Mã thống trị. Về sau, khi La Mã suy tàn thì các bộ tộc Bắc Phi cũng bắt đầu di dân qua Tây Ban Nha trong khoảng thế kỷ thứ năm. Sa mạc Sahara quá khắc nghiệt và eo biển Gibraltar quá hẹp làm những người Bắc Phi cầm lòng không đậu, họ bỏ quê hương ra đi, hy vọng có được một cuộc đời khá giả hơn. Từ những thế kỷ đầu công nguyên cả La Mã lẫn Bắc Phi đều theo đạo Thiên Chúa. Năm 570 nhà tiên tri Muhmmad ra đời, sáng lập Hồi giáo. Nền tôn giáo này lan truyền nhanh chóng qua các nước Bắc Phi. Năm 711 những người Berber theo đạo Hồi tấn công Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và chiếm trọn cả một vùng bán đảo mênh mông này.
Đó là thời điểm của đầu thế kỷ thứ tám mà sách vở châu Âu gọi là thời đại của người Moor tại bán đảo Iberian gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhưng các triều đại của người Berber với nền văn hoá của đạo Hồi vừa mới hình thành lại rất cởi mở và tiến bộ. Họ trọng thị và sống chung hòa bình với tín đồ đạo Do Thái và Thiên Chúa, xây dựng một nền văn minh rực rỡ với khoa học, nghệ thuật và kiến trúc. Trong thời bấy giờ châu Âu còn đang ngủ mê, người Berber phải đưa cả những nhà trí thức Á-rập qua Tây Ban Nha để xây dựng viện đại học, thư viện, nhà thương, trường học, công trình kiến trúc, thủy lợi, giao thông. Và đường sá thời đó đã có cả đèn đường soi sáng. Thời bấy giờ Hồi giáo chưa bị xơ cứng, trí thức của họ là nguồn động lực phát triển của xã hội. Thời kỳ vàng son đó còn để lại tới bây giờ với những công trình kiến trúc tinh xảo làm ngỡ ngàng người nghiên cứu và khách du lịch, nhất là cho ai có thành kiến không tốt với Hồi giáo. Đến Tây Ban Nha, tôi sớm quên các danh thủ bóng đá cũng như những chàng trai đấu bò Matađor để đắm mình vào lịch sử đáng kinh ngạc và công trình kiến trúc tuyệt vời của sắc dân Berber.
Nền chính trị của Hồi giáo trị vì được khoảng ba trăm năm thì bắt đầu nứt rạn thành nhiều tiểu quốc trong khoảng năm 1031. Cũng từ đó Thiên Chúa giáo từ phía Bắc gửi quân chinh phạt và tái chiếm đất đai tại vùng Tây Ban Nha. Đó là cuộc thánh chiến đầu tiên trong lịch sử giữa hai tôn giáo. Năm 1212, phía Thiên Chúa giáo đánh thắng một trận quyết định. Thế nhưng sau đó các triều đình Hồi giáo vẫn còn triển khai hoa trái của nền văn hóa của mình gần ba trăm năm nữa. Mãi đến năm 1492, phía Thập tự quân của Thiên Chúa giáo mới đạt thắng lợi hoàn toàn, giành lại toàn bộ châu Âu trong ảnh hưởng của mình. Người ta xem thời điểm đó là thắng lợi trọn vẹn của nền văn hóa Thiên Chúa giáo đối với Hồi giáo tại bán đảo Iberian, cũng là lúc bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa hai nền văn hóa mà ngày nay đang lâm vào giai đoạn sinh tử.
Tại một mảnh đất rất xa về phía đông, tại nước Đại Việt, lạ lùng thay, cũng đúng khoảng thời điểm đó năm 1471, một nền văn hóa đánh thắng một nền văn hóa khác và thiết lập một thể chế chính trị mới cho một vùng đất mà ngày nay ta gọi là miền Trung Việt Nam. Năm 1471 vốn là thời điểm đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của vương quốc Champa, là năm xem như bắt đầu nỗi lòng vong quốc của người Chăm. Nhưng điều quan trọng nhất, đó là thời kỳ mà nền vãn hóa chính trị tập quyền theo kiểu Nho giáo Trung Hoa đã giành thắng lợi trọn vẹn khi đối đầu với nền văn hóa và tổ chức chính tả theo kiểu tiểu quốc của Ấn Độ giáo. Địa bàn của cuộc đấu tranh đó của hai nền văn hóa là nước Đại Việt. Tôi ngẫm nghĩ điều này trong những cung điện huy hoàng của Hồi giáo tại Sevilla và kinh ngạc thấy sự tương đồng về qui mô và thời điểm lịch sử.
Thời mà đế quốc La Mã thịnh trị tại châu Âu thì nhà Hán thiết lập nền cai trị của họ tại miền Đông nam châu Á. Khoảng cuối thế kỷ thứ hai sau công nguyên, một bộ tộc khởi nghĩa chống lại nhà Hán tại một vùng nằm trong khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay. Về sau bộ tộc đó thành lập vương quốc Champa và phát triển về hướng Nam. Champa sớm trở thành hùng mạnh, vương quốc của họ từ Quảng Bình kéo dài đến tận tỉnh Đồng Nai bây giờ. Từ vùng đất hẹp nhưng dài hơn 1000km nằm sát biển, một nền văn minh được phát sinh mà ngày nay ta còn thấy dấu vết. Nhờ giao lưu kinh tế phát triển bằng đường bộ và đường thủy, vương quốc Champa sớm tiếp xúc với Ấn Độ giáo và thực hiện một cách tổ chức chính trị kiểu nhiều tiểu quốc dựa trên địa hình của từng vùng.
Đối với nước Đại Việt ở phía bắc, vương quốc Champa có một mối quan hệ phức tạp, vừa tranh chấp vừa giao hảo. Khi hai nước đồng lòng liên kết chống đế quốc Mông Cổ trong thế kỷ thứ 13 và thành công rực rỡ thì tình thân hai nước đã lên đến tột độ. Nhà vua Champa thời đó tên gọi là Chế Mân, lên ngôi năm 1288, thuộc triều đại Indrapura cầu hôn nàng công chúa Huyền Trân, em gái của nhà vua Trần Anh Tông. Vương quốc của Chế Mân thời đó rất mạnh, lãnh thổ vươn dài đến tận Phan Rang. Nhà vua trẻ tuổi này muốn làm một cử chỉ lịch sự hào hoa với nàng công chúa người Việt nên khẳng khái tặng hai "lô" đất, châu Ô và châu Rí, xem như lễ vật. Đó là năm 1306. Hai lô đất này cũng không nhỏ nhắn gì cho lắm, nó chính là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay, chính là vùng “đệm" giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Nhà Trần của Đại Việt nhận lời cầu hôn.
Mất hai châu, vương quốc Champa bị đẩy lùi về phía nam đèo Hải Vân. Nàng công chúa Huyền Trân thực ra cũng chẳng chịu phận thân gái ngàn dặm, nàng chỉ phải đi Trà Bàn, tức là Bình Định ngày nay. Chỉ một năm sau ngày cưới, Chế Mân vì bệnh mà mất, Huyền Trân được Đại Việt dùng mưu lược đưa về quê quán. Sau Chế Mân thì bang giao Đại Việt- Champa vô cùng căng thẳng. Có thời kỳ Champa lại trở nên hùng mạnh, nhà vua Chế Bồng Nga đã đem quân đánh đến Thăng Long, nhưng số phận của vương quốc Champa đã điểm. Năm 1471, nhà vua Lê Thánh Tông đem quân chiếm Trà Bàn, nước Đại Việt thôn tính Champa và nền văn minh Nho giáo của Trung Hoa thay thế nền văn minh bản địa đậm màu Ấn Độ giáo. Đây cũng là một sự chạm trán hiếm hoi giữa hai nền văn hóa này trong cuối thế kỷ thứ 15.
Một ngày đẹp trời nọ, tôi ngồi lâu trên những bậc thềm của các ngôi tháp cổ tại thánh địa Mỹ Sơn. Mỹ Sơn là quần thể các công trình kiến trúc và tôn giáo của các triều đại Champa khác nhau, được xây dựng rất sớm, từ thế kỷ thứ tư. Trong một thung lũng kín đáo với núi non bao bọc xung quanh, giữa những ngôi tháp hầu hết đã đổ nát tôi cảm nhận dường như khí sắc vương giả vẫn còn. Trong không khí vô cùng tĩnh lặng, những cánh bướm trắng bay chập chờn như đến từ một thế giới khác.
