Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Một ngày giữa vùng rừng tràm Trà Sư

Một ngày giữa vùng rừng tràm Trà Sư
Du khách sẽ được tận hưởng thiên nhiên trong lành, xanh mướt, yên bình và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà tình quê.
Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình ở vùng ngập nước phía Tây sông Hậu đã tạo dấu ấn rất riêng trong lòng du khách với những trải nghiệm thú vị. Hãy thử một lần đến nơi đây để cảm nhận trọn vẹn sự yên bình và nên thơ của miệt sông nước miền Tây Nam bộ. Du khách có thể đến Châu Đốc theo cung đường phổ biến nhất là từ TP HCM. Bạn chạy xe theo quốc lộ 1A đi qua cầu Mỹ Thuận, rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc, qua phà Vàm Cống để sang Long Xuyên (An Giang). Từ Long Xuyên, du khách chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Hành trình đến với Châu Đốc dài khoảng 250 km.
Du khách có thể đi xe máy hoặc nếu đi xe khách thì có rất nhiều hãng xe chạy tuyến TP HCM - Châu Đốc. Các hãng xe này thường khởi hành từ bến xe miền Tây hoặc tại văn phòng của các hãng xe ở TP HCM. Giá vé dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một vé (tùy xe dạng thường hoặc xe chất lượng cao). Xe dừng tại bến xe Châu Đốc hoặc tại văn phòng của các hãng xe tại Châu Đốc (hầu hết các hãng xe đều có dịch vụ xe đưa đón miễn phí tại Châu Đốc). Ngoài ra, chỉ với 48.000 đồng, mỗi du khách có thể vào tham quan và trải nghiệm cả khu rừng tràm Trà Sư thú vị nơi đây.

Nằm bên ngã ba của sông Châu Đốc và sông Hậu, TP Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của An Giang nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Với hệ sinh thái đa dạng cùng vẻ đẹp ấn tượng của thiên nhiên ban tặng, rừng tràm Trà Sư được ví như "con đường nước" và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách.
Khu rừng này nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. Cảnh vật vào rừng tràm xanh mướt một màu và mát mẻ quanh năm. Đường vào rừng tràm được trải nhựa đến tận cổng rừng. Tới Trà Sư, du khách sẽ đi bộ khoảng 500 mét là vào cửa rừng.
Những đầm bèo bao la và hàng cây xanh mát dọc bên đường sẽ tạo cho du khách một cảm giác gần gũi, thân thiện. Tại đây, du khách sẽ được những chiếc tắc ráng đưa vào tham quan cả khu rừng tràm.
Với diện tích gần 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh của tràm, phía dưới là đám bèo tây mơn mởn giăng kín mặt nước. Du khách sẽ được tắc ráng rẽ nước để đưa vào sâu trong rừng tràm để tham quan.
Thi thoảng, du khách sẽ bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng, hoa sen hay trên các vạt bèo. Người lái tắc ráng sẽ dừng máy để du khách có thể thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi đây.
Sau khi tới một bến dừng chân bên trong rừng, du khách sẽ được chuyển sang một chiếc xuồng chèo tay loại nhỏ. Từ đây, chiếc xuồng rẽ con nước đưa du khách vào khu vực đẹp nhất của Trà Sư. Nơi đây có những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước, rất thú vị và nên thơ.
Những cư dân sinh sống ở khu vực rừng tràm vừa chèo ghe vừa là hướng dẫn viên giới thiệu nét đẹp Trà Sư cho du khách. Người chèo ghe sẽ đi thật chậm, đủ để bạn cảm nhận thiên nhiên tĩnh lặng, ngắm những bầy chim đậu trên những cây tràm, chen lẫn với màu xanh thẫm lách qua những bụi tràm cổ thụ, xuyên vào rừng.
Du khách có thể vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực hai bên, cùng những dãy tràm xanh mướt. Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, du khách sẽ thích thú khi chứng kiến những đàn chim bay về tổ rợp cả bầu trời.
Những cây tràm bên lề đường vẫn cao hơn mặt nước hình thành những “con đường nước” quanh co, uốn lượn, xanh mướt một màu. Những "dòng sông bèo" bắt đầu dày đặc hơn trên đường đi vào rừng chim. Đi sâu trong khu rừng này còn có một vương quốc các loài chim nằm sâu trong rừng tràm như cò, sen điên điển, dơi ngựa...
Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11 hàng năm). Bèo cám phủ một tấm thảm màu xanh lên “mặt đường”, hai bên tràm vòng tay che mát. Thỉnh thoảng, tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá... làm xáo động không gian yên tĩnh của cả một khu rừng xanh mướt.
Tại khu rừng này có một đài quan sát để du khách có thể xem tổng thể 845 ha cả khu rừng. Từ trên đài quan sát, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn ở tỉnh Châu Đốc như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Ông Cấm (Thiên Cấm Sơn), tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m nằm trên ngọn núi Ông Cấm và dãy núi Sam...
Sau khi tham quan cả khu rừng tràm, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn tại những mái chòi và cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, thú vị.
Ẩm thực tại khu rừng tràm cũng mang một nét đặc trưng riêng, với những món ăn đúng chất Tây Nam bộ như món cá lóc nướng rơm, canh chua cá linh hoa điên điển...
Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ẩm thực của miệt sông nước phương Nam.
Hà Lâm
Theo http://ngoisao.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...