Bóng tà dừng ngựa đứng
Man mác nổi hư vong
Một vương quốc hùng mạnh suốt mười hai thế kỷ nay đã "hư vong". Tại thánh địa Mỹ Sơn tôi tự hỏi các vị hoàng thượng tiên liệt Champa nghĩ gì về Chế Mân và hành động hào hoa của ông. Hai châu Ô Rí đã sớm mang tên Thuận Hóa của Đại Việt nhưng hẳn khí thiêng sông núi còn man mác nỗi buồn mất nước để một nhà thơ Nguyễn Du quê tận miền Bắc sớm viết:
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Một mảnh trăng dòng Hương
Xưa nay sầu vấn vương
Nỗi sầu vong quốc của người Chăm không hoàn toàn câm lặng như những tháp đá tại Mỹ Sơn, Đồng Dương mà vọng vào điệu ca câu hò của người Huế. Thế nên tiết tấu, âm điệu và nội dung của nhạc Chăm từ những ngày xa xưa đã trở thành một nét buồn chủ yếu của âm nhạc miền Trung.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non
Ngồi trên bậc thềm của cung điện Hồi giáo tại Sevilla, tôi tự hỏi liệu những người Berber Bắc Phi có "sầu vấn vương" khi nghĩ về nền văn hóa của họ đã hư vong sau khi tồn tại gần tám thế kỷ.
Trong thế kỷ thứ 15, nền văn hóa Thiên Chúa giáo thắng thế hoàn toàn tại châu Âu và thi hành một chính sách khắt khe. Tín đồ Hồi giáo và cả Do Thái giáo bị đẩy lùi khỏi Tây Ban Nha. Một số lượng nhỏ sắc dân Berber xin ở lại và hòa nhập với các cộng đồng sắc dân khác. Họ được gọi là dân gitanos, ngày nay chiếm một số lượng khoảng 600.000 người. Tuy nhiên từ thế kỷ 15, những người đó không được dân Tây Ban Nha chính thống chấp nhận hoàn toàn, một phần vì màu da nâu đen, một phần vì cách sống mang màu sắc du mục Bohemian của họ. Bị đẩy ra ngoài lề xã hội, họ lén lút gặp gỡ những sắc dân cũng lang bạt như họ, quê ở Á-rập, Bắc Phi để vui chơi đàn hát. Tiếng vọng sâu thẳm từ một nền văn hóa đã suy tàn, của nỗi sầu mất mát vang rõ trong tiếng hát của họ và đó chính là điệu nhạc Flamenco.
Flamenco không hề là vũ điệu đặc trưng và vui nhộn của Tây Ban Nha như nhiều người lầm tưởng. Đó là tiếng than thở về một quá khứ đã mất. Trong thời xa xưa người Berber đã đưa tiết điệu âm nhạc của họ vào Tây Ban Nha trong thế kỷ thứ 8, trộn với dân ca của Andalusia. Do đó Flamenco còn mang rõ âm hưởng Á-rập. Nhạc Flamenco truyền thống thường chỉ có một giọng ca nam trầm, khan và buồn, vang đầy âm sắc tiếc nuối của những người mất quê hương và tình yêu, của những ai bị đẩy ra bên lề của xã hội. Hòa với lời ca chỉ là tiếng vỗ tay và nhịp chân trên sàn gỗ vì truyền thống người du mục chỉ đơn sơ nghèo nàn như thế. Mãi đến thế kỷ thứ 16 cây đàn Tây ban cầm mới được hòa điệu cùng Flamenco. Quê hương của cây đàn guitar cũng lại là châu Phi, cũng do chính người Berber đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ thứ 8 nhưng nó chỉ đến với vũ điệu của người Bohemian sau khi cả hai đều mang phận lạc loài.
Trong tiếng ca đau đớn và phẫn uất làm ta "chạnh lòng", trong tiếng nhạc guitar ngang tàng, với nhịp giày gõ dữ dội trên sàn gỗ, các nàng vũ công dường như không bao giờ biết cười mạnh mẽ nhảy múa trong bộ áo quần sặc sỡ truyền thống của người Bohemian cho khán giả những ấn tượng không thể nào quên của một sắc dân nay đã bị thế giới và loài người bỏ quên. Khách chợt nhớ tới màn múa ba-lê quí tộc với những dàn nhạc khổng lồ của các tầng lớp thượng lưu của châu Âu sang trọng và biết rằng Flamenco chính là bộ mặt nghệ thuật của người thua cuộc, nghèo khổ và lang bạt. Nhưng cũng vì thế mà tấm lòng của họ đối với người đời và quá khứ đã mất lại chân thật hơn ai cả, như những lời ca:
Flamenco, Fiamenco
Màu rượu đỏ thắm và đêm nóng biết bao
Những con tim nồng cháy
Đàn guitar vang tiếng của tình yêu và sự đau xót
Hôm nay ta không tìm được giấc ngủ
Flamenco, Flamenco
Có những người khác cũng không tìm được giấc ngủ yên, rất xa về phía đông. Làm sao ngủ yên được khi không có chốn để về? Lòng thiết tha muôn thuở của con người là lúc nào đó được về nhà. Về với người thân, với gia đình, với quê hương và cuối cùng, về với cả một nền văn hóa của mình. Mất quê hương và nguồn gốc văn hóa là nỗi đau xót lớn nhất mà nhiều dân tộc trên thế giới phải gánh chịu. Nhưng ngày nay bi kịch vẫn còn tiếp diễn. Lòng người vẫn chứa đầy bạo lực và thích reo hò chiến thắng, đang muốn tiêu diệt lẫn nhau. Sevilla tuy nhỏ nhưng chứa cả cuộc đời!
Thiên thần đã mất
Trong tâm tưởng, người Việt Nam chúng ta thường có khái niệm "bà tiên". Bà tiên là một nhân vật từ bi và hay giúp người, được nghĩ đến khi xẩy ra một phép lạ bất ngờ, một hạnh phúc hiếm có, một sự may mắn không thể giải thích được. Trong các vùng văn hóa khác của phương Đông như Ấn Độ hay Trung Quốc, nhân gian không bao giờ thiếu các hình tượng thần thoại tương tự như thế.
Tại phương Tây người ta cũng tưởng nhớ đến "thiên thần" khi những điều tưởng chừng như sự kỳ diệu xẩy ra, cứu thoát người bị bệnh tật hiểm nghèo hay tai nạn thập tử nhất sinh. Thế nhưng hình tượng thiên thần gần gũi nhất là "ông già Noel" của những ngày Giáng Sinh. Nếu tại Việt Nam, hình ảnh bà tiên ngày càng mờ nhạt trong tâm tưởng của con người hiện đại thì "ông già Noel" luôn luôn sống động, nhất là trong những ngày tháng cuối năm. Đó là thời gian mà trẻ con cũng như người lớn thường được nhận quà của "ông già Noel" râu trắng áo đỏ. Điều thú vị cho trẻ con phương Tây là "ông già Noel", một người vô cùng hiền từ phúc hậu, trong một đêm Giáng Sinh lạnh lẽo, sẽ từ trên trời đi xe song mã đến từng nhà, theo ống khói mà vào bên trong và đặt dưới cây thông những gói quà xinh xắn. Ông không bao giờ quên trẻ nào và món quà nào được trao cũng đúng như ước ao của trẻ vì ông là người của thiên giới, ông biết hết tâm ý của từng người. Trẻ con nào cũng tin chắc điều đó là thực, cho đến một ngày...
...Đến một ngày mà trẻ con bắt đầu ngờ "ông già Noel" không hề có thực! Chúng đã va chạm với xã hội và thấy dường như cuộc đời không hề có phép lạ. Đó cũng là nghi vấn của em Virginia O'Hanlon, tám tuổi, sống ở New York. Năm 1897 em đánh bạo viết thư cho tạp chí Sun và hỏi như sau: "Em mới lên tám. Bạn em có người nói rằng, ông già Noel không có thực đâu. Ba em nói là tờ báo Sun viết gì cũng đúng cả. Cho nên em xin hỏi, ông già Noel có thực không?".
Câu hỏi của em Virginia quan trọng đến mức mà chủ bút tờ báo là Francis P. Church phải thân hành trả lời. Ông viết: "Em Virginia, bạn em nói không đúng. Các bạn đó chỉ tin những gì mà mình tự thấy. Các bạn đó cho là cái gì đầu óc nhỏ bé của họ không hiểu thì cũng không thể có. Đầu óc con người nhỏ bé lắm, dù là của trẻ con hay người lớn. Trong vũ trụ, con người nhỏ bé như một con côn trùng tí hon. Đầu óc của một con kiến không thể hiểu hết toàn bộ thực tại. Vâng, em Virginia, ông già Noel có thực...".
"...Ông già Noel có thực cũng như tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung có thực. Nhờ tất cả thứ ấy có thực mà cuộc đời chúng ta mới sáng và đẹp. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta tối tăm biết bao. Khi đó thì cũng không có em Virginia, không có niềm tin, không có thi ca, không còn có gì làm cho cuộc đời này có thể kham chịu được nữa...". Thế nhưng, ông viết tiếp "...không ai có thể thấy tận mắt ông già Noel. Điều đó chưa chứng minh được gì cả. Mọi thứ trọng đại nhất thường thì phần lớn chúng ta không thấy tận mắt được...Bất cứ khi em thấy cái gì thì em cũng không thấy hết cái toàn thể đâu. Tại sao? Vì có một tấm màn ngăn che một thế giới đích thực mà không có sức mạnh nào trên thế gian này xé rách nó được. Chỉ có tình yêu và thi ca mới vén được nó lên mà thôi. Thì lúc đó ta mới thấy vẻ đẹp và sự lộng lẫy nằm sau bức màn đó...".
Kỳ diệu thay, vì một câu hỏi non nớt của trẻ con mà sinh ra những dòng chữ vô cùng nhân hậu và sâu sắc. Còn em Virginia, sau khi đọc thư này, hẳn em vẫn nửa tin nửa ngờ vì em muốn biết có một ông già Noel bằng xương bằng thịt hay không mà em có thể rình bắt trong đêm Giáng Sinh. Có thể em vẫn còn ấm ức nhưng lá thư đã mở cho tâm em một cách nhìn mới và đặt ngược cho em một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ. "Tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung có thực hay không?". Em sẽ tự trả lời bằng trải nghiệm của chính mình trong cuộc đời còn non trẻ của em. Và khi trả lời câu hỏi đó, em sẽ biết ông già Noel là ai, có thực hay không. Tác giả bài báo đã chỉ cho Virginia kiếm ông già Noel bằng tâm chứ không bằng mắt. Đó là nghệ thuật của giáo dục và cũng là một nền triết lý sâu thẳm. Những ai hiểu ý tác giả chắc thầm mong em Virginia sẽ tìm thấy "tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung", để biết rằng ông già Noel nằm ngay trong tâm mình và đời em sẽ có một lần vén bức màn nọ để thấy "vẻ đẹp và sự lộng lẫy" nằm sau một thế giới có nhiều bóng tối hơn ánh sáng. Và họ biết rằng bài báo không chỉ để dành cho trẻ con.
Bài báo của Francis P. Church có lẽ đã đánh động đến tâm can của độc giả từ 8 tuổi đến 88 tuổi nên sau đó cứ trong mỗi mùa Giáng Sinh nó lại được đăng lại một cách trân trọng trên trang nhất. Trên nửa thế kỷ sau, năm 1950, tạp chí Sun đình bản, bài này không còn được đăng hàng năm nữa nhưng vẫn còn được truyền tụng đến bây giờ. Mỗi khi tuyết lạnh cuối năm tràn về, khi mọi người nô nức đi mua quà cho người thân, người ta vẫn thấy bài này được đăng rải rác trên các báo, vì kỳ thực không có câu trả lời nào hay hơn bài báo của năm 1897.
Bài báo này có lẽ có ảnh hưởng lên chàng phi công Saint-Exupéry. Trong tác phẩm Hoàng tử bé, tác giả để con chồn, kẻ tượng trưng cho sự già dặn minh triết, nói với cậu hoàng tử còn bé nhưng ham đi tìm nghe sự thật trên đời: “Và đây là điều bí ẩn của ta, nó thật là đơn giản. Chỉ với trái tim người ta mới nhìn được rõ. Những điều thực sự là then chốt thì mắt trần không thê thấy”. Thông điệp của nhà văn nhà thơ người Pháp vắn số đó đã được truyền đi khắp thế giới trong dạng tiểu thuyết dành cho trẻ con nhưng người ta ít biết nó không phải chỉ nói cho tuổi mới lớn. Thực ra nó dành cho người lớn, vì nói như Jemes Legge, “một con người vĩ đại là người không đánh mất trái tim của trẻ con”.
Trong những ngày cuối năm, song song với tình yêu đoàn tụ và lòng nhân hậu đối với người đời, khắp nơi Đông Tây vẫn chát chúa tiếng ồn của sự thù hận. Trong thời đại ngày nay, khi chủ nghĩa thực dụng lan tràn trên mọi châu lục, khi những cuộc chiến vẫn nối nhau tiếp diễn khốc liệt, khi những nền văn hóa dường như không còn dùng đạo lý để thuyết phục con người mà dùng bạo lực để loại trừ lẫn nhau, bài báo trả lời cho cô gái tám tuổi Virginia bỗng có một chiều kích sâu thẳm. Sau những dòng chữ giản đơn dành cho trẻ con hiện ra một chân lý mà hình như nhiều người đã quên. Đó là tình thương yêu giữa người và người là điều có thực và chỉ trái tim mới phát hiện ra được nó. Chỉ có "tình yêu và thi ca" mới vén bức màn cho ta thấy đằng sau nó có gì. Bức màn đó đang được đan kết ngày càng dày kín trong mọi xã hội Đông Tây, trong mọi trật tự kinh tế, mọi dân tộc, mọi tôn giáo. Nó được xây dựng bằng đầu óc lý luận, bằng quyền lợi phe nhóm, bằng sự phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Thế nhưng nó chỉ là bức màn giả tạo vì sau tất cả mọi phân biệt do tư tưởng bày ra, tất cả đều là con người với hạnh phúc và đau khổ như nhau.
Tai họa sóng thần tại các nước Nam Á vừa qua đã minh chứng một cách bi thảm sự thực này. Khi sự toàn cầu hóa đã phát triển cao độ, khi sự giao lưu giữa các xã hội và các nền văn hóa ngày càng chặt chẽ thì một thảm họa thiên nhiên sẽ trở thành mối nguy cho toàn cả thế giới. Không kể những mất mát to lớn vừa qua, một sự kiện mà ai cũng thấy là thảm họa sóng thần đã làm cho con người cũng như phần lớn các chính phủ bừng tỉnh về vai trò đích thực của mình. Đó là con người sống trên trái đất không phải là để gây chia rẽ và gieo tai ách cho nhau mà ngược lại, để cùng nhau đối phó với mọi thảm họa do thiên nhiên gây nên. Sau thảm họa sóng thần, chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào đoàn kết cứu giúp người bị nạn rộng khắp và đầy tính chất tâm linh cao độ như thế. Ngoài tính chất kinh tế và xã hội của các đợt cứu giúp, người ta thấy sinh ra một mối liên hệ có tính chất cộng sinh giữa Đông và Tây, giữa các quốc gia và xã hội, giữa các nền tôn giáo và văn hóa khác nhau.
Ngày 5.1.2005 vừa qua, nhiều nước trên thế giới tổ chức tưởng niệm nạn nhân thiên tai bằng cách dừng mọi hoạt động trong ba phút vào đúng 12 giờ trưa. Bất cứ hoạt động gì, dù người ta đang ở ngoài đường, đi mua sắm hay trong công sở, xưởng máy đang làm việc, cũng được ngưng lại, mọi người đứng dậy cuối đầu nhớ đến người đã chết. Đó là một điều chưa từng xảy ra, hình ảnh của nó lay động mạnh mẽ tâm hồn con người. Động lực nào sinh ra được nghĩa cử cao đẹp này nếu không phải là lòng thương yêu và sự trọng thị lẫn nhau giữa người và người. Ba phút đó chính là biểu tượng của lòng cảm thông sâu sắc số phận mong manh của đời người, là những món quà tinh thần gửi gắm cho người chết. Lúc đó mỗi người là một ông già Noel, là một bà tiên nhân hậu.
Phải chăng đây là sự bắt đầu của một ý thức mới trên thế giới? Hay tất cả sẽ trở lại như cũ vì xã hội của người lớn, một tập thể chỉ biết lý trí và suy luận - không được như trẻ con - vốn hay quên tiếng nói của trái tim?
Dòng người bất tận
Du khách đến Huế thường đến viếng đàn Nam Giao, vốn có tiếng tăm và nằm gần thành phố. Từ Nam Giao, rẽ tay mặt, khách có thể đi thăm nhiều lăng tẩm chùa chiền cổ kính. Trên đường từ rẽ mặt, chỉ cách Nam Giao không đầy một cây số, có một con đường nhỏ dẫn vào một ngôi chùa không mấy ai biết đến. Đó là chùa Châu Lâm, "chùa nhà" của tôi.
Chùa Châu Lâm không mấy ai biết đến là phải. Đó là một ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây hơn 70 năm, là một ngôi chùa nhỏ trong số hàng trăm ngôi chùa nhỏ bé khác tại Huế. Dường như các gia đình xứ Huế ai cũng có một ngôi "chùa nhà" như ngày nay xã hội tân thời ai cũng có một "bác sĩ nhà". Không rõ cơ duyên nào mà gia đình tôi tuy ở tận Bao Vinh hầu như nằm phía đầu kia của thành phố, nhưng không chịu lấy một ngôi chùa nào đó ở Hương Trà, Hương Vinh mà lặn lội lên tận sườn núi Ngự Bình, tìm ngôi chùa nhỏ đó để xin làm đệ tử và làm nơi qui y cho con cháu.
Nói "lặn lội" thật ra không hề quá đáng vì ấn tượng của tôi với chùa Châu Lâm thường dính liền với mùa đông xứ Huế. Ngày xưa, tôi vốn thường tháp tùng ông tôi lên thăm chùa vào dịp Tết Nguyên Đán, một mùa của mưa gió và giá lạnh của miền Trung. Trong những ngày đầu xuân của thập niên năm mươi đó người ta thường đi xích-lô mà khách được che bằng một miếng vải bạt lỏng lẻo. Xe dừng trước cổng ở ngoài đường cái. Ông cháu chúng tôi lội đường đất vào chùa và cuối cùng leo một cái dốc mà thời xa xưa đó tôi cho là cao lắm. Một cây mít đón chào chúng tôi nhưng tôi nào có hơi sức nhìn đến nó. Cái dốc này dường như đầy đất sét trơn trợt, đi giày mà tôi vẫn cố bấm chân thật chặt cho khỏi té ngã.
Trong chính điện, tôi đợi ông tôi lạy Phật xong mới đến phiên mình. Đến chùa, lạy Phật là việc đầu tiên phải làm, điều mà tôi vẫn còn giữ đến ngày nay. Sau khi lễ Phật chúng tôi xuống "nhà dưới" thăm Ôn Châu Lâm, hoà thượng trụ trì của chùa. Ngày đó, tôi đâu biết Ôn tuy mới gần sáu mươi nhưng đã là một vị tăng sĩ đã thực hiện nhiều Phật sự to lớn, đã dày công tham gia xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Trung, là huynh đệ với hòa thượng Tịnh Khiết. Tôi cũng không hề biết sau khi tu học, tham vấn và hoạt động nhiều nơi, Ôn đã về đây khai sơn ngôi chùa Châu Lâm, chỗ mà tôi đang ngồi co ro trong những mùa đông lạnh giá đó. Đối với con mắt trẻ thơ hồi đó, Ôn là thầy của ông tôi, là người có một khuôn mặt vừa nghiêm nghị, vừa hiền hậu. Ôn là người rất thoát tục cao xa, dường như không có gì của thế gian va chạm đến, tôi nghĩ thế. Tôi lơ đãng ngồi nghe những câu chuyện đạo nho nhỏ, đợi đến lúc được phát bánh mứt. Trong không khí lạnh và đầy sương của sườn núi Ngự Bình, không gian thấm đượm mùi thơm ngát của hương trầm và thỉnh thoảng được điểm nhẹ bằng vài tiếng chuông thong thả. Chùa nào đánh chuông, chùa nào thắp hương, đó là điều không ai hỏi đến trên sườn núi xứ Huế. Những ngày đi chùa giá lạnh tưởng chừng như bất đắc dĩ đó nào ngờ để lại ấn tượng sâu xa trong tôi để mình cứ mơ mãi về một ngày Tết Nguyên Đán về thăm quê đi lại trên sườn núi Ngự Bình.
Bẵng đi mấy mươi năm xa quê tôi không về lại Châu Lâm. Một ngày nọ trong năm 1977 tôi nhận được thư từ xứ Huế, cũng vào một ngày xuân, báo tin Ôn Châu Lâm đã mất. Tôi tự hỏi, như thế Ôn đã chứng kiến những lần dâu biển của đạo pháp và đất nước, những cảnh vùi dập của năm 1963, những biến cố miền Trung của năm 1965 và cuộc đổi dời trong năm 1975. Ôn đã nghĩ sao? Rồi tôi tự trả lời, chuyện thế gian chắc không thể tác động đến Ôn, một người tu hành ẩn dật đích thực. Rồi cũng nhiều năm mà tôi đi tham bái chùa chiền trong nhiều nước khác nhau và thấy rõ một điều, có lẽ trên đời ít có chùa nào nhỏ hơn chùa nhà của mình, nhưng cũng khó có những pho tượng nào đẹp hơn tượng chùa mình.
Tháng 12 năm 2002 tôi lại đến thăm chùa trong một ngày mưa phùn giá lạnh. Cây mít ngày xưa không còn nữa và dốc lên chùa bây giờ xem ra rất tầm thường, xe Honda chạy thẳng lên sân. Sau khi lên điện lạy Phật và ngắm lại các bức tượng xưa mà tôi đã thầm mang theo hình ảnh đi khắp nơi trên thế giới, tôi ngồi lại ngay chỗ ngày xưa ông tôi ngồi, còn ngồi chỗ của Ôn Châu Lâm là thầy Phước Thành, một vị đệ tử của Ôn. Bên cạnh tôi là chú Hạnh Viên, một vị xuất gia còn rất trẻ, từ miền Nam ra đây tu học. Theo truyền thống xứ Huế mùa đông, chúng tôi rút chân lên ghế cho ấm, ngồi uống trà trong ngôi nhà xưa, nơi Ôn từng sống hẳn cũng gần 40 năm. Tôi nhìn ảnh của Ôn, tưởng chừng như thời gian đọng lại trong căn nhà mờ tối này.
Tôi nhìn chú Hạnh Viên với chút thú vị. Trong Nam xa xôi tại sao chú lại "lặn lội" ra đây tu học, bộ trong đó không có chùa sao mà ra Huế chịu khổ vì lạnh và ẩm, nhất là tại sao chú lại chọn đúng ngôi chùa vô danh và nhỏ bé này. Chùa Châu Lâm của tôi bây giờ đã được đồn xa tiếng lành rồi chăng? Thời gian không hề đọng lại như tôi tưởng vì bây giờ trong ngôi chùa khang trang đã có điện thoại, có máy vi tính, có tủ sách, có internet.
Tôi nhìn thầy Phước Thành, tính ra thì Thầy hơn tôi có vài tuổi, y như ngày xưa Ôn hơn ông tôi vài tuổi. Ôi, thời gian đâu có bao giờ đọng lại, Ôn và ông tôi đã mất, còn tôi nay bằng cỡ tuổi ông tôi năm xưa. Chỉ căn nhà mờ tối này và mùi thơm của hương trầm mới không hề thay đổi. Tôi nhìn mắt thầy Phước Thành, hỏi thăm bệnh mắt của thầy. Thầy cho biết một bên mắt không thể cứu chữa được và bỗng buột miệng ngâm:
Phù nghiệp hệ thọ thân,
Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân,
Vị miễn hình lụy
Chưa ai khỏi khổ lụy về thân.
Đó là hai câu đầu trong Qui sơn cảnh sách. Tôi đã biết Qui sơn cảnh sách là một tập luận nhằm khuyến cáo tăng sinh, nhưng hôm nay tôi nhận ra nó được bắt đầu bằng hai câu đầy lòng từ bi và thương xót. Thân người chỉ là tập hợp của những yếu tố vật chất, hai câu này vang lên như một lời cảm khái, đầy an ủi cho cuộc đời nhân sinh.
Tuy nãi tứ đại phù trì
Tuy nhờ bốn đại giữ gìn
Thường tương vi bội
Nhưng chúng thường trái nghịch
Vô thường lão bịnh, bất dữ nhân kỳ
Vô thường già bệnh, chẳng hẹn với người
Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế
Sớm còn tối mất, một sát-na đã qua đời khác
Tôi nhìn hình Ôn, nhớ Ôn và ông tôi. Cả hai vị đã trường thọ nhưng quả có người sống một cuộc đời rất ngắn ngủi, quả là cái chết chẳng hẹn với người. Người Tây Tạng chẳng từng hay nói: "Kiếp sau có khi tới sớm hơn ngày mai". Thấm thía thay! Tôi lắng nghe lời giọng ngâm trầm ấm của thầy Phước Thành và lắng nghe chính lòng mình, khám phá có vài điều khác lạ.
Những câu kinh luận như trong Qui sơn cảnh sách ngày xưa là những lời căn dặn thường tình nay bỗng có chiều sâu thẳm. Đó chính là những kết luận lớn nhất của con người. Những điều mà ta chỉ hiểu bằng trí năng, bằng lý luận nay là sự trải nghiệm đích thực của chính mình. Đạo Phật quả có nhiều mức độ và chiều kích mà có lẽ lòng người chỉ thấu hiểu nó sau khi bản thân mình đã sống trải và tâm phải đang dò tìm thực sự.
Tôi nhìn thầy Phước Thành với lòng hâm mộ giọng ngâm. Thầy cho biết tăng sinh nào cũng phải thuộc nằm lòng Qui sơn cảnh sách từ hồi nhập môn. Tôi quay nhìn chú Hạnh Viên, chú mỉm cười gật đầu. Tôi lại khám phá ra một điều mới mẻ nơi chính mình. Thầy Phước Thành không quá xa tôi như hình ảnh của Ôn Châu Lâm ngày trước, vì một lẽ là chúng tôi cùng một thế hệ, nhưng một lẽ khác quan trọng hơn là tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ cả, một tu sĩ cũng có những "khổ lụy" về thân. Đúng thôi, chưa có ai được "vị miễn hình lụy". Có lẽ ngày xưa Ôn Châu Lâm cũng thế mà tôi không biết chăng.
Hình ảnh của một nhà tu thâm nghiêm của thời xa xưa bỗng biến đi và nhường chỗ cho một con người với lòng thương yêu gần gũi. Tôi nhìn hình Ôn, nhìn thầy Phước Thành, nhìn chú Hạnh Viên, nhìn chính mình và nhận ra một điều kết nối giữa bốn chúng tôi, một điều mà tôi chưa bao giờ nhận thấy thật rõ, đó là tình của những người cùng đi trên một con đường.
Tình bạn của những người đang dò tìm, một điều tưởng như trừu tượng, nhưng trong buổi sáng mùa đông tại Huế, tôi thấy vô cùng đích thực. Thoắt một cái tôi bỗng nhớ tới những người bạn quí đang sống trên đất nước Việt Nam, tại Pháp, tại Đức… có những người đã rất lâu tôi chưa gặp lại, nhớ cả những người tôi chưa bao giờ được gặp, chỉ trao đổi bằng thư từ. Tất cả giữa chúng ta có một điều chung, đó là những người cùng nhận đức Phật làm thầy. Tất cả đều ập về một lúc như thể trái đất chật ních những người đó, những người mà ta gọi là "tăng", một trong ba tam bảo.
Trong một lúc tôi nhớ đến những bất mãn, những phê phán, những nghi kỵ của mình đối với nhiều thầy, nhiều bạn về các mặt như giáo lý, chủ trương, phép tu tập, thái độ chính trị...và nhận thấy mình phiến diện. Không phải vì những điều khác biệt đó không có, mà vì đầu óc thiển cận của mình chỉ cho thấy cái khác, cái riêng, mà không chịu thấy cái gốc rễ to lớn đã sinh ra muôn vạn lá cành, không thấy cái tình nghĩa, cái chung nhất của những người đi chung một đường. Không dại dột sao khi ta chỉ thấy sóng nhấp nhô khác nhau mà không thấy chất nước? Huống hồ gì những người như chúng ta không hề "chật ních" trên trái đất mà thật ra vô cùng mỏng yếu và đang bị các yếu tố xã hội phân hóa và xói mòn một cách không thương tiếc. Những con người đó không những chỉ chịu hình lụy của thân thôi mà còn bị xã hội và các thế lực khác thử thách, xâu xé, lừa dối, chia rẽ... một cách vô cùng tinh tế và tàn bạo.
Nhưng tôi vẫn không tuyệt vọng. Tôi nhìn hình Ôn Châu Lâm và hai vị tu sĩ trong căn nhà mờ tối nọ của Ôn để lại và thấy tính chất liên tục của thời gian và đạo pháp. Sau Ôn có thầy Phước Thành, sau thầy Phước Thành có chú Hạnh Viên. Sau lớp người chúng tôi vẫn có những con người rất trẻ hướng về ánh sáng chân lý của tự thân. Những dòng người tự nguyện tiếp nhau đi trên một con đường đạo, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi bỗng nhớ đoàn người kéo nhau lên đỉnh Linh Thứu tại Ấn Độ để đảnh lễ đức Thế Tôn, họ cũng tự nguyện đi đường xa vất vả đến đó, tất cả cũng chỉ vì một lòng kính mộ sự thật.
Tôi chợt nhận ra rằng chính những khổ lụy về thân và những thử thách của xã hội mới làm ta thấu hiểu nhiều điều. Có những điều giản đơn mà sau nửa thế kỷ ta mới nhận ra nó. Đó là một ngày mùa đông, trong chùa Châu Lâm vô danh và nhỏ bé...
Còn đâu áo vải cờ đào
Giữa Địa Trung Hải, nghiêng về phía Đông, có một hòn đảo tên gọi Crete. Đảo Crete nằm ngang vĩ độ của các nước Tunesia, Algeria...thuộc Bắc Phi, quanh năm nắng ấm. Thế nhưng, Crete vẫn thuộc về châu Âu vì Crete là lãnh thổ của Hy Lạp, là hòn đảo cực Nam trong vô số đảo của Hy Lạp, quê hương của triết học và khoa học cổ đại phương Tây.
Nước Hy Lạp vốn đã có nhiều rừng ô-liu thì nắng ấm của Crete càng nuôi dưỡng thêm ô-liu trên các vùng núi non của đảo. Thế nên Crete được phủ bằng một màu xanh bạt ngàn với những cây ô-liu dáng vẻ cổ điển với thân cành khúc khuỷu mang đầy tính mỹ thuật của đất trời. Thiên nhiên thật đầy tính sáng tạo, nó sản sinh ra một thứ cây ô-liu mà khi già vỏ cây của chúng khô khốc nứt nẻ như sắp chết, nhưng cây vẫn mang trên mình những chiếc lá xanh tươi nhọn hoắt và nhất là mang đầy những trái. Hàng tỉ trái ô-liu nhỏ xíu đó cho một thứ dầu chứa đầy tinh lực, rất tốt cho sức khỏe và có khả năng chống bệnh tật, là nguồn thực phẩm bao đời cho các hiền nhân thời xa xưa đến các nông dân vẫn còn ngồi trên lưng lừa của thời đại ngày nay.
Là hòn đảo cực nam, Crete còn là một miền thiên nhiên của thứ cây trái nhiệt đới như chanh, cam, chà-là… Thế nhưng, điều làm dân Crete hãnh diện nhất là họ bắt đầu có rừng dừa, dù đó chỉ là một vùng nhỏ của cực đông hòn đảo, tại một vùng bờ biển mang tên Vaj. Khách đi đường đèo vài chục cây số đến đó sẽ chỉ thấy một bãi biền với cát mịn và rừng dừa. Tại Vaj, khách ngỡ ngàng vì không thấy những thứ quen thuộc như khách sạn, nhà hàng… được xây dựng vì Crete chỉ muốn nơi đây chỉ có cát trắng, nước xanh và rừng dừa. Nước biển màu nhung thẫm vì Crete ở đâu cũng sẵn nhưng cát trắng và mịn thì vắng bóng trên những bờ biển nhiều đá của đảo. Còn dừa thì chỉ một miền cực đông này mới có. Có ai từ phía Đông, từ châu Á từng mang dừa đến đây trồng trên đất nước Hy Lạp, hay gió phương Đông đã thổi đến đây?
Trên hòn đảo cực nam Crete có một thị trấn nằm phía cực Nam: Ierapetra. Do đo, Ierapetra được xem là thành phố cực Nam của châu Âu. Người châu Âu có óc hóm hỉnh và chút tò mò về lãnh thổ, họ lấy làm thú vị khi thấy điểm cực Nam của châu Âu còn "thấp" hơn cả Tehran của Iran hay Bắc Kinh của Trung Quốc. Thực thế, Ierapetra gần như một thành phố nhiệt đới. Giữa tháng 10 mà khách vẫn cảm được hơi nóng hừng hực của mặt trời và chờ đợi gió mát từ biển thổi vào. Thành phố Ierapetra ngày nay chỉ trên mười ngàn dân nhưng đón nhiều du khách vì có kẻ muốn đi ngủ xa để trốn lạnh khỏi những kinh thành đầy sương mù và tuyết giá như London, Berlin, nhưng vẫn còn trong địa phận châu Âu.
Với vị trí đặc biệt của mình, Ierapetra còn ghi dấu chân một nhân vật đặc biệt, một thiên tài quân sự: đại đế Napoleon Bonaparte (1769-1821). Chàng sĩ quan trẻ tuổi Napoleon vốn là dân đảo Corse, xuất thân từ một dòng họ bình thường. Được theo học một trường quân sự, chàng sớm trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Mới 24 tuổi Napoleon đã mang hàm cấp tướng. Những năm cuối thế kỷ thứ 18, Napoleon đem quân đánh thắng Hà Lan, Áo trên chiến trường Bắc Ý. Thời đó Pháp muốn xâm chiếm cả nước Anh nhưng cuối cùng họ đánh chiếm Ai Cập để hạn chế ảnh hưởng của đế quốc Anh tại phương Đông, sau đó tiến chiếm Ấn Độ, vốn là thuộc địa của Anh.
Napoleon, lúc đó mới 29 tuổi, được cử làm lãnh đạo cuộc viễn chinh. Ngày 19-5-1798, Napoleon huy động khoảng 30.000 quân và hàng trăm tàu chiến, lên đường vượt Địa Trung Hải. Quân Anh biết lực lượng hải quân Pháp ra trận nhưng không biết họ sẽ đánh vào đâu. Ngày 26-6, Napoleon bí mật đến Ierapetra và ngủ một đêm tại đó. Ngày hôm sau người ta khám phá tiền bạc và một lá thư"xác nhận" nằm dưới gối, lúc đó người khách lạ đã lênh đênh trên biển, hướng về thành phố Alexandria, cực Bắc của Ai Cập. Ngôi nhà mà Napoleon đã tá túc về sau được gọi là "Ngôi nhà Napoleon", ngày nay vẫn còn được giữ gìn cẩn thận.
Thời đại của Napoleon cũng là thời hoàng kim của một thiên tài quân sự khác ở phương Đông. Đó là một người Việt Nam mang tên Nguyễn Huệ.
Như nhiều lãnh tụ kiệt xuất trong lịch sử thế giới, Nguyễn Huệ cũng xuất thân từ một dòng dõi bình thường. Tổ tiên ông bị di dân từ Nghệ An vào Quy Nhơn khai hoang, đến một huyện có tên Tây Sơn. Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lớn lên trong không khí sôi động của những tháng ngày khởi nghĩa chống cường quyền. Năm 1771 Tây Sơn vùng dậy, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Huệ bắt đầu phát huy tài năng quân sự của mình. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Nam tiêu diệt quân chúa Nguyễn. Tám năm sau, Nguyễn Huệ lại vào Nam chặn đứng đạo quân Chămpa, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Mùa thu năm 1788, dưới triều vua Càn Long, quân Thanh tiến chiếm kinh thành Thăng Long, đe dọa nền độc lập của đất nước. Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Ông tập hợp binh sĩ, làm lễ tế trời đất tại núi Bân ở Phú Xuân và xuất quân đánh quân Thanh. Khoảng 10 ngày sau, Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long, đó là ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu. Đây là một chiến thắng thần tốc nhất và cũng rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đời sau cho rằng Quang Trung là "anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 18".
Không chỉ xuất sắc trong binh nghiệp, Nguyễn Huệ cũng biết chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng đất nước. Công chúa Ngọc Hân có thơ ca ngợi ông:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
Di tích để lại đáng chú ý là núi Bân, nơi xuất phát sự nghiệp quân sự lừng lẫy của Nguyễn Huệ. Hơn hai trăm năm sau, một đứa cháu chắt lạc loài của Nguyễn Huệ bỗng nhớ đến núi Bân khi đứng trước ngôi nhà Napoleon tại Ierapetra, vốn cũng là chốn dừng chân cuối cùng của vị danh tướng người Pháp trước khi lên đường đi đánh Ai Cập. Hai thiên tài quân sự cùng sống trong một thời đại, cùng phát huy tài năng của mình trong độ tuổi còn rất trẻ, nhưng cuộc đời của họ hoàn toàn khác nhau.
Sau đêm nọ tại Ierapetra, Napoleon theo đường biển đi Ai Cập và chuốc lấy đại bại đầu tiên trong cuộc đời phi thường của mình. Đó là trận thủy chiến nổi tiếng Abukir, nơi mà Napoleon mất khoảng 5.000 binh sĩ. Tháng 8-1799, ông lên tàu về Pháp và chỉ ba tháng sau ông đảo chính, thiết lập một chế độ quân phiệt, giành quyền lực về tay mình. Năm 1804, Napoleon trở thành đại đế của nước Pháp, bành trướng quyền lực khắp châu Âu, kể cả vùng Đông Âu. Lên tới cực điểm, ngôi sao của Napoleon bắt đầu lu mờ với chiến bại khi đánh vào nước Nga năm 1812. Năm 1814, Napoleon bị buộc phải từ bỏ quyền lực nhưng tham vọng đế vương của ông vẫn còn bùng lên lần cuối. Cuối cùng, năm 1815, với trận chiến nổi tiếng Waterloo, Napoleon bị bắt lưu đày trên một hòn đảo và mất vào năm 1821. Thế nhưng, dân tộc Pháp vẫn kính trọng người con ưu tú của mình và năm 1840 thi hài của ông được đưa về đền thờ trang trọng nhất tại Pháp, Les Invalides.
Đời sau thừa nhận Napoleon là một nhân vật lịch sử xuất chúng mà tài năng và sự nghiệp của ông hậu thế không mấy người sánh nổi. Do đó, ngôi nhà nhỏ bé trên đảo Iarepetra mà Napoleon chỉ tá túc một đêm vẫn được nhiều người thăm viếng. Nhiều nhà khảo cứu lịch sử vẫn lấy làm tiếc vì không tìm thấy chiếc giường của đêm hôm đó, một đêm mà hẳn Napoleon không thể ngủ được trước khi ra trận.
Còn ở phương Đông, lăng mộ của Nguyễn Huệ ở đâu, núi Bân bây giờ ra sao? Năm 1792, chỉ bốn năm sau khi đại thắng quân Thanh và thiết lập vương triều, Nguyễn Huệ bất ngờ chết sớm ở tuổi 39. Sau cái chết của Nguyễn Huệ thì triều đại của ba anh em họ Nguyễn bắt đầu suy tàn.Và một nhân vật họ Nguyễn khác bắt đầu xây dựng cơ đồ, đó là Nguyễn Ánh. Năm 1802, Nguyễn Ánh đạt thành công lớn, chiếm lĩnh toàn bộ giang sơn, thành lập nhà Nguyễn. Sau khi "thống nhất sơn hà" từ Nam chí Bắc, hẳn Nguyễn Ánh đã quên sự nghiệp giải phóng Thăng Long của nhà Tây Sơn mà vẫn còn nhớ tổ tiên mình bị Nguyễn Huệ giết hại nên nghiền nát lăng mộ và đem đầu lâu Nguyễn Huệ đi… cầm tù. Đó là tâm lượng và cách hành xử của một nhà vua Việt Nam đối với kẻ tử thù, một người lớn hơn mình chín tuổi và đã chết từ mười năm trước.
Ngày nay người ta biết rõ, nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không giải phóng Thăng Long năm 1789 thì bản đồ Việt Nam sẽ khác hẳn. Thế nhưng núi Bân, một thời là nơi xuất phát một chiến tích hiển hách và vô cùng hệ trọng cho số mệnh của cả dân tộc, của cả 13 đời vua triều Nguyễn và của các thế hệ ngày nay, bây giờ cũng đã rơi vào quên lãng. Núi Bân chỉ cách trung tâm thành phố Huế vỏn vẹn ba cây số nhưng người dân sống tại Huế lẫn du khách đến Huế không mấy ai biết đến ngọn núi này. Núi Bân bây giờ được gọi là "cồn mồ", chỉ chơ vơ một tấm bia. Trong vài năm gần đây người ta có đến đó, nhưng không phải để tìm hiểu một thời đại huy hoàng của dân tộc mà để giành đất xây mồ mả.
Khách đi xa về, từ miền Địa Trung Hải, đến đọc tấm bia ghi vài hàng chữ nói về chiến công hiển hách của người xưa, rồi nhìn quanh, bỗng thấy lòng tê tái.
Màu phượng thắm
Sắc màu trong thiên nhiên thường rất thắm. Màu mây, màu núi, màu biển, màu lông chim cánh bướm thường làm ta kinh ngạc bằng sắc thắm của chúng, làm ta bâng khuâng tự hỏi phải chăng tạo hóa siêu việt hơn con người còn ở chỗ biết "chế tạo" ra những sắc màu vượt xa tất cả những chất liệu nhân tạo. Ngay cả máy vi tính với khả năng sinh ra hàng triệu màu cũng không bao giờ cho được một gam màu đủ đậm đà để được ta gọi là "thắm". Tôi nghiệm rằng sức thắm của sắc màu có lẽ nhờ ánh sáng mặt trời và cấu trúc của vật thể. Phải chăng đá núi, nước biển, lông chim, cánh bướm có những cấu trúc bề mặt đặc biệt mà khi chiếu vào, tia sáng mặt trời bị khúc xạ, phản chiếu một cách nhất định để ta thấy chúng phải ra một sức sáng, sức sâu, sức thắm đượm. Nhưng đó là cách giải thích duy vật, tia sáng mặt trời thực chất là gì thì cũng không mấy ai rõ. Hay ánh sáng là tâm đang hiện hành? Và sắc màu thiên nhiên đang khoe sắc thắm dưới ánh mặt trời phải chăng là tâm đang tươi cười nhìn ngược lại chúng ta?
Nói đến sắc màu trong thiên nhiên thì tất nhiên ta không thể quên hoa. Hoa lá thì dường như loài nào cũng có sắc đậm đà nhưng đối với tôi, hầu như hễ nói đến "màu hoa thắm" thì chỉ có thể là phượng vĩ. Cây phượng dáng mỹ thuật, lá kép lông chim xanh bóng. Giữa những tán lá màu xanh khỏe mạnh là những cụm hoa lớn đỏ rực. Và chỉ rực một màu đỏ thắm. Phượng vĩ lại thường nở rộ vào những ngày hè chói chang nên hoa phượng càng sáng, càng tươi, càng thắm, càng rực rỡ. Hoa càng thắm thì dường như lá càng xanh ngắt. Phượng vĩ thắm rực trong nắng hè do đó là kỷ niệm đời học sinh của mỗi chúng ta, của thời kỳ chơi đùa nhưng cũng là mùa thi cử nhọc nhằn, của niềm vui tươi xanh nhưng cũng đánh dấu những buổi chia tay đầu đời.
Thế nên người ta hay gắn phượng vĩ với sân trường, với tiếng hò reo của tuổi thiếu niên, với lưu bút học trò có khi đẫm đầy lệ. Theo tôi thật ra, đó không phải là chỗ đắc địa của phượng vĩ. Nếu đi lần vào những con đường hẻo lánh hơn của thành nội ở xứ Huế quê tôi, ta sẽ khám phá phượng vĩ dưới một "ánh sáng" khác. Bên cạnh những chùm hoa đỏ rực là những bức tường thành cổ đen sì, có nơi loang loáng chút rêu xanh. Những bức tường thành này có bề dày cả thước, có tuổi gần hai trăm năm, thầm lặng làm chỗ dựa cho những cây phượng sung mãn và trẻ trung. Hoa phượng hồn nhiên khoe sắc, thân cành rung rinh trong gió, dường như đang rì rầm chuyện trò với đám rêu xanh bám tường. Rêu cũng là một loài thực vật hẳn hoi, cũng có sắc màu của nó và nhất là cũng biết óng lên một thứ sắc xanh lục thắm đượm. Phượng vĩ bên thành cổ! Sức sống thanh niên và sắc màu rực rỡ đối diện với bề dày của quá khứ, với đất đá vô sinh, với cái đã chết, với sự ngậm ngùi câm lặng. Thành cổ đã chứng kiến những gì Thành cổ đã thuộc về lịch sử, cái đang tràn trề sức sống là hoa phượng này đây. Thế nhưng, dưới gốc phượng cũng đã rải rác vài đốm hoa màu xác pháo. Hoa sẽ chóng tàn và thành cổ sẽ trường tồn với thời gian.
Cái sống và cái chết, cái tĩnh và cái động, cái hữu cơ và cái vô sinh đang nằm hài hòa bên nhau. Và nhất là sự tĩnh mịch! Trong sự tĩnh mịch này, vắng mọi thứ tiếng của thế gian, phượng vĩ và thành cổ như giao hòa trong một giai điệu chung của thời gian. Chỉ trong sự tĩnh mịch này, thần thức của thiên nhiên bỗng nhiên lộ rõ.
Cũng là thiên nhiên cả nhưng châu Âu không có phượng vĩ. Dường như loài hoa này chỉ sống tại miền Nam châu Á và nhất định chỉ nở hoa vào những tháng nóng nực nhất. Thật ra, nhiều loại cây vốn của miền nhiệt đới nay đã được chiết giống để chịu được băng tuyết mùa đông. Đó là các loại tre, trúc, hoa trà mi, hoa dâm bụt... mà ngày nay ta đã thấy khắp mọi nẻo đường ở châu Âu. Loài phượng vĩ thuộc giống rất dễ tính, trồng bằng hạt, ươm gieo trong vườn không khó và cứ cao hơn một thước là ta có thể "đánh" ra trồng chỗ cố định. Thế nhưng dường như nó cự tuyệt mùa đông châu Âu. Nghe ra cũng dễ thông cảm và thấy gần giống với tâm tính người Việt mình.
Khí lạnh châu Âu không hể làm màu hoa kém tươi. Trái lại, hãy đến thăm châu Âu vào tháng tư để biết thế nào là sắc màu và lòng hào phóng của thiên nhiên. Mùa xuân, cành lê cành táo nhiều hoa hơn lá. Loài hoa tu-1íp có nhiều màu mà màu nào cũng thắm đậm ngọt ngào. Hoa đào Nhật Bản mang một sắc hồng trinh nguyên làm người xem phải biết trân trọng. Thế nhưng chưa có một màu hoa nào được ta gọi là "thắm", để tôi phải nhớ đến màu phượng vĩ. Cho đến một ngày...
Cho đến một ngày hè châu Âu tôi khám phá một loài hoa, cây thấp chưa đầy ba tấc, thân mềm, mọc ở bờ rừng bờ ruộng. Hoa mọc hoang ven đường, cành lá run rẩy dữ dội khi xe chạy qua. Hoa mang một màu đỏ đậm nhưng lá hoa quá mỏng nên sắc luôn luôn sáng trong. Màu này thì mới đáng được gọi là "thắm". Đó là một sắc màu làm say lòng người. Tôi bỗng nhớ màu phượng, cả hai đều thắm. Chúng mang một sức thắm đậm làm ta ngỡ thiên nhiên phải là một đại họa sư, có biệt tài pha chế màu sắc. Nhưng chúng cũng khác nhau. Nếu phượng vĩ cũng có sắc đỏ nhưng pha chút gam màu cam thì loài hoa lạc loài này cũng một màu đỏ nhưng vừa trong vừa đậm như rượu vang, có khả năng mê hoặc con người. Tôi bỗng nhân cách hóa màu hoa phượng, cho nó là một chàng thiếu niên đầy niềm vui và sức sống. Như thế thì sắc màu của loài hoa không tên này phải là một phụ nữ kiều diễm và sang trọng.
Loài hoa không tên đó về sau tôi nghe người Đức gọi là Mohnblumen, "hoa thuốc phiện". Thứ hoa mọc hoang này, dù trông ra mỏng manh nhưng sống rất lâu không chịu tàn trong những tháng mùa hè. Thì ra cây đó thuộc cùng một giống với các loại cây nha phiến chết người. Cho nên loại cây này tha hồ mọc hoang nhưng không ai được đem về trồng trong nhà. Hoa bị con người phân biệt đối xử, chẳng phải vì hoa kém đẹp kém thơm mà chỉ vì lòng người sợ hãi niềm đam mê của chính mình. Nhưng nếu con người không còn đam mê thì điều gì mới làm ra tính người?
Phải chăng màu sắc đầy tính chất mê hoặc của hoa thuốc phiện cũng đã nói lên tính chất của nhựa hoa đối với con người, tôi bâng khuâng tự hỏi. Tôi là một phần của thiên nhiên hay thiên nhiên là một phần của tôi mà nhìn hoa biết tính? Không, sự đam mê nằm ở người chứ không ở hoa. Tôi không hài lòng lắm với tên "hoa thuốc phiện", một cái tên đầy sự sợ hãi và khinh miệt. Về sau hỏi lại bạn bè người Việt, tôi mới biết đó là hoa anh túc. Ôi, thì ra hoa anh túc là đây, một loài hoa mà danh xưng của nó tôi đã nghe từ lâu.
May thay tôi biết đến cái tên văn học này để thay thế cho một tên trần trụi kia, một cái tên không thể xứng hợp với sắc màu siêu nhiên của nó. Phượng vĩ hay anh túc, dù hai thứ dường như không bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai đều đỏ thắm, đều làm say lòng người, cũng đều chịu một kiếp hoa, nhưng cũng đều là tác phẩm của tâm đang vận hành.
Ngày nọ, bước đường lữ khách dẫn tôi đến Aswan, một thành phố nằm trên bờ sông Nile, thuộc xứ Ai-cập ở miền Bắc châu Phi. Sông Nile, với chiều dài hơn 6600 km, là giòng sông dài nhất trên thế giới. Theo người Ai-cập, Nile là khởi thủy của thế giới, là nguồn gốc của tất cả mọi đời sống. Trong một vùng đất sa mạc của Bắc Phi, quả thực sông Nile là nguồn suối của mọi loài sinh vật, động vật cũng như thực vật. Chỉ xung quanh sông Nile mới có màu xanh, có ốc đảo, có cư dân. Đến Ai-cập mới biết đất nước Việt Nam là một ốc đảo xanh tươi vĩ đại. Nhưng Ai-cập khác tất cả các nước khác vì hoa trái đích thực nở ra trên vùng đất khô cằn này là một nền văn minh vô song, đó là nền văn minh cổ nhất của nhân loại còn giữ lại được tới ngày hôm nay.
Aswan có thể được xem là viên ngọc nằm trên sông Nile, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới. Tại Aswan ta có thể cùng một lúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của sa mạc, màu vàng rực rỡ và trần trụi của cát và đá, màu xanh thẫm của nước sông Nile mà ở đây lặng lờ như mặt hồ. Aswan là một thiên đường của sắc màu và sự tĩnh lặng. Lác đác trên sông là những chiếc thuyền buồm đặc biệt mà người địa phương gọi là falucca với những cánh buồn trắng thật cao, trông như những cánh bướm chập chờn. Khi hoàng hôn xuống, sắc đỏ của ánh dương chen với sắc vàng của sa mạc lẫn trong tiếng nhạc của dân Nubian cho ta cảm tưởng ở đây dường như không phải là trần thế. Có lẽ vì thế là Francois Mitterand, vị tổng thống Pháp, khi biết 1996 mình không còn sống được lâu, năm 1995 đã đến đây sống một thời gian, nói trước lời vĩnh biệt.
Aswan là một trong những ốc đảo của sông Nile, là nơi sinh ra không biết bao nhiêu hoa lá nhiệt đới, nhất là loại cây chà-là cùng họ với loài dừa của ta. Và bất ngờ thay, tôi gặp phượng vĩ tại Aswan. Thì ra châu Phi mà cũng có phượng, tôi ngẩn người tự nhủ. Dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, phượng vĩ châu Phi cũng không khác gì của chúng ta, cũng thân cành mỹ thuật, cũng lá kép lông chim xanh bóng, cũng những cụm hoa màu đỏ rực pha chút gam màu cam. Và sức thắm của sắc màu! Màu phượng vĩ ở đâu cũng thắm đượm như nhau.
Phượng vĩ dễ gieo dễ trồng thật nhưng ai đã đem phượng qua xứ Phi châu xa xôi này? Nhưng không phải chỉ phượng vĩ, trên những nẻo đường Ai-cập tôi khám phá cả những cây bồ-đề với đuôi lá dài nhọn, cả ao sen trắng với cành lá vươn cao trên mặt nước. Thiên nhiên là ai, là nhiều hay chỉ một? Tâm là gì, là chỉ một hay nhiều? Hoa lá bên ngoài và niềm say bên trong là một hay khác? Bất ngờ thay, về sau tôi tìm thấy trong một cuốn sách chuyên môn, cho hay phượng vĩ xuất phát từ Madagascar, một hòn đảo thuộc châu Phi. Nếu thật như thế thì châu Phi mới chính là quê hương của phượng vĩ. Những hàng phượng tại các con đường tại Hải Phòng, Nha Trang hay bên thành cổ xứ Huế chỉ là hậu duệ của một loại hoa có sức thắm rực rỡ của một mặt trời châu Phi.
Cũng trên đất Ai-cập này, tôi nhớ lại tường thành đen sì xứ Huế mà ngày xưa tôi tưởng rất cổ. Thành quách của nền văn minh Ai-cập để lại không phải được tính bằng vài trăm năm mà bằng thiên niên kỷ, của những thời đại mù khơi trước công nguyên. Từ Aswan dòng sông Nile chảy lên phía Bắc và đổ ra Địa Trung Hải tại thành phố biển Alexandria. Đoạn sông dài một ngàn cây số đó là chứng tích của một nền văn minh sâu thẳm không ai dò tới đáy. Được truyền tụng nhiều nhất là những kim tự tháp đầy huyền thoại nằm ở hạ lưu sông Nile mà niên đại của chúng được ghi là khoảng thế kỷ thứ 27 trước công nguyên. Đó là những năm tháng nghe lạ tai, vì tính sơ thì chúng được xây dựng từ 4700 năm trước. Đó là những thời đại hầu như thần thoại vì khoảng cách từ đó đến đầu công nguyên còn xa hơn từ đầu công nguyên đến bây giờ.
Kim tự tháp là những công trình nguyên sơ còn lại tới ngày nay. Ngoài ra, những đền đài ta thấy tại Ai-cập đều cũng là những phế tích rất xưa, nhưng thật ra chúng liên tiếp bị phá hủy và tái thiết trong những thời đại hoàn toàn khác nhau, cách nhau vài trăm năm là thường. Đứng trước những công trình đó tôi không sao cảm nhận được sự khác biệt về thời gian của chúng. Tôi đã nhiều lần cố ngẫm nghĩ về thời gian và thấy mình không bao giờ hiểu được chiều sâu của nó. Chúng ta có thể hình dung một khoảnh thời gian một tuần, một tháng, một năm, nhiều nhất là hai, ba mươi năm. Nhưng chúng ta không thề hình dung một khoảnh thời gian vượt quá một đời người. Hai trăm năm của tường thành xứ Huế đã là quá lâu, nói chi đến phế tích vài ngàn năm. Sức tư duy và cảm nhận của chúng ta về không gian lớn hay nhỏ, về thời gian dài hay ngắn, về thiên nhiên là một hay nhiều, tất cả đều bị đời làm người qui định, bị giới hạn trong mức độ "trung bình" đó.
Điều mà chúng ta cảm nhận được và mang lại vô số cảm khái là sự tương phản. Thiên nhiên rực thắm tương phản với màu xám của tri thức. Cánh hoa trẻ trung bên cạnh tường thành uy nghi và xưa cũ. Tại Ai-cập sự tương phản đó hẳn đạt đến mức tuyệt đối. Dọc hai bờ đông tây của sông Nile từ Aswan đến biển, bên cạnh phượng vĩ, sen trắng, chà-là xanh là vô số thành quách, đền đài, lăng mộ của các nhà vua, hoàng hậu, thái tử, công nương của các triều đại. Trong số các đền đài đó có một công trình mang tên đền Karnak, thờ thần Amun. Đề Karnak lưu giữ những chứng tích của một nền văn hóa tôn giáo và kiến trúc của thế kỷ 13 trước công nguyên, tức là cách đây khoảng 3300 năm. Ngày nay đến phế tích đó không ai không khỏi kinh ngạc trước khả năng kỳ diệu của người xưa mà công trình nổi bật nhất hẳn phải là một tòa lâu đài nay đã mất mái gồm 134 trụ đá có trụ đường kính hơn ba mét và cao 21 mét. Trên những trụ đá đó là vô số hoa văn, vốn là chữ viết của một thời xưa cũ. Thứ chữ Hieroglyphs này, một trong những chữ viết cổ nhất của nhân loại, được xem là quà tặng của thần thánh, gần đây, mãi thế kỷ thứ 19 mới được một người Pháp tên là Champollion giải mã.
Tại các phế tích của thời cổ đại Ai-cập, người ta hay tổ chức những buổi Sound & Light vào đêm, diễn lại nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của các đền đài. Trong bóng đêm, tôi cùng đoàn người men theo những con đường lát đá hoa cương, trở lại những trụ đá khổng lồ với chút lòng run sợ mình đang phá rối giấc ngủ của các vị thần. Bỗng nhiên giữa các hàng cột đá một vầng trăng đỏ ối xuất hiện như một ngọn đèn hồng. Tôi rùng mình. Thiên nhiên hiện ra vô cùng bất ngờ và vĩ đại. Một nguồn cảm khái tràn ngập tim tôi. Thời gian là gì? Vầng trăng hẳn phải xưa cũ hơn các hàng trụ đá nhưng vẫn ánh trăng sinh động, trẻ trung, đang hiện hữu trong từng bước chân tôi, có thực như tâm tôi đang kính sợ. Thiên nhiên thực là tâm đang hiện hành hay thiên nhiên đang soi bóng trong tâm? Hay cả hai cách nói chỉ là một? Tôi bỗng nhớ những lời thơ trong bài Đạo ý của Nguyễn Du:
Minh nguyệt chiếu cổ tĩnh
Tĩnh thủy vô ba đào
Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất giao
Túng bị nhân khiển xả
Nhất dao hoàn phục chỉ
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tĩnh thủy
Trăng sáng lòng giếng cổ
Nước giếng không ba đào
Không bị người khuấy động
Lòng này không chút xao
Đã bị người khuấy động
Xao rồi trở yên lặng
Vằng vặc một mảnh lòng
Gióng trong trăng gọi bóng.
“Trạm trạm nhất phiến tâm", lạ thay! Ánh sáng chính là tâm, vầng trăng là "một mảnh lòng". Một mảnh lòng nhớ thời thơ ấu có phượng vĩ, có cổ thành, có trăng thanh, có vần thơ... hiện lên giữa những hàng cột đá thờ thần Amun tại Ai-cập. Một mảnh lòng kính sợ trước sự bí nhiệm của thiên nhiên và tài năng của người xưa. Phế tích vài ngàn năm này không hề "câm lặng" như nhiều người hay nói mà cái thần của nó đang quyện vào lòng người, hiện lên làm tôi choáng ngợp. Không cần thiên nhiên phải tĩnh mịch, cũng không phải vì bóng đêm huyền bí, mà nói như Nguyễn Du, nhờ "nước giếng không ba đào".
Khi tâm tĩnh lặng thì quá khứ ngàn năm và thiên nhiên vô tận chỉ nằm trong một màu hoa thắm.
7.2005
Nguyễn Tường Bách
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaIt features inflatable seats with backrest offering utmost comfort level to the paddler.
Trả lờiXóa.best inflatable fishing kayak under 